Vết nứt từ quá khứ
Ngày 12 tháng Mười năm 1996, Arsenal hành quân đến Ewood Park trong cuộc đối đầu với Blackburn Rovers tại Giải Ngoại hạng Anh – một trận cầu hứa hẹn nhiều thắng lợi với các Pháo Thủ. Đây cũng là trận đấu đầu tiên của Arsène Wenger trên cương vị huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Arsenal. Đội hình ra sân của ông ngày thứ 7 hôm ấy gồm 9 cầu thủ Anh, một cầu thủ xứ Wales và một người Pháp. Cả 5 cầu thủ trên băng ghế dự bị đều mang quốc tịch Anh.
Quay nhanh thời gian đến giờ nghỉ trưa ngày Chủ Nhật, 12 tháng Tám năm 2007, Wenger vẫn đang tiếp tục nhiệm kỳ của mình (và trở thành huấn luyện viên có quãng thời gian tại vị lâu thứ hai tại Giải Ngoại hạng Anh, chỉ sau Alex Ferguson), và Arsenal đang chuẩn bị cho trận mở màn của mình tại Giải Ngoại hạng, dù trận đấu lần này sẽ diễn ra tại sân vận động mới, với 60.000 chỗ ngồi và khác xa thánh địa Highbury trước kia về bất kỳ phương diện nào. 11 cầu thủ ra sân hôm ấy không hề có một đại diện nào của nước Anh, và nhân vật duy nhất mang quốc tịch Anh chính là Theo Walcott, nhưng anh chỉ xuất phát trên băng ghế dự bị. (Trên thực tế, Arsenal là một trong những đội bóng sử dụng nhiều ngoại binh nhất trong hệ thống các giải đấu hàng đầu châu Âu.)
Mọi chuyện đã diễn biến như thế nào? Chẳng lẽ một trong những câu lạc bộ xuất sắc nhất nước Anh lại không đủ chỗ cho một tài năng bản xứ xuất hiện trong đội hình chính? Hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những uẩn khúc trên sẽ hé lộ phương pháp xây dựng nên một Arsenal hiện đại của Arsène Wenger, một lý tưởng nhất định sẽ bị vùi dập trong thời kỳ hậu George Graham, khi sự mờ nhạt là tất cả những gì người hâm mộ nhận thấy ở những chàng Pháo Thủ áo đỏ với ống tay trắng suốt những năm đầu thập niên 1990. Đó là câu chuyện về hành trình của Arsène Wenger nhằm xây dựng nên ba đội hình của Arsenal – kết hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai – nhằm chinh phục những danh hiệu và vun đắp nền tảng cho thế hệ sau ngay trong cơn cuồng phong tài chính. Đó là bản kế hoạch có một không hai về cách tạo dựng nên một siêu câu lạc bộ; và đến năm 2010, thế giới đã chứng kiến doanh thu từ tài sản doanh nghiệp của Arsenal đã giúp họ vươn lên trở thành một trong những câu lạc bộ sinh lời nhất thế giới, với tổng lợi nhuận đạt 379,9 triệu bảng – trong đó, tổng chi phí trên thị trường chuyển nhượng chỉ chưa đến 4 triệu bảng mỗi mùa trong suốt 15 năm cầm quyền của huấn luyện viên người Pháp. Vừa đạt được thành tích kể trên, vừa thâu tóm 7 danh hiệu quan trọng và ấn định được mức giá vé khiến cổ động viên khắp cả nước cảm thấy hài lòng nhất, đây chỉ có thể là thành quả từ ‘phép màu của Wenger’ (tuy ánh hào quang đã dần phai nhạt do đội bóng vẫn chưa giành được thành tích nào kể từ thất bại năm 2005).
Đội hình Wenger tiếp nhận năm 1996 vốn đã quá quen thuộc với sơ đồ 3-5-2 do Bruce Rioch triển khai, và họ mong huấn luyện viên mới cũng sẽ thích nghi với điều đó. Sau tất cả, họ xếp thứ 2 chung cuộc do thua kém về hiệu số bàn thắng, bất kể những biến động bên ngoài sân cỏ. Sau khoảng thời gian gần 3 tháng, 3 cầu thủ khác nhau đã được chọn vào đội hình chính. Như để làm nặng nề thêm bầu không khí rối ren, Tony Adams đã phải đối mặt với con quỷ trong chính bản thân anh và thú nhận chứng nghiện rượu với các đồng đội, những người chẳng lấy làm ngạc nhiên trước sự thật đó, cũng như những thay đổi từ người đội trưởng của họ. Một đồng đội của anh, Ian Wright đã bình luận một cách nghiêm túc: “Tony hẳn đã uống rất nhiều mới dám thú nhận mình là kẻ nghiện rượu.”
Với nhiều sự thay đổi và những điềm báo đang hiển hiện, yêu cầu cấp thiết nhất đối với đội bóng là sự đồng tâm hiệp lực, điều khiến chiến lược gia mới bị ảnh hưởng khi các cầu thủ đề nghị ông giữ nguyên sơ đồ cũ. Nếu ông kiên định với đội hình ra sân 4-4-2 của mình, có lẽ kết quả đã khá hơn vị trí thứ 3 chung cuộc, mất suất tham dự Champions League do kém Newcastle về hiệu số bàn thắng, và để Manchester United bỏ xa đến 7 điểm. Đó là lần cuối cùng Arsenal kết thúc mùa giải ngoài hai thứ hạng đầu tiên cho đến năm 2006, và cũng là lần cuối Arsène Wenger nhân nhượng về đấu pháp của ông.
Bên cạnh đó, nhiều hạt giống được Wenger gieo trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tại Arsenal đã mang lại quả ngọt trong mùa bóng kế tiếp, bất chấp thái độ thù địch ban đầu của các cầu thủ. Điển hình cho thái độ này chính là Tony Adams. “Ban đầu tôi nghĩ, ‘Tay người Pháp này thì biết gì về bóng đá. Với cặp kính dày cộm, trông ông ta giống một giáo viên trung học hơn. Ông ta sẽ chẳng bao giờ được như George [Graham]. Và ông ta có nói sõi tiếng Anh không đấy?’” Nhưng sau khi trả giá vì chỉ thuận theo lối chơi ưa thích, họ đã thừa nhận cách bố trí đấu pháp vô tiền khoáng hậu của Wenger. Với hạt nhân trong lối chơi phụ thuộc hầu hết vào các cầu thủ Anh, ông đã tập trung cải thiện thể chất của họ, thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện dựa trên yêu cầu cải thiện nhiều hơn là chỉ kiểm tra thể lực.
Các bài luyện tập ngắn hơn hiện nay rất nhiều và bao gồm nhiều bài tập cơ bản – như co duỗi hoặc chạy bộ – nhằm làm giảm khả năng chấn thương. Các bài kiểm tra tâm lý và thể chất cũng được thực hiện thường xuyên nhằm xác định tính hiệu quả của phương pháp mới.
