Connect with us

Bóng Đá Plus

Sách – Trần trụi bóng đá Việt – Chương 8

Tháng 10-2015, Tổng cục phó Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn có ý định tổ chức 1 Hội thảo về Bóng đá Việt Nam vào tháng 12-2015 nhằm lấy ý kiến đóng góp rộng rải từ các chuyên gia nhằm đưa bóng đá phát triển. Nhưng ý tưởng “Hội nghị Diêm Hồng” về bóng đá đó đã không diễn ra vì các vị khác trong Tổng cục và VFF cho rằng việc này là không cần thiết, sợ tổ chức mà không thu lượm được gì mà lại phơi bày hết cái không hay ra dư luận.

Khi nghe về “Hội nghị Diên Hồng”, ông Lê Thụy Hải rất hòa hứng: “Tôi gắn bó với bóng đá cũng hơn năm mươi năm nhưng cả đời chưa bao giờ được mời họp, được góp ý kiến cho một Hội nghị nào về Bóng dá Việt Nam, nên khi nghe nói Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ tổ chức một hội nghị, tôi rất mừng”. Nghe mà chua xót, “chất xám” có đấy, nhưng người ta có chịu dùng đâu.

Ông Lê Thế Thọ thì “độp” thẳng: “Nhiều người hỏi tôi là kỳ vọng gì vào cái Hội nghị Bóng đá để tìm giải pháp cứu Bóng dá Việt Nam sắp tới và tôi trả lời ngay là không hy vọng vào điều gì cả! Muốn cứu Bóng đá Việt Nam thì trước hết phải tìm ra ai đang “giết” Bóng đá Việt Nam trước đã. Theo tôi thì trước mắt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục Thể dục Thể thao phải yêu cầu những người đang làm cho Bóng đá nước nhà yếu kém cả mấy năm nay nhận trách nhiệm và từ chức. Nếu họ không từ chức thì phải chỉ ra những người đang làm cho Bóng đá Việt nam là những con người cũ, những bộ mặt cũ vẫn ngồi đấy và điều hành thì có tổ chức vài chục hội nghị cũng như không. Cần phải hiểu ‘Hội Nghị Diên Hồng’ về bóng đá là nhằm tìm kiếm và đánh bại các thế lực làm hại Nền Bóng đá nước nhà và thay vào đấy là những người hết lòng, hết sức và có cái tâm với bóng đá thì mới xây dựng được”.

Trong bảy chương sách đầu, chúng ta đã đi tìm những ai đang “giết” Bóng đá Việt Nam như lời ông Thọ kêu gọi. Đó là “cái áo cơ thể” cũ, là những “nhóm lợi ích” là những kẻ lấy bóng đá để :vinh thân phì gia”. Tồn tại những thứ này thì không thể có trung thực, minh bạch, dân chủ, phản biện được. Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, thi đấu tiêu cực, thiếu vắng khán giả… chỉ là bề nổi và hệ quả của việc thiếu trung thực, minh bạch, dân chủ, phản biện mà thôi. Gặp những người làm bóng đá và các chuyên gia kinh tế như Lê Bửu, Hà Quang Dự, Trần Bẩy, Mai Liêm Trực, Alfred Riedl, Steve Darby, Lê Thụy Hải, Vũ Mạnh Hải, Đặng Quang Dương, Trịnh Minh Huế, Vũ Tiến Thành, Mae Mua, Duwog Mạnh Hùng, Phạm Phú Ngọc Trai, Đinh Thế Hiển… họ đều chỉ tay về phía VFF hiện nay như một thủ phạm duy nhất khiến Bóng đá Việt Nam nhiều loạn, sắp chạm tới đáy.

Ông Riedl với câu nói bất hủ “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc” khi được hỏi nó còn đúng trong bối cảnh hiện này không, ông nói: “Tôi cho vẫn đúng, Liên đoàn không đủ kiên nhẫn và có kế hoạch dài hạn để phát triển bống đá. Tất cả đang tìm kiếm những kết quả tức thời từ AFF Cup, SEA Games, bỡi những người có quyền luôn muốn ‘tỏa sáng’ trước công chúng. Nếu không có sự thay đổi thì Bóng đá Việt Nam khó có thể đuổi kịp Thái Lan, mà dó chỉ là mục tiêu đầu tiên trước khi hướng đến nhóm đầu châu Á”.

Bạn sẽ phản bác lại lời ông Riedl nếu đưa ra Quyết định phê duyệt “Chiến lượt Phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, Tầm nhìn đến năm 2030” được ký ngày 8-3-2013. Bản Đề án chiến lược này được VFF tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trình chính phủ toàn nêu ra những mục tiêu duy ý chí và không đưa ra cách thức để thực hiện những mục tiêu đó. Hoàn cảnh ra đời Bản Đề án chiến lược này vào lúc Bộ đang vận động xin phép Chính phủ đồng ý cho đăng cai Asiad 18 (dự kiến diễn ra vào tháng 11-2019). Từ đó, có thấy nhắc về việc thực hiện, kiểm tra, tổng kết Đề án đâu. Việc đăng cai bất thành (Indonesia thay thế Việt Nam đăng cai tổ chức ASIAD 18) cùng với nhiệm kỳ mới của Bộ cho thấy số phận của Bản Đề án ra sao rồi.

Ta vẽ một trăm bản đề án, đi xem kinh nghiệm hàng chục nước cũng không để làm gì nếu ta không làm. Ông Darby, từng dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đoặt huy chương vàng SEA Games đầu tiên năm 2001 nói: “Tôi nghĩ các bạn không cần phải đến châu Âu đâu, chỉ cần đến Thái Lan hay Malaysia học các câu lạc bộ họ kiếm tiền từ tiếp thị và cơ sở vật chất của họ là được”. Ta học một cách thực tâm, làm từ điều đơn giản nhất, quét dọn những thứ hay trước mắt ta đã, thế giới có hết rồi, ta chọn mà sao chép người ta thôi, đừng cố gắng sáng tạo ra cái gì để đóng vào đó mỹ từ “thuần Việt”.

Nhân nói đến ý kiến của ông Darby cũng cần sòng phẳng nêu vấn đề mà ông rất bức xúc là tâm sự riêng với tư cách chàng rể Việt hiểu về bóng đá nước ngoài và bóng đá Việt do có vợ người Việt và ông lại gắn bó lâu năm với bóng đá Việt. Ông chia sẻ hết sức thẳng thắn: “Việc Bóng đá Việt Nam chậm tiến theo tôi có cả một phần lỗi của truyền thông trong đấy. Truyền thông các bạn nhiều lúc làm những người ‘yếu bóng vía’ và thiếu chuyên môn trong bộ máy Liên đoàn Bóng đá họ buộc phải ‘gió chiều nào theo chiều nấy’ để tìm sự an toàn và cũng là một cách gián tiếp ‘thỏa hiệp’ với truyền thông để không bị ‘ăn đòn’. Tôi biết trong Truyền thông Việt Nam có nhiều bộ phận và nhiều người rất am hiểu và rất tốt nhưng cũng có một số gọi là ‘đội lốt truyền thông’ để làm lợi từ bóng đá. Tất nhiên khi có suy nghĩ làm lợi từ bóng, lợi cho chính mình hay lợi cho nhóm của mình thì phân chuyên môn thực thụ và phát triển cần thiết bị hạn chế hoặc bị bóp méo. Truyền thông Việt Nam đặc biệt là ở lĩnh vực bóng đá cùng nhiều lúc hay chạy theo số đông là tất nhiên không phải cứ cái gì số đông cũng đều đúng. Tôi còn nhớ bộ huy chương nữ đầu tiên mà chúng tôi mang về cho Bóng đá Việt Nam tại SEA Games 21 ở Malaysia. Hồi ấy chúng tôi bị áp lực truyền thông dữ lắm nhưng tôi vẫn kiên trì nói với Bà Trưởng đoàn Hoàng An là chúng ta đã có một lộ trình với đầy đủ những yếu tố đảm bảo về khoa học và chuyên môn nên cứ theo đấy mà thực hiện. Hồi đó chúng tôi theo lộ trình đã được định hướng ngày từ đầu chứ không ‘đổi hướng’ chạy theo những người ngoài, những người ứng dụng chuyên môn từ bóng đá nam vào bóng đá nữ và số đông truyền thông chỉ trích Ban Huấn luyện… Kết quả là chúng ta đã có một chức vô địch đúng lộ trình, đúng hướng sau khi thắng hai đối thủ chính là Thái Lan và Myanmar…”.

Nhân câu chuyện ông Darby nói về truyền thông trên cũng cần phải đề cập sòng phẳng về bộ phận truyền thông ở VFF hiện nay mà ông Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ đang phụ trách. Ông Gụ là người trong Ủy ban Olympic Việt Nam, là người rất thành công khi điều hành bộ máy Liên đoàn Bơi lội và Thể thao Dưới nước. Chính ông Gụ là người đã chỉ đạo và thương thảo để đưa thầy trò Ánh Viên – “Nữ hoàng đường đua xanh” chuyển màu áo về đơn vị có tiềm năng và có thể tạo điều kiện để Ánh Viên bay cao, bay xa… ngày ông Gụ được Ban Chấp hành bầu vào làm Phó Chủ tịch VFF Phụ trách Truyền thông khóa 7, ông Gụ đã chia sẻ ông muốn làm một phần như đã thành công với bơi lội cho Bóng đá Việt Nam. Thế nhưng khi ngồi vào chiếc ghế phụ trách truyền thông, làm đúng trách nhiệm của truyền thông với những phản biện đầy đủ và công khai thì ông Gụ lại bị “cô lập”.

Truyền thông bóng đá những năm qua cũng năm phe bảy phái. Truyền thông “thẳng” cũng có mà truyền thông “cong” cũng có. Thế nhưng “thẳng” có “đâm toạc” được “cong”? Năm tới là nhiệm kỳ khóa 7 của VFF sẽ kết thúc, liệu Đại tá – Nhà báo Nguyễn Xuân Gụ với chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách Truyền thông và Đối ngoại hiện đang bị cô lập có đủ lực tập hợp sức mạnh rồi cho “phơi bày” những vấn đề “thâm cung bí sử” của VFF mà chỉ có “trong chăn mới biết có rận”?

Thế mới thấy mười năm “sống” với Bóng đá Việt Nam, ông Henrique Calisto nhận định tuy ngắn gọn nhưng rất đầy đủ: “Bóng đá Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng không có tầm nhìn chiến lược, kế hoạch thực hiện rõ ràng nên không thể phát triển. Đó là điều tôi rất tiếc khi Bóng đá Việt Nam không tìm hiểu, học hỏi, rồi áp dụng những điều tốt đẹp từ các nền bóng đá đã thành công trên thế giới”.

