Tóm Tắt Nội Dung
- 1 Vị trí để ảnh
- 1.1 London.Ngày 28 tháng Năm năm 2011
- 1.2 Sân vận động Mestalla, Valencia. Ngày 20 tháng Tư năm 2011
- 1.3 Camp Nou. Ngày 23 tháng Tư năm 2011.
- 1.4 Madrid. Thứ Ba, ngày 26 tháng Tư năm 2011.
- 1.5 Santiago Bernabéu. Thứ Tư, ngày 27 tháng Tư năm 2011.
- 1.6 Camp Nou. Thứ Ba, ngày 3 tháng Năm năm 2011.
- 1.7 Valencia. Thứ Tư, ngày 11 tháng Năm năm 2011.
- 1.8 Wembley, London. Ngày 28 tháng Năm năm 2011
- 1.9 DAVID VILLA – EL GUAJE
Vị trí để ảnh
“Chưa ai khiến chúng tôi phải vất vả đến thế, nhưng Barça xứng đáng với danh hiệu đó. Trong suốt sự nghiệp cầm quân của tôi, họ là đối thủ xuất sắc nhất chúng tôi từng đối mặt.” Sir Alex Ferguson Wembley,
London.Ngày 28 tháng Năm năm 2011
NGÀI ALEX FERGUSON bắt chặt tay Pep Guardiola, cử chỉ của Sir Alex đã nói thay lời tán dương của toàn đội MU (CLB Manchester United), bày tỏ sự khiêm nhường và khâm phục trước chiến thắng của Barcelona. Éric Abidal, người vừa trở lại sau ca phẫu thuật khối u để ra sân một vài tháng trước khi tiếp tục điều trị, đã nhận từ Carles Puyol chiếc băng đội trưởng cùng vinh hạnh là người được nâng cao chiếc cúp. Một nhóm cầu thủ do Gerard Piqué dẫn đầu, đang cùng nhau cắt lấy mành lưới sân Wembley làm kỉ niệm. Toàn đội Barça và nhóm kỹ thuật nắm chặt tay nhau và nhảy múa quanh vòng tròn; ở giữa là chiếc cúp Champions League danh giá quấn trong lá cờ Catalan, đặt ngay ngắn trên chấm phát bóng như thể họ đang thực hiện nghi lễ gì đó với “Chiếp Cúp Tai To”. Đó là một khoảng khắc cũng ấn tượng không kém gì các bàn thắng của Pedro, Rooney, Leo Messi và David Villa.
Sau đó, từ một số tên tuổi lớn trong giới túc cầu, là những mỹ từ thể hiện sự kinh ngạc và thán phục trước màn trình diễn xuất sắc của Barcelona trong một trận chung kết đầy cảm xúc. “Chưa ai khiến chúng tôi phải vất vả đến thế, nhưng Barça xứng đáng với danh hiệu đó. Trong suốt sự nghiệp cầm quân của tôi, họ là đối thủ xuất sắc nhất chúng tôi từng đối mặt”, Ngài Ferguson, người từng thâu tóm 40 danh hiệu trong sự nghiệp, phát biểu. “Họ đã chơi bùng nổ với lối đá của họ. Họ mê hoặc bạn bằng những đường chuyền còn chúng tôi thì không cách nào ngăn nổi Messi”. Terry Venables, HLV từng dẫn dắt Barcelona đến chức vô địch Tây Ban Nha và từng cùng họ góp mặt tại trận chung kết Cúp C1 năm 1986, cũng bị màn trình diễn của cả hai đội tại Wembley chinh phục và cho hay: “MU đã nếm đòn. Họ đã học được một bài học – đây đúng là cơn ác mộng đối với Fergie. Ông ấy chỉ còn biết thốt lên, ‘Họ quá tuyệt,’ vì Barça không chỉ đánh bại họ, mà còn cho United thấy rõ đẳng cấp. Tôi nghĩ mọi người đều bị thuyết phục trước màn trình diễn này”. Graeme Souness, người từng góp mặt trong đội hình kinh điển của Liverpool giành ba Cúp châu Âu những năm cuối thập niên 70 đầu những năm 80: “Tôi nghĩ rằng hôm nay, những ai đam mê bóng đá không chỉ được xem cầu thủ tuyệt vời nhất (Messi) – mà còn được xem đội bóng tuyệt vời nhất mọi thời đại”, ông nói. “Họ nên xem lại mọi cảnh quay, dõi theo mọi trận đấu của họ trên màn ảnh, vì đó là một đội bóng vô tiền khoáng hậu”.
Trước trận đấu, Ossie Ardiles, người từng cùng Argentina vô địch thế giới năm 1978, là một trong số ít người cho rằng MU “không có cơ hội nào” để đánh bại Barcelona. Sau trận đấu ông nói: “Tôi từng nghĩ rằng không ai có thể vượt qua được Diego Maradona, và đương nhiên cả Pelé, nhưng giờ thì khác. Giờ đây tôi tin rằng Lionel Messi sẽ đi vào lịch sử với tư cách là cầu thủ số một, cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Và Barcelona là đội bóng vĩ đại nhất.” Bixente Lizarazu, nhà vô địch World Cup, Euro và Champions League cùng đội tuyển Pháp và Bayern Munich nói về Messi: “Ngoài đời trông cậu ấy như một chú bé đang cắp sách đến trường. Nhưng một khi đã vào sân, khoác lên mình chiếc áo đấu, cậu ấy biến tất cả những cầu thủ còn lại thành đám học trò đứng xem thầy giáo của mình”.
Gary Neville, cầu thủ mới đây đã giã từ sự nghiệp đầy vinh quang dưới màu áo MU: “Bảy cầu thủ Barcelona đêm nay đã chứng tỏ đẳng cấp của toàn đội và tạo thành một sức mạnh không thể ngăn cản,” anh nói. “Bạn phải bó tay trước họ, họ quá mạnh còn Messi thì quá sức phi thường – đó là một trong những cầu thủ hay nhất tôi từng biết.” “Trong hai thập kỷ qua bóng đá ăn nhau về thể lực và sức mạnh, nhưng Barcelona của hôm nay đang mang cả thế giới trở lại những ngày huy hoàng của đội tuyển Brazil năm xưa. Bóng đá tổng lực.” Roy Keane, cựu đội trưởng của MU từng cùng Sir Alex Ferguson giành vô số danh hiệu, thừa nhận Barcelona là “đội bóng xuất sắc nhất tôi từng biết. Họ ở một đẳng cấp khác hẳn và chinh phục danh hiệu dễ dàng hơn nhiều (so với MU). MU đêm nay không hề chơi dưới sức, chỉ là họ đã phải đối mặt với đội bóng mạnh nhất mà thôi.” Ottmar Hitzfeld, người từng dẫn dắt Borussia Dortmund và Bayern Munich giành chức vô địch Champions League cũng phát biểu: “Barcelona của đêm nay là đội bóng xuất sắc nhất từ trước đến nay. Họ có trong tay thế hệ vàng mà sẽ còn tiếp tục làm mưa làm gió ở Champions League trong nhiều năm tới. Tôi không biết sau này liệu chúng ta có còn được thấy một đội hình với kỹ thuật tuyệt hảo như vậy nữa hay không”. Marcelo Lippi, nhà cầm quân từng vô địch Champions League và World Cup cho biết: “Chưa từng có một đội bóng nào chơi hay như thế trong lịch sử bóng đá. Barcelona hôm nay hội tụ đủ mọi yếu tố mạnh mẽ nhất của mọi thời đại. Chúng ta đang được chứng kiến một hiện tượng có một không hai.” Một huyền thoại bóng đá khác, Just Fontaine, tay săn bàn 78 tuổi, một trong top 4 tiền đạo trong lịch sử World Cup (13 bàn cho tuyển Pháp chỉ trong vòng chung kết năm 1958) là nhân chứng tiếp theo: “Không đội nào kiểm soát bóng hoàn hảo hơn Barcelona hiện nay. Brazil trong giai đoạn từ năm 1958 đến 1970 cũng là một đội cừ khôi, hay Ajax của Cruyff, hay Madrid với năm chức vô địch. Thế nhưng, chỉ có Barcelona mới đạt đến sự hoàn hảo.” “Còn về Messi, tôi từng nghĩ Pelé là người giỏi nhất, ông đã tỏa sáng cùng đội tuyển với ba lần đăng quang tại World Cup. Di Stéfano cũng cừ không kém. Nhưng Messi mới gọi là siêu phàm.”
Sân vận động Mestalla, Valencia. Ngày 20 tháng Tư năm 2011
Chỉ ba mươi tám ngày trước, đội hình lung linh này đã từng đổ gục xuống sân, mệt mỏi, buồn bã trên thảm cỏ Mestalla tại Valencia, nhìn Real Madrid ăn mừng chiến thắng Cúp Nhà Vua. Trên gương mặt những cầu thủ của Guardiola biểu lộ rõ sự thất vọng, ghi dấu thất bại trong cuộc chinh phục một danh hiệu lớn. Những ánh mắt thẫn thờ, xa xăm, hằn lên nỗi đau xót. Đó là trận Siêu Kinh Điển thứ hai trong vòng ba ngày. Ở trận đầu tiên, dù kiểm soát thế trận và dẫn trước 1-0, Barcelona vẫn bị cầm hòa 1-1 tại Bernabéu, để rồi đêm chung kết Cúp Nhà Vua gay cấn và căng thẳng đã thuộc về siêu sao Cristiano Ronaldo, với cú đánh đầu thành bàn trong hiệp phụ. Dường như “cơn bão hoàn hảo” đã nhấn chìm Barcelona.
Danh hiệu đầu tiên họ để vuột mất dưới thời Guardiola quả là một trải nghiệm cay đắng; những chiến binh đã lộ vẻ mệt mỏi, sau hàng năm trời chiến đấu và giành chiến thắng suốt ba mùa bóng – tính cả những giải đấu lớn trong hè. Euro 2008, rồi Cúp Liên Đoàn, rồi World Cup 2010 đã vắt kiệt sức của những chiến binh tinh nhuệ nhất. Tại quê nhà, Real Madrid, kẻ bám đuổi nay đã hả hê sau ba mùa ôm hận. Thời điểm đó, sự mệt mỏi đã lấn át niềm tin trong toàn đội Barcelona. Liệu thất bại này có dập tắt được tinh thần, ý chí của họ và khởi đầu cho một sự đi xuống? Hai đội sẽ tái đấu trong trận El Clásico bảy ngày sau đó, ngay trong giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải. Lượt đi tại bán kết Champions League luôn là một phép thử khó khăn, và Madrid tỏ ra rằng họ đã hội tụ đủ mọi lợi thế về lịch sử và tâm lý. Họ đã chuẩn bị để đẩy Barcelona vào một cuộc đua về thể lực mà chắc chắn sẽ khiến đoàn quân của Guardiola phải rất nhọc nhằn. Điều này được khẳng định thêm một lần nữa khi tôi tìm thấy Emmanuel Adebayor trong khu vực phỏng vấn tự do – nơi các cầu thủ phát biểu với cánh nhà báo – lần này là tại tầng hầm sân Mestalla.
Tiền đạo Madrid giải thích: “Mourinho nói với chúng tôi rằng Barça không phải là Robocop . Họ có thể là đội mạnh nhất thế giới, nhưng họ cũng chỉ là con người, chỉ là cầu thủ. Điều đó có nghĩa là nếu chúng tôi giữ vững lối chơi và tạo được áp lực, chắc chắn họ sẽ phạm sai lầm và mất bóng. Do vậy, chúng tôi sẽ chơi dũng mãnh như sư tử. “Đội khát khao chiến thắng nhiều hơn đã giành chiến thắng, và đó là Real Madrid”. Các cầu thủ Barcelona và Madrid – hai đại diện của Tây Ban Nha đã duy trì một quy luật bất thành văn, rằng cho dù có đối đầu với nhau quyết liệt đến đâu, họ cũng không quên sự gắn kết trong đội tuyển quốc gia. Họ luôn giữ thái độ tôn trọng và đúng mực. Một thỏa thuận ngầm đặt ra: “Thi đấu phải hết mình, nhưng không đi xa hơn thế.” Dù công bằng hay không, các tuyển thủ Barça cũng nhận ra ranh giới đã bị xâm phạm, tình đồng đội đã bị sứt mẻ trong trận chung kết Cúp Nhà Vua.
