Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 6

Bước chuyển giao

Ngày 17 tháng Năm năm 2006, trong phòng thay đồ của những bại tướng sau trận chung kết Champions League, Thierry Henry bước về phía Arsène Wenger. “Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ấy và nói đơn giản, ‘Tôi sẽ ở lại,’” Henry thuật lại. Arsène Wenger nắm chặt tay anh và trả lời, “Tôi biết. Tất nhiên là thế.” Khi đó, Henry chỉ vừa mới đưa ra quyết định sau những khoảnh khắc đã trải qua. (Ngay đến vợ anh, Claire và bạn anh, David Dein cũng chỉ biết về việc này trong chuyến bay trở về Anh).

Nếu 90 phút kịch chiến trên sân diễn ra theo chiều hướng khác, có lẽ anh đã quyết định đó là lần cuối cùng anh xuất hiện trong màu áo Arsenal. Sau khi vượt qua tình huống tiến thoái lưỡng nan, Henry đã dễ dàng phủ nhận khả năng trên. “Đó là quyết định xuất phát từ con tim,” về sau anh chia sẻ, “và nếu tôi quyết định ở lại dù đã thua cuộc, sẽ thế nào nếu chúng tôi chiến thắng?” Anh tiếp tục giải thích, “Bất chấp những điều tuyệt vời mở ra cho tôi [tại Barcelona], mối liên hệ giữa tôi với câu lạc bộ vẫn là mạnh mẽ nhất. Tôi muốn được công nhận như [Paolo] Maldini. Khi mọi người nói về Arsenal, họ sẽ nói về tôi và khi họ nói về tôi, đồng nghĩa họ đang nói về Arsenal.” Quyết định ở lại chớp nhoáng cũng có thể xuất phát từ phần thưởng hào phóng dành cho các cựu binh trung thành, vốn được xác nhận công khai khi câu lạc bộ tổng hợp kế hoạch tài chính vào cuối mùa bóng.

Đội hình trận chung kết đã không thi đấu với tinh thần tốt nhất. Cụ thể như Henry, người đã bị các cầu thủ đối phương cô lập và theo sát – mà theo hầu hết khán giả theo dõi, những cầu thủ này sẽ sớm trở thành đồng đội của anh. Anh đã rất bất ngờ và vỡ mộng trước lối chơi của họ. Robert Pires cũng không giấu nổi sự thất vọng. Theo chia sẻ của anh, chính quyết định hi sinh anh nhằm tung Almunia vào sân thế chỗ Jens Lehmann bị truất quyền thi đấu đã khiến anh quyết định ra đi và gia nhập Villarreal tại La Liga. Sau này, anh hồi tưởng: “Tôi luôn cố gắng sống để không hối tiếc. Khi ấy, tôi buộc phải đưa ra quyết định; dù rất đau đớn, nhưng tôi cảm nhận được rằng dù trận chung kết có diễn biến thế nào, thì tôi cũng đã mất đi lòng tin của Arsène Wenger. Tôi chưa từng nghĩ đến việc này trước đây, nhưng với tôi, đó chính là nguyên nhân. Chính trận chung kết Champions League tại Pháp, ngay trước mắt toàn thể gia đình của tôi tại Pháp, đã đánh dấu sự ra đi của tôi. Ông ấy [Wenger] có vô số lựa chọn. Tôi không biết ai sẽ thay thế mình; nhưng với tôi, đó là một hồi còi tử thần”.

Nếu Arsenal được chơi với đủ quân số trên sân, họ chắn chắn đã có thể tạo áp lực lớn hơn với Barcelona và đã có thể mơ đến một chiến thắng lẫy lừng. Sự tự tin của họ khi khai chiến chứng tỏ họ không hề e ngại đối phương; và nếu hai đội vẫn tiếp tục chơi đôi cộng, kết quả chung cuộc sẽ khó lòng đoán trước. Nếu Henry được chạm tay vào chiếc cúp, anh đã có thể an tâm ra đi vì tin rằng mình đã đóng góp nhiều thành công nhất có thể; nhưng sau cùng, anh vẫn không nỡ rời bỏ đội bóng khi họ đang chao đảo trong thời điểm chuyển giao. Và Pires nhiều khả năng cũng sẽ hài lòng với vai trò thay thế mà Dennis Bergkamp từng đảm nhận trong những mùa bóng sau cùng của anh. Anh muốn cảm thấy được công nhận, thậm chí nếu anh không thể bắt đầu mỗi trận đấu trong đội hình chính thức (tình huống xảy ra do cạnh tranh vị trí và cũng bởi Pires đã quá lớn tuổi).

Mất Pires là một đòn nặng, nhưng quyết định ở lại của Henry mới là thiết yếu.

Khi lên lịch trình chuyển đến sân vận động mới vào mùa hè năm 2006, Arsenal hiểu rằng họ phải mang đến thêm nhiều giá trị hơn nhằm thỏa mãn một lượng khán giả đông đảo hơn – 60.000 người – trong đó có 9.000 người phải bỏ tiền – hai tuần một lần – cho các hàng ghế phục vụ vòng chung kết World Cup. Nói ngắn gọn, những ngôi sao đắt đỏ nhất phải có những màn trình diễn xuất sắc và đảm bảo các trận đấu của đội bóng là phần thưởng lớn dành cho khán giả, đặc biệt khi họ không thể khánh thành sân đấu mới trên tư cách những nhà vô địch châu Âu.

Hai ngày sau thất bại tại Paris, Thierry Henry, Arsène Wenger và David Dein đã được triệu tập đến một buổi họp báo; cả ba đều tỏ ra hài lòng với bản thân, và tuyên bố rằng chiếc áo số 14 vẫn tiếp tục thuộc về người chủ hiện tại. Với một năm duy nhất còn lại trong hợp đồng, Arsenal không thể giương mắt nhìn thời cơ này trôi qua và cho không anh vào năm 2007. Điều này khiến Henry chỉ còn hai lựa chọn duy nhất: hoặc ký kết hợp đồng mới, hoặc ra đi để đội bóng nhận lại một khoản bù đắp thỏa đáng cho công sức đầu tư họ bỏ ra.

Sau này, David Dein đã tiết lộ: “Chúng tôi đã viết nên hai thương vụ kỷ lục với các đội bóng Tây Ban Nha; anh không cần phải là chuyên gia nghiên cứu tên lửa mới đoán ra họ là ai.” (Thời điểm đó, giá trị chuyển nhượng cao nhất thuộc về Zinedine Zidane, với 47 triệu bảng Real Madrid phải bỏ ra để đưa anh về từ Juventus năm 2001.) Dein còn bổ sung: “Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – cậu ấy không phải để bán. Tôi mong cậu ấy cũng hiểu điều đó.” Nhiều người hoài nghi rằng ông chẳng qua đang nhắc lại chuyện quá khứ, do Henry đã ngấp nghé thị trường chuyển nhượng năm 2006 trước khi mọi thủ tục được hoàn thành để đảm bảo sự phục vụ của anh cho đến năm 2010.