Chuyện VFF học không đến nơi đến chốn hay cố tình học nửa vời để dẫn đến thực trạng “rối rắm” của Bóng đá Việt Nam trong đó cũng có lỗi của truyền thông khi không “đồng loạt”, không “liên tục” và không có “tiếng nói chung” để đưa ra những sai trái trong cách điều hành của lãnh đạo cấp cao VFF, cũng như cấp quản lý của VFF mà ở đây là Tổng cục Thể dục Thể thao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thế nhưng trước khi nói về chuyện học, việc đầu tiên của VFF hiện nay là học lại ông cha cái nghĩa tri ân đã. Xem xét giúp đỡ các cựu tuyển thủ về tinh thần và vật chất, đừng bỏ họ ra ngoài lề sinh hoạt bóng đá như hiện nay. Họ còn kiến thức và đau đầu với nghề lắm. Đừng để lặp lại chuyện: Khán đài VIP trận bóng đội tuyển quốc gia, nơi các Nguyên thủ, Bộ trưởng, Cục trưởng ngồi mà một ông quan bóng đá thản nhiên đưa cả vợ lẫn con lên đó, chướng mắt lắm. Chổ đó là còn phải là nơi để cho những danh thủ vang tiếng một thời. Nhưng bây giờ thậm chí không được tấm vé mời.

Có trước thì mới có sau, các em có nhìn thấy các ông các chú được vinh danh, nó mới phấn đấu, “à, mình cố gắng để sau này được như thế”. Chứ bao giờ cũng nghe “bóng đá bạc như vôi” thì ai dám theo. Ít người theo, bóng đá ít tài năng, lấy đâu phát triển. Phải được gặp các ông, các chú, nó mới tiếp nhận được ngọn lửa. Huyền thoại Johan Cruyff, ngay cả khi ông rất yếu và trước lúc qua đời, vẫn đều đặn ra sân bóng đá trẻ hàng tuần để chơi với lũ trẻ.

Năm 2008, ông Vũ Mạnh Hải, trụ cột của đội bóng đá Thể Công 1965 – 1981, lúc đó là Tổng biên tập báo Bóng đá tổ chức một giải cựu tuyển thủ, họ đén hết. Ông Hỷ Chủ tịch VFF đến phát biểu hùng hồn: “Tôi đề nghị từ nay giao cho Báo tổ chức một giải mỗi năm một lần”. Năm 2009, ông Hải đưa bản kế hoạch tổ chức giải, ông Hỷ gạt đi, viện cớ năm nay là năm Đại hội VFF nên không tổ chức. Hai việc đó có liên quan gì đến nhau đâu? VFF sợ các cựu tuyển thủ tụ hợp lại sẽ là mầm móng sinh ra tiếng nói phản biện. Chỉ sợ có ánh sáng, người ta mới ngán phản biện.

Năm 2009, ông Hải cùng một số cựu cầu thủ đứng ra vận động thành lập Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam nhằm tư vấn cho các cầu thủ về chuyên môn, hỗ trọ họ khi chuyển đổi nghề, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ… Điều lệ hội trình lên được Bộ nội vụ đồng ý, “Các anh làm được như vậy tốt quá!”. Nhưng theo quy trình thì vẫn phải có ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý bóng đá. Mang hồ sơ đến VFF, tổ chức này không duyệt: “Cầu thủ đã có Liên đoàn lo rồi, các bác việc gì phải lo”. Chẳng lẻ không cần Hội Nông dân vì Nông dân đã có Bộ Nông nghiệp lo rồi? Cả thế giới người ta đều có Hiệp hội Cầu thủ. VFF chỉ lo cái Hội Cầu thủ đó nếu có sẽ đối kháng, đấu tranh, phản biện họ. Năm 2011, ông Hải lại vận động thành lập Hội Cựu Cầu thủ Bóng đá Hà Nội. “Cựu” thôi nhé, để người ta sinh hoạt, thăm viếng, nương nhau sống tuổi già. Sở Nội vụ Hà Nội cũng khen tốt, cũng bảo về xin ý kiến của cơ quan quản lý bóng đá Hà Nội, và Liên đoàn Bóng đá Hà Nội cũng giọng điệu “bóng đá có chúng tôi lo” để từ chối.

Ngày 2-7-2016, ông Hải viết thư gửi Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày những sự yếu kém, mưu lợi các nhân của VFF, chỉ ra lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao buông lỏng quản lý, thỏa hiệp với lãnh đạo VFF, kiến nghị Bộ trưởng kiểm tra, thực hiện các biện pháp uốn nắn. Thư này được chuyển xuống Tổng cục để Tổng cục xử lý. Thật buồn cười, thư chỉ ra yếu kém của Tổng cục lại để Tổng cục thụ lý giải quyết thì hóa ra Tổng cục tự xử mình. Đúng là đèn cù chạy quanh. Ngày 15-8-2016, lá đơn kiến nghị có chữ ký của gần 100 cựu tuyển thủ với nội dung tương tự cũng gửi đến cấp Bộ, rồi nó cũng trôi đi.

Phải trả bóng đá về cho những người làm chuyên môn. Ông Lê Thụy Hải nhận xét: “Tôi thấy VFF có một cái ‘hay đặc biệt’ thế này, nếu như Hội Nhà văn thì ở đó phải có nhà văn giỏi, Hội Nghệ sĩ thì phải có nghệ sĩ nổi tiếng nhưng Hội của những người làm bóng đá là VFF lại không có người nào có tiếng trong giới bóng đá làm trong đó”. Ông Vũ Mạnh Hải, người tham gia Ủy viên Ban Chấp hành VFF vài khóa, nói: “Theo hướng dẫn của Chính phủ nước ta, VFF là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Do đó vai trò của ‘nghề nghiệp’ bóng đá (chuyên môn sâu) là cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là chủ đạo. Thế nhưng, bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa 05 (2005-2009), khóa 6 (2009-2013) cho đến nay khóa 7 (2014-2018), nhân sự Ban lãnh đạo VFF coi trọng vai trò ‘xã hội’ hơn hẳn ‘nghề nghiệp’. Những nhân vật quan trọng nhất, có quyền quyết định các lĩnh vực chuyên ngành lại là những người không đủ kiến thức chuyên ngành. Và họ không tập hợp, không chấp nhận những người có kiến thức chuyên ngành giúp họ”.

Ngược lại, những người có chuyên môn, được cơ quan quản lý Nhà nước cử sang làm Liên đoàn nên toàn tâm vào làm chính công việc của Liên đoàn hơn. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam, trùng ba nhiệm kỳ làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 1991, ông Lê Hùng Dũng Chủ tịch VFF hiện nay khi ấy là Phó cho ông Trai); từng là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay là Chủ tịch Hội Golf Thành phố Hồ chí Minh nhớ lại: “Vào thời kỳ phôi thai của việc xã hội hóa ngành thể thao, có sự hợp tác rất tốt giữa sự hỗ trợ chuyên môn tích cực của Nhà nước với sự tham gia ‘hồn nhiên’ các doanh nghiệp. Tôi nói ‘hồn nhiên’ là vì vào thời đó chưa có khái niệm tiếp thị, đâu có doanh nghiệp nào nghĩ đến quảng bá thương hiệu qua các hình thức tham gia các hoạt động tài trợ cho thể thao, đâu có ai nghĩ đến hình thức quảng cáo xuất hiện trên truyền hình tính từng 15,30 giây đến 1 phút là bao nhiêu tiền và đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp như thế nào. Các doanh nghiệp đến với thể thao thuần túy là vì yêu thể thao.

Cùng giai đoạn đó, nguồn kinh phí Nhà nước dành cho thể thao gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp khi tham gia vào các hoạt động thể thao, dù dưới hình thức nào thì cũng nhận thấy sự chào đón niềm nở tin tưởng của ngành thể thao đối với các doanh nghiệp. Cả hai bên quản lý thể thao nhà nước và doanh nghiệp đến với nhau vì chung mục đích: cùng xây dựng và phát triển thể thao. Về sau này, chuyện có thay đổi ít nhiều. Khi một tổ chức mà chúng ta không được quyền quyết định con người trong đội ngũ cộng sự thì chúng ta sẽ làm được gì? Chúng ta cần phân biệt rõ ràng: sự tham gia tích cực của các cán bộ quản lý thể thao nhà nước là không sai, là tốt nếu như cùng nhau hỗ trợ phát triển. Nhưng sẽ là sai nếu sự can thiệp quá sâu vào Liên đoàn gây trở ngại cho những kế hoạch định hướng lâu dài, tính tự quyết của Liên đoàn không được chủ động. Thực trạng này đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp dè dặt hơn trước khi ra quyết định tham gia vào Liên đoàn”.

Khi được hỏi: “Phải chăng vì thế nên dù là doanh nhân thành đạt trên thương trường nhưng ông lại không thể thành công trên đấu trường thể thao?”, ông Phạm Phú Ngọc Trai trả lời: “Khi tôi là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2 (1998 – 2002) phụ trách Tài chính và Đối ngoại thì công việc đầu tiên tôi muốn làm và sớm thực hiện là thuê Công ty Kiểm toán độc lập kiểm toán tài chính Liên đoàn. Khi xem kết quả kiểm toán tôi biết ngay là có sự không rõ ràng và minh bạch trong quản lý. Ngay cả sân vận động Thống Nhất trong thời điểm đó đã được kinh doanh khai thác mặt bằng vừa không đúng chức năng lại vừa không hiệu quả kinh tế.

“Sau đó, tôi xin từ nhiệm một phần vì kết quả kiểm toán và tôi lại được phân công đi công tác ở Ấn Độ và phần khác là vì tôi biết đã đụng phải sự chưa cởi mở thật sự của cái gọi là xã hội hóa ngành thể thao trong thời điểm đó.”
“Khi trở lại Việt Nam làm việc, tôi được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kì 5 (2005-2010). Cái cảm giác của tôi là trong giai đoạn này là vai trò của thể thao với cấp quản lý Nhà nước đã không còn được quan tâm và ưu tiên như thời kì đầu nữa.”

“Tôi đã nói việc khai thác kinh tế ở sân vận động Thống Nhất không hiệu quả và đúng chức năng của một nơi được coi là ‘trái tim’ của bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh thì bây giờ tôi muốn nói đến Nhà thi đấu Phan Đình Phùng và có thể nói nơi đây cũng là ‘lá phổi’ của bóng chuyền Thành phố Hồ Chí Minh. Thế mà người ta đã khai thác nơi này không dành cho bóng chuyền nói riêng và thể thao nói chung. Người ta cho mướn làm hội chợ, cho thuê bán café… trong khi đó tôi đã lập dự án đảm bảo khai thác tối đa mặt bằng bốn mặt tiền ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng với tất cả công trình đều phục vụ thể thao và tôi đảm bảo nguồn thu sẽ gấp mười lần so với hiện tại. Đặc biệt tất cả các hợp đồng sẽ được ký với Cơ quan quản lý Nhà nước và sau đó phần lãi được rót trở lại cho Liên đoàn. Cách làm minh bạch này sẽ giới hạn tối đa mọi hình thức không trong sáng. “

“Bản thân tôi sẽ làm không lương, nhưng những anh chị em nào của Liên đoàn mà làm việc toàn thời gian sẽ được nhận lương tương xứng theo thu nhập cao tương xứng theo thu nhập của thị trường. Có nghĩa là người giỏi phải có thu nhập cao tương xứng với sự cống hiến của họ. Nếu họ chấp nhận lương thấp có nghĩa những người đó không giỏi, không có khả năng cống hiến cho sự phát triển của thể thao hoặc họ chấp nhận làm nhưng họ sẽ có những khoản thu nhập khác để bù đắp, với tôi đó là hình thức tiêu cực. cả hai trường hợp đều phải loại trừ.

“Tiếc thay dự án không được phê duyệt, giao sân mà không được tự quyết thì làm được gì. Mà đã không làm được tốt hơn hết là từ chức.”

Trả lời cho câu hỏi: “Vì thế ông đã từng nói sự ra đi của ông là vì không chịu nổi sự ca thiệp quá sâu của Cơ quan quản Lý nhà nước?”, ông Phạm Phú Ngọc Trai tuy không trả lời thẳng vào ý câu hỏi nhưng ông lý giải như sau: “Chúng ta cần xác định ở đời này không ai cho không điều gì. Đừng nghĩ đi xin tiền mà phải nghĩ cách kiếm tiền. Phải có quan điểm thành công của ngành thể thai gắn liền với lợi ích kinh tế, các bên đều có lợi. Có như vậy mọi người mới đồng lòng tham gia. Nhưng những người tham gia vào tổ chức xã hội là những người có uy tín, thành đạt bên cạnh là những người có chuyên môn giỏi làm vì cái tâm và lợi ích dài lâu, bền vững. Với tôi, con người là yếu tố quyết định và khi Nhà nước kêu gọi xã hội hóa thì nên tin tưởng doanh nghiệp và đẩy mạnh xã hội hóa đúng nghĩa. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý và hỗ trợ về mặt pháp lý. Khi chúng ta có những thay đổi tích cực về thể chế và cơ chế thì tôi tin rằng thể thao là một trong những ngành kinh doanh có lợi nhuận.”

Việc các doanh nhân tham gia bóng đá luôn cần thiết, là cơ sở góp phần giúp xây dựng bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng vì sao cho đến nay, đã qua mười bảy năm bóng đá chuyên nghiệp, chưa câu lạc bộ nào của Việt Nam đạt tiêu chí là câu lạc bộ chuyên nghiệp? Và còn có một nghịch lý: sự phát triển và tiến bộ của bóng đá nước ta sa sút, không tương xứng với tiền của bỏ ra và không tương xứng với tình yêu bóng đá của người Việt Nam. Các doanh nhân mang tiền đến và cũng mang một thái độ coi trọng tiền bạc hơn là danh dự đội bóng và trách nhiệm của cầu thủ với người xem, đó là điều không hay. “Ở nhiệm kỳ này, khi chủ tịch là một doanh nhân, xu thế thực dụng, coi trọng tiền bạc, vật chất vẫn tiếp diễn và công khai hơn. Việc có tiền moiws được vào làm ở VFF đã diễn ra một cách… bình thường”, ông Vũ Mạnh Hải nhận xét.

“Tôi cho rằng các doanh nhân vào VFF, nhiệm vụ chính của họ chưa hẳn là phải kiếm tiền tài trợ cho các đội tuyển, các giải đấu. Nếu họ giỏi, họ phải biết giúp các câu lạc bộ xây dựng hình ảnh, thu hút người xem. Họ phải xây dựng được một lộ trình khả thi để các doanh nhân khác cũng tham gia bóng đá một loại hình đầu tư sinh lời. Ví dụ, anh vào bóng đá, năm đầu anh lỗ ba mươi tỉ, ba năm sau anh hòa vốn, năm thứ tư anh bắt đầu có lãi.”, ông Vũ Tiến Thành hiến kế, “Phải tạo thành một công nghệ xây dựng đội bóng, một công nghệ tổ chức giải đấu, biến mỗi trận bóng như một ngày hội thì người hâm mộ sẽ quay lại sân. Chúng ta có hơn chín mươi triệu dân, mà để tiềm lực này ngủ yên trong nhiều năm thì đáng tiếc quá”.

Đừng coi trọng người hâm mộ xếp hàng dài, chen chúc có tấm vé vào xem đội tuyển quốc gia thi đấu mà cho rằng thế là thành công. Đội bóng Quốc gia nó là cái gì đó hơn cả bóng đá, nó gộp cả sự ái quốc vào đó. Một nền bóng đá phát triển cáo là nền bóng đá mà cuối mỗi tuần, người ta háo hức kéo nhau đến các sân xem bóng đá. Người hâm mộ chúng ta chưa có một tình yêu, một văn hóa bóng đá như thế. Muốn có, phải có cả một công nghệ để xây dựng.

Phải mở rộng cánh cửa cho những người có kiến thức, khả năng vào làm. Bà Mae Mua có lần gặp ông Dương Vũ Lâm nói bà sẵn sàng vào Ban Tài trợ phía Nam của VFF làm việc miễn phí không lương và nhờ ông Lâm giới thiệu. Tuy nhiên bà Mae Mua không khỏi đắng lòng khi kể lại chuyện ông Lâm đã nói với bà rằng: : Em ơi, em am vào họ nghĩ em tranh giành miếng cơm của họ, ai cho em vào. Ở đó có dường dây hết, em làm bọn họ sẽ quậy em, không cho em làm được đâu.”

Đừng e ngại những cái mới, như chuyện cá cược bóng đá chẳng hạn. Cái này thực ra không mới, Chính phủ đã có Dự thảo Nghị định về việc này năm 1998, cách đây tới mười chín năm. Nhưng ách tắc ở các cấp dưới trong việc xúc tiến hình thành Nghị định. Bà Mae Mua kể chuyện Công ty Strata của bà đưa phái đoàn quản lý thể thao Việt Nam sang Anh làm việc với hãng cá cược Ladbrokes năm 2007. Ladbrokes bỏ 30.000 USD mua một lô VIP trên khán đài sân Wembley vừa mới khánh thành để cho phái đoàn xem trận chung kết FA Cup giữa Chelsea với Manchester United. Phía mình, xem chưa hết một hiệp đòi về. “Người của Ladbrokes tỏ vẻ rất ngạc nhiên nói với tôi rằng sao các vị này không thích bóng đá nhỉ?”, bà Mae Mua kể.

Tháng 4-2017, bắt đầu cho phép đặt cược bóng đá quốc tế, nhưng không cho phép đặt cược các trận đấu trong nước và các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Viễn, là một trong những người làm bóng đá đầu tiên tham gia xúc tiến dự thảo cá cược thể thao năm 1998, giải thích: “Bóng đá Việt Nam tiềm ẩn rất nhiều hoạt động tiêu cực chưa kiểm soát được. Thời điểm này mà đưa các trận đấu của đội tuyển Việt Nam để đặt cược, tôi e rằng sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, làm sai lệch kết quả ở các giải đấu quốc tế mà đội tuyển Việt Nam tham dự…”.

Thế này không hay, có luật chơi và có có chế tài nghiêm thì không việc gì phải e ngại. mà nói như ông Viễn thì chẳng hóa đội tuyển luôn không trung thực, và các những người có trách nhiệm làm bóng đá không quản được đội tuyển. Cái tâm lý “sợ không quản được thì cấm” khá phổ biến ở nhiều ngành tại Việt Nam. Ông Trịnh Minh Huế nói thẳng: “Cho cá cược bóng đá trong nước, cho cá cược V-League. Người ta đến sân cá cược, người ta sẽ phanh phui ra thằng nào bán độ, đá láo”.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính và Đầu tư đã đưa ra những con số thống kê. Trong một chu kỳ năm 2011-2014 với giải đấu chính là World Cup, FIFA đã thu về tổng cộng 5,7 tỉ USD, chỉ riêng giải Word Cup 2014 đã đem lại lợi nhuận 2,6 tỉ USD, vượt hơn nhiều công ty đa quốc gia. Với nguồn thu và lợi nhuận to lớn này, FIFA đủ sức trang trải cho mọi chi phí điều hành và tổ chức, tài trợ cho nhiều chương trình phát triển bóng đá thế giới và các quốc gia và vẫn duy trì lượng tiền mặt gần 2 tỉ USD. UEFA không thua kém, doanh thu từ Euro 2016 tăng 34% so với Euro 2012, đạt được 2,13 tỉ USD, lợi nhuận khoảng 917 triệu USD. Nhờ vậy, đội vô địch được thưởng 30 triệu USD, đội lĩnh thấp nhất cũng 9 triệu USD. 55 thành viên của UEFA là các liên đoàn bóng đá quốc gia được chia 663 triệu USD trong giai đoạn 2016-2020.

Tổ chức bóng đá là ngành dịch vụ thể thao giải trí lớn và hiệu quả. Năm 2014, Premier League có doanh thu là 5,02 tỉ USD, lợi nhuận là 944 triệu USD. Qua đó, chính phủ Anh cũng hưởng lợi lớn với 2,15 tỉ USD tiền thuế từ 92 câu lạc bộ thuộc các hạng đấu mạnh nhất xứ sương mù. Năm 2015, chính phủ Tây Ban Nha thu thuế được 2,8 tỉ euro từ các hoạt động bóng đá. Ước tính ngành bóng đá tạo ra 140.000 việc làm thường xuyên cho người dân Tây Ban Nha, trong đó 47% việc làm liên quan trực tiếp đến các trận đấu, bao gồm cả nghề nghiệp.

Thái Lan ngay gần mình, có sự yêu thích bóng đá tương đương với mình, nhưng nguồn thu của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) cao gấp nhiều lần so với VFF. Theo thống kê trong tám năm từ 2008-2016 FAT thu về 10 tỷ baht, xấp xỉ 6.500 tỷ đồng, trung bình mỗi năm, cơ quan quản lý bóng đá của Thái Lan có trên 812 tỷ để trang trải các hoạt động. Giai đoạn 2017-2020, hứa hẹn còn đem về cho FAT nhiều tiền hơn nữa, trong ba năm sắp tới, chỉ tính riêng tiền bản quyền truyền hình và vài nhà tài trợ lớn như Plan B, ThaiBev và Toyota đã đem lại nguồn thu khoảng 5.000 tỷ đòng Việt Nam, tức là gấp đôi giai đoạn trước đó. Theo ông Hiển, muốn bóng đá kiếm nhiều tiền thì cần ba yếu tố căn bản: bóng đá hấp dẫn, công nghệ tổ chức và truyền thông hiệu quả. Hai yếu tố sau có thể làm được ngay, yếu tố đầu cần nhiều thời gian, Việt Nam chưa có bóng đá hấp dẫn được, hãy cố có bóng đá “sạch” đi đã.

Bóng đá sạch không phải chỉ là không bán độ, móc ngoặc, mà cầu thủ đá phải không bạo lực, cư xử có văn hóa, đội bóng phải xây dựng được sự lành mạnh trong tài chính, không phải làm bóng đá theo kiểu “tiền chọi tiền”. Hiện tại, ở Việt Nam, chỉ có đội bóng trẻ Hoàng Anh Gia Lai phần nào đáp ứng được điều này. Tình cảm mến mộ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường của khán giả các địa phương khác chứng tỏ điều đó. Các cầu thủ này mới chỉ là tốt thôi, chưa xuất chúng, nhưng chừng đó đã đủ cho khán giả mến mộ, chứng tỏ họ không quay lưng với bóng đá nếu nó sạch.

Trong khi các đội bóng như Sài Gòn FC phải thuê sân Thống Nhất làm sân nhà hết khoảng 100 triệu mỗi trận mà bán vé có trận không đến 500 vé, thì Hoàng Anh Gia Lai chỉ chi hơn 30 triệu đồng một chút cho công tác tổ chức mỗi khi có trận đấu trên sân nhà. Lực lượng bảo vệ, vệ sĩ, chữa cháy, quay phim, nhặt bóng, khiêng căng, y tế, âm thanh, điều phối viên, ban tổ chức trận đấu… cứ đến ngày giờ là họ tới làm. Bảo dưỡng vệ sinh, bảo vệ sân, trả lương nhân viên theo tháng. Hai mươi gian hàng xây bên ngoài sân, cho thuê mỗi tháng 3 triệu đồng/gian và thêm một quầy bán đồ lưu niệm của họ nữa. Như vậy, vào mùa bóng, trung bình mỗi tháng đá hai trận sân nhà thì tiền cho thuê mặt bằng đủ để trang trải chi phí tổ chức. Tiền bán vé trên sân nhà thu được trung bình 200 triệu đồng/trận, không phải nộp lại cho Sở.

Tất nhiên, Hoàng Anh Gia Lai có lợi thế là được Tỉnh giao lại cho sân bóng cũ. Đất giao nhằm mục đích xã hội, phục vụ dân sinh. Khi không còn đội bóng, trả lại đất cho Nhà nước. Trên nền sân cũ, họ đập đi xây sân bóng mới có sức chứa 12.000 chổ ngồi. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có sẵn đội quân xây dựng, sắt thép, gạch đá gỗ, họ tự làm tất tật mọi thứ, nên giá xây sân khoảng 30 tỉ đồng, trong khi giá bên ngoài phải gấp 3,4 lần. Giống như nhà có tiệc, tự làm ở nhà tiết kiệm rất nhiều so với đi nhà hàng. Họ ít cho thuê sân để tổ chức các giải phong trào vì dễ hỏng mặt sân, để cho các đội thuộc các lứa tuổi trong câu lạc bộ thi đấu là đủ.

Chi phí cho đội hình chính dự V-League hiện tại của họ ít bằng một nửa các đội khác, vì chi phí chuyển nhượng không có, tiền lót tay không, tiền môi giới không luôn, toàn chuyển nhượng tự do, lương cầu thủ thấp bằng nửa so với mặt bằng V-League, cầu thủ cao nhất nhận 25 triệu đồng/tháng. Họ đang là đối tác chiến lược với các câu lạc bộ Nhật Bản là Yokohama và Mito cho nên các câu lạc bộ này giới thiệu cầu thủ cho. Cầu thủ đến Nhật bản tìm việc không hợp, họ giới thiệu sang cho Hoàng Anh Gia Lai. Họ chỉ chi nhiều hơn các đội khác ở khâu đào tạo trẻ vì họ đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư cho các em học văn hóa và tiếng Anh nhiều hơn. Bên cạnh các lớp học viện đào tạo chung với JMG, họ có lớp năng khiếu, tức là các em trẻ không trúng tuyển lớp học viện thì sẽ vào lớp năng khiếu của Hoàng Anh Gia Lai bỏ tiền đầu tư riêng. Hiện tại các tuyến trẻ U-13, U-15, U-17, U-19 và U-21 của Hoàng Anh Gia Lai hứa hẹn có lãi từ việc bán cầu thủ.

Đi sân khách, vé máy bay khứ hồi cho 30 người khoảng 120 triệu đồng. Với mức 400.000 đồng tiền ăn và 400.000 tiền ở khách sạn cho mỗi người, trong ba ngày, 30 con người tiêu hết khoảng 70 triệu đồng. Thêm tiền thuê xe ô-tô di chuyển ở sân khách, nước non, giặt giũ… nữa là vào hơn 200 triệu đồng mỗi trận. Lấy tiền bán vé trên sân nhà đập vào tiền đi sân khách là đủ. Ông Huỳnh Mau, Giám đốc Điều hành đội bóng tính ra mỗi tháng Hoàng Anh Gia Lai chi tổng cộng khoảng 2,2 tỉ đồng cho tất cả các hoạt động. Những tháng không có đội 1 thi đấu ở V-League số tiền thấp hơn nữa. Như vậy thì chi tiêu của một đội vào cỡ 20 tỉ đồng chứ bao nhiêu.

Hoàng Anh Gia Lai đang có hợp đồng tài trợ hai năm với VP Milk, mỗi năm 25 tỉ đồng, cao nhất V-League. Các nguồn tài trợ khác: Osla 500 triệu đồng/năm, hợp đồng ba năm, mỗi năm tăng 10%, Densu 45.000 USD/năm, Liamen 1,5 tỉ đồng, Tôn Hoa Sen 300 triệu đồng, thang máy Thái Bình 100 triệu đồng. Tổng vào khoảng 3 tỉ đồng/năm. Sắp tới có hãng Nhật Bản Uniqlo tài trợ trang phục thi đấu. Các cầu thủ Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường đều kiếm được quảng cáo. Các quảng cáo cá nhân, Hoàng Anh Gia Lai quản lý hết, cầu thủ và đội bóng chia 50-50. Kể cả các cầu thủ khác đến Hoàng Anh Gia Lai cũng phải tuân theo việc quản lý hình ảnh đó. Thế là họ thu gần 3 tỉ đồng/năm, tức là làm bóng đá có lãi rồi. Và họ còn có thể kiếm thêm được nữa.

Mọi cánh tay yêu cầu cải tổ đổi mới đều chỉ về VFF. Vậy thì bắt đầu từ đâu? Từ mô hình hoạt động trước. FIFA khuyến nghị các Liên đoàn Bóng đá nên tổ chức theo mô hình doanh nghiệp có hai cấp tách biệt là Quản lý và Điều hành. VFF cũng có hai cấp này, trên Ban, dưới Phòng, quá cồng kềnh với nhiều Phòng và Ban chức năng. Hai cấp này lại thường “đá lộn sân” nhau.

Cấp Quản lý là Ban Chấp hành VFF có quá nhiều người. Nhiệm kỳ 3 (1997-2001) có 35 người, nhiệm kỳ 4 (2001-2005) có 41 người, nhiệm kỳ 5 (2005-2009) có 39 người, sau này có giảm đi, nhiệm kỳ 6 và 7 đều 23 người, như vậy vẫn quá nhiều. Có nhiều người không chắc là huy động trí tuệ tập thể, nhiều người “chỉ” mà ít người “làm” còn rối thêm.

Ban Chấp hành mà toàn diện cơ cấu thì vào đấy cũng toàn “nghị gật”. Ban Chấp hành mà toàn đại diện của các câu lạc bộ tham gia thì khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi. 23 Ủy viên Ban Chấp hành VFF nhiệm kỳ 7 điểm danh lại cũng khá nhiều người như này: Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Hồng Thanh (Sông Lam Nghệ An), Cao Văn Chóng (Bình Dương), Trần Anh Tú (nhiều đội futsal), Lê Ngọc Chức (Đồng Tháp), Bùi Xuân Hòa (Đà Nẵng), Lê Nguyên Hồng (Quảng Nam), Nguyễn Quốc Hội (T&T Hà Nội), Nhan Thiện Nhân ( An Giang). Điều này sẽ dẫn đến việc họ ngại lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi đội bóng của mình. Ủy viên Ban Chấp hành phải không dính đến câu lạc bộ mới khách quan và dám đấu tranh. Tình trạng không dám đấu tranh này dẫn đến việc đi họp chỉ là hình thức, đi nghe báo cáo được soạn thảo cũ rích từ nhiều năm trước.

Mô hình hai cấp thật sự thì cấp Ban Chấp hành giống như cấp Hội đồng Quản trị doanh nghiệp, gồm bảy, chín, mười một người ngồi trong đó thôi và đều là những người đầu ngành, không dính đến câu lạc bộ nào, và cũng dẹp các ban chức năng đi, để các Ủy viên xem xét tất cả các vấn đề định hướng. Phía dưới là cấp điều hành, Tổng Thư ký có chức năng giống như Tổng Giấm đốc, là chủ tài khoản, có thể thuê người ngoài, thậm chí là người nước ngoài, làm không được thì Hội đồng Quản trị có thể sa thải bất kỳ lúc nào. Các phòng chức năng nằm dưới sự điều hành của Tổng Thư ký phải tập hợp những người thạo việc, làm việc thực chất.

Chủ tịch không cần phải người có chuyên môn, nhưng có đủ uy tín tập hợp được những người làm chuyên môn và kinh tế ủng hộ mình. Theo ông Hà Quang Dự, vào thời điểm cần xiết chặt kỷ cương này Chủ tịch VFF nên tìm một người ít nhất đã từng làm hàm Thứ trưởng trở lên, từng trải chính trị, đam mê bóng đá. Ông Dự cũng cho rằng để bóng đá mạnh, thể thao đặt ở tầm Tổng cục thì vị thế thấp quá, Tổng cục trưởng không có cả hàm Thứ trưởng. Đứng đầu ngành thể thao ít nhất phải có hàm Thứ trưởng. Là Bộ trưởng và có Ủy viên Trung ương thì càng thuận lợi hơn, đi xuống địa phương ngang hàng với quan chức đầu tỉnh dễ làm việc và nhận được ủng hộ từ địa phương cho thể thao hơn.

Ông Dự từng tư vấn cho nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều năm trước: “Anh xem cho sửa đi. Ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì cho Du lịch tách ra riêng vì ngành này tạo nguồn thu lớn, cho Văn hóa về với Thông tin hiện ở Bộ Thông tin và Truyền thông, còn công nghệ thông tin để bên Bộ Khoa học Công nghệ quản lý. Thể thao để riêng thì người ta nói đây là bộ phận nhỏ quá, nên gộp thành Bộ Thanh niên và Thể thao, vì thể thao cũng là một phần lớn để cấu thành nhân cách thanh niên, cái này nó cũng đúng với thông lệ khối các nước nói tiếng Pháp hay dùng”.

Chốt lại cuốn sách, hay nói một cách khiêm tốn là “bài báo dài” được trình bày dưới dạng một cuốn sách, chúng ta không trách cứ nhau nữa, chúng ta đều có phần trách nhiệm đối với “môn thể thao vua” mà chúng ta cùng đam mê, khi nó chưa tốt thì đơn giản là vì chúng ta chỉ CHƠI thôi, mà chưa LÀM, như ông Trần Bẩy nói: “ Hồi trước, người ta CHƠI bóng đá, bây giờ cũng vẫn CHƠI bóng đá. Nước ta từ xưa tới nay, tôi chưa thấy có ai LÀM bóng đá, họ toàn CHƠI bóng đá”.
Vậy thì bây giờ hãy LÀM thôi.

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Bóng Đá Plus