Bóng đá Việt Nam vừa liên tiếp nhận hai “hiện tượng” rất khó hiểu trên sân cỏ. Tình huống “biếu” bàn thắng của thủ môn Tấn Trường tại AFC Cup vẫn còn nóng hổi và các cơ quan chức năng chưa có kết luận gì thì lại đến pha đưa bóng về lưới nhà cực kỳ phản cảm của cầu thủ Văn Quân của Cần Thơ. Dù chưa thể kết luận điều gì nhưng đây là pha bóng “nhuốm màu tiêu cực”. Trong quá khứ, Bóng đá Việt Nam từng nhiều lần rúng động bởi những vụ tiêu cực, hoặc những nghi án bán độ, và 7 vụ việc mà tipbongdamoingay.mobi thống kê lại dưới đây chưa phải là tất cả
1. Vụ việc “4 cầu thủ họ Nguyễn” tại Tiger Cup 1996
Sau tấm HCB lịch sử tại SEA Games 1995, BĐVN khoác lên mình một diện mạo mới, một vị thế mới khi tham dự Tiger Cup 1996 và đây là giải đấu mà ĐTVN tiếp tục mang về tấm HCĐ khu vực. Thế nhưng trong hành trình này còn nhiều điều bí ẩn liên quan đến một nghi án tiêu cực mà đến này chưa được vén màn giải quyết.
Tại Tiger Cup 1996, dẫn dắt ĐTVN là cố HLV người Đức Weigang. Sau trận ra quân thất vọng khi chỉ thắng 3-1 trước đối thủ yếu, đến trận thứ hai gặp Lào, ĐTVN thua 0-1 trong Hiệp 1 và ở giờ nghỉ giải lao, HLV người Đức đã chỉ thẳng mặt 4 cầu thủ và quát lớn: “Các anh đã nhận bao nhiêu tiền, các anh là những kẻ bán độ, phản bội tổ quốc”. Sau đó ở Hiệp 2, Huỳnh Đức là người đã có pha sút phạt thành công gỡ hòa 1-1 cho ĐTVN, bàn thắng được ví như “Đạp đổ nồi cơm của đồng đội”. Nhưng chưa hết, sau trận gặp Lào, HLV Weigang quyết làm tới cùng khi định đuổi “4 cầu thủ họ Nguyễn” về nước, sự việc sau đó được dàn xếp ổn thỏa khi trưởng đoàn Tô Hiền đứng ra giảng hòa. Tuy vậy sau khi kết thúc Tiger Cup 96, ông Weigang đã từ chức và sự việc này bị chôn vào dĩ vãng
2. Cú đá phản lưới nhà kinh điển của Lã Xuân Thắng 1997-1998
Trong trận đấu CAHN thắng An Giang 4-3 ở mùa giải 1997-1998, hậu vệ Lã Xuân Thắng có bóng từ sát đường biên dọc bên phần sân nhà bất ngờ quay lại tung chân đá bóng vào khung thành đội nhà ở phút 90, khi thủ môn Đỗ Thành Tôn đã dâng cao. Sau trận đấu, Lã Xuân Thắng còn tuyên bố “Tôi làm tôi chịu nhưng có phải tôi làm cho một mình tôi đâu”. Lã Xuân Thắng sau đó bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Công An điều tra vào cuộc và “khui” ra một đường dây bán độ, dàn xếp tỷ số tiền tỉ được giật dây bởi Toàn “còi” (anh trai cựu thủ môn Công an Hà Nội Đỗ Thành Tôn). Một trùm cá độ khác là Thắng “Tài dậu” đã thua độ 1 tỷ đồng vì cú đá về lưới nhà này của Lã Xuân Thắng
3. Trọng tài nhận hối lộ tại V-league 2004
Tại V-League 2004, trọng tài Lương Trung Việt bị cơ quan điều tra khởi tố khi phát hiện dính líu đến việc nhận tiền hối lộ để điều khiển trận đấu theo hướng có lợi cho hai đội bóng là NHĐA-TP và Cần Thơ. Cụ thể, trọng tài Lương Trung Việt cầm đầu một băng nhóm trọng tài bao gồm Việt là Phạm Hữu Lộc, Trương Thế Toàn, Hoàng Thế Dũng và Lê Văn Tú đã nhận tiền từ CLB mỗi trận từ 30-50 triệu đồng. Trọng tài Lương Trung Việt sau đó bị kết án 7 năm tù về tội làm môi giới hối lộ, các cựu trọng tài FIFA Phạm Hữu Lộc, Trương Thế Toàn, mỗi người 4 năm tù, những bị cáo còn lại cũng đều lĩnh án tối thiểu 3 năm tù
4. Nhóm 7 cầu thủ U23 bán độ, dàn xếp tỷ số tại SEA Games 2005
Đây chính là sự việc đau lòng và gây tổn hại lớn nhất đến Bóng đá Việt Nam. Tiền vệ Nguyễn Quốc Vượng là người cầm đầu khi rủ thêm 6 đồng đội khác là Văn Quyến, Quốc Anh, Văn Trương, Bật Hiếu, Hải Lâm và Châu Lê Phước Vĩnh để dàn xếp U23 Vệt Nam chỉ thắng U23 Myanmar 1 bàn. Kết quả trận đấu đúng như tính toán, Quốc Vượng nhận 490 triệu đồng. Sự việc sau đó được cơ quan điều tra làm sáng tỏ, Lê Quốc Vượng nhận án tù (4 năm), các cầu thủ khác chỉ bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Trong đó Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm và Châu Lê Phước Vĩnh bị phạt 2 năm tù về tội tổ chức đánh bạc; Lê Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh bị phạt 2 năm 6 tháng tù vì tội tổ chức đánh bạc
5. Như Thành và nghi án bán độ trước SEA Games 2003
Trước thềm SEA Games 2003 diễn ra trên sân nhà, U23 Việt Nam có giải đấu giao hữu JVC Cup để khai trương sân Mỹ Đình. Ngay từ trận đầu thua Thân Hoa Thượng Hải 1-2, một số cầu thủ trong đội đã dính vào nghi án bán độ. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không tìm ra chứng cứ cụ thể nhưng đã treo giò trung vệ Vũ Như Thành (khi đó là đội trưởng) đến 5 năm. Đây có thể coi là một bản án vẫn còn để lại nhiều dấu hỏi và Như Thành được coi như “con tốt thí” tránh việc bóng đá Việt Nam lao vào khủng hoảng ngay trước thềm SEA Games 2003 trên sân nhà
6. Thủ thành Tấn Trường với nghi án bán độ tại Chung kết SEA Games 2009
SEA Games 2009 tại Lào, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto đã chơi tuyệt hay và thẳng tiến vào chung kết. Tưởng như tấm HCV đã nằm chắc trong tay khi đối thủ chỉ là U23 Malaysia từng thua chúng ta 1-3 ở vòng bảng. Nhưng trận chung kết lại là một trận đấu cực kỳ khó hiểu của U23 Việt Nam với một bàn thua duy nhất từ sai lầm của trung vệ Mai Xuân Hợp và thủ thành Bùi Tấn Trường. Mai Xuân Hợp phá hụt bóng và sau đó Tấn Trường cũng bắt hụt dẫn đến bàn thua. Sau trận đấu, hình ảnh HLV Calisto đã bóp cổ Tấn Trường dấy lên nhiều hoài nghi những cho đến nay, chuyện gì xảy ra tại trận chung kết đó vẫn là một bí ẩn
7. 13 cầu thủ Ninh Bình bán độ tại AFC Cup 2014
Bóng đá Việt Nam tiếp tục rúng động vào năm 2014 khi 13 cầu thủ đá chính và dự bị của V.Ninh Bình thừa nhận đã nhận 800 triệu đồng để “làm độ” trong trận thắng 3-2 trước Kelantan tại vòng bảng AFC Cup trên đất Malaysia. Sự việc sau đó được phanh phui, mức án cao nhất dành cho cầu thủ chủ mưu Nguyễn Mạnh Dũng là 3 năm tù. Các cầu thủ còn lại đều được nhận án treo. CLB Nình Bình sau đó cũng giải thể.