Trong tuần, huấn luyện viên phải tin tưởng rằng các cầu thủ sẽ uống thật nhiều nước thay vì thức uống có cồn khi để họ tự do lựa chọn. Ian Wright nhiều khả năng sẽ bước thẳng đến một quầy thức ăn nhanh và xem đó là phương thuốc giải cứu khỏi “thực đơn bổ dưỡng” được cung cấp tại sân tập. “Ông ấy bày ra nào là cá nướng, bông cải nướng… hết thảy toàn món nướng. Thật kinh khủng!” Một thời gian ngắn sau khi tiếp quản đội bóng, Wenger đã lên tiếng bào chữa về phương pháp cải cách của mình. “Thật ngớ ngẩn nếu làm việc chăm chỉ cả tuần rồi lại làm hỏng tất cả vì anh không chuẩn bị kỹ trước trận đấu. Anh có thể chỉ ra những điểm sai ở đây. Sai vì họ không đủ mạnh mẽ để chiến thắng cám dỗ; sai vì bản thân họ cũng không nhận thức được điều đó. Với tư cách một huấn luyện viên, tôi phải chỉ ra cho cầu thủ những lỗi sai mà chính họ cũng không tự nhận thức được.”
Có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các cầu thủ rời đội trong mùa bóng đầu tiên của Wenger tại Arsenal chính là hai người khó thích nghi nhất. Tính khí thất thường của John Hartson là hình tượng tiêu biểu cho thái cực đối lập với bản tính điềm tĩnh của vị chiến lược gia (trong khi thể hình đồ sộ của anh lại đại diện cho chế độ ăn uống bị ông phản đối kịch liệt). Trận đấu mừng năm mới đã trở thành giọt nước tràn ly đối với Wenger, khi Hartson – vốn xuất phát từ băng ghế dự bị – lãnh thẻ vàng thứ hai do chơi xấu, phản đối trọng tài và có lời lẽ thô tục, khiến các đồng đội của anh phải lâm vào cảnh thiếu người. Lễ Tình Nhân năm đó, Wenger đã bán Hartson đến West Ham không chút luyến tiếc.
Ngược lại, Paul Merson là điển hình cho mẫu cầu thủ được cảm hóa. Chính những quy định khắt khe đã tiếp thêm cho anh nghị lực và quyết định từ bỏ chất kích thích, rượu bia cùng thói nghiện cờ bạc. Nói về những lợi ích anh nhận được từ các liệu pháp tâm lý, Merson cảm khái, “Huấn luyện viên mới đã mang đến cho chúng tôi một niềm tin đáng kinh ngạc.”
Tuy nhiên, những lời có cánh của anh đã không được đền đáp, dù Wenger có lẽ cũng nhận thấy Merson đã có mùa giải tuyệt vời nhất dưới sự dẫn dắt của ông. Trước sự bất ngờ của chàng cầu thủ và bất chấp những gì anh đã thể hiện, anh được thông báo vào mùa hè năm 1997 rằng lời đề nghị trị giá 5 triệu bảng của Middlesbrough đã được chấp thuận, và Merson đành phải miễn cưỡng rời xa đội bóng đã gắn bó với anh suốt 13 năm.
Thật không may, môi trường tại câu lạc bộ mới đã khiến anh quay lại những thói quen cũ. Nhưng dù sao, việc Glenn Hoddle quyết định triệu tập anh vào đội hình tuyển Anh tham dự World Cup 1998 cũng là phần thưởng cho cá nhân anh, sau những nỗ lực trong quãng thời gian phục vụ dưới quyền Wenger.
Dư luận nước ngoài cũng không khỏi tỏ ra bất ngờ khi biết rằng cách đưa ra quyết định của Wenger cũng bao hàm yếu tố nhẫn tâm, rằng ông là mẫu huấn luyện viên sau cùng sẽ có những quyết định mà bản thân ông cho rằng sẽ phục vụ cho lợi ích của câu lạc bộ. Dù ông chẳng khi nào thể hiện những mặt tiêu cực ấy, thì các vụ chuyển nhượng bất thình lình và các hợp đồng cho mượn đã nói thay tất cả, đặc biệt đối với những ai cảm thấy hoang mang về sự dư thừa của chính mình trong đội hình. Các trường hợp nổi bật sau này chính là các cầu thủ được Wenger dự đoán đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp – như Patrick Vieira và Thierry Henry. Ông đã chứng minh họ cũng không phải ngoại lệ, bất chấp danh tiếng và những cống hiến của họ trong quá khứ.
Bẵng đi hơn một thập kỷ, vấn đề đày đọa chính cơ thể của mình trong giới cầu thủ mới bị lên án là lố bịch, ngớ ngẩn; và lúc này, tư duy tiến bộ của Wenger mới được công nhận. Là một trong số các tuyển thủ người Scandinavi thích nghi tốt với sự khắc nghiệt của bóng đá Anh, thủ thành Erik Thorstvedt đã hồi tưởng lại tình trạng phổ biến trước thời Wenger: “Các cầu thủ Anh ăn những thức ăn có hại, uống rượu quá nhiều và không luyện tập đầy đủ, nên không thể rèn được ý chí quyết thắng sắt đá.” Trong khi những huấn luyện viên người Anh khác chỉ lo giấu nhẹm đi thực trạng này, thì đối với Wenger, như thế vẫn chưa đủ. Chế độ dinh dưỡng và tập luyện đúng đắn là tất cả những gì ông nhắm đến, nhằm mang lại điều kiện tốt nhất giúp khuyến khích các học trò bộc lộ kỹ năng. Khi tiếp xúc với những gì Wenger vẫn thường gọi là “niềm khao khát” [chiến thắng], thì dù sớm hay muộn, bạn cũng cảm thấy thành công của ông là điều đã được ấn định.
Mặc dù thực chất nhiều đội bóng tại Giải Ngoại hạng Anh vẫn chưa đạt đủ tiêu chuẩn của châu lục, thì phía sau hậu trường, vô số các chuyên gia – bao gồm các nhà tâm lý học, các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên viên xoa bóp hay nắn xương – thuộc mọi câu lạc bộ hàng đầu đều tìm cách tiếp thu phương pháp và tư tưởng của Wenger. Tất nhiên, họ chỉ chấp nhận tiếp thu nếu đạt được thành quả. Tại sao một cầu thủ bóng đá cần phải trông khác với một vận động viên Olympic?
Anh ta có cần thiết phải chứng tỏ tiềm năng của mình bằng một suất ăn hoành tráng hay vài vại bia trong buổi tối trước trận đấu hay không? Về sau, Merson đã chia sẻ: “Không cần biết Henry xuất sắc đến đâu, nhưng nếu ngày đó cậu ấy bắt đầu làm những việc tôi đã làm khi còn chơi cho Arsenal [dưới thời Graham], thì cậu ấy đừng mong ghi thêm bất kỳ bàn thắng nào nữa. Khi chúng ta làm thế, những người khác cũng sẽ làm theo, và mọi người trở nên bình đẳng với nhau.Nhưng anh không thể tiếp tục làm thế nữa, không thể tiếp tục ở Giải Ngoại hạng Anh.”
Tuy nhiên, sự chống đối ban đầu của dư luận đối với tư tưởng khá kỳ quặc của một chiến lược gia – nhằm xây dựng nét văn hóa cho môn thể thao vua tại nước Anh – đã dần gắn liền với tâm lý bài ngoại. Hiển nhiên, những câu chuyện thêu dệt về đời tư của Wenger đã buộc ông phải dẹp yên cuộc loạn đả của cánh phóng viên trên các bậc cấp phía ngoài sân Highbury trong tuần đầu tiên tại nhiệm, và góp phần làm giảm uy tín của ông, khiến ông trở thành kẻ không được chào đón (persona non grata) khi nắm trong tay cơ hội đầu tiên của mình. Alex Ferguson cũng chẳng khiến tình hình sáng sủa hơn với những lời bình luận như, “Ông ta chỉ là một kẻ học việc và nên giữ mớ lý thuyết ấy cho bóng đá Nhật Bản thì hơn.” Như trực tiếp chống lại quan điểm hẹp hòi đang dần lan rộng mà Wenger phải đối mặt – cần có thời gian để tất cả cùng nhận ra – chính những đóng góp cởi mở và nhận thức đúng đắn về sự cần thiết của điều kiện dinh dưỡng và tập luyện từ các quốc gia bên ngoài Vương quốc Anh, đã giải thích chính xác vì sao Wenger có thể đem về những cầu thủ chất lượng với giá phải chăng từ thị trường chuyển nhượng quốc tế (không chỉ riêng ở Pháp), trước khi những huấn luyện viên khác buộc phải mở to mắt để chứng kiến thành tựu của “kẻ học việc”.
Những trải nghiệm thực tế về bóng đá châu lục đã mang đến cho huấn luyện viên Arsenal lợi thế tương tự như những gì Graham nhận được trong triều đại trước kia của ông ta, khi rút ruột các đội bóng hạng thấp hơn nhằm xây dựng tuyến phòng vệ cho riêng mình.
Lợi ích đã được đảm bảo lâu dài, và yếu tố then chốt trong giai đoạn khởi đầu tốt đẹp của Wenger chính là sự hồi sinh ông đã đem lại cho tượng đài bảo thủ của nước Anh, đội bóng đã bị giết chết ‘khao khát’ dưới thời Graham. Hàng phòng thủ Wenger kế thừa – gồm những David Seaman, Lee Dixon, Nigel Winterburn, Tony Adams, Steve Bould và Martin Keown – đều dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng người hâm mộ và giới chuyên gia đều nhất trí rằng ‘thời gian sẽ không chờ đợi một ai,’ rằng những dấu hiệu sa sút về thể chất cũng như phong độ sẽ dần bộc lộ. Họ có thể chiến thắng dễ dàng chính vì thể trạng của họ đã được cải thiện đáng kể cùng với phong độ. Tony Adams đã phát biểu về chế độ tập luyện sinh lý này như sau: “Không ai khác ngoài ông ấy có thể chuẩn bị cho thể lực của cầu thủ tốt đến như vậy, cũng như chỉ có ông mới hiểu rõ chúng tôi cần gì để có được phong độ tốt nhất.” Steve Bould nhấn mạnh rằng anh đã “cảm thấy khỏe khoắn hơn dưới sự chỉ dẫn của Wenger. Tôi không còn gặp chấn thương thường xuyên nữa. Tôi cảm thấy dẻo dai hơn rất nhiều. Tôi đã không thể kéo dài sự nghiệp lâu đến thế nếu không có phương pháp đặc biệt của ông.” Hội cổ động viên Những Người Anh Bé Nhỏ vốn đã tan rã vì phải chứng kiến các mùa bóng nhàm chán cũng được tái lập. Hàng phòng thủ như được tái sinh và đã sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới – khi đã ngấp nghé độ tuổi 30 – ít nhất cũng để một lần nữa được tranh đấu vì danh hiệu.
Và chính các học trò đã mở mắt cho ân sư của họ. Lee Dixon kể lại rằng Wenger “đã rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi là dàn cầu thủ tài năng và khôn ngoan như thế nào. Ông ấy vẫn nghĩ rằng chúng tôi chỉ là đám robot sẵn sàng tuân lệnh. Vì thế, khi ông ấy quyết định mở rộng lối chơi và trao cho chúng tôi cơ hội thể hiện bản thân, chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện việc đó. Lần đầu tiên gặp mặt, tôi đã biết người đàn ông này có thể dẫn dắt chúng tôi.” Steve Bould đồng tình: “Ông ấy để yên cho chúng tôi trong suốt mùa bóng đầu tiên vì chỉ mới gia nhập từ tháng Chín. Nhưng tôi nghĩ ông ấy đã dự tính sẽ thay thế chúng tôi vào mùa hè năm sau.” Hiển nhiên, tinh thần cống hiến cao độ và phong độ tăng tiến nhanh chóng chính là kết quả từ sự tận tụy của hàng phòng thủ đối với nhiệm vụ của họ, một khi đã xác định được mục tiêu cao hơn việc loại bỏ đối thủ như George Graham từng yêu cầu. “Bạn được phép làm những gì bạn muốn bằng cách này hay cách khác,” Nigel Winterburn hồi tưởng. “Không có giới hạn nào cả. Ông ấy còn cho phép chúng tôi quyết định có nên hỗ trợ tấn công hay không. Ông ấy tin vào trực giác của chúng tôi.”
Nhận xét của Winterburn đã khái quát nên phương pháp huấn luyện khác thường của Wenger: Rất ít chỉ dẫn! Thậm chí cả đội hình thiếu niên cũng không nhận được chỉ thị, không được hướng dẫn hay cho biết phải làm gì. Sau khi đảm bảo đội quân của ông đã đạt được điều kiện tốt nhất về cả thể lực lẫn trí lực, huấn luyện viên đã đặt trọn lòng tin ở kỹ năng và sự khôn ngoan của họ để viết nên công thức chiến thắng. Như huấn luyện viên cấp UEFA và cũng là cựu binh của Arsenal, Stewart Robson từng đánh giá,“ông ấy không phát triển cầu thủ từ những phương pháp huấn luyện xuất chúng, nhưng đã tạo cho họ môi trường tự do thể hiện và trải nghiệm. Ông ấy đã xóa tan nỗi lo của họ bằng cách khích lệ họ trở nên sắc sảo hơn, chính xác hơn và sáng tạo hơn.” Wenger cũng tự kết luận, “Tôi chỉ có thể nói rằng các chuỗi trận thắng liên tục là thành quả từ lối chơi hiệu quả cao chúng tôi đã vận dụng thành công.” (Mặc dù lối chơi sắc sảo thể hiện trong giai đoạn trước và sau những mùa giải bất bại của Arsenal đã chứng tỏ lý thuyết trên vẫn chưa hoàn thiện.)
Các bài tập huấn luyện Wenger triển khai không chỉ giúp cải thiện kỹ xảo, mà còn nhằm truyền đạt không ngừng quan điểm của ông, khiến tất cả cầu thủ đều rèn luyện được thói quen đưa ra những lựa chọn chính xác và đọc được ý định của đồng đội trong những tình huống xử lý thiên về bản năng. Khi mọi thứ đã diễn ra đúng như dự kiến, chính lối chơi “một chạm – hai chạm” đầy tính chủ động và sắc bén sẽ trở thành bản năng thứ hai; và với phong độ đạt đến đỉnh cao, những trận cầu đối kháng quyết liệt sẽ diễn biến giống như những tình huống trên sân tập, và ngược lại (vice versa). Các yếu tố then chốt của lối chơi cũng được bộc lộ: đó là tầm nhìn, cách di chuyển, tốc độ và sự linh hoạt.
20 phút mỗi ngày từ Totteridge đến London Colney cũng là khoảng thời gian Wenger lập kế hoạch cho ngày mới. Tuy các bài luyện tập thực tế sẽ tập trung vào các yếu tố trên, Wenger vẫn lưu ý, “để giữ được sự hăng hái của mình, các cầu thủ phải biết được chính xác những gì đang xảy đến.” Ông cũng nói thêm, “Hai tiêu chí quan trọng nhất của một bài tập luyện hiệu quả chính là phải kết hợp được tinh thần sung mãn cùng với cảm giác toại nguyện xuất phát từ sự cống hiến toàn tâm toàn ý.” Thời gian tập luyện là mốc son trong một ngày làm việc của Wenger. Không gì khiến ông thỏa mãn hơn là được cùng chạy nhảy với các học trò ngoài sân cỏ. Buổi tập chỉ kéo dài một tiếng rưỡi, và ông sẽ khó lòng hiểu được, cũng như sẽ không thể tha thứ nếu có cầu thủ nào không cố gắng hết mình với bài tập. Không gì là ngẫu nhiên khi không cầu thủ nào ở Arsenal trốn tránh việc luyện tập. Tuy ông luôn tạo cảm giác có mặt trên sân với hai hồi còi báo hiệu bắt đầu và kết thúc buổi tập, Wenger cũng không gắn phong cách huấn luyện của ông với sự giám sát khắt khe như các đội bóng khác. Thông điệp duy nhất từ mỗi buổi lập là làm rõ những gì mỗi cầu thủ đang kỳ vọng.
Do lịch thi đấu của đội chủ yếu rơi vào giữa tuần, nên sẽ chỉ có hai buổi tập nặng mỗi tuần và lặp lại cho đến hết mùa giải. Toàn bộ đều bắt đầu bằng các bài tập khởi động và chạy bộ, thường được Wenger tin tưởng chuyển giao cho phụ tá kỹ thuật Boro Primorac và huấn luyện viên phó Pat Rice, tiếp nối bằng các bài đấu tập với thời lượng 20 phút mỗi bài, và được Wenger đích thân giám sát. Mở đầu luôn là phần kiểm tra giữ-bóng-và- chuyền-bóng để đánh giá khả năng và độ tự tin khi sử dụng kỹ xảo trong các tình huống thực tế. Nhằm khuyến khích các học trò tập trung hơn vào vai trò của mình – các cầu thủ không cách nào biết được những gì sẽ xảy đến với mình hòng “bắt bài” đối phương – một trận đấu quy mô nhỏ sẽ được tiến hành. Trận đấu khó lòng kết thúc với 4 bàn thắng, khi tiếng còi của Wenger dọc đường biên cứ liên tục hối thúc các cầu thủ nhanh chóng quyết định và dứt điểm chính xác về phía mục tiêu định sẵn. Tiếp theo là bài tập một-đối-một. Từ khoảng cách 10m, tiền đạo sẽ tìm cách loại bỏ người kèm và ghi bàn trong thời gian hạn định. Theo Bob Wilson, Wenger có lòng tin rất mạnh mẽ vào chiếc đồng hồ bấm giờ của ông, “đến mức tôi nghĩ sự tin tưởng này chỉ có y học mới lý giải được. Nếu ông ấy nói rằng bài tập kéo dài trong 8 phút 20 giây, thì nó đã diễn ra chính xác như thế.”
Trong lúc bài tập đang tiếp diễn, các thủ môn sẽ bắt đầu tham gia và tìm cách tiếp cận bóng với những bước di chuyển thích hợp. Sau đó, họ sẽ phối hợp cùng với đồng đội trong nội dung cuối cùng: trận đấu tập với 11 cầu thủ mỗi bên, và bên nào cũng cố gắng hết sức mình để giành chiến thắng. Chính trong những tình huống trên, chàng tiền đạo mới gia nhập đội Thierry Henry đã được học về các hình phạt anh có thể phải nhận lấy từ các hậu vệ của Giải Ngoại hạng, khi trao đổi với Tony Adams và Martin Keown trong buổi tiệc hào hứng chào đón anh vào câu lạc bộ, diễn ra tại sân sau căn hộ anh đang sống.
Khả năng tiếp thu nhanh chóng những gì hai đồng đội truyền đạt mà không cần họ cầm tay hướng dẫn chính là yếu tố theo chốt khiến Wenger quyết định xếp anh vào danh sách ưu tiên trong đội hình “top 30” của ông – bao gồm những cầu thủ đội một xuất sắc nhất ông từng dẫn dắt.
Kolo Toure (người đã chấp nhận lời đề nghị 16,5 triệu bảng của Manchester City vào năm 2009, sau hơn 300 lần ra sân trong màu áo Arsenal – một kết thúc thật sự có hậu) cũng thừa nhận: “Thành thật mà nói, tài năng bẩm sinh của Henry vẫn còn thua kém lứa đàn em của anh (ý nói đến trung tâm huấn luyện ASEC Mimosas tại Bờ Biển Ngà), nhưng chính tinh thần thi đấu đầy lôi cuốn của Henry đã tạo nên sự khác biệt.” Nó có thể định nghĩa chính xác từ việc đủ khôn ngoan để vận dụng mọi khả năng vốn có, đến biến lòng khao khát chiến thắng vô bờ trở thành động lực. Toure còn nhớ, chính học viện bóng đá tại Bờ Biển Ngà đã đem đến cho anh một cơ hội thật sự, một cơ hội đầu tiên: “Tôi không phải cầu thủ xuất sắc nhất trong đội hình này, nhưng tôi là người sáng suốt nhất… Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, bạn phải thật sáng suốt. Hiện nay, mỗi khi gọi điện cho ai đó, tôi đều để lại cho họ lời khuyên về những việc họ nên làm tiếp theo, cùng lời chúc họ sẽ thành công.
Nếu họ biết sử dụng đầu óc, họ sẽ khá hơn tôi rất nhiều.” Tuy nhiên, Toure vẫn chưa đủ sáng suốt để hiểu được những gì Wenger đang suy tính. Dù sớm hay muộn, anh cũng sẽ nhận ra mình đã bị kiểm soát một cách khôn khéo. “Khi vừa gia nhập, điều đầu tiên tôi chấp nhận là luyện tập thêm mỗi ngày,” anh nhớ lại, “Khi đó, ông ấy [Wenger] vẫn thường trao đổi với tôi vào mỗi bữa sáng và bữa trưa. Ban huấn luyện hiểu rõ tố chất của tôi, nhưng vẫn luôn thôi thúc tôi tìm kiếm sự khác biệt. Họ không bao giờ tiết lộ điều họ đang nghĩ. Họ chỉ yêu cầu tôi ngồi ngoài theo dõi và phổ biến thêm những lời khuyên và hướng dẫn bổ ích − khiến tôi cũng bắt đầu mường tượng được những gì đang diễn ra [đó là khi anh được sắp xếp một vị trí quan trọng trong hàng phòng ngự].”
