Chẳng đi đến đâu
Khoảng một tiếng rưỡi trước các trận đấu tại Highbury thường là thời điểm các cầu thủ Arsenal cập bến Cảng Chelsea, nơi huấn luyện viên lựa chọn để cả đội dùng bữa trước khi thi đấu, và làm một chuyến hành trình ngắn ngang qua khu trung tâm. Dừng xe trước lối vào đường Avenell, các học trò bước chậm rãi theo ông thầy của họ trên hành lang cẩm thạch, trong sự đón chào của đám đông cổ động viên đã kiên nhẫn chờ đợi phía sau rào chắn. Đặc biệt, những cô bé cậu bé còn không diễn tả hết sự vui sướng khi được gặp mặt các người hùng của chúng. Chúng sẵn sàng hò hét khản cổ chỉ để nhận được những cái gật đầu hay vẫy tay đáp lại của một danh thủ nào đó trên đường. Tại Emirates, chiếc xe buýt của đội bóng với hàng cửa sổ chắn kính đen đã có mặt tại lối vào đường Hornsey.
Vào những ngày âm u, khán giả chỉ có thể nhìn thấy những chiếc bóng của hành khách bên trong hắt lên ô cửa, trước khi cánh cổng điện mở ra và dẫn đường cho chiếc xe buýt vào trung tâm sân vận động. Họ dừng ngay trước lối vào dành cho cầu thủ và phòng thay đồ với không một bóng cổ động viên nào xung quanh. Đội hình ‘Không Thể Đánh Bại’ năm 2004 đã trở thành đội hình ‘Không Thể Chạm Đến’ ngày hôm nay.
Trong cuộc di dời đến ngôi nhà mới, khoảng cách giữa cổ động viên và các cầu thủ đã bị nới rộng thêm. Trong đó, khoảng cách vật lý giữa hai nhóm đối tượng, sự chênh lệch thái quá giữa khoản lương trả cho giới cầu thủ và thu nhập của những người làm công đã chứng tỏ một điều: nhiệt huyết gắn liền với bản sắc chiếc áo đấu đã không còn như xưa. Những ngày Charlie George – người đã là tín đồ của đội bóng từ khi còn là một cậu bé ở khu North Bank – còn khoác lên chiếc áo đấu Arsenal với vẻ tự hào, thể hiện mối giao kết mật thiết giữa số đông cầu thủ và người hâm mộ nay đã chìm sâu vào quá khứ.
Tiếc thay, Arsène Wenger lại ủng hộ thực trạng này, và quyết tránh xa mọi phiền nhiễu có thể ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu. Ông chỉ có một mục tiêu duy nhất – trong quá trình tôi luyện hình ảnh mới cho Arsenal, là lợi dụng mối ràng buộc để làm dịu bớt âm thanh huyên náo của đám đông cổ động viên trên khán đài. Bản thân Wenger cũng là hình ảnh phản ánh không khí đặc biệt trên sân cỏ nước Anh. “Lần đầu tiên đến Anh,” ông nhớ lại, “tôi đã xem một trận đấu tại Anfield [giữa Liverpool và Manchester United] và thật sự bị sốc. Tôi đã không biết bóng đá có thể đem lại nhiều cảm xúc đam mê đến thế.” Tiếc thay, chính ông lại vô tình làm xói mòn thứ nhiệt huyết gắn kết ấy giữa khán giả và cầu thủ, bằng cách duy trì sách lược nghiêm cấm mọi tác động bên ngoài đến các học trò. Tất nhiên, ông không chủ tâm đào sâu hố ngăn cách giữa hai phía, nhưng với mong muốn kiểm soát tất cả, ông đã lờ đi mọi giá trị quảng bá có lợi từ lối chơi của các cầu thủ. Có lẽ đến khi nào dòng người hâm mộ vẫn còn tràn vào cổng sân vận động, thì mối dây liên kết trung thành vẫn có thể được tháo rời và tạm gác sang một bên.
Thứ Năm, ngày 20 tháng Bảy năm 2006, câu lạc bộ đã tổ chức sự kiện được gọi là ‘Ngày hội thành viên’ tại Emirates. Đó là trận đấu thứ hai trong ba trận thử nghiệm được sắp xếp trước vòng đấu chính thức đầu tiên. Do không phải trả tiền vé, nên dù số lượng đã được giới hạn thông qua thể thức đăng ký phức tạp, vẫn có hàng nghìn cổ động viên được chào đón đến sân vận động, và được chứng kiến các cầu thủ tập luyện trên mặt sân còn thơm mùi cỏ mới. Tuy nhiên, do các quy định về tiêu chuẩn an toàn, đội bóng chỉ sử dụng khu khán đài ở tầng trên, do vậy đã cách ly khán giả khỏi chỗ ngồi ưa thích của họ. (Hai buổi đấu tập khác từng được sắp xếp tại Highbury cũng giới hạn khán giả ở tầng khán đài phía trên.) Thêm vào đó, do gần ba tuần nữa vòng chung kết World Cup tại Đức mới kết thúc, nên chỉ có 4 trong số 16 gương mặt hàng đầu của Arsenal xuất hiện trên sân (bao gồm hợp đồng mới Tomas Rosicky, Kolo Toure, Emmanuel Eboué và Emmanuel Adebayor), và họ cũng tách riêng phần tập luyện với các đồng đội khác, bao gồm các cầu thủ dự bị trong đội hình một và các tài năng trẻ, gồm cả những chàng trai còn nhiều bỡ ngỡ chỉ mới vào sân lần đầu. Vẫn còn hai lối vào khác được bổ sung qua cửa hàng lưu niệm của câu lạc bộ, do chính giám đốc điều hành Keith Edelman sắp đặt – dù không nhận được lời cảm kích nào từ các cầu thủ trẻ – sau khi dính vào một vụ rắc rối với đội bảo vệ trên sân.
May mắn cho Edelman, toàn bộ khán giả đều không nhận ra hai lối đi khi họ xếp hàng mua sắm tại quầy lưu niệm, và cũng không bất ngờ khi chẳng có ai nhận ra chúng từ phía trong, do mọi ánh mắt đều bị các tình huống nảy lửa trên sân thu hút.
Buổi tập luyện kết thúc với một pha sút bóng yếu ớt về phía khu khán đài tầng trên, như muốn tặng cho số đông cổ động viên trên đó một món quà. Cùng với sự chán nản khi phải chứng kiến chiến thuật chiếm lĩnh sân đấu thiếu hẳn đi những pha tranh chấp nhằm giành quyền kiểm soát bóng, Wenger cũng không khỏi phật lòng khi hầu hết các vị trí của ông đều không qua được mức ‘khá’, với đa số các đường bóng đều chệch mục tiêu và lao thẳng vào khu khán đài phía dưới.
Tuy màn trình diễn nhạt nhòa đã khiến hàng nghìn khán giả thất vọng rời sân mà chẳng xem được gì, nhưng chính thất bại trong mục tiêu luyện lập đã chỉ rõ sự khác biệt giữa đội hình Arsenal 2006 với hàng thủ quét ‘hình chữ chi’ vốn là ‘đặc sản’ trong thời hoàng kim của George Graham. Mặc dù vậy, mục tiêu quảng bá đã thất bại thảm hại. ‘Ngày đặc biệt’ đã phô diễn bộ mặt không tốt của đội bóng, khác xa những gì đối thủ của họ nhận được. Tại Stamford Bridge hay White Hart Lane, cổ động viên không những tràn ngập khán đài, mà các cầu thủ còn sẵn sàng chụp ảnh và ký tặng với người hâm mộ dọc đường biên. Vào ‘ngày hội thành viên’ thứ hai, khu khán dài dưới cuối cùng cũng mở cửa để công chúng có thể tiếp cận trận đấu gần hơn.
Thế nhưng, vẫn không có sự tương tác nào. Thậm chí trong một ngày thứ Hai tháng Mười hai đẹp trời, khi đội hình chính thức vừa dưỡng sức sau kỳ nghỉ cuối tuần tập hợp lại và ngồi quanh vòng tròn trung tâm, họ cũng chỉ hướng mắt đến các nhân công đang chuẩn bị cho Carling Cup, chứ chẳng đoái hoài đến khán giả đang trông ngóng. Tất nhiên, họ chỉ đơn giản tuân theo mệnh lệnh của huấn luyện viên: Không tỏ ra thân mật!
Đó dường như là một buổi tập được truyền trực tiếp từ London Colney, chứ chẳng có chút tương tác nào với khán giả trên sân cả.
Nếu tập luyện là cách làm nóng nhằm chuẩn bị cho phong độ tốt nhất của toàn đội vào mọi thời điểm, thì sân tập chính là nơi làm việc của Wenger, và các thiết bị chính là công cụ của ông. Là một người cầu toàn trong công tác chuẩn bị, hiển nhiên, ông nhất định sẽ bàng hoàng trước chất lượng yếu kém của toàn đội hình khi vừa tiếp quản đội bóng. Arsenal dường như chưa bao giờ thật sự làm chủ khu tập luyện của họ. Một mặt bằng thuê từ Đại học Cao đẳng London tất nhiên sẽ khác xa sân tập được đầu tư chu đáo của Monaco tại La Turbie trên những ngọn đồi xứ Nice quen thuộc; sau 18 tháng dẫn dắt tại Grampus Eight, chẳng có gì khiến ông tiếc nuối.
Huấn luyện viên đã nâng cấp cơ sở vật chất tại Arsenal một cách thuận lợi, khiến học trò của ông bắt đầu đùa cợt rằng chính ‘Arsène Wenger’ phải chịu trách nhiệm cho ngọn lửa thiêu rụi phòng thay đồ cũ. Trong một cuộc phỏng vấn với Remi Garde, một trong những hợp đồng đầu tiên của ông tại London nhân dịp một hãng truyền hình Pháp kỷ niệm 10 năm phục vụ của ông tại Highbury, danh thủ một thời đã đặt câu hỏi với giọng nói ấp úng trong miệng: “Ông còn nhớ đã từng thiêu cháy một công trình cũ để dựng nên cái mới không?” “Hôm nay tôi có thể cam đoan với anh”, Wenger trả lời, “đó hoàn toàn là một tai nạn. Chính vụ cháy đó đã đem lại vận may và giúp xúc tiến công cuộc xây dựng trung tâm tập luyện mới và phát triển đội bóng.” Điều chưa được tiết lộ chính là Wenger đã xây dựng thành công một đế chế bí mật cho riêng mình, tránh xa những cặp mắt tọc mạch và những kẻ ngoài cuộc chỉ tỏ ra nhã nhặn khi có điều cần cầu xin.
Ông còn nắm được một vận may khác khi tiếp nhận một món quà hào phóng hiếm hoi từ Real Madrid – với trị giá 23 triệu bảng nhằm đổi lấy sự phục vụ của Nicolas Anelka vào năm 1999. Không ai biết chính xác số tiền đó đã đi đâu, nhưng đội thi công đã ngay lập tức vào cuộc. Một năm sau, nhờ sự hỗ trợ của một cổ động viên Arsenal, bộ trưởng thể thao Kate Hoey, bộ phận kỹ thuật đã sắm được một phòng nghiên cứu vô giá cho riêng họ.
Trước hết, sẽ có 10 sân đấu đúng chuẩn có thể khiến mọi sân tập tại Giải Ngoại hạng phải ghen tỵ; trong đó, có 2 sân được trang bị hệ thống làm ấm dưới mặt cỏ và được đảm bảo ở mức 17° C. Nhờ thế, sẽ không còn buổi tập nào bị trì hoãn, thậm chí trong điều kiện thời tiết cắt da cắt thịt. Mỗi sân đấu chỉ được sử dụng tối đa 5 ngày liên tiếp, và cần dành thêm 10 ngày để bảo dưỡng. Các sân tập còn được bổ sung thêm phòng tập thể hình, một hồ thủy liệu và trung tâm y tế, một nhà hàng thượng hạng, phòng thay đồ và khu hành chính. Mỉa mai thay, nơi tọa lạc của một trung tâm tráng lệ như thế lại chẳng khác nào một tảng đá xấu xí còn sót lại của sân tập cũ, nhưng đã được đổi mới từ phong cách hiện đại đến quy mô toàn diện.
Với một khu phức hợp được thiết kế nhằm đáp ứng toàn bộ nhu cầu của đội hình một, của đội dự bị và đội trẻ, đồng thời để đơn giản hóa trách nhiệm của ban huấn luyện và các cầu thủ ở nhiều cấp độ khác nhau, Arsène đã “gần như chết cứng”. Không có nhiều điều phải bận tâm đối với thứ nghi thức kiểu cách này, ngoại trừ việc các tay pha trà truyền thống cứ thêm đường vô tội vạ theo cách uống ưa chuộng của người Anh, còn phong cách hiện đại thì luôn hạn chế tối đa chất ngọt khỏi thực đơn. Các chuyên gia dinh dưỡng và đầu bếp cũng gia nhập đội ngũ chuyên gia y tế và rèn luyện thể chất, nhằm đưa ra các chế độ ăn uống lành mạnh được đích thân Wenger giám sát.
Tuy nhiên, trong lúc mọi nhu cầu của cầu thủ đều được ưu tiên – họ còn được phép sử dụng các phòng thay đồ riêng tư, rộng rãi và thoải mái – thì văn phòng của ‘giáo sư’ chỉ vừa đủ rộng để đáp ứng các chức năng cần thiết. Khi một vị khách ghé thăm tỏ ra ái ngại về nơi chốn xoàng xĩnh của ông, Wenger đã bật cười: “Tại sân vận động tôi còn sống khiêm tốn hơn thế này.” Năm 2003, ông đã chia sẻ: “Tôi chỉ biết rõ ba nơi ở London: Nhà tôi, sân Highbury và sân tập luyện.” Và chính sân tập luyện là nơi tiêu tốn của ông nhiều thời gian nhất. Để lại các vật dụng thường ngày, ông trải qua hàng giờ nghiền ngẫm trong không gian buồn tẻ trông ra bãi đỗ xe, với những tấm ảnh của “những chàng thủ quân nhiệt huyết” – theo lời ông chia sẻ – Adams, Vieira và Henry treo trên tường. Căn phòng được chia làm hai, với một bàn làm việc lớn và chiếc sô-pha ba chỗ ngồi là điểm nhấn của mỗi phần. “Chiếc ghế dành cho việc thỏa thuận, còn chiếc bàn dành cho việc chấp thuận [các hợp đồng]”, Wenger giải thích.
Cho đến ngày chuyển đến ngôi nhà mới vào tháng Mười hai năm 2010, ông đã có văn phòng thứ ba tại nơi ở cũ Totteridge, nơi thậm chí còn bé hơn hai văn phòng trước đó, và còn là căn phòng ưa thích của vợ và con gái ông khi họ cần dùng máy tính. Món đồ duy nhất liên quan đến bóng đá tại đây là một chiếc áo đấu với chi chít chữ ký của các cầu thủ cùng dòng chữ đề tặng ‘Arsène 50’, món quà từ các học trò nhân ngày sinh nhật của ông. Từ phía bên ngoài, nơi duy nhất có thể nhận ra người chủ của ngôi nhà xinh xắn này, mà không bị mặt đường rộng rãi chắn ngang, chính là ba chiếc chảo vệ tinh cùng dòng chữ dè dặt ‘Vì Arsenal’ như hô hào đặt trước cửa sổ phòng ngủ tầng trên. Tuy nhiên, ngay khi sự thật này được công chúng phát hiện, chủ nhân ngôi nhà đã vội vàng gỡ bỏ dòng chữ đó.
Perter Hill-Wood một lần đã nhấn mạnh, “Tôi không biết ông ấy làm gì với tiền của mình, dù chỉ có Chúa mới biết chúng tôi luôn trả đủ cho ông ấy.” Giờ đây, ít nhất Hill-Wood cũng biết một phần số tiền đó đi về đâu. Sau khi được một số tờ báo lá cải đưa từ trang cuối lên trang nhất do hệ lụy của vụ việc họ gọi là bê bối tình ái, nhà Wenger nhận ra chốn riêng tư của họ đã bị xâm phạm. Do vậy, họ đã chuyển nhà xuống khoảng 1km và gia nhập khu dân cư cao cấp được bảo hộ riêng, nhờ vào những tấm séc bạc triệu của Wenger.
Dù sống tại đâu, thì chính sự khác biệt trong sinh hoạt gia đình đã mang đến cho người đàn ông trụ cột cơ hội thoát khỏi những trầm uất và căng thẳng của công việc huấn luyện nhiều áp lực, gắn liền với vẻ hào nhoáng quá sức chịu đựng của ánh đèn truyền thông. Thứ Wenger đánh mất sau một chuỗi tháng ngày căng thẳng và mệt mỏi chính là thái độ điềm tĩnh ông vẫn thường thể hiện trong những năm tháng tươi trẻ tại Nhật Bản, cùng sự thanh thản ông cảm nhận từ quốc gia này. Giờ đây, những cử chỉ của ông chỉ phản ánh một nhân vật đã chịu đựng quá nhiều áp lực phải mang về biết bao thành tựu tốt đẹp, đồng thời phải thỏa mãn kỳ vọng của bao người. Thế nhưng, ông không mang những rắc rối ấy về nhà. Chính sự hiện diện của con gái ông, Laura, thiên thần bé nhỏ chẳng hề ái ngại trước tính khí thất thường của cha mình, đã mang lại hơi thở trong lành giúp cân bằng lại nhịp sống của ông, giúp ông thư giãn và tận hưởng thời gian cùng gia đình. Khi xao lãng, ông có thể đọc tiểu sử các danh nhân và tự thách mình ném quả bóng cam vào chiếc rổ lắp sau vườn, đồng thời cũng tự mình hoàn thiện các cú ném và tự giải tỏa căng thẳng. Thế nhưng, chiếc màn hình khổng lồ đặt tại trung tâm khu nhà được mở sẵn ở các kênh Canal+ hay Sky Sports, đã chứng minh bóng đá không chỉ là công việc, mà còn là niềm đam mê của ‘ngài giáo sư’. Gia đình cũng thấu hiểu và chấp nhận việc ông dành hàng giờ trước màn hình lớn, mà chẳng màng chuyển kênh lấy một lần.
Gần 24 giờ sau trận tứ kết Champions League khốc liệt với Liverpool và bị loại khỏi cuộc chơi năm 2008 – một trong những thất bại lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông, Wenger vẫn xuất hiện một cách bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra khi về nhà nghỉ ngơi cùng gia đình. Mặc dù vậy, khi được hỏi về việc lựa chọn các cầu thủ cho trận cầu quyết định danh hiệu vô địch tại Old Trafford 4 ngày sau đó, ông đã trả lời, “Tôi không có ý kiến.” Với ông, đó là công việc của ngày mai và ngày mai có thể chờ đợi. Vợ ông, Annie chính là người đóng vai trò to lớn trong việc gìn giữ không khí ấm cúng trong gia đình – thứ tài sản quý giá mà vật chất không thể mua được. Các mối quan hệ đều được dàn xếp ổn thỏa, và Wenger vẫn chuộng cách sống kín đáo ít va chạm với bên ngoài hơn.
Annie Wenger là một phụ nữ quyến rũ và duyên dáng, một hình ảnh mẫu mực cho nét thanh lịch đến từ nước Pháp. Bà đã chứng tỏ mình là mảnh ghép hoàn hảo của đức lang quân khi nhận lời mời từ ban giam đốc đến tham dự buổi tiệc khánh thành bức tượng bán thân của ông tại AGM năm 2007. Nhằm nhấn mạnh những cống hiến lớn lao ông đã đóng góp cho Arsenal, nhà điêu khắc đã giữ lại những đường nét biểu trưng vốn được dùng để vinh danh một huyền thoại huấn luyện khác của Arsenal, Herbert Chapman – một tác phẩm dành cho quan khách chiêm ngưỡng từ đại sảnh sân Highbury. Wenger đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến sự hiện diện của vợ mình khi bà được chào đón bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt. Chỉ trong chốc lát, bà đã chiếm được cảm tình của các cổ đông khi tiếp chuyện họ trong buổi tiệc nhẹ, sau những nghi thức rườm rà của sự kiện chính. Khi đó, chồng bà còn đang mải làm dáng chụp ảnh và ký tặng cho vô số cổ động viên như một thông lệ tại AGM.
Trở về nhà, Wenger đã thấy mình xuất hiện trên The Daily Mail và L’Equipe. – hai tạp chí tiếng Pháp ra hàng tuần. Dù không ngại chất vấn với báo giới trong các buổi họp báo hàng tuần, ông cũng không rõ và không quan tâm những gì họ nói về ông, ngoại trừ chấp nhận một sự thật rằng mọi điều ông nói sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những dòng tít cơ hội.
Dù cố ý hay không, ông cũng đã tự bôi xấu hình ảnh của mình trước công chúng. “Vâng – tôi là kẻ thua cuộc thảm hại,” ông nói, “Tôi đã nghe thấy điều đó. Tôi thậm chí nghĩ vợ tôi cũng sẽ đồng tình với các anh rằng tôi là kẻ thua cuộc thảm hại. Nhưng tôi luôn tranh đấu vì công bằng. Điển hình như trận thua 4-0 của chúng tôi trước Manchester United [trong khuôn khổ Cúp FA – tháng Hai năm 2008], tôi đã không có lời bình luận nào. Nhưng khi chúng tôi thua cuộc sau chuỗi 49 trận [bất bại], tôi không thể đồng tình với cách trận đấu diễn ra. Hiện nay, điều khó khăn đối với một môn thể thao hiện đại đó chính là anh không thể đưa ra quá nhiều lựa chọn; chỉ một lựa chọn duy nhất được quyết định và các dòng tít sẽ xoay quanh lựa chọn đó. Ví dụ trong trận đấu với Wigan [hồi tháng Ba năm 2008], chúng tôi đã không thể chiến thắng. Tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi đã không chơi đúng sức trong tất cả các trận đấu, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, đã thiếu đi những pha bóng tỏa sáng và khiến thế trận trở nên tồi tệ. Tôi đã cố gắng chứng tỏ phẩm chất của đội bóng với Wigan nhưng điều đó đã không thể xảy ra. Và điều tồi tệ nhất đối với anh chính là anh đã rơi vào tình thế khiến anh không thể tiếp tục đưa ra những tuyên bố công bằng. Vì họ [báo chí] sẽ vắt kiệt từ lời tuyên bố của anh với những yếu tố có thể thỏa mãn khán giả.
Khi David Dein vẫn còn tại vị, ông và phòng truyền thông sẽ sẵn sàng chỉ dẫn tường tận cho Wenger nếu cảm thấy cần thiết. Không như đồng nghiệp cũ, Dein sẽ đọc ngấu nghiến tất cả những gì báo giới cung cấp, do đó, không gì có thể thoát khỏi cặp mắt diều hâu của ông, và thường những tay kí giả viết sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm cho sai phạm bị vạch trần của họ. Theo quan điểm của ông, danh tiếng của Arsenal quá trong sạch đến mức không thể chất chứa nỗi phẫn uất nào. Khi tờ Newsnight đặt câu hỏi về bản chất mối quan hệ giữa Arsenal và đội bóng Bỉ Beveren, Dein đã tiến hành một cuộc điều tra vì một lời lăng mạ mang tính cá nhân phản đối cách làm việc của câu lạc bộ, mà hầu như quên sạch những bản hợp đồng “giá hời” với Anelka và Fàbregas. Sau cùng, hãng BBC Sports cũng tỏ ra lạnh nhạt, như thể họ chẳng có gì phải làm với vụ việc của Newsnight. Trong tâm trí ông, vị phó chủ tịch vẫn luôn cho rằng ông có thể phát biểu một cách thoải mái và nhường lại tấm lá chắn dư luận cho ban truyền thông, những người tiếp quản công việc từ ông.
Nhận thức được vai trò của họ đối với hình ảnh câu lạc bộ, ban truyền thông của Arsenal đã xem mình như ‘tổ thẩm tra’ phụ trách những vấn đề điều tiếng của câu lạc bộ. Tại bất cứ đâu, những lời chỉ trích cũng không được dung thứ, và những kẻ cung cấp tin xui xẻo tội nghiệp từng đưa ra các bình luận không thể chấp nhận hay các phóng viên không thể chứng thực phát ngôn của họ một cách thuyết phục sẽ tự chôn vùi sự nghiệp của mình.
Những ai dám cả gan tiến xa hơn và trực tiếp phê bình ban truyền thông sẽ sớm nhận ra đó là cách nhanh nhất để bị kỷ luật. Kiến nghị lên UEFA cũng không thể giảm nhẹ án phạt của họ. Chỉ có những phóng viên bóng đá tầm cỡ ở các hãng thông tấn quốc gia mới phần nào thoát được bàn tay công lý. Và thậm chí, ngay cả một ‘đứa con cưng’ của đội bóng cũng không phải ngoại lệ. Khi Alan Smith, với vai trò chuyên gia thể thao của Sky, dám mạo hiểm quy kết trách nhiệm cho cả hai bên trong cuộc ẩu đả tại Old Trafford năm 2003, các hợp đồng đưa tin tiếp theo của anh đã lập tức bị hủy bỏ và anh cũng trở thành kẻ bị ghẻ lạnh trong nhiều tháng trời. Đối với nhiều cổ động viên, đây chỉ là tai tiếng nhỏ: “Anh ta đã bám váy Sky và đánh mất lập trường,” một người kết tội, “và thế là tội chồng thêm tội.”
Sau cùng, khi vị chủ tịch đứng ra chịu trách nhiệm cho hình ảnh câu lạc bộ trước công chúng, David Dein vẫn đề xuất cho ban truyền thông tiếp tục vạch trần các vụ việc bất công xảy ra với Arsenal. Thế nhưng, ông cũng bất đắc dĩ phải trực tiếp nhúng tay nhằm ngăn chặn những lời chỉ trích về họ. Một lần, ông đã nhận được cuộc điện thoại từ trưởng ban truyền thông về một vụ việc có nguy cơ đổ vỡ, khi công chúng chứng kiến một trong các tiền đạo của đội bóng đánh đập bạn gái của anh ta. Nhằm nỗ lực xoa dịu tình hình, ông đã vặn ngược câu hỏi một cách văn vẻ: “Thế các anh muốn tôi làm gì? Chẳng phải anh ta là một ‘chân sút’ sao?” Ngay đến Wenger cũng quyết định làm lơ những tai tiếng vụn vặt, không phải vì những vụ việc đó nằm ngoài thẩm quyền của ông, mà chúng sẽ làm gián đoạn công việc đang tiến triển tốt. Ông thừa nhận, “David đã nhận lãnh những trách nhiệm đê hèn [như thỏa thuận với các đại diện] giúp cho tôi.” Điều đó cũng phù hợp với mục tiêu của Dein tại ban truyền thông nhằm kiểm soát các sự kiện, thậm chí nếu ông lường trước được việc xử lý chúng sẽ rất khó khăn. Nhưng vận may rồi sẽ giúp họ nếu họ tận tâm vì câu lạc bộ.
Wenger, như mọi khi, là người quan tâm nhất đến những gì xảy ra trên sân cỏ. Đôi khi, nếu ông có thể nhìn lướt qua dáng vẻ của chính ông ngoài đường biên, ông sẽ tự cảm thấy kinh ngạc. Khi xem lại những điểm nhấn hay những pha quay chậm trong các trận đấu của Arsenal qua truyền hình, ông sẽ nhận thấy một dáng người đang kích động ngoài đường biên, và quan sát trò hề của chính mình với vẻ ‘không thể tin được’. Trong những thời điểm khó khăn, ông cũng ý thức được phải nỗ lực hơn để áp lực không thể đánh gục ông. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng thành công. “Tôi thường rất điềm tĩnh,” ông chia sẻ, “nhưng tôi lo rằng với những người vốn điềm tĩnh như tôi, một khi cảm xúc đã bộc phát thì sẽ rất kinh khủng.” Khi một trong những tình huống hiếm hoi trên thật sự xảy ra, một thành viên trong ban truyền thông đã phải tiếp nhận những lời lẽ phản hồi cay độc khủng khiếp, sau khi một vụ việc ngoài mong đợi đã dẫn đến phong độ tồi tệ của đội bóng tại một đêm đấu sớm trên sân khách trong khuôn khổ Champions League. Wenger luôn cố gắng trở về nhà càng sớm càng tốt sau trận đấu, do vậy, ông đã vô cùng bực tức khi cả một bữa tiệc phải chờ đợi một cầu thủ duy nhất kết thúc bài phỏng vấn với một kênh truyền hình địa phương.
Các buổi họp báo trước trận đấu của Wenger thường được tổ chức ngay tại trung tâm tập luyện. Chúng thường được bố trí ngay sát bên phòng ăn của các cầu thủ; nhưng với cách sắp xếp như thế, không thể tránh được việc những người tham gia trong cả hai sự kiện sẽ chạm mặt nhau. Và rủi ro từ những hành động thân mật khi đó sẽ vượt quá những gì ban truyền thông có thể đảm bảo. Do đó hiện nay, các sự kiện truyền thông của đội bóng đều được tổ chức tại một khu riêng biệt đối diện với bãi đỗ xe để tránh những nguy cơ có thể xảy đến với các cầu thủ.
Công bằng mà nói, thật khó cho ban truyền thông khi phải yêu cầu các siêu sao làm bất cứ điều gì mà không có chỉ thị trực tiếp từ huấn luyện viên. Các cuộc phỏng vấn lại thường xuyên gắn liền với các nghĩa vụ tài trợ cá nhân, và thật khó khi phải thuyết phục các cầu thủ dành chút thời gian, dù là cho hoạt động truyền thông của chính câu lạc bộ.
Các Pháo Thủ còn dễ dàng lặn mất tăm khi nhắc đến các nghĩa vụ ‘thương mại và xã hội’. Một hợp đồng tiêu chuẩn của Giải Ngoại hạng Anh đã chỉ rõ các nhiệm vụ liên quan đến công tác phục vụ lại câu lạc bộ (như các buổi ký tặng tại quầy lưu niệm của đội bóng) hay xúc tiến các chiến dịch quảng bá liên quan (điển hình như ghé thăm các trường viện nhằm chứng nhận cho phong trào Chống Phân Biệt Chủng Tộc Trong Bóng Đá) phải được hoàn thành ít nhất 4 giờ trong tháng. Thế nhưng, cũng giống như hầu hết các câu lạc bộ khác, Arsenal thật sự không quá khắt khe khi triển khai các quy định này. May ra họ mới có thể lấy được 4 tiếng mỗi mùa từ các danh thủ trong một vài hoạt động trên. Vì vậy, khi Trung tâm Hỗ trợ Cổ động viên được bổ sung trong cửa hàng All Arsenal – ngay phía dưới tòa nhà Highbury House – và chính thức hoạt động với sự hiện diện của vô số cổ động viên tên tuổi, đội trưởng Pháo Thủ những năm thập niên 80 – Kenny Sansom – và hậu vệ trái Justin Hoyte đã đích thân cắt băng khánh thành. Các ngôi sao dường như có nhiều việc thú vị hơn là gặp gỡ công chúng. Họ có thể tuyên bố tình yêu đối với câu lạc bộ và cổ động viên, sẵn sàng hôn lên chiếc phù hiệu để chứng tỏ lòng trung thành; thế nhưng, lời nói và cử chỉ của họ sớm muộn cũng trở nên giả dối khi họ bị buộc phải trả lại những lợi ích mà các đại diện và lương tâm của họ cho rằng họ không đáng phải hàm ơn.
Khi đội bóng sắp xếp bữa tối thường niên cuối mùa giải để gây quỹ cho các hoạt động từ thiện được chỉ định trong năm, chỉ có các tấm vé hạng sang được bán ra, và Arsène Wenger cùng đội hình chính thức của ông sẽ xuất hiện như sự kiện chính. Mỗi khán giả sẽ phải trả mức giá tương đương 2.000 bảng nếu muốn nhận được lời chúc cá nhân từ Wenger và tham gia cuộc trò chuyện sau bữa tối với đội hình một. Tuy vậy, ban truyền thông vẫn phải tổ chức sự kiện trong lo sợ, rằng các cầu thủ sẽ không ngại ngần giở thói kiêu căng. Chỉ có một số ít tên tuổi được cho là rộng lượng vào thời đại của họ – như Gaël Clichy, Johan Djourou hay Theo Walcott – một thực trạng đáng buồn khi xuất hiện ngày càng nhiều bằng chứng về vết nứt lan rộng giữa các ‘đại diện’ của câu lạc bộ cùng những nhân vật phải rút hầu bao để quảng bá cho đội bóng.
Tình hình ngày một trầm trọng khi họ bắt đầu xem truyền thông – cầu nối giữa các cầu thủ và người hâm mộ – như một nỗi phiền nhiễu cần dung thứ hơn là khuyến khích. Điều này đã được chứng tỏ ngay từ vị thế của báo chí tại Emirates, khi khu vực dành cho phóng viên chỉ được bố trí tại hàng ghế cuối ngay cạnh chấm phạt góc. Tại Highbury, báo chí ít nhất cũng được ưu ái tại khán đài trên phía Đông, ngay sát bên khu khán đài dành cho ban lãnh đạo. Vai trò của họ tại Emirates đã sa sút rất nhiều, thế nhưng với những hàng ghế đắt đỏ tại khu khán đài trên không thể thỏa mãn mọi thành phần khán giả, thì cách đối đãi đó dù sao vẫn chấp nhận được. Trước khi Giải Ngoại hạng được thành lập, giới phóng viên vẫn được xem là ‘cổ động viên với chiếc máy đánh chữ’. Nhưng giờ đây, khi báo giới bị công chúng xem là loài quỷ dữ được dung túng, sẽ không đội bóng nào trong quá trình xây dựng sân vận động mới hay tái thiết khu khán đài cũ lại sẵn sàng ưu tiên cho họ những hàng ghế tốt nhất trên sân nhà. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của UEFA và FIFA, trong các giải đấu quốc tế hàng đầu, truyền thông vẫn được đảm bảo chỗ ngồi kế cận hàng ghế VIP – nếu có thể.
Cuối mỗi trận đấu của Arsenal, ban truyền thông sẽ quay lại nhiệm vụ của họ. Từ ‘thiên đường’ của kẻ chạy việc, được theo dõi sát sao công việc của các phóng viên báo đài, họ sẽ ý thức rõ ràng các vấn đề gây tranh cãi từ những gì được chứng kiến tận mắt hoặc qua màn ảnh truyền hình, và có thể soạn sẵn các câu hỏi để chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn sau trận đấu. Bí quyết là phải luôn ‘nắm vững thông điệp’. Với vai trò ‘người làm công’, các cầu thủ sẽ dần chạm đến nỗi lo sợ của toàn đội khi bắt đầu bị dồn ép– thứ áp lực đã được phổ biến cho họ qua các buổi tập dượt truyền thông vốn là một phần trong chương trình huấn luyện, kể từ khi ký kết hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi – một thứ áp lực có thể bào chữa do thói ‘phàm ăn’ của vô số hãng tin tức về bóng đá, vốn sẵn sàng lấp đầy các trang báo và thời lượng phát sóng bằng các câu chuyện bịa đặt do chính họ thêu dệt nên. Các thành viên kỳ cựu trong ban truyền thông đã hướng dẫn đội ngũ cầu thủ trẻ những chiêu thức nhằm đối phó với chúng.
Quy định của UEFA nhấn mạnh rằng các cầu thủ phải rời sân qua ‘khu vực hỗn loạn’ nơi các phóng viên đã chờ sẵn hòng bắt chuyện với họ từ trong đám đông huyên náo. Tiếc thay, quy định lại không yêu cầu họ nhất định phải lên tiếng, do đó hầu hết đều lựa chọn cách im lặng sau kết quả thi đấu tồi tệ. Thậm chí nếu ai đó hạ cố nói ra suy nghĩ của họ, thì vẫn có một thành viên trong ban truyền thông theo sát bên, và sẵn sàng gạt đi những lời chất vấn nếu chúng tỏ ra bất lợi. Không ai tránh né máy quay, trừ khi huấn luyện viên cảm giác BBC đã vượt quá quyền hạn của họ và buộc phải bị tẩy chay, như Alex Ferguson đã làm, đồng thời khởi xướng một trào lưu tương tự giữa các huấn luyện viên với ‘da mặt mỏng’. Ngược lại, Sky thường chấp nhận trả giá với hàng triệu bảng bồi thường hòng đạt được mục đích của họ trong các buổi phỏng vấn sau trận đấu.
Sau hồi còi kết thúc trận đấu, đặc biệt nếu trận cầu không diễn ra như dự tính, cảm xúc sẽ bộc phát. Hiển nhiên, các bài bình luận chỉ rặt những lời hối tiếc đối với vụ việc đã xảy ra. Thật bất ngờ khi chính Arsène Wenger lại phạm một lỗi sơ đẳng trong các nghi thức khắt khe của Arsenal khi gây ra kết quả tai hại trong trận đối đầu với Birmingham, vốn bắt nguồn từ nỗi thống khổ của ông trong cuộc đua đến danh hiệu mùa giải 2007- 2008. Chân của chàng tiền đạo Eduardo đã gẫy gập sau pha vào bóng khủng khiếp của Martin Taylor, người đã lập tức nhận thẻ đỏ cùng án phạt cấm thi đấu liên tiếp ba trận sau đó. “Cú chuồi thật tàn bạo và cậu ấy sẽ không bao giờ chơi bóng được nữa,” Wenger trả lời BBC sau trận đấu.
Ban truyền thông chắc hẳn đã phải chỉ thị cho mọi cầu thủ được báo giới nêu đích danh phải kín lời về vụ va chạm. Thế nhưng, người cuối cùng họ phổ biến lại chính là nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất về hình ảnh câu lạc bộ. Chiến lược gia người Pháp rốt cuộc cũng nhận ra ông đã phản ứng thái quá và buộc phải đính chính lại sau đó.
Một tai ương khác xảy đến với ban truyền thông chính là hệ lụy từ mối quan hệ mật thiết giữa một số cầu thủ nước ngoài với các hãng thông tấn tại quốc gia họ. Việc xét duyệt các bản sao ghi chép từ các buổi phỏng vấn hiển nhiên phải được đảm bảo, nhưng nếu các cầu thủ trực tiếp phát biểu trước phóng viên với lời lẽ riêng, thì điều tồi tệ nhất chờ đón họ chỉ là một lời trách cứ nhẹ nhàng; do vậy, họ vẫn tiếp tục hợp tác với các đồng hương nhằm chuyển đi thông điệp vốn sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trên các kênh truyền hình Anh thông thường. Và một khi quá trớn, họ sẽ tỏ ra vô tội và đổ lỗi do sai sót trong khâu phiên dịch.
Do đó, khi Eduardo với chiếc chân bó bột trả lời phỏng vấn trên giường bệnh với một tờ báo Brazil – O Globo – và lên tiếng cáo buộc rằng: “Với một cú chuồi như của hắn ta [Martin Taylor], đó chắn chắn là một pha bóng hiểm độc có chủ đích,” – câu chuyện đã lập tức tràn ngập các bản tin và được dịch sang tiếng Anh. Ban truyền thông không hài lòng chút nào, và buổi phát lại về vụ việc đó trên Sky Sports News sau cùng đã bị hủy bỏ. Bất kể việc Eduardo có thật sự trả lời phỏng vấn qua điện thoại trong vòng 24 giờ sau khi dính chấn thương hay không, và dù cho trang web chính thức của Arsenal đã đăng tải phần còn lại của cuộc phỏng vấn gây sốt này, thì ngay cả những thông tin ít gay cấn nhất của câu chuyện cũng đủ làm nóng một buổi phát hình.
Arsène Wenger tất nhiên sẽ ra luật cho chính ông và được phép nói chuyện với bất kỳ ai ông muốn. Vì thế, ông đã trực tiếp liên hệ với bộ đôi ký giả ăn khách nhất tại Pháp trên các tờ L’Equipe và France Football (cũng như được kênh truyền hình hàng đầu TF1 giữ lại với vai trò chuyên gia – chuyên đưa ra những lời bình luận đều đặn trong chương trình tin tức hàng tuần Telefoot cùng các buổi phát sóng trực tiếp các trận đấu của đội tuyển quốc gia). Một cách nhã nhặn, họ đã thông báo với ban truyền thông rằng họ đã trực tiếp làm việc với ‘sếp’.
Thông tin trên đã được phía đối diện tiếp nhận một cách miễn cưỡng, đa phần bởi vì họ không thể làm gì nhằm ngăn cản việc đó, bất chấp sự thật rằng các phóng viên người Pháp thường ít rơi vào loại ký giả chuyên lợi dụng cơ hội khai thác sâu hơn vào câu chuyện.
Nhằm nâng cao nhận thức của toàn đội Arsenal về tầm vóc tương lai của họ, Arsène Wenger đã quyết định ủng hộ chính sách ly khai. Do các vấn đề thuộc về kiểm soát đang tràn ngập tổ chức, huấn luyện viên tất nhiên sẽ có lý do nhằm đảm bảo các học trò của ông được kiểm soát cả về chế độ ăn uống và phương pháp luyện tập; song, ý tưởng trên đã lan rộng đến các đội bóng khác và truyền cảm hứng cho họ. Thường chỉ có chút ít thông tin được phơi bày đủ sức đánh động công chúng và giới truyền thông, ngoại trừ các tình huống cần theo dõi thường xuyên. Văn hóa của câu lạc bộ vốn vô cùng thận trọng và hướng nội. Sẽ có nhiều bất ngờ và biến cố phát sinh ngoài sân cỏ; nhưng ngoài ra, sẽ không còn nguồn cơn nào khác và đội bóng có thể an tâm rằng tình cảm ủng hộ của dư luận sẽ gia tăng nhanh chóng, mà không phải lo về những phản ứng bất ngờ.
Cùng với nỗi e sợ đối với chính sách khủng bố từ truyền thông, các cầu thủ còn được khuyên không nên thực hiện các phóng sự về lối sống cá nhân hay các cuộc phỏng vấn được sắp xếp thông qua ghi chép phê duyệt – nơi sự quan tâm đối với tín ngưỡng của cầu thủ thường bị bỏ qua. Bạn sẽ thắc mắc rằng liệu siêu sao người Brazil, Kaka, có chuyển đến Bắc London thi đấu hay không, khi dòng chữ ‘Tôi thuộc về Chúa’ dưới tấm áo vest của anh còn kèm thêm một ghi chú nhỏ, ‘nhưng ban truyền thông còn hơn thế nữa, bạn không thể biết được’.
Việc danh thủ Real Madrid cân nhắc về cơ hội chuyển sang Arsenal không hoàn toàn là hão huyền, do Brazil vốn là quốc gia được Arsène Wenger ưu tiên viếng thăm vào những lúc rảnh rỗi. “Thật tiếc vì tôi vẫn chưa thể đến đó,” ông tiết lộ, “tôi thích ngao du đây đó, tìm kiếm cầu thủ và gặp gỡ mọi người. Tôi đã tìm thấy Edu và Sylvinho chính từ những chuyến đi đó. Tôi biết Kolo Toure từ khi cậu ấy mới 16 tuổi. Tôi cũng từng giúp đỡ ngôi trường của Toure [tại Bờ Biển Ngà].” (Và vẫn còn rất nhiều trường hợp bỏ lỡ đáng tiếc khác. Claude Makelele và Petr Cech là hai ví dụ điển hình về các tố chất tiềm năng Wenger đã lưu ý từ khi họ còn thi đấu tại Pháp, nhưng ông đã để cho đối thủ đoạt lấy họ ngay trước mắt.)
Do các chiến lược gia khác đều để tâm theo dõi các chuyến xuất ngoại chấn động của Wenger và theo sau từng bước chân của ông, Arsenal buộc phải cơ cấu lại hoạt động một cách chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa nguy cơ xâm phạm đang dần gia tăng tại các ‘vườn ươm tài năng’ dành cho các đội bóng Anh khác. Hiện nay, hệ thống tuyển trạch viên đã thay ông du ngoạn khắp nơi trong khi ông yên vị tại Totteridge và làm công việc mình giỏi nhất. Kaka đã bị đội bóng khác cướp lấy, nhưng biết đâu truyền hình toàn cầu sẽ cho ông cơ hội bắt gặp những hợp đồng tài năng khác do đội ngũ tuyển trạch viên cung cấp. Ông thật sự đã có dư cơ hội thẩm định các báo cáo xuất sắc về José Antonio Reyes và Bacary Sagna trước khi quyết định mang họ về Bắc London. Tuy nhiên, với các hợp đồng mua tiềm năng trong tay, vị nội tướng Wenger lại dễ dàng thất bại trong việc chiêu mộ do vượt quá ngân sách có sẵn.
Tuy nhiên, đó lại là vấn đề khiến David Dein rất quan tâm. “Arsène buộc phải bán trước khi mua,” ông đã phát biểu như thế trước kỳ chuyển nhượng tháng Một năm 2007. Nhìn lại thời điểm tương tự năm 2004, dường như đội bóng đang khiến tình thế này trở nên lỗi thời. “Điều tôi mong muốn là giúp đội bóng này lấy lại thế cạnh tranh trên phương diện tài chính, đặc biệt khi chúng tôi đã có sân vận động 60.000 chỗ ngồi; và nếu huấn luyện viên và ban lãnh đạo luôn đưa ra các quyết định đúng đắn, chúng tôi có thể đương đầu với mọi đối thủ trên đấu trường quốc tế,” Wenger cho biết. “Thời điểm đó, tôi đang ngồi ngay đây – nếu Milan, Man United hay Real Madrid và tôi cùng theo đuổi một cầu thủ, tôi sẽ nói ‘cảm ơn cậu’ và lặng lẽ rút lui. Tôi chỉ mong muốn một ngày nào đó, huấn luyện viên của Arsenal – có thể là tôi hoặc một ai khác – dám lên tiếng rằng: ‘Thôi được, bao nhiêu nào? Chà, mình có thể cạnh tranh với họ.’ Câu nói đó sẽ cho anh một sự bảo đảm, nhưng thời điểm đó nếu chúng tôi có một quyết định mua sai lầm, chúng tôi sẽ không thể tranh đấu.
Nếu anh mua sai một hoặc hai người, anh sẽ chết. Đối với các đội bóng hùng mạnh nhất mọi chuyện sẽ khác. Họ có thể nói: ‘Thôi được, năm nay chúng ta đã sai. Năm tới chúng ta sẽ bỏ thêm 50 triệu bảng và nhất định sẽ làm được.’”
Đến tháng Ba năm 2007, tình hình vẫn chưa có biến chuyển mới. Tuy đội bóng đã bị đánh bật khỏi cuộc đua đến danh hiệu Ngoại hạng Anh, nhưng họ vẫn có thể duy trì chính sách quản lý tiền bạc cẩn trọng tại ngôi nhà mới để đảm bảo cho một tương lai ganh đua quyết liệt với các đối thủ lắm tiền nhiều của. Thế nhưng, câu lạc bộ lại chịu quá nhiều gánh nặng tiền bạc từ việc kinh doanh bất động sản, cụ thể là Quảng trường Highbury. Và cho đến khi mọi khoản thu từ việc bán các căn hộ được bảo đảm, sẽ không còn hoạt động cắt giảm nào về ngắn hạn – một viễn cảnh sẽ khiến tất cả cổ động viên, trong đó có David Dein, khó lòng cầm được niềm vui sướng.
Hiện chính là thời điểm dành cho con người của hành động, người đã chấp nhận bán cả Terry Neill lẫn Don Howe nhằm chuẩn bị cho cuộc phục thù. Nếu Arsène cần đến 50 triệu bảng, ông phải nhất định có được số tiền đó; và theo quan điểm của vị phó chủ tịch, đó chính xác là những gì ông mong muốn và ông nhất định phải biến chúng thành sự thật.