Henry quyết định ở lại là một tin sửng sốt đối với cả ban lãnh đạo câu lạc bộ và người hâm mộ. “Tôi có hai mục tiêu lớn khi khởi đầu tuần mới,” giáo sư cho biết, “một là chiến thắng Cúp châu Âu, hai là thuyết phục Henry ở lại. Tôi chỉ hoàn thành được một, nhưng đó thật sự là thành quả tuyệt vời nhất đối với tương lai câu lạc bộ. Tôi tin tưởng mùa bóng này các cầu thủ sẽ hình thành mối liên kết chặt chẽ hơn trước, mở đường cho niềm hy vọng mới đến với đội bóng. Đêm thứ Tư vừa rồi đã thổi bừng lên cảm xúc đó trong lòng họ, và anh có thể trông đợi một bước đột phá sau quyết định của Henry. Đây là sự đảm bảo quan trọng nhất cho tương lai.” Sau này, Wenger cũng thừa nhận: “Không khó để biết trước [rằng phong độ cậu ấy sẽ giảm sút khi trở nên già cỗi], nhưng tôi vẫn quyết định ký hợp đồng lâu dài với cậu ấy vì trong Thierry có rất nhiều tố chất giúp cậu giữ vững vai trò một tiền đạo hộ công, hay một mũi nhọn bên cánh.”

Cũng dễ hiểu vì sao Wenger lại tỏ ra phấn khích như vậy, dù trong ông đã bắt đầu hình thành một quan điểm mới. Thực chất, bất chấp Henry là một danh thủ tuyệt vời, sự tồn tại của anh vẫn bao trùm một bóng đen lên câu lạc bộ – một tượng đài vô tình đã hạn chế bước phát triển của vô số đàn em trẻ tuổi. Những cống hiến của anh trong mùa bóng cuối cùng tại Highbury, hay chức vị thủ quân anh đảm nhận từ sau thương vụ Patrick

Vieira chuyển đến Juventus năm 2005, đều gây tiếng vang. Không chỉ dẫn dắt toàn đội đi đến trận chung kết Champions League, các bàn thắng của anh tại Giải Ngoại hạng (27 bàn sau 32 trận ra sân) đã đảm bảo cho Pháo Thủ vị trí thứ tư và quyền tham gia Cúp châu Âu mùa bóng tiếp theo. Quả thực, đó sẽ là một trải nghiệm cay đắng nếu họ bị loại khỏi đấu trường châu lục ngay trong mùa đầu tiên chuyển đến ngôi nhà mới – Tottenham nhiều khả năng đã thế chỗ họ nếu vòng đấu cuối cùng diễn ra theo đúng kỳ vọng của đội bóng áo trắng. “Nếu chuyển đến Barcelona hay Real Madrid, Henry sẽ được chào đón như một hoàng tử,” David Dein chia sẻ, “Nhưng tại đây, anh ấy đã là một vị vua.” Chính câu nói đó đã châm ngòi cho tình trạng bất ổn.

Cuộc sống tại ngôi nhà mới khởi đầu với sự ra đi của vô số trụ cột; và cùng với Jens Lehmann, Gilberto Silva và sau đó là William Gallas, Henry cũng bị áp đảo bởi đội ngũ các tài năng trẻ với nhiệt huyết bừng bừng trong độ tuổi thiếu niên của họ. Anh đã cố truyền đạt kinh nghiệm một cách tích cực với vai trò một đàn anh đi trước, nhưng cách ứng xử của anh lại thường xuyên làm sai lệch đi ý nghĩa của thông điệp. Nếu một đường chuyền đi không đúng ý, hoặc không ăn khớp với hướng di chuyển của anh, anh sẽ liếc nhìn giận dữ các đồng đội phạm sai lầm với ánh mắt coi thường của bề trên. Cesc Fàbregas sau này thừa nhận: “Henry đã hăm dọa chúng tôi. Anh ấy là một cầu thủ lớn, nhưng thật khó để thi đấu cùng anh.” Hay đến một người ít lời như José Antonio Reyes, người xem quyền lực của những cầu thủ Anh chẳng ra gì, cũng cảm nhận rõ thái độ khinh miệt thái quá của Henry. Chẳng mấy chốc anh đã không thể chờ đợi để quay về quê hương và – mỉa mai thay – đội bóng sẵn sàng giải phóng anh lại chính là Real Madrid của Fabio Capello. Đối với Reyes, như thế vẫn chưa phải quá trễ; nhưng buộc phải chơi phía sau Henry, đến Fàbregas cũng phải cảm thán, “Giờ mọi thứ đã khác.”

Từng tuần trôi qua tại sân Emirates, các đối thủ đã nhanh chóng dự đoán rằng nếu họ có thể dập tắt khí thế đội chủ nhà với quân số áp đảo, thì ngay tại khu cấm địa đội nhà, họ cũng có thể tạo nên mối đe dọa. Mục tiêu giữ bóng của Arsenal cho đến khi kiến tạo được một cơ hội rõ ràng đã khiến lối chơi của họ thiếu đi sự sắc bén. Thay vì xem trọng việc kiểm soát bóng và ưu tiên tạo cơ hội cho Henry, đồng đội của anh nên tiếp tục dẫn bóng và chuyền cho cầu thủ ở vị trí thích hợp hơn.

Nếu Henry ra đi còn Pires ở lại, đội bóng đã có thể chơi với sự đoàn kết cao hơn và nhuần nhuyễn hơn, với số lượng lớn các cầu thủ có khả năng kiến tạo và trực tiếp ghi bàn. Chứng kiến Henry liên tục gặp chấn thương trong suốt mùa giải, như thường lệ, các cổ động viên lại làm quen với một Arsenal vắng bóng anh.

Mặt khác, một số cầu thủ lại thể hiện phong độ tốt nhất khi Henry ngồi ngoài đường biên. Đỉnh cao là thất bại trước Chelsea trong trận chung kết Carling Cup đã chứng tỏ đội bóng cần tập trung vào những tài năng trẻ thật sự đã sẵn sàng được cất nhắc. Trận cầu đó – đánh dấu lần ghé thăm thứ 10 và cũng là cuối cùng của Arsenal tại sân vận động Millennium (Thiên Niên Kỷ) của Cardiff, sau 7 năm liền Wembley không được sử dụng – cũng đồng thời khởi đầu cho chuỗi chinh chiến 11 ngày của họ tại ba đấu trường – cả ba sau này đều mang lại thất bại chua xót. Trận đá lại vòng năm FA Cup với Blackburn phải cần đến hiệp phụ. PSV ghé thăm London vào trung tuần kế tiếp và tiếp tục duy trì bước tiến của họ tại châu Âu, bất chấp việc tung Henry vào sân trong hiệp hai dù phong độ của anh chưa đạt trạng thái tốt nhất.

