Phần 15: Thèm khát Champions League và phản bội Inter
Sau năm đầu thành công với vị HLV mà Ibra sẵn sàng thiêu thân Jose Mourinho, những tưởng anh có thể thỏa mãn niềm ao ước là chiếc cúp Champions League danh giá. Nhưng sự đời luôn nghiệt ngã, Inter tiếp tục thất bại tại đấu trường đẳng cấp nhất châu Âu và Ibra nhận ra rằng anh không thể vô địch Champions League với Inter. Từ đó ý nghĩ sẽ chuyển sang Barca ngày càng nung nấu trong Ibra và anh cũng dần trở thành 1 tên phản bội trong mắt các CĐVInter.
PHẤN KHÍCH TRƯỚC TRẬN ĐẤU LỊCH SỬ
Với tôi, Champions League như một người tình không đến. Chúng tôi đã khởi đầu Serie A suôn sẻ, đầu gối tôi ngon lành trở lại và tôi ghi toàn những bàn đẹp. Nhưng bây giờ với tôi chuyện ấy không còn quan trọng nữa. Tôi đã giành đến 4 Scudetto và liên tục được bầu là cầu thủ hay nhất giải. Champions League mới là mục tiêu. Tôi chưa từng tiến xa tại đấu trường ấy và bây giờ thử thách là Man United ở vòng 16 đội.
Man United là 1 trong những đội mạnh nhất châu Âu và họ vừa vô địch Champions League một năm trước đó. Có những cầu thủ như Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Paul Scholes, Ryan Giggs, Nemanja Vidic, nhưng Man United chả phụ thuộc vào ai.
Đấy là một tập thể đúng nghĩa bởi Alex Ferguson, tôi nên gọi là Sir Alex Ferguson chứ nhỉ, không cho cầu thủ nào lớn hơn CLB. Mọi người đều phục tùng Sir Alex, ở Anh ông ấy là thánh. Ông ta không thỏa hiệp với cầu thủ mà điều khiển họ.
Ngay từ xuất phát điểm, Ferguson đã sớm vươn lên đẳng cấp thế giới ở Scotland. Khi đến Man United năm 1986, CLB ấy ở vào một hoàn cảnh hoàn toàn khác với hiện tại. Những ngày vinh quang đã ở sau lưng họ. Cầu thủ chả buồn tập luyện mà cứ bét nhè ở bar. Ferguson mở một cuộc chiến, thiết lập lại kỷ luật. Kết quả là ông ấy giành 21 danh hiệu cùng CLB và được phong tước Hiệp sĩ năm 1999, sau cú ăn 3.
Inter – Man United chính là cuộc chiến giữa Mourinho và Sir Alex, giữa Cristiano và Zlatan. Truyền thông nói rất nhiều về điều này. Chúng tôi đều là 2 cái tên chiến lược của Nike và vừa cùng làm một shot quảng cáo. Ở đó cả 2 phô diễn kỹ thuật xử lý và sút bóng với Eric Cantona là một người dẫn chương trình. Nhưng tôi chưa từng gặp Cristiano, kể cả thời gian quay phim. Tất cả đều được làm ở những nơi khác nhau.
Tôi không quan tâm đến truyền thông nhiều, nhưng cảm thấy rất kích động. Inter có cơ hội tốt và Mourinho đã chuẩn bị chu đáo cho chúng tôi. Nhưng trận lượt đi tại San Siro là nỗi thất vọng. Tỷ số là 0-0 và tôi gần như không hòa nhập được vào trận đấu.
Báo chí Anh đã bàn rất nhiều về điều đó. Tôi mặc kệ đống rác rưởi ấy, nhưng tôi khát khao được thắng trận lượt về tại Old Trafford và đi xa hơn. Niềm thôi thúc ấy ngày một lớn hơn. Tôi nhớ mãi cảm giác bước vào sân, nghe những tiếng hò reo và la ó.
CHÌM VÀO HỐ SÂU TUYỆT VỌNG
Sự căng thẳng tràn ngập cả không gian. Mourinho mặc bộ vest đen và chiếc áo khoác đen. Nhìn rất nghiêm trọng và như thường lệ, ông ấy đứng bên đường piste, theo sát trận đấu như vị đại tướng nhìn về chiến trận.
Đám đông la lên: “Ngồi xuống Mourinho” và ông ta thì liên tục vẫy tay ra hiệu cho các cầu thủ hỗ trợ tôi nhiều hơn. Tôi thật sự lẻ loi vào đầu trận. Mourinho dùng đội hình 4-5-1 với tôi chơi cao nhất. Áp lực ghi bàn thật khủng khiếp và tất nhiên tôi thích điều đó.
Nhưng Man United lại chơi hay hơn trong khi tôi bị cô lập. Tệ hơn nữa, mới chỉ sau 3 phút, Ryan Giggs đá phạt góc và Vidic đánh đầu, 1-0. Như một gáo nước lạnh, cả sân Old Trafford gầm lên: “Ông hết đặc biệt rồi, Mourinho”. Ông ấy và tôi là những người bị la ó nhiều nhất.
Nhưng trận đấu diễn biến theo hướng tích cực và sự thật là chỉ cần ghi lại 1 bàn, chính chúng tôi sẽ vào tứ kết. Sau 30 phút tôi nhận một đường chuyền dài rồi dứt điểm trúng xà ngang. Cơ hội ngày một rõ ràng hơn, Adriano vô lê trúng cột dọc. Nhưng hỡi ôi khi tất cả đang chờ bàn gỡ thì Wayne Rooney dốc bóng vào khu cấm và chuyền cho Cristiano Ronaldo ghi bàn 2-0. Rồi trận đấu cứ thế mà trôi qua. “Bye, bye Mourinho. Hết rồi nhé”, họ đã hát lên như vậy.
Tôi chỉ muốn đập phá thứ gì đó. Trong phòng thay quần áo, Mourinho không chê trách, chỉ cố làm chúng tôi vui lên và hướng sự tập trung về Serie A. Trước và sau mỗi trận đấu con người này dường như cứng rắn hơn. Nhưng chúng tôi thì như chìm vào hố sâu tuyệt vọng và đầy ham muốn giết một ai đó.
NẢY SINH Ý MUỐN RA ĐI
Đấy có lẽ cũng chính là lúc suy nghĩ rời khỏi Inter nhen nhóm trong đầu tôi. Tôi muốn tiến lên và thay đổi. Tôi đã luôn di chuyển trong đời mình, đã chuyển trường, chuyển nhà, chuyển CLB. Ham muốn thay đổi như một thứ độc dược được cấy trong cơ thể.
Ngồi trong căn phòng đầy mùi tuyệt vọng ấy, tôi nhìn xuống chân mình và hoài nghi: mình sẽ không bao giờ giành Champions League với Inter được. Không phải vì đội không đủ mạnh mà vì một linh tính nào đó.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau trận ấy, tôi cũng không giấu nỗi hoài nghi của mình. Tôi chỉ trả lời chân thành trước câu hỏi liệu có vô địch Champions League với Inter hay không: “Tôi không biết nữa. Hãy chờ xem”. Các CĐVđã mơ hồ nhìn thấy điều gì đó.
Đấy là khởi đầu cho những gì căng thẳng sau đó. Tôi nói với Mino: “Tôi muốn đi, sang Tây Ban Nha”. Mino hiểu tôi muốn gì. Tây Ban Nha thì chỉ có nghĩa là Real Madrid hoặc Barcelona, 2 CLB hàng đầu. Real thích tôi, họ có truyền thống sở hữu những cầu thủ tuyệt vời như Ronaldo (Brazil – PV), Zidane, Figo, Roberto Carlos, Raul. Nhưng tôi lại ngả về Barca nhiều hơn. Họ đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời và có Messi, Xavi và Iniesta.
Nhưng chúng tôi sẽ hành xử thế nào đây? Không dễ chút nào. Tôi đâu thể hét toáng lên là mình muốn sang Barca. Làm vậy là đào mồ chôn danh tiếng của mình tại Inter. Làm vậy là tự hạ giá mình xuống số 0. Zlatan đâu có bết dữ vậy. Còn không nói thì đành phải chờ Barca tiếp cận trước. Ban huấn luyện của họ phải thiết tha mua bạn với bất kỳ giá nào.
QUYẾT TÂM DỨT ÁO
Đấy chính là vấn đề lớn nhất. Tôi quá đắt. Tôi ở Inter, Kaka ở Milan, Messi ở Barca và Cristiano Ronaldo ở Man United. Không ai có khả năng đáp ứng nổi phí chuyển nhượng của 4 chúng tôi. Mourinho cũng từng nói về điều này: “Ibra ở lại. Trên thế giới không có CLB nào trả nổi 100 triệu euro đâu”.
Tôi là như vậy ư? Một bức Mona Lisa đ** ai mua nổi sao? Tôi không biết nữa. Tình huống không có gì rõ ràng và chỉ có ngu mới đi thổ lộ điều mình muốn với báo chí. Nhưng tôi cũng không giả tạo mà phun ra những câu rác rưởi như bọn ngôi sao khác: “Tôi sẽ ở lại, tôn trong hợp đồng, bla bla bla…”.
Vì không nói được nên tôi dần trở thành một kẻ phản bội, nhất là khi tôi nói mình “muốn thử một thứ gì đó mới mẻ vì tôi đã ở Italia được 5 năm rồi. Tôi thích thứ bóng đá kỹ thuật ở Tây Ban Nha”. Từ đó, mỗi lời tôi nói ra được phân tích theo mọi chiều hướng có thể.
Nhưng tôi không để những áp lực ấy ảnh hưởng đến màn trình diễn của mình. Chơi càng bốc thì càng có cơ hội chứ sao. Trước Reggina tôi lừa qua 3 hậu vệ, lúc ai cũng tưởng tôi sút thì tôi lại bấm bóng qua đầu thủ môn. Hết xảy. Mourinho đứng ngoài, miệng nhai kẹo cao su mà không có lấy một phản ứng nào.
Nhưng bàn ấy đã mang tôi lên dẫn đầu danh sách dội bom cùng với Marco di Vaio. Là “Vua phá lưới” ở Italia là một vinh dự lớn nên tôi ngày càng hung hãn hơn trước khung thành. Trận gặp Fiorentina tôi có 1 cú sút phạt đạt vận tốc 109 km/h.
Tôi càng chơi hay, CĐV càng bực tức vì tôi bộc lộ ý muốn ra đi. Bạn biết không? Ở Italia, các fan yêu người ghi bàn hơn mọi nơi trên thế giới. Và cũng hơn mọi nơi trên đời, họ ghét nhất là một chân sút muốn rời CLB của mình. Ibra là tên phản bội, là kẻ vô ơn, họ nói thế. San Siro sôi lên theo từng trận. Nhưng nói bạn nghe nhé, tôi kệ mẹ hết!
Mùa giải 2008/09 của Ibra bắt đầu một cách xán lạn. Anh đạt phong độ tốt nhất của mình khi ghi đến 29 bàn thắng và có 10 pha kiến tạo trên tất cả các đấu trường giúp Inter lần thứ 4 liên tiếp đoạt danh hiệu Scudetto và lập kỷ lục đội duy nhất không thua trên sân nhà ở Serie A mùa giải đó. Tuy nhiên Inter vẫn không thể cải thiện thành tích ở Champions League khi lần thứ 3 liên tiếp bị loại ở vòng 1/8 Champions League sau khi thua Manchester United với tổng tỷ số 0-2 sau 2 lượt trận. Đây chính là lý do thôi thúc Ibra ra đi.