Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 4

Trái tim tươi trẻ

Nicolas Anelka chỉ mới bước sang tuổi 19 vào thời điểm Wright chia tay đội bóng. Anh chính là hình mẫu đầu tiên tại Highbury về một tài năng trẻ hứa hẹn, được Arsène Wenger khai quật và trở thành một siêu sao lớn sau này. Bất đắc dĩ phải rời Paris St Germain sau những vụ lùm xùm gây tranh cãi vào năm 1997, với một khoản phí tự nguyện ex-gratia) 500.000 bảng trên danh nghĩa, anh đã lập tức gây tiếng vang trong khoảng thời gian ngắn thi đấu tại Highbury (trước đó, Arsenal đã khai thác hệ thống cầu thủ trẻ từ Pháp và yêu cầu mỗi tài năng trẻ phải ký kết hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên với câu lạc bộ để được đào tạo bài bản; họ cũng không được phép ký hợp đồng với các đội bóng Pháp khác, tuy nhiên, không có điều khoản nào ngăn cấm họ thi đấu tại nước ngoài). Chủ yếu nhờ Anelka và Vieira mà Wenger đã được công nhận như bậc thầy chuyên khai phá nên những ngôi sao non trẻ xuất chúng; nhưng kể từ khi Fàbregas gia  nhập đội vào năm 2004, không một tài năng trẻ đáng chú ý nào nổi lên tại Arsenal nữa. Rất nhiều cầu thủ đã đến sân tập với niềm hy vọng sẽ trở nên đủ xuất sắc trong đội hình một, nhưng những gì họ nhận được chỉ là lời chúc may mắn do không để lại được ấn tượng. Trường hợp điển hình nhất chính là người đồng hương của Anelka, Jérémie Aliadière. Gia nhập từ năm 1999 khi mới 16 tuổi, anh đã phục vụ đội bóng cho đến năm 2007, với chỉ 2 năm thi đấu chuyên nghiệp được chứng thực. Trong suốt thời gian đó, anh chỉ có 29 lần ra sân tại Giải Ngoại hạng và chỉ ghi đúng một bàn thắng.

Trên thực tế, có thể nói rằng những tài năng trẻ hàng đầu trong mắt Wenger đều xuất thân từ Monaco. Ông luôn tự hào đã “tìm thấy Petit và [Lillian] Thuram khi họ mới 18 tuổi” và để lại một xuất phát điểm mạnh mẽ, nơi từ đó nổi lên Thierry Henry và David Trezeguet. Tuy nhiên, tại Anh, chiến lược khai thác của Wenger lại vấp phải thành kiến không tốt từ dư luận, không phải về chính sách tất thắng nhằm nuôi dưỡng những hạt giống tốt khi chúng vẫn còn non trẻ, mà về các cầu thủ đã trải qua thời kỳ học việc lâu dài nhưng vẫn chưa bộc lộ hết tiềm năng của họ (trong mắt ông). Bằng phương pháp đó ông đã đưa George Weah từ Tonnerre Yaoundé (Cameroon) về Monaco ở tuổi 21, và Patrick Vieira cũng đã từng thi đấu cho Cannes lẫn Milan trước khi được Arsenal mua lại từ đề xuất của Wenger; khi ấy, anh chỉ mới 20 tuổi. Do đó, không thể chối cãi sự tăng tiến kỳ lạ họ nhận được cùng với những Thierry Henry, Gaël Clichy hay Mathieu Flamini, đều mang dấu ấn của ông. Có thể tại Pháp, Wenger đã may mắn có được một thế hệ tài năng non trẻ hơn đang chờ đợi được thể hiện (như những gì Alex Ferguson sở hữu vào những năm đầu thập niên 1990) hoặc những huấn luyện viên khác không thể chia sẻ những bí quyết quan trọng như ông đã làm khi phổ biến đấu pháp, nhằm kết hợp sự già dơ cùng sức trẻ để đẩy phong độ lên mức cao nhất.

Việc tin rằng đội bóng của ông là thành quả tạo nên từ chính sách phát triển nhanh các tài năng trẻ vẫn chưa nói lên được tất cả vấn đề, đặc biệt nếu vẫn còn liên quan đến lứa cầu thủ trẻ nước Anh. Cựu danh thủ Arsenal, Jay Bothroyd, đã bình luận về sự ra đi của anh vào năm 2001 để gia nhập Coventry như sau: “Arsenal chỉ muốn mua thành công, nếu một số cầu thủ trẻ thể hiện tốt, đó là phần thưởng, nhưng họ thật sự chẳng hứng thú với việc đó.” Có lẽ anh đang nói về trường hợp của Jermaine Pennant, Steve Sidwell, David Bentley và Matthew Upson (tất cả đều giành được thành công tại Giải Ngoại hạng sau khi rời Arsenal, trong đó Bentley, Upson và chính bản thân Bothroyd còn được lựa chọn vào đội hình tuyển quốc gia Anh; dù trong thời điểm đó, không ai trong số họ được ghi nhận là cầu thủ ra sân thường xuyên trong đội hình 4 đội bóng đầu bảng – hay “nhóm Big Four”).

Cho đến những năm gần đây, việc một tài năng trẻ của Arsenal được cho mượn hoặc bán cho đội bóng khác vẫn được xem là điềm báo cho ngày tàn của họ. Những cái tên xuất sắc nhất được Wenger xếp riêng thường sẽ được giữ lại, với cơ hội được thỉnh thoảng góp mặt trên băng ghế dự bị hoặc đội hình ra sân trong các giải đấu quốc nội, nhằm trải nghiệm trước những thử thách trong tương lai. Có thể ông nghĩ sẽ là tốt nhất nếu họ được cách ly khỏi các huấn luyện viên khác, bất chấp sự thật rằng các cầu thủ trẻ hầu hết đều cải thiện được khả năng khi được thi đấu chung với đội hình chính.

Trong lời phê phán đối với chính sách “nội binh” và điều luật giới hạn đội hình– từ mùa giải 2010-2011, 8 trong số tối đa 25 cầu thủ phải được đăng ký với FA trong vòng 3 năm trước sinh nhật lần thứ 21 của họ – Arsène Wenger đã cương quyết rằng chúng chỉ gây trở ngại cho quá trình phát triển của các hạt giống còn non trẻ. “Nếu anh là một nhạc công tài năng, anh sẽ muốn chơi trong dàn nhạc quy tụ những nhạc công xuất sắc nhất,” ông cứng rắn. “Nếu anh yêu cầu một tài năng có tố chất phải đứng cùng những nhạc công kém cỏi, cậu ta sẽ không hài lòng.” Quan điểm của “giáo sư” khá thuyết phục, nhưng chỉ đúng khi kẻ học việc được trao cơ hội trình diễn cùng người nhạc trưởng, nhằm bộc lộ mọi kỹ năng, kỹ xảo của anh ta dưới áp lực khắc nghiệt nhất của dư luận và không còn cảm thấy thiếu thỏa mãn. Dù luyện tập nhiều đến đâu, chỉ có buổi biểu diễn thật sự mới khẳng định được tài năng. Nguyệt san chính thức của Arsenal, tuy không chủ tâm, đã đưa ra những bằng chứng khiến giả thuyết của Wenger bị đặt nghi vấn.

Francis Coquelin chuyển đến đội bóng Lorient thuộc Giải Hạng Nhất Pháp qua một hợp đồng cho mượn vào năm 2010. Huấn luyện viên Christian Gourcuff của anh (cha của tiền vệ Johan Gourcuff có chân trong đội tuyển quốc gia Pháp) đã tỏ ra ngạc nhiên: “Với khả năng tiến bộ và sự bứt phá… việc cậu ấy chuyển đến đây đã là một sai lầm… giờ cậu ấy đã chơi chính xác và hợp lý hơn… điều quan trọng là cậu ấy có tài và một huấn luyện viên như tôi sẽ rất vui lòng được có cậu ấy trong đội hình.” Tuy Coquelin không được bậc thầy nào kèm cặp, nhưng anh đã giữ được vị trí trong một dàn nhạc danh tiếng vì lợi ích cao nhất của chính mình. “Tôi đã cải thiện toàn bộ các kỹ năng,” anh khẳng định, “đó là do tôi đang được thi đấu thường xuyên hơn trong đội hình chính so với thời còn ở Arsenal, nơi tôi dành hầu hết thời gian trên băng ghế dự bị.”

Arsène Wenger có thể trả lời, “Chính xác, đó là lý do tôi chuyển cậu đến đó,” nhưng liệu Coquelin và các đồng đội có sở hữu tố chất cần thiết mà Wenger không nhận ra khi họ còn ở London Colney? Và Christian Gourcuff có lẽ đã nhân cơ hội này để đóng vai trò bồi dưỡng theo cách Arsène Wenger, chiến lược gia đẳng cấp thế giới đã làm khi hợp đồng cho mượn hết hạn. Như vậy, với quy mô đội hình bị giới hạn, số cầu thủ bị câu lạc bộ thải hồi đã khiến dư luận choáng váng: tháng Ba năm 2011, 16 cầu thủ tiềm năng của Arsenal đã nhận được quyết định chuyển nhượng từ sự cân nhắc của Wenger và “dàn nhạc công xuất sắc nhất” của ông.

Các tài năng được đem cho mượn khoảng vài tháng hoặc một mùa bóng sẽ bị gạch tên khỏi danh sách cầu thủ nhận lương “khủng” của Arsenal, và ít nhất một phần chi phí dành cho họ sẽ được một câu lạc bộ khác đảm nhận. Đổi lại, khoảng thời gian thi đấu của họ cùng quá trình trải nghiệm – dù thấp hơn đẳng cấp của Giải Ngoại hạng Anh – sẽ giúp nâng cao giá trị của họ trên thị trường chuyển nhượng. Một thành viên kỳ cựu trong nhóm tuyển trạch viên của Wenger, Tony Banfield, cha ruột của huấn luyện viên đội hình hai Neil Banfield, đã giải thích: “Tại Arsenal, các thiếu niên trong khoảng 15 tuổi sẽ được đề nghị một hợp đồng 3 năm. Đến năm 18 tuổi, nếu chơi đủ hay, họ sẽ nhận thêm một hợp đồng 3 năm nữa. Ngược lại, nếu bị đánh giá là chưa đủ tiến bộ, họ sẽ được đem cho mượn để có thêm cơ hội xuất hiện trong đội hình chính, với mục đích cải thiện khả năng thi đấu của họ. Khi trở về, nếu tiến bộ hơn họ có thể ở lại; nếu không, câu lạc bộ sẽ tìm cách bán họ đi.

Thông thường hợp đồng cho mượn sẽ biến thành một cuộc sang nhượng chính thức, như trường hợp của David Bentley khi chuyển sang Blackburn thi đấu; trong khi đó, Birmingham cũng quyết định mua đứt Jermaine Pennant, Sebastian Larsson và Fabrice Muamba. Và các vụ thương lượng này không chỉ giới hạn ở các cầu thủ học việc. Matthew Upson đã 20 tuổi khi có tên trong hợp đồng cho mượn kéo dài từ năm 2000 đến 2002 tại Nottingham Forest, Crystal Palace và Reading, trước khi một lần nữa được Birmingham mua đứt vào năm 2003 (từ đó đã phát sinh một câu hỏi: vốn đã gia nhập Luton khi còn trẻ, liệu anh có thi đấu tốt hơn nếu chấp nhận ở lại Kenilworth Road thêm một hay hai mùa giải?). Arsenal, cũng như các câu lạc bộ khác, thường bổ sung thêm một điều khoản đối với những vụ chuyển nhượng như Upson, đảm bảo cho họ một khoản lợi tức từ giá bán nếu cầu thủ thi đấu thành công hoặc dần tiến bộ hơn so với giá trị ban đầu của họ, và cho phép câu lạc bộ tiếp tục hưởng lợi từ thỏa thuận trước đó. Trong trường hợp của David Bentley, khi anh này tỏ ra xuất sắc dưới màu áo Blackburn, tổng giá trị chuyển nhượng đã lên đến hàng triệu bảng.

Đôi khi, món hàng cho đi lại được gọi về. Upson đã chơi đủ số trận tại Giải Ngoại hạng trong mùa bóng 2001-2002 và trở thành nhà vô địch. Nhưng tương lai phía trước lại thật ảm đạm với những thành viên mong muốn trở thành một nhân tố thiết yếu trong đội hình chính. Thậm chí dù Jérémie Aliadière đã trải qua 8 mùa bóng, anh vẫn bị đem cho mượn ba lần trước khi thỉnh thoảng được xuất hiện trong đội hình một suốt những tháng ngày cuối cùng tại Arsenal. Nhưng điều bất ngờ chính là anh có thể trụ được lâu đến thế. Về phần Aliadière, do kiên trì tranh đấu trong một cuộc chiến đã quá thừa thãi các tiền đạo, anh đã giành được cơ hội, trước khi chấn thương ập đến trong trận tranh Siêu Cúp nước Anh năm 2004 khiến anh phải ngồi ngoài trong phần lớn mùa giải. Sau khi bình phục, anh đã rơi xuống cuối danh sách lựa chọn, và cuối cùng Wenger đã chấp nhận lời đề nghị 2 triệu bảng từ Middlesbrough và để anh ra đi vào năm 2007. Ba cầu thủ trở về trong mùa giải 2007-2008 sau khi kết thúc hợp đồng mượn gồm có Alexandre Song, Nicklas Bendtner và Justin Hoyte. Tuy nhiên, điềm báo từ những người tiền nhiệm lại không ủng hộ Hoyte, và không cần chờ đến lúc được trao cho số áo lớn hơn 30, cầu thủ này mới cảm giác được huấn luyện viên đang nghiêm túc cân nhắc về việc giữ lại anh. (Aliadière mang áo số 30 trong mùa bóng cuối cùng. Hoyte mang áo 31 và hiển nhiên cũng được bán sang Middlesbrough.)

Thường được xem là một nhân tố được ưa chuộng cả trong hệ thống huấn luyện và cho mượn, quá trình thăng tiến mạnh mẽ của Ashley Cole trong danh sách đội hình nhất định là một ngoại lệ. Với quyết định rút hậu vệ trái tốt nhất người Brazil, Silvinho, khỏi đội hình chính vì tránh hình phạt từ liên đoàn (do trong quá trình đăng ký thi đấu, anh này đã mập mờ sử dụng hộ chiếu Bồ Đào Nha), Cole đã chính thức phục vụ Pháo Thủ vào đầu năm 2001. Anh bắt đầu với một hợp đồng cho mượn với Crystal Palace, và ngay trước khi Silvinho được ấn định mức phí chuyển nhượng 200.000 bảng, anh đã được đôn lên đá chính.

Như vậy, việc thanh lọc đối với vị trí ưng ý nhất trong đội hình một của Wenger (Silvinho cuối cùng đã lặng lẽ chuyển đến Celta Vigo) đã mở ra cánh cửa đối với một tài năng chính cống, vốn xuất thân từ lò đào tạo trẻ của Arsenal.

Chàng hậu vệ trẻ đã nắm lấy cơ hội, nhanh chóng khẳng định tài năng trong các trận đấu chính thức và nổi lên như một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất của bóng đá thế giới. Chủ tịch học viện đào tạo trẻ Liam Brady đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với hai học trò cũ của ông, khi họ giành danh hiệu vào năm 2002; mặc dù thủ thành Stuart Taylor, bất chấp sự tiến cử của huấn luyện viên Bob Wilson, đã không bao giờ được trao cơ hội kế nhiệm David Seaman, và chỉ  được góp mặt 10 lần trong tình huống cấp thiết, do hai người đồng nghiệp xếp trên anh dính chấn thương, cùng một lần ra sân cuối cùng trước khi được chuyển nhượng.

Không như Barcelona hay các đội bóng hàng đầu châu Âu khác luôn tự hào về học viện đào tạo với lịch sử hơn 30 năm của họ, lò đào tạo của Arsenal – nơi phụ trách phát triển các tài năng từ 9 đến 21 tuổi – chỉ mới thành lập vào năm 1998. Tuy nhiên, cho đến hai năm gần đây khi Johan Djourou, Kieran Gibbs và Jack Wilshere bất ngờ nổi lên, chưa một cầu thủ nào đủ sức tiếp bước Cole và Taylor. Trang web của câu lạc bộ là nơi liệt kê danh sách các cầu thủ được học viện bồi dưỡng. Trong đó, Fabrice Muamba, Sebastian Larsson, Arturo Lupoli và Nicklas Bendtner là những cái tên tốt nghiệp gần đây nhất. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện lại tiết lộ rằng tất cả những chàng trai trên đều gia nhập từ các đội bóng chuyên nghiệp khác, khi hầu hết trong số họ đang ở giữa hoặc cuối giai đoạn dậy thì. Trở lại cách đây vài năm, Jermaine Pennant, David Bentley, Steve Sidwell, Justin Hoyte, Jérémie Aliadière và Ryan Smith đều có tên trong danh sách. “Với các cầu thủ từ học viện thường xuyên đột phá lên đội hình dự bị của Arsenal cùng quá trình thăng tiến đều đặn của các cầu thủ được chuyển sang cấp độ thi đấu cao hơn,” theo arsenal.com, “hệ thống đào tạo của học viện vẫn đang tiếp tục trau dồi các lứa cầu thủ trẻ, nhằm làm rạng danh sân vận động mới Emirates trong tương lai sắp tới.” Nếu họ thành công, đó sẽ là bước đột phá thật sự.

Không thể không nhắc đến Cesc Fàbregas, Gaël Clichy, Abou Diaby, Denílson hay Philippe Senderos, những tài năng đã gia nhập Arsenal từ thời niên thiếu. Theo Walcott đã gây chấn động dư luận khi chuyển đến từ Southampton ở tuổi 16. Học viện đã đóng góp gì cho quá trình phát triển của họ? Chỉ có thể kết luận rằng những tài năng ấy đã lập tức được trù bị cho đội hình chính từ sự tin tưởng của Arsène Wenger, không như những đồng môn khác, họ có khả năng bẩm sinh để trở nên đặc biệt. (Điển hình như ấn tượng đầu tiên của ông về Fàbregas, “Ở tuổi 16, cậu ấy đã nói ‘không’ với Barcelona và nói ‘có’ với Arsenal, thật lạ lùng. Tôi thật sự tò mò và không hiểu nổi lại có một thiếu niên dám trả lời như thế với Barcelona, ‘Các ông không nhìn nhận tôi đủ tốt; tôi đành phải ra đi thôi.’”) Hoặc có lẽ ông cũng cho rằng những bài huấn luyện kéo dài cùng sự xuất sắc của ban huấn luyện vẫn có thể bỏ qua những tố chất của họ, nếu không có sự coi sóc của chính ông.

Những kẻ hoài nghi vẫn cho rằng tầm quan trọng gắn liền với học viện hôm nay là kết quả của những quy định ưu tiên cho các tài năng trong nước phát triển, vốn rất cần thiết cho những giải đấu của UEFA. Do họ chỉ vừa đến 18 tuổi khi gia nhập, Cesc Fàbregas và Theo Walcott đã đáp ứng tiêu chuẩn, mặc dù theo thông  lệ, họ hiếm khi được tiếp xúc với Liam Brady và đội ngũ của ông. Do đó, Arsenal chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc lên danh sách đội hình đủ điều kiện thi đấu Champions League; dù thời điểm đó, chỉ vài người trong số họ là người Anh.

Trong thời gian nghỉ ngơi tại nhà riêng ở khu Bắc London, Wenger đã sẵn sàng cho một buổi chất vấn thân thiện về xu hướng sử dụng các tài năng trẻ ngoại quốc của ông.“Đó là sự thật [rằng Arsenal có nhiều tài năng trẻ quốc tế] – nhưng điều anh cần xem xét là phương pháp anh sẽ đào tạo họ. Nếu anh muốn phát triển toàn diện một cầu thủ, lý tưởng nhất là anh phải phát hiện ra cậu ta từ tuổi lên 5 và đưa ngay vào đội hình chính. Nhưng thực tế, cậu ta chỉ gia nhập đội khi đã 16 hoặc 17 tuổi [hoặc lớn hơn]. Nếu so sánh với các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, Arsenal chắc chắn đang sản sinh ra nhiều cầu thủ trẻ hơn bất cứ đội bóng nào.” Không đúng. Đội hình chủ chốt đưa Barcelona lên ngôi Champions League và giúp Tây Ban Nha đăng quang Cúp Thế giới – gồm những cái tên như Puyol, Xavi, Iniesta, Busquets, Valdés hay Piqué, cùng với Quả Bóng Vàng Lionel Messi, đều xuất thân từ La Masia – học viện đào tạo của Barcelona. Và đến Wenger cũng phải quay lại nơi đó để chiêu dụ tiền vệ Jon Miquel Toral Harper.

Ông tỏ ra khá dè chừng khi người chất vấn cho rằng trong số tất cả các ông lớn tại châu Âu, Arsenal là đội bóng có nhiều ngoại binh nhất; và rồi ông đáp trả: “Đúng thế, nhưng tôi thật không hiểu vì sao đó lại được xem là một lời kết tội – vì sao?”

“Vì sẽ có sự gắn bó mật thiết hơn giữa khán giả và câu lạc bộ nếu trong đội có nhiều cầu thủ nội địa hơn, đó chính là lý do.”

“Có thể anh nói đúng,” ông đáp lại, “nhưng tôi phản đối quan điểm đó. Tôi cho rằng sự gắn bó phải xuất phát từ chất lượng trong lối chơi, với những pha bóng anh phô diễn và những giá trị anh đại diện. Chứ không phải tấm hộ chiếu của anh. Có thể cách suy nghĩ của tôi không phù hợp với truyền thống, nhưng tôi tin thể thao sẽ kết nối thế giới và trở thành  hệ tư tưởng của xã hội hiện đại trong tương lai. Nhưng nếu chúng ta chùn bước và tuyên bố rằng: ‘Được thôi, chúng tôi sẽ cho tất cả ngoại binh lẫn các huấn luyện viên ngoại ra rìa,’ tôi sẽ chẳng phản đối việc đó, vì tôi có thể trở về nhà và làm việc tại gia. Nhưng tôi tin rằng ngay cả đối với những người như thế,  nếu một ngày nào đó họ phải xem Giải Ngoại hạng với toàn các nội binh, họ sẽ mất hết hứng thú. Vì thế, câu trả lời nên là: ‘Được thôi, chúng tôi thích cách anh chơi, chúng tôi thích những gì anh đã làm nhưng vẫn muốn những cầu thủ Anh thực hiện chúng hơn.’ Xin thứ lỗi vì tôi không thể diễn đạt tất cả những điều đó trong một lúc. Tôi mong tôi có thể làm thế vào một ngày nào đó, nhưng hiện thời tôi không thể. Có lẽ tôi sẽ cảm thấy tội lỗi, nhưng mặt khác, tôi sẽ vẫn an lòng vì đã phục vụ công lý trong thể thao; để một ngày nào đó nếu anh lớn lên tại châu Phi, và cố gắng luyện tập với mơ ước thi đấu cho những giải đấu hàng đầu thế giới, thì anh xứng đáng có được cơ hội đó. Tôi nghĩ đó là điều tốt đẹp nhất. Nếu ai đó nói rằng: ‘Xin lỗi anh bạn, cậu không thể chơi với những cầu thủ siêu sao vì hộ chiếu của cậu không phù hợp,’ đối với tôi đó không phải là thể thao.”