Trọng tài Undiano Malleno đã 26 lần thổi phạt Madrid và 24 lần thổi phạt Barcelona, rút năm thẻ vàng đối với đội thắng và ba đối với đội thua – khó có thể nói rằng ông thiên vị đội nào hơn. Tuy nhiên, ông đã quá dễ dãi. Álvaro Arbeloa giẫm vào chân Villa trong hiệp một, và các cầu thủ Barça nổi điên lên khi Sergio Ramos và Arbeloa kéo Villa dậy một cách thô bạo khi anh này đang lăn lộn trên sân. Có nhiều tình huống va chạm diễn ra nhưng Madrid không bị bắt lỗi và giành được lợi thế, còn trọng tài thì ung dung cho qua. Quả là một trận cầu kinh điển. Hàng tá cơ hội bị bỏ lỡ, bị ngăn chặn hoặc chệch mục tiêu.
Đêm đó Iker Casillas và José Pinto đều có những pha cứu thua xuất thần. Đêm hội lớn trôi dần về phút cuối khi Ramos làm rơi chiếc cúp trên đường diễu hành khắp thủ đô hướng đến phòng truyền thống của Madrid, Los Cibeles. Chiếc cúp bẹp dúm dưới bánh xe, khiến người ta liên tưởng đến tâm trạng của các chàng trai Barça khi đứng ngoài đường pitch lúc đó. Cánh báo chí đã buộc tội bộ phận an ninh và sự điều động thiếu hiệu quả của Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha, khi họ để những cầu thủ đang buồn bã của Guardiola phải đứng ngoài đường pitch trong khi Madrid lên nhận cúp và lao ra ăn mừng cùng đám đông người hâm mộ cuồng nhiệt. “Điều đó không đúng”, tham mưu của Guardiola, Manel Estiarte đính chính. Manel sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những sự kiện bất thường diễn ra cuối mùa giải 2010 – 2011. Anh đã tham gia Olympic, đoạt huy chương vàng và từng là vận động viên bóng nước xuất sắc nhất thế giới. Estiarte chính là người Guardiola bổ nhiệm đầu tiên khi trở thành HLV trưởng. Có khả năng cố vấn, là đồng nghiệp, có tiếng nói, biết hậu thuẫn – Estiarte hội tụ đủ những điều đó, nhưng anh ít khi xuất hiện trên truyền thông. Tuy nhiên, anh đã tiết lộ với tôi một chút ít về hành trình của Barça từ Mestalla đến Wembley. “Ở Mestalla, tự chúng tôi lựa chọn đứng bên ngoài đường biên,” Estiarte cho biết. “Năm 2009 chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau của MU tại Rome cũng như nước mắt của Athletic Bilbao ngay trên sân Mestalla này sau trận chung kết Cúp Nhà Vua (chung kết năm 2009, Barcelona thắng 4-1). Chúng tôi khâm phục nghị lực và lòng kiêu hãnh của họ, vì vậy chúng tôi quyết định cũng sẽ đứng ngoài đường biên mỗi khi thua cuộc. Không ai ép buộc ai cả.” Tito Vilanova, trợ lý của Guardiola, cho biết: “Tôi không bao giờ thích thua cuộc, nhưng tôi sớm nhận ra một điều: bạn không thể mãi chiến thắng. Nếu bạn hiểu rằng bạn đã làm tất cả những gì có thể và đã tận dụng mọi cơ hội, bạn sẽ chấp nhận thất bại như một phần của cuộc chơi. Bạn sẽ đứng dậy và trưởng thành.
Bạn sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với người thắng cuộc, như chúng tôi đã làm tại Mestalla.” Gerard Piqué tiến tới từng cầu thủ Real Madrid, bắt tay và chúc mừng họ. “Thất bại trong trận chung kết thật sự rất khó khăn vì bạn biết mình đã làm bao nhiêu người thất vọng, và bạn cảm thấy rằng dù cả đội đã cống hiến hết sức, chiến thắng vẫn không đến,” anh hồi tưởng. “Tôi nghĩ chúng tôi có quyền thất bại lúc này hay lúc khác miễn là chúng tôi luôn đề cao tinh thần và phong cách Barcelona mỗi khi ra sân như đã làm tại đây. Sau trận thua này, tôi nhận thấy dường như Messi đã hoàn toàn bó tay trong việc tìm được “khoảng trống” dưới sự săn đuổi quyết liệt của Pepe. Vị trí thông thường của Messi được ví như “số 9 ảo” vì anh xuất phát như một tiền đạo mũi nhọn nhưng được phép di chuyển rộng hơn phạm vi giữ bóng của một trung phong hay một số 10 cổ điển. Được thử nghiệm lần đầu tiên dưới thời Rijkaard trong trận đấu với Sevilla vào năm 2008, vai trò “số 9 ảo” của anh đã bùng nổ góp phần đè bẹp Madrid với tỉ số 6-2 ngay trên sân Bernabéu. Từ đó về sau, lối chơi này trở thành sở trường của anh, biến Messi thành quân át chủ bài trong tay Guardiola và trở thành tay săn bàn ghê gớm nhất trong đoàn quân xứ Catalunya.
Tuy nhiên, trong trận này, cầu thủ quan trọng nhất Barça thường xuyên phải lùi về sân nhà, ngay trước vòng cấm của Barcelona để đón những đường chuyền từ Sergio Busquets hoặc Piqué. Liệu Messi có trụ vững trước Real Madrid? Khi mà Mourinho đã từng dùng cách tương tự để khống chế anh trong cả hai lượt đấu bán kết Champions League, ngày ông còn dẫn dắt Inter . Tôi đã đặt câu hỏi này cho HLV Barça và đây là câu trả lời của Guardiola: “Tôi yêu cầu Messi phải làm được nhiều hơn là một tay săn bàn thuần túy. Vai trò của cậu ấy cần được thể hiện trong suốt trận đấu. Cậu ấy được phép di chuyển tới bất cứ nơi nào trên sân. Ý tưởng của tôi là để cậu ấy tham gia vào mọi tình huống trên sân nhiều hơn so với những tiền đạo thuần túy, vì cậu ấy đóng vai trò quyết định.” Trong khi còn hoài nghi về điều đó, tôi đã có dịp chứng thực qua hai trận Siêu Kinh Điển liên tiếp.
Bảy ngày sau thất bại, Guardiola chứng tỏ ông đã đúng và rũ sạch mọi nghi ngờ của tôi. Sau chiến thắng, Mourinho phát biểu với vẻ mệt mỏi: “Barcelona dường như đã hụt hơi trong hiệp hai vì họ thường chơi tốt hơn thế. Vài người cho rằng muốn chơi bóng đá đẹp, bạn phải kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng tôi nghĩ chính cách phản công và lấn lướt trong mọi vị trí mới làm nên một trận cầu tuyệt vời. Chúng tôi không xem mình mạnh hơn Barça chỉ vì chúng tôi đã chiến thắng. Họ cũng không yếu hơn chỉ vì họ đã thua cuộc. Mỗi trận đấu đều có cái riêng của nó.” Tuy vậy, cần chú ý tới một điểm nhấn nhỏ đã trở thành tâm điểm. Nó gần như thay đổi toàn bộ số phận của mùa giải. Chỉ khoảng 20 phút trước khi kết thúc giờ thi đấu chính thức, Pedro tưởng như đã ghi được một bàn thắng tuyệt đẹp sau pha đi bóng qua người tinh tế nhất mà tôi thấy ở Messi. Nhưng bàn thắng đã bị khước từ do tiền đạo cánh của Barça đã rơi vào thế việt vị. Cho dù đó là một quyết định nhạy cảm, cho dù trang web của Barcelona đã khẳng định rằng “trọng tài Undiano đã đúng khi không công nhận bàn thắng” thì động thái của Guardiola sau trận đấu đã lật tẩy được con người quỷ quyệt trong José Mourinho. Guardiola mở đầu cuộc họp báo: “Xin gửi lời chúc mừng đến Real Madrid, họ đã chơi một trận xuất sắc.” Ông không tỏ ý chê trách trọng tài, nhưng có lưu ý một chi tiết trong trận đấu: “Quyết định của trọng tài biên đưa ra khi cách tình huống 2cm, với một góc nhìn tốt đã lấy mất bàn thắng của Pedro.” Guardiola chỉ nói có vậy. Không hơn. Hãy nhớ kĩ điều này khi bạn đọc tiếp các trang kế.
Camp Nou. Ngày 23 tháng Tư năm 2011.
Barcelona gặp Osasuna Trước mặt họ giờ là một chướng ngại lớn, khi mà trận đấu tiếp theo sẽ là cuộc quyết chiến tại Bernabéu. Đội hình của Guardiola đã thâu tóm hai danh hiệu La Liga gần nhất, cả hai lần đều đăng quang sau màn đại chiến với Real Madrid. Không đội nào chấp nhận từ bỏ danh hiệu tại giải quốc nội để tăng thêm cơ hội vô địch Champions League. Chỉ một lần duy nhất trong lịch sử Barça đăng quang nhiều hơn hai mùa giải liên tiếp – và đó là với Dream Team của Johan Cruyff. “Đó là thời điểm mỗi cầu thủ đều sa sút về thể chất lẫn tinh thần,” Vilanova nhớ lại, “nhưng chúng tôi không thể ngồi đó tự dằn vặt mình. Khi bạn là một cầu thủ xuất sắc thật sự, bạn phải hiểu điều quan trọng nhất là đứng dậy sau thất bại. Đó chính xác là những gì các chàng trai của chúng tôi đã làm được.” Vòng 33 La Liga, đối thủ của họ là Osasuna. Barça lúc ấy đã bỏ xa Real Madrid tám điểm và vẫn còn sáu trận chưa đấu. Họ có thể yên tâm khi đã vững vàng ở đầu bảng xếp hạng, nhưng không có gì là chắc chắn. Guardiola kêu gọi các fan hâm mộ hãy luôn ủng hộ và sát cánh cùng đội nhà. Buổi họp báo hôm ấy ông nói: “Các cầu thủ của chúng tôi đều buồn bã và thất vọng sau khi để vuột mất danh hiệu – vậy nên hãy tiếp sức cho họ.”
Ông tiếp tục: “Các chàng trai của tôi phải đứng dậy để hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Nỗi buồn sẽ qua đi nếu bạn chú tâm chơi tốt và cố gắng trong từng trận đấu. Nếu tôi nhận thấy bất kỳ ai còn lo nghĩ về thất bại, họ sẽ phải ngồi dự bị hoặc phải theo dõi trên khán đài.” “Campeones, campeones,” các fan từ Camp Nou reo hò suốt đêm thứ Bảy khi đội nhà đánh bại Osasuna chơi rời rạc với tỉ số 2-0. David Villa lần đầu nổ súng sau 12 trận và Messi ghi bàn thứ hai khi sắp hết giờ (bàn thứ 50 của anh trong mùa giải), đủ để khiến Guardiola hài lòng. Cũng trong đêm đó, Madrid có chuyến trở lại Valencia và hủy diệt đội bóng của Unai Emery với sáu bàn thắng. Họ tỏ ra ngày càng sung sức hơn khi tiến đến trận bán kết Champions League. Barça vẫn dẫn trước tám điểm, nhưng họ chỉ còn khoảng 15 cầu thủ còn lành lặn. Vài tháng sau đó, Guardiola thừa nhận rằng trận cầu với Osasuna thật sự quá “khủng khiếp”, nhưng vào thời điểm đó, chúng ta phải nghĩ đến hoàn cảnh của đội bóng, với sự kiệt quệ về cả thể xác lẫn tinh thần. Điều này có thể dẫn đến sự sa sút trong tinh thần thi đấu của các cầu thủ.
Madrid. Thứ Ba, ngày 26 tháng Tư năm 2011.
Họp báo Champions League. Real Madrid tổ chức cuộc họp báo trước vào 2h45’ chiều tại trung tâm huấn luyện Valdebebas, ngay cạnh sân bay Barajas. Barcelona lúc này đang tập luyện tại Santiago Bernabéu (về sau đã dẫn đến cuộc tranh cãi nảy lửa về chất lượng mặt sân thi đấu). Họ xuất hiện sau vào lúc 8 giờ tối, Javier Mascherano (giờ đây được biết đến với biệt danh “Cậu Chủ Nhỏ”) và Guardiola tham gia họp báo. Đó là trận thứ ba trong bốn trận Siêu Kinh Điển diễn ra trong 16 ngày – cũng dễ hiểu vì sao người hâm mộ và giới truyền thông khắp thế giới lại nóng ruột như vậy. Ngay khi vừa yên vị, Guardiola bắt đầu bài phát biểu đanh thép của mình trong 2 phút 27 giây. Tôi có thể nhận thấy sự giận dữ và phẫn nộ bị nén lại trong lời nói, như thể chúng đã được sắp đặt để đội bóng của ông trút xuống đối thủ trong trận cầu đêm hôm sau. Trưa hôm đó, HLV trưởng của Real Madrid đã mắc một sai lầm. Nhằm hạ thấp Guardiola, Mourinho đã dùng những từ ngữ đầy cay độc và mỉa mai. Chúng nhằm vào câu nói nhẹ nhàng của Guardiola, về “quyết định 2cm” trong bàn thắng không được công nhận của Pedro trong trận chung kết Cúp Nhà Vua. “Cho đến nay, HLV được phân làm hai loại,” Mourinho nói với vẻ chế nhạo. “Loại cấp thấp gồm những người không dám phê phán lời nào về trọng tài và loại cấp cao, như tôi là một trong số đó, là những người dám chỉ trích trọng tài khi họ phạm sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi không khỏi thất vọng khi họ quyết định sai, nhưng sẽ chúc mừng khi họ quyết định đúng”. “Thế nhưng bây giờ còn nảy sinh loại thứ ba với chỉ một đại diện duy nhất – Pep! Bóng đá thế giới đã bước sang một kỷ nguyên mới – có người dám chỉ trích trọng tài vì ông ấy quyết định đúng!” “Có thể lí giải rằng ngay trong mùa đầu tiên dẫn dắt Barça, Guardiola đã vướng vào vụ bê bối trọng tài trong trận bán kết Champions League với Chelsea; để rồi sau đó, ông ấy luôn tỏ ra không vui khi trọng tài làm tròn trách nhiệm của mình.” Không có lời ghi nhận nào cho Guardiola sau khi ông chúc mừng chiến thắng xứng đáng của Madrid. Không có lời đính chính nào rằng Guardiola không chỉ trích ai cả, thậm chí ông còn không tuyên bố pha bóng đó không hợp lệ. Vài lời nhận xét đơn thuần của Guardiola về một pha việt vị và trọng tài biên, ngay lập tức đã trở thành cơ hội cho HLV người Bồ Đào Nha đưa ra những lời chỉ trích.
Mourinho tin rằng “Một trận đấu bắt đầu trong phòng họp báo chứ không phải từ khi bóng lăn” và ông ta đã phần nào thành công với những tính toán của mình. Sau khi để cánh báo chí ngẩn ngơ với những phát biểu của mình, ông rời phòng họp báo với một nụ cười tự mãn: Trabalho bem feito (làm tốt lắm!) Song, hóa ra ông ta đã đánh giá quá thấp Guardiola. Tối hôm đó, tại phòng họp báo sân vận động Santiago Bernabéu, mọi thứ còn kịch tính hơn gấp nghìn lần. Guardiola cùng các học trò đã xem trực tiếp buổi họp báo của Mourinho trên truyền hình. Andoni Zubizaretta, Giám đốc thể thao và là thành viên ban huấn luyện của Barcelona, cũng là đồng đội của Guardiola dưới thời Johan Cruyff phát biểu: “Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải lên tiếng vì bóng đá,” ‘Zubi’ góp ý với Guardiola sau khi chứng kiến màn kịch cay độc của Mourinho. Cựu thủ thành Barcelona và tuyển Tây Ban Nha hiểu rằng ranh giới đã bị phá vỡ. Sau khi khá kín tiếng trước hai trận Clásico, có lẽ đã đến lúc HLV đội bóng cần phải tỏ rõ quan điểm. Guardiola từ tốn trấn an đồng đội cũ, nhưng ông quyết định sẽ không im lặng thêm nữa. Mascherano mở đầu cuộc họp báo khá hùng hồn, cố gắng tập trung vào chuyện thi đấu, nhằm né tránh mọi tranh cãi về mặt sân tại Madrid. Guardiola vỗ vai khen ngợi và động viên anh: “Tốt lắm anh bạn.” Vị thuyền trưởng của Barça không cần ai làm thay nhiệm vụ của mình. Ông đã sẵn sàng bắn phát súng của chính mình. Mọi thứ bắt đầu trở nên căng thẳng. Giám đốc truyền thông của Barça, Chemi Teres, khéo léo chọn câu hỏi đầu tiên từ David Bernabéu. Barça là một đội bóng của xứ Catalunya, thế nhưng bất chấp hàng tá cơ quan thông tấn, báo chí và truyền hình Catalán đã cất công đến đây, câu hỏi đầu tiên lại được đưa ra bởi một phát thanh viên Tây Ban Nha, từ một đài truyền hình Madrid. David không có nhiều thời gian và chỉ yêu cầu được hỏi trước, thế nhưng điều đó lại đúng ý Guardiola. Những gì ông chuẩn bị đều nhắm đến những người Tây Ban Nha, với những từ ngữ đanh thép nhất, phẫn nộ nhất.
Phóng viên hỏi: “Tôi không biết đã có ai nói gì với ông về cuộc họp báo trưa nay của Mourinho chưa, nhưng tôi nghĩ rằng ông ấy có nhắc đến ông trong bài phát biểu của mình, và tôi cũng có ghi lại. Mourinho rất bất ngờ khi thấy ông chỉ trích trọng tài vì có quyết định đúng liên quan đến tình huống việt vị của Pedro trong trận chung kết tuần trước. Ông ấy cũng muốn biết ông đã trải qua vụ bê bối hai năm trước trong trận bán kết gặp Chelsea như thế nào? Và phải chăng vì thế mà ông đã quen với việc trọng tài luôn nâng đỡ cho Barça? Trận cầu đinh sẽ diễn ra trong 24 giờ tới, vậy ông sẽ trả lời Mourinho như thế nào?” Phần trả lời sau đây kéo dài đúng 2 phút 27 giây. “Đầu tiên, tôi xin chúc mọi người buổi tối vui vẻ. Và bởi vì Mourinho hay gọi tôi bằng ‘tú’ (cách gọi suồng sã của ngôi thứ hai trong tiếng Tây Ban Nha, không dùng trong các trường hợp lịch sự) và gọi tôi là ‘Pep’ trong suốt cuộc họp báo của ông ấy, vậy tối nay tôi sẽ gọi ông ấy là José”. “Tôi không biết ông ấy có đặt máy quay ở đây hay không (Guardiola nhìn xuống dàn máy quay truyền hình ở cuối phòng, phớt lờ các phóng viên), mà biết đâu tất cả đều là của ông ta cũng nên.” “Đêm mai vào lúc 9 giờ kém 15, chúng tôi sẽ đối mặt với nhau ngay tại đây. Ông ấy đã chiến thắng, ông ấy đã thắng tất cả các năm, tất cả mùa giải và sẽ còn thắng tiếp trong thời gian tới, nhưng là ở bên ngoài sân. Tôi rất hân hạnh được trao tặng ông ấy chức vô địch Champions League ‘ngoài sân cỏ’. Ông ấy có thể mang nó về nhà và đánh bóng nó cùng các danh hiệu khác.” “Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ biết chơi bóng. Có thể chúng tôi thắng, có thể sẽ thua. Còn ông ta thì chỉ biết thắng, như những gì ghi trong CV của mình. Còn chúng tôi chỉ tự hài lòng với những chiến thắng ‘nhỏ bé’, nhưng vẫn được cả thế giới ngưỡng mộ và khiến chúng tôi cảm thấy tự hào.
Còn một danh sách dài những điều tôi muốn so sánh, nhưng như thế chúng ta sẽ không bao giờ kết thúc được cả.” “Ông ấy nhắc lại chuyện Stamford Bridge và tôi nghĩ chúng tôi có thể đưa ra 250 nghìn lời phàn nàn tương tự; nhưng chúng tôi không có ai ghi chép cũng như không yêu cầu ban huấn luyện tốn công xử lý những khiếu nại đó. Tối mai vào lúc 8 giờ 45 phút, chúng tôi sẽ cho qua tất cả và sẽ chiến thắng bằng thứ bóng đá tuyệt vời nhất chúng tôi biết.” “Trong phòng họp báo trưa nay, ông ta chỉ là một tên chỉ huy khốn kiếp, một tên cầm đầu khốn kiếp.” “Ông ta hiểu biết về thế giới bóng đá hơn bất cứ ai. Tôi không muốn tranh cãi với ông ta. Tôi chỉ muốn nhắc nhở ông ấy rằng chúng tôi, ông ấy và tôi, đã từng sát cánh với nhau trong bốn năm (Mourinho từng làm việc ở Barcelona những năm 1990). Ông ấy hiểu tôi và tôi cũng hiểu ông ấy. Thế là đủ. Nếu ông ấy thích ‘đấu’ võ mồm hơn và chèo kéo cánh phóng viên của Florentino (Pérez) sau Cúp nhà Vua, và cảm thấy những gì họ viết quan trọng hơn tình bằng hữu thì, phải, không hẳn là bằng hữu mà là quan hệ công việc, thì đó là quyền của ông ấy.” “Ông ấy có thể tiếp tục dẫn lời của Albert (Einstein, người Mourinho mượn lời để động viên học trò). Hãy cứ để ông ta thoải mái làm chuyện đó, cứ để ông ta thoải mái đi guốc trong bụng mấy tay phóng viên bám váy Florentino Pérez và vẽ ra kết cục mà ông ta muốn.” “Tôi sẽ không biện hộ cho lời nói của mình trong chốc lát. Tôi thừa nhận chúng tôi đã thua vì một tình huống nhỏ trong đó trọng tài biên đã có quyết định tỉnh táo và chính xác. Đêm đó, tôi vẫn chúc mừng Real Madrid với chiến thắng của họ, xứng đáng, sòng phẳng, trước một đội bóng mạnh – đội bóng mà tôi tự hào được dẫn dắt”.
“Vậy nên José, tôi không biết máy quay nào là của anh (đưa mắt đến cuối phòng) nhưng… chúng tôi đến ngay đây”. Tôi đã theo sát đội tuyển Tây Ban Nha mùa World Cup 2010 khi họ giành chức vô địch. Các cầu thủ Barcelona tỏ ra ngao ngán khi biết Mourinho sẽ đặt chân đến Tây Ban Nha. Tất cả những gì Mourinho làm là húng hắng ho và nhướn lông mày về phía cánh thông tấn Catalán, phớt lờ phần còn lại của Tây Ban Nha, như muốn khiêu khích cả đội Barça về “Người Đặc Biệt”. Cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi trong mùa giải mới là với Gerard Piqué và tôi chỉ đơn giản hỏi anh có phát chán khi nghe đến tên ông ta hay không. Piqué trả lời: “Thật khó khi mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc họp báo người ta chỉ toàn hỏi bạn về ông ta. Tôi biết ông ấy là người mới ở đây và là HLV của Real Madrid, nhưng thế thì đã sao chứ!” “Tôi nghĩ chúng tôi nên nói về chính chúng tôi – về Barcelona! Về việc năm nay chúng tôi sẽ chơi như thế nào và đừng đếm xỉa đến Real Madrid cũng như Mourinho. Chúng tôi nhận được sự tôn trọng và có những danh hiệu xứng đáng với những gì chúng tôi đã thể hiện – chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện như thế trong mùa bóng này”.
Trong suốt mùa bóng, các cầu thủ Barcelona ngày càng cảm thấy Mourinho thiếu tôn trọng họ, ngay cả khi bị Barcelona cho phơi áo 5-0 hồi tháng mười một. Ông ấy lên án các đối thủ khác đã “giao nộp” La Liga cho Barcelona vì không thi đấu hết sức mỗi khi làm khách tại Camp Nou mà chỉ cố gắng không để thua quá nhiều. Mourinho cũng khẳng định Barcelona luôn được trọng tài ủng hộ và một ngày trước trận bán kết, ông nói rằng Guardiola không thể sống nếu trọng tài không cho họ lợi thế. Mặc dù các cầu thủ Barça đã nghiêm túc chấp hành quy định không lời qua tiếng lại với Madrid, nhằm tránh rơi vào cái bẫy của Mourinho, nhưng họ vẫn là những chiến binh chứ không phải lũ hèn nhát. Họ nóng lòng muốn trả đũa và cuối cùng, khi cá nhân Guardiola cảm thấy mình bị xúc phạm, ông dành buổi tối hôm ấy để trút bỏ tất cả nỗi giận dữ và thất vọng vốn đè nặng lên ông, các cầu thủ và ban huấn luyện. Các cầu thủ thích điều đó. Guardiola đã lên tiếng. Trong thâm tâm họ hiểu rằng mọi thứ chỉ được giải quyết bằng bóng đá, không khẩu chiến, không công kích hay chia rẽ. Estiarte tiết lộ với tôi. “Khi cả đội trở về khách sạn sau buổi tập thì những chiếc điện thoại reo – trong đó là tin nhắn: ‘Bắt đầu rồi đấy’. Khi HLV trở về, ông nhận được một màn đón chào hoành tráng. Đó là đêm đáng nhớ nhất của chúng tôi trong ba năm qua.” Song, “đêm trước Giáng Sinh” không chỉ kết thúc ở đó. Sau bữa tối, phòng họp chung của đội được tắt bớt đèn. Đội hình chủ lực lập tức nghĩ ngay đến một video động viên khác từ Pep, như ông vẫn thường chuẩn bị cho họ trước những trận đấu lớn. Nhưng họ đã lầm – lần này chính Víctor Valdés đã tự chuẩn bị một DVD riêng có hình ảnh chính anh đang bắt chước rất nhiều nhân vật; trong đó có đội hình của Barça cùng các tên tuổi khác của bóng đá Tây Ban Nha. Đồng đội của anh rất thích thú, Messi, Mascherano và Milito nhận ra chính họ, cười khoái trá trước cách đồng đội “đóng giả” mình.
Nhưng đó không chỉ là một trò đùa vui nhộn, mà còn thể hiện chiến thuật thi đấu. Estiarte tiếp tục. “Tôi không nói rằng Pep là thiên tài, nhưng riêng với bóng đá, anh ấy vô cùng tài tình. Tôi đến các buổi họp chiến thuật và nhận ra mình chả hiểu mấy về bóng đá. Anh ấy ngồi đó, mở màn hình chiếu các cảnh quay trong 25 phút. Anh ấy nói, ‘Các ông, chúng ta sẽ thắng vì mọi người đều có mặt tại đây.’ Vào cuối buổi họp họ đều cảm thấy như đã tham gia vào trận đấu vì cách giải thích của anh ấy vô cùng dễ hiểu. Pep chỉ cho họ thấy điểm yếu của đối thủ và nói: Mọi thứ sẽ diễn ra như thế này, và như thế này…” “Anh ấy không nói ‘Cậu phải ghi bàn bằng mọi giá’ mà là :Nếu chúng ta chiếm được khoảng trống này thì chúng ta có thể ghi bàn dễ dàng.” Trước công luận, Guardiola vẫn phủ nhận thất bại trước đó sẽ làm giảm bớt cơ hội chiến thắng của Barça khi hành quân trở lại Thánh địa Bernabéu. “Chúng tôi trở lại với trận bán kết và hiểu rằng mọi chuyện đang rất khó khăn,” ông nói. “Mọi thứ đang chống lại chúng tôi và một số người đã quay lưng. Dư luận vẫn nghĩ rằng họ sẽ thắng nhưng chúng tôi đã sẵn sàng đối mặt với điều đó, cả đội đang rất sung mãn và đầy cảm hứng.” Khi đó thủ quân của Barça, Carles Puyol đã kịp bình phục. Đây là một sự trở lại quan trọng. Cho đến thời điểm đó, Piqué và Puyol đã có 18 trận thi đấu cùng nhau trong mùa giải, với 15 trận thắng, ba trận hòa và bất bại. Tuy vậy, cần nhớ rằng thất bại cuối cùng của bộ đôi này ở Champions League là tại bán kết mùa trước, khi gặp Inter của Mourinho. Tuy vậy, hậu vệ 32 tuổi đã trở lại vai trò của mình với kinh nghiệm dày dạn và quyết tâm cao nhất. Anh sẽ kết thúc mùa giải của mình với chỉ bốn lần ra sân trong 30 trận. Trong đó chỉ hai lần anh thi đấu đủ 90 phút, và đó là 2 trận quyết chiến với Madrid. Có thể thấy ở anh nhiệt huyết và lòng can đảm phi thường. Anh vẫn chưa hoàn toàn bình phục nếu là một trận đấu khác chứ không phải El Clásico, có lẽ anh sẽ không vào sân.
Vilanova nói: “Đúng vậy. Hiếm có ai được như Carles Puyol. Anh ấy xứng đáng được ca ngợi vì đã vượt qua mọi khó khăn để góp mặt trong trận bán kết này với Madrid, dù phải tập luyện khắc nghiệt hơn người khác. Chúng tôi không biết anh có vượt qua được không hay sẽ bị chấn thương làm ảnh hưởng. Điều Carles làm được trong năm vừa qua là một trong những điều phi thường nhất tôi từng chứng kiến trong bóng đá. Vì lí do đó, chúng tôi sẽ rất hối tiếc nếu không ghi tên mình trong trận chung kết.” Trọng tài chính trận này được biết sẽ là Wolfgang Stark. Theo nguồn tin nội bộ, một số cầu thủ Barcelona tỏ ra khá lo lắng trước thông tin này. Vị trọng tài người Đức đã đuổi hai cầu thủ Barcelona, Thiago Motta và Javier Saviola ra khỏi sân trong trận UEFA Cup với Celtic mùa bóng 2003-2004. Và trong trận bán kết Champions League lượt đi năm 2009 gặp Chelsea, các học trò của Guardiola đã nhận ra vị trọng tài này cũng ủng hộ lối chơi bóng kiểu “Bắc Âu” thiên về thể lực và va chạm. Barça chỉ thắng một trong năm trận đấu mà Stark cầm còi. Vì vậy cả Puyol và Stark đều sẽ là tâm điểm của trận đấu, 3.590 cổ động viên của Barça – con số này sẽ đông gấp 10 lần nếu đây là một trận Siêu Kinh Điển tại La Liga – nhưng Andrés Iniesta sẽ không thể ra sân. Chấn thương đã khiến anh lỡ hẹn, giống như bán kết mùa giải trước, khi Inter loại Barça khỏi cuộc chơi. Đó là một điềm không may. Wembley dường như ở quá xa. Đêm đó, là một đêm không thể nào quên.
Santiago Bernabéu. Thứ Tư, ngày 27 tháng Tư năm 2011.
Bán kết Champions League. Mourinho đặt Pepe vào vị trí tiền vệ phòng ngự cùng Lassana Diarra và Xabi Alonso. Nhiệm vụ của anh là trở thành “Kẻ Hủy Diệt” đối với “Siêu nhân” Messi. Cỏ ở sân Madrid được để mọc dài đến 3cm, cao gấp rưỡi so với mặt sân Barcelona vẫn chơi. Các cầu thủ Barça xem đó là bất lợi lớn. Mặt sân phải mượt, bóng phải lao thẳng như quả hockey – như vậy mới phát huy được lối đá nhanh và kỹ thuật. Cỏ ở đây tua tủa như diềm sợi đính trên áo khoác da những năm 1970, làm cản trở bóng lăn, vốn chỉ hợp với lối đá cục súc, chặt chém dã man của bóng đá phòng thủ mà bao nhiêu đội đã áp dụng nhằm ngăn cản bước tiến của Messi, Iniesta và Xavi. Sau này có người bình luận: “Thật đáng tiếc khi không có quy định nào đối với mặt sân. Năm 2011 chúng ta đã có quy định về khuyên tai, về truyền thông, về quần đùi mặc ngoài nhưng không ai nghĩ đến việc cải thiện mặt cỏ để cuộc chơi sôi động hơn và hạn chế được chấn thương.
Madrid, đội từng chín lần vô địch cúp châu Âu, chỉ giành được 26% quyền kiểm soát bóng ngay trong trận bán kết Champions League trên sân nhà. Có thể do đội khách quá lấn lướt, cũng có thể đó là chiến thuật của Mourinho. Cây bút chủ lực José Samano của El País , tờ nhật báo hàng đầu Tây Ban Nha – vốn trung lập và không ủng hộ riêng đội nào, đã viết: “Có Pepe, Madrid không muốn chơi. Không có Pepe, họ không thể chơi.” “Mourinho đã chỉ đạo đội bóng của ông mang đến các trận đấu một lối đá hắc ám. Ông ấy đã làm điều đó tại giải này một lần và lặp lại vào tối nay. Nhưng chưa lần nào ông ấy phải nhận hậu quả và đó là lý do tại sao ông ấy tiếp tục chơi như vậy.”
“Không có Pepe” nhằm ám chỉ chiếc thẻ đỏ trực tiếp mà trọng tài Stark dành cho hậu vệ người Bồ Đào Nha, sau cú phạm lỗi thô bạo bằng gầm giày đối với Dani Alves, tái hiện lại pha bóng tai tiếng trong trận chung kết FA Cup năm 1970 giữa Chelsea và Leeds – theo một bình luận trên mạng. Mourinho cũng phải nhận thẻ đỏ rời sân khi buông lời châm chọc và vỗ tay “khen” tổ trọng tài sau quyết định của họ. Không còn Pepe đeo bám, Messi như được sổ lồng. Bàn thắng đầu tiên đến với anh sau khi vượt qua Xabi Alonso và nhận đường chuyền chính xác từ Ibrahim Afellay, người trước đó đã biến Marcelo thành gã hề trong vòng cấm địa. Bàn thắng thứ hai của tiền đạo người Argentina là một trong những siêu phẩm kinh điển nhất Champions League. Nhận bóng từ Busquets ngay giữa sân, Messi tăng tốc và bỏ lại phía sau bốn cầu thủ Madrid, khiến họ trông như đàn cá sa lưới bị anh kéo lê đi trên đường chạy, sau đó anh tiến thẳng đến khung thành và trích bóng qua người Casillas để ấn định tỉ số.
Gordon Strachan, cựu tiền vệ Aberdeen, MU và tuyển Scotland, từng dẫn dắt Celtic đối đầu với Messi và Barcelona, cũng có mặt tại Bernabéu đêm đó và gọi nó là “bàn thắng tuyệt với nhất bạn từng chứng kiến, đến từ cầu thủ tuyệt vời nhất trong lịch sử.” Khi tôi trò chuyện với Tito Vilanova, ông ấy đã bình luận một câu rất tinh quái. Tôi cho rằng thẻ đỏ dành cho Pepe là một quyết định quá khắt khe, nhưng Tito lại nghĩ khác. “Một khi Messi đã dắt bóng vượt qua sáu cầu thủ, thì dù đối phương có 10 hay 11 người trên sân cũng chẳng có gì khác nhau. Sự thật vẫn là cậu ấy đã vượt qua 6 cầu thủ để ghi bàn.” Còn rất nhiều pha bóng khác diễn ra, nhưng đó là tình huống đáng chú ý nhất trong trận đấu. Hơn nữa, dù cố nén giận trên băng ghế chỉ đạo, thực tế là đêm đó Guardiola đã tung ra đến tám gương mặt trưởng thành từ lò đào tạo của Barcelona. Người trẻ nhất là Sergi Roberto, chỉ mới 19 tuổi và cũng là tài năng trẻ thứ 19 được HLV này cho ra mắt kể từ khi ông bắt đầu dẫn dắt đội vào tháng Sáu năm 2008. Chỉ trong chưa đầy ba năm, 19 chàng trai này đã chứng tỏ được tài năng thiên phú của mình với phong độ vô cùng ấn tượng. Đáng buồn thay, tôi phải thừa nhận rằng đêm đó khán giả đã có những lời lẽ phân biệt chủng tộc đối với các cầu thủ da màu của Barcelona.
Người hâm mộ tại Camp Nou một tuần sau đó cũng chứng kiến hình ảnh đáng xấu hổ tương tự. Đó là thứ ung nhọt hủy hoại cả một nền bóng đá, nhưng tiếc thay Tây Ban Nha vẫn chưa đấu tranh với chúng đến cùng. Sau trận đấu, Mourinho cố gắng bào chữa cho hành động của mình. “Por qué?” (Vì sao?) ông ta hỏi đi hỏi lại. Vì sao? Dù ông ấy chưa sùi bọt ra hai bên mép, tôi vẫn có thể thấy rõ một chút điên dại ở đây. “Nếu tôi nói thật những gì tôi nghĩ về UEFA và tổ trọng tài, sự nghiệp của tôi sẽ kết thúc ngay hôm nay.” Sau đó ông ấy kể ra tên những trọng tài bị nghi ngờ nâng đỡ cho Barcelona trong những mùa giải trước. “Øvrebø, De Bleeckere, Busacca, Frisk, Stark… vì sao?” Mourinho tiếp tục liệt kê những quyết định của trọng tài mà ông cảm thấy rằng đã mang lại lợi thế cho Barça – mà hầu hết đều chống lại các đội bóng của ông. Tom Henning Øvrebø đã từ chối đến mấy quả phạt đền của Chelsea trong trận bán kết năm 2009; Frank De Bleekere là người đã truất quyền thi đấu Thiago Motta trong năm tiếp theo; Massimo Busacca rút thẻ đỏ đối với Robin van Persie của Arsenal trong vòng 1/16 năm 2011; trở lại năm 2005, Anders Frisk truất quyền thi đấu của Didier Drogba của Chelsea trong trận gặp Barça. Và rồi ông ta tập trung vào Stark và trận đấu mà Barça vừa giành chiến thắng. “Chúng tôi sẽ phải chơi trận lượt về thiếu vắng Pepe, thiếu vắng Ramos (người nhận thẻ vàng và bị cấm thi đấu trận sau). Vắng cả HLV. Trong khi chúng tôi chẳng làm gì sai cả.” “Tôi chỉ muốn đặt một câu hỏi. Hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ có câu trả lời: Tại sao lại như vậy?” “Tôi không biết có phải do họ quảng cáo cho UNICEF hay không. Tôi không tài nào hiểu được những gì Øvrebø đã làm hai năm trước hay những gì đã xảy ra hôm nay.
Năm ngoái, hẳn Inter đã gặp được phép màu”. “Họ lại giết chúng tôi một lần nữa. Ngày hôm nay đã chứng minh chúng tôi không có cơ hội nào. Chiến thuật của chúng tôi đã bị trọng tài làm phá sản. Tôi không hiểu tại sao. Nền bóng đá này đôi khi làm tôi cảm thấy nhơ nhuốc. Hôm nay chúng tôi đã nhận ra đó không phải một nhiệm vụ khó khăn – mà là nhiệm vụ bất khả thi. Và có chăng khi chúng tôi đến Camp Nou và cố làm mọi thứ sáng sủa hơn, họ sẽ giết chúng tôi một lần nữa.” “Tôi sẽ cảm thấy xấu hổ nếu thắng như cách của Josep Guardiola – có thể tôi đã tỏ ra thiếu tôn trọng khi gọi ông ấy là Pep hôm qua. Ông ấy là một HLV cừ khôi, nhưng ông ấy đã đăng quang danh hiệu Champions League đầu tiên sau vụ lùm xùm tại Stamford Bridge – chiến thắng kiểu đó làm tôi thấy xấu hổ. Và nếu năm nay ông ấy lại vô địch, đó là sẽ là vụ bê bối tại Bernabéu.
Ông ấy là một HLV giỏi, một con người tuyệt vời, vì vậy tôi mong một ngày nào đó Guardiola sẽ vô địch Champions League một cách đường hoàng.” Đối với sự việc này, Guardiola phản pháo: “Đội bóng với chín chiếc cúp châu Âu trong phòng truyền thống sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi đã xem Madrid thi đấu hàng nghìn lần, từ khi còn bé, và tôi biết thực lực họ đến đâu. Với bất cứ đội bóng nào khác, dẫn trước 0-2 ở lượt đi sẽ là một lợi thế lớn cho chúng tôi. Nhưng với Real thì không như thế.” “Chúng tôi đã chơi tốt khi họ còn đủ 11 người. Đương nhiên mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi con số đó giảm xuống 10, nhưng trước đó chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ thế trận.” Piqué nói thêm: “60 phút đầu tiên họ không hề tấn công và chỉ chơi trên phần sân nhà. Một khi bạn lựa chọn lối chơi kiểu chém đinh chặt sắt, bạn sẽ nhận kết cục rất thê thảm”.
Những lời chỉ trích không chỉ đến từ Barcelona. Guti, một Madridista chính gốc nhưng khi đó đang thi đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã không đứng về phía Mourinho hào nhoáng mà ủng hộ Guardiola. “Pep là một siêu sao; Những gì tôi có thể nói về ông ấy là sự tôn trọng và ngưỡng mộ, từ cách ông ấy huấn luyện đến cách chỉ đạo trận đấu.” Tiếp theo là Cristiano Ronaldo. Trong 15 phút đầu tại Bernabéu, anh cố tạo áp lực lên Barcelona nhưng nhận ra không có đồng đội nào hỗ trợ mình cả. Liên tục vẫy tay, anh cố thúc giục họ hạ gục hàng phòng thủ Barça từ những đường lên cánh – nhưng họ đã có cách chơi của họ. Sau trận đấu, Ronaldo được hỏi về chiến thuật của Mourinho. “Với tư cách một cầu thủ tấn công, anh có cảm thấy hài lòng với lối chơi của Real hôm nay không?” “Không, tôi không hài lòng, nhưng tôi chấp nhận vì đó là chuyện đã rồi.” Chính bàn thắng của anh đã đem lại chiến thắng cho Real hồi tuần trước.
Nhưng nay đường cung cấp bóng của anh đã bị Mourinho cắt đứt, chứ không phải Wolfgang Stark. Vì những lời nói này anh đã “được” nghỉ ngơi trong trận gặp Zaragoza (dẫu ông thầy cố giải thích rằng Ronaldo xuống sức vì phải thi đấu liên tục trong hoàn cảnh thiếu người trong trận bán kết – 29 phút). Trận đấu đó Madrid thua 2-3, nhờ vậy mà Barcelona có cơ hội cho Puyol, Iniesta, Valdés, Villa và Pedro dưỡng sức trong trận thua Real Sociedad 2-1. Điều đó có nghĩa là, bên cạnh việc đang chiếm lợi thế trước trận lượt về Champions League, trong bối cảnh cả hai đội còn đang chất vấn lẫn nhau với UEFA, thì đội bóng Catalán còn đang gác trước đối thủ tám điểm tại La Liga, với bốn trận chưa đấu.
Camp Nou. Thứ Ba, ngày 3 tháng Năm năm 2011.
Bán kết lượt về Champions League Bán kết lượt về, trời mưa như trút, như tỏ lòng cảm thông với Mourinho tội nghiệp, như động viên sự trở lại của Eríc Abidal sau ca phẫu thuật khối u gan chết người, hay như sớm chúc mừng Barcelona được đặt chân đến Wembley. Dù sao đi nữa, cơn mưa cũng đã khiến mặt sân trở nên rất khó để thi đấu. Madrid chơi liều lĩnh, quyết liệt và đá rắn hơn lúc nào hết. Thật khó tin là Diarra, Ramos và thậm chí Marcelo vẫn chưa bị truất quyền thi đấu. Pedro giúp Barcelona nâng tổng tỉ số lên 3-0 bằng một bàn thắng tuyệt vời. Marcelo cố gắng chuộc lỗi cho sự vụng về của mình trong cả ba bàn thắng của Barça bằng bàn rút ngắn tỉ số; trong khi đó, Gonzalo Higuaín bị từ chối một bàn thắng do Ronaldo phạm lỗi trước với Mascherano. Trận cầu trở nên cực kỳ căng thẳng với sự giằng co giữa hai đội. Đám đông 95 nghìn người tại Madrid hát vang trong mưa như món quà dành tặng Mourinho.
Theo giai điệu quen thuộc “Olé óle olé olé,” họ thét lên “Por qué, por qué, por qué,” dù biết người đặc biệt lúc này đang yên vị tại khách sạn Rey Juan Carlos (nơi tôi gặp ông lần đầu tiên vào năm 1997). Ông bị truất quyền vào sân và bị UEFA cấm ngồi trên băng ghế chỉ đạo đêm nay. Abidal chỉ thi đấu được một vài phút, nhưng cũng đủ để đám đông hát vang tên anh. Sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u gan, anh đã tự động viên mình rèn luyện thể lực trước khi được tiếp tục điều trị. Sự có mặt của anh trên băng ghế dự bị là cả một nỗ lực phi thường. Tôi không chắc liệu những bác sĩ vừa phẫu thuật cho hậu vệ người Pháp có thấy vui mừng khi các đồng đội nâng bổng anh và tung lên trời chào mừng sự trở lại hay không, nhưng bản thân tôi không dám chứng kiến cảnh đó. “Xin đừng để rơi anh ấy,” tôi thầm cầu nguyện trong đám đông huyên náo. Guardiola cùng đội hình và ban huấn luyện quàng vai nhau và nhảy múa quanh vòng tròn theo điệu dân gian Catalán – như họ đã làm khi vô địch tại Rome năm 2009. Và sau đó các thành viên ban huấn luyện lập thành một hàng rào danh dự đón chào ngay ở đường hầm vào sân, mặc đồng phục xanh và đập tay với những người hùng khi họ đi ngang qua. Sau trận đấu, Guardiola nói: “Đêm nay là một trong những đêm tuyệt vời nhất đối với tôi. Tôi muốn chúc mừng Madrid vì đã đến đây và mang lại cho chúng tôi một trận đấu sòng phẳng. Tôi xin chúc mừng tất cả những ai có mặt ở đây hôm nay và cổ vũ cho các cầu thủ, dù dẫn trước từ lượt đi nhưng họ vẫn không chịu chơi phòng ngự mà tiếp tục chơi cống hiến. Tôi chịu ơn họ rất nhiều”.
Valencia. Thứ Tư, ngày 11 tháng Năm năm 2011.
Levante gặp Barcelona Trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 28 tháng Năm. Guardiola lập tức lên đường đến Old Trafford với Manel Estiarte để mục kích MU đánh bại Schalke. Ông muốn chuẩn bị thật tốt cho trận đấu quyết định này. Chiến thắng 2-0 tại sân nhà trong trận derby của xứ Catalunya trước Espanyol – với hai pha lập công của Iniesta và Piqué – đồng nghĩa vòng đấu tiếp theo với Levante sẽ mang lại cho họ chức vô địch thứ ba liên tiếp, nếu họ không để thua. Tuy nhiên, có được thì cũng có mất. Trong khi khả năng quay trở lại của Abidal còn bỏ ngỏ, họ còn phải đón nhận hung tin về Seve Ballesteros. Một ngày trước trận đấu với Espanyol, ở tuổi 54, ông đã ra đi vì bệnh ung thư não, để lại bao nhiêu tiếc thương cho một cuộc đời phi thường. Ngoài việc là một thiên tài đáng mến ở bộ môn golf, ông còn là một cổ động viên huyền thoại của Barça. Ông được mời đến khu khán đài hoàng gia tại Wembley năm 1992 để chứng kiến ngày Cruyff lần đầu tiên nâng cao chiếc cúp châu Âu. Không cầu thủ Barça nào, ở bất cứ thời đại nào lại không biết đến người đàn ông uy quyền này. Lần cuối cùng họ gặp lại Ballesteros là vào tháng Tám năm 2010 trong lần Seve trở về thăm quê nhà Santander .
Guardiola và toàn đội hôm đó đã đánh bại Racing 3-0, họ hết sức vui mừng khi tay gôn rời khán đài xuống chúc mừng họ ở tận phòng thay đồ. Được biết khi ấy Seve chỉ mới thuyên giảm một chút sau căn bệnh ung thư. Ông đã được toàn đội công kênh và cười đùa thoải mái cùng mọi người. Seve đã khóc và tôi nghĩ họ đều hiểu rằng đó là lần cuối cùng họ được ở cùng nhau. Tôi kính trọng người đàn ông này và tôi đã hy vọng ông có thể gắng gượng thêm một chút, để chứng kiến ngày Barça một lần nữa hành quân đến Wembley. Bàn thắng gỡ hòa 1-1 của Seydou Keita đêm đó như tái hiện lại bàn gỡ hòa của Barça năm năm trước, trong cuộc đối đầu với Arsenal. Khi đó, cũng một cầu thủ gốc Phi, Samuel Eto’o, đã cân bằng tỉ số và mang lại cho Frank Rijkaard danh hiệu quý giá. Trong trận đấu năm 2006, Pep Guardiola chỉ mới từ Qatar trở về quê nhà Barcelona, ngồi trên ghế sofa theo dõi đội bóng “của ông” giành chức vô địch lần đầu tiên sau sáu năm. Lúc đó còn vài tháng nữa ông mới bắt đầu sự nghiệp huấn luyện của mình. Từ đó đến nay là cả một hành trình dài. Chiến thắng năm 2011 đã mở màn cho một bữa tiệc.
Gần nửa triệu người đổ ra đường và phủ kín mặt sân Camp Nou – vào cửa tự do – khi chiếc xe buýt mui trần hộ tống những nhà vô địch về quê nhà đêm thứ Sáu. Cùng với gia đình họ, HLV, các cầu thủ cùng ban huấn luyện đắm chìm trong sự ngợi ca của đám đông cuồng nhiệt. Cả đội cùng đồng thanh: “Por qué, por qué, por qué?” đến khản cả giọng. Sau đó David Villa giành lấy micro và hát vang ca khúc “My Way”. Từng người một, họ hứa hẹn sẽ quay trở lại vào ngày 28 tháng Năm, mang theo trong tay chiếc cúp đến cuộc diễu hành. Từng người một, họ lần lượt chia sẻ trận đấu này có ý nghĩa với họ như thế nào. Guardiola: “Xin cảm ơn mọi người đã ủng hộ. Tôi xin gửi đến các cầu thủ lòng biết ơn vô hạn. Cảm ơn tất cả, tôi ngưỡng mộ các bạn.” Puyol: “Họ tấn công chúng tôi từ mọi phía và sẽ tiếp tục làm như vậy, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng cống hiến cho các bạn những trận đấu tuyệt vời.” Xavi: “Tôi chỉ muốn nói rằng chẳng có ý nghĩa gì khi so sánh họ với chúng tôi, hãy cứ tập trung vào Barça – đội bóng xuất sắc nhất thế giới.” Abidal: “Xin cảm ơn các đồng đội và ban huấn luyện – các bạn đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.” Và đến những nhân vật quan trọng nhất. Pinto: “Nếu có ai muốn biết tại sao (por qué) chúng tôi ở đây và tham gia trận đấu này. Tôi sẽ bảo họ rằng:… porque somos los mejores (bởi vì chúng tôi là đội xuất sắc nhất).” Messi hắng giọng.
Từ năm 2009, anh bắt đầu ngại đứng trước micro mỗi khi mọi người ăn mừng, mỗi khi phải đối diện với cả sân Camp Nou. Sau chiến thắng ở Rome vài ngày, Messi đã bị ép uống mấy lon bia trên chuyến xe trở về thành phố. Khi được phỏng vấn, trông anh đã có vẻ khá chếnh choáng: “Xin chàoooooo, tôi yêu tất cả các bạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến thắng và sẽ thắng mãi,” anh chỉ về phía các đồng đội đang say sưa đùa giỡn đằng sau. Lần này anh phát biểu khá ngắn gọn và trực tiếp. “Tôi không biết phải nói gì lúc này. Tôi sẽ trả lời vào ngày 29, vì chắc chắn chúng tôi sẽ còn trở lại đây.” Trong tâm trí anh, trận chung kết mới là quan trọng. Giờ đây Pep Guardiola lại một lần nữa muốn bước chân ra khỏi giới hạn. Ngay khi đoạt được danh hiệu năm 2009, HLV Barça đã cho phép các học trò của mình vui chơi, đàn hát và tạm quên đi việc tập luyện. Lần này, trước trận quyết đấu tại Wembley chỉ hai tuần, nhà vô địch Tây Ban Nha đã quyết định thưởng cho các cầu thủ của họ một bữa tiệc lớn. Năm 2009, họ đã đến hộp đêm sang trọng nhất La Coruña sau trận cầu cuối cùng – Khách sạn Coral & Twenty Century Rock.
Năm 2011, bữa tiệc được tổ chức tại khách sạn W mới mở cạnh bờ biển Barceloneta. Tại tầng 26 họ dùng bữa tối, nhảy múa và hát karaoke (được đệm bởi giọng của Shakira) trên nền Eclipse disco. Tham gia cùng là những nghệ sĩ nổi tiếng của ban nhạc disco Luz de Gas trong thành phố. Màn diễn trò bắt chước đồng đội của Victor Valdés trước trận bán kết với Madrid giúp anh trở nên vô cùng nổi tiếng và nhận được vô số lời yêu cầu. Anh bắt đầu đóng giả các đồng đội, rồi giám đốc điều hành của Real Madrid, Fernando Alonso, Mourinho, rồi ca sĩ Joaquín Sabina. Guardiola cùng các ngôi sao của ông chọn phòng tại khách sạn năm sao W , được thiết kế như một cách buồm khổng lồ. Từ đó, nếu bạn nhìn về hướng bờ biển, bạn có thể thấy Khách sạn Arts, nơi MU ăn mừng chức vô địch Champions League năm 1999, khi Pep còn là một cầu thủ quan trọng trong đội hình Barcelona và Sergio Busquets mới tròn 10 tuổi. Manuel Estiarte chính là đạo diễn của bữa tiệc – Eto’o cũng có mặt theo lời mời của Guardiola – và cả những màn vui vẻ khác trong suốt mấy ngày sau. “Chúng tôi đã vô địch La Liga, Wembley giờ là chuyện của hai tuần sau.
Pep đã nói, “Giờ tôi chỉ muốn ba ngày nghỉ ngơi thật điên cuồng.” Chúng tôi cứ thế tiệc tùng, ăn uống còn các cầu thủ thì say mèm với niềm vui của họ.” “Pep đã nói rất cụ thể. Anh ấy luôn nhắc ‘nghỉ ba ngày’ mỗi khi các cầu thủ được nghỉ phép về với gia đình và bạn gái, nhưng đây là ba ngày đặc biệt chúng tôi được ăn mừng chung với nhau. Anh ấy muốn ghi nhận thành quả và đảm bảo học trò của mình không bị mệt mỏi về thể lực hay tinh thần. Đó là điểm đáng quý ở anh.” Những ngày ấy cũng đánh dấu bước chuẩn bị đầu tiên cho trận chung kết Champions League. Không có biến cố nào xảy ra, nhưng tôi đã chứng kiến toàn đội phải nạp thêm hàng lít nước trong buổi tập sáng thứ Bảy – dư vị của ngày nghỉ vẫn còn và có một hoặc hai cầu thủ vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo. Sân Camp Nou lại tiếp tục ăn mừng sau trận hòa 0-0 với Deportivo đêm đó. Pep nói với các học trò: “Giờ các cậu được nghỉ thêm ba ngày nữa – tôi không muốn gặp mặt các cậu. Hãy dành thời gian với gia đình và bạn bè, đừng bận tâm đến đội bóng, hãy cứ tận hưởng đi.” “Đến thứ Tư mọi thứ sẽ trở lại bình thường, và chúng ta sẽ lên đường đến Wembley.” Đường đến Wembley Khán giả như phát sốt lên. Có đến 96.267 phiếu đăng ký cho 24.360 tấm vé xem trận chung kết Champions League.
Không ai biết rằng cùng lúc đó, có một vấn đề lớn hơn nhiều sắp xảy ra. Barcelona đã đặt 42 trong 154 phòng hạng nhất tại Khách sạn Wyndham Grand gần bến cảng Chelsea. Họ cũng lên kế hoạch cho một chuyến tham quan sau trận đấu, tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên South Kensington. Nghỉ ngơi sau trận đấu rất quan trọng, và chọn đúng địa điểm là vấn đề tiên quyết, vì nhiều thành viên lão làng trong ban huấn luyện Barcelona tin rằng khoảnh khắc quý giá thực sự là khi cả đội họp mặt bên nhau như một đại gia đình – ban huấn luyện, cầu thủ, quản lý cùng với cha mẹ, bạn gái, vợ con và những vị khách đặc biệt khác – cùng ăn mừng một mùa giải thắng lợi. Với một số người như Vilanova, giây phút họp mặt tuyệt vời ấy còn giá trị hơn cả giây phút giành chức vô địch. UEFA xóa án phạt cho Busquets, bỏ qua lời buộc tội của Real Madrid cho rằng anh đã có lời lẽ phân biệt chủng tộc với Marcelo. Afellay cũng đã kịp hồi phục; chiếc cúp cũng được gói lại sẵn sàng; không còn mối bận tâm nào về Mourinho trên đường tới mục tiêu, “khẩu thần công” Barça đã được khóa chốt và lên nòng.
Nhưng thiên thời đã không ưu ái họ. Năm ngoái sau khi phải đá trận derby với Espanyol, họ đã phải đi xe buýt tới Milan trước trận gặp Inter do bụi núi lửa từ Eyjafjallajökull cản trở tầm nhìn của máy bay. Năm nay, đến lượt một con quái vật khác lại phun trào: núi Grímsvötn. Không rõ khi nào thì các chuyến bay sẽ bị hoãn. Nếu điều đó xảy ra thì Camp Nou cũng sẽ tức thời hành động chứ không ngồi than vãn. Barcelona buộc phải hành quân đến London sớm hơn hai ngày. Khách sạn Wyndham không thể đón tiếp họ, do đó Barcelona tạm dừng chân ở trại Grove và tập luyện tại sân London Colney – tất cả là nhờ lòng hiếu khách của Arsenal, đội từng bị Barça đánh bại trong trận đấu gây tranh cãi một tháng trước đó. Guardiola và các cầu thủ cuối cùng cũng đến nơi. “Chúng tôi đã đến London vài ngày trước. Cảm giác giống như ở nhà.
Chúng tôi đã sẵn sàng cho trận đấu với phong độ tốt nhất,” Guardiola nói. “Điều này thường không được lưu ý nhưng sẽ góp phần rất quan trọng trong những trận đấu lớn.” Sau đó, một rắc rối khác lại xảy ra. Puyol, chắc chắn sẽ có tên trong đội hình xuất phát, tái phát chấn thương gối và có khả năng phải phẫu thuật. Chỉ có đợt kiểm tra thể lực vào phút chót mới quyết định anh hay Abidal sẽ vào sân. Hai tuần trước trận chung kết tôi đã có một buổi phỏng vấn khá lâu với Mascherano, người đã chấp nhận giảm lương để gia nhập Barcelona. Nguyên nhân là vì anh, cũng như Alves, Ibrahimovic, Fàbregas và Abidal, đều đã quyết định sẽ trở thành một phần của đội bóng tuyệt vời này. Đội bóng này cần họ. Lương cao cũng tốt, nhưng được vui vẻ thi đấu còn tốt hơn. Người Anh nghĩ rằng Mascherano sẽ không hòa nhập được. Nhưng các đồng đội Barça đã lập tức nhận ra thực lực ẩn sau bản tính hiếu chiến của anh khi còn thi đấu cho Liverpool. Anh không chỉ chơi tốt mà còn chơi rất khôn ngoan. Cuộc trò chuyện diễn ra khá vui vẻ. Khi tôi nhắc đến Wembley, anh nhanh chóng nghĩ đến Sir Alf Ramsey, Antonio Rattin và trận tứ kết World Cup năm 1966 giữa Anh và Argentina. Trận đấu mà cho đến nay vẫn chưa hết hẳn tai tiếng. “Khi đó tôi vẫn chưa ra đời, nhưng mọi người đều biết chúng tôi đã bị tước mất chiến thắng”, Mascherano tâm sự, cứ như chúng tôi chỉ tình cờ nói về chủ đề đó.
Tôi đã bị thuyết phục rằng cơ hội sẽ đến với thủ quân của ĐTQG Argentina ngay sau khi Xavi ca ngợi khả năng chuyền bóng của anh cùng sự thích nghi nhanh chóng với phong cách thi đấu của Barcelona. Tôi tin rằng Xavi một ngày nào đó sẽ dẫn dắt Barcelona và khi anh ấy nghĩ một cầu thủ “làm được” thì cầu thủ đó nhất định sẽ “làm được”. Mascherano có thể vào sân. Puyol dự bị. Abidal đá hậu vệ trái. Tiếng reo hò vang dội đến mức cầu trường dường như nổi sóng. United đã giành danh hiệu châu Âu đầu tiên tại Wembley, Barcelona cũng thế. Cả hai đội đã cống hiến một trận cầu đầy cảm xúc nhưng lại trong thế trận một chiều trong trận chung kết hai năm trước – lần này hy vọng họ sẽ trình diễn một bộ mặt khác trong chuyến tái đấu. Vài giờ trước khi trận đấu diễn ra, tôi đã có vinh hạnh được ghé thăm đài phát thanh BBC cùng một tượng đài bóng đá, Pat Crerand, tiền vệ trong đội hình MU của Ngài Matt Busby năm 1968. Vẫn trung thành tuyệt đối với MU, ông hiểu rằng đội bóng của ông đang đối mặt với một đối thủ mà dù thất bại trước họ cũng cảm thấy xứng đáng.
Ronald Koeman, Hristo Stoichkov, Johan Cruyff, Carles Rexach – bạn có thể thấy họ xung quanh khách sạn của UEFA, đang dõi mắt về phía Wembley. Ngày thứ Sáu tôi có gặp và phỏng vấn Gio van Bronckhorst, hậu vệ cừ khôi đã đóng góp cho chức vô địch của Barcelona cùng với Ronaldinho, Eto’o và Henrik Larsson vào năm 2006. Anh không phải là người được chú ý nhiều, nhưng anh có thể chỉ ra đội thắng cuộc bằng các phân tích và đánh giá, chứ không phải bằng cảm tính. Tiếp theo phải kể đến Ferguson. Cả Sir Alex và em trai Martin của ông đều từng là khán giả trong trận chung kết Cúp Châu Âu kinh điển nhất mọi thời đại – ngày Real Madrid đánh bại Eintracht Frankfurt 7-3 tại Hampden, năm 1960. Sir Alex đã hơn một lần từ chối cơ hội dẫn dắt Barça và nếu như Pep Guardiola rời khỏi ghế HLV vào năm 2010, khi triều đại của Joan Laporta vừa kết thúc, Sandro Rosell đã cân nhắc rất nghiêm túc về khả năng mời Ferguson ngồi vào chiếc ghế nóng tại Camp Nou, nơi ông sẽ được dẫn dắt Xavi, Piqué, Iniesta và Messi. Sáng thứ bảy hôm diễn ra trận đấu tôi sắp xếp hẹn gặp Martin Ferguson, tuyển trạch viên hàng đầu của MU tại châu Âu. Chúng tôi đã uống nước và trò chuyện về công tác chuẩn bị. Ông ấy là bạn tôi trong suốt mười năm qua, toàn bộ niềm tin của ông đặt nơi anh trai và đội hình MU.
Ông hiểu rằng đối thủ của họ đã mạnh lên rất nhiều kể từ khi đánh bại MU năm 2009. Dù gì đi nữa, Sir Alex đã cùng đội bóng quê hương tôi, Aberdeen, đã đạt đến vinh quang tại châu Âu. Trên cấp độ cá nhân, chiến thắng dành cho ông và Darren Fletcher đã là quá đủ để tôi ăn mừng. Trước trận đấu, Messi được đặt một câu hỏi liên quan tới con số thống kê: anh chưa từng có bàn thắng nào tại Anh. Anh trả lời: “Điều đó không gì hơn là một sự trùng hợp. Khi tôi đã quyết tâm ghi bàn tại Wembley, điều duy nhất tôi quan tâm là chiến thắng cho Barça.” Nói về kỷ lục ghi bàn của mình, thành tích sẽ giúp anh trở thành vua phá lưới Champions League hai mùa liên tiếp, số 10 của Barça chia sẻ: “Mỗi năm tôi đều tích lũy thêm kinh nghiệm để có thể xử lý thật chính xác. Tôi hiểu rõ những gì mình có thể và không thể làm trong từng hoàn cảnh. Khi trận đấu diễn ra, đường bóng xuất hiện trong đầu tôi và cho tôi biết phải làm gì. Vấn đề là bạn phải có sự cảm nhận và rèn luyện cảm giác đó khi tập luyện.
Guardiola cảnh báo: “Các cậu sẽ không được ủng hộ nhiều bằng MU. Mọi người cần phải tập trung, cố gắng và không dao động trước sự thật rằng đây là trận chung kết thứ hai của họ trong vòng ba năm. Tôi muốn họ cảm nhận được sự sợ hãi khi đứng trước chúng ta, điều họ chưa từng trải nghiệm trong 20 năm qua. Đó là cơ may duy nhất cho các cậu để chạm đến danh hiệu này.” Barcelona không chỉ đầy ắp tự tin, họ còn tin chắc rằng nếu tuân thủ theo mọi chỉ đạo từ HLV và chơi đúng với đẳng cấp của mình, thì không đội bóng nào trên thế giới có thể đánh bại họ. Estiarte cố gắng lí giải vì đâu lòng kiêu hãnh của họ lại trở nên vững chắc đến như vậy. “Trước hết, chúng tôi có những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Điều đó không thể chối cãi được. Thêm vào đó, Pep hiểu rõ Barcelona phải chơi như thế nào. Các cầu thủ đến từ Catalunya có thể đảm bảo cho điều đó.”
“Messi rất khiêm nhường – bạn có thể nhận thấy khi cậu ấy chơi bóng. Cậu ấy chấp nhận rằng hàng tiền vệ là linh hồn của đội bóng. Đồng thời, đồng đội của cậu cũng vui vẻ thừa nhận rằng cậu ấy là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Không có chút tị hiềm nào giữa họ – điều đó thật hiếm thấy.” “Tôi đã từng đứng đầu thế giới (trong môn bóng nước) và trong nhiều năm tôi cũng là thảm họa về tác phong lãnh đạo. Tôi quá ngạo mạn, thiếu cảm thông, và nghĩ rằng mọi thứ đều phải quay xung quanh mình. Đó cũng là điểm chung ở những vận động viên đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Độ tự mãn và ích kỷ của họ cũng đạt đến đẳng cấp thế giới. Nhưng chỉ cần bạn trưởng thành và cố gắng hòa đồng hơn, bạn sẽ giành được tình cảm của đồng đội.” “Nhưng đó không phải là những gì tôi nhận thấy ở Messi. Leo chưa từng mảy may nhận ra rằng đồng đội đã dành cho cậu ấy đặc quyền. Phép màu đến với cậu hoàn toàn tự nhiên. Chính điều đó mới tạo nên sự khác biệt. Không miễn cưỡng hay trù tính. Không đề cao bản thân. Không khiến người khác phải e sợ. Một sự kết hợp thật mạnh mẽ: cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hoàn toàn thoải mái khi sát cánh cùng một đội bóng tuyệt vời, và họ hiểu rõ việc được chơi cho Barcelona có ý nghĩa như thế nào.”
Trợ lý của Guardiola, Vilanova , giải thích ngắn gọn về đấu pháp sẽ khắc chế MU: “Chúng tôi cố gắng chuẩn bị thật tốt ở mỗi trận đấu. Chẳng có gì khác biệt mấy giữa việc chơi tại L’Hospitalet (một địa danh ở thành phố Barcelona) hay Wembley. Chúng tôi điều chỉnh chiến thuật và đấu pháp như mọi khi và cung cấp cho các cầu thủ cũng những thông tin đó. Khi thi đấu trong nước, các cầu thủ đã giáp mặt đối phương 20 lần và hiểu rõ họ từ trong ra ngoài. Nhưng với đối thủ đến từ quốc gia khác, chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho họ thông tin về đội hình mà họ sẽ đối mặt”. Estiarte mô tả sự thay đổi mạnh mẽ ở Guardiola trong mùa bóng họ đạt đến đỉnh cao. “Pep hiểu rất rõ rằng bóng đá đẹp là ngọn nguồn của chiến thắng. Đó chắc chắn là điều duy nhất dẫn bạn đến chiến thắng. Anh nói, “Tôi muốn chiến thắng và tôi sẽ truyền khát khao đó đến cầu thủ của tôi,” nhưng nếu họ thua, anh sẽ là người đầu tiên lên tiếng: “Đừng lo, hãy nghĩ đến trận kế tiếp”.
Tuy nhiên, từ tháng Tư đến nay anh ấy đã thay đổi. Câu cửa miệng của anh giờ là: “Chúng ta phải thắng. Chúng ta sẽ thắng”. “Tại đội bóng này bạn có thể tìm thấy cầu thủ xuất sắc nhất, người chỉ nghĩ đến chiến thắng. Thế giới của cậu ấy xoay quanh quả bóng tròn. Nhưng tại đây sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt. Chúng tôi có từ ba đến bốn cầu thủ siêu sao – ba đến bốn cầu thủ được sinh ra để chinh phục những danh hiệu lớn. Bạn biết rằng bạn có thể trông cậy ở họ trong những trận đấu quan trọng.” “Mỗi cầu thủ đều cống hiến tất cả những gì họ có, nhưng với một số người, họ có những tố chất vượt xa ranh giới của trò chơi, vượt xa quan niệm thông thường chỉ có thắng và thua. Tôi đang nói về những cầu thủ luôn vững vàng và không để áp lực chi phối. Ở họ có sự kết hợp giữa cảm giác bóng và tinh thần thi đấu, khiến họ lúc nào cũng “hiện hữu”. Chỉ có một số ít người đạt đến giới hạn đó. Môn thể thao vua đã ăn sâu vào máu của họ. Nhiều cầu thủ đã có những bước thăng tiến lớn trong sự nghiệp, nhưng rồi họ mất phương hướng và đánh mất chính mình. Cuối cùng họ sẽ kết thúc bằng những hành động ngu ngốc – như chống đối trọng tài và các cầu thủ khác. Tuy nhiên, đó không phải là chúng tôi.”
Wembley, London. Ngày 28 tháng Năm năm 2011
MU thật sự là đội chơi hay hơn ở Rome – ít nhất là trước khi Pedro ghi bàn, trước khi Xavi và Iniesta bắt đầu ru ngủ hàng tiền vệ của họ. Tôi ngờ rằng khi Pep Guardiola xem xét đội hình của MU, với Ryan Giggs và Michael Carrick ở tuyến giữa, ông đã mỉm cười hài lòng vì Fletcher sẽ không kịp bình phục, tạo điều kiện cho các cầu thủ có tính cơ động rất cao của ông làm chủ mặt sân rộng rãi khi hai đội so tài. Điều đó đã được minh chứng. Bàn thắng của MU có được khá bất ngờ. Rooney đã phô diễn sự dày dạn và tự tin trong pha dứt điểm. Lẽ ra, anh xứng đáng được nhiều hơn là chỉ một bàn gỡ hòa 1-1. Nhưng bất cứ ai khi nhận thấy Barça đã “vào guồng”, thì cũng hiểu rằng đối thủ của họ sẽ không có cơ hội nào. Tôi tin rằng trong suốt những năm qua có một điều mà không chỉ chúng tôi biết rõ: dù bảng tỉ số có thể hiện hai đội đang “cân sức”, thì thế trận trên sân cũng có thể khẳng định ai “vượt trội” hơn ai.
Tình thế bắt đầu xoay chuyển. Nhịp độ của MU đột nhiên lắng xuống và Barcelona đã tạo được khoảng trống tại khu trung tuyến. Khoảng trống ngày càng lớn và Xavi cùng Iniesta có bóng thường xuyên hơn. Ngoài ra, có thể thấy rằng ngay cả trước khi ghi bàn, Messi cũng đã tỏ ra vô cùng sung mãn. MU bắt đầu nao núng trước những pha chuyền bóng tốc độ cao của các học trò Guardiola. Edwin van der Sar chưa đến nỗi đuối sức nhưng anh cũng đã rất vất vả. Trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của anh đã khép lại bằng một kết thúc buồn, khi pha bứt phá và dứt điểm của Messi hạ gục anh, mang lại bàn thắng thứ hai cho Barça. Mỗi khi Messi có bóng, bàn thắng lại đến. Nếu bạn muốn ngăn cản Barça, bạn phải hết sức linh hoạt và thông minh. Trước khi bàn thắng đến, Barça có đầy đủ thời gian và khoảng trống để chuyền ban.
Và rồi Messi, xuất phát rất xa so với vị trí của một trung phong, nhận bóng và một khoảng trống mênh mông mở ra trước mắt. Anh hướng vào đó, tăng tốc và tung ra pha dứt điểm đem về lợi thế cho đội nhà. Sau bàn thắng đó, pha lách người tuyệt hảo của Messi vượt qua Nani đã tạo điều kiện cho Villa hoàn thành một siêu phẩm mang dấu ấn của riêng anh – “làm chủ” quả bóng, khống chế tài tình rồi chuyển hóa thành bàn thắng. Messi quỳ xuống ăn mừng sau khi Villa tung cú dứt điểm đánh bại Van der Sar . Giống như tôi, anh biết đêm nay Barça đã cống hiến một màn trình diễn ngoạn mục. Abidal bước lên bục đón nhận chiếc cúp quý giá. Anh đã hoàn toàn kiệt sức ngay sau đó. Chiến thắng này là món quà nhỏ mà toàn đội Barça muốn gửi đến cho bác sĩ Josep Fuster , người phẫu thuật cho Abidal. Nhờ có ông mà hậu vệ người Pháp đã có thể trở lại cùng đồng đội lần đầu tiên sau ca phẫu thuật khối u. Thắng lợi vinh quang này là thành quả của ba năm mồ hôi nước mắt.
Toàn đội Barcelona đã tái thiết cơ cấu; các tài năng trẻ, các thần đồng bóng đá ngày càng dành cho Camp Nou nhiều sự ngưỡng mộ và tiếp tục đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới. Trước phong độ chói sáng của học trò, vị thuyền trưởng lộ vẻ lo ngại. Ông cho rằng đẳng cấp của họ sẽ còn vượt xa những gì mọi người được chứng kiến trong mùa bóng này. “Chúng tôi không biết đội bóng sẽ còn vươn xa đến đâu sau khi đã gặt hái quá nhiều thành công như vậy, họ thậm chí đã có trong tay chức vô địch World Cup,” Guardiola trả lời. Khi đó, hẳn ông đang nghĩ đến hiện tượng Juventus sau World Cup 1982 và Dream Team của Barcelona, đội hình đã cháy hết mình trong mùa hè World Cup năm 1994 tại Hoa Kỳ. Thực tế, ông đã ghé thăm khách sạn nơi tuyển Tây Ban Nha đóng quân hồi vòng chung kết thế giới năm 2010 tại Sandton, nhằm thông báo vài điều trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ. Guardiola giải thích ngắn gọn về kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới. Ông sốc khi biết rằng toàn bộ độ hình của mình phải tham dự Siêu Cúp châu Âu với Sevilla vào tháng Tám năm 2010. Họ xứng đáng được nghỉ ngơi nhiều hơn và ông đã đề nghị họ dưỡng sức thêm một thời gian. Puyol, Xavi, Villa và mọi người lập tức trả lời: “Quên chuyện đó đi sếp.” Khát khao trong họ vẫn luôn cháy bỏng.
Guardiola nói: “Sau khi giành quá nhiều chiến thắng, lẽ tự nhiên sẽ xuất hiện nhiều cám dỗ khiến bạn vuột mất vị thế của mình, khiến bạn không còn muốn phấn đấu cho những điều lớn lao. Nhưng với họ, họ không hề dao động dù chỉ một tích tắc. Họ chinh phục hết tất cả các đấu trường tại Tây Ban Nha và thể hiện phong độ tuyệt vời nhất. Không có lời nào diễn tả hết niềm tự hào của tôi đối với những gì họ đạt được. Họ là biểu tượng tuyệt vời của lối chơi hoa mỹ và đầy đam mê trong bóng đá”. Estiarte có thể chỉ rõ cho chúng tôi thấy cú ăn ba năm 2011 đã đánh dấu thành tích lẫy lừng của ông bạn Guardiola như thế nào, song song với vai trò của toàn đội trong vinh quang đó. Tôi hỏi ông liệu có bí quyết nào giúp những người ngoài cuộc nắm rõ điều đó hơn không. Ông nói: “Chúng ta đang nói về một đội bóng rất khác thường.
Tôi đã chứng kiến nhiều thứ trong suốt cuộc đời mình và đã gắn bó với thể thao trong một thời gian dài, nhưng chỉ đến khoảng ba năm rưỡi nay, tôi mới được mục kích một điều thực sự phi thường, trong bóng đá nói riêng và trong nhân loại nói chung”. “Và điều khó tin nhất là gì? Trong hơn ba năm nay, chưa từng có một vụ lục đục nào trong phòng thay đồ. Bạn có thể cho rằng điều đó là không bình thường. Với 22 người sống chung như thế, điều hiển nhiên nhất xảy ra là họ sẽ có xích mích với nhau. Một ngày đẹp trời, một cầu thủ hét lên với đồng đội của mình “xéo đi” và hôm sau lập tức xin lỗi. Chuyện đó hoàn toàn bình thường. Nó xảy ra mỗi ngày, với mỗi đội bóng trên hành tinh này”. “Nhưng trên hết không phải tình cờ mà tại đây bạn không phải lo lắng về va chạm giữa cá nhân, tôn giáo hay tranh cãi về tuổi tác. Tôi cho rằng đó là do chúng tôi đã tập hợp được nhiều cầu thủ đồng hương với nhau.” “Rất, rất ít đội bóng, có chăng là MU, có được điều mà Barça có. Đó là những cầu thủ, những người Catalán, những chàng trai Tây Ban Nha hoặc sinh ra ở nơi khác nhưng trưởng thành tại đây, những người mang đến cho chúng tôi một sức mạnh riêng biệt. Chúng tôi có những cầu thủ xuất sắc người Hà Lan, Argentina hay Brazil, nhưng họ không phải là dân ‘bản địa’.
Người Hà Lan là những tuyển thủ chuyên nghiệp thực sự. Người Anh cũng thế – như Mark Hughes hay Steve Archibald. Tôi không có ý hạ thấp họ, nhưng những cầu thủ tôi đang nói đến có sự gắn kết với nhau bằng cảm xúc. Trái tim họ dành hết cho CLB và từ đó tạo nên mọi sự khác biệt – và tôi đang không chỉ nói đến một hay hai cầu thủ chơi ăn ý với nhau mà thôi.” “Đó là Xavi, Busquets, Valdés, Messi, Iniesta, Piqué, Puyol, Pedro, Fàbregas, Thiago, Fontas, Cuenca và vô số tài năng khác có thể kể đến. Những thủ quân trưởng thành từ đây, từ Catalunya. Chỉ có họ mới lan truyền được khát khao cống hiến của cả đội đến những cầu thủ khác. Chỉ có họ mới tạo dựng được một hàng ngũ chuyên nghiệp với tác phong mẫu mực. Xavi và đội quân của cậu ấy có thể cống hiến mỗi ngày mà vẫn luôn tâm niệm, “Tôi đến từ Barcelona, đó là ngôi nhà của tôi”. Những chàng trai như anh ấy luôn tự hào khi nhắc đến quê hương mình, Catalunya. “Rất ít CLB có được động lực thi đấu như vậy. Đừng đánh giá thấp điều đó.” Một khi bạn hội tụ được kỹ năng, tài lãnh đạo, niềm vui, sự tinh tế, quyết tâm và lòng tự hào trong một đội bóng, nơi các cầu thủ tin rằng họ thuộc về nơi ấy, bạn đã có trong tay những yếu tố then chốt để xây dựng nên đội bóng xuất sắc nhất thế giới. Hãy khám phá xem họ sẽ đạt được điều đó như thế nào.
DAVID VILLA – EL GUAJE
TÔI THÍCH DAVID VILLA VÌ anh ấy mang một phong cách truyền thống. Ghi bàn theo phong cách truyền thống. Tập luyện theo phong cách truyền thống. Cả sự tôn trọng và chuyên nghiệp cũng mang phong cách truyền thống. Bất kể bạn là đối thủ, HLV, người hâm mộ hay phóng viên, nếu bạn được anh tôn trọng, bạn cũng sẽ nhận được từ anh sự tín nhiệm, thẳng thắn và trung thực – theo phong cách truyền thống. Bạn cũng có thể kiểm chứng tất cả những điều đó trên sân cỏ. Villa nổi tiếng với những bàn thắng của anh nhưng hãy nhìn xa hơn, xa hơn thế và khắc họa lại những gì đồng đội ở tuyển Tây Ban Nha và Barcelona nói về anh. Họ biết có thể trông cậy ở anh. Anh chưa từng đánh mất lòng quyết tâm, cả tư cách một cầu thủ hay một vận động viên bình thường.
Những tay săn bàn thường hẹp hòi, nhưng David Villa lại là người góp phần kéo cả đội Barcelona lên và trở thành tiền đạo nắm giữ kỷ lục ghi bàn cho tuyển Tây Ban Nha; nhưng bất chấp điều đó, anh chỉ mong muốn được sát cánh cùng đồng đội, anh có thể chủ động chơi dạt sang cánh và chấp nhận làm hộ công cho tiền đạo xuất sắc nhất thế giới, Lionel Messi. Thế nhưng đứa con trai của người thợ mỏ Asturian này, với biệt danh là El Guaje lại rất kiên cường. Anh kể lại câu chuyện anh từng bị gẫy chân khi còn bé nhưng vẫn tiếp tục chơi bóng đá, với chân phải bó bột và chân trái – vốn yếu hơn – ngày càng thuần thục. Sau này anh buộc phải trải nghiệm cảm giác đau đớn này thêm một lần nữa tại Chung Kết Cúp Các CLB, tháng Mười Hai năm 2011 – khi chân trái anh bị đốn gãy. Anh cũng có một chút bất cần đời trong tính cách. Tôi đã chứng kiến anh bước xuống xe trong vòng đua kép Công Thức Một tại trường đua Montmelo, Catalonia với đôi chân lặc lè.
Vào thời điểm đó, không biết đội bóng của anh khi đó là Valencia có vui mừng nổi không. Vài tuần sau, anh trở thành vua phá lưới Euro 2008 và đưa Tây Ban Nha lên ngôi lần đầu tiên sau 44 năm. Tại Nam Phi, buổi tối trước trận chung kết gặp Hà Lan trên sân Soccer City, Villa nói với tôi: “Tôi chưa bao giờ, chưa bao giờ rơi nước mắt trên sân cỏ, và tôi cũng không có ý định làm điều đó, nhưng nếu có lúc nào như thế, thì tôi sẽ tự nhủ rằng: ngày mai sẽ tươi sáng hơn”. Tôi thích cách suy nghĩ đó của anh. Tôi không cho rằng mình tải giỏi sắc bén gì khi nhận xét rằng vì một số lý do, Villa đã nổi lên như một ngôi sao khiến bất cứ đội bóng nào ở giải Ngoại Hạng Anh cũng muốn có cho bằng được. Luận về tuổi tác, kỹ thuật và kinh nghiệm, quá hiển nhiên là anh sẽ được mọi đội bóng chào đón. Đối với Villa và Pep Guardiola, khúc mắc chỉ nằm ở mức phí chuyển nhượng mà Valencia yêu cầu, để đưa cầu thủ toàn năng phi thường này về Barcelona trước một năm.
Có thể nói, ngay đến đội bóng xuất sắc nhất thế giới cũng gặp phải những chướng ngại khó khăn. Nếu nói chiến thắng tại Wembley năm 2011 là chiếc bánh ga-tô dành tặng Guardiola sau ba năm phấn đấu, thì bàn thắng quyết định của Villa trong trận đó sẽ được ví như quả anh đào chín mọng đặt trên cùng. Ở anh hội tụ sự tinh quái, sức mạnh, phẩm chất và kỹ thuật; anh chơi toàn diện, quyết tâm và mạo hiểm đến cùng; anh có thể ghi bàn từ pha đá phạt, từ chấm phạt đền, từ cú đánh đầu, từ trong vòng cấm hay từ những quả sút xa. Lạy Chúa, bạn còn muốn gì hơn thế nữa? El Guaje vạn tuế! Ồ không – Villa muôn năm!