Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 5

Cao hơn và xa hơn

Thời kỳ đỉnh cao của Arsène Wenger tại Arsenal diễn ra trong giai đoạn từ mùa giải 2001-2002 đến 2004-2005, khi câu lạc bộ giành được 5 danh hiệu quan trọng chỉ trong bốn năm. Nổi bật nhất là kỳ tích tại Giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2003-2004, khi Arsenal liên tục giành chiến thắng từ vòng đấu này đến vòng đấu khác cho đến hết giải đấu, mà không phải nếm chịu một thất bại nào; đây cũng là điều chưa một đội bóng nào trong lịch sử bóng đá Anh tái lập được kể từ sau chiến tích phi thường của Preston North End vào thế kỷ XIX; thời đó, họ chỉ phải trải qua 22 trận đấu, còn với Arsenal là 38 trận.

“Đội hình bất bại” trên còn có sự góp mặt của bộ tứ siêu đẳng vốn trưởng thành từ mùa giải 1997-1998 – gồm Patrick Vieira, Dennis Bergkamp, Ray Parlour và Martin Keown (dù anh chỉ đóng vai trò hỗ trợ bóng) – tuy nhiên, hầu hết nhân tố trong đội hình mới đã được thay máu, chủ yếu qua con đường chuyển nhượng dù huấn luyện viên của họ không phải mẫu người hoang phí. Trong 9 mùa giải đầu tiên của Wenger tại câu lạc bộ, lợi nhuận từ các danh hiệu và FA Cup được ước tính vào khoảng 44 triệu bảng (với tổng chi phí 136 triệu bảng). Ông có thể duy trì giá trị ngân sách nhờ đánh giá đúng tiềm lực các cầu thủ, và danh tiếng của họ sau này luôn gắn liền với nỗ lực bồi dưỡng của ông. Đáng chú ý nhất là Anelka và Marc Overmars với khoản thu khổng lồ khi họ lần lượt chuyển đến Real Madrid và Barcelona (23 triệu bảng và 25 triệu bảng), chiếm hơn nửa lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng thời điểm đó. Thu nhập từ những thương vụ như thế đã giúp đội bóng khẳng định vị thế hàng đầu của mình tại châu Âu, dù không phải vung tiền như ông lớn khác. Nếu phẩm chất của một huấn luyện viên xuất sắc được định nghĩa dựa trên cách đánh giá đúng giá trị cầu thủ, cộng với khả năng bồi dưỡng nhân tài, thì Wenger cùng với sự tinh tường của ông trên thị trường chuyển nhượng nhất định sẽ đứng đầu danh sách đề cử. Hơn thế nữa, cảm quan tinh tế của ông đối với thời điểm cần giải phóng một ngôi sao vẫn luôn được dư luận đánh giá cao. Dù không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bán Anelka, nhưng việc giữ lại Thierry Henry như một lựa chọn thay thế với chi phí chỉ bằng một phần ba mức giá Real Madrid đề nghị vẫn là một nước cờ xuất sắc (và ngay đến kẻ ra đi cũng đảm bảo cho tiến độ xây dựng một trung tâm huấn luyện nguy nga mới tại London Colney, mà  Bob Wilson vẫn hay gọi đùa là “Sân tập Nicolas Anelka”). Mặt khác, không thể phủ nhận chính Wenger đã tận dụng hết những năm tháng vinh quang nhất trong sự nghiệp thi đấu của Overmars, khiến danh thủ này buộc phải giải nghệ sau 4 năm rời Highbury, chưa kể khoản lợi tức 18 triệu Bảng từ thương vụ của anh.

Tiếp đó, sau khi lường trước sự sa sút phong độ của các thành viên trong Đội hình Bất bại, Wenger đã tiến hành phân tán họ − điển hình như cuộc chia tay trị giá 13,5 triệu bảng của Patrick Vieira vào năm 2005, hay cuộc đấu giá từ biệt Henry với phần thắng thuộc về Barcelona – và rồi anh cũng chia tay đội bóng này sau hai năm lận đận. Ngoài việc mở đường cho những tài năng trẻ thay thế vị trí của họ, cả hai danh thủ đều dần đánh mất cơ hội thi đấu thường xuyên tại bến đỗ mới do những chấn thương dai dẳng. Ngược lại, Wenger đã hoàn thành rất tốt những gì ông phải làm, dù khi đó một số cổ động viên đã chỉ trích ông là kẻ thực dụng, sau những thành quả Henry và Vieira đã cống hiến cho câu lạc bộ. Dù hiểu rằng người hâm mộ sẽ thất vọng khi chứng kiến người hùng của họ ra đi, Wenger vẫn không chút nương tay khi kết quả đã chứng minh quyết định của ông là đúng đắn – ngay đến những tài năng bị loại bỏ và các danh thủ quốc tế dày dạn kinh nghiệm cũng buộc phải thừa nhận điều đó, trước khoản lợi nhuận dồi dào Wenger đã mang về cho đội bóng (dù một số cá nhân với sự nghiệp thăng tiến sau khi ra đi, như Matthew Upson, Jermaine Pennant, David Bentley và Lassana Diarra, có thể phản đối rằng hành động của Wenger quá xảo quyệt).

Như vậy, từ khoản tiền thu được trong các thương vụ chuyển nhượng, cùng với doanh thu từ Champions League, Wenger đã xây dựng thành công đội hình “thứ hai” của ông. Mùa hè năm 2000 đã chứng kiến những khoản chi quan trọng trước khi mùa bóng khởi tranh. Nổi bật trong tính cách của những danh thủ mới gia nhập (bao gồm Robert Pires, Lauren và Sylvain Wiltord) chính là sự bỡ ngỡ của họ đối với bóng đá Anh. Thực tế, trong trận đối đầu với Crystal Palace vào Lễ Tình nhân năm 2005, lần đầu tiên trong lịch sử Giải Ngoại hạng, Arsenal đã ra sân với 16 cầu thủ hoàn toàn là người ngoại quốc.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải tất cả tin xấu đối với những nhà ái quốc xứ sở sương mù. Ashley Cole và Sol Campbell đã không thể ra sân trong cuộc đọ sức với Palace vì vấn đề sức khỏe và chấn thương, dù cả hai danh thủ của đội tuyển Anh đều là nhân tố quan trọng trong kế hoạch hoàn thiện hàng thủ của Wenger.

Trong khi Cole phải chật vật giữ vị trí, thì Campbell đã ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do (và thu lợi sau đó từ một điều khoản cá nhân hậu hĩnh do Tottenham đã ngu ngốc để hợp đồng của anh hết hạn).