Và chuỗi diễn biến bất ngờ gây nên chấn động lớn. Trong những năm gần đây, bộ óc ham tìm tòi của Wenger đã phát hiện ra rằng: bằng cách tính toán thời gian từ chạm bóng đến dừng bóng của cầu thủ, ông có thể cải thiện bước di chuyển và cách phối hợp xen kẽ giữa họ. Đặc biệt hơn, các số liệu còn chứng minh hoặc bác bỏ tính đúng đắn của những quyết định của ông ngoài đường biên. Mặc dù cánh báo chí đã nhất trí rằng Fàbregas đang phô diễn một lối chơi ấn tượng, ông vẫn có thể nhắc nhở anh rằng: đôi khi anh thường dừng bóng quá lâu, và việc đó sẽ ảnh hưởng xấu đến khâu kiểm soát và chuyền bóng. Cầu thủ có thể tranh cãi, nhưng các con số sẽ đảm bảo cho huấn luyện viên chốt lời cuối cùng. “Về mặt kỹ thuật, tính ưu việt vẫn có thể đo đếm,” ông khẳng định.
Vai trò vất vả của Kolo Toure khi phải liên tục chuyển đổi từ tiền vệ đến hậu vệ trung tâm sau cùng cũng được hoàn thiện trong lịch đấu giao hữu trước mùa giải – thời gian chuẩn bị quan trọng nhất trong năm đối với Wenger. Nhờ đó, chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Arsenal liên tục giành danh hiệu trong các năm 1998, 2002 và 2004 – các mùa bóng tiếp nối những tháng mùa hè vốn không có vòng chung kết World Cup hay Euro nào diễn ra. Với một đội hình chất lượng bao gồm các cầu thủ đến từ khắp nơi trên thế giới, Arsenal đã cung cấp ngày càng nhiều tuyển thủ quốc gia cho các giải đấu trên. Do đó, sau khi mùa giải của họ bất đắc dĩ phải mở rộng đến tháng Sáu hoặc giữa tháng Bảy, thì giai đoạn đầu của lịch chuẩn bị quan trọng trước mùa giải mới buộc phải diễn ra mà thiếu đi sự phục vụ của họ. Từ kinh nghiệm của mình, “giáo sư” hiểu rằng tốt nhất ông nên dành cho họ thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn và triệu tập họ khi cần thiết. Tuy nhiên, dường như sự mệt mỏi kéo dài cùng với thời gian chuẩn bị trước mùa giải chưa đạt đến điều kiện tốt nhất đã bộc lộ tác hại của chúng, khiến đội bóng vuột mất mục tiêu – một lần vào năm 1999 và lần kế tiếp vào năm 2003, khi họ duy trì một lối đá sắc sảo nhưng chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 2.
Khi huấn luyện viên thảo luận với cả đội, “Ông ấy nói một cách nhẹ nhàng nhưng vẫn khiến anh muốn lắng nghe,” Toure chia sẻ. Như vậy, không có lời kêu gọi khoa trương nào, mà chỉ có một thông điệp được truyền đạt với chất giọng điềm tĩnh, đầy quyền lực của huấn luyện viên, nhằm khích lệ và thuyết phục các học trò nhận thức được một sự thật rằng (như các cổ động viên thường nói): “Arsène biết hết.” “Ông ấy tin rằng,” Bob Wilson chia sẻ, “anh chỉ có thể lên tinh thần cho toàn đội và xuất phát cùng họ ba đến bốn lần trong một mùa bóng. Nếu không, sức ảnh hưởng sẽ biến mất. Tương tự, vào giờ nghỉ giữa hai hiệp, ông ấy tin rằng những lời ông nói ra chỉ có thể được tiếp thu tốt nhất nếu toàn đội đều bình tĩnh lại. Và sau đó, ông ấy có thể đảm bảo những mục tiêu của mình một cách thầm lặng, có kiểm soát và biết còn nhiều cơ hội để ông đạt được chúng.” Và đôi khi ông nhận ra rằng mình không cần thiết phải lên tiếng – các cầu thủ sẽ tự nhận thức được việc họ cần làm. Đội hình chính hiểu rõ cách suy nghĩ của ông đến mức trong tình thế khó khăn có thể khiến họ đánh rơi kỷ lục bất bại vào tay Liverpool vào tháng Tư năm 2004, Vieira và Henry đã thay mặt cả đội trao đổi với ông. Và trong hiệp đấu thứ 2, họ đã hiện thực hóa tất cả những gì ông mong muốn, lật ngược tình thế với một chiến thắng vang dội. Từ bị dẫn trước 2-1, họ đã thể hiện đấu pháp tinh tế và giành thắng lợi chung cuộc 4-2, với 3 bàn thắng từ Thierry Henry và một bàn từ Robert Pires.
Wenger tạo cảm giác đội bóng thi đấu dựa trên chiến thuật chứ không phải sức mạnh. Nhiệt huyết không thể lấn át tính hợp lý, vì sẽ khiến toàn đội không được đảm bảo tốt nhất về cả thể lực lẫn trí lực để tự mình quyết định những bước di chuyển tốt nhất. Những ai còn nghi ngờ tính sáng suốt của chiến lược này có thể xem lại thất bại trên chấm luân lưu năm 2005, khi Robert Pires và Thierry Henry vụng về sút hỏng vì cố gắng tái hiện lại pha dàn xếp giữa Johan Cruyff và Jesper Olsen từ thập niên 1980 – hai huyền thoại đã có pha phối hợp một-hai trước khi dứt điểm. Với lợi thế chỉ một bàn trước Manchester City, đó là một quyết định mạo hiểm, dù huấn luyện viên đã quyết định không chê trách họ sau trận đấu – có thể vì họ đã kết thúc trận đấu mà không có bàn thắng nào được ghi thêm (1-0).
Với những kẻ mới vào nghề, sẽ là một câu hỏi hóc búa nếu muốn biết làm thế nào Wenger có thể đạt được nhiều thành công đến vậy, thậm chí còn vượt mặt những huấn luyện viên khác có điều kiện tốt hơn. Dù bí quyết của ông có là gì, thì vẫn luôn có những lời yêu cầu đều đặn đến từ ban huấn luyện các tuyển quốc gia và cả mạng lưới của UEFA (nơi Wenger luôn giữ vai trò mấu chốt trong các chương trình huấn luyện) xin được ghé thăm sân tập của Arsenal nhằm cố gắng khám phá xem phương pháp “kì diệu” tại đây. Tháng Hai năm 2008, ngay đến Diego Maradona cũng muốn tham gia vào dòng người đang đổ xô đến London Colney. Khi nghe về yêu cầu của huyền thoại người Argentina, Wenger đã lập tức phản ứng: “Sao ông ấy lại muốn đến gặp tôi?” và nhanh chóng được chuyển lời: “Vì ông là Arsène Wenger.” Một tượng đài bóng đá khác, Marco Van Basten , huấn luyện viên tương lai của tuyển Hà Lan cũng đã dành thời gian ghé thăm London trước khi quay lại công việc huấn luyện. Vốn được khai sáng từ sự truyền dạy của huấn luyện viên huyền thoại người Hà Lan, Rinus Michels và huấn luyện viên phá cách của Milan, Arrigo Sacchi, đó thật sự là một vinh dự đối với Van Basten khi có thể mở mang tầm hiểu biết của ông từ việc theo dõi cách Wenger điều hành công việc.
Tuy nhiên, đấu pháp bậc thầy của Wenger không thể tóm gọn trong những sáng kiến đổi mới về chiến thuật. Ông hiếm khi thay đổi đấu pháp của đội bóng theo cách các huấn luyện viên khác, như José Mourinho, thường nhanh chóng tiến hành khi thấy trước những khó khăn cần vượt qua. “Đội bóng cần một đấu pháp cụ thể”, Wenger khẳng định, “một triết lý chúng tôi sẽ theo đuổi với bất kỳ cầu thủ nào chúng tôi có trong tay”; dù với tính linh hoạt của những tiền vệ tổ chức mà ông không ngại tống khứ, như Samir Nasri – người có thể tung hoành ở khu trung tuyến cũng như khi chơi dạt sang cánh – “giáo sư” sẽ có trong tay vô số lựa chọn khi bố trí đội hình. Ngay khi quyết định áp dụng sơ đồ 4-3-3 với hai tiền đạo mũi nhọn cùng một tiền vệ hộ công phía sau, ông đã tự nhủ sẽ không bao giờ quay lại sơ đồ 4-4-2 vốn đã mang lại cho ông vô số danh hiệu trong thập kỷ trước. Arsenal luôn kiên định với một đấu pháp duy nhất dù phải đối đầu với Barcelona hay Bolton, đặt trọng tâm vào những pha phối hợp dàn xếp để tạo cơ hội thay vì tuân thủ nghiêm ngặt theo cách sắp xếp từng vị trí trên sân.
Khi những lời chỉ trích nổi lên cho rằng Wenger không thể tác động ngược lại lối chơi của đối phương, ông đã nổi giận: “Các anh thật sự nghĩ rằng,” ông đáp trả, “tôi có thể làm huấn viên bóng đá suốt bao năm nay mà không quan tâm đến lối chơi của đối phương ư? Sao mọi người có thể nghĩ như vậy? Như thế tôi còn ngu ngốc hơn một lũ xuẩn ngốc. Tất nhiên chúng tôi phải thay đổi cục diện trận đấu. Chúng tôi luôn cố gắng thể hiện thế mạnh của mình. Nhưng không có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến đối phương. Thật khó có thể hiểu được vẫn có những người còn suy nghĩ như thế, rằng chúng tôi đã đi khắp châu Âu chơi bóng mà không hề xem xét lối chơi của những đội bóng chúng tôi phải đối mặt.” Thực chất, dù ông sử dụng đội hình nào thì cũng có thể linh động dựa trên những cầu thủ tham gia thi đấu. Tuyến giữa hoạt động rộng khắp có quyền rời vị trí hoặc đổi vai mà không cần chỉ thị cụ thể từ ông, và được phép toàn lực công kích khi toàn đội đã vào guồng.
Ngược lại, chiến thuật thay người của Wenger lại thiếu đi tính linh hoạt. Ngoài lý do kéo dài thời gian vào phút thi đấu thứ 90, quyết định thường được đưa ra vì lý do thể lực của cầu thủ hơn là tính toán chiến thuật. Một quan sát viên đã bắt được lời của Wenger khi ông chia sẻ: “Không ai hoàn hảo cả, ít nhất là với tôi”, và đánh bạo đi thẳng vào một câu hỏi then chốt: “Tại sao ông luôn quan sát trận đấu từ ngoài đường biên?”
“Vì công việc của tôi xuất phát tại đó. Tôi cảm giác được một tầm nhìn tốt, và biến nó thành thói quen. Tôi ghét việc chia tách với các cầu thủ dù là về khoảng cách vật lý”, ông trả lời.
“Nhưng liệu tôi có hiểu đúng không khi cho rằng đôi khi quyết định thay người là sai lầm – vì ông không thể nắm rõ cục diện trận đấu?”
“Không, quan điểm của anh sai rồi. Tôi có thể nhận được 50.000 ý kiến khác nhau từ đám đông, nhưng họ lại bỏ qua rất nhiều điều chỉ tôi hiểu rõ.”
“Ví dụ như?”
“Ví dụ như,” Wenger trả lời, “tôi biết cầu thủ nào sẽ ‘gục’ sau một giờ thi đấu vì thông số trong 3 trận đấu gần nhất cho thấy sức bền của cậu ta đã giảm sút từ 30 đến 40%, và cậu ta không thể chạy thêm được nữa.” (Tuy vậy, Wenger không phải luôn hành động theo những gì ông nói.
Ông vẫn luôn dằn vặt bản thân vì đã không hành động theo bản năng và rút Robert Pires ra khỏi sân trước khi anh bị đứt dây chằng đầu gối trong trận đấu với Newcastle năm 2004. Pires về sau đã thừa nhận, “Chấn thương của tôi chủ yếu do quá mệt mỏi về tinh thần; đó là lỗi của tôi vì đã không đủ tập trung.”)
“Đó chính xác là nguyên tắc của tôi,” Wenger tranh luận với người chất vấn. “Anh chỉ nên thay người vì lý do thể lực, chứ không vì tính toán chiến thuật.”
Như vậy, các tiền vệ hoạt động rộng đã được thay ra mà không chịu sứt mẻ gì trong khoảng những phút thứ 70 và, tùy theo cục diện trận đấu, một tiền vệ trung tâm (nếu đội đang dẫn trước) hoặc một tiền đạo (nếu không) sẽ vào sân thay thế, và thường sẽ đóng vai trò tương tự.
Hiếm khi khán giả cảm thấy bất ngờ về việc ai sẽ được thay ra hay trong khoảng thời gian nào. Việc ứng biến chỉ xảy đến nếu cầu thủ sở hữu khả năng thực hiện những pha bóng không tưởng, với những bước di chuyển có bóng và không bóng điêu luyện của anh ta. Wenger nên được ca ngợi như một kẻ lật đổ với những phát hiện, những bước chuẩn bị và sự tiến bộ ông mang đến các thế hệ học trò của mình, nhưng ông không phải một phù thủy thiên về chiến thuật. Mặc dù vậy, ông vẫn đủ sáng suốt để nhận ra Arsenal sẽ thi đấu tốt hơn với sơ đồ 4-4-2 trong mùa bóng đầu tiên.
Song song với sự thay đổi đơn giản về đấu pháp vào năm 1997, Wenger đã giành được ngôi vị đầu tiên tại Giải Ngoại hạng, vốn được cho là chiến công trực tiếp từ ý chí của những hậu vệ nội binh vạm vỡ. Một nhân vật đã rẽ sang hướng khác là Ray Parlour, người đã xuất hiện thường xuyên trong đội hình chính suốt 7 mùa bóng trước khi theo chân Paul Merson sang Middlesbrough. Thỏa mãn với những lựa chọn trong nhiều vị trí chủ chốt, “giáo sư” đã có thể sử dụng ngân sách chuyển nhượng nhằm gia cố hàng tiền vệ. Không bất ngờ khi trong mùa bóng đầu tiên, Wenger đã giải phóng Eddie McGoldrick, David Hillier, Andy Linighan và Ian Selley cùng với Hartson và Merson, đồng thời mang về một số lựa chọn thay thế, trong đó chỉ bao gồm duy nhất một người Anh (Matthew Upson). Trong số những cái tên mới gia nhập, có thể kể đến Marc Overmars, Emmanuel Petit và Gilles Grimandi. Hai cầu thủ đầu tiên đều thích nghi khá tốt với sơ đồ 4-4-2. Overmars là một tiền vệ cánh tốc độ đến từ Ajax.
Với khả năng đóng góp ít ỏi trong khâu phòng ngự, anh có thể không phù hợp với sơ đồ 3-5-2 mùa giải trước, và chỉ được mang về với mục đích kế thừa đội hình chính đã quá tuổi. Petit vốn theo dưới trướng Wenger từ Monaco, và được dành sẵn vị trí tiền vệ trung tâm.
Đó cũng là kết thúc cho bộ ba Platt, Vieira và Merson – đội hình từng bị đe dọa đánh bọc sườn với một trung phong và hai hộ công bên cánh của đối phương, và dẫn đến sự ra đời của bộ tứ Parlour, Vieira, Petit và Overmars. Grimandi là một hậu vệ linh hoạt chuyển về cùng Petit từ Monaco, và đã lấp chỗ trống của Platt như một sự thay thế đắt giá. Wenger đánh giá các tiền vệ trung tâm của ông là nhân tố phòng ngự then chốt cho sơ đồ 4- 4-2, với một tiền vệ trụ bắt cặp với hai hậu vệ giữa. Thế trận tỏ ra khá khả quan với Petit và Vieira chắn trước Adams và Keown, và sau cuộc họp diễn ra vào giữa mùa giải 1997/98 – khi các hậu vệ trung tâm phản ánh rằng họ cần thêm sự hỗ trợ từ khu trung tuyến nhằm ngăn chặn các đợt tấn công của đối phương – Arsenal đã đi liền một mạch trận bất bại, với đỉnh cao là cú ăn hai cuối mùa bóng. (Đồng thời, chất lượng của tuyến phòng ngự vẫn được đảm bảo suốt mùa giải sau đó, với Gilles Grimandi thường xuyên đóng thay vai cho Petit lẫn Vieira, khẳng định sự ưu tiên của huấn luyện viên người Pháp đối với sự vững chắc tại khu trung tuyến, hay vì tính linh động dọc đường biên). Cái giá phải trả cho Arsenal là tai tiếng về lối đá bất chấp luật lệ, với tổng số thẻ vàng và thẻ đỏ cao ngất ngưởng. Chất thép từ các Pháo Thủ tuy đã hòa hợp với tính mềm mỏng trong lối chơi, nhưng rắc rối phát sinh từ các cá nhân chủ chốt đã dẫn đến hậu quả, đến nỗi điệp khúc ‘hậu vệ sau tường chắn’ cứ mãi gắn liền với đội hình kiệt xuất này trong suốt lịch sử câu lạc bộ.
Các cầu thủ với phạm vi hoạt động rộng khắp như Overmars và Parlour tất nhiên sẽ dễ giành quyền kiểm soát bóng hơn Dixon và Winterburn, do có thể đá lùi hai bên cánh để tạo điều kiện giúp đồng đội dâng cao đội hình và áp đặt lối chơi lên đối phương trên toàn sân. Đó sẽ là bước tiến lớn trong việc giành quyền kiểm soát trận đấu nếu Arsenal qua mặt đối phương về cả quyền kiểm soát bóng lẫn lối chơi. Với một tiền vệ đã quá thành thạo triển khai tấn công và chủ động áp sát, hàng phòng thủ sẽ dễ châm bóng hơn, hoặc tự mình dẫn bóng bứt phá, thay vì thi đấu co cụm trong suốt thời gian dài chỉ để giải tỏa áp lực và chiếm thế thượng phong. Khán giả cũng cảm thấy thỏa mãn hơn và đội bóng có thể nâng cao danh tiếng của mình như những vũ công trên sân cỏ. Chưa dừng lại ở đó, trong giai đoạn sau của mùa giải, Overmars cùng với khuynh hướng đá cao của anh đã biến sơ đồ trở thành 4-3-3 thực tế (de facto). Giờ đây, câu khẩu hiệu “Arsenal nhàm chán, cực nhàm chán” vốn bắt nguồn từ các cổ động viên đối thủ đã được người hâm mộ Pháo Thủ giành lại và hát vang với niềm thích thú mỉa mai. Và khán giả cũng ngày càng ít cơ hội được thưởng thức lại niềm hạnh phúc xưa cũ dưới thời Graham, khi bình luận viên hô lớn: “1-0 cho Arsenal,” vì các bàn thắng giờ đây đã đến quá nhanh và quá liên tục, khiến chúng cũng trở nên dư thừa.
Điều quan trọng là khi từng mùa giải trôi qua, Arsenal đã ngày càng cải thiện khả năng giữ bóng của họ trên sân cỏ. Vì nhiều lý do, hiện tại họ đã đạt đến khả năng kiểm soát bóng khá dễ dàng với tỷ lệ tương tự như đội hình cũ của Graham, với lối đá co cụm trước kia. Ưu tiên những đường chuyền ngắn, thỉnh thoảng lại tạo đột phá với những đường bóng dài chính xác và thận trọng, Arsenal đã tận dụng được những chuyên gia tấn công với kỹ thuật điêu luyện và tốc độ dũng mãnh, cùng khả năng phản công nhằm nắm bắt cơ hội từ những đường bật bóng tại khu cấm địa đông đúc. Hàng phòng thủ đã có thêm đồng đội hỗ trợ kiểm soát bóng, mớm bóng từ tuyến hậu vệ lên khu trung tuyến khiến đối thủ nhiều lúc phải đầu hàng từ khoảng cách 10m tính đến vạch vôi vòng cấm địa Arsenal, do phải đối diện với quá nhiều cầu thủ áo đỏ trắng bên phần sân nhà. Đây có thể ví như một trong hai cách phản ứng được Pavlov khám phá; cách còn lại họ buộc phải chiến đấu đến cùng, buộc phải ‘đè bẹp đối phương’. Sau cùng, mục tiêu ưu tiên bao giờ cũng là cố gắng tận dụng càng nhiều khoảng trống càng tốt, nhằm đa dạng hóa các phương án tấn công đồng thời làm chủ các pha phối hợp phức tạp.
Nhưng tất cả đã bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước, với 4 hậu vệ người Anh tìm cách đưa bóng khỏi tuyến phòng ngự và quyết không để mất bóng dễ dàng. Phát súng ân huệ (coup de grâce) đã được bắn ra trong trận chung kết sớm trên sân nhà,trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên của Wenger. Với 3 vòng đấu còn lại trước mắt, Arsenal cần phải đánh bại Everton để lần đầu tiên đăng quang ngay tại thánh địa của họ, kể từ năm 1991. Dẫn trước 3-0 khi đồng hồ chỉ còn điểm từng phút, dải ruy-băng trắng đỏ đã được cột sẵn trên chiếc cúp vô địch. Arsène Wenger bất ngờ xin đổi người một cách cảm tính, và thay thế tiền đạo Christopher Wreh (một món hời khác từ Monaco) bằng Steve Bould. Lão tướng này đã chơi như một tiền vệ trung tâm thực thụ và kiến tạo bàn thắng thứ tư, cũng là bàn ấn định kết quả trận đấu, sau khi tạo điều kiện để trung vệ đội trưởng Tony Adams đột kích vào giữa hai hậu vệ Everton, phá bẫy việt vị và tung cú sút demi vô-lê tuyệt đẹp vào khung thành bằng chân trái, chân không thuận của anh. Đó chính là hình tượng điển hình cho thứ bóng đá tổng lực mà Wenger hằng khao khát. Bould, với danh hiệu “kẻ hủy diệt hàng thủ” vốn không mong gì hơn một cú chuồi chân tàn nhẫn từ phía sau, đã thực hiện pha phối hợp tuyệt vời nhất cùng thủ quân của mình – người từng bị tờ Daily Mirror gắn mác độc địa là “con lừa” trong những năm đầu anh chơi bóng.
Tuy nhiên, khi niềm vui chiến thắng tột độ còn chưa lắng xuống, thì rạn nứt bắt đầu xuất hiện cùng với những tấm huy chương của họ vào cuối mùa giải. Từ những tranh cãi thẳng thắn về món bông cải xanh trước đây, mâu thuẫn về cá tính giữa vị huấn luyện viên cùng tiền đạo ngôi sao của ông ngày càng lớn, đến mức vang vọng khắp phòng thay đồ. Vào giai đoạn đầu của mùa giải, giới truyền thông đã tập trung vào Ian Wright với cơ hội xô đổ kỷ lục 178 bàn thắng được Cliff Bastin xác lập trước đây. Sau khi hoàn thành chiến tích trên, Wright đã tuyên bố anh muốn gia nhập đội bóng Bồ Đào Nha, Benfica – câu lạc bộ đã ướm hỏi về khả năng ra đi của anh từ tháng Mười Hai. Với cậu thiếu niên Nicolas Anelka và tài năng chưa được khẳng định Christopher Wreh là những lựa chọn duy nhất nhằm thay thế anh, Wenger vốn không có ý định rao bán anh và đã tỏ ra bất bình với lời tuyên bố công khai của Wright trong chương trình Trận cầu Tâm điểm (do đài BBC sản xuất). Không những thế, sự kiện này còn dẫn đến sự sa sút tệ hại trong loạt trận tại Giải Ngoại hạng, khi Arsenal đánh rơi 16 điểm sau 8 vòng đấu, đồng thời bị Blackburn đánh bại 3-1 ngay trên sân nhà. Wright sau đó còn làm trầm trọng thêm tình thế của mình khi tỏ thái độ chỉ trích người hâm mộ vì sự ủng hộ yếu kém của họ trong thất bại trước Blackburn, ngay từ cửa sổ phòng thay đồ đối diện với đường Avenell. Anh cũng gây đủ rắc rối với cảnh sát đến mức bị triệu tập và bị cảnh cáo về hành vi của mình.
Tuy nhiên, Arsenal đã được trải nghiệm một tương lai không có Wright khoảng một tháng sau đó, khi cầu thủ này bị chấn thương gân kheo trong trận hòa thuộc khuôn khổ FA Cup tại Port Vale. Từ đó, Nicolas Anelka đã trở thành sự thay thế thường xuyên mỗi khi Wright vắng mặt, đúng thời điểm đội bóng khởi đầu một loạt trận bất bại, và chỉ kết thúc khi đã bảo toàn danh hiệu trước hai vòng đấu. Phong độ ổn định này còn tiếp tục thể hiện trong FA Cup, và đội bóng đã giành được cú ăn hai thứ hai. Khả năng của Anelka hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới, trong khi Wright đã trở thành một gánh nặng lố bịch, nhức nhối kể từ đầu mùa bóng. Niềm tin tưởng của vị huấn luyện viên người Pháp đối với cậu thiếu niên non kinh nghiệm này cũng thể hiện một lựa chọn an toàn hơn, bảo thủ hơn đối với những lão tướng dạn dày trận mạc vốn thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính; trong khi đó, những tài năng hiếm có và giàu sức trẻ đang trở nên cần thiết. Sự ra đi của Patrick Vieira và Thierry Henry nhiều năm về sau cũng xảy ra trong bối cảnh tương tự.
Wright vắng mặt nhiều tuần liền, nhưng sau khi hồi phục, huấn luyện viên vẫn cố tránh triệu tập anh cho đến khi đã nắm chắc danh hiệu trong tay. Đó là thời điểm vô cùng khó khăn đối với Wright – anh luôn lo lắng về thể trạng của mình, trong khi tiến trình lựa chọn thành viên cho đội tuyển Anh trước thềm World Cup 1998 đã đến gần. Anh có mặt trong đội hình xuất phát ở hai vòng đấu cuối, nhưng chính Christopher Wreh mới được chọn bắt cặp cùng Anelka trong trận cầu quyết định của mùa giải – trận chung kết FA Cup với Newcastle United.
Arsenal đã vươn lên dẫn trước 2 bàn, trong khi chỉ 20 phút nữa sẽ kết thúc trận đấu trên sân Wembley. Quyết định thay người đầu tiên được đưa ra: David Platt vào thay Wreh. Với những tiếng hô vang khắp khán đài gọi tên Ian Wright, vẫn còn cơ hội cho một hành động cảm tính. (Wenger đã rất vui lòng đưa ra quyết định đó vào năm 2004 nhằm cho phép Martin Keown nhận huy chương vô địch Giải Ngoại hạng.) Khi hồi còi kết thúc trận đấu sắp nổi lên, đã có một động thái từ băng ghế dự bị khi một cầu thủ cởi phăng chiếc áo tập. Nhưng anh ta cũng không kịp đứng dậy trước khi tiếng còi làm hụt hẫng toàn bộ khán đài, và thậm chí người dự kiến sẽ vào sân cũng không phải Wright, mà là Gilles Grimandi. Đó là quyết định làm mất lòng người hâm mộ, sự từ chối đối với cơ hội xuất hiện sau cùng; nói ngắn gọn, đó là nhát dao kết liễu xuyên vào tim người cầu thủ đã nguyện sẽ hy sinh vì Arsenal. Mọi chuyện còn tồi tệ hơn đối với Wright khi anh lỡ chuyến bay đến France ’98, và buộc phải theo dõi kỳ World Cup sôi động đó qua truyền hình. Quả thực, Wright đã mang trên mình màu áo đỏ trắng cho đến cuối mùa giải, trước khi được bán sang West Ham.