Bất chấp lý tưởng cao đẹp, triết lý của Wenger vẫn vấp phải rào cản của những kẻ bảo thủ. Không như những giải đấu hàng đầu khác tại châu Âu luôn ngập tràn các tài năng nội địa (vì nhiều lý do, như nguyên nhân chủ yếu là hệ thống đào tạo với thâm niên lâu đời đã tập trung sản sinh ra những cầu thủ thực thụ, chứ không chỉ các vận động viên), cuộc cạnh tranh giữa các mầm non của nước Anh lại tàn khốc hơn, nghiệt ngã hơn, vì thực tế luôn có những câu lạc bộ đầu bảng tranh nhau sở hữu họ − những đội bóng thuộc 6 trong 15 giải đấu sinh lời nhiều nhất theo báo cáo của Deloitte. Tại Tây Ban Nha, chỉ có hai thế lực lớn nhất có đủ tiềm lực để bồi dưỡng và vun xới tài năng, và cũng không có ý định rao bán họ rộng rãi trên thị trường chuyển nhượng.

Wenger có thể thoát khỏi dư luận với lập trường quốc tế hóa của ông chính là nhờ đấu pháp ông xây dựng đã gặt hái thành quả, và từ đó đã vượt qua được thói bảo thủ và hẹp hòi của giới mộ điệu. Ông cũng tỏ ra lạc quan hơn về bản chất của con người, chứ không chỉ quanh quẩn với những trải nghiệm trong các trận đấu.

Ông chia sẻ, “Cổ động viên cũng có thể được khai sáng. 5% trong số những kẻ gay gắt nhất đôi khi sẽ thể hiện quan điểm lạc hậu của họ, nhưng đó không phải là đa số. Sẽ cần nhiều thời gian, nhưng tôi tin các cổ động viên rồi sẽ tỉnh ngộ. Tôi đồng ý rằng chúng ta phải trả giá, nhưng hiện tại tình thế vẫn chưa công bằng và hợp lý; vì tuy chúng ta nên phát triển nhiều tài năng nội địa, nhưng tại sao hiện nay các đội bóng lớn đều gặp vấn đề vì vừa buộc phải thắng, vừa phải sản sinh ra cầu thủ chất lượng? Tại sao? Vì các anh chỉ có thể sàng lọc trong một ao cá nhỏ (chỉ mất một tiếng rưỡi di chuyển từ câu lạc bộ), nhưng một đội bóng lớn không thể chỉ làm được như thế.” Vì vậy, bất chấp việc Wenger đã chấm Wayne Rooney khi anh này còn là mầm non tại Merseyside, ông vẫn bị đánh bật theo đúng nghĩa đen. Và tình thế cạnh tranh ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn với những người hàng xóm tại London, gồm nhiều đại gia đang thi đấu tại Giải Ngoại hạng. Do đó, chiến lược gia người Pháp bất đắc dĩ phải săn lùng tài năng từ nước ngoài.

Tuyển trạch viên Tony Banfield cương quyết, “Giới cầu thủ châu Âu không thể tiếp tục bị chia tách thành người Anh, người Pháp hay người Đức như trước kia– họ đều là người châu Âu. Chúng ta không thể thụt lùi. Và nếu những thiếu niên Anh không đạt đủ trình độ, chúng ta sẽ tận dung tài năng từ các quốc gia khác.” Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan rằng tiến trình đó vẫn có thể thực hiện tại quê nhà. “Dựa trên năng lực của học viện đào tạo Arsenal nhằm sản sinh ra các nhân tố cho đội hình chính, tình hình sẽ khả quan hơn. Chúng ta sẽ có những danh thủ xuất chúng trong tương lai.”

Là một cựu hậu vệ đã rút về hậu trường với vị trí huấn luyện viên đội trẻ, Steve Bould dự đoán rằng: Trong năm 2008, sẽ xuất hiện nhiều hơn những tài năng chính cống hứa hẹn, điển hình như Kieran Gibbs, Mark Randall và Henri Lansbury với đủ khả năng làm nên chuyện, và cho phép Bould cân nhắc: “Có lẽ chu kỳ 8 năm đã bắt đầu đến mùa thu hoạch. Có lẽ những gì học viện vun trồng đã đơm hoa kết trái. Trong thời gian ngắn sắp tới, chúng tôi sẽ có một nhóm mạnh từ lứa cầu thủ này gia nhập đội hình chính.” Hiển nhiên, Bould là người thẩm định xuất sắc. Cùng với Jack Wilshere, những Gibbs, Randall hay Lansbury đều hội đủ điều kiện tham gia đội hình một (và Gibbs cũng giành được một suất thi đấu quốc tế, dù ra sân không đều đặn do chấn thương dai dẳng và do sự ổn định của Gaël Clichy) vào năm 2009 với sự xuất hiện của Jay Emmanuel-Thomas và Craig Eastmond.

Những tài năng trẻ này là mẻ bánh thơm ngon đầu tiên thoát khỏi tình trạng suy nhược của hệ thống huấn luyện nước Anh trong giai đoạn định hình tố chất, và sẽ trưởng thành với khả năng sử dụng thuần thục cả hai chân. Tuy nhiên, Steve Bould cũng bị cám dỗ bởi những suy nghĩ đầy hứa hẹn rằng: một hoặc hai trong số họ  sẽ giành được vị trí chính thức tại Arsenal. Kết quả đã cho thấy nhiều cầu thủ trong đội hình hiện nay sẽ chỉ trở thành cựu-tài-năng-trẻ trong tương lai.

Tuy là một chứng nhân nhiều thành kiến, bản thân Wenger cũng bảo vệ chính sách này: “Tôi đã cố gắng xây dựng một học viện nhằm thu hút tài năng trẻ tại địa phương. Hiện tại, chúng tôi đã có những gương mặt xuất chúng dưới 14 tuổi. Họ thật sự phi thường.”

Sự chuyển hướng đáng chú ý từ chính sách cho mượn thường xuyên đến các đội bóng khác tại Anh đã giúp Arsenal khám phá ra hai cái tên đến từ Tây Ban Nha.

Fran Merida, vốn chuyển sang Arsenal từ lò đào tạo của Barcelona như trường hợp của Fàbregas, đã được Real Sociedad mượn về thi đấu ở Giải Hạng Nhì, trong khi Carlos Vela cũng từng dành thời gian phục vụ đội bóng hạng hai Salamanca trước khi sang La Liga thi  đấu cho Osasuna. Wenger cảm thấy rằng các cầu thủ có thể học hỏi thêm thông qua việc tiết lộ thân thế và phong cách thi đấu của họ đến thế giới, thay vì quanh quẩn tại nước Anh hòng tìm kiếm thành công cao hơn. Tiếc thay, việc thử nghiệm chỉ dừng lại ở đó khi Merida được bán cho Atlético Madrid và Carlos Vela, dù được chào đón trở lại, vẫn tiếp tục được West Bromwich Albion mượn về trong phần còn lại của mùa giải.

Ít nhất thì hai chàng trai, cùng với các đồng đội người Anh, đã chứng thực được lời tuyên bố của Bould rằng việc tập trung kỹ vào công tác tuyển trạch sẽ mang lại kết quả. “Trước hết, chúng tôi phải nắm trong tay những cầu thủ tốt,” Bould nói. “Đó có vẻ là một khởi đầu đơn giản – tuyển mộ những tài năng xuất sắc nhất – nhưng không hề dễ dàng khi mọi câu lạc bộ đều nhắm đến điều tương tự… dù ở nước ngoài hay xung quanh London.

“Các thiếu niên Anh có được phép thi đấu cho một đội bóng Anh không?” Tony Banfield tự hỏi. “Họ phải tự giành lấy quyền lợi.” Ông cảm thấy văn hóa thay đổi trong một xã hội lắm tiền nhiều của đã ngăn cản những bước xoay chuyển của họ, điển hình như: “Hiện nay, giữa một London đầy rẫy kẻ làm công, những đứa trẻ không thể chơi bóng ngoài phố và tự do phát triển như tôi trước kia. Từ hành trình của mình, tôi đã viết nên một công thức P – số đông và sự thèm khát sẽ làm nên cầu thủ chất lượng (population plus poverty produces players).” Câu nói trên có thể phải thay đổi đôi chút để giải  thích về trường hợp ngoại lệ của một cầu thủ Anh, Wayne Rooney, người từ nhỏ đã chơi bóng trên những con đường thuộc xóm lao động nghèo Croxteth tại Liverpool, nơi phần lớn dân cư không thể tìm thấy một công việc tốt. Banfield đã xác nhận lại như một quy luật, “những thiếu niên Anh phải tự chăm sóc bản thân theo một quy trình bài bản, và chúng sẽ không thể chơi bóng trên đường phố. Thế nhưng, vật chất không làm nên cầu thủ.

Tại châu Phi họ đá bóng bằng chân trần, nhưng chất lượng bóng đá tại đây còn cao hơn những quốc gia phát triển khác.” Quan điểm này không đến mức phải dẫn đến tranh cãi quá nghiêm túc – vì kỳ World Cup tổ chức tại châu lục này đã chứng kiến ba đội bóng mạnh nhất đều đến từ châu Âu – hoặc ngăn cản Arsenal ký hợp đồng với các tài năng người Thụy Sĩ và Scandinavi. Trong cuộc tranh giành các hạt giống chuyên nghiệp, ông đã tỏ ra không hứng thú với các tài năng nội địa và tuyên bố: “Đây là một thị trường mở. Nếu các anh muốn đầu quân cho Manchester United, các anh phải chơi tốt hơn những chú nhóc đến từ Pháp, Đức hay Tây Ban Nha.

Nhằm phản kích lại những đối thủ lớn đang chiêu dụ những cầu thủ tốt nhất, nhóm tuyển trạch tại Arsenal đã mở rộng quy mô mục tiêu của họ. Brazil vốn không phải là nguồn cung cấp thường xuyên những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm (Silvinho, Edu và Gilberto đều được mua về từ 4 năm trước, trong khi Edmilson của Barcelona lẽ ra đã gia nhập đội nếu không vướng mắc giấy phép hành nghề), nhưng giờ đây các tuyển trạch viên phải làm việc cật lực để nắm trong tay các thiếu niên từ Trung và Nam Mỹ, như Denílson hay Vela người Mexico. David Dein phát biểu: “Arsenal tin rằng tương lai sẽ nằm trong tay các cầu thủ đến từ Nam Mỹ và Trung Mỹ,” dù bản thân Wenger không đi xa đến mức công khai thừa nhận việc đó, và tất nhiên ông tin rằng Barcelona là đội đang dẫn đầu. Huấn luyện viên tại học viện, Carlos Rexach đã hé lộ một phần lý do. “Trên hết, chúng tôi theo đuổi những cầu thủ chơi bóng tốt,” ông nhấn mạnh, “và sau đó hy vọng thể lực của họ sẽ cải thiện. Nhiều học viện khác có khuynh hướng thu nạp các vận động viên và biến họ thành cầu thủ. Rất nhiều huấn luyện viên khi nhìn thấy một cầu thủ dẫn bóng quá lâu đều bảo cậu ta dừng lại và chuyền bóng. Tại đây, họ sẽ làm ngược lại. Chúng tôi khuyến khích cầu thủ tiếp tục và nhờ vậy họ sẽ dẫn bóng tốt hơn.Chỉ khi khả năng của các cầu thủ trẻ này được cải thiện, chúng tôi mới hướng dẫn họ cách chuyền bóng.”

Rõ ràng những lời tuyên bố của Wenger đều xuất phát từ quá trình quan sát kỹ thuật vượt trội của các tài năng Nam Mỹ và thể lực tuyệt hảo của các mầm non châu Phi. Trong bóng đá Anh, hiển nhiên chính khả năng không chiến và sức mạnh tiềm tàng trong khâu phòng ngự mới là tiền đề của thành công, dù tại Arsenal kỹ thuật được chú trọng nhiều hơn. Hơn thế, nhịp độ và khả năng cầm bóng cũng vô cùng quan trọng trong khâu phối hợp.

Sau khi thấu suốt mọi thông tin khảo sát – ông đã hoàn thành tốt vai trò một giám đốc kỹ thuật, một huấn luyện viên cũng như một chân chạy việc ngoài sân cỏ – Wenger đã xây dựng nên một đội ngũ tuyển trạch viên dưới sự dẫn dắt của Steve Rowley và Dave Holden, những người đã đào xới khắp thế giới. Đặt trụ sở tại Ý, nhưng với phạm vi phụ trách bao quát cả dãy An-pơ, Tony Banfield giải thích: “Tuyển trạch viên là những tay săn đầu người chuyên tìm kiếm những cầu thủ tốt hơn đội ngũ chúng tôi có trong tay. Vào cuối mỗi mùa bóng, mục tiêu  của chúng tôi là cải thiện đấu pháp của cả đội, về cả thể lực, chiến thuật và kỹ thuật.” Những nhân vật này là tấm gương phản chiếu ngược lại hình ảnh các cầu thủ. “Các tuyển trạch viên người Anh này,” Wenger chia sẻ, “được tập hợp tại đây [Arsenal] nhưng rồi đã trở thành tai mắt của tôi khắp thế giới.”

Một trong những ngoại lệ mang quốc tịch nước ngoài trong hệ thống tuyển trạch viên của Wenger chính là Gilles Grimandi, người chính thức nhận nhiệm vụ tại nước Pháp và các vùng nói tiếng Pháp trên lãnh thổ quốc tế. Anh phát biểu ngắn gọn: “Chúng tôi có thể chiêu dụ những tài năng hứa hẹn nhất vì có trong tay tấm danh thiếp mang tên ‘Arsène Wenger’.” Grimandi bổ sung, “Một giá trị [khác] nhằm thu hút các cầu thủ, đó là chúng tôi sẽ đảm bảo cho họ cơ hội thi đấu… đây cũng là một trong những chủ đề bàn luận then chốt của chúng tôi.”

Đó chính xác là cách Arsène Wenger áp dụng với ông bà Clichy, khi ông ghé thăm nhà họ vài ngày trước trận chung kết FA Cup năm 2003, nhằm thuyết phục họ tin tưởng ông trong vai trò người bồi dưỡng tài năng cho cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn của họ. Đội bóng của Gaël Clichy, Cannes, đã bị giáng xuống Giải Hạng Ba, đồng nghĩa sẽ mất đi danh hiệu chuyên nghiệp và cậu đã trở thành cầu thủ tự do với những yêu cầu riêng. Đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ vô số đội bóng Pháp, Damien Comolli, một thành viên thiết yếu trong trong nhóm phụ tá của Arsène, đã thôi thúc Wenger phải ra mặt. Clichy nhớ lại, “Ông ấy [Wenger] nói với tôi rằng Giovanni van Bronckhorst sẽ ra đi theo hợp đồng cho mượn tại Barcelona và tôi sẽ là người đóng thế cho Ashley Cole. Đó chính xác là những gì đã xảy ra… tại Pháp, không có nhiều cơ hội cho những cầu thủ trẻ… không đâu có thể sánh bằng nước Anh.”

Luôn có một tiêu chí đồng thuận chung xuyên suốt những mảng công việc rối rắm của mạng lưới tuyển trạch viên. Như Wenger giải thích, “Các tuyển trạch viên và chính tôi sẽ thảo luận thường xuyên về cách chúng tôi tiếp cận các cầu thủ.

Chúng tôi cũng tập hợp các thông số thường niên để tất cả cùng nhận xét về cách huấn luyện đối với đội một. Sau đó, chúng tôi phải đảm bảo họ sẽ tìm kiếm tất cả những nhân tố tiềm năng chúng tôi yêu cầu, để trong những buổi luyện tập có thể đưa ra so sánh trực tiếp. Dữ liệu quan trọng nhất nằm ở chính những thông tin thu thập được qua việc quan sát khâu chuẩn bị của các tài năng trẻ đó.” Tiếp đó, ông nói vui về trường hợp José Antonio Reyes. “Chúng tôi thậm chí đã theo dõi cậu ta tập luyện. Bằng cách nào ư? Với một chiếc nón và bộ râu giả.” Có lẽ biệt hiệu ‘Clousseau’ tầm thường được các cầu thủ Anh trao tặng ông ngày mới gia nhập đội cuối cùng cũng tỏ ra ứng nghiệm.

Phương thức triệt để này còn có thể mở rộng nhằm theo đuổi ‘con mồi’ của ông trong nhiều năm. Wenger nói thêm về Reyes rằng, anh ấy “đã bị do thám suốt hai năm trời, trong mỗi phút thi đấu của mỗi trận đấu.” Theo lời Gilles Grimandi, không như các câu lạc bộ khác “có khuynh hướng theo đuổi hàng tá lựa chọn khi họ mất đi một vị trí then chốt… chúng tôi sẽ hạn chế lại tiêu chí và theo dõi sát sao một số lựa chọn cụ thể. Chúng tôi sẽ bắt đầu khi họ 16 hoặc 17 tuổi hoặc nếu cần thiết, sẽ theo sát họ cho đến năm 20 tuổi… và một ngày nọ có thể họ sẽ muốn gia nhập [với chúng tôi].” Lưu ý chi tiết này đã được Tony Banfield xác nhận vào năm 2008: “Chỉ có 3 cầu thủ trẻ ký kết với câu lạc bộ qua sự đề cử của tôi trong suốt 11 năm qua, nhưng kết quả đầy hứa hẹn các anh chứng kiến đã chứng thực cho công sức của tôi.”

Tuy nhiên, vẫn có một số vụ mua bán khá phức tạp, điển hình như ba trường hợp chuyển nhượng từ Đức. Bất chấp thất bại hao tiền tốn của với Alberto Mendez và Stefan Malz, năm 2008, đội bóng đã chấp nhận chi 1,2 triệu bảng cho chữ ký của tiền vệ trẻ Amaury Bischoff. Sau khi được trao số áo trong đội hình chính và xuất hiện tổng cộng bốn lần từ băng ghế dự bị, hợp đồng của anh này đã được thanh lý vào cuối mùa giải. Rốt cuộc, có lẽ Wenger buộc phải sử dụng đến cặp đôi với những màn phô diễn màu mè đã chiêu mộ trước đó, khi mang về Mendez và Malz.

Mặt khác, trong một trường hợp thể hiện thói quen xem trọng tiểu tiết của Wenger, Grimandi đã tiết lộ: “Tôi đã xem Bacary Sagna thi đấu hơn 30 lần. Tôi thẩm định cậu ấy một lần, 10 lần, rồi 20 lần trước khi quyết định cậu ấy là mẫu cầu thủ chúng tôi cần đến.” Quả thực, Grimandi đã rất khó nhọc mới chiêu dụ được anh từ Auxerre năm 2007, và Sagna cũng là một trường hợp không điển hình, khi gia nhập vào cuối độ tuổi được cho phép. “Thật khó để tính trước việc chiêu mộ một cầu thủ ở tuổi 23,” Grimandi cho biết. “Quá trễ, và không đáng để chúng tôi mở rộng số lượng hạn định [đối với các cầu thủ lớn tuổi]”. Ngược lại, Wenger lại khá thoải mái khi bẻ cong quy định trong trường hợp này. Ông nói một cách xã giao rằng “tôi là một trong những người cảm thấy hài lòng nhất” khi Sagna trở thành lựa chọn số một cho vị trí hậu vệ phải. Có lẽ ông nên có nhiều phát biểu tương tự hơn khi Overmars, Sagna rồi Vermaelen đều là mẫu cầu thủ “cứng tuổi” với thời kỳ đỉnh cao còn đang rộng mở phía trước.

Một kết luận có thể rút ra từ thập kỷ hoạt động đầu tiên của học viện đào tạo Arsenal, đó là chức năng chính của nó (trừ hai trường hợp ngoại lệ của ngoại lệ gồm Cole và Wilshere) chỉ nhằm đưa các cầu thủ dự bị lên đội hình chính, với khả năng bị bán tháo vào cuối mùa do thất bại khi cố gắng chen chân vào 11 vị trí chính thức. Liam Brady – người mang dòng máu Pháo Thủ trong huyết quản – đã không ít lần tự hỏi liệu ông có được trả công xứng đáng, và lật tẩy lời ngoa ngôn của David Dein rằng ông [Brady] “là người đóng vai trò quan trọng nhất câu lạc bộ”. Wenger vốn đã quá quen thuộc với vai trò của Brady, và tỏ ra cảm thông hơn từ những kinh nghiệm cay đắng của ông. “Thời gian đầu, tôi cố gắng huấn luyện những đứa trẻ từ 5 đến 7 tuổi tại trường dạy bóng đá, sau đó là từ 7 đến 10 tuổi tại một câu lạc bộ [Strasbourg],” ông kể lại, “sau đó, tôi phụ trách học viện và chính tại nơi ấy, tôi đã hiểu ra rằng vẫn còn những cầu thủ trẻ chưa được trao cơ hội. Khi ấy, tôi phải đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi phải quyết định ai đủ khả năng thi đấu chuyên nghiệp và ai không thể”.

Nếu cầu thủ đó đạt tiêu chuẩn của Wenger, “thì một quá trình hòa nhập khốc liệt vào đội hình chính sẽ tiếp nối. Anh phải dành sẵn chỗ cho người mới, và đó thường là nhược điểm chí mạng có thể dẫn đến thất bại của toàn đội.” Đôi khi, chính thời gian – chứ không phải năng lực – mới quyết định sự nghiệp của những cậu học trò của Wenger. “Đôi lúc tôi buộc phải ra quyết định, và khi thực hiện điều đó anh không thể chỉ xem xét một cá nhân – mà phải đánh giá toàn đội hình. Ai chắn phía trước cậu ta? Cậu ta phải tranh chấp với ai? Cậu ta có thể vượt lên trước hay không? Cậu ta đã chờ đợi đến mức không thể chịu đựng nổi hay chưa? – nếu anh không lưu tâm, cậu ta sẽ hoàn toàn bị chôn vùi và anh sẽ phải đánh cược vào vị trí đó. Nhưng sau cùng, điều quan trọng nhất là anh chàng đã có một trải nghiệm tuyệt vời.

Hiển nhiên phần thưởng dành cho các học trò của Brady chính là cơ hội đột phá lên sân đấu chuyên nghiệp; tuy nhiên,phải còn rất lâu câu lạc bộ mới thu hoạch được thành quả từ các hạt giống tiềm năng này, ngoại trừ các cầu thủ trong danh sách chuyển nhượng nhằm cân bằng ngân sách. (Tuy nhiều người có thể tranh luận rằng nghĩa vụ của các “ông lớn” là đào tạo cầu thủ cho sân đấu chuyên nghiệp, và nếu chỉ một số trong họ làm nên thành tựu ở cấp độ thấp hơn, đó sẽ là hiệu ứng xấu đối với câu lạc bộ chủ quản đã thu nhận họ từ ban đầu.) Thậm chí đã có những trường hợp chứng thực rằng các tuyển thủ Anh với kỹ thuật yếu kém thường bị khắc chế hoặc chậm tiến bộ hơn làn sóng các tài năng trẻ được phát hiện trên khắp thế giới, như Larsson hay tiền đạo mang quốc tịch nửa Ghana –nửa Hà Lan Quincy Owusu-Abeyie. Việc Arsenal có thu lợi nhiều nhất từ phương thức của họ hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi, nhưng chính sách của Arsène Wenger với lòng tin đặt trọn ở mọi cầu thủ đến từ mọi quốc gia – những tài năng ông nắm rõ trong lòng bàn tay – vẫn còn giữ nguyên giá trị. “Tôi luôn động viên các ngoại binh của mình, ‘Đừng chỉ đinh ninh rằng các cậu phải luôn nỗ lực; mà các cậu còn phải làm tốt hơn những đồng đội xuất thân từ đây. Một khi xuất ngoại, các cậu phải lưu lại điều gì đó. Nếu các cậu chỉ làm được như các cầu thủ nội binh, sẽ chẳng ai cần đến các cậu. Vì vậy, áp lực duy nhất chính là các cậu phải cố gắng nhiều hơn nữa.”Tất nhiên, các chàng trai mang quốc tịch Anh cũng phải chịu áp lực tương tự. Tuy nhiên, đã có một tài năng phá vỡ mọi tiền lệ, khi trở thành sản phẩm Anh duy nhất tại học viện không phải lo lắng về nguy cơ bị chuyển nhượng – đó là Jack Wilshere. Arsène Wenger đã nói về anh (khi Wilshere mới 17 tuổi) như sau:  “Vấn đề đối với một huấn luyện viên chính là anh không muốn một tài năng trở thành siêu sao quá sớm. Rất khó khăn, thậm chí khó hơn bất kỳ vấn đề nào khác.” Là một tiền vệ nhỏ con nhưng rắn rỏi, tài năng của Wilshere đã nhanh chóng nở rộ từ thuở thiếu thời. Tham gia học viện khi mới lên 9, chàng cầu thủ sinh tại Stevenage đã chiếm được một vị trí trong đội hình chính khi chưa đến tuổi 20. Sau những lời hứa hẹn có cánh rằng sẽ xây dựng nên một đội hình của tương lai, học viện cuối cùng đã chắp cánh thành công cho một tài năng – với vô số đột phá từ thời thơ ấu. Là một học trò xuất chúng, anh đã “tốt nghiệp” vào đội hình chính một cách hiển nhiên. “Tôi vẫn còn nhớ khi chưa đến 10 tuổi, tôi đã học đến những bài tập chuyền bóng,” Wilshere hồi tưởng. “Chúng tôi thi đấu như Ajax, với cùng thứ triết lý bóng đá. ‘Sếp’ muốn tôi liên tục chơi như tiền đạo và tôi rất hợp với đấu pháp đó. Khi nhận bóng, điều đầu tiên thoáng qua trong tôi là, ‘chuyền cho tiền đạo được không?’ Nếu không, tôi sẽ tự mình dẫn bóng. Nếu vẫn không thể, tôi sẽ dạt sang cánh.” Nhờ tài xử lý khéo léo của mình, năm 16 tuổi anh đã được tập luyện với đội hình chính, và được tặng chiếc áo đấu số 19 vào đúng sinh nhật năm đó của mình; trong khi các đồng đội vẫn đang cố bứt phá khỏi băng ghế dự bị, thì anh đã chiếm trọn lòng tin của Wenger. “Cậu ấy là mẫu cầu thủ với cá tính riêng,” huấn luyện viên chia sẻ. “Cậu ấy không hề lo sợ khi đứng trước thử thách và rất thích lối đá va chạm. Không gì đe dọa được cậu ấy. Cậu ấy có thể đoạt bóng từ bất kỳ đâu và từ bất kỳ ai cậu ấy tranh chấp. Đó là bản năng của cậu ấy. Wilshere vừa có thể bọc cánh, vừa có thể hỗ trợ sau tiền đạo. Cậu ấy cũng có thể chơi ở khu trung tuyến và dâng cao nếu cần.”

Wilshere đã phá kỷ lục cầu thủ trẻ nhất gia nhập đội hình chính của Pháo Thủ chỉ 100 ngày sau sinh nhật lần thứ 17 (vào tháng Chín năm 2008 khi anh xuất hiện như cầu thủ dự bị trong trận đối đầu với Blackburn). 15 tháng sau đó, khi các cơ hội ra sân tiếp theo bị giới hạn, Bolton Wanderers đã hỏi mượn anh vào tháng Một năm 2010 cho đến hết mùa giải. Tuy nổi danh với lối đá va chạm dưới thời Sam Allardyce và Gary Megson, Owen Coyle còn rất tinh tế khi di chuyển và chuyền bóng. Đối với một Wilshere đang tiến bộ từng ngày, Coyle đúng là hình mẫu hoàn hảo để học hỏi; kết hợp với các kỹ thuật được truyền thụ tại London Colney cộng với sự gan lì, Wilshere đã có quyết định dứt khoát cho bản thân. (Trước khi hết hạn cho mượn, anh đã nói, “Bảo vệ bản thân trên sân là điều rất quan trọng. Đối phương có thể nhằm vào anh vì anh trẻ và nhỏ bé hơn họ, do đó, anh phải cứng rắn lên vì lợi ích của chính mình.”)

“Ban đầu khi biết chúng tôi đã mang được cậu ấy về từ Arsenal,” thủ quân Kevin Davies của Bolton cho biết, “tôi đã nghĩ cậu ấy chỉ là một gã yếu đuối muốn đem bóng ra sân và học cách chơi. Nhưng cậu ấy đã khiến tôi ấn tượng vì khao khát giành bóng của mình. Cậu ấy không hề e ngại hay tránh né, hoàn toàn không.” Các cổ động viên hay ngờ vực của Arsenal ban đầu đã nghĩ rằng Wilshere chỉ đóng vai trò như một món đồ chơi trang trí ở cửa hàng, nhưng thành quả của anh tại Reebok – với 14 lần ra sân tại Giải Ngoại hạng – đã chứng minh anh cũng đáng giá như Alex Song tại Charlton năm 2007, và mở màn cho những chiến công dưới thời Arsène Wenger khi trở về.

Cùng với Song, Wilshere đã được trao cơ hội xuất hiện thường xuyên trong đội hình chính thức mùa bóng 2010-2011. Đảm nhận một trong hai vị trí tiền vệ trụ, Song đã khởi đầu mùa giải với nhiều trận góp mặt hơn Wenger dự tính, do quyết bắt kịp các đồng đội cạnh tranh cùng vị trí – như Abou Diaby, Denílson hay Aaron Ramsey, người đã vắng bóng trong thời gian dài. Nhờ kỹ năng điêu luyện trong khâu cản phá, Song được phép dâng bóng cao hơn và tham gia tấn công với hiệu suất tốt hơn hẳn so với những mùa giải trước. Với phong độ cực tốt, anh đã mặc định trở thành lựa chọn thay thế đầu tiên của Diaby lẫn Denílson khi họ cần hồi phục thể lực. Những khán giả trung thành của Arsenal sẽ có cảm giác anh đã làm sống lại hình ảnh một tiền vệ lừng lẫy khác với chiếc chân trái huyền thoại – giám đốc học viện Liam Brady.

Thái độ thi đấu năng nổ của Wilshere đã lập tức chiếm được cảm tình của công chúng, và chỉ vài tháng sau mùa giải đầu tiên với vai trò cầu thủ chính thức, anh đã được người hâm mộ ca ngợi như hình tượng tiêu biểu cho sự tận tụy của các Pháo Thủ mà họ kỳ vọng sẽ được chứng kiến trên sân cỏ. Anh sở hữu tinh thần của một người Anh chính cống, một giá trị đang dần mất đi trong mắt giới mộ điệu khi họ lần lượt chứng kiến Tony Adams, Martin Keown và Ray Parlour giải nghệ hoặc chuyển sang đội bóng khác.

Có ý kiến cho rằng: do phụ thuộc quá nhiều vào các ngôi sao ngoại quốc, văn hóa của câu lạc bộ tại Giải Ngoại hạng Anh đã dần giảm sút. Nhưng tại sao những tài năng đến từ các quốc gia khác lại trung thành với đội bóng hơn những kẻ sinh trưởng và khôn lớn tại đây? Nói đơn giản, họ có thật sự quan tâm không? Một số mầm non người Anh tham gia học viện với mong muốn khai phá tiềm năng đích thực trong họ, và câu hỏi đặt ra là: Liệu họ chia tay Arsenal vì không thể tiến bộ, hay cho rằng chỉ có vây quanh và tham gia cùng những cầu thủ xuất sắc hơn mới cải thiện được khả năng của họ? “Giáo sư” đã đáp trả rằng việc chiêu mộ dựa trên kinh nghiệm sẽ giết chết những mầm non như trường hợp của Song và Denílson; tuy nhiên, ông cũng rất vui lòng mang về những cầu thủ trẻ từ nước ngoài nhằm chọn lọc ra những tài năng – về lâu dài – có thể phục vụ câu lạc bộ tốt hơn cả Matthieu Flamini hay Carlos Vela. Wilshere là ví dụ điển hình cho những gì một người Anh trẻ tuổi giành được khi họ được trao cơ hội.

Lọt vào danh sách chính thức của đội tuyển U21 Anh (dưới sự dẫn dắt của Stuart Pearce) khi mới 17 tuổi, anh đã có trận đấu quốc tế đầu tiên vào tháng Tám năm 2010 khi bước sang tuổi 18, và đã hai lần ra sân trong màu áo câu lạc bộ tại Giải Ngoại hạng Anh; trong khi đó, Theo Walcott dù được chọn vào đội hình tuyển Anh tham dự World Cup 2006 nhưng vẫn chưa một lần được ra sân chính thức cho Arsenal. Sự thán phục của khán giả quốc tế dành cho Wilshere là điều đã được đoán trước, sau khi anh gây được ấn tượng với huấn luyện viên Fabio Capello trong đội hình U21. “Cậu ta thi đấu với lòng tự tin và không chút sợ hãi,” Capello cho biết, “Các cầu thủ khác cứ liên tục châm bóng cho cậu ta. Quả đúng là tuổi trẻ tài cao, thật phi thường!” Wilshere là niềm hi vọng lớn, và cũng là sản phẩm thành công không thể chối cãi của học viện đào tạo Arsenal.

Tuy nhiên, Jack Wilshere hiện nay còn hơn cả một ngoại lệ, bất chấp việc Arsène Wenger thường hay nói quá về các tài năng trẻ của ông. Sau thất bại 3-0 trước Wigan tại Carling Cup mùa thu năm 2008 do sử dụng đội hình trẻ, ông đã chia sẻ: “Nếu Fabio Capello muốn có thêm lựa chọn, ông ấy phải đến xem Carling Cup của chúng tôi. Chúng tôi có trong tay những hạt giống tương lai đầy tiềm năng – như Gavin Hoyte, Kieran Gibbs, Mark Randall và Jack Wilshere – bốn cái tên đứng đầu, và tất nhiên cả Jay Simpson nữa. Đội hình dự bị gồm có Emmanuel Frimpong và Henri Lansbury. Họ đều là tuyển thủ hàng đầu. Nếu cho tôi thêm thời gian, tôi sẽ chắp cánh cho một vài cái tên trong số họ.”Ngoài Wilshere đã đảm bảo được vị trí và Gibbs đã được xếp trong đội hình chính ngay từ ban đầu, Simpson giờ đã bị bán sang Hull City, thì đối với các tài năng khác, tương lai của họ dường như ngày càng cách xa Bắc London – Hoyte, Randall và Lansbury phải chịu đày ải tại những hạng đấu thấp hơn khi lần lượt đầu quân cho Lincoln, Rotherham và Norwich, và thậm chí còn không nằm trong kế hoạch lâu dài của huấn luyện viên các đội bóng này; riêng Frimpong, anh cũng chỉ có thể lấy chấn thương để tự xoa dịu mình, dù thực tế anh cũng chẳng được trao cơ hội.

Cuối cùng, liệu xu hướng có đang quay ngược lại nhằm đề cao những tài năng trẻ người Anh đã tạo được bước đột phá từ học viện đào tạo – như Ashley Cole và Wilshere hiện nay – và khiến họ trở thành những lựa chọn hiển nhiên cho đội hình chính thức hay không? Liệu Wilshere chỉ là một ngoại lệ, hay anh chính là người mở đường cho lứa cầu thủ mới? Nếu mỗi năm đều có một tài năng nhất định nổi lên từ đội trẻ và được đặc cách vào thẳng đội một, đó sẽ là điềm báo cho một bước thay đổi to lớn. Tuy nhiên, theo Johan Cruyff, thiên tài bóng đá và là cựu huấn luyện viên Barcelona, thì các đội bóng còn đối diện với một bước ngoặt ghê gớm hơn nữa. “Anh phải có từ 5 đến 7 nội binh,” ông nói, “Những đội bóng hàng đầu như Madrid, Ajax, Milan, Barcelona đều hiểu rõ điều đó.

Nó nói lên một sự thật: ‘Anh có thể thành công, nhưng sau cùng thành công đó vẫn phải xuất phát từ lòng khao khát, từ chính con tim.’” Tất nhiên, cần có thời gian để những lời hứa hẹn của Liam Brady trở thành sự thật; nhưng qua những gì học viện Arsenal để lại sau 13 năm thành lập, thì số cầu thủ thành danh có thể vươn đến đỉnh cao sau này thật sự quá ít ỏi.

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá