Phần 3: Ăn trộm, nghịch phá & những sóng gió tuổi thơ
KẺ TRỘM ĐỒ CHUYÊN NGHIỆP
Anh trai muacho tôi một chiếc xe đạp BMX khi tôi còn nhỏ. Tôi gọi nó là Fido Dido. Fido Dido là một con quỷ nhỏ đáng yêu, y như một nhân vật hoạt hình vậy. Tôi từng nghĩ nó là thứ dễ thương nhất trên đời. Nhưng nó đã bị trộm mất bên ngoài một nhà tắm công cộng ở Rosengard.
Bố tôi đã đến đó với tay áo xắn lên và ngực áo phanh ra. Ông là kiểu người “Đừng thằng nào đụng đến con tao, đừng chạm vào đồ vật của nó”. Nhưng ngay cả một người đàn ông rắn rỏi như thế cũng không làm được gì trong tình huống này. Fido Dido đã mất rồi và tôi đã rất đau khổ.
Sau khi chiếc xe thân yêu bị trộm, tôi bắt đầu… đi trộm xe người khác. Tôi phá khóa xe một cách lành nghề. Bang, bang, bang, thế là chiếc xe trở thành của tôi. Tôi đã trở thành một tên trộm xe chuyên nghiệp và làm việc ấy với trí óc ngây thơ.
Có một lần tôi mặc đồ đen và lẻn ra ngoài vào buổi tối y hệt như Rambo. Tôi rất kết một chiếc xe đạp quân đội và đã cắt khóa nó bằng một chiếc kìm lớn. Chiếc xe hết xảy. Tôi đã cùng nó chạy qua những khu phố vào ban đêm và ném trứng vào cửa sổ nhà người ta. Cảm giác rất tuyệt, tất nhiên thỉnh thoảng cũng bị tóm.
Rồi một sự cố đã xảy ra tại khu mua sắm của căn hộ Wessels. Trời đang giữa mùa Hè mà bọn tôi mặc áo lạnh dày. Mối đứa giấu trong đó 4 cây vợt bóng bàn và mấy thứ nhỏ nhỏ mà mình giấu được. Nhưng một bảo vệ đã thấy điều đó: “Bọn mày chưa trả tiền cho mấy thứ này”. Tôi móc mấy xu lẻ ra và nói: “Trả nhiêu đây đủ heng”.
Tên ấy không có khiếu hài hước và chúng tôi đã bị một trận ra trò. Sau lần đó tôi quyết tâm phải ăn trộm… chuyên nghiệp hơn nữa. Và quả nhiên tôi đã thật sự lành nghề trong lĩnh vực này.
NGHỊCH NHƯ QUỶ VÀ NHỮNGTRẬN ĐÒN CỦA MẸ
Hồi bé tôi bị nói đớt và được giao cho một giáo viên phát âm. Một người phụ nữ đến trường và dạy tôi cách nói chữ “S”. Nhưng tôi thấy chuyện ấy nhảm nhí quá chừng, tôi chả chịu nổi và chạy đi mất. Khi chạy thật nhanh tôi có cảm giác là không điều tồi tệ gì có thể xảy ra với mình. Chúng tôi sống ở Rosengard ngoại ô Malmo và nơi đây đầy người Somalia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Ba Lan, nói chung là đủ loại dân nhập cư. Vì thế những người Thụy Điển như tôi rất vênh váo.
Cuộc sống gia đình tôi không hề chan hòa tình thương như những gia đình khác. Chả có ai hỏi: “Sáng giờ vui không Zlatan”, không một người lớn nào giúp bạn làm bài tập về nhà và hỏi xem liệu bạn có gặp vấn đề gì không. Chúng tôi tự giải quyết vấn đề của mình, không làm nũng hay rên rỉ với bất kỳ ai. Đã vậy còn có những tiếng chửi rủa và những trận đòn. Sống vậy cũng quen, nhưng đôi khi bạn cũng cần cảm giác được che chở, thương yêu.
Có một lần tôi rớt từ mái nhà của trường mẫu giáo xuống đất. Vừa khóc vừa chạy về nhà với đôi mắt bầm đen, tôi cũng hy vọng được nghe một lời an ủi. Nhưng làm gì có, chỉ có một cái tát vào mặt. “Mày làm cái quái gì trên mái nhà thế? Ngu vừa thôi chứ” chứ không phải là “Tội Zlatan của mẹ ghê”. Tôi đã ôm mặt chạy đi.
Những ngày ấy, mẹ tôi không có thời gian để ôm ấp vỗ về các con. Bà luôn dọn dẹp và làm đủ mọi cách để có tiền. Cuộc sống khiến mẹ tôi trở nên cứng cỏi, với cuộc đời và với chính con mình. Thay vì nói: “Cục cưng lấy cho mẹ miếng bơ nào”, mẹ tôi sẽ nói: “Uống sữa cho mau đi thằng đần”.
Mẹ hay đánh bọn tôi với cái muỗng gỗ và thỉnh thoảng nó bị gãy. Thế là tôi phải di mua cái mới cứ như cái muỗng gãy là lỗi của tôi vậy. Một lần tôi ném cục gạch vào trường mẫu giáo và làm bể cửa kính, mẹ tôi nổi giận (cứ tốn tiền là mẹ tôi giận). Thế là no đòn. Đôi khi mẹ đánh nhiều đến mức chả còn cái muỗng nào trong nhà, khi ấy mẹ thay thế bằng cái chày lăn bột. Những lúc ăn đòn, tôi hay chạy đến bên Sanela (chị ruột của Ibra).
Cũng có những lúc mẹ đóng sầm cửa lại và khóc một mình trong đó. Mẹ hay khóc. Tôi thương người mẹ phải làm việc 14 giờ/ngày của mình.
GIA ĐÌNH TAN VỠ
Bố mẹ ly dị khi tôi còn chưa đến 2 tuổi nên tôi chẳng nhớ gì cả. Có lẽ vậy cũng tốt. Mọi người bảo đấy không phải là một cuộc hôn nhân êm đẹp. Bố mẹ hay cãi vã, đánh nhau và thậm chí ban đầu họ kết hôn cũng chỉ để cho bố tôi được phép cư trú hợp pháp (bố của Ibra là người Bosnia, mẹ là người Croatia nhập cư vào Thụy Điển – PV).
Chúng tôi sống với mẹ nhưng tôi cũng nhớ bố. Bao giờ gặp bố cũng vui. Tôi và Salena cứ cuối tuần là được gặp bố. Ông thường đến rước chúng tôi trên chiếc Opel Kadett xanh dương và chở chúng tôi đi chơi, ăn hamburger và kem.
Một ngày nọ bố chơi sang và mua một cặp giày Nike Air Max, rất đắt tiền. Của tôi màu xanh và của Sanela màu hồng. Cả Rosengard chả ai có, chúng tôi mê mẩn lắm. Chúng tôi càng thương bố hơn. Ông có việc làm ổn định và có duy nhất thêm một đứa con trai riêng nữa: Sapko.
Mùa Thu năm 1990, cuộc sống gia đình tôi bắt đầu hỗn loạn. Một người chị cùng mẹ khác cha của tôi dính vào ma túy và bị quản thúc tại nhà. Ngày nào cũng có những cuộc điện thoại đến kiểm tra. Một lần khác, mẹ tôi bị bắt vì tội tàng trữ đồ gian. Một vài người bạn đến và nhờ mẹ tôi giữ hộ mấy sợi dây chuyền. Mẹ tôi cứ giữ mà không biết đấy là hàng ăn cắp. Cảnh sát đã đến và bắt mẹ tôi đi. Lúc ấy chỉ là một cảm giác bất lực khó tả: “Mẹ đâu rồi? Vì sao họ lại bắt mẹ đi”.
Tôi và chị Sanela học trường Varner-Ryden. Sanela lớp 5 còn tôi lớp 3. Trong lúc Zlatan là siêu quậy thì Sanela rất ngoan. Tinh thần trách nhiệm buộc chị phải luôn cư xử tốt. Vì thế tôi rất lo khi cả 2 chị em đều bị gọi lên phòng hiệu trưởng cùng lúc. Chẳng lẽ có ai trong nhà chết sao? Có chuyện lớn rồi sao? Bụng tôi như thắt lại khi bọn tôi bước qua những hành lang. Nhưng khi bước vào phòng hiệu trưởng và thấy bố ngồi trong đó, tôi lại cảm thấy vui vẻ. Lúc nào bố cũng đi liền với những niềm vui.
Rồi chúng tôi cũng biết lý do của cuộc gặp gỡ ấy. Bộ phận điều tra dịch vụ xã hội đã hoàn tất công việc của họ cho việc xử ly hôn. Kết quả là bố tôi giành được quyền nuôi con. Người ta xác định môi trường sống với mẹ là không tốt. Tất nhiên là chỉ có chúng tôi hiểu được thực hư thế nào. Nhưng đấy là phán quyết của tòa.
Mẹ tôi gần như sụp đổ vì mất con. Mẹ đã khóc, tất nhiên rồi. Mẹ đã dùng muỗng đánh chúng tôi, không lắng nghe chúng tôi nhưng chúng tôi chẳng bao giờ trách mẹ. Mẹ đã gặp bất hạnh với người đàn ông của mình. Mẹ không có tiền nhưng mẹ yêu những đứa con của mẹ dù cuộc sống của mẹ rất chật vật.
Trước sự kiện ấy, Sanela chỉ biết khóc, còn tôi thì chạy ra đường chơi bóng. Tôi chơi mọi lúc mọi nơi, cũng không ít lần đánh nhau với lũ bạn. Bóng đá chính là nơi để tôi xa lánh những vấn đề trong cuộc sống.