Phần 22: Trở về Milan, Ibra oách như Tổng thống Obama
Khi mâu thuẫn với Barcelona đã lên tới đỉnh điểm, Zlatan Ibrahimovich chấp nhận ra đi sau khi đã chơi CLB này một vố đau đớn về tài chính. Điểm đến mới là AC Milan và Serie A, giải đấu mà anh mới xa có 1 mùa. Đó là một đội bóng đang rất cần Ibra, khao khát có Ibra và tôn sùng Ibra như thần thánh. Milan và Ibra đã đến với nhau để cùng phục hưng…
VỊ THẦN MỚI CỦA THÀNH MILAN
Tôi nhớ một lần Maxi hỏi thế này: “Tại sao mọi người cứ nhìn bố hoài vậy”. Và tôi trả lời trong niềm vui: “Vì bố đá bóng, mọi người xem TV và nghĩ bố đá hay”. Nhưng một lần khác, người giữ trẻ gửi cho tôi một câu hỏi khác của nó: “Tại sao họ cứ nhìn con hoài vậy”. Đến khi chúng tôi sang Milan thì Maxi càng sợ: “Con không thích người ta cứ nhìn con hoài”.
Đấy là một vấn đề nhạy cảm, tôi đâu thể để con trai mình cảm thấy nó khác biệt. Cả tuổi thơ của tôi đã phải sống trong cái tâm trạng “Zlatan không thuộc về nơi này”. Thế là trong giai đoạn chuyển từ Barca sang Milan, tôi cố dành thời gian tối đa cho Maxi và Vincent. Tất nhiên, không dễ dàng chút nào trong cơn cuồng loạn của NHM.
Helena không ngờ chúng tôi chuyển môi trường sống nhanh vậy. Từ Italia sang Tây Ban Nha chỉ được 1 năm rồi quay trở lại. Nhưng nàng biết rõ hơn bất kỳ ai trên đời: nếu không thoải mái trên sân, Ibra ngoài đời chỉ là một bông hoa khô héo và nó sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình. Tôi nói với Galliani (Phó chủ tịch của AC Milan – PV): “Tôi muốn đến Milan với toàn bộ gia đình mình, Helena, bọn trẻ, con chó và Mino”. Galliani đồng ý và lập một kế hoạch thật đặc biệt.
Chúng tôi lên máy bay riêng của CLB và trực chỉ Milan. Tôi vẫn nhớ khi mình đáp xuống phi trường, cảnh tượng như người ta đón Tổng thống Mỹ Barack Obama vậy. Có 8 chiếc Audi xếp hàng trên đường băng đã được trải thảm đỏ. Tôi bước ra cửa máy bay với Vincent trên tay mình, trả lời phỏng vấn cho một vài phóng viên đã được chọn lọc kỹ càng trong vài phút.
Ngoài kia, đàng sau hàng rào, hàng trăm CĐV đang gào thét. Milan đã chờ quá lâu để được nhìn thấy một ngôi sao đến với đội mình. 5 năm trước, khi Berlusconi đặt bàn tại nhà hàng Giannino, ông ta cứ ngỡ tôi đã là người của Milan. Mọi thứ đã sẵn sàng để rồi tôi nhảy sang Inter. Đến tận bây giờ điều ấy mới trở thành sự thật.
Vào trong một chiếc Audi, chúng tôi chạy quanh thành phố. Một cảnh tượng hỗn loạn diễn ra, xe mô tô và ô tô chạy sau chúng tôi, camera cố lấy cho được những hình ảnh đầu tiên của Ibra tại Milan. Trong giây phút ấy, tôi mới có dịp tận hưởng cái cảm giác mình đã thoát ra khỏi cái hố đen ở Barcelona, cái nhà tù đã giam cầm mọi cảm xúc của tôi.
Tôi từng vui sướng khi có Barca và giờ, Milan vui sướng khi có tôi. Đoạn đường bên ngoài khách sạn Boscola đã bị cảnh sát phong tỏa. Các CĐVchỉ có thể vẫy cờ và hét tên tôi từ xa. Còn bên trong khách sạn, cả ban quản lý đều đang xếp hàng chào đón vị khách VIP.
CUỘC SỐNG MỚI Ở CHỐN CŨ
Ở Italia, người ta xem cầu thủ như những vị thần vậy. Gạt qua những niềm vui ấy, tôi muốn thi đấu ngay lập tức. Khi Milan đá trận mở màn với Lecce, tôi nói với Galliani là mình muốn vào sân, nhưng không được bởi giấy tờ còn chưa xong. Nhưng tôi vẫn đến sân để được chào ra mắt công chúng vào giờ nghỉ giữa 2 hiệp. Tôi không vào phòng thay quần áo vì không muốn ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của đội bóng. Nhưng kế bên là một sảnh lớn. Tôi ngồi đó với Galliani, Berlusconi và vài nhân vật quan trọng khác.
-Anh làm tôi nhớ đến một cầu thủ cũ của mình – ông chủ Berlusconi nói.
-Ai thế? – tôi hỏi lại dù đã biết đấy là ai.
-Một người có khả năng tự mình xử lý mọi việc.
Van Basten chứ còn ai nữa. Capello đã từng ví von tôi với Van Basten trước đây. Rồi chúng tôi lên khán đài, tôi phải ngồi cách Berlusconi vài ghế vì lý do chính trị. Hai tháng sau đó, scandal Berlusconi và mấy cô gái trẻ bùng nổ, nhưng vào thời điểm ấy trông ông rất mãn nguyện.
Mọi người gào tên tôi. Khi tôi bước xuống sân, San Siro như sôi lên. Ngày ấy mới chỉ là tháng 8, kỳ nghỉ vẫn chưa hết, vậy mà sân đã không còn một chỗ trống. “Chúng ta sẽ giành mọi thứ!”. Tôi đã nói câu ấy bằng tiếng Italia. Khi nói vậy, tôi đã quyết sẽ mang Scudetto trở lại Milan sau 7 năm.
Cả tôi và Helena đều có vệ sĩ. Các bạn sẽ nghĩ là trưởng giả quá chứ gì. Không hề đâu, nhất là ở Italia, nơi có nhiều thứ điên rồ xảy ra. Khi tôi còn ở Inter và đá một trận sân nhà, Sanela (chị gái Ibra – PV) và Helena đến xem một trận đấu trên một chiếc Mercedes mới. Bên ngoài sân đông kịt và kẹt xe nên Helena phải lái rất chậm. Nhiều người ngó vào để xem ai là người lái chiếc xe ấy.
Một gã đi vespa hơi nhanh nên tông vào kiếng chiếu hậu. Helena đâu có biết cố ý hay không. Nàng nhoài người ra xem thế nào thì bất ngờ bị một gã đội mũ bảo hiểm từ sau lao đến. Helena biết màn đâm vỡ kính chỉ là bẫy và cố đóng cửa kính lại. Nhưng vì chiếc xe mới quá nên thao tác chậm, tên điên kia kéo nàng ra khỏi xe và tộng nàng một cái vào giữa mặt.
Rất may là Sanela đã kịp kéo nàng vào xe rồi đóng cửa lại. Helena đã bị thương và rõ ràng câu chuyện có thể kết thúc theo một cách tồi tệ hơn nữa. Đấy là thực tế ở Italia, chúng tôi rất cần sự bảo vệ.
Những ngày đầu tiên, người vệ sĩ của tôi lái xe đưa đến Milanello, cách thành phố khoảng 1 giờ chạy xe. Tôi mau chóng cảm nhận được truyền thống của Milan và chào đón các huyền thoại của CLB: Zambrotta, Nesta, Ambrosini, Gattuso, Pirlo, Abbiati, Seedorf, Inzaghi và chàng trai trẻ Pato. HLV khi ấy là Allegri, vừa đến từ Cagliari, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng có vẻ rất giỏi.
HÀNH TRÌNH PHỤC HƯNG
Khi đến một CLB mới, bạn thường hay bị đặt dưới những câu hỏi: “Mày nghĩ mày sẽ là ngôi sao ở đây ư?” hay đại loại thế. Nhưng ở Milan, mọi người rất tôn trọng tôi. Nhiều người bảo có tôi, Milan như có thêm 20% sức mạnh. Tôi kéo Milan ra khỏi bóng tối. Khi ấy, Milan thậm chí còn không phải là đội mạnh nhất thành phố, Inter đã thống trị quá lâu rồi.
Vì được chào đón, tôi đã đến sân tập như cách mà mình đã tập ở Inter, cách mà Fabio Capello đã nói với tôi thuở còn ở Juve: “Không thể tập chơi mà đá thiệt. Cứ phải tập như thể đang thi đấu, lúc nào cũng phải sẵn sàng băng mình vào cuộc chiến”. Tôi lập tức tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Trận đầu tiên của tôi diễn ra trước Cesena. Tôi, Pato và Ronaldinho trên hàng công, Robinho dự bị. Nhưng trận ấy thê thảm. Tôi cố quá sức nhưng không thành công. Đội thua Cesena và tôi bị báo chí chấm điểm kém. Quá đúng. Rồi trận tiếp theo với Lazio, tôi ghi được bàn nhưng lại bị gỡ trong những phút cuối. Không thể tin được.
Tôi vào phòng thay quần áo, đá bay tấm bảng mà HLV dùng để ghi chiến thuật, nó bay như một quả tên lửa và chạm vào một cầu thủ. Tôi đã hét lên: “Đừng chơi với lửa, nguy hiểm lắm”. Mọi người im lặng, họ hiểu ý tôi, không thể để thua những bàn vào phút chót để khiến cho nỗ lực cả trận đổ sông đổ biển được.
Sau đó mọi thứ tốt dần lên. Chúng tôi thắng liền 7, 8 trận và tôi luôn là người quan trọng nhất trận đấu. Lại là những tiếng hô “Ibra, Ibra…” quen thuộc của những ngày tháng trước đây. Tôi trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Nhưng tôi đã đủ già dặn để nhận ra: trong bóng đá bạn sẽ là thần thánh ngày này, nhưng lại là rác rưởi vào một ngày khác.
Trận đấu quan trọng nhất mùa – derby với Inter – đang đến ngày càng gần. Áp lực ngày càng tăng. Và tôi còn có vấn đề với một gã trong đội. Tên hắn là Oguchi Onyewu, người Mỹ, to như căn nhà. Tôi nói với một người bạn: “Sắp có chuyện lớn rồi đó nha, tôi có thể cảm nhận được điều đó”.