Tóm Tắt Nội Dung
Phần 2: Ibra & chiến tranh lạnh với gã Guardiola “rác rưởi”
BỊ GHÉT BỎ VÌ KHÔNG DỄ THƯƠNG HIỀN LÀNH
Thế là tôi gặp Pep để nói chuyện. Tôi đến với thái độ hết sức rõ ràng là chỉ muốn đối thoại chứ không phải choảng nhau. Tôi nói: “Tôi không muốn chiến tranh, chỉ cần một cuộc thảo thuận”. Pep gật đầu, nhưng trong ánh mắt có nét sợ sệt. Tôi bèn lặp lại: “Nếu ông nghĩ tôi đến kiếm chuyện thì cứ nói, tôi sẽ bỏ đi. Nhưng tôi thật sự muốn nói chuyện”. Hắn đáp: “Tốt thôi, tôi thích thảo luận với cầu thủ”.
“Thế tôi vào vấn đề nhé. Ông không sử dụng đúng năng lực của tôi. Nếu cần một trung phong ghi bàn, ông nên mua Inzaghi hay một ai khác. Tôi cần khoảng trống và được tự do. Tôi không thể chạy lên chạy xuống liên tục. Tôi nặng đến 98 kg và không có nguồn thể lực cho việc ấy”.
Hắn suy nghĩ, hắn lúc nào cũng tỏ ra trầm tư như vậy, rồi nói: “Tôi cứ nghĩ anh đá được như thế”. Tôi đáp: “Không, thà là cho tôi dự bị còn hơn. Nói thẳng nhé, tôi hiểu ông đang hy sinh tôi cho những cầu thủ khác. Điều này không ổn đâu. Giống như mua một chiếc Ferrari về và lái nó như một chiếc Fiat vậy”. Hắn lại suy nghĩ, rồi đáp: “OK, có lẽ tôi đã phạm sai lầm. Hãy để tôi sửa chữa nó”.
Nhưng không có gì thay đổi cả, chỉ có chiến tranh lạnh mà thôi. Sau buổi nói chuyện ấy, hắn gần như chả nhìn đến tôi. Tôi cũng không phải loại người quá để tâm đến những chuyện như vậy. Và bất chấp vị trí mới, tôi vẫn ghi bàn.
Làm khách của Arsenal tại Champions League, chúng tôi chơi lấn lướt hoàn toàn. Tôi ghi 1, rồi 2 bàn, đều rất đẹp. Khi ấy tôi nghĩ: “Mặc xác Pep, ta sẽ đi con đường của ta”. Nhưng khốn kiếp, hắn thay tôi ra. Arsenal lội ngược dòng và gỡ lại 2 bàn. Đúng là rác rưởi, rồi chấn thương đùi xảy ra.
Bình thường một HLV sẽ phải quan tâm đến những điều như vậy, Zlatan mà chấn thương thì đấy phải là chuyện nghiêm trọng ở mọi đội bóng. Nhưng Pep vẫn lạnh đá. Hắn không buồn nói với tôi dù chỉ nửa lời trong suốt 3 tuần. Một lời chào cũng không. Một cái nhìn cũng không.
Việc quái gì thế này? Tôi đã làm gì sai chứ? Tôi quái đản lắm sao? Tôi nói gì khùng điên à? Đầu óc tôi quay cuồng với những câu hỏi. Tôi nghĩ về nó nhiều đến mức không ngủ được. Tôi có cần hắn phải yêu tôi đâu, thù cũng được, nhưng phải có lý do chứ.
Tôi hỏi Thierry Henry, khi ấy đang phải ngồi dự bị. Đấy là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử ĐT Pháp, rất giỏi và thông minh, nhưng cũng gặp vấn đề với Pep. “Ông ta không chào tớ, thậm chí chả thèm nhìn, chuyện gì thế nhỉ?”, tôi hỏi. “Tớ cũng đếch biết”, Henry đáp.
Rồi Henry bắt đầu trêu tôi. “Này Zlatan, Pep chịu nhìn cậu chưa vậy?”; “Chưa, nhưng tôi thấy được lưng của ông ta rồi”; “Thế là có tiến bộ rồi chúc mừng nhé”. Tôi càng ngày càng mệt mỏi trong việc đi tìm câu trả lời. Tôi cố thử tiếp xúc, nhưng thấy tôi đến gần là hắn quay lưng đi. Trông có vẻ sợ sệt.
“MÀY CHẾT ĐI THẰNG KHỐN!”
Ngọn núi lửa tại Iceland phun trào khiến mọi chuyến bay tại châu Âu bị hủy. Khi ấy, chúng tôi phải làm khách của Inter tại bán kết Champions League. Barca quyết định đi xe bus theo ý kiến của một số thằng bại não ở đây. Tôi đã hoàn toàn khỏi chấn thương, nhưng hành trình thì rõ ràng là thảm họa. Chúng tôi mất 16 tiếng di chuyển đầy mệt mỏi.
Đấy là trận đấu quan trọng nhất của mùa bóng vào lúc ấy, lượt đi bán kết Champions League. Tôi đã sẵn sàng cho tất cả, những tiếng huýt sáo, la ó từ các Interista. Nhưng chẳng vấn đề gì, điều đó càng thôi thúc tôi đá sung hơn. Nhưng vấn đề là Pep dường như cực kỳ khó chịu với Mourinho.
Mourinho quả là một ngôi sao lớn. Ông ấy từng là HLV của tôi tại Inter. Lần đầu tiên gặp vợ tôi, ông ấy đã nói: “Helena này, cô chỉ có duy nhất một nhiệm vụ: cho Zlatan ăn thật ngon, để anh ta ngủ thật ngon và giúp anh ấy luôn vui vẻ”. Mourinho luôn nói những gì ông ấy muốn và tôi thích điều đó. Trông như tướng lĩnh của một đội binh vậy.
Tại Milan, Pep mở mồm với tôi sau thời gian dài:
– Cậu chơi được chứ?
– Đương nhiên.
– Cậu chuẩn bị rồi chứ?
– Rõ ràng, tôi khỏe mà.
– Nhưng đã sẵn sàng chưa? – Hắn hỏi như một con vẹt vậy.
– Nghe này, tôi có phong độ tốt, chấn thương đã qua và tôi sẽ cống hiến hết sức mình.
Hắn lại nhìn tôi nghi ngờ. Chẳng hiểu nữa. Tôi lại gọi cho Mino Raiola, tôi rất hay gọi cho anh ta. Ở Thụy Điển, cánh nhà báo gọi Mino là hình ảnh xấu cho Zlatan. Nhưng bạn muốn biết sự thật không? Mino là một thiên tài đấy. Tôi hỏi anh ấy: “Gã HLV muốn gì thế?”. Rồi chả ai trả lời được.
Nhưng rồi tôi cũng được đá chính và Barca dẫn 1-0. Nhưng hắn lại thay tôi ra phút thứ 60 và đội thua lại 1-3. Tôi thật sự nổi điên. Ngày trước tôi có thể chìm trong nỗi buồn thua trận nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Giờ thì tôi có Helena và bọn trẻ. Họ giúp tôi vượt qua. Tôi lại dành sự tập trung cho trận lượt về.
Trận ấy, chúng tôi thắng 1-0, nhưng không đủ và bị loại. Trong phòng thay đồ Pep nhìn tôi như thể đấy là lỗi của tôi vậy, hắn xem tôi là một vấn đề, một gã quái dị. Sau đó tôi không còn là một phần trong đội nữa. Trận gặp V illarreal hắn cho tôi chơi 5 phút. Có tin được không. Thà là nói: “Zlatan à, trình mày còn kém”. Thà là đàn ông như vậy đi.
Tôi điên quá. Phòng thay đồ khi ấy có nhiều người, tôi tia một cái thùng kim loại và đá thẳng về phía tên kẻ thù đang xoa cái đầu hói của mình. Chiếc hộp bay lên phải 3 thước rồi rớt xuống. Rồi tôi thét lên: “Mẹ kiếp. Mày không có bi. Mày đi chết đi thằng khốn”.
Tôi điên như vậy đó, và bạn chờ đợi Pep sẽ nói gì đó đại loại như: “Bình tĩnh, cậu đâu thể nói chuyện với HLV theo kiểu đó được”. Nhưng không, hắn vừa hèn nhát vừa yếu đuối, đến nhặt từng món cho vào hộp, như một tên lao công rồi rời khỏi phòng. Mọi người bắt đầu bàn tán xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng làm sao họ biết được khi chính tôi cũng không biết.
Rồi tôi nghĩ, mình 28 tuổi, đã ghi 22 bàn và có 15 đường kiến tạo tại Barca, vậy mà vẫn bị xem như không tồn tại. Không thể chịu được, không thể tiếp tục. Rồi tôi nhớ lại câu nói ngày đầu hắn gặp tôi: “Ở đây người ta không lái Ferrari và Porsche đến sân”. Tôi dẹp hết. Tôi nhảy vào chiếc Enzo và đậu ở cửa sân tập.
Báo chí xúm vào đập tôi, bảo tiền mua chiếc xe đủ trả lương cả tháng cho cả đội Almeria. Mặc xác, tôi chả quan tâm. Tôi phải trở lại là chính mình, là Zlatan Ibrahimovic. Bởi vì bạn phải nhớ đó: bạn có thể kéo đứa trẻ ra khỏi những điều xấu xa, nhưng không thể ngăn những thứ xấu xa ập vào đứa trẻ được.
———————————————
Mourinho cũng luôn để tâm đến cầu thủ của mình, trái ngược hoàn toàn với Pep. Mou là người thắp sáng một căn phòng, Pep là kẻ tắt đèn để mọi người sống trong tối.
Có vẻ như Pep không biết cách quản lý những cá tính mạnh. Hắn chỉ thích những kẻ dễ thương, hiền lành. Và khi đụng chuyện, hắn chạy trốn khỏi những vấn đề của chính mình. Hắn chả dám nhìn vào mắt đối phương và điều đó khiến cho vấn đề thêm tồi tệ. Với tôi, đúng là càng ngày càng tồi tệ.