Công bằng mà nói, Henry chưa bao giờ đạt đến đỉnh cao phong độ tại bất kỳ vòng đấu nào của mùa giải; và đầu tháng Mười Hai, Wenger đã quyết định cho anh nghỉ ngơi trong trận derby Bắc London đầu tiên tại Emirates. Các dòng tít trên báo khẳng định rằng Henry đã đón nhận quyết định này trong tâm trạng cực kỳ tồi tệ; sau đó, anh đã tranh cãi nảy lửa với huấn luyện viên trước khi đùng đùng rời khỏi sân tập. Chàng tiền đạo đã kịch liệt phủ nhận những lời thêu dệt trên: “Không ai thật sự hiểu rõ những gì chúng tôi nói với nhau và họ vẫn còn đang phỏng đoán,” Henry nói. “Tất cả tin tức trên báo đều là bịa đặt. Tôi đã thất vọng rời sân tập hồi thứ Sáu vì tôi muốn thi đấu với Spurs. Không ai buộc tôi phải ngồi ngoài. Chúng tôi chẳng qua chỉ trao đổi với nhau và tôi ghét việc phải ngồi ngoài. Tôi muốn được ra sân. Nhưng đôi lúc anh phải thành thật với bản thân và lắng nghe cơ thể của mình.”

Wenger vẫn cáo buộc rằng, “Ngày 15 tháng Tám đã kết liễu Henry,” nhằm ám chỉ việc huấn luyện viên đội tuyển Pháp, Raymond Domenech đã kiên quyết ép buộc anh thi đấu trọn vẹn 90 phút trong trận giao hữu với Bosnia-Herzegovina.

“Cậu ấy đã kết thúc một mùa giải mệt mỏi với hai trận chung kết tại Champions League và World Cup và đều thất bại; nhưng trên hết, cậu ấy đã vuột mất danh hiệu Cầu thủ Xuất sắc Nhất Năm của FIFA. Thật khó để nuốt trôi cú sốc này,  vì cậu ấy cũng đã ngấp nghé tuổi 30 và đang tạm biệt thời hoàng kim của mình.

Henry vẫn chưa được tưởng thưởng xứng đáng và điều đó đang giết chết cậu ấy, khiến cậu kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Sau một mùa hè không có đến một ngày nghỉ tử tế, Wenger hiểu rằng điều quan trọng sống còn chính là không nên thúc ép tiền đạo ngôi sao của ông thêm nữa. Henry thậm chí còn không được xem xét đưa vào đội hình trong trận lượt đi tối quan trọng với Dinamo Zagreb trong khuôn khổ vòng loại Champions League, dù đã bốn tuần trôi qua sau ngày anh nhận huy chương bạc thế giới tại Berlin. “Chúng tôi sẽ không thi đấu với những cầu thủ chưa đạt đến sự chuẩn bị tốt nhất,” Wenger khẳng định – một nguyên tắc mà Domenech đã cố tình lờ đi.

Đầu tháng Mười Hai, Wenger buộc phải thừa nhận thủ quân của ông đã sa sút phong độ rõ rệt. Anh vẫn tiếp tục ghi bàn và kiến tạo những đường chuyền, nhưng các pha bóng xuất thần trước kia đã không còn xuất hiện. Tuy nhiên, bất chấp đánh giá hợp lý của mình, ông vẫn tiếp tục trọng dụng anh cho đến khi cuộc cãi vã giữa họ dẫn đến sự rạn nứt sâu sắc. Wenger đã quyết định nổ súng trước và thừa nhận rằng chân sút hàng đầu của câu lạc bộ, dù chưa bước qua tuổi 30, cũng đã trở thành nạn nhân của một quy luật bất biến, vốn vẫn luôn xảy với những danh thủ có sự trở lại nhạt nhòa. Và khán giả cũng khó lòng kỳ vọng anh sẽ lặp lại thành tích 25 bàn thắng và 20 đường kiến tạo (chiến công được cổ động viên Arsenal công nhận như một kỷ lục) của mùa bóng trước một lần nữa.

Henry cũng chẳng cảm thấy khá hơn khi theo dõi cột báo có tên anh trên tờ The Sun vào ngày diễn ra trận cầu với Tottenham – trận đấu buộc anh phải nghỉ dưỡng sức. Anh nói: “Tình thế của chúng tôi tại Arsenal cũng giống như người võ sĩ đứng giữa bốn hàng dây văng trên võ đài, như đang đối mặt với địch thủ ở hạng cân nặng hơn. Đôi lúc anh sẽ cảm thấy ngạc nhiên, nhưng sự thật là đấu thủ nặng hơn thường sẽ là người trụ vững sau 12 hiệp. Sức mạnh bên trong của đội hình hiện tại là thứ không phải ở đâu cũng có được. Tôi không ra đi vì bất  mãn với ban lãnh đạo hay huấn luyện viên. Đó là sự thật. Luôn có những đội bóng giàu có hơn anh; nhưng anh có thể cam đoan rằng Arsène Wenger sẽ tiếp tục cố gắng – một lần nữa – mang về sân Highbury những tên tuổi với giá hời vào tháng Một. Không cần nhờ đến hợp đồng cho mượn, các cầu thủ hàng đầu vẫn biết trân trọng cơ hội gia nhập một đội bóng hàng đầu. Một cầu thủ từng lọt vào danh sách là Shaun Wright-Phillips của Chelsea. Nếu có thể mượn được anh ấy, tôi tin anh sẽ tỏa sáng, dù chỉ được trao một cơ hội duy nhất.” Nhưng lời tiến cử của Henry lại không khiến Wenger mảy may quan tâm. Khi được hỏi về lời bình luận của anh, ông đã trả lời: “Tôi không biết, các anh nên hỏi cậu ta” – hàm ý rằng chàng thủ quân đang vượt quá quyền hạn của mình. Một đồng đội trong tuyển quốc gia Pháp với lời lẽ thô lỗ hơn đã phát biểu với cánh báo chí rằng: Henry chỉ là “một gã cứng đầu to xác không  biết đón nhận lời phê bình”.

Thực chất, sau những gì thể hiện trong lần góp mặt cuối cùng dưới màu áo Arsenal trong trận cầu với PSV, Henry vốn đã có thể được chấp nhận phục vụ trở lại đến hết những tuần cuối cùng của mùa bóng, nhưng điều đó bỗng chốc trở nên khó khăn khi Arsenal bị đánh bật khỏi nhóm 4 đội dẫn đầu tại đấu trường Champions League, đồng thời thất bại trong cuộc chinh phục hai danh hiệu khác. Wenger đã nhân dịp thử nghiệm những tài năng trẻ nhằm chuẩn bị cho mùa giải mới, thay vì tiếp tục trọng dụng một chân sút ông tin chắc đã hết thời.

Mùa hè năm đó, Barcelona đã bất ngờ mua lại Henry với mức giá 16,1 triệu bảng, khiến các cổ động viên kinh ngạc không kém việc chứng kiến Vieira chuyển đến Juventus hai năm trước – không chỉ bởi Henry đã tham gia hợp đồng quảng cáo của Arsenal với hãng đồng hồ Ebel ngay trước khi tin tức được công bố, mà còn vì anh đã ra đi trong thời điểm hết sức khó hiểu.

Quyết định rời nước Anh của Henry nhiều khả năng đã bị ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân đổ vỡ – thông tin chỉ được tiết lộ sau thời điểm chuyển nhượng. Anh thuật lại với bạn bè mình: “Nhiều vấn đề xảy ra gần đây khiến tôi buộc phải rời xa tất cả những gì liên quan đến nước Anh, không may là vợ tôi cũng nằm trong số đó.” Người hâm mộ có cảm giác rằng dường như anh đã quá hấp tấp khi từ chối những điều khoản từ Barcelona trước đây. Thực chất, một năm về trước, gã khổng lồ xứ Catalan đã tin chắc họ nhất định sẽ có được chữ ký của Henry, một nhân tố giúp họ củng cố thêm niềm tin bảo toàn các danh hiệu – sau một mùa giải bội thu với hai chiếc cúp  Champions League và La Liga. Và rồi họ đã vô cùng phật lòng trước quyết định của anh. Một năm nữa trôi qua, Barcelona với vị phó chủ tịch mới, Ferran Sorriano đảm nhận các hoạt động tài chính, đã sẵn sàng mở lại thương vụ nhưng cũng chỉ thành công nhờ Henry đã thay đổi lòng tin. Sự ra đi của David Dein – người bạn thân của anh – cùng với mối quan hệ sự nghiệp ràng buộc với các thành viên trong gia đình Dein – con trai cả của Dein, Darren là cố vấn thương mại của Henry, còn cô con gái Sascha lại đóng vai trò trung gian từ Barcelona – đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa hai phía. Arsène Wenger nhớ lại, “Cậu ấy là người rất khôn ngoan. Cậu ấy đã nói với tôi, ‘Nghe này, tôi đã có hai hoặc ba năm hạnh phúc trên đỉnh cao, đỉnh cao thật sự, nhưng tôi không thể chờ đợi thành công. Thế nên, tôi muốn chuyển đến một bến đỗ khác nơi tôi có thể đạt đến thành công ngay lập tức, vì hai hay ba năm đối với tôi vẫn chưa đủ.’” Barcelona đã nhận được những điều khoản đảm bảo kỳ vọng của họ và thương vụ chuyển nhượng nhanh chóng được xúc tiến. Tuy nhiên, Wenger cũng nhấn mạnh: “Đây là quyết định của cậu ta. Cũng như quyết định ở lại trước đây. Nhưng nếu đó là ý muốn của cậu ấy, tôi sẽ không ngăn cản, vì nếu cậu ấy đã ra quyết định trên tư cách một thủ quân, tôi sẽ rất vui lòng chấp nhận.

Liệu có phải tình cờ khi hầu hết những cầu thủ trụ cột rời Arsenal những năm gần đây đều gặp phải nạn chấn thương tại câu lạc bộ mới? Dù sao đi nữa, thực trạng này cũng đã xảy đến với Vieira và Hnery (người đầu tiên đã đánh mất phong độ do chấn thương tại Juventus, và sau đó tại Internazionale, còn người sau đã trải qua mùa giải đầu tiên tại Barcelona với các chấn thương liên tục). Tệ hơn, Edu và Robert Pires còn bỏ lỡ gần hết mùa bóng đầu tiên tại các bến đỗ mới ở xứ sở bò tót – nguyên nhân vẫn do chấn thương từ mùa giải trước. Xa hơn về quá khứ, cả Overmars lẫn Emmanuel Petit đều gặp vấn đề khi cố hòa nhập với Barcelona. Wenger chỉ có thể nói rằng ông đã dự đoán được phong độ sa sút của họ, hoặc đó chẳng qua chỉ là những trường hợp không may. Mặc dù vậy, đánh giá của ông về thời điểm cần bán đi một số trụ cột thường hiếm khi sai lầm, dù các điều khoản trong hợp đồng của họ vẫn tỏ ra khá khả quan.

Hiển nhiên từ kinh nghiệm cầm quân của mình, càng tại vị lâu bao nhiêu, Wenger càng tin dùng những cầu thủ trẻ (và tài năng) do chính ông bồi dưỡng bấy nhiêu, dù ông cũng nhận thức sự non nớt trong tâm lý thi đấu sẽ để lộ ra những khiếm khuyết trong khâu phòng thủ. Câu hỏi đặt ra là, liệu chính sách của ông có xuất phát từ biện pháp của Hobson (nhằm kiểm soát ngân sách hạn hẹp), hay đó là minh chứng quả quyết rằng chỉ có phương pháp đó mới đem lại cho đội bóng những kết quả thiết thực nhất, trong bối cảnh cuộc chơi đang từng bước đòi hỏi người tham gia phải bắt nhịp nhanh hơn, cùng điều kiện thể lực và trí lực tốt hơn?

Bất chấp những dòng tít cho rằng công tác chuyển nhượng của Arsène Wenger đã không thể làm động lòng ban lãnh đạo hiện đang dốc sức gây quỹ xây sân vận động mới, thì sự thật đã phơi bày một câu chuyện khác. Mùa hè năm 2001 là thời điểm đánh dấu khoản chi đáng kể cuối cùng được bỏ ra (22,5 triệu bảng cho ba cầu thủ mới, cùng với một khoản phí hậu hĩnh nhằm giữ chân Sol Campbell trước khi anh trở thành cầu thủ tự do) trong một mùa giải. Kể từ đó, tổng chi phí trong ba mùa hè kế tiếp đều chỉ xấp xỉ mức 15 triệu bảng – chỉ riêng thương vụ của Vieira cũng đủ bù đắp chi phí này. Wenger đã mang José Antonio Reyes về từ Sevilla với mức giá 10,5 triệu bảng, dù khoản phí đó đã khiến Arsenal khó lòng chiêu mộ Robin van Persie từ Feyenoord (lúc này Robin chỉ có giá 2,75 triệu bảng), chưa kể còn bị trì hoãn đến 6 tháng. Có lẽ nếu van Persie gia nhập sớm hơn, Đội hình Bất bại đã có thể kéo dài cuộc hành trình của họ trên cả hai mặt trận – FA Cup và Champions League – nơi họ bị hành hạ khổ sở. Đó là vấn đề giữa việc giữ con thuyền luôn nổi trên mặt nước hay cố gắng cầm cự với những trụ cột mất dần trong đội hình ra sân – chính sách đã từng nhấn chìm Leeds United.

Như vậy, chiến lược gia người Pháp đã quyết định đánh cược vào tiềm năng tương lai thay vì bám trụ với danh tiếng trong quá khứ, dù các tài năng trẻ khó lòng đạt đến đẳng cấp của Vieira, Henry hay Pires trong thời gian ngắn. Và hiển nhiên, dù đội bóng đã giữ vững vị trí trong nhóm đầu bảng Giải Ngoại hạng suốt 2 mùa bóng liên tiếp, Wenger vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích về những lỗ hổng trong đội hình chính thức. Highbury không phải lo ngại trước nguy cơ không đáp ứng đủ sức chứa trong mùa giải cuối cùng được sử dụng; đồng thời, sự hoa lệ của sân Emirates mới cũng thu hút đông đủ cổ động viên đến theo dõi.

Do đó, bất chấp việc đã bổ sung thêm 22.000 chỗ ngồi (một phương án thích hợp trong tình trạng giá vé hạng trung đã tăng khá cao), vẫn có hàng vạn người đổ về lối vào cầu trường, nếu đội bóng chứng tỏ được những gì họ kế thừa từ Đội hình Bất bại.

Sự đòi hỏi quá đáng duy nhất đối với ‘giáo sư’ trong quá trình bổ sung nhân lực chính là việc buộc phải góp mặt trên đấu trường Champions League, do những lợi ích tài chính khổng lồ giải đấu này mang lại. Ông đã vượt qua trở ngại đó –dù phải đối mặt với nguy cơ các trận đấu sân nhà tại Highbury trong vòng loại có thể bị trì hoãn – khi Arsenal chỉ chạm đích nhanh hơn Tottenham một chút và bảo toàn vị trí nhóm 4 ngay vòng đấu cuối cùng. Các điểm số đã thật sự bị lãng phí khi ngày càng nhiều tài năng có tên trong chiến lược lâu dài của ông bị các đội bóng khác bòn rút: điển hình như hàng phòng ngự đã khuyết mất một mảng lớn, khi hậu vệ 24 tuổi được trọng dụng thường xuyên, Kolo Toure quyết định ra đi.

Trong những mùa giải đánh dấu sự thống trị của Đội hình Bất bại, Wenger đã được chất vấn về độ tuổi tối đa của các cầu thủ.

“Tôi có thể nói rằng trước đây anh phải có độ tuổi thật trẻ,” ông bắt đầu.

Người phỏng vấn thắc mắc: “Trước đây? Tôi còn nhớ năm ngoái ông đã từng nhắc đến độ tuổi tối đa của các cầu thủ trong đội. Ông nghĩ sao về điều đó? Một thủ môn có thể phục vụ lâu đến đâu?”

“Từ 30 đến 35 tuổi.” “Còn một trung vệ?”

“Tôi phải nói rằng độ tuổi thích hợp nhất là từ 26 đến 34. Đối với tiền vệ là từ 26 đến 32; còn tiền đạo: khoảng giữa 24 đến 30 tuổi. Đó là độ tuổi thi đấu cao nhất của họ.”

“Nhưng chẳng phải ông đã phá luật khi sử dụng những cầu thủ trẻ sao?”

“Những tài năng đặc biệt đáng để tôi phá luật – đồng nghĩa họ đều phát triển sớm – và họ có thể tự tạo ra luật lệ. Tôi không nói rằng những cầu thủ đó không được thi đấu từ trước [khi họ đạt đến độ tuổi tối đa], nhưng họ đã bộc lộ khả năng của mình sớm hơn người thường. Tuy nhiên, với những tài năng hiếm có như vậy, họ nhất định đã từng ra sân thi đấu.”

“Thế còn những tố chất then chốt khác đối với mỗi cầu thủ tại từng vị trí như thế trong đội?”

“Tôi chắc rằng đối với hậu vệ, đó là khả năng tập trung, bên cạnh tất cả những tố chất anh cần ở…” “Một vận động viên?”

“Anh cần phải là một vận động viên mọi lúc mọi nơi, nhưng tôi phải nói rằng: với tôi, tố chất quan trọng nhất ở một hậu vệ là khả năng tập trung.”

“Ông nhận ra điều đó nhờ kinh nghiệm cầm quân của mình?”

“Tất nhiên, vì nhờ kinh nghiệm anh sẽ thận trọng hơn; còn với một hậu vệ, hãy nhìn xem, cậu ta là một anh lính cứu hỏa, một ‘người bảo vệ’. Cậu ta luôn phán đoán được tình huống tồi tệ nhất và xuất hiện đúng vị trí nhằm hóa giải nguy cơ.

Khi anh càng dày dạn, mọi thứ đối với anh sẽ dễ dàng hơn. Khi còn trẻ anh sẽ bất chấp tất cả. Riêng đối với tiền vệ – đó là kỹ thuật và khả năng đánh chặn.”

“Và ông chắn chắn rằng ông đã quy tụ tất cả những điều đó trong đội hình của mình hiện tại?”

“Nói chung, chúng tôi đã tập hợp được những tố chất theo tôi là vô cùng hiệu quả và toàn diện, cả trên phương diện kỹ thuật hay thể lực. Hơn nữa, tôi nghĩ chúng tôi cũng sở hữu một tinh thần đồng đội tuyệt vời trong đội bóng.”

Với các điều kiện tài chính hạn hẹp vào thời điểm xây dựng và khánh thành sân vận động Emirates, phương thức mua sắm của Wenger cũng trở nên khôn ngoan hơn; đồng nghĩa ông sẽ lựa chọn những cầu thủ ít danh tiếng hơn giai đoạn dư dả trước đây. Tiêu chí để ký kết với họ trong thời điểm này là sự kín tiếng, dù nhiều người đã từng thi đấu cho tuyển quốc gia. Vì vậy, thay vì lựa chọn Kanu, người từng sở hữu danh hiệu vô địch Champions League, năm 2006, Wenger đã quyết định chiêu mộ Emmanuel Adebayor từ Monaco – cầu thủ dự bị vốn không được trọng dụng trong đội hình đội bóng Pháp năm 2004, và đã phải bất lực chứng kiến đội nhà bị Porto đánh bại trong trận chung kết. Chuyển sang hàng thủ, liệu có cầu thủ nào trong hệ thống các giải bóng đá Anh sở hữu tố chất tương đồng với Abou Diaby hay Bacary Sagna từ Auxerre? Ngay đến cổ động viên của các tuyển thủ quốc tế như Alex Hleb (Belarus) và Eduardo (Croatia) cũng tỏ ra hoài nghi khi nhắc đến xuất thân của họ. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là William Gallas, một thương vụ bất thường đối với sách lược của Wenger, khi ông quyết định chiêu mộ chàng hậu vệ này thay vì bổ sung một thủ môn mới. Tuy nhiên, David Dein đã bị thuyết phục rằng, nếu Ashley Cole đã chuyển đến Chelsea, thì ít nhất Arsenal cũng phải tìm cách làm suy yếu đội hình của đối thủ, thay vì chỉ xén đi một góc nhỏ trong ngân sách khổng lồ của họ.

Một bản hợp đồng khá “chất” nữa được hoàn tất cùng thời điểm với Gallas nhưng ít ầm ĩ hơn, chính là việc đưa về Emirates tài năng 18 tuổi người Brazil từ São Paulo, Denílson.

Tất nhiên, các quyết định gây tranh cãi với khuynh hướng xem nhẹ kinh nghiệm thi đấu hoàn toàn xuất phát từ cách lựa chọn của Wenger. Chính sách chỉ gia hạn hợp đồng một năm đối với các cầu thủ trên 30 tuổi đã được áp dụng, với Dennis Bergkamp là người tiên phong. Do đó, mỗi cầu thủ đang ngấp nghé giai đoạn cuối của độ tuổi ‘băm’ đều hiểu rằng bất kỳ thỏa thuận nào họ chốt được với đội bóng đều có thể là cơ hội cuối cùng giúp đảm bảo tương lai của họ tại Arsenal.

Kể cả nếu chính sách mới có dẫn đến sự ra đi của các danh thủ như Robert Pires hay Sylvain Wiltord (người đã được đề nghị một hợp đồng hai năm ở tuổi 29, nhưng đã từ chối để trở thành cầu thủ tự do), thì Wenger vẫn phải chấp nhận.

Chiến lược gia người Pháp đã sẵn sàng rút ví cho những tài năng trẻ, thay vì tốn thời gian chu cấp cho những tên tuổi mà ông cảm giác đã bỏ lại thời hoàng kim phía sau họ.

Đôi lúc, bản tính không khoan nhượng của Wenger cũng khiến tình hình trở nên căng thẳng. Trong khi Dennis Bergkamp đã sẵn sàng chấp nhận đề nghị gia hạn và tiếp tục ký kết thỏa thuận mới sau mỗi mùa bóng, thì có những kẻ lại cảm thấy rằng họ xứng đáng với những quyền lợi cao hơn. Điển hình nhất là trường hợp của Wiltord vào tháng Một năm 2004, khi anh vừa bình phục chấn thương và tự cách ly mình khỏi xu hướng mới, và khiến nhiều người liên tưởng đến vụ bê bối của Ian Wright vài năm trước (Wiltord sau cùng đã ra đi vào mùa hè năm đó). Tuy nhiên, nếu tính đến ba danh hiệu Wiltord đã giành được trong màu áo Lyon, thì ít ra cũng hợp lý nếu chỉ trích rằng lẽ ra Wenger nên đối đãi với anh tốt hơn thay vì chỉ đánh giá trên độ tuổi, chứ không nên dồn hết tâm sức bồi dưỡng cho chân sút trẻ nhằm thay thế anh, José Antonio Reyes, người sau cùng đã chứng tỏ bản thân chỉ có hư danh.

Mặc dù vậy, Wenger vẫn còn những ưu tiên khác. Ông nhất định phải đảm bảo rằng, nếu tài lực không thể cải thiện tình hình, ông vẫn có thể trông cậy vào đội ngũ cầu thủ trẻ với điều kiện phát triển như một tập thể đoàn kết trong tương lai; hoặc trong tình huống xấu nhất, họ vẫn có giá trị chuyển nhượng. “Tôi luôn ưu tiên nắm chắc những cầu thủ tôi đang sở hữu,” ông nói, “vì trên hết, tôi tin vào sức mạnh của tinh thần đồng đội. Và một huấn luyện viên chỉ có thể bồi dưỡng và phát triển tốt cầu thủ của anh ta nếu truyền đạt hiệu quả văn hóa của câu lạc bộ, thứ văn hóa luôn tồn tại từ lứa cầu thủ này đến lứa cầu thủ khác.” Trong ngắn hạn, các danh hiệu chỉ đóng vai trò như phần thưởng. Đó thật sự là nỗ lực mong manh từ Wenger nhằm ổn định tình hình, với vốn ngân sách eo hẹp trong mắt các đối thủ sừng sỏ, trong khi vẫn phải động viên các học trò nhắm đến suất tham dự Champions League, đồng thời đảm bảo nguồn thu nhập ổn định then chốt.

Như một hệ quả tất yếu, Arsenal đã khởi đầu mùa bóng 2006-2007 với một đội hình chắp vá. Các cuộc giao tranh nhỏ tại Emirates đã đánh dấu sự xuất hiện của Henry và Ljungberg trong đội hình ra sân, với chấn thương vẫn đang đeo đẳng họ và khiến cổ động viên ngày càng hoang mang về tương lai đội bóng. Hỗ trợ Gilberto Silva và William Gallas, hai cầu thủ lớn tuổi nhất đội hình chính thức, là tiền vệ 25 tuổi Tomas Rosicky cùng Kolo Toure. Quả là thách thức lớn đối với giới hạn tuổi tác của Wenger.

Theo đánh giá của ông, chỉ có Gallas mới thi đấu đúng sức và giữ vững phong độ cao nhất. Nhận định của ông về chất lượng của chàng hậu vệ này, “vì cậu ấy sở hữu tài năng phi thường mỗi khi ra sân,” vẫn tỏ ra chính xác.

So với mùa giải trước, đội bóng đã nhận về một số lượng lớn các trận hòa trong giai đoạn nửa đầu Giải Ngoại hạng Anh– 5 lần chia điểm trong 9 vòng đấu đầu tiên. Kết quả xuất phát một phần từ lối  thi đấu trong sạch, và một phần từ thể lực và sức bền phi thường của các cầu thủ.

Dù Arsenal có ghi bàn dẫn trước và giành chiến thắng dễ dàng, hay dẫn điểm suốt trận đấu nhưng phải kết thúc với kết quả hòa, thì đối thủ của họ chỉ có thể thở phào vào phút cuối, với thể lực hao mòn do áp lực của đội chủ nhà. Thế nhưng, họ lại thường xuyên tỏ ra bối rối – hay nghiêm trọng hơn là mất đi sự tập trung – mỗi khi bị dẫn điểm. Mặc dù vậy, vận may vẫn đứng về phía họ. Kết quả thi đấu đã được cải thiện khi đội bóng trở nên gắn kết hơn trong những vòng đấu mới. Suốt 10 trận liên tiếp tại Giải Ngoại hạng, họ chỉ đánh rơi năm điểm, so với tổn thất gấp đôi trong chín vòng đấu đầu tiên. Họ thậm chí đã vượt qua và đánh bại những con quỷ đỏ thành Manchester, đồng thời ăn mừng cả hai chiến tích trên ngay tại sân Old Trafford.

Niềm tin đã trở lại – vững chắc hơn, kiên định hơn – đối với đội hình trẻ của Pháo Thủ, những tài năng đang dần trở thành chướng ngại lớn đối với những đối thủ sừng sỏ nhất của họ – những đội bóng vốn quen thói tiêu tiền như nước.

Wenger tin rằng “sự tăng trưởng đối với thể lực trung bình của thế hệ cầu thủ mới đã đẩy nhanh nhịp độ trận đấu, và tất nhiên đòi hỏi anh phải duy trì điều kiện thể chất tối thiểu để tồn tại, bất kể anh tự tin ra sao với kỹ năng và kinh nghiệm thi đấu của mình. Do đó, thay vì 160 km như trước đây, bóng đá hiện đại đang đòi hỏi mỗi cầu thủ phải chạy liên tục 200 km trong một giờ. Tiêu chuẩn thể lực của Giải Ngoại hạng Anh đã tăng khá cao so với 10 năm trước, vì mỗi lứa cầu thủ mới đều được bồi dưỡng và phát triển toàn diện hơn. Đồng thời, tiêu chuẩn đánh giá phong độ thi đấu dựa trên điều kiện thể lực cũng sẽ tự động đào thải các cầu thủ không đạt tiêu chuẩn.”

Hiển nhiên, đội hình của Arsenal trong các mùa giải đầu tiên tại Emirates, với ít nhất hai cầu thủ cho mỗi vị trí, cũng không hề thua kém các câu lạc bộ khác về số lượng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, chất lượng của họ vẫn sa sút về chiều sâu. Vì vậy, nhằm lật ngược thế trận sau thất bại 1-0 trước PSV ngay trên sân nhà tại vòng 1/16 Champions League, Wenger đã quyết định xếp Gilberto ra sân ở vị trí trung vệ, đồng thời giữ Johan Djourou trên băng ghế dự bị. Phía trên Gilberto là hai tài năng trẻ phụ trách khu trung tuyến. Không ai thắc mắc về sự hiện diện của thần đồng Fàbregas, nhưng liệu Denílson có thật sự là một trợ thủ tốt? Hai mũi nhọn trên cùng là Emmanuel Adebayor – tiền đạo vẫn đang tìm kiếm bàn thắng đầu tiên tại Champions League – và người đá cặp Julio Baptista – chân sút đã có tổng cộng hai bàn thắng ở Carling Cup, sau khi gia nhập theo hợp đồng cho mượn từ Real Madrid. Và Arsenal đã ghi bàn? Không, chính một cầu thủ PSV đã tự đưa bóng vào lưới nhà. Nhưng như thế là chưa đủ. Trong cơn tuyệt vọng, Wenger đã buộc phải tung vào sân một Henry đang sa sút phong độ với hy vọng vớt vát bàn thắng thứ hai – đồng thời đánh dấu lần xuất hiện cuối cùng của anh trong màu áo Arsenal. Sau cùng, PSV đã đi tiếp nhờ bàn gỡ hòa vào cuối trận.

Chứng kiến từng danh thủ ra đi theo các thương vụ chuyển nhượng kể từ khi Wenger mạnh dạn vung tiền cho Theo Walcott, Adebayor và Abou Diaby vào tháng Một năm 2006, người hâm mộ Arsenal ngày càng tỏ ra bi quan về hoạt động tài chính tằn tiện của đội bóng, không chỉ vì câu lạc bộ đã trở nên khắt khe hơn đối với các khoản chi trong ngân sách – qua tuyên bố chính thức của họ về các nguồn quỹ hiện tại – mà còn bởi huấn luyện viên đã tự giới hạn mình trong chính sách tiết kiệm của chính ông. Rất nhiều cổ động viên lo rằng đội hình vẫn chưa đủ mạnh, vẫn còn hoài nghi niềm tin tuyệt đối của Wenger đối với các cầu thủ trẻ, và khẳng định những lão tướng ông đã cất công mang về (như Sebastien Squillaci) vẫn đủ xuất sắc để đảm nhiệm vị trí trong đội hình chính thức.

Về phương thức khai thác các tài năng trẻ, mặc dù không phải bỏ ra một khoản phí đáng kể hòng chiêu dụ họ, bảng lương cầu thủ tại Arsenal vẫn đứng đầu với 100 triệu bảng – ngang ngửa với Manchester United – dù đội bóng chỉ đạt 50% so với doanh thu trung bình của Giải Ngoại hạng (Chelsea và Manchester City đã tự đặt ra chính sách bù đắp chi phí nhân sự từ lợi nhuận thu được). Thông điệp từ thực trạng này đã phản ánh lý do khiến Wenger quyết định không tiếp tục mua sắm thường xuyên, và đành tạm hài lòng với những mục tiêu ông đủ sức theo đuổi, dù ông vẫn giữ nguyên ưu tiên đối với các tài năng trẻ thay vì những tên tuổi đã thành danh.

Với nguồn ngân sách được chia đều cho hoạt động chuyển nhượng và lương bổng cầu thủ, huấn luyện viên Arsenal hiểu rõ các giới hạn của ông, dù sau này ông đã nới lỏng chúng đáng kể do lợi nhuận tăng đột biến từ hiệu ứng Emirates. Trái với bình luận về ông từ cựu giám đốc quản trị Keith Edelman (“Arsène dư sức ký kết với bất kỳ danh thủ nào hợp ý ông ấy”) Wenger đã lựa chọn không phung phí tất cả những gì ông có trong tay.

Không những thế, nếu ngân sách một năm có thâm hụt, thì những khoản dành dụm vẫn đủ bù đắp và đảm bảo cho kinh phí chuyển nhượng năm tới.

Sau khi mùa bóng 2006-2007 hạ màn, Perter Hill-Wood, Danny Fiszman và Arsène Wenger đã cùng nhau dùng bữa tối tại Wiltons, một nhà hàng danh tiếng tại khu Tây London. Hill-Wood nhớ lại: “Sau bữa tối, chúng tôi đã bàn về hợp đồng mới của ông ấy. Danny mở lời, ‘Arsène, nếu chúng tôi đưa anh 100 triệu bảng để mua sắm, anh sẽ làm gì?’ Và ông ấy đã đáp lại chính xác như sau: ‘Tôi sẽ trả lại.’ Thật tốt khi nghe thấy điều đó.”

Rõ ràng chiến lược gia người Pháp luôn xem trọng việc làm hài lòng những học trò ông đã bỏ thời gian tâm sức nhằm phát hiện và bồi dưỡng hơn là theo đuổi cơ hội bổ sung thêm những cái tên đắt giá. “Tôi luôn trung thành với phương châm của mình,” Wenger giải thích, “nhưng một ngày nào đó nếu tôi phát hiện một chàng trai đã đột phá đến đẳng cấp khác và xứng đáng cho tương lai tại Arsenal, chúng tôi sẽ không ngần ngại tóm lấy cậu ấy.” Tuy nói rằng Wenger thường ký kết với những tên tuổi đã thành danh là không chính xác, thì vẫn có số ít các danh thủ cập bến Emirates với tiếng tăm lừng lẫy nhưng lại không nhận được từ Wenger bước cải thiện rõ rệt nào trong chuyên môn. Nhưng có thể khẳng định một cách nghiêm túc rằng dường như Arsenal thường đạt được nhiều thành quả hơn trong tình cảnh khó khăn, với  các lão tướng dày dạn kinh nghiệm khó lòng đảm bảo một khởi đầu như ý. Và sự nghiệp của họ tại câu lạc bộ cũng khó lòng kết thúc nhanh chóng như Kanu, Sylvain Wiltord, Edu, Gilles Grimandi hay Oleg Luzhny – những cầu thủ luôn mạnh miệng tuyên bố rằng họ đã cầm chắc suất trong đội hình chính thức. Sau cùng, khoản ngân sách khổng lồ này đã ra đi cùng với việc chuyển sân vận động, và những tiếng ca thán kêu gào sự trở lại của nó cũng rơi vào khoảng không.

Nhằm đáp trả động thái ông xem là “gói kích thích tài chính” (ám chỉ đợt công kích vào chính sách tiêu pha phung phí thời đó của câu lạc bộ), liệu Wenger có thể quyết định xây dựng lại đội bóng theo cách hoàn toàn khác mà không phải tham gia vào bất kỳ cuộc giành giật nào? Liệu ông có buộc phải rút hầu bao nhằm chứng minh quan điểm của mình? Và liệu phương châm này có đại diện cho lòng khao khát và sách lược đúng đắn dưới triều đại mới của Stan Kroenke?

Mỗi chiến lược gia đều có thể bỏ tiền để thu về thành quả, nhưng họ vẫn còn một phương án khác: gây dựng một đội hình bao gồm các cầu thủ thấm nhuần triết lý huấn luyện của riêng họ. “Anh có thể đã quên rằng một trong các niềm vui của môn thể thao đồng đội chính là phát triển một đội ngũ đã chinh chiến cùng nhau trong thời gian dài,” Wenger hồi tưởng. “Lấy ví dụ đội hình trẻ Arsenal [mùa bóng 2007-2008]. Họ đã cùng nhau tiến bộ, cùng trải qua bao niềm vui nỗi buồn cũng như san sẻ khó khăn với nhau. Mỗi khi nhớ lại kết quả đáng thất vọng từ mùa giải trước, tôi luôn cảm thấy dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi cũng đã tạo nên một bước ngoặt. Chúng tôi đã cố gắng. Chúng tôi đã không ngừng chiến đấu và không bao giờ đầu hàng. Tôi tự nhủ lòng: ‘Trong chúng ta có một điều đặc biệt, một thứ sức mạnh tinh thần sẽ khiến tất cả ngỡ ngàng mỗi khi bộc phát.’” Nhưng ba năm nữa trôi qua, cũng những lời lẽ ủy mị đó đã tiếp tục chứng tỏ đội bóng đã mất đi sự gia cố vững chắc từ cốt lõi, vốn là thế mạnh của biết bao đối thủ sừng sỏ khác trong nước và trên khắp châu Âu.

Như vậy, phương án trên hầu như là hệ quả trực tiếp của thực trạng (tài chính) với nhu cầu khai thác những tài năng mới (trẻ tuổi), nhưng liệu có bao nhiêu huấn luyện viên khác ngoài Wenger đủ khả năng xây dựng nên một đội hình tầm cỡ với nguồn vốn ít ỏi thu được từ 60.000 khán giả theo dõi thường xuyên. Và không những thế, dù thi đấu tại bất cứ đâu trên thế giới, Arsenal đều tạo được sự lôi cuốn đầy mê hoặc các cổ động viên đối phương, mà thành quả là cơ hội lên sóng thường xuyên trong các chương trình đồng hành cùng Giải Ngoại hạng Anh, cũng như chất lượng giải trí tuyệt đối họ mang lại. Do đó, dù hành quân đến Milan hay Madrid, thì các sân vận động với sức chứa hơn 80.000 chỗ ngồi tại đây cũng trở thành một lễ hội sống động, đồng thời thu hút hàng triệu người trên thế giới dõi theo họ qua màn ảnh nhỏ. Thực tế, trận cầu lượt đi giữa Arsenal và Milan tháng Hai năm 2008 đã kéo theo các bài viết và sự kiện bình luận nhiều hơn hẳn bất kỳ vòng đấu nào diễn ra trước đó trong lịch sử giải đấu lớn nhất châu Âu, ngoại trừ các trận chung kết. Đội hình trẻ của Wenger cũng nhanh chóng trở thành tâm điểm; ông bày tỏ: “Tôi tin chúng tôi đã được cả châu Âu nể trọng nhờ thành quả từ các mùa giải liên tiếp tham dự Champions League. Mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến đều trở thành một lễ hội rất lớn. Chúng tôi phải gây dựng được danh tiếng trong châu lục và hướng đến những lợi ích to lớn hơn.” (Cổ động viên Pháo Thủ vẫn còn nén cười trước câu trả lời của Zinedine Zidane, khi một phóng viên hỏi về việc anh gần như đã gia nhập Tottenham vào giai đoạn đầu của sự nghiệp. Câu đáp trả – “Ai cơ?” – chắc chắn không bao giờ dành cho Arsenal.)

Tầm quan trọng của đấu trường châu Âu tất nhiên được Wenger đặt lên hàng đầu. Thứ nhất, việc tham dự Champions League thường xuyên sẽ mang lại nguồn hỗ trợ vững chắc và lâu dài cho ngân sách đội bóng. Thứ hai, theo quan điểm của riêng ông, việc đánh rơi chức vô địch Champions League đã làm khuyết đi một mảng lớn trong hồ sơ huấn luyện của ông, khiến ông luôn tâm niệm bằng mọi giá phải lấp đầy nó trước khi nhiệm kỳ tại Arsenal kết thúc. “Tôi khao khát danh hiệu Champions League, nhưng sẽ từng bước chinh phục nó,” ông chia sẻ. “Không chỉ một, mà phải từ hai đến ba lần, và ghi tên mình vào lịch sử bóng đá châu Âu.” Và nếu ông thành công cùng với lứa học trò “thứ ba” của mình tại Arsenal, đó sẽ là chiến công phi thường đập tan mọi kỳ tích.

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá