BI KỊCH MANG TÊN HI LẠP
“Đó là một nỗi thất vọng lớn.
Tôi đã muốn cùng đội mình vô địch châu Âu ở tuổi 19.”
“Hãy giữ niềm tin!” là dòng tiêu đề trên trang nhất của nhật báo thể thao Bồ Đào Nha O Jogo – The Game – kèm với bức hình Cristiano Ronaldo đang khóc, nhìn lên trời và siết chặt tay như đang cầu nguyện. Đó là một trong những tiếng nói của hy vọng trên báo chí Bồ Đào Nha vào ngày 13 tháng 6 năm 2004. Những tờ báo khác nói về “một quốc gia trên bờ vực suy sụp tinh thần” và “một quốc gia chìm trong nước mắt.” Hy Lạp đã đánh bại Bồ Đào Nha trong trận mở màn cúp Châu Âu 2004. Chưa từng có quốc gia chủ nhà nào bị đánh bại ngay trong trận mở màn. Và người Hy Lạp chưa từng giành được một chiến thắng trong bất kỳ vòng chung kết nào của mùa giải. Vậy tại sao điều này có thể xảy ra?
“Chúng tôi đã bước ra sân với rất nhiều hy vọng và tràn ngập lo lắng. Bầu không khí trên sân cũng chống lại chúng tôi”, đội trưởng Luís Figo đã giải thích như vậy. “Chúng tôi bị áp lực dồn dập”, cựu cầu thủ Rui Costa – thành viên “thế hệ vàng” của bóng đá Bồ Đào Nha đã giành được hai chức vô địch tại Giải Trẻ Thế Giới năm 1989 và 1991 cũng đồng ý như vậy. Simão bổ sung rằng “Chúng tôi đã rất lo lắng, nhưng không bao giờ xem xét khả năng mình có thể bị thua cuộc.” Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kỳ vọng của toàn thể quốc gia có thể đặt áp lực quá mức lên màn ra mắt giải đấu Châu Âu của đội tuyển quốc gia. Nhưng trong trận ra mắt SVĐ Dragão của Porto, tất cả mọi người đã chứng kiến một đội Hy Lạp được tổ chức cực tốt, phòng ngự rất kín kẽ, kỷ luật cao nhằm phá huỷ thế trận của đối phương, và chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, có thể là từ một pha phản công hay bóng chết. Đó là một ví dụ điển hình cho lối chơi phòng ngự bê tông Catenaccio được sử dụng bởi tuyển Italia vào những năm 1960. Nó được tạo ra để làm cho trận đấu trở nên tẻ nhạt, với một đội bẫy đội kia vào một mê cung không thể thoát ra được.
Đó là những gì đã xảy ra với các cầu thủ của Figo. Các cầu thủ Bồ Đào Nha bị mắc kẹt trong tấm mạng nhện, dệt bởi HLV người Đức Otto Rehhagel của đội Hy Lạp. Họ mất quyền kiểm soát trận đấu bởi các cựu cầu thủ Sporting như Figo, Rui Costa và Couto không còn là chính mình. Ngay cả Costinha, Maniche và HLV người Brazil ông Luiz Felipe Scolari cũng không lường trước được điều đó. Sau hiệp 1, tỉ số là 1-0 nghiêng về Hy Lạp sau cú sút xa của cầu thủ khoác áo Inter, Karagounis vào phút thứ 7 của trận đấu, cho dù cú sút này không quá mạnh.
Trong giờ giải lao, vị HLV đã để Deco và Ronaldo khởi động. Trong chiếc áo tập màu xanh lá, mặc áo số 17, mái tóc chải chuốt kỹ càng dựng ngược bóng loáng, cùng đôi bông tai lấp lánh, Ronaldo giậm nhảy theo đường chạy zíc- zắc, đá ngẫu nhiên vài đường bóng rồi quay trở về băng ghế dự bị. Anh lắng nghe Scolari chỉ đạo chiến thuật và sau đó vào sân. Rõ ràng là anh đang vô cùng phấn khích.
Năm phút sau, như một đứa trẻ bốc đồng, anh đốn ngã Giourkas Seitaridis, người trấn giữ hành lang phải của ĐT
Hy Lạp. Cristiano kéo Seitaridis từ phía sau, và chính sự thiếu kinh nghiệm của anh đã làm hại anh. Vị trọng tài người Ý Pierluigi Collina thổi phạt penalty và Angelos Basinas nâng tỉ số lên 2-0. Đám đông bắt đầu huýt sáo hướng về phía Rui Jorge và Figo đầy mệt mỏi, trong khi cổ động viên Hy Lạp cổ vũ mỗi khi các cầu thủ của họ chuyền bóng.
Số 17 Bồ Đào Nha tăng gấp đôi nỗ lực của mình ở phía cánh trái. Anh di chuyển liên tục, dẫn bóng và lừa bóng bằng những động tác kỹ thuật. Anh liên tục khuấy đảo hàng phòng ngự đối phương và chuyền bóng nhưng không có ai tận dụng được những đường bóng do anh tạo ra. Phút 83, anh quyết định thử vận may bằng một cú sút xa: Đó thực sự là một cú sút rất mạnh nhưng lại tìm tới cột dọc bên phải khung thành của Antonios Nikopolidis. Cristiano nhìn lên trời và chắp tay cầu nguyện trong thầm lặng. Hẳn có vị thần nào nghe thấy lời cầu nguyện đó bởi chỉ 10 phút sau anh đã ghi bàn.
Đó là bàn thắng đầu tiên của anh trong một trận đấu chính thức với đội tuyển quốc gia. Từ quả phạt góc bên cánh trái của Figo, Ronaldo nhảy lên không trung và đánh đầu, đưa bóng bay theo một vòng cung hoàn hảo. Nikopolidis chỉ có thể đứng nhìn bóng bay vào khung thành. Đó là khoảnh khắc của niềm hạnh phúc tuyệt vời cho cậu bé 19 tuổi mới chỉ xuất hiện cùng đội tuyển quốc gia
Bồ Đào Nha 9 tháng trước. Vào ngày 14 tháng 8 năm 2003, anh nhận được cuộc gọi của mẹ báo cho anh về lời mời đá trận giao hữu với Kazakhstan. Ngay sau đó, người đại diện của anh, ông Jorge Mendes đã khẳng định tin vui này.
Ronaldo cho hay “Tôi rất hạnh phúc và tự hào là một trong những người được chọn. Tôi rất biết ơn những người đã lựa chọn tôi. Đây thực sự là khoảnh khắc rất đặc biệt trong cuộc đời tôi, tất cả những điều tốt đẹp ấy đến cùng một lúc – đầu tiên là MU và bây giờ là đội tuyển quốc gia. Tôi muốn được thi đấu và muốn chiến thắng.”
Vào ngày 20 tháng 8 năm 2003, tại Chaves, Bồ Đào Nha, Ronaldo mặc chiếc áo đỏ và xanh lá lần đầu tiên. Luiz Felipe Scolari đưa anh vào hiệp hai của trận đấu, thay cho Luís Figo. Anh đột nhiên thấy mình bị vây quanh bởi các nhà vô địch mà anh luôn tôn thờ như những tấm gương sáng để noi theo. Các vị tiền bối Luís Figo và Rui Costa đã khuyên anh nên giữ bình tĩnh và chơi theo cách mà anh vẫn làm. Trên tất cả, họ nói anh không nên để cảm xúc của mình lấn át.
Cầu thủ trẻ đã làm theo từng lời khuyên của họ và báo chí sau đó gọi tên anh là cầu thủ của trận đấu. HLV Scolari lên tiếng chúc mừng anh. Hai tháng sau, tại Lisbon vào ngày 11 tháng 10, anh có mặt trong đội hình xuất phát cho trận đấu đầu tiên với Albania. Và dần dần, anh đã giành được một suất chơi tại Euro 2004 cùng đội tuyển.
Nhưng đó là một khởi đầu tồi tệ với một thất bại không ngờ tới. Scolari cho hay “Trong cuộc cạnh tranh ngắn ngủi này, bạn chỉ được phép mắc một sai lầm thôi và chúng tôi đã mắc phải sai lầm đó.
Giờ đây, trận đấu với Nga và Tây Ban Nha là những trận đấu sống chết.” Thật may mắn
Bồ Đào Nha đã vượt qua hai trận đấu còn lại của bảng A. Scolari điều chỉnh chiến lược của mình, giải thoát đội bóng khỏi tư tưởng cố hữu và đưa các công thần như Couto và Rui Costa lên băng ghế dự bị. Và ông tạo cơ hội cho các cầu thủ của Porto – trung vệ Carvalho và tiền vệ Deco – cùng với Cristiano Ronaldo.
Cựu ngôi sao Benfica và Bồ Đào Nha Eusébio đã khích lệ đội bóng lấy lại tinh thần cho trận đấu của họ. Và họ đã làm theo những gì ông yêu cầu khi toàn thắng hai trận đấu tiếp theo, với một chiến thắng nhẹ nhàng 2-0 trước đội tuyển Nga với những bàn thắng từ Maniche và Rui Costa, và chiến thắng 1-0 trước Tây Ban Nha nhờ vào bàn thắng của Nuno Gomes. Họ đã lọt vào vòng đấu loại trực tiếp cùng với Hy Lạp.
Trong trận đấu với đội tuyển Nga, Cristiano vào sân thay cho Figo vào phút thứ 78 và 11 phút sau anh chuyền bóng từ cánh trái để Rui Costa dễ dàng làm tung lưới khung thành đối phương. Anh vào sân ngay từ đầu trong trận đấu vớiTây Ban Nha và lập tức làm đảo lộn hàng phòng ngự của La Furia Roja (Trận cuồng phong màu đỏ – biệt danh của ĐT Tây Ban Nha), lần lượt đánh bại Puyol và Raúl Bravo. Anh tạo ra những cơ hội, những cú sút và những đường chuyền tuyệt vời cho đồng đội. Anh đã làm tất cả mọi thứ mà Scolari đã yêu cầu.
Tại vòng tứ kết, lại một lần nữa họ đối đầu với đội tuyển Anh. Bốn năm trước tại Eindhoven, ĐT Bồ Đào Nha đã đánh bại ĐT Anh với tỉ số 3-2 nhờ vào các bàn thắng của Figo (từ vị trí cách xa khung thành khoảng 35m), João Pinto và Nuno Gomes. Bên cạnh sự kình địch lịch sử, trận đấu Bồ Đào Nha – Anh tạo nên một sân khấu cho ba cuộc đối đầu tay đôi hết sức thú vị. Thứ nhất là HLV Scolari đối đầu với HLV Sven-Göran Eriksson. Tại World Cup 2002, Scolari cùng với đội tuyển Brazil đã khiến Tam Sư phải xách vali về nước sau một cú sút phạt không tưởng từ khoảng cách 38m của Ronaldinho vào khung thành của thủ môn David Seaman. Màn đối đầu thứ hai là giữa Figo và Beckham. Màn trình diễn của hai ngôi sao Real Madrid trong giải đấu này đã phản ánh những gì họ đã thể hiện suốt mùa bóng đã qua trong màu áo trắng của Real. Figo đã luôn tỏa sáng khi Bồ Đào Nha cần anh nhất, trong khi Beckham cũng có những lúc chơi tốt nhưng phần lớn thời gian chỉ là kẻ ngoài cuộc.
Cuộc đối đầu thứ 3 là giữa Ronaldo và Rooney, có lẽ là điều thú vị nhất liên quan đến những suy đoán về tương lai. Trong khi các giải đấu châu Âu đánh dấu giải đấu đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp của các cựu chiến binh như Vieri của Italia và Raúl của Tây Ban Nha, nó cũng trở thành một sân khấu để những cầu thủ trẻ như Milan Baroš, Schweinsteiger và Robben thi thố tài năng. Rooney và Ronaldo đã không phụ mong đợi của tất cả mọi người. Vào tháng 9, cầu thủ 18 tuổi Rooney sẽ rời Everton sau khi ký một hợp đồng chuyển nhượng 25,6 triệu bảng với MU. Anh có tên trong đội hình xuất phát thi đấu với Bồ Đào Nha, đã ghi bốn bàn thắng – hai bàn trong trận gặp Thuỵ Sỹ và hai bàn trong trận gặp Croatia – và trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ nhất trong lịch sử giải bóng đá châu Âu. Và trong những thời điểm khó khăn của đội tuyển Anh, số 9 đã nổi lên như một thuyền trưởng.
Đối với Ronaldo, số 7 của MU đã phải bắt đầu trên băng ghế dự bị trong hai trận đấu đầu tiên của giải, nhưng anh đã giành được vị trí của mình trong đội hình xuất phát thi đấu với Tây Ban Nha và cống hiến cho người hâm mộ một màn trình diễn đáng kinh ngạc. Anh là một trong bộ ba tấn công chính của Bồ Đào Nha trong trận gặp Anh cùng với Deco và Nuno Gomes, trong khi Rooney sẽ cặp với chủ nhân của Quả bóng vàng 2001, Michael Owen trên hàng tiền đạo cho đội tuyển Anh. Và chính Owen là người ghi bàn thắng đầu tiên vào phút thứ 3, nhờ vào sai lầm chết người của Costinha. Trong khi đó Cristiano đã có một khởi đầu hết sức tuyệt vời. Cầu thủ mang áo số 17 của Bồ Đào Nha đầy phấn khích, nắm quyền kiểm soát cánh trái và thường xuyên gây khó khăn cho số 3 của tuyển Anh Ashley Cole.
Còn Rooney thì sao? Anh suýt ghi bàn thắng thứ hai từ một cú đá phạt ngoài biên của David Beckham. Nhưng trận đấu của anh chỉ kéo dài 23 phút sau khi anh bị Jorge Andrade phạm lỗi. Ban đầu vết thương tưởng chừng không có gì nghiêm trọng, nhưng Rooney rõ ràng bị khập khiễng, và 3 phút sau Darius Vassell phải vào sân thay cho vị trí của anh. Rooney bị gãy xương thứ 5 của bàn chân phải.
Thật không may cho Rooney và cho cả trận đấu, cuộc đối đầu với Cristiano sẽ phải chờ đến World Cup 2006. Trong khi đó, bất chấp sự tấn công của Bồ Đào Nha, đội tuyển Anh vẫn đứng vững cho đến phút 83 của trận đấu, khi Hélder Postiga đánh đầu từ một đường chuyền tuyệt vời của Simão cân bằng tỉ số, đưa trận đấu vào hai hiệp phụ. Cả hai đội đều mệt mỏi, nhưng Bồ Đào Nha có thế trận tốt hơn. Đối với Cristiano như thể trận đấu mới chỉ bắt đầu, và Phil Neville phải nhận thẻ vàng vì cố gắng ngăn chặn một pha đột phá của anh.
Vào phút thứ 115, Rui Costa cho rằng mình đã khép lại trận đấu với cú sút tuyệt vời vào khung thành thủ môn David James. Nhưng đội tuyển Anh đã hợp lực tấn công và chỉ 5 phút sau Frank Lampard san bằng tỉ số 2-2 khiến cả hai phải sút luân lưu để phân định thắng bại. Beckham sút quả penalty đầu tiên vọt xà ngang; Rui Costa cũng thực hiện quả penalty không thành công. Bây giờ đến lượt Cristiano. Anh đặt quả bóng một cách tỉ mỉ trên chấm luân lưu, không mảy may lo lắng, và sút bóng ở tầm trung bay thẳng vào khung thành đối phương. Thủ môn Bồ Đào Nha Ricardo chặn đứng nỗ lực của Darius Vassell ở lượt sút thứ 7, và sau đó đích thân Ricardo đã thực hiện thành công quả 11m quyết định, đưa Bồ Đào Nha lọt vào bán kết.
Tiếp theo là đội tuyển Hà Lan của HLV Dick Advocaat – đội bóng đang trong trạng thái bị vắt sức. Họ lọt được vào vòng chung kết sau một vòng loại đầy khó khăn và ba trận đấu chật vật tại vòng bảng. Tại tứ kết, họ phải nhờ tới loạt luân lưu mới đánh bại được Thuỵ Điển. Và khi phải đối đầu với đội chủ nhà, Advocaat thực sự khát khao chiến thắng. Ông mong muốn chiến thắng cho đội tuyển đồng thời muốn chứng tỏ với người hâm mộ rằng một đất nước có diện tích nhỏ bé cũng có thể đạt đến đỉnh cao bóng đá thế giới.
Trung vệ Wilfred Bouma của đội tuyển Hà Lan tin rằng mối đe doạ lớn nhất trong đội hình Bồ Đào Nha chính là Cristiano Ronaldo. Và điều đó là hoàn toàn chính xác, trận cầu chỉ thực sự bắt đầu khi số 17 của Bồ Đào Nha bỏ lỡ bàn thắng trong gang tấc sau một đường chuyền tuyệt vời của Figo. Vài phút sau, cú sút của Ronaldo không trúng tâm bóng và thủ môn Edwin van der Sar đã bắt gọn một cách dễ dàng. Bồ Đào Nha có quả phạt góc vào phút thứ 26 trong hiệp đầu tiên của trận đấu. Luís Figo lãnh trách nhiệm thực hiện nó, Cristiano không bị kèm ở vị trí nào, và bằng cách di chuyển giống như lần ghi bàn của anh vào lưới Hy Lạp. Anh bật cao đánh đầu vào góc trái khung thành trước cái nhìn đầy bất lực của van der Sar và Edgar Davids, người lãnh trách nhiệm be góc.
Cậu bé đến từ Madeira cởi văng chiếc áo, vẫy nó trên tay ăn mừng bàn thắng thứ hai cùng đồng đội trước khán đài của người hâm mộ Bồ Đào Nha và bị vị trọng tài người Thuỵ Điển Anders Frisk rút thẻ vàng.
Vào phút thứ 67 của trận đấu, Petit vào sân thay cho Ronaldo. Tỉ số của trận đấu là 2-1 nghiêng về đội tuyển
Bồ Đào Nha (sau một cú sút cực hiểm từ cách xa 25m của Maniche và một pha phản lưới nhà của Andrade) và tỷ số được bảo toàn cho đến hết trận đấu. Bồ Đào Nha đã đánh bại đội bóng xứ sở hoa Tulip và thẳng tiến đến trận chung kết đầu tiên trong lịch sử.
Vào ngày Chủ Nhật 4 tháng 7 tại SVĐ Estadio da Luz ở Lisbon, họ sẽ tái đấu với Hy Lạp. Thật thú vị, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Euro hai đội chơi trận khai mạc cũng là những đội chơi trận kết thúc mùa giải. Họ gặp lại nhau chỉ sau 23 ngày – một trận chung kết mà ít ai ngờ tới. Trước khi giải đấu bắt đầu, Bồ Đào Nha được đánh giá là một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, trong khi tỉ lệ đánh cược vào chiến thắng của Hy Lạp là 80 ăn 1. Hành trình của Hy Lạp không hề dễ dàng. Họ đứng thứ 2 bảng A sau chiến thắng trước Bồ Đào Nha, một trận hoà trước Tây Ban Nha và một trận thua trước đội tuyển Nga. Họ đánh bại đương kim vô địch Pháp trong vòng tứ kết và Cộng hoà Czech tại bán kết.
Các học trò của HLV Scolari đã xem trận đấu của Cộng hòa Czech trên truyền hình và ngán ngẩm lắc đầu trước kết quả chung cuộc. Họ thở dài với nhau “Lại Hy Lạp? Chúng ta phải kết thúc với một đội đã đánh bại chúng ta ngay từ khi bắt đầu sao?!” Nhưng họ đều tin tưởng lịch sử sẽ không lặp lại. Họ nghĩ rằng mình có thể chiến thắng và giữ chiếc cúp ở lại đất Bồ Đào Nha. Cả đất nước đều hướng về đội bóng và mong họ chiến thắng. Toàn bộ Lisbon đổ ra phố vẫy tay và cổ vũ tạo ra một làn sóng khổng lồ cổ động viên theo sau chiếc xe bus đưa đội tuyển đến SVĐ. Bầu không khí trong SVĐ trở nên cuồng nhiệt, và vào lúc 7h45 phút tối Chủ Nhật hôm đó, cả đất nước Bồ Đào Nha bước vào trận đấu quyết định.
Trước khi trận đấu bắt đầu, HLV Hy Lạp Otto Rehhagel tuyên bố: “Chúng tôi đã lọt được tới vòng chung kết và mang lại hạnh phúc to lớn cho người Hy Lạp.
Chúng tôi không có gì để mất. Trong trận mở màn Bồ Đào Nha đã đánh giá thấp chúng tôi – lần này họ sẽ cảnh giác. Rõ ràng rằng họ là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch, họ có được sự ủng hộ của
50.000 khán giả.” Và cũng không nên quên thực tế rằng Bồ Đào Nha chưa từng thua cuộc tại Lisbon trong vòng 17 năm, tại sân Alvalade hay cả Estadio da Luz. Họ là nước chủ nhà – điều đã từng là yếu tố quyết định chiến thắng của Tây Ban Nha năm 1964, Italia năm 1968 và Pháp năm 1984.
Tuy nhiên lợi thế sân nhà và chủ nhà vô giá trị khi Bồ Đào Nha vấp ngã và rơi vào cái bẫy giống như trận mở màn. Câu chuyện của nước chủ nhà kết thúc hệt như khi nó bắt đầu, thất bại trước tay Hy Lạp với tỉ số 1-0 nhờ vào cú đánh đầu vào phút thứ 57 của Angelos Charisteas. Hy Lạp đã chiến thắng một trận Maracañazo một thuật ngữ được đặt ra sau chiến thắng của Uruguay trước Brazil tại World Cup 1950 trên SVĐ Estádio do Maracana ở Rio. Họ đã khiến bữa tiệc được chuẩn bị trước bởi mồ hôi, nước mắt và cả máu của cả quốc gia trở nên vôích.
Và câu chuyện của nước chủ nhà kết thúc như khi nó bắt đầu – cùng nước mắt của Cristiano Ronaldo. Lạc lõng và cô đơn giữa sân, anh không để ý đến những lời động viên và cử chỉ an ủi của đồng đội, một mình oà khóc. Và khóc cho những cơ hội bị bỏ lỡ; giống như vào phút thứ 59 của trận đấu, khi Nikopolidis ngăn cản cơ hội của anh; hay vào phút thứ 74, khi anh có một khoảng trống trước khung thành nhưng lại sút vọt xà ngang, đám đông trên khán đài hét lên “Ahhh!” đầy tiếc nuối.
Anh khóc vì anh không bao giờ có thể tưởng tượng sẽ để thua Hy Lạp. “Bởi vì chúng tôi có một đội bóng tuyệt vời và chơi một mùa giải ấn tượng, chúng tôi không đáng phải nhận thất bại như thế này.” Bởi vì anh là một “người đầy tham vọng” và anh muốn trở thành “Nhà vô địch châu Âu ở tuổi 19.”
“Nhưng bây giờ tôi phải tiến lên”, Cristiano nói thêm, “tôi phải nhìn về phía trước. Vẫn còn nhiều cơ hội khác để chiến thắng ở Euro trong sự nghiệp của tôi và quên đi nỗi thất vọng lớn này.”