Sóng gió
“Chúng tôi nghĩ bà nên ra đi,” tiếng chủ tịch Peter Hill-Wood vang lên trong điện thoại khi thông báo với Phu nhân Bracewell-Smith rằng các đồng sự trong ban giám đốc muốn bà từ nhiệm. Đó không phải là những gì Phu nhân muốn nghe thấy khi chỉ vài giờ trước, chính những nhân vật này đã đồng lòng đề cử bà tiếp tục tại nhiệm trong Hội nghị Tổng kết Thường niên của Arsenal Holdings, diễn ra vào tháng Mười năm 2008. Thực chất, việc tái bầu cử đã trở thành thông lệ chiếu theo các quy định của hội nghị do công ty mong muốn cuộc họp diễn ra một cách nghiêm túc và không có cổ đông nào tỏ ra thắc mắc về những diễn biến phía sau hậu trường. Nhưng cũng chính vì vậy mà hội nghị đã trở thành sân khấu đầy ắp những bất ngờ.
Tại AGM, Phu nhân Bracewell-Smith đã chọn chỗ ngồi sát bên Arsène Wenger và Stan Kroenke. Một số cổ đông rất mong muốn được gặp mặt thành viên mới nhất trong ban giám đốc, Kroenke – người chỉ mới gia nhập ban lãnh đạo đội bóng vài tuần trước – càng sớm càng tốt. Các tấm bảng tên trên bàn họp cũng thể hiện uy danh của ban giám đốc, đặc biệt là của cổ đông quan trọng nhất, Danny Fiszman. Thế nhưng, họ đã vội vàng gỡ bảng tên của ông đi và xác nhận một sự thật rõ ràng rằng: ông sẽ không đến tham dự – nguyên nhân sau này được giải thích do những khó khăn trong hành trình di chuyển từ quê nhà Thụy Sĩ của ông. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng sự vắng mặt của ông chính là dấu hiệu cho thấy câu lạc bộ đã không còn là ưu tiên lớn nhất của Fiszman, và ông sẽ nhanh chóng ra đi sau khi bán tháo cổ phiếu của mình, cùng thời điểm thỏa thuận tự cô lập sẽ chấm dứt vào tháng Tư năm 2009.
Trò hề gắn liền với việc Phu nhân Bracewell-Smith tái đắc cử và đứng lên trả lời chất vấn của mọi thành viên ban lãnh đạo không phải là nghịch lý duy nhất trong ngày hôm ấy. Các vị giám đốc đã gửi lời chúc mừng – như họ vẫn thường làm trong các dịp tương tự – đến Hội Tín nhiệm Cổ động viên Arsenal (AST) vì đã tham gia cuộc họp này và hy vọng họ sẽ hội tụ thêm nhiều thành viên cùng chung lý tưởng. Nhằm khẳng định tuyên ngôn của mình, AST đã giới thiệu một tập sách ngắn mang tên Những Người Canh Giữ Tượng Đài Arsenal, với nội dung khơi gợi lại ký ức qua các đời chủ tịch và khả năng điều hành câu lạc bộ xuất sắc của họ qua nhiều thập kỷ. Gia đình Hill-Wood được giới thiệu khá chi tiết, và sau khi hội nghị AGM kết thúc, bức tượng bán thân do câu lạc bộ trao tặng Ngài Denis, thân sinh của chủ tịch Peter Hill-Wood hiện thời, cũng đã được tiết lộ. Một dòng họ danh tiếng khác được đề cập đến trong tập sách chính là gia đình Bracewell-Smith, với Phu nhân Nina là đại diện cuối cùng còn đương nhiệm. AST đã trao tặng bản thảo tập sách đến ban giám đốc, và nhận về những lời cảm ơn động viên từ chủ tịch đội bóng. Điều duy nhất ông không nhắc đến trong cuộc họp chính là tương lai chông chênh của quý bà vừa đắc cử, Phu nhân Bracewell-Smith. Sự việc trên hứa hẹn sẽ tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Đó cũng là ngày chứng kiến sự ra đời của triều đại mới tại Arsenal, kéo theo sự sụp đổ của một thế lực xưa cũ.
Nhiệm kỳ của Phu nhân tại Arsenal sau cùng cũng kết thúc vài tuần sau đó, do phản kháng quyết định trục xuất của ban lãnh đạo thất bại. Peter Hill-Wood thừa nhận: “Bà ấy đã gia nhập câu lạc bộ nhờ kế thừa cổ phiếu của người chồng quá cố, và tôi thật sự không muốn bà ấy phải ra đi theo cách như thế này; chúng tôi đã cố gắng thuyết phục bà ở lại trong khả năng của mình, nhưng Phu nhân đã nhất quyết từ chối.” Bà đã được đề nghị một vị trí danh dự, một vai trò mang tính biểu tượng, nhưng sẽ bị tước bỏ những đặc quyền tại khán đài dành cho ban giám đốc vào những ngày có trận đấu diễn ra. Nhưng tất nhiên, bà sẽ không bao giờ có thể che giấu tham vọng thôn tính quyền lực nữa. “Với tư cách một giám đốc, bà ấy đã sai lầm,” Hill-Wood tiết lộ, “nhưng sao không thể ngồi ở ngôi cao,nơi sẽ giúp bà ấy tiếp nhận mọi danh hiệu khác? Rốt cuộc, bà ấy đã không làm thế.” Một cảm giác khuây khỏa đến mãnh liệt đã lan truyền giữa các thành viên ban giám đốc, sau khi Phu nhân tuyên bố rằng bà sẽ từ chức. “Bà ấy căn vặn và làm khổ tôi không dứt vì chúng tôi đã trao hết cho bà tất cả những nhành ô-liu,” Hill- Wood chia sẻ. “Tôi là người khá dễ dãi trong các quyết định, đến khi nào anh còn chưa phá hỏng hoàn toàn công việc của tôi; nhưng bà ấy quả thực rất khó đối phó.” Điều ông chưa vạch trần toàn bộ chính là một trong những nguyên nhân cốt yếu khiến ban giám đốc tin rằng bà đã chuẩn bị sẵn cho việc gia nhập công ty Red and White Holdings của Alisher Usmanov – một thỏa thuận bất chính và nguy hiểm với một kẻ săn mồi lão luyện. Tuy nhiên, Phu nhân Bracewell-Smith đã phản đối dữ dội cáo buộc trên. “Tôi đã bị đối xử bất công ngay từ ngày gia nhập [ban lãnh đạo cấp cao],” bà chia sẻ, “Danny Fiszman luôn giữ khoảng cách với tôi, và anh sẽ cảm thấy rằng nếu anh không phạm sai lầm như những kẻ khác, anh sẽ bị cô lập.”
Lời mời Stan Kroenke tham gia cuộc chơi chính là sách lược then chốt nhằm chống lại khả năng thâu tóm câu lạc bộ của Red and White Holdings. Từ thái độ khinh ghét, Peter Hill-Wood đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn đối với Stan Kroenke qua thời gian. “Stan Kroenke chính là mẫu cổ đông phù hợp nhất,” chủ tịch Arsenal đã nhận xét như vậy sau khi doanh nhân người Mỹ được chấp thuận trở thành một thành viên trong ban giám đốc, “vì ông ấy là một người giàu có và không hề tự mãn như những gã người Nga khác. Ông ấy thật sự tận tâm với thể thao. Ông ấy rất say mê bóng đá và đang nỗ lực nhằm phát triển môn thể thao này ngay tại quê nhà. Ông ấy không đặt [Giải Bóng đá Nhà nghề Mỹ] và Giải Ngoại hạng Anh trên cùng một bàn cân, và ông ấy tin vào những gì chúng tôi đang làm tại Arsenal. “Ông ấy có vô số công ty nhượng quyền riêng và một danh mục đầu tư khổng lồ,” Ken Friar bổ sung. “Ông ấy có kiến thức chuyên sâu về bất động sản, và tạo cảm giác rằng ông sẽ mở mang cho chúng tôi nhiều điều cả về bất động sản lẫn thể thao. Ông cũng bị ảnh hưởng bởi truyền thống buôn bán của gia đình, còn chúng ta thì bị ảnh hưởng bởi mọi lĩnh vực trên. Chúng ta luôn có cảm giác sẽ đạt đến thành công trong mọi lĩnh vực, nhưng ông ấy thì đã thành công từ trước.”
Hill-Wood đã lý giải về lý do phía sau cơn thịnh nộ của ông – “Chúng tôi không cần tiền của ông ta và kiểu cách của ông ta” – đúng những lời ông đã tuyên bố sau những hệ lụy từ việc trục xuất Dein. “Tôi đã nói như thế vì khi ấy tôi không biết gì về ông ta [Kroenke]. Tôi đã chống đối ông ta vì David bảo với tôi rằng ông ta chưa từng lắng nghe David và điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận. Tôi đã gọi cho Dein và nói, ‘Tôi ngờ rằng gã người Mỹ này đang âm mưu mua lại cổ phiếu ITV và tôi nghĩ nên báo cho ông biết.’ Dein trả lời, ‘Ồ, thật vậy sao? Chà, tôi cũng nghe đồn có chuyện gì đó đang diễn ra.’ Khi đó tôi đã nghĩ: ‘Thật là…’ Thế đấy, mọi thứ bỗng làm tăng thêm cảm giác thù địch trong tôi và tôi hoàn toàn không biết Stan Kroenke là người như thế nào. Ngay lần đầu gặp gỡ tôi đã xin lỗi ông về những bình luận trước kia, dù [một số] không thật sự bắt nguồn từ tôi. Tôi không nên phát biểu như thế với báo giới. Họ đã ghi lại không ít những gì tôi nói và thêu dệt thêm khiến câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi đã thú nhận với Stan, ‘Nghe này, tôi thành thật xin lỗi. Tôi không phải người mở đầu cho tất cả những lời bình luận được đăng tải nhưng đúng là tôi đã từng nói một-hai câu trong số đó, và tôi xin rút lại tất cả ngay lập tức.’ Ông ấy trả lời, ‘Đừng bận tâm về điều đó, tôi không phiền đâu.’” Nói về vai trò của Dein trong vụ việc, Hill thở dài, “Tôi biết Dein đã gây tác động. Thật sai lầm.”
Với việc Kroenke gia nhập ban giám đốc, nhiệm kỳ kế tiếp của Phu nhân Bracewell-Smith đã không còn cần thiết, và bà đã trở thành mục tiêu cần loại bỏ của Red and White Holdings. Chính bà cũng ý thức được thực tế nghiệt ngã. “Họ [ban giám đốc] không còn muốn có tôi; trong vụ sa thải Dein, tôi đã có 15% cổ phần và họ buộc phải đứng về phía tôi; nhưng nay, khi đã có Stan Kroenke, họ sẽ không cần tôi nữa.” Vị chủ tịch lại tỏ ra khá lạc quan về những nguy cơ chực chờ từ việc trục xuất bà: “Nếu bà ấy bán cổ phiếu ư? Thì đã sao?” Ông suy nghĩ. “Tình thế đã thay đổi đáng kể trong 5 hoặc 10 năm vừa qua. Nếu một người ngoài đến và đưa ra đề nghị với câu lạc bộ nhờ sự sáng suốt của ông ta và thật lòng muốn mua lại cổ phiếu, điều đó có thể kết thúc cả một triều đại. Tuy nhiên, anh vẫn có thể đấu tranh đến khi nào còn nắm trong tay 51% cổ phần; vì thế, chúng tôi đã nắm bắt cơ hội [từ Stan Kroenke].”
Phu nhân Bracewell-Smith sau cùng cũng hiểu rõ quyết định của Hobson khi người anh họ Richard Carr của bà quyết định rút tên khỏi Ban lãnh đạo Arsenal. Điều này càng khẳng định rằng các thành viên còn lại đều nhất trí đẩy bà khỏi cuộc chơi như họ đã từng làm với Dein 18 tháng trước. Quyết định rút lui của Carr đã tránh cho ông khỏi bị bẽ mặt dù có được bầu lại trong nhiệm kỳ mới hay không. Ông vẫn y chức là giám đốc của Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal, dù chỉ phụ trách công tác thi công sân vận động và các phân nhánh của hoạt động kinh doanh bất động sản, với quyền lực đã bị tước bỏ từ câu lạc bộ cho đến Công ty Arsenal Holdings – doanh nghiệp hiện đang kiểm soát tất cả hoạt động của câu lạc bộ, từ bóng đá đến mọi phương diện khác.
Sau thời điểm Red and White từng phải mua lại cổ phần đội bóng với mức giá 10.000 bảng một cổ phiếu, giá cổ phiếu Arsenal đã giảm sút 25% khi AGM 2008 được tổ chức. Nếu Phu nhân Bracewell- Smith bán đứt cho Red and White Holdings, cổ phần của họ chắc hẳn đã vượt quá 30%, và họ bắt buộc phải đưa ra yêu cầu nhằm đảm bảo giá cổ phiếu vẫn ở mức cao, nhằm che giấu giá trị thực của Arsenal. Không những thế, cũng giống như vô số các tỉ phú Nga khác, quy mô bành trướng của Usmanov đã suy yếu nhanh chóng, như thể đó là thứ rủi ro kinh tế ám ảnh họ trên khắp toàn cầu.
Như vậy, nguy cơ của một cuộc lật đổ thù địch đã mờ đi đôi chút. Tháng Hai năm 2009, Red and White đã mua đủ cổ phiếu và giúp họ nắm trong tay 25% cổ phần, tỷ lệ cho phép họ ngăn chặn bất kỳ quyết sách tối quan trọng nào ban giám đốc có thể đưa ra. Mối đe dọa duy nhất trong thời điểm đó chính là việc Usmanov sẽ xúc tiến hợp tác với Phu nhân Bracewell-Smith và tăng tổng số cổ phần lên 40,9% – một đám mây đen đã xuất hiện cuối đường chân trời, đang chực chờ đe dọa ban lãnh đạo hiện không có trong tay một lượng cổ phiếu đáng kể nào.
Đối với Danny Fiszman, Red and White cũng không khác gì David Dein, nên cũng chẳng cần thương tiếc gì họ. Đó là thông điệp cảnh báo rất rõ ràng và vang dội đối với những ai trước đó đã rộng rãi rút hầu bao cho vị cựu phó chủ tịch vì số cổ phiếu của ông ta. Việc bổ nhiệm Dein làm chủ tịch Red and White – công ty với lý do tồn tại duy nhất là thâu tóm lợi ích từ Arsenal – có thể là nước cờ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người hâm mộ câu lạc bộ, đảm bảo lòng trung thành của Arsène Wenger và bổ sung một quản trị gia giàu kinh nghiệm đứng sau cuộc chơi mà họ muốn giành quyền kiểm soát.
Nhưng cho dù Dein có thật sự là bạn tâm giao với huấn luyện viên hay là tượng đài được yêu mến trong lòng các cổ động viên đi chăng nữa, thì điều đó cũng chưa chắc sẽ đem lại lợi ích cho Alisher Usmanov, đồng thời đặt một dấu hỏi lớn lên sự hữu dụng của chính Dein. Ông đã thất bại trong việc huy động các nguồn hỗ trợ quan trọng cho sự nghiệp kinh doanh mới, và đã trở thành chướng ngại không thể vượt qua đối với những ai có tầm ảnh hưởng sâu rộng và quan hệ mật thiết với ban lãnh đạo hiện tại. Khi được hỏi về vai trò vai trò thật sự của vị trí chủ tịch ông đang đảm nhận tại Red and White Holdings, Dein luôn tìm cách lảng tránh, mặc dù ông đã nắm trong tay các đầu mối quan trọng trong nội bộ FIFA và UEFA, và vẫn giữ được hình ảnh một nhân vật luôn được săn đón trong các hội nghị bóng đá.
Tháng Chín năm 2008, David Dein quyết định từ chức. Ông phủ nhận mình đã bị Red and White trục lợi và trở nên hết thời khi Arsenal từ chối thương lượng với ông. Về cá nhân, ông giải thích: “Đó là lựa chọn của tôi. Tôi đã mang về hai tỉ phú [Stan Kroenke và Alisher Usmanov]. Nỗ lực của tôi đã đem lại thành quả. Kết thúc như thế này cũng không hẳn là xấu, tôi vẫn muốn giữ nguyên cá tính độc lập của mình và đón nhận sự thật như cách tôi chứng kiến.” Hiện thời, ông đã không còn là gương mặt thân quen trên khán đài danh dự của Red and White và đành phải theo dõi các trận đấu từ hàng ghế thuộc Câu lạc bộ Thành viên. (Ông có bốn chỗ ngồi liền kề và vài chỗ khác ở khán đài phía trên, nhưng hầu hết đã được quyên tặng cho khán giả và bạn bè đến xem thi đấu xen kẽ từng trận.) Sau đó, Red and White đã nhận lại 4 chỗ ngồi tại khán đài dành cho ban giám đốc và một bàn đặt riêng tại phòng ăn của họ trong khuôn viên sân Emirates. Đó là những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Dein đã từ bỏ cuộc chơi, và các mối quan hệ bắt đầu gãy đổ.
Thế nhưng mọi chuyện đã quá trễ đối với Phu nhân Bracewell-Smith. Điều khoản tự cô lập chẳng khác nào một bản hôn ước và đã có những lời bàn tán trong ban điều hành rằng không sớm thì muộn nhiệm kỳ của bà cũng kết thúc. Bà than rằng mình bị tẩy chay sau khi thú nhận đã phạm một sai lầm nhỏ khi ghé thăm khu vực dành cho Red and White vào giờ nghỉ giữa hiệp. Lời mời này đến từ cộng sự của Usmanov, Farhad Moshiri, người mà Phu nhân quả quyết chỉ muốn giới thiệu bà với em gái ông ta. Ngày bà ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu cuộc gặp mặt diễn ra khi Dein đã rời bỏ Red and White hay diễn ra tại khu khán đài dành cho ban giám đốc, có lẽ đã không có ảnh hưởng nào đáng kể. Lần xuất hiện cuối cùng của nhà Bracewell-Smith trên cương vị giám đốc đội bóng Arsenal đã để lại một dư vị cay đắng. “Sa thải một giám đốc chứng tỏ họ đã đẩy xung đột lên đến cao trào,” bà cho biết, “và nó lại xảy ra theo cách thật nhẫn tâm [chỉ nửa giờ sau bữa trưa của ban giám đốc từ hội nghị AGM]. Họ lẽ ra không thể đối xử như thế với một phụ nữ.”
Điều có thể nhận thấy chính là Phu nhân Bracewell-Smith không chỉ muốn có thêm quyền lợi dựa trên số cổ phần đóng góp của bà, mà còn tự cảm thấy mình ngày càng xa cách với các quyết định của ban giám đốc. Bà thừa nhận rằng “chỉ có một yếu tố duy nhất [dẫn đến bất đồng].
Tôi đã không chấp nhận một số lượng lớn cổ phần.” Tất nhiên, bà cũng cảm thấy mình có đóng góp tương đương các đồng sự cùng chức vị. Qua điện thoại, một người bạn lưu niên của bà là Geoffrey Klass đã nhận xét rằng bà đang đi theo một đối sách sai lầm. Klass nhẹ nhàng phân tích: “Bà nên giữ im lặng, thuận theo chiều gió và tự cảm thấy mình đã may mắn như thế nào. Tôi còn phải ghen tỵ với bà đấy,” ông nói. “Bà đã là giám đốc của một đội bóng phi thường. Họ sẽ không bao giờ cho phép tôi ngồi ngang hàng với họ”. (Khi còn nắm giữ 4% cổ phần câu lạc bộ, Klass đã đề nghị một chỗ ngồi trên khán đài danh dự và nhận được một lời từ chối lịch sự.) Trong cơn tức tối, bà đã thét lên, “Ông đã đánh giá tôi quá thấp”, và dập mạnh ống nghe.
Tuy trong thâm tâm Phu nhân Bracewell- Smith luôn hối tiếc: “Mình lẽ ra phải chủ động hơn nữa,” nhưng chính suy nghĩ đó đã khiến bà luôn phải chịu cảnh bất công. “Họ [ban giám đốc] muốn loại bỏ tôi; họ đã sắp sẵn kế hoạch cả rồi,” bà nói. Một trong số đó là việc bổ nhiệm – sau một quá trình phỏng vấn lâu dài – người thay thế Keith Edelman. Hai ứng cử viên nặng ký nhất gồm có khán giả đặt vé dài hạn, Paul Donovan, đồng thời cũng là CEO của Vodafone, và người còn lại là CEO của Celtic, Peter Lawwell, một chuyên gia lão luyện trong lĩnh vực bất động sản. Lawwell vốn nhận được nhiều cảm tình hơn, nhưng ông lại muốn giữ nguyên vị thế hiện tại. Một số người quen biết Lawwell đã chia sẻ, “với một người tham vọng đã từng dẫn dắt Celtic như ông, có lẽ chính ông cũng không chắc chắn có thể ổn định lâu dài ở vị trí ông tiếp nhiệm. Thay vì quyết định chọn ngay Donovan, họ đã quyết định tiếp tục tìm kiếm ứng viên.
Như vậy, lão tướng ngoài thất tuần Ken Friar đành phải tiếp tục chỉ huy pháo đài thêm một thời gian, và nhận lãnh trách nhiệm từ hai chức vụ tối quan trọng trong khi lẽ ra ông đã có thể nghỉ hưu và sống an nhàn khi về già. Chính Wenger sau này cũng thừa nhận: “Việc tìm kiếm đúng người rất quan trọng đối với câu lạc bộ, vì chúng tôi luôn phụ thuộc vào Ken, người gần như phải làm tất cả; và như thế là vượt quá khả năng của ông.” Với nhiệm kỳ tạm thời của vị trí quyền giám đốc điều hành chỉ còn tính theo từng tháng, Friar tất nhiên không thể phụ trách bất kỳ kế hoạch dài hạn nào tại câu lạc bộ thời điểm đó. Tất cả quyết định đúng đắn của ông đều nhằm hỗ trợ Wenger, thế nhưng, công việc của huấn luyện viên người Pháp còn chồng chất hơn gấp bội thời còn hợp tác với David Dein: bất kỳ tuần đấu nào không có trận cầu vào giữa tuần đều được bố trí một chuyến săn tìm tài năng trẻ ở nước ngoài. (Sau “tuần lễ thất vọng nhất” [tháng Ba năm 2009] trong triều đại của ông tại Arsenal – bị Manchester United loại khỏi bán kết Champions League và đón nhận một trận thua đậm trước đối thủ truyền kiếp Chelsea (sau 20 năm) ngay tại sân nhà – ông chẳng còn thiết đáp máy bay đến Pháp với kế hoạch tuyển quân được ông ưu tiên cao nhất cho mùa giải tới.)
Tuy nhiên, công bằng mà nói, đội bóng cũng đã có sẵn kế hoạch dự trù dưới chức danh ‘giám đốc bóng đá’ trong mùa hè sau ngày ra đi của Dein. “David đã chuẩn bị tất cả trước khi ông rời bỏ chúng tôi,” Friar nói. (Dein thường là người đại diện cho huấn luyện viên và giúp Wenger cảm thấy khuây khỏa sau những chuyến đi, những buổi thử nghiệm đội hình liên quan đến hoạt động chuyển nhượng.) Sau đó, ông đã giải thích cách mọi thứ vận hành hiệu quả ra sao: “Khi ông ấy ra đi, ban lãnh đạo đã đề nghị tôi kế nhiệm ông ấy, và tôi đã đồng ý.
Arsène luôn có mắt nhìn cầu thủ – và từ đó mọi thứ sẽ đi đúng hướng. Huấn luyện viên phải biết cách nhận biết cầu thủ. Tôi hoặc Arsène sẽ thực hiện cuộc gọi phụ thuộc cầu thủ đó là ai và cậu ta đang ở đâu. Nếu đó là Lyon và tại một câu lạc bộ nơi ông ấy quen biết mọi người, Arsène sẽ quay số. Sau đó, chúng tôi sẽ sắp xếp cuộc hẹn, và họ sẽ đến. Nói chung, các cuộc gặp thường diễn ra tại London Colney, người tham dự gồm có Arsène, tôi và huấn luyện viên hoặc giám đốc của đội bóng chủ quản. Đôi khi mọi thứ còn tiến triển xa hơn một cuộc làm quen. Một lần, chúng tôi đã nhất trí toàn bộ các điều khoản quan trọng, và sau đó chúng tôi đã đến gặp cầu thủ và người đại diện để hoàn tất thương vụ, hoặc họ sẽ đến đây”. (Cả Gilles Grimandi, học trò xuất sắc của Wenger tại Pháp lẫn Nicky Hammond, người đang công tác tại Reading đều được đề nghị vị trí giám đốc bóng đá. Dường như Grimandi đã bất đắc dĩ phải đồng ý cam kết do vẫn còn phân vân về tương lai lâu dài của Wenger tại đội bóng. Và lời đề nghị vẫn hờ hững nằm đó.)
“Arsène ôm đồm quá nhiều việc”, một người bạn phản ánh với Dein.
“Tôi đã nói rằng khi tôi ra đi,” Dein đáp lời, “tình thế đã thay đổi. Manchester City, Aston Villa, Everton và Tottenham đều đã xây chắc nền tảng, chứ đừng nói đến Manchester United, Chelsea hay Liverpool; và với chính sách thuế thay đổi, chi phí chỉ có thể tăng thêm và lương bổng cầu thủ sẽ là cả một vấn đề.”
“Vậy ra anh đang lặp lại triết lý của mình,” người bạn nói, “rằng muốn có một đội hình tất thắng, anh phải chi thêm tiền, thật nhiều tiền? Nhưng Arsène sẽ không bỏ ra đồng nào đâu, ngay cả nếu ông ta có sẵn.”
“Ông ấy chẳng biết xa xỉ là gì,” Dein trả lời, và đặt câu hỏi về tham vọng của đội bóng, “Liệu họ có đủ mạnh để đương đầu với Barcelona hay Milan? So với Manchester United, chúng ta [Arsenal] như đang sống ở thời đồ đá. Liệu họ đã bao giờ nói rằng: ‘Arsène, đừng quá bận tâm đến chi phí. Chúng ta sẽ vượt qua thời khắc này. Chúng ta phải thật can đảm và cứng rắn khi bước ra thương trường. Hãy cho chúng tôi biết, ông cần bao nhiêu để chiến thắng Champions League’”.
Có thể là không, nhưng một cuộc cách mạng không-tiến-hóa chính là định hướng Ban giám đốc muốn theo đuổi.
Các vật dụng cũ kỹ trong phòng họp cấp cao tại Highbury đã được chuyển từng món một sang tòa nhà Highbury House cách đó khoảng vài trăm thước (gồm cả những bộ ghế da màu xanh cũ kỹ hồi thập niên 1970 hoàn toàn đối chọi với bộ bàn làm việc tráng lệ của Ken Friar, vốn đã trải qua thời kỳ vàng son dưới thời Herbert Chapman, và tiếp tục được truyền lại qua bao vị giám đốc và thư ký của đội bóng), tuy nhiên, phòng họp cấp cao được bố trí lại đã trở nên hữu dụng và gần gũi hơn, và được bổ sung thêm một cánh cửa quay. Tính từ thời điểm chuyển dời, ba vị giám đốc đã bị phế truất, còn Richard Carr thì bị giáng cấp; cuối năm 2008, đội bóng đã chào đón hai người kế nhiệm ông đến từ Hoa Kỳ.
Ý kiến cho rằng ban lãnh đạo nên chấp nhận một tỉ phú người Mỹ như nền tảng cơ sở nhằm phát triển đội bóng đã bị xem là hão huyền suốt mùa hè năm 2007; nhưng với sự hiện diện thường xuyên của Usmanov, Stan Kroenke lại trở thành lựa chọn an toàn hơn nhiều. Mặt khác, ông còn được Hội Tín nhiệm Cổ động viên Arsenal (AST) ủng hộ – AST đã gặp Kroenke lẫn các trợ thủ đắc lực của ông tại London lẫn Denver, như một phần trong chiến dịch thắt chặt mối quan hệ của họ với các cổ đông chủ chốt, hòng nâng cao tầm ảnh hưởng và nhắm đến quyền sở hữu đối với cổ phần đội bóng. Mặc dù vậy, Kroenke đã gây bất ngờ khi hòa lẫn vào các thành viên của AST trong bữa tiệc Giáng Sinh năm 2008 được tổ chức tại Câu lạc bộ Kim cương. Sự kiện này đã được bố trí cùng với buổi họp cấp cao của câu lạc bộ, để ban giám đốc có thể cùng chung vui. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cho rằng Kroenke chỉ đến Anh để dự họp, chứ chẳng hề quan tâm đến các buổi họp mặt cộng đồng do AST tổ chức, như ông đã làm khi còn công tác tại công ty của Danny Fiszman.
Hiển nhiên, hai người đàn ông đã nhanh chóng kết thân với nhau (do Fiszman là một chuyên gia tài giỏi vốn luôn biết cách che giấu sự bất hòa của ông đối với David Dein trong vài tình huống, biết cách xuất hiện trước công chúng như một phần của tập thể, và thậm chí còn qua mặt cả những đồng sự của ông). Nếu Fiszman, do bản tính dè dặt nên thường giao tiếp một cách phòng thủ, thì Kroenke lại rất nhiệt tình và cởi mở.
Quyết định bổ nhiệm Ivan Gazidis – nguyên phó ủy viên hội đồng MLS – vào vị trí CEO mới cũng đã được công bố.
Gazidis sẽ bắt đầu công việc sau năm mới, và tin tưởng một cách tuyệt đối rằng chính Kroenke là cầu nối đã đưa ông đến Arsenal. “Tôi chẳng phải làm gì,” ông trả lời các phóng viên của AST sau khi hớp một ngụm bia, “Nếu các đồng sự của tôi [tại Mỹ] nghĩ như thế, thì hẳn họ rất phật lòng về tôi; nhưng dù sao, ông ấy [Gazidis] vẫn là người tốt.” Và chính Gazidis đã xác nhận một vấn đề then chốt khiến nhiều người vẫn hoài nghi:
“Việc tôi được bổ nhiệm hoàn toàn không liên quan đến Kroenke,” ông chứng thực. “Tôi đã nói rất cụ thể rằng tôi không muốn ông ấy thông tin về việc này khi quyết định chưa chính thức được đưa ra.” Sự trùng hợp may mắn trên đã đem lại cho Kroenke sự tin tưởng từ cả hai phía, cùng lòng cảm kích ghi khắc trong tâm Gazidis khi ông trở về Mỹ.
Nhân vật tiếp quản trọng trách trên vốn xuất thân từ Nam Phi (không như Danny Fiszman, người thường xuyên bị báo chí nhận nhầm là người Nam Phi, dù quả thực ông đã sống tại Antwerp khi còn bé, trước khi chuyển đến sinh sống và trưởng thành tại khu Willesden Green, Bắc London – nơi ông bắt đầu nhận ra tình yêu của mình dành cho Arsenal) và lớn lên tại Anh. Ông chơi bóng tốt đến nỗi đã giành được học bổng của Đại học Oxford, đảm nhận cánh phải (“tôi chỉ có tốc độ thôi, còn lại thì kém lắm”, ông thú nhận) và thậm chí đã từng đặt chân đến Sân vận động Wembley, trong trận đối đầu với Cambridge giữa thập niên 1980. Ông đã lấy bằng luật sư, và chuyển đến Mỹ làm việc khoảng vài năm trước khi được chiêu mộ về phát triển một giải đấu non trẻ, vốn được khai sinh sau khi Vòng chung kết World Cup 1994 kết thúc.
Không như người tiền nhiệm Keith Edelman, Gazidis là mẫu người hội tụ tố chất của người làm bóng đá và tố chất của một doanh nhân. Peter Hill-Wood thừa nhận, việc tối quan trọng hiện giờ là hướng đến tương lai của ban lãnh đạo đội bóng. “Ông ấy [Gazidis] chỉ mới 45 tuổi, và là đại diện của thế hệ trẻ – dù sao vẫn tốt hơn một lão tướng đã ngót nghét 70 tuổi. Chúng tôi đang tập trung chiêu mộ nhân lực trẻ vào ban quản lý cấp cao.” Tuy nhiên, giá trị của Gazidis không chỉ nằm ở độ tuổi của ông. “Hồi tháng Mười tôi đã tiếp xúc với ban giám đốc Arsenal và được đề nghị đảm nhận vị trí này,” ông kể lại, “Khi đó, tôi đã nhận ra đây là một triển vọng thực tế khi số phận gọi tên tôi, và tôi biết đây là cơ hội nghìn năm có một. Đó hoàn toàn là một quyết định dựa theo cảm tính và không hợp lý chút nào. Quyết định đó chỉ dựa trên một sự thật rằng tôi thích xem Arsenal thi đấu. Lối chơi của Arsenal sở hữu thứ phẩm chất thuần khiết khiến tôi thật sự bị cuốn theo. Phẩm chất đó xuất phát từ chính câu lạc bộ này. Nó hội tụ các giá trị, truyền thống, sự kế thừa, sự xuất chúng…, nhưng họ không chỉ nhìn lại các thành tựu phía sau, mà luôn hướng đến một tầm nhìn đích thực trong tương lai.” Tiếp theo, ông nói chẳng đến vấn đề chính. “Những câu hỏi cơ bản của chúng tôi là: Liệu chúng tôi có đang hoạt động hiệu quả như chúng tôi có thể?
Chúng tôi có đang chọn lựa những cầu thủ phù hợp? Chúng tôi có đang chi tiêu một cách đúng đắn? Chúng tôi có đang thu về đủ thu nhập như một doanh nghiệp để dành tiền cho các thương vụ chuyển nhượng? Và dựa trên những tham số đó, anh có thể đưa ra một bài tranh luận hấp dẫn về hiệu suất hoạt động của chúng tôi. Câu lạc bộ này đang vận hành như một tập thể tự lực cánh sinh.”
Với kinh nghiệm của Gazidis trong lĩnh vực marketing thời còn ở Giải Bóng đá Nhà nghề Mỹ, hiển nhiên ông có thể bổ sung giá trị cho hoạt động thương mại của câu lạc bộ, một mảng hoạt động rất cần được lưu tâm, như Hill-Wood đã thừa nhận trong ngày Gazidis nhậm chức. “Trên phương diện thương mại, chúng tôi đang hụt hơi và sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đuổi kịp những Manchester United, Barcelona, Real hay thậm chí cả Liverpool, và có thể cả Chelsea. Có rất nhiều mặt cần cải thiện và nhiều thứ có lẽ vẫn còn xa lạ đối với tôi, nhưng tôi tin tôi sẽ đủ thực tế để nhận thức được rằng chúng tôi đã không còn là một đội bóng nhỏ bé ở Bắc London nữa. Ivan sẽ hỗ trợ về mọi mặt trong hoạt động kinh doanh của câu lạc bộ – giờ đây đã mang ý nghĩa nhiều hơn một đội bóng – tất cả đều dựa trên những hoạt động thương mại. Đây là một thương hiệu lớn.” Và ông cần những người hội tụ nhiều phẩm chất khác nhau để phục vụ mục tiêu trên. “Tôi chỉ tìm kiếm những ai thật sự, thật sự khôn ngoan,” Gazidis nói, “những người tỏ ra thật sự hữu dụng trong việc thúc đẩy kế hoạch kinh doanh và đường lối chiến lược trong việc kiểm soát bộ máy của chúng ta trên tất cả mọi thứ.
Không có nhiều câu lạc bộ sở hữu một kế hoạch kinh doanh thật sự hoàn thiện như vậy.”
Tiếp đó, Gazidis đã trình bày chi tiết về phương pháp của ông: “Tôi rất hệ thống trong cách thức xử lý mọi việc,” ông giải thích. “Những hoạt động tôi tập trung cải thiện trong năm tháng đầu tiên sẽ trở thành cơ sở để đánh giá. Chúng ta hãy khoan bận tâm đến việc truyền đạt tầm nhìn, định hướng hay kế hoạch dài hạn, mà hãy tập trung vào những nhu cầu cấp thiết của câu lạc bộ – những phương diện có thể đem lại lợi ích nếu được bổ sung và điều chỉnh kịp thời. Độ tập trung có vẻ khá nhỏ và hướng đến nội bộ, và từ những thay đổi chúng tôi đã vượt qua như một tập thể, chúng tôi có thể tiến hành bước tiếp theo. Và bước tiếp theo chính là bước tiến quan trọng chúng tôi phải đạt đến, đó là tiến xa hơn chính cái tên Emirates, và xác định được câu lạc bộ sẽ đi về đâu trong 5 đến 10 năm tới, đồng thời thật sự hiểu rõ chiến lược chúng tôi sẽ áp dụng cùng tiến trình các bước phải lần lượt thực hiện để đảm bảo thành công cho chiến lược đó. Để làm được điều đó, chúng tôi buộc phải nhìn lại những gì đã làm và xác định một kế hoạch kinh doanh mới cho cả câu lạc bộ.”
CEO mới hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của nhóm quần chúng được trả công (những người nhận được phụ cấp từ bạn bè ông để gây tiếng vang cho câu lạc bộ trong thời gian dài) và đã tiếp xúc với nhiều nhóm cổ động viên khác nhau chỉ trong vài tuần sau khi cập bến Arsenal. Ông cũng lập tức hòa nhịp với ngôn ngữ của họ. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, ông đã nói về vai trò của ban lãnh đạo cùng trách nhiệm coi sóc của họ đối với câu lạc bộ – và sử dụng những thuật ngữ giúp báo cáo viên của AST có thể dễ dàng ghi chú lại. “Tôi tin mối quan hệ giữa đội bóng và người hâm mộ chính là yếu tố then chốt,” ông nhấn mạnh. “Tôi tin người hâm mộ có quyền thể hiện chính kiến của họ tại sân vận động. Hiển nhiên, trên tư cách người đại diện đội bóng anh phải ủng hộ họ hết mình, và nhìn chung tôi tin người hâm mộ sẽ hiểu được điều đó; đặc biệt đối với nhóm cầu thủ trẻ chúng tôi hiện đang có trong tay. Và nếu ý chí của họ chưa đủ vững vàng, thì nhiều khả năng anh đang làm trầm trọng thêm vấn đề thông qua việc thể hiện nỗi bất mãn của mình, hơn là giúp họ xử lý chúng. Tuy nhiên, tôi cũng chấp nhận rằng người hâm mộ đôi lúc sẽ cảm thấy đây chính là nơi họ có thể cất lên tiếng nói của mình, và điều đó hoàn toàn đúng đắn”.
Ông luôn lưu ý đến những vấn đề then chốt liên quan đến việc thiếu vắng độ nhận dạng thương hiệu Arsenal tại Emirates – một vấn đề mà Keith Edelman lẫn Ken Friar đều hứa sẽ làm gì đó để thay đổi, bên cạnh việc trang trí lại vành đai bê-tông giữa khán đài