Tuy nhiên, hai gương mặt mới tiếp theo đã chứng minh rằng: dù nhạy bén đến đâu trên thị trường chuyển nhượng, Wenger cũng có lúc mắc sai lầm. Thủ thành Richard Wright – chuyển đến từ Ipswich nhằm cạnh tranh vị trí với David Seaman – đã góp mặt đủ số trận để giành danh hiệu ngoại hạng và được chỉ định bắt chính trong mọi vòng đấu FA Cup, nhưng cuối cùng vẫn phải nhường chỗ cho lựa chọn số một, David Seaman trong trận chung kết. Không ai dám tin Wright sẽ phải ra đi ngoài người đồng nghiệp lớn tuổi của anh, nhưng điều đó đã trở thành sự thật – đội bóng đã chấp nhận lỗ 2,5 triệu bảng và bán anh sang Everton. Một thất bại đáng chú ý khác là Francis Jeffers, tiền đạo trị giá 8 triệu bảng với phong độ cực kỳ tệ hại như nhấn mạnh sự lãng phí của đội bóng đối với anh, đã buộc phải chuyển đi với khoản lỗ 5 triệu bảng; bản thân anh cũng chỉ góp mặt trong vài trận đấu với số bàn thắng ít ỏi. Wenger phải đợi đến 5 năm trước khi ông có thể tin tưởng bồi đắp một tài năng người Anh khác: cậu thiếu niên Theo Walcott.

Dù vậy, những thương vụ chuyển nhượng thất bại chỉ là hạt cát so với lịch sử đầy những chiến công phi thường của câu lạc bộ. Henry và Pires đã ghi tên mình vào phòng truyền thống với những tên tuổi khác như Freddie Ljungberg, Lauren, Gilberto và Kolo Toure, cùng một đội hình dự bị chất lượng gồm Kanu, Sylvain Wiltord hay Edu với tài năng chưa nở rộ dưới thời Wenger. Hành trình chinh phục không còn là trở ngại đối với một đội quân gồm toàn những siêu sao ngoại binh hàng đầu, và số danh hiệu cũng theo đó không ngừng tăng lên. Một chiến binh kỳ cựu ra đi, một tân binh nhiệt huyết sẽ tiếp bước; và quá trình chuyển tiếp liên tục này trong lứa cầu thủ mới đã mở ra thời kỳ đỉnh cao của đội bóng, khiến Johan Cruyff cũng phải thèm thuồng: “Tôi đã luôn dõi theo Arsenal và vô cùng ngưỡng mộ phong cách của họ. Nếu họ giành chiến thắng với thứ bóng đá chỉ họ hiểu rõ, thì châu Âu có thể tự hào vì đã sở hữu những nhà vô địch thật sự.”

Mốc son trong thời kỳ hoàng kim này chính là việc bảo vệ thành công hai kỷ lục của Giải Ngoại hạng Anh. Đầu tiên, họ đã lập nên thành tích 23 trận bất bại trên sân khách (song song với kỷ lục bất bại trên sân nhà kể từ sau tháng Mười Hai năm 2001) và xây chắc ngôi đầu bảng mùa bóng 2001-2002. Chiến tích này chỉ chấm dứt vào tháng Mười năm 2002, với bàn ấn định tỉ số muộn màng của một tiền đạo 16 tuổi vào thay người bên phía Everton, Wayne Rooney. Song, các học trò của Wenger thậm chí còn tiếp tục vượt qua chính kỷ lục cũ, với 49 trận bất bại liên tiếp kể từ tháng Năm năm 2003 và kéo dài suốt 17 tháng sau đó – tháng Mười năm 2004, “khắc tinh của Arsenal”, Wayne Rooney, đã một lần nữa khuất phục họ dưới màu áo Manchester United. Anh đã có bàn thắng thứ hai trong mùa, đồng thời thực hiện thành công quả phạt đền gây tranh cãi nhằm ấn định chiến thắng 2-0 cho đội chủ sân Old Trafford. Sau hai lần đứt mạch thắng lợi, đội bóng cần thời gian để phục hồi, đồng thời đánh rơi những điểm số khiến họ phải trả giá bằng cơ hội bảo vệ chức vô địch khi cuộc đua danh hiệu đang đến hồi gay cấn.

Thất bại năm 2002 trước Everton đã khởi đầu chuỗi 4 trận thua trong 8 vòng đấu ngoại hạng. Chỉ nếm chịu 6 thất bại cho đến hết mùa giải, nhưng Arsenal vẫn phải ngậm ngùi đứng sau Manchester United với 5 điểm kém hơn, và luôn tự dằn vặt về ‘cú sẩy chân chết người’. Hai năm sau đó, cũng với kịch bản tương tự, họ đã đánh rơi 9 trong tổng số 15 điểm quan trọng, sau khi đã có bước chạy đà thần tốc vốn đã mang về cho họ một mùa giải bất bại trước đó. Những cơ hội bứt tốc bị bỏ lỡ liên tiếp đã tạo điều kiện cho Chelsea qua mặt họ và trở thành đội bóng thống trị nước Anh, còn Arsenal một lần nữa ấm ức với ngôi á quân.

Trong cả hai mùa bóng tự biến mình thành cựu vương, Arsenal dường như đã tìm cách góp nhặt lại những giá trị họ đã đánh rơi trước kỳ nghỉ. Chiến thắng áp đảo 4-1 trước Leeds tại Elland Road đầu mùa bóng 2002-2003 đã nhận được lời khen ngợi và cổ vũ thái quá từ người hâm mộ, giới truyền thông, các chuyên gia và cả các kình địch. Wenger đã mô tả đội bóng của ông là “mối nguy hiểm đến từ mọi nơi, một ý chí bất khuất đáng để chiêm ngưỡng. Đó là thứ bóng đá toàn diện.” “Họ khiến anh thoái chí. Họ cứ đi bóng và chuyền, đi bóng và chuyền. Và anh nhận ra mình chẳng thể làm gì để ngăn cản họ,” Olivier Dacourt của Leeds cho biết. “Họ chơi hay hơn Manchester United – đội đã có cú ăn ba – và thậm chí còn hay hơn Real Madrid. Tôi chắc chắn Arsenal sẽ đánh bại tất cả.” Real Madrid thời điểm đó đang là đương kim vô địch Champions League, với đội hình toàn sao gồm Zinedine Zidane, Ronaldo, Luis Figo cùng các tên tuổi khác; đó quả là một lời tán dương hiếm hoi từ một bại tướng của Pháo Thủ.

Sức mạnh của đội bóng được phô trương rầm rộ nhất trên các mặt báo – với giọng điệu la liếm của cánh phóng viên – khi Wenger trả lời phỏng vấn về khả năng đội bóng sẽ lập kỷ lục bất bại trong cả mùa giải: “Sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi có thể làm được” – một phản hồi khá bất ngờ. “Milan đã từng thành công và tôi không nghĩ chúng tôi sẽ thất bại trong mùa giải này. Các đội bóng khác chắc hẳn cũng suy nghĩ như tôi, nhưng họ không dám nói ra vì lo sợ sẽ trở thành trò cười.” Một phát biểu thể hiện sự ngông cuồng thái quá, dù phút cuối Wenger đã cố chống chế và cười lớn rằng đội bóng của ông cũng đã từng bại trận vào tháng Năm 2004. Hồi tưởng lại sự kiện này nhiều năm sau đó, ông thừa nhận, “Khi bất ngờ thất bại [sau] một chuỗi trận thắng, anh sẽ nghĩ rằng, ‘Lẽ ra chúng ta phải làm tốt hơn,’ Nhưng nếu không thua bất kỳ trận nào, anh sẽ không đặt ra những câu hỏi như vậy. Vào kỳ nghỉ cuối mùa, tôi đã chất vấn các cầu thủ rốt cuộc điều gì đã xảy ra. Họ đã đáp trả, ‘Đó là do ông, Sếp.’ Tôi nói, ‘Đúng thế thật. Nhưng tại sao các cậu nghĩ mình sẽ thua.’ Và họ trả lời, ‘Không, thưa Sếp, vẫn do chính ông thôi. Ông đã tạo quá nhiều áp lực lên chúng tôi và tuyên bố rằng chúng ta sẽ bất bại cả mùa giải.’ Tôi lại phân trần, ‘Thôi được, nhưng cho phép tôi nói lại. Các cậu sẽ vượt qua mùa giải mà không phải thua trận nào.

Tôi tin các cậu.’ Anh giành được danh hiệu nhưng đội bóng lại thua ngay trận kế tiếp, đó là chuyện bình thường. Chuyện như thế năm nào cũng xảy ra. Nhưng mùa bóng đó [2004] chúng tôi đã giành ngôi vị trước vài vòng đấu; và khi thi đấu như những nhà vô địch, các cầu thủ luôn đinh ninh rằng họ sẽ không thể thua. Chính suy nghĩ này đã bám rễ trong tâm trí họ. Chỉ còn vài bước nữa, nhưng cuối cùng họ  đã lập nên thành tích khiến bản thân họ cũng không dám tin là sự thật.”

“Tôi nhớ vào thời gian đó, mỗi khi ra  sân chúng tôi luôn tin chắc mình sẽ chiến thắng,” Patrick Vieira hồi tưởng. “Tôi nghĩ khi đó Arsène đã khiến chúng tôi tin rằng Arsenal là đội bóng xuất sắc nhất, đến mức dù bị dẫn 1-0 hay 2-0, chúng tôi luôn tin cả đội sẽ lật ngược thế cờ hoặc ít nhất cũng giành được một điểm.

Chúng tôi đã thật sự tin mình là những nhà vô địch. Cách chúng tôi thi đấu, cách chúng tôi tin tưởng lẫn nhau đều ‘không thể tin nổi.’”

Thế nhưng, cú sốc sau chuỗi bất bại liên tiếp đã dội một gáo nước lạnh vào niềm tự hào của đội bóng, và dấy lên câu hỏi ‘vì sao một đội bóng đầy vẻ kiên cường và bất khuất như thế lại sụp đổ một cách nhanh chóng và hỗn loạn chỉ sau một trận thua?’ Tất nhiên, Arsène Wenger có trách nhiệm phải trả lời. Có thể lý do nằm ở chính phong cách huấn luyện của ông hơn là khi thiếu vắng phong cách đó. Ông luôn tập trung tối ưu hóa mọi khả năng, cải thiện kỹ thuật và phát triển cầu thủ dựa trên tố chất ưu việt nhất của họ. “Ông ấy biến một cầu thủ trung bình thành một cầu thủ giỏi, biến một cầu thủ giỏi thành cầu thủ xuất sắc, và từ cầu thủ xuất sắc trở thành siêu sao; nhưng ông ấy lại không dạy họ cách phải chiến thắng như thế nào”, David Dein chia sẻ. Từ việc bồi dưỡng những tố chất cần thiết – như nhịp độ thi đấu, sức mạnh, kỹ thuật, lối đá sáng tạo và khát khao chiến thắng– Wenger đã thu về những thắng lợi ngọt ngào vốn là thành quả hiển nhiên, là thành phẩm cuối cùng. Và qua một chuỗi các kết quả tích cực, chiến thắng đối với Arsenal đã được chấp nhận như một quy luật. Thất bại là điều không ai dám nghĩ đến và do đó mọi người – từ cầu thủ đến huấn luyện viên – đều bàng hoàng khi chúng xảy ra. “Niềm tin bất biến” Paul Merson đã nhắc đến trước đây sau cùng cũng phơi bày mặt trái của nó, khi lòng tin bị sứt mẻ. Vết thương dần lan ra và khoét sâu vào tập thể. Nếu họ biết cách quên đi thất bại, hoặc ít nhất cũng biết cách đứng dậy sau khi vấp ngã, thì sự sụp đổ đã không choáng váng đến như vậy.

Wenger có thể là một huấn luyện viên bậc thầy, nhưng dường như ông chẳng có giải pháp nào khả thi cho những khó khăn ngoài dự kiến, và không thể ngăn chặn mối hoài nghi dần lan rộng khi lời tuyên bố bị bác bỏ. Lời nói của ông có thể rất thuyết phục, nhưng chỉ nhằm tự lừa dối bản thân (“Tôi tin các bạn sẽ bất ngờ với đòn phản kích của chúng tôi. Arsenal sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vào thứ Ba tới”, ông đã tuyên bố như thế sau thất bại trước Everton, để rồi tự mình chứng kiến các học trò thúc thủ trước Auxerre ngay tại sân nhà trong khuôn khổ Champions League); ít nhất câu trả lời của các cầu thủ cũng tỏ ra khả quan hơn. Khác thường ở chỗ, dù nếm chịu rất ít thất bại, nhưng họ như luôn phơi bày một gót chân Achilles, một nhược điểm chí mạng khiến tinh thần toàn đội lập tức sụp đổ nếu để đối phương công phá – Alex Ferguson luôn lật lại vấn đề này, ngụ ý rằng đội bóng của ông không bao giờ mắc phải chứng bệnh thâm căn như thế.

Một huấn luyện viên ‘thực dụng hơn’ hẳn đã nhanh chóng lấy lại cân bằng cho tinh thần toàn đội vào mùa thu các năm 2002 và 2004, và mang đến một đội hình thật sự chất lượng với mục tiêu mạnh mẽ là chức vô địch Giải Ngoại hạng, thay vì chỉ một FA Cup nhỏ bé cuối tháng Năm sau đó. Đó là chưa kể đến sự sa sút kéo dài từ đội hình trẻ của ông; và dù đội bóng luôn nhắm đến chiến thắng, họ chỉ lập thêm một kỷ lục “trắng tay” đáng hổ thẹn kể từ năm 2005.

Phát biểu về quan điểm này, Wenger có thể tranh luận một cách chính đáng rằng: một huấn luyện viên thực dụng hơn sẽ không thể xây dựng nên một đội bóng bất bại và giữ vững ngôi đầu trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, đối với người hâm mộ và các huấn luyện viên đồng nghiệp, họ khó lòng kết lại câu chuyện với một luận điểm né tránh như vậy.

Wenger tự thừa nhận: “Tôi rất khắt khe với bản thân. Tôi tin rằng 49 trận đấu bất bại của đội bóng là một chiến công trường kỳ, vì anh luôn tạo áp lực cho họ. Khi họ ra sân và bất ngờ thất bại, họ sẽ nghĩ rằng: ‘Chà, 49 trận đấu, chúng ta sẽ không thể lặp lại điều đó.’ Và anh buộc phải trấn an họ: ‘Này các bạn của tôi, chúng ta sẽ chiến đấu một lần nữa và nhắm đến con số 50.’ Và rồi họ than thở, ‘Thôi nào, làm ơn để chúng tôi thở một chút, đã 49 trận rồi còn gì.’ Đó là lý do tôi nói rằng thất bại là điều khó chấp nhận. Khi còn trẻ, tôi đã nếm trải thất bại và hiểu rằng đó quả thực là nỗi thất vọng lớn. Và rồi anh sẽ trở nên căm ghét thất bại. Khi dày dạn hơn, anh sẽ lường trước được những vấn đề và khó khăn gặp phải, vì anh đã biết rõ hậu quả. Anh sẽ lường trước được lòng tin sụt giảm, động lực suy yếu, sự đồng cảm trong tập thể không còn sâu sắc và tự nguyện như trước, và anh sẽ phải đối phó với tất cả những điều đó. Thời gian càng dài, khó khăn sẽ càng chồng chất nếu không có giải pháp nào khả thi. Chúng còn phụ thuộc vào chu kỳ thắng lợi của đội bóng. Nếu chu kỳ kết thúc với một trận thua sau 49 trận bất bại liên tiếp, họ sẽ tự nhủ rằng. ‘chúng ta đã cố gắng hết sức.’ Nếu họ còn trẻ, họ sẽ gượng dậy và tiếp tục chiến đấu cho trận kế tiếp.”

Mùa giải 2002-2003, khi Wenger đang tìm kiếm chốt chặn cuối cùng cho bộ tứ của hàng phòng ngự của ông (Kolo Toure sau đó đã được bổ sung vào mắt xích còn thiếu), đội bóng dường như đã bị tước đi hình ảnh điềm tĩnh và uy thế vốn có trong mắt khán giả, khi Tony Adams quyết định giải nghệ. Martin Keown đã ở cuối sườn dốc của sự nghiệp, còn Pascal Cygan, cầu thủ mua về từ Lille, lại thể hiện phong độ chập chờn đáng thất vọng. Với thể lực trượt dốc, cả David Seaman lẫn Sol Campbell đều dần trở thành điểm yếu trong hàng thủ. Bàn thắng muộn màng của Wayne Rooney chính là một tiền lệ đầy rủi ro. Qua những chuyến làm khách trên sân Liverpool, Newcastle, Aston Villa và Bolton, họ đã lần lượt thất bại và mất đi những điểm số quý giá. Thậm chí ngay tại Highbury, Manchester United còn nhấn mạnh thêm điềm báo thua cuộc cho Pháo Thủ sau khi lội ngược dòng giành trận hòa 2-2. Trận cầu đó còn đánh dấu sự ra đi của Sol Campbell, khiến anh bỏ lỡ bước ngoặt của mùa giải, bao gồm trận thua của Arsenal trước Leeds và xác định chiếc cúp đã được dành sẵn cho Manchester United trong vòng đấu kế tiếp của họ.

Trận thua đã tước đi niềm tin của toàn đội vào khả năng dẫn đầu của mình; và trong trận chung kết FA Cup với Southampton diễn ra 15 ngày sau khi nhường lại danh hiệu ngoại hạng, cả khán đài đã chứng kiến pha bóng hèn kém của Robert Pires nhằm câu giờ cho đội nhà, khi anh phá bóng ra tít chấm phạt góc vào những phút cuối trận. Đó chắc chắn không phải thứ bóng đá toàn diện. Đó là sự thật đáng buồn sau những kỳ vọng bị thổi phồng vào đầu mùa giải, khiến đội bóng chỉ nhận ra vào cuối ngày rằng có lẽ họ sẽ phải ra về tay trắng. Bất chấp triết lý của huấn luyện viên, các cầu thủ đều hiểu cuộc chơi đã kết thúc. Họ chỉ muốn đảm bảo những lợi ích vật chất xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Kỳ nghỉ hè và bước chạy đà khả quan năm 2003 đã giúp Arsenal trở lại cuộc đua. Không chỉ tìm lại được vị thế của mình, câu lạc bộ còn nhắm đến phá vỡ kỷ lục 49 trận bất bại và giành thêm một danh hiệu nữa trong lịch sử. “Tham vọng của tôi vẫn là kết thúc mùa giải mà không có một trận thua nào”, Wenger cho biết. Với ông và các học trò, danh hiệu ngoại hạng vẫn là mục tiêu cao nhất. Chỉ có một đáp án duy nhất cho câu hỏi “đội bóng nào xuất sắc nhất?” – đó là đội vô địch Giải Ngoại hạng Anh. Chỉ duy nhất Giải Ngoại hạng mới phản ánh đúng sức mạnh và chiều sâu của nền bóng đá quốc nội. Đó là giải đấu với bản chất thuần túy nhất và công bằng nhất. Mỗi đội bóng phải đối đầu với mọi đội bóng, từ sân nhà đến sân khách; thắng được ba điểm, hòa được một điểm và thua không điểm nào. Không có điểm thưởng. Bàn thắng trên sân khách không giá trị cao hơn.

Không hiệp phụ, không đấu lại, không sút luân lưu, không bàn thắng vàng hay bạc. Mùa bóng 2003-2004 cũng là mùa giải ấn tượng nhất đối với Arsenal: 38 trận – thắng 26, hòa 12 và thua 0. Đến nay, vẫn có nhiều người xem đó là mùa bóng xuất sắc nhất của một câu lạc bộ nước Anh.

Điều khiến chiến công trên trở thành kỳ tích, chính là các Pháo Thủ đã chinh phục được nó với một lối đá ‘chướng tai gai mắt’. Arsenal ra sân với một đấu pháp duy nhất là khuất phục đối phương bằng lối chơi phối hợp nhuần nhuyễn của họ. Chỉ có kỹ thuật điêu luyện mới cho phép các cầu thủ khai chiến một cách trâng tráo, thậm chí lố lăng nếu cần thiết– điển hình là khả năng rà soát của Gilberto trong vai trò tiền vệ trung tâm đã cho phép đồng đội của anh dâng cao từ hai cánh, đồng thời anh cũng sẵn sàng bọc lót cho hậu vệ lỗi vị trí nếu đợt tấn công trước bất ngờ bị bẻ gẫy. Anh đã thể hiện đúng vai trò của mình trong kỳ World Cup 2002 (giải đấu chứng kiến đội tuyển Brazil đăng quang), và nếu anh không cần thời gian hồi phục thể lực, Arsenal có lẽ đã bảo toàn danh hiệu ngoại hạng ba mùa liên tiếp. Không bất ngờ khi trong cả hai lượt đấu khiến Arsenal đánh rơi hai mục tiêu hàng đầu vào tay hai đối thủ sừng sỏ (Manchester United ở FA Cup và Chelsea ở Champions League), Pháo Thủ đều thiếu vắng sự phục vụ của Gilberto vì vấn đề sức khỏe. Cách ứng xử điềm tĩnh của anh đã được trả công xứng đáng bằng một vị trí quan trọng trong khâu phòng ngự, vốn vẫn bỏ trống sau khi Tony Adams về hưu.

Nhờ vậy, cuộc chơi đã chứng tỏ sự hiệu quả của đấu pháp ưu việt nhất – chuyền bóng và di chuyển liên tục – vốn được khán giả ủng hộ và loại bỏ mọi lối chơi thừa thãi khác. Thậm chí, khán đài sân khách cũng thường xuyên rộ lên những tiếng reo hò, vì cổ động viên đối phương cũng ý thức được rằng họ đang chứng kiến một lối đá phi thường. Chiến thắng hủy diệt 5-1 trước Portsmouth tại vòng sáu FA Cup đã nhận được tiếng reo hò cổ vũ từ khắp bốn phía khán đài sân Fratton Park. Tiếp đó là sự ngưỡng mộ thể hiện trong những tràng pháo tay khi họ bảo vệ thành công danh hiệu, như thể hàng nghìn cổ động viên ‘phi Arsenal’ (tất nhiên ngoại trừ khán giả tại Manchester và phần còn lại của London) đều mong muốn họ tiến lên và lập nên chiến tích. Đó cũng là giây phút hiếm hoi khi những màn trình diễn đích thực đã vượt qua khỏi thứ thành kiến hạn hẹp, thủ cựu vốn ăn sâu trong suy nghĩ các cổ động viên bóng đá. Sau khi chứng kiến kỷ lục 42 trận bất bại của Nottingham Forest bị phá vỡ, Brian Clough đã phát biểu: “Arsenal quả thực rất phi thường,” và lấy lại niềm kiêu hãnh vốn có, “Họ gần như đã có thể sánh ngang chúng tôi.” Ít nhất thì ông cũng thừa nhận “Họ đã mơn trớn bóng đá như cách tôi vẫn thầm ao ước trong vòng tay Marilyn Monroe.” Người mang nặng thành kiến như Dennis Bergkamp cũng chia sẻ: “Đây là đấu pháp gần nhất đối với triết lý bóng đá tổng lực của tuyển Hà Lan”, và khẳng định giá trị thực chất của chiến công trên. Và những lời tán thưởng hoa mỹ nhất không chỉ xuất phát từ nước Anh. “Khi đến những quốc gia khác,” Wenger chia sẻ, “thắng lợi của chúng tôi còn gây ảnh hưởng to lớn hơn vì mọi người đều hiểu duy trì một mùa giải bất bại là khó khăn đến nhường nào.”

Đối với người hâm mộ bóng đá thuần túy, thắng lợi này còn giúp hoàn thiện thành tích của Arsenal mùa bóng 1990- 1991 trên cả hai phương diện. Các học trò của George Graham chỉ nếm một trận thua duy nhất trong 38 vòng đấu, và đội hình của Wenger thậm chí còn được biết đến nhiều hơn vì hàng tấn công mạnh mẽ hơn là một hàng thủ kiên cố. Tréo ngoe thay, dù đã bảo toàn ngôi vị vô địch, họ lại nhấc chân khỏi bàn đạp vào phút cuối và kết thúc mùa giải với chỉ 73 bàn thắng, thấp hơn cả đội hình của Graham năm đó.

Hiển nhiên, nhiều cổ động viên sẽ cảm thấy bất công khi chuỗi thành tính vô tiền khoáng hậu này lại bị chặn đứng tại sân Old Trafford vào ngày 24 tháng Mười năm 2004, điểm đến thường xuyên đánh dấu những bước ngoặt then chốt trong hành trình chinh phục của Arsenal. Họ đã bất bình một cách chính đáng đối với quả phạt đền không rõ ràng của Wayne Rooney (tình huống xoay chuyển cả trận đấu, dẫn đến bàn thua thứ hai vào những phút cuối trận) và hành vi gây hấn trắng trợn của đối phương. Sự yếu kém của trọng tài đã dung túng cho Gary Neville, Ruud van Nistelrooy (lẽ ra phải ngồi ngoài ba trận sau pha chơi xấu bị trọng tài bỏ qua) và Rio Ferdinand, và khiến sự hiện diện của họ như che lấp cả những tình huống trên sân. Thái độ thù địch này vốn là vết tích từ mùa giải trước, diễn ra trên cùng một võ đài; khi đó, đội khách đã chặn đứng van Nistelrooy ngay giây thi đấu cuối cùng, nhưng màn tiểu xảo và hành vi phi thể thao của anh đã gây nên một vụ xáo trộn, dẫn đến quả phạt đền phút chót do chính anh bỏ lỡ. Tuy nhiên, qua các hình phạt và lệnh cấm thi đấu đối với Arsenal, FA đã xác định United là nạn nhân thay vì là thủ phạm.

Với chuỗi bất bại bị đứt mạch, một lần nữa trong đường hầm Arsenal đã chứng tỏ cho đối phương biết họ cảm thấy bất mãn ra sao với cách họ bị đối xử, và dẫn đến cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai huấn luyện viên. Ngay trước cửa phòng thay đồ đội khách, Ferguson đã yêu cầu Wenger phải biết kiềm chế cầu thủ của ông, trước khi những món ăn nhẹ sau trận đấu trút về phía huấn luyện viên United, dù theo những tin lá cải gần đây là cả ‘bát súp’ hay cả ‘hộp bánh pizza’. Điều duy nhất đáng tin đó là: để ngăn chặn nguy cơ hỗn loạn, các nhân viên an ninh của sân Old Trafford buộc phải can thiệp và tách riêng các thành viên thuộc hai câu lạc bộ. Wenger có cảm giác ông đã mắc bẫy của kẻ đối địch (bête noire), vì thế, ông không bao giờ có ý định thừa nhận rằng ông đã phải tự dằn vặt hay tố cáo ngược lại đối phương. Tiếc thay, thái độ trịch thượng này đã khiến dư luận chuyển sang đồng tình với Ferguson – người có quyền đòi hỏi được bào chữa, và đã quy kết tư cách của Wenger không hơn gì một kẻ thua cuộc thảm hại, “Không một lời xin lỗi về hành vi của học trò ông ta – thật không thể tưởng tượng nổi, thật đáng hổ thẹn. Nhưng tôi cũng chẳng mong ông ta sẽ xin lỗi.” Trước sự công kích dữ dội của dư luận, Arsenal đã không thể thanh minh rằng họ thực ra chỉ là nạn nhân của công tác điều hành yếu kém và chịu vận rủi rành rành, nên đành chấp nhận ‘im lặng là vàng’.

Không những thế, đội bóng chỉ vừa mới (hai năm trước) được ca ngợi là câu lạc bộ xuất sắc nhất thế giới đã phải bất lực chứng kiến tai tiếng trên đánh gục họ, và ngậm ngùi để một Chelsea bền bỉ hơn tận dụng thời cơ chiếm lĩnh vị trí và khẳng định ngôi đầu bảng.

Các cầu thủ cũng hiểu rõ hàm ý từ huấn luyện viên. Arsène Wenger là một triết gia khiêm tốn, nhún nhường luôn biết cách vươn lên từ vinh quang, và không bao giờ tự thỏa mãn hay chìm đắm trong thành công quá khứ. Chính điều đó đã lý giải vì sao ông luôn tự dằn vặt mỗi khi thất bại, và đào xới lại trong tâm trí những yếu tố khiến mọi thứ thay đổi đến ngỡ ngàng. Ông không cần đến cái uy cứng rắn. Quá trình hồi phục diễn ra khá lâu, và các học trò lại bắt đầu tuân theo sự dẫt dắt của ông. Dù ý thức được mối nguy hiểm – “bộ mặt của huấn luyện viên,” ông thừa nhận, “là nơi phản ánh tình trạng sức khỏe của cả đội bóng” –  thì Arsenal cũng đã lãng phí quá nhiều thời gian và công sức vào việc tự trách mình. Ngay cả bước tiến của Đội hình Bất bại dường như cũng bị chặn lại sau khi Pháo Thủ bị lần lượt loại khỏi FA Cup và Champions League chỉ trong bốn ngày. Trong vòng đấu tiếp theo gặp Liverpool tại Giải Ngoại hạng, họ đã bị dẫn trước 2-1 sau giờ nghỉ. Chỉ có phong độ tỏa sáng của Thierry Henry trong màu áo đỏ trắng mới giúp đội nhà cân bằng lại thế trận, và tiếp tục cuộc đua đến chiếc cúp bạc với chiến thắng chung cuộc 4-2.

Hàng phòng ngự mùa giải năm ấy đã được cải thiện với hai sự thay đổi, giúp họ che lấp nhược điểm chí mạng từng khiến danh hiệu mùa bóng 2002-2003 vuột khỏi tầm tay. Thủ thành quốc tế người Đức Jens Lehmann thay thế một David Seaman đã nhạt nhòa, trong khi Kolo Toure, từng là một cầu thủ hiệu quả trong vai trò trung vệ cũng như tiền vệ, cũng được mua về nhằm hỗ trợ Sol Campbell củng cố trung tâm hàng phòng ngự. Khả năng xử lý linh hoạt của anh đã lọt vào mắt xanh của ‘giáo sư’ – “Tôi thường sắp xếp cậu ấy vào vị trí trung vệ hay hậu vệ phải, nhưng đôi khi tôi nghĩ chàng trai ấy cũng có thể trở thành một trung phong. Khi Toure áp sát khung thành với hàng tiền vệ dâng lên phía sau, cậu ấy bao giờ cũng kiến tạo được cơ hội. Điều đó khiến tôi phải băn khoăn rất nhiều.” Được Wenger tin tưởng giao trọng trách kiểm soát và xử lý bóng, không bất ngờ khi cả Lauren và Ashley Cole đều từng khởi đầu sự nghiệp như một tiền đạo, trước khi được bố trí hẳn vào hàng thủ. Nếu so sánh với Lee Dixon và Nigel Winterburn, bộ đôi này sẽ khiến đồng đội tin tưởng hơn khi rời bỏ khu cấm địa và tham gia tấn công, tuy bản năng phòng ngự gan lỳ của họ không thể sánh với những người tiền nhiệm; mặc dù vậy, Cole đã từng bước mở rộng khả năng của mình và cho đến nay anh vẫn được công nhận là một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất thế giới.

Tony Banfield tiết lộ, “Kỹ thuật và thể hình là hai yếu tố then chốt trong toàn bộ đội hình của Arsène. Ông ấy cần những hậu vệ thực thụ có khả năng đánh chặn, và khi tham gia tấn công có thể đan bóng như một tiền vệ cánh. Ông ấy không thích gò ép cầu thủ theo vị trí.” Đó là phương pháp của Wenger nhằm đánh giá hiệu quả tối ưu nhất mà những thay đổi trong sơ đồ bố trí có thể mang lại. Các trường hợp tiêu biểu khác là Thierry Henry – cầu thủ chạy cánh bọc vào như một trung phong, Emmanuel Petit – chàng trung vệ có thể dâng cao thành tiền vệ và Freddie Ljungberg – người chuyển đổi nhuần nhuyễn giữa hai vị trí tiền đạo và tiền vệ cánh. Mặt trái duy nhất của đấu pháp này chính là sự ưu tiên dành cho tỷ lệ kiểm soát bóng, khiến những đường chuyền trong vòng cấm địa của đội nhà đều mang ý nghĩa tự sát, và đôi lúc khiến cho hàng vạn khán giả ngồi chật cứng khán đài lo sợ rằng: họ thà chứng kiến bản sao của lối đá an toàn gắn liền với đội hình già cỗi dưới thời George Graham còn hơn. May mắn thay, tập thể hiện đại này đã chứng tỏ họ đủ tinh quái để không bị bắt bài quá thường xuyên.

Thời điểm đó, có lẽ Arsenal của Wenger còn thi đấu tốt hơn Pháo Thủ của 15 mùa bóng Champions League liên tiếp trước kia. Hai mùa đầu tiên xem như không tính đến vì họ phải thi đấu những trận sân nhà tại Wembley. Đám đông gian trá khẳng định rằng Arsenal đã từ bỏ sân nhà Highbury của họ; nhưng các khán giả trung lập cũng không lấy làm bối rối, thậm chí còn lấy đó làm động lực dù đối thủ luôn phao tin rằng họ rồi sẽ không sống sót nổi qua vòng bảng (ít nhất trong lần thứ hai góp mặt, vị trí thứ ba của họ cũng tác động đến ban tổ chức Cúp châu Âu (UEFA), và sân Highbury một lần nữa được phép tổ chức các trận cầu đêm tại châu Âu, trong mùa bóng Arsenal đi một mạch đến trận chung kết và chỉ chịu thúc thủ trước Galatasaray).

Sự bỡ ngỡ với sân vận động tạm thời với quy mô lớn hơn và phạm vi thi đấu rộng hơn đã phản lại chức danh “sân nhà” của nó. Quả nhiên, Wembley đã làm chùn bước đội bóng trong cuộc chinh phục đỉnh cao châu Âu, và thậm chí còn khiến huấn luyện viên bất an với công tác chuẩn bị trước trận đấu, do phải liên tục nhắc nhở học trò tập trung hết sức vào nhiệm vụ và không để các yếu tố bên ngoài làm gián đoạn. Cụ thể là những bộ phim khiêu dâm chắc chắn sẽ bị cấm cửa (mỗi đêm trước trận đấu, dù ở sân nhà hay sân khách, tại Giải Ngoại hạng hay Champions League, đều được xem như một đêm nghỉ tại khách sạn). “Phim ảnh sẽ gây mất tập trung,” Wenger khẳng định. “Tôi tin một khi các anh sinh hoạt cùng nhau, anh sẽ muốn đồng đội của mình tập trung vào trận đấu chứ không phải bất cứ việc gì khác.” Về phim ảnh khiêu dâm, ông nhắc lại, “Tôi nói không và thế có nghĩa là không, không một ai dám lên tiếng. Mọi thứ đã thay đổi.

Trước đây họ chỉ có mỗi cái ti-vi cho cả khách sạn.”

Thời điểm quyết định sử dụng sân Wembley, Wenger chỉ mới tại nhiệm  được gần 2 năm và tiếng nói của ông cũng chưa đủ sức nặng như hiện nay. Hiện tại, công việc của ông đã tiến triển theo ý muốn. Sự quan tâm đặc biệt tất nhiên sẽ dành cho những tình huống đặc biệt tại giải châu Âu. Dù trên sân nhà hay sân khách, công tác chuẩn bị vẫn diễn ra như nhau. Các cầu thủ sẽ tập luyện tại London Colney một ngày trước trận đấu và lên đường di chuyển đến sân vận động sau bữa ăn nhẹ – diễn ra ít nhất ba tiếng trước giờ bóng lăn – cùng huấn luyện viên. Đối với các trận đấu sân khách, sai khác duy nhất là thời gian di chuyển bằng máy bay (thời gian di chuyển là cơn ác mộng thật sự, đến mức những trận đấu trong nước cũng ưu tiên các chuyến bay để tiết kiệm thời gian cho cuộc hành trình). Đội bóng sẽ đáp chuyến bay từ Luton vào buổi trưa sau một bài tập nhẹ vào buổi sáng, nghỉ ngơi vào buổi tối và quay về nước càng sớm càng tốt sau trận đấu diễn ra vào ngày tiếp theo. Cơ hội tập luyện tại một sân tập chính thức cũng không được lên sẵn, nên đấu pháp được Wenger chuẩn bị cũng khó lòng sao chép. Bất kể có lợi hay bất lợi từ việc đang thi đấu tại một địa điểm quen thuộc, lại phải đóng quân tại một sân vận động xa lạ, thì huấn luyện viên cũng không muốn học trò của ông sao nhãng việc tập luyện. Trong thời gian chuẩn bị cho trận đấu – buổi trưa hoặc buổi tối ngày hôm trước – ông chỉ sắp xếp những bài tập nhẹ như tản bộ hay chạy bộ.

Tuy vậy, với một chương trình quy củ như thế, liệu có sự linh động nào tương xứng với cá tính riêng của mỗi cầu thủ? Dennis Bergkamp, một nhân tố không thể thiếu, sẽ không đi đến bất cứ đâu bằng máy bay; và cho dù BA Barracus trong bộ phim Biệt đội Hành động(The A- Team) có thể khắc phục chứng sợ bay bằng thuốc an thần, thì cũng không thể áp dụng biện pháp viển vông đó trong thực tế. Ban đầu, Bergkamp đã được sắp xếp di chuyển trên mặt đất bằng xe hơi, tàu thủy hoặc tàu hỏa, và đôi khi bằng cả ba loại phương tiện trên cho một cuộc hành trình. Chuyến đi dài nhất của anh kể từ ngày gia nhập Arsenal có lẽ là lần đối đầu với Fiorentina tại Florence vào năm 1999. Lần đó, anh đã không kịp xuất hiện do hành trình bị chậm trễ, còn Arsenal buộc phải thắng trong tình huống mất đi chân sút chủ lực. Tuy nhiên, thời gian đã hết và do lo ngại thể lực của chàng tiền đạo sẽ không kịp ổn định ngay trước trận đấu, Wenger bất đắc dĩ phải khai cuộc  mà không có anh. Kết quả dù sao cũng tốt hơn mất đi tiền đạo chủ lực này do bị cấm thi đấu hay chấn thương trong mỗi chuyến du đấu còn lại, và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch bố trí đội hình và chiến thuật của toàn đội.

Vì nhiều lý do, vai trò kết nối của Bergkamp luôn được ưu tiên hàng đầu, và cả đội nhất định sẽ rối loạn nếu anh không có mặt trên sân. Cống hiến của anh đối với các danh hiệu quốc nội nhiều đến mức đã có người thắc mắc rằng: liệu Arsène Wenger có ký hợp đồng với anh nếu biết về chứng bệnh của Dennis khi du đấu châu Âu? Tất nhiên, khi Bergkamp cập bến London và gia nhập đội hình Arsenal của Bruce Rioch, thể thức thi đấu của Champions League vẫn chỉ mới được khai sinh và chưa phát triển thành một giải đấu uy tín với lợi nhuận dồi dào như hiện nay. Rất ít câu lạc bộ với tham vọng chinh phục châu Âu ngày nay sẽ chấp nhận ký kết với một danh thủ không-thể-bay-được.

Có lẽ điều đó cũng giải thích cho danh tiếng nhạt nhòa trong sự nghiệp phục vụ của tiền đạo người Hà Lan khi anh dần lớn tuổi, và anh buộc phải chấp nhận việc gia hạn mỗi-năm-một-lần theo chính sách của Wenger cho đến tuổi 30. Từ đó, tất cả những bản hợp đồng tương tự đều nhận được cùng một cách giải thích từ “giáo sư”: “Cậu có thể còn hữu ích với tôi thêm một mùa bóng nữa; nhưng nếu cần thiết tôi vẫn có thể tồn tại mà không cần có cậu; và tôi cũng sẽ không cản đường cậu nếu cậu muốn ra đi.” Hầu hết các cầu thủ đều chọn được giải phóng,tìm kiếm một bến đỗ mới cùng một mức lương tốt cho những năm tháng sau này của họ; thậm chí, họ còn có cơ hội được xuất hiện trong đội hình chính thức.

Nhưng với Bergkamp, anh rất hạnh phúc tại Arsenal; gia đình anh đã định cư ổn định tại Hadley Wood, quận Hertfordshire, và bản thân anh cũng đủ khá giả để chăm sóc cho bản thân dù danh tiếng sau này có giảm sút. Mặt khác, không như các đồng đội trong cùng tình huống, anh không phải mẫu người xem trọng vật chất. Khi mới đến Highbury, anh từng nói: “Tôi chưa bao giờ tin vào danh hiệu siêu sao”, và nhanh chóng chấp nhận vai trò như một diễn viên đóng thế. Dù vậy sau khi giải nghệ anh cũng đã thú nhận: anh luôn cảm thấy mình không được trọng dụng thường xuyên trong mùa giải cuối cùng. Thật trớ trêu, Arsenal đã tiến rất gần đến chức vô địch Champions League trong lần góp mặt cuối cùng của anh tại câu lạc bộ; thời điểm đó, Bergkamp đã bị gạch tên khỏi đội hình ra sân, với người đồng hương Robin van Persie, José Antonio Reyes và Emmanuel Adebayor luôn xếp trên anh trong danh sách lựa chọn cho vị trí tiền đạo cắm.

Tại châu Âu mùa giải 2005-2006, Wenger thường xuyên sử dụng sơ đồ 4-5- 1, với Thierry Henry lẻ loi trên hàng công và rút hẳn tiền đạo thứ hai về khu trung tuyến. Đó là cải cách quan trọng trong lối chơi của chiến lược gia người Pháp, giúp đội bóng liên kết chặt chẽ hơn với tiền vệ trung tâm mỗi khi không có bóng. Vai trò hộ công của tiền đạo “ảo” đứng ngay sau cầu thủ trung phong mà Bergkamp vốn đảm nhận đã không còn được ưu ái; sơ đồ 4-4-1-1 theo đó cũng không còn xuất hiện. Chiến thuật này đã từng được sử dụng trong trận chung kết FA Cup mùa trước (với Bergkamp ở vị trí trung phong) một cách tuyệt vọng, do trước đó Wenger đã kết  tội các học trò rằng họ quá ‘hao phí sức lực’ và cũng do ông không còn sự lựa chọn nào khác. Trong trận cầu đó, Nữ thần May mắn đã đứng về phía Arsenal khi giúp họ đánh bại Manchester United trong loạt sút luân lưu, sau 120 phút thi đấu mệt mỏi trên sân. Do vậy, dù Wenger không bao giờ tốn công vạch ra một kế hoạch khắc chế những đối thủ tương tự, thì bản chất khốc liệt của Champions League cũng buộc ông phải đưa ra một đấu pháp cẩn trọng hơn, nhượng bộ hơn. Hiển nhiên, việc lựa chọn sử dụng Bergkamp lúc nào và ở đâu đã là chuyện quá khứ, do anh đã trải qua thời hoàng kim và chỉ đóng vai phụ trên hàng công; chính điều này đã dẫn đến quyết định bố trí một hàng tiền vệ 5 người. Cuộc tranh chấp tại khu trung tuyến nhiều khả năng sẽ ấn định kết quả cho những vòng đối đầu tại châu Âu. Trong các mùa giải trước, Arsenal đã phụ thuộc quá nhiều vào Patrick Vieira và thật khó để một tiền vệ trụ duy nhất đảm bảo được thắng lợi trong những pha bóng đơn độc. Bất chấp sự gan lỳ của Vieira, một mình anh cũng khó lòng chống đỡ hết các đợt phản công. Tương tự, chất lượng hàng thủ cũng không đủ mạnh để hỗ trợ tích cực cho Sol Campbell. Vì vậy, khi Henry và  Pires tỏa sáng, họ chỉ có thể trông cậy vào khả năng của bản thân chứ không thể phụ thuộc vào đồng đội – dàn cầu thủ được bố trí với vai trò chữa cháy hơn là một hậu phương vững chắc giúp họ bộc lộ hết tài năng.

Sơ đồ 4-5-1 không thiếu những pha xử lý thiên bẩm, nhưng một vị trí thêm vào ở khu trung tuyến đã giúp gia cố hàng thủ, và giúp Arsenal lập kỷ lục sạch lưới suốt 12 trận đấu Champions League, như thể vị chiến lược gia người Pháp – người từng dẫn dắt Monaco vào đến bán kết năm 1994 – đã nhớ ra cách đối phó với những tình huống khẩn cấp. Arsenal đã thử nghiệm và thất bại rất nhiều lần trước khi lọt vào vòng bốn đội mạnh nhất; còn Wenger, tuy ông không được gắn tên với chiến thuật tài tình trong suốt những vòng đấu đó, nhưng cũng đã nỗ lực xây dựng nên một lối chơi ít mạo hiểm, khiến Henry – dù không ưa vai trò của anh trong sơ đồ đó – cũng phải thừa nhận: “[Tại Champions League] chúng tôi luôn được thi đấu với những đội bóng có lối đá tích cực, ngoại trừ Juventus. Chúng tôi đã kiên nhẫn với sơ đồ 4-5-1 và nó đã tỏ ra hiệu quả.”

Do không cần thiết phải phân tán đội hình giữa các trận sân nhà và sân khách, Arsenal đã xây dựng được mối đoàn kết sâu sắc hơn và tiến thẳng đến trận chung kết, sau khi hất cẳng Real Madrid lẫn Juventus khỏi cuộc hành trình. Trận cầu đỉnh cao cuối cùng của Bergkamp tại câu lạc bộ chính là trận chung kết gặp Barcelona tại Paris. Với thời gian dưỡng sức dư dả sau hành trình ngắn đến Eurostar, anh đã lọt vào danh sách lựa chọn. Tuy nhiên, không bất ngờ khi anh chỉ xuất hiện trên băng ghế dự bị. Do Jens Lehmann bị truất quyền thi đấu chỉ sau 18 phút, thể lực bền bỉ đã lập tức trở thành mức ưu tiên cao nhất đối với đội hình 10 người (chưa kể đến việc hi sinh Robert Pires để Manuel Almunia vào  giữ khung gỗ), và cơ hội ra sân từ biệt cũng dần biến mất trước mắt Bergkamp. Arsenal thua chung cuộc 2-1, và anh chỉ ngồi đó chứng kiến như một khán giả.

Thật đáng buồn khi chỉ có Pires chia sẻ cùng anh 72 phút thi đấu còn lại – Pires về sau cũng nhanh chóng ra đi, đánh dấu những trận đấu cuối cùng trong màu áo Arsenal.

Trận đấu năm ấy đã đánh dấu một bước ngoặt. Không chỉ đội bóng sẽ không bao giờ còn được ăn mừng vinh quang tại Highbury, mà ít nhất ba cầu thủ nữa sẽ cùng Pires nói lời từ biệt. Sol Campbell, Ashley Cole và José Antonio Reyes sẽ không còn thi đấu cho Arsenal nữa. Tiếp nối sự ra đi của Patrick Vieira và Ray Parlour ngày trước, phải chăng phòng thay đồ của đội bóng sẽ luôn gắn liền với sự thiếu vắng các vị trí trụ cột? Liệu Arsène Wenger có tái hiện kỳ tích một lần nữa? Và ông sẽ thực hiện điều đó như thế nào nếu mất đi thủ quân và các ngôi sao?

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá