Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 9

Đừng lên và cất bước

Bất chấp những gì dư luận vẫn gọi là ‘quá trình tái cư trú’, ngân sách đã được rót đúng hạn và ngôi nhà mới của Arsenal đã dần được hoàn thiện trong vòng hai năm rưỡi. Họ đã tránh được cơn ác mộng từ chi phí phát sinh ngoài dự kiến đã từng chặn đứng tiến trình thi công sân Wembley, và ban lãnh đạo cũng đã chốt được chi phí hợp đồng cố định, đồng nghĩa Ngài Robert McAlpine sẽ chịu trách nhiệm gánh vác bất cứ vấn đề phát sinh nào, với mức phạt đáng kể vào thời điểm bàn giao cuối cùng. Tất nhiên,mức giá chỉ được chốt nếu Arsenal không trở thành con mồi của lòng tham thường gặp ở hầu hết khách hàng – vốn thường xuyên thay đổi ý định khi tiến trình đang diễn ra suôn sẻ. Cam kết này chính là lời chứng thực rõ ràng nhất cho tư duy tiến bộ của ban giám đốc ngay từ khâu hoạch định. Thực tế, sân vận động đã được bàn giao trước hai tháng vào tháng Bảy năm 2006, cho phép câu lạc bộ tổ chức ba sự kiện khởi đầu nhằm thu về chứng nhận an toàn công trình từ chính quyền địa phương trước khi vòng đấu đầu tiên diễn ra.

“Thiết kế và bàn giao một sân vận động nguy nga đến thế trên một mặt bằng giới hạn, với nhiều tầng đất khác nhau, với đường ray bao bọc xung quanh và vô số trở ngại khác trong quá trình thi công – thú thực, tôi không nghĩ sẽ có một công trình phục vụ thi đấu nào mang nhiều thách thức hơn trong kỷ nguyên hiện đại này,” Simon Inglis, chuyên gia xây dựng sân vận động và là tác giả của chuỗi hoạt động hội thảo Sân Bóng Đá Tại Vương Quốc Anh, cho biết. “Từ những năm 1930, Herbert Chapman và những người cùng thời với ông đã đặt ra tiêu chuẩn rất cao. Giờ đây, Arsenal lặp lại điều đó một lần nữa trước thềm thế kỷ mới.

Emirates thật sự đã bỏ xa bất kỳ sân vận động nào khác tại Giải Ngoại hạng Anh, cũng như Highbury năm 1936. Khi tôi theo dõi trận cầu đầu tiên tại sân đấu mới, cảm xúc lớn nhất trong tôi chính là được ở đây, ngay tại giờ phút này – với tất cả lòng tôn kính đối với Sân vận động Thành Manchester – đứng trên một cầu trường đúng nghĩa đầu tiên của thế kỷ XXI. Như thể tôi vừa giành chức vô địch World Cup tại một quốc gia khác vậy.”

Nguyên nhân đầu tiên và trước hết cho lời tán dương hết mực trên, chính là tất cả các tiêu chí đặt ra đối với sân vận động ‘kiệt tác’ này đều đã được đáp ứng. Dù ngồi tại vị trí nào, bạn cũng đều có một tầm nhìn tuyệt hảo; riêng những hàng ghế rộng rãi, êm ái cũng đã khiến cho khán đài tại các sân vận động khác trở nên gò bó và lỗi thời, và thật may phước, chúng đã không in tên nhà tài trợ. Nhưng đáng tiếc thay, như hầu hết các câu lạc bộ thuộc Giải Ngoại hạng Anh, Arsenal cũng bị cám dỗ bởi ý tưởng lắp đặt hệ thống đèn LED, một thiết bị quảng cáo điện tử sinh động dùng thay thế những tấm bảng hiệu vòng ngoài truyền thống (sau này UEFA đã buộc đội bóng đặt lại chúng trong các vòng đấu Champions League). Chúng khiến các cổ động viên trên khán đài lẫn khán giả theo dõi qua truyền hình đều cảm thấy chướng mắt, và tréo ngoe nhất chính là những tấm bảng điện tử đó lại choán ngay trước tầm nhìn khu khán đài đẹp nhất trên toàn bộ cầu trường.

Các hàng ghế đều rất rộng rãi, đầy đủ ánh sáng, đáp ứng đủ sức chứa và được bố trí thêm các khu vực phục vụ bữa nhẹ, với các xe đẩy bán thức ăn nhanh xuất hiện khắp nơi cùng đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp từ Câu lạc bộ Kim Cương cho đến các quầy bar và nhà hàng thuộc khu vực dành riêng cho đội bóng. “Chúng tôi kỳ vọng.” Simon Inglis cho biết, “các kiến trúc sư sân vận động dày dạn kinh nghiệm như HOK Sport có thể rút ra những nguyên lý thiết kế cơ bản tại đây. Nhưng thật khó để tìm thấy một khách hàng phù hợp như Arsenal trong giới túc cầu – người sẵn sàng tiến xa hơn vì thành công của đội bóng qua các vòng đấu và phong độ của dàn cầu thủ.” (Không như các sân vận động khác, chỉ riêng các khu vực công cộng cùng biểu tượng nghệ thuật sừng sững trên cổng trước sân vận động – gồm hai khẩu pháo và dòng chữ ‘ARSENAL’ khổng lồ nổi rõ – cũng đủ chứng minh tầm vóc của Emirates đã đạt đến một đẳng cấp khác.)

Không chỉ Herbert Chapman, mà chính Wenger cũng đã in dấu chân của ông lên nền móng của công trình này. Bên cạnh những chiếp cúp và danh hiệu giành được, Chapman còn là chất xúc tác trong quyết định đổi tên ‘Trạm xe Điện ngầm đường Gillespie’ thành ‘Arsenal’, và đề xuất ý tưởng lắp đặt thêm mái che và dàn đèn chiếu sáng cho các sân vận động.

Còn với Wenger, di sản của ông chính là trung tâm huấn luyện hạng nhất tại London Colney, sân đấu Emirates (nơi ông đã trực tiếp tham gia vào tiến trình thi công nhằm đảm bảo quy mô của công trình và chất lượng mặt sân thi đấu) cùng các hạng mục khác – nơi ghi dấu những đóng góp của ông trong quá trình thiết kế như dãy phòng thay đồ hay khu điều trị chấn thương, vốn sẽ trở thành đặc ân cho lứa cầu thủ tương lai. Đặc biệt, cấu trúc hình móng ngựa của phòng thay đồ đã được thiết kế một cách riêng biệt, tạo điều kiện cho huấn luyện viên bao quát cả phòng, chứ không như cách bố trí hình chữ nhật thông thường với các dãy ghế bao quanh bốn phía, khiến các cầu thủ dễ dàng né tránh ánh mắt của ông. Ngay lần đầu mục kích, Alam Smith đã thốt lên: “Phòng thay đồ thật đơn giản, chỉ có một băng gỗ dài và các tủ đựng đồ. Nhìn bề ngoài không cách gì nhận ra đây là phòng thay đồ của Arsenal, và tôi khá chắc rằng chính Arsène đã yêu cầu như vậy.”

Không gì có thể gián đoạn sự tập trung của các cầu thủ. Nếu Wenger đã muốn thứ gì, ông sẽ có thứ đó. Và ông rất kiên quyết rằng sẽ không có đường tắt nào giúp các cầu thủ đạt được sự chuẩn bị tối ưu nhất trước trận đấu. Vì vậy, không gian rộng rãi cũng được áp dụng cho khu vực mát-xa và trị liệu, phòng tập thể hình, hồ thủy liệu, phòng tắm vòi sen, bồn tắm chung, và đặc biệt là khu khởi động thông thoáng dẫn thẳng đến đường hầm vào sân, với bề ngang rộng gấp 4 lần sân Highbury cũ. Ấn tượng toàn diện đối với công trình chính là sự tiện lợi từ các chức năng, trái ngược hẳn với không gian tù túng, lỗi thời ngày trước. So sánh một cách công bằng, phòng thay đồ của các đội bóng đối thủ sẽ tạo cảm giác thiếu vắng tất cả những chi tiết thể hiện sự quan tâm, chăm chút kể trên.

Nhưng một sân vận động như thế vẫn chưa phải hoàn hảo. Dựa theo hình mẫu HOK đã xây dựng cho Benfica – Sân vận động Ánh sáng (Estadio da Luz) – nhằm phục vụ cho vòng chung kết Euro 2004, cầu trường tại Bắc London đã thoát khỏi kiến trúc lập phương mang phong cách truyền thống Anh Quốc – với các hàng ghế cách xa nhau và khu phạt góc trống trải, và bao quanh toàn bộ khuôn viên với thiết kế hình bầu dục kín. Do chính quyền địa phương đã đưa ra giới hạn chiều cao đối với sân đấu, họ buộc phải tiến xa hơn mới có thể thỏa mãn yêu cầu sức chứa 60.000 chỗ ngồi, chứ không thể rập khuôn theo các thiết kế trước kia.

Mọi chuyện còn tệ hơn khi các chủ nợ của ngân hàng North Bank đã đòi quyền ưu tiên chọn lựa các hàng ghế dọc đường biên và chắn trước chỗ ngồi tương đương với hàng ghế đầu tại Highbury.

Tuy nhiên, rất nhiều cổ động viên thâm niên tại khu khán đài trên phía Đông và phía Tây đã tìm thấy các dãy ghế rộng rãi hơn cả mong đợi (hay hơn cả khoảng cách tuyệt vời nhất để mọi người cùng theo dõi trận đấu).

Nói đơn giản, cảm giác thân quen từ cầu trường cũ nay chỉ còn là ký ức, và mối quan hệ giữa người hâm mộ và các danh thủ đã vĩnh viễn thay đổi, như hệ quả tất yếu trong xu thế đi lên của thị trường.

Cảm giác hăm dọa từ cổ động viên nhà là thứ áp lực các đội bóng đối thủ phải cố gắng nuốt trôi khi đứng trên sân. Lòng mến khách của đội chủ sân Emirates bao giờ cũng gắn liền với tiếng reo hò từ số cổ động viên áp đảo. Trong nỗ lực nhằm tái hiện lại không khí bùng nổ như tại Anfield hay Celtic Park, câu lạc bộ đã quyết định tìm kiếm một ‘bài hát truyền thống’ nhằm tạo được hiệu ứng tương tự như You’ll Never Walk Alone. Quyết định đã nhanh chóng gửi đến phòng truyền thông mà không cần thông qua khảo sát. Họ đã lựa chọn The Wonder of You của Elvis Presley, ca khúc sẽ khiến các cổ động viên ngang bướng vừa ngân nga vừa ngượng chín mặt. Tuy vẫn nằm trong danh sách phát sóng, bản thu sẽ không bao giờ vươn đến vị trí đầu bảng, do những mối ác cảm phát sinh từ trước.

Thông thường, Arsène Wenger sẽ không hăm hở đưa ra đối sách tuyệt vời nhất trong các tình huống như thế này nhằm chăm chút cho trải nghiệm của khán giả, dù ông sẽ sẵn sàng ủng hộ phương án nới rộng thêm không gian giữa đường biên và khu khán đài chính. Nhờ vậy, ông sẽ có điều kiện hỗ trợ các cầu thủ dự bị khởi động hiệu quả hơn, và hạn chế được những chấn thương không đáng có khi các học trò đuổi theo quả bóng ra khỏi khu vực thi đấu và va chạm với biển quảng cáo. Nhưng nếu Arsène, vốn ưa quan sát trận đấu từ góc nhìn của bộ phận kỹ thuật và đã không thể chịu đựng nổi việc đứt liên kết với các cầu thủ, thì cổ động viên sẽ cảm giác như thế nào, khi nhận thấy những người hùng của họ đang ngày càng khuất xa tầm mắt?

Sự thay đổi còn diễn ra ở không khí trên sân, trong đó, thiết kế thẳng dốc của cầu trường Emirates đã gây được hiệu ứng đặc biệt, góp phần khiến ảnh hưởng của đội bóng thêm phần hoành tráng. Có thể thiết kế này đã đi ngược lại cách bố trí thông thường: Bất ngờ, vươn lên từ lớp đất bùn rắn chắc của rừng rậm thủ đô, sân vận động vô song của Simon Inglis trong thế kỷ XXI đã tung cánh bay lên, như chú chim phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn của một thời hoàng kim đã qua. Hiển nhiên, bạn sẽ hi vọng tìm thấy các khối kiến trúc quen thuộc trên con đường chính dẫn quanh sân vận động và giao cắt với những lối đi bộ vô hồn. Với quan điểm thiết kế hòa hợp với kiến trúc châu lục, nơi tọa lạc của đấu trường đã hội tụ được nét truyền thống lẫn hiện đại của phong cách Anh. Bao quanh bởi những khu nhà liên tiếp, liền kề với các khu căn hộ cao cấp trong tiến trình thi công (một số chủ hộ đã tỏ ra rất lịch thiệp với công ty bất động sản Arsenal) và xung quanh là các siêu thị cùng quán ăn mang-đi luôn sẵn sàng phục vụ, sân vận động chính là ví dụ điển hình cho nét văn hóa bóng đá cộng đồng ngay tại nơi đô thị sầm uất của thủ đô London.

Tiếc thay, 60.000 chỗ ngồi vẫn chưa đủ sức thỏa mãn tất cả khán giả trong những ngày thi đấu. Chỉ các khán giả đặt mua  vé trọn mùa và thành viên hội cổ động truyền thống mới đủ khả năng vào sân, và sẽ có hàng nghìn người khác chờ đợi được theo chân họ (mặc dù người dân địa phương và chủ các căn hộ mới được xây dựng tại Quảng trường Arsenal đều có cơ hội ghi tên mình vào danh sách ưu tiên).

Với hàng nghìn khán giả may mắn được chen chân vào từ tiếng còi khai cuộc, sẽ có 4 thứ hạng thành viên cụ thể dành cho họ: hạng bạch kim (dành cho những người đặt giá vé trọn mùa đắt đỏ cho khu vực Thành viên Câu lạc bộ ngay giữa khán đài chính), hạng vàng (dành cho khán giả đặt vé trọn mùa thông thường), hạng bạc (gồm các thành viên được ưu tiên mua vé đơn từng trận trong hệ thống vé cả mùa giải) và hạng đỏ (gồm những khán giả được phép mua số vé còn lại một khi quyền ưu đãi bốn tuần dành cho thành viên hạng bạc kết thúc). Vào thời điểm khánh thành sân vận động, đã có 9.000 thành viên hạng bạch kim, 36.000 thành viên hạng vàng, 22.000 hạng bạc và 80.000 hạng đỏ ghi tên đăng ký (thứ hạng đỏ là cấp cuối cùng trong hệ thống phân loại thành viên – vốn dành cho các cổ động viên mới). Trong trường hợp các vòng đấu không thể bán hết vé, thì các khán giả chưa phải thành viên mới có cơ hội vào sân, và đã có ý kiến hoài nghi rằng họ cũng khó lòng tụ tập với số lượng lớn. Với hơn 100.000 thành viên hạng bạc và hạng đỏ ban đầu chỉ phải ứng 25 đến 26 bảng cho cả mùa giải, họ vẫn có cơ hội mua được vé, và chứng minh tính phù hợp của hệ thống đối với câu lạc bộ.

Vốn dĩ, sân Emirates đã ẩn chứa những vấn đề tiềm tàng, chí ít là từ thời gian rời sân đấu sau khi hồi còi mãn cuộc vang lên. Trong các trận cầu đầu tiên, khi đồng hồ điểm đến phút cuối, khu vực khán đài hạng đỏ đã nhanh chóng trở thành phông nền cho cảnh tượng hàng nghìn người lũ lượt kéo về lối ra càng nhanh càng tốt, với hy vọng không bị đám đông phía ngoài nghiền nát. Trong lúc hội đồng địa phương đang kỳ vọng đường Holloway và các trạm xe điện ngầm Drayton Park được nâng cấp, thì tình trạng giao thông tại London vẫn cần khoảng 70 triệu bảng nhằm giảm tải ùn tắc, và cũng không thể hoàn thành dưới 30 ngày, đồng thời tạo thêm áp dựng cho các trạm xe Arsenal, Finsbury Park và Highbury & Islington. Chính sách giới hạn nơi đỗ xe của chính quyền thành phố đã làm nản lòng các khán giả muốn đi xe đến xem trận đấu, do đó, nhiều khả năng những người sống xa sân vận động sẽ phải bắt xe lửa và gia nhập cả hàng dài khán giả đến sau, một tình trạng khiến bản thân chính quyền cũng cảm thấy khó chịu trong thời gian dài, do họ luôn phải liên tục kiểm soát đám đông sau mỗi trận đấu.

“Điểm mấu chốt”, Mark Woodward – người đã vượt một chặng đường dài bằng xe hơi và tàu hỏa đến sân vận động nhưng vẫn phải xếp sau trong vài tuần đầu tiên – cho biết, “đó là mỗi người đều có cách lựa chọn riêng để đến được sân bóng, và nếu cơ sở hạ tầng giao thông không được nâng cấp, thì với lượng khán giả tăng thêm 20.000 người, người hâm mộ sẽ phải đối diện với thực tế phũ phàng và số người bỏ xem thi đấu sẽ ngày càng tăng thêm.” Đội bóng, lực lượng cảnh sát và chính quyền cần khoảng vài tháng để ổn định lại nhằm thích nghi với điều kiện mới. Vào thời điểm Emirates mở cửa mùa thứ hai, họ đã hầu như kiểm soát được mọi vấn đề, bất chấp thói quen cũ đã ăn sâu vào tâm trí những khán giả vốn đã quen với cảnh chen chúc sau mỗi trận đấu, và những hàng ghế trống trải tầm 10 phút cuối giờ đã dần trở thành cảnh tượng quen thuộc trên khán đài.

Đội bóng cũng dần rút ra thêm nhiều kinh nghiệm từ cấu trúc bên trong Emirates.

Tình trạng tù túng xưa kia đã không còn, nhờ vậy, Pháo Thủ giờ đã có thể cân  nhắc đầu tư thêm về các dịch vụ ăn uống; đồng thời điều kiện phục vụ cũng đã thuận lợi hơn, và các quầy thức ăn sẽ không chỉ hiện diện ở các tầng trên, nơi quy tụ đủ các thành phần khán giả từ thủ đô London. Tầm nhìn ở hàng ghế trên có thể bao quát cả sân Highbury cũ, công trình đã được chuyển dời thành công về sân nhà như một kỳ tích, và tọa lạc ngay góc khu đấu trường. Hoặc ít nhất họ cũng đã làm được điều đó, cho đến khi hầu hết sân vận động cũ đều được phá dỡ nhằm phục vụ thi công khu căn hộ Drayton Park.

Thời điểm đó cũng phát sinh yêu cầu tăng thêm số lượng lối ra vào, do một số lượng lớn khán giả sẽ rời chỗ ngồi của họ sau 30 phút thi đấu để tránh đám đông xô bồ lúc nghỉ giữa hiệp, còn những người ở lại đến hết 45 phút đầu tiên chắc chắn sẽ mắc kẹt ở cuối hàng, và không thể thoát ra trước khi hiệp đấu thứ hai  bắt đầu. Nhiều lúc, cảnh tượng đó trông khác hẳn một trận đấu bóng đá, mà như một trận bóng chày hay bóng bầu dục tại giải NLF, nơi khán giả luôn tự do đi lại bất chấp những gì đang diễn ra trên sân. Không bất ngờ khi rất nhiều cổ động viên trung thành vẫn tỏ ra tiếc nuối sân Highbury cũ, đặc biệt với sự xuất hiện của lứa cổ động viên mới thô thiển – những kẻ chỉ mong nhanh chóng lấp đầy dạ dày và lên đường trở về nhà, chứ chẳng có chút hưởng ứng nào đối với trận đấu họ đã bỏ cả mớ tiền để theo dõi.

Tất nhiên, nếu so với nhóm khán giả đặt vé trọn mùa và thành viên thông thường, tính trên bình quân đầu người, doanh thu từ các thứ hạng khán giả VIP sẽ cao gấp bội. Một trong những lý do then chốt khiến ban giám đốc phải cay đắng rời bỏ sân Highbury chính là số hàng ghế hạng nhất quá hạn chế – kể cả đối với các khán giả lắm tiền hay khán giả doanh nghiệp. Trong khi đó, sân vận động mới ngay từ ban đầu đã không khiến họ thất vọng, đồng thời còn đem về nguồn doanh thu hơn hẳn Highbury. Tầng giữa khán đài Emirates có khoảng 9.000 chỗ ngồi hạng nhất – trong đó gồm 7.000 Thành viên Câu lạc bộ (những người đã chi từ 2.500 đến 4.570 Bảng cho vé ngồi trọn mùa) và 2.000 người tại 150 khu ghế ngồi danh dự, với tổng doanh thu bán vé vào khoảng 65.000 đến 150.000 bảng một năm (gần bằng mức lương hai tuần của ít nhất hai danh thủ, Thierry Henry và Dennis Bergkamp). Toàn bộ giá vé đã giảm dần sau hai mùa giải, và tăng lên trở lại vào năm 2011.

Vành đai các dãy ghế ngồi đã bị ngắt quãng tại khu khán đài phía Tây, ngay  sau hàng ghế dành cho các ‘ông chủ’ – hay Câu lạc bộ Kim Cương. Với mức phí gia nhập 25 nghìn Bảng, 84 thành viên (gồm các nhân vật ưu tú chỉ được phép tham gia khi có thư mời và phải nằm trong danh sách chờ đến ba năm) cũng được đặc cách mua trước vé cho hai  mùa giải với mức phí ban đầu 12.500 bảng mỗi mùa, bao gồm cả chỗ gửi xe ưu tiên ngoài khuôn viên sân vận động, với hội đồng quận Islington trực tiếp giám sát. Khu vực phía sau khán đài đã được chuyển thành khu ghế ngồi sang trọng, đại diện cho tiêu chuẩn mà khó có câu lạc bộ nào có thể sánh bằng. Mặt sàn cẩm thạch chạm khắc các hoa văn gỗ – khiến quan khách ghé thăm liên tưởng đến các thành tựu trong quá khứ – đã phô bày sự tráng lệ của dãy phòng truyền thống, với những chiếc cúp bóng loáng, những tấm ảnh kinh điển, mô hình chiếc đồng hồ huyền thoại trên khán đài Highbury, chiếc trường kỷ bọc da hay những chiếc bàn thủy tinh. Tất cả đều toát lên vẻ xa hoa tột bậc tại khu thưởng lãm nơi các quan khách danh dự được đặc cách thưởng thức những món ngon trong hoặc sau khi trận đấu diễn ra, vốn xếp theo đẳng cấp dành cho ngôi sao Michelin trước đây. “Tôi gần như không thể nhận ra chính mình đang nguyền rủa trọng tài thậm tệ, trong khi bản thân đang thả mình trên cỗ ghế bành bọc nhung,” Brian Dawes chia sẻ – ông là người đã có cơ hội thơ thẩn thăm quan xung quanh Câu lạc bộ Kim cương vào một ngày không thi đấu, “đôi lúc thật tuyệt vời khi biết rằng chúng tôi đang sở hữu một ‘dinh thự’ như thế này ngay trong khuôn viên sân vận động, thậm chí ngay cả ý tưởng giơ hai ngón tay khích lệ đám đông cuồng nhiệt phía dưới khán đài – những cổ động viên đang hớp từng ngụm bia thượng hạng – cũng thôi thúc tôi không ngớt.”

Hay phía dưới Câu lạc bộ Kim cương là khu vực dành cho ban lãnh đạo đội bóng. Kiến trúc hoành tráng tại đây khác xa một trời một vực so với phòng họp cấp cao chật chội của sân Highbury trước kia, vốn phải nới rộng gấp đôi để dành chỗ cho bàn tiếp tân, và chỉ có thể dùng phục vụ tiệc buffet – đồng nghĩa bạn sẽ không tài nào tránh được việc chạm mặt các quan chức đối thủ cùng khách khứa của họ. Thời nay, thật khó kết thân với những quan chức tại các câu lạc bộ mà quan hệ giữa hai phía đã căng thẳng từ trước. Riêng tại Emirates, với khán phòng vốn thừa sức đáp ứng 120 thực khách, nơi bố trí các dãy bàn theo phong cách đón tiếp dành cho hôn lễ (và thực chất có rất ít ý kiến cho rằng khán phòng còn có thể phục vụ đối tượng nào khác ngoài giai cấp thượng lưu, và bất ngờ là hoàn toàn không có sự hiện diện của những chi tiết trang hoàng đậm chất Arsenal như tại Câu lạc bộ Kim cương), do đó, Peter Hill-Wood không nhất thiết phải dùng bữa tối với Daniel Levy nếu ông không muốn.

Tại Câu lạc bộ Kim cương lúc này, rượu đang thánh thót chảy trong lúc bữa tối thượng hạng với đầy đủ ba món lần lượt được bày lên, và thực khách chỉ phải lựa chọn giữa thưởng thức món tráng miệng hay theo dõi quả bóng đang bắt đầu lăn. Sao phải vội vàng nếu bạn có thể nhấp hết ngụm cà phê hoặc brandy và chứng kiến trọng tài nổi còi khai cuộc từ dàn ti- vi plasma đặt khắp phòng? Nhưng tất nhiên, sau cùng thì bạn cũng phải bước ra ngoài và bắt tay với ban giám đốc cùng hàng khách VIP đang chờ sẵn, những người đã yên vị trên các bộ ghế sang trọng nhất ta có thể tưởng tượng được (cả về tầm nhìn lẫn sự thoải mái).

Có lẽ bạn đang hy vọng những bộ ghế đó cũng có chức năng sưởi ấm như các thiết bị hiện đại, nhưng thực tế, ngay cả trong những ngày giá lạnh nhất, khí trời cũng phải bất lực trước sức nóng của cổ động viên Arsenal trên khán đài. (Nước sơn của phòng họp cấp cao trước kia đã  được sử dụng lại nhằm trang trí cho văn phòng mới, tọa lạc tại tòa nhà màu ngọc lam phía trên Cầu North Bank – mang tên Ngôi nhà Highbury. Thiết kế này đã phối hợp được với bản sắc truyền thống, dù không phù hợp chút nào với khung cảnh mới.)

Dãy ghế ngồi của Câu lạc bộ Thành viên cũng được bố trí cùng cao độ với khu khán đài dành cho ban lãnh đạo, cộng thêm quyền lợi dùng thức uống miễn phí vào giờ giải lao; từ góc độ đó, họ có thể chứng kiến toàn bộ vành đai khán đài trung tâm hầu như trống vắng sau 45 phút thi đấu. Do thiếu quy định giới hạn về lượng thức uống có cồn đối với mỗi khán giả, nhiều cổ động viên đã mang về đến hơn 1,5 lít bia sóng sánh và buộc phải uống hết khi còn tụ tập phía sau khán đài. Hậu quả là các hàng ghế vẫn được để trống từng khoảng lớn cho đến khi hiệp hai bắt đầu, với vô số ‘tiên tửu’ vẫn còn bám trụ lại khu bậc thềm sân vận động và hào hứng theo dõi trận đấu qua màn hình lớn, trong tiếng chạm ly côm cốp.

Nếu phần lớn cổ động viên đều cảm thấy thỏa mãn khi thưởng thức những pha bóng hấp dẫn nhất qua sóng truyền hình, vậy lý do nào khiến họ không chấp nhận ngồi nhà xem thi đấu, với hàng tá kênh phát sóng trực tiếp từ Emirates? Trên thực tế, với số lượng các hãng truyền hình giành giật tối đa cơ hội lên sóng, chất lượng dịch vụ tất nhiên sẽ giảm sút, thế nhưng suy nghĩ sẽ tình cờ bỏ lỡ dù chỉ một phút thi đấu, với các pha bóng đỉnh cao liên tiếp được phô diễn cũng khiến dân ‘nghiền’ bóng đá cảm thấy thất vọng, và có cảm giác họ đã lựa chọn một chỗ ngồi ‘rẻ mạt’. Là một trong số ít những tín đồ coi bóng đá như mục đích sống, Stuart Singer, một khán giả đặt vé trọn mùa đã chia sẻ về nỗi thất vọng của họ: “Tôi những tưởng thái độ lãnh đạm này từ số đông khán giả sẽ dẫn đến kết thúc thật sự dành cho những ai muốn chung tay vì một tương lai sáng lạn hơn. Bất chấp vị trí nổi bật của khu khán đài dành cho Câu lạc bộ Thành viên, hẳn nhiều cầu thủ cũng cảm thấy lo lắng khi nhìn lên cầu trường vắng vẻ, và khó lòng tự động viên mình đánh đổi mồ hôi và tâm huyết cho mục tiêu chung của Arsenal.”

Alan Smith cũng đồng tình rằng tình trạng trên đã “khiến tất cả lo lắng. Họ sẽ tự hỏi: đây có còn là sân khấu? Lẽ ra, anh phải cảm nhận được rằng tất cả cổ động viên đều muốn ‘sống chết’ cho đến hết hiệp hai, đến cuối trận cầu và luôn hiện diện phía sau anh. Đối với một cầu thủ, không gì đau xót hơn phải chứng kiến những hàng ghế trống, và anh sẽ tiếp tục lưu giữ thành kiến này đối với những người theo dõi một cách uể oải. Tôi tin các cầu thủ sẽ bị tác động.” Phẩm chất của họ chính là minh chứng cho chân lý: ‘nếu anh phụ thuộc vào đồng tiền, anh phải chơi theo cách của đồng tiền.’ Không bất ngờ khi phần lớn thành viên trong Câu lạc bộ Thành viên không phải là tín đồ thật sự của Arsenal, thậm chí vài người còn chẳng hứng thú gì đối với thể thao. Mặc dù vậy, các băng ghế ngồi Emirates vẫn là những món hàng được săn đón nhiều nhất tại thủ đô.

Các khách mời doanh nghiệp danh dự được ưu tiên nhất hiển nhiên cũng ảnh hưởng đến không khí trận đấu, nhưng về mặt tài chính, khán đài trung tâm vẫn là nguồn thu thiết yếu, với lượng khán giả đặt vé trọn mùa gấp khoảng 3, 4 lần so với mức tiêu chuẩn tại các khán đài phía trên và dưới. Chưa hết, chỉ tính riêng doanh thu vé bán từ khu ghế ngồi dành cho ban lãnh đạo, Câu lạc bộ Kim cương và Câu lạc bộ Thành viên, con số đã vượt mặt doanh thu của cả sân Highbury: ít hơn 10.000 người, nhưng mang lại thu nhập lên đến 35 triệu bảng mỗi năm. Như vậy, nếu tính cả doanh thu cộng thêm từ 50.000 khán giả thông thường (xấp xỉ 55 triệu bảng mỗi năm), ngân sách từ sân vận động đã được cải thiện gấp bội so với trước kia.

Nổi lên như một tân binh, Emirates đã nhanh chóng trở thành một ứng cử viên cạnh tranh ngôi vị ‘sân vận động bóng đá thu lời nhiều nhất thế giới’ cùng Old Trafford và Bernabéu – giá cả tại London và thương hiệu câu lạc bộ đã giúp họ bù đắp cho sức chứa vượt trội từ các đối thủ, điển hình như Barcelona và Milan. Arsenal FC hiện đang đều đặn thu về 3,5 triệu bảng sau mỗi vòng đấu, cao gấp đôi so với doanh thu tương ứng tại Highbury, và đã vượt mặt lợi nhuận phát sóng để trở thành nguồn thu chủ chốt, đồng thời cán mốc 100 triệu bảng lần đầu tiên vào năm 2009. Ngoài hỗ trợ thanh toán các khoản lãi và mức tăng cố định từ chi phí hoạt động, thật bất ngờ nếu câu lạc bộ không kết thúc mùa giải với một báo cáo tài chính khả quan chừng nào họ còn có thể lấp đầy mọi khoảng trống trên sân vận động.

Bất chấp mức giá vé cắt cổ cùng chiếc cúp FA năm 2005 – vốn là thành quả duy nhất cho hai năm nỗ lực gần đây, toàn bộ khán đài trung tâm, với những hàng ghế đầy quyền uy, vẫn hết sạch vé trong mùa giải đầu tiên. Kết quả này thật sự có ý nghĩa do đội bóng đã chứng tỏ được tiềm năng lợi nhuận, đồng thời vạch trần mức thua lỗ khủng khiếp tại Highbury những năm về trước. Tuy nhiên, câu hỏi then chốt vẫn là: ‘liệu khán giả có đang trả thêm tiền cho các giá trị mới lạ hay đã chấp nhận mua vé như một thông lệ?’ Và ‘liệu có ai khác sẵn sàng thế chỗ nếu họ bỏ ngang giữa chừng?’

Ban đầu, các sản phẩm cao cấp đã được xét cung cấp trong thời hạn 4 năm với mức giá đủ đảm bảo sẽ lường trước mọi khả năng tăng giá có thể. Tuy nhiên, với mức doanh thu thấp hơn kỳ vọng, ban lãnh đạo đã buộc phải xem xét lại chính sách của họ và chỉ ra giá cho các khu khán đài danh dự và các hàng ghế trong thời hạn một năm. Tuy nhiên, thị trường luôn biến đổi. So với Wembley – một địch thủ đáng gờm trong cuộc chiến thể thao, các doanh nghiệp có thể an tâm và tiếp tục đầu tư vào Arsenal, và nhanh chóng thu lợi từ các thành quả không nhỏ Arsène Wenger đã mang về cùng với khoản chi tiêu khiêm tốn của ông.

Gắn liền với không khí cuồng nhiệt đến từ các danh hiệu, các danh thủ và từ chính cuộc chơi, Highbury đã kháng cự mọi khả năng suy giảm số lượng khán giả xem thi đấu, bất chấp giá vé cứ tăng vùn vụt. Mặc dù vậy, chính sách giá vé của Arsenal chỉ là bước đột phá xét trên những gì người hâm mộ Pháo Thủ đã trải qua, đặc biệt đối với các khán giả không đến sân thường xuyên. 15.000 chỗ ngồi, tính cả 3.000 chỗ dành cho cổ động viên đội khách, đã trở thành lượng khán giả trung bình trong mỗi trận đấu. Về 12.000 chỗ trống còn lại, nguyên nhân chính hiển nhiên sẽ đến từ hàng ghế trên đắt đỏ hơn (hầu hết các hàng ghế dưới giá rẻ đã được bù đắp nhờ lượng khán giả đặt vé trọn mùa đông đảo). Trong hai mùa bóng đầu tiên, các trận cầu kém hấp dẫn với các đội bóng Hạng B đều chốt được mức giá vé tầng trên từ 38 bảng đến 66 bảng, trong khi các trận cầu Hạng A (năm trong số những trận cầu được trông đợi nhiều nhất ở Giải Ngoại hạng và có khả năng quyết định danh hiệu cuối mùa) giá vé tương ứng là 55 bảng đến 94 bảng (tháng Một năm 2011, do biến động của thuế giá trị gia tăng [VAT], giá vé thấp nhất của hàng ghế trên là 40 bảng, và cao nhất là 96 bảng). Năm 2004, Peter Hill-Wood đã gọi các mức giá trên là “kinh khủng.

Và chúng sẽ không hạ nhiệt như mong đợi.” (Peter đã đúng, thậm chí giá vé tầng trên còn tiếp tục tăng trên ba con số vào năm 2011.) “Chúng tôi đang cố gắng đưa giá vé về mức ổn định do các hàng ghế hạng thấp vẫn còn quá đắt đỏ –khoảng 30 bảng, và phấn đấu cân bằng với giá vé trước đây tại Highbury,” Hill- Wood cam kết. Nhưng đến năm 2008, ông đã buộc phải đưa ra một quan điểm thực dụng hơn. “Giải trí là một ngành kinh doanh tốn kém. Nhưng chúng tôi vẫn có hàng dài người đang xếp hàng mua vé [trên 40.000 người], nên có lẽ chúng tôi sẽ chưa tự đá văng mình ra khỏi cuộc chơi.” Điều xảy ra khi các thành viên hạng bạc bắt đầu đăng ký chính là tất cả các chỗ ngồi giá thấp hơn đều đã hết nhẵn vé. Vì thế, chỉ một tháng sau, số vé trên đã được bán tháo cho các thành viên hạng đỏ, những khán giả nằm cuối danh sách vốn không thể lựa chọn mua vé, bất chấp mức giá cắt cổ dành cho số vé còn lại.

Ngày càng nhiều các trận đấu hạng B được bán vé đại trà do tâm lý ‘sính của lạ’ đã dần lắng xuống, và đội bóng chỉ còn biết cầu nguyện rằng đây không phải dấu hiệu cho một chuỗi doanh thu thất bại, đồng thời ban lãnh đạo buộc phải suy ngẫm về đám đông khán giả không lấp đầy sân vận động. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn, họ vẫn muốn thuyết phục 50.000 khán giả chấp nhận trả giá cao nhất thay vì giảm giá đầu vào nhằm đảm bảo vé được bán hết, nhưng lại gây nguy hại đến lợi nhuận ròng. Giám đốc điều hành Keith Edelman đã phát biểu trong cuộc gặp gỡ giữa các quản lý kiệt xuất vào tháng Bảy năm 2008 (nhằm thông qua việc thanh lọc các khoản vay của câu lạc bộ) rằng đội bóng cần duy trì lượng khán giả trung bình khoảng 22.000 người để đảm bảo hòa vốn và trả dứt điểm mọi khoản lãi phát sinh. Ba tháng sau, khi ông được chất vấn tại AGM nhằm làm rõ con số 9.000 khán giả ở khán đài trung tâm và 13.000 ở những khu vực khác, Edelman đã chối rằng ông chưa bao giờ đưa ra con số tối thiểu, và tuyên bố 32.000 mới là mức hòa vốn, và được chia đều cho ba khu vực khán đài. Ông cũng tỏ ra coi thường lưu ý rằng mỗi tiêu chí đều phải đòi hỏi được kiểm chứng thật kỹ lưỡng – nhằm đảm bảo đây là hình mẫu câu lạc bộ được các ngân hàng nhắm đến, nhưng cuối cùng lại tự làm chính mình bẽ mặt do không thể dự tính trước lượng khán giả đến sân ít ỏi. Và nếu phương thức hiện tại cứ liên tục ghi nhận 60.000 người xem trong khi rất nhiều khán giả chỉ trả tiền mà không đến sân thì chúng ta có thể hiểu cách suy nghĩ của ông ta.

Trận cầu đầu tiên tại sân vận động mới (ngày 22 tháng Bảy năm 2006) là lần thử nghiệm thứ ba và cũng là cuối cùng. Đây cũng là trận đấu tri ân đối với Dennis Bergkamp, với lượng khán giả giới hạn trong khoảng 55.000 người. Arsène Wenger sút quả bóng bơm căng phồng về đường biên phía Bắc của sân vận động. Nếu không phải được dây neo giữ lại, quả bóng đã có thể bay vào lưới. Tuy nhiên, huấn luyện viên đã chệch mục tiêu và cú sút của ông đã bị gió cuốn phớt trên xà ngang. Nhưng cảnh tượng này vẫn còn xa so với cam kết của ban lãnh đạo rằng Wenger có thể mua về bất kỳ cầu thủ mục tiêu nào ông mong muốn.

Các con số thể hiện rất ấn tượng trên mặt báo, nhưng Arsenal thực chất lại chẳng có nổi một xu tiền mặt trong tay. Tình trạng thâm hụt có khởi sắc đôi chút khi câu lạc bộ nhận được khoản tài trợ của Nike, từ Emirates và lợi nhuận từ khán đài danh dự cùng vé đặt trọn mùa; đồng thời thanh toán bớt chi phí sân vận động. Các khoản phí gia hạn từ Câu lạc bộ Thành viên cũng nhanh chóng được thu về và chi trả cho lãi suất phát sinh từ hai khoản vay 210 triệu và 50 triệu bảng ban đầu. Tiếp theo đó là cuộc tái đàm phán về hợp đồng vay 25 năm, nhưng vẫn để lại cho câu lạc bộ 20 triệu bảng lãi vay thường niên cùng khoảng một nửa giá trị tài sản vay đầu tiên.

Năm 2008 – ngay thời điểm cam go trong thị trường vay vốn, các khoản thanh toán lãi suất (chiếm khoảng 10% doanh thu hàng năm) đã minh chứng cho sách lược tài chính sáng suốt của câu lạc bộ.

Thêm vào đó, các hợp đồng mua như trường hợp Theo Walcott cũng được đàm phán lại và câu lạc bộ có thể trả góp theo tổng giá trị, và vài triệu bảng cũng có thể trở nên thiết yếu bất kỳ lúc nào. Các khoản tiền mặt tốt cũng buộc phải giữ kín nhằm phục vụ thanh toán – vốn theo thông lệ sẽ bị phá bung mỗi khi đội bóng đón chào gương mặt mới.

Thời điểm mở màn mùa giải 2007-2008, tuy đội bóng đã quen với lượng khán giả đông đảo trong bối cảnh sân Emirates đang tiến vào kỷ nguyên mới, thì mọi thứ xung quanh lại hầu như chẳng có gì thay đổi. Người hâm mộ Arsenal vẫn trông đợi Wenger lập thêm những kỳ tích mới – một khả năng phi thường vốn đã được công chúng thừa nhận. Thế nhưng, vẻ hào nhoáng từ những thành tựu trước đó chẳng qua chỉ nhằm che giấu một sự thật rằng: vị chiến lược gia đang dần nhận thức được cuộc chiến của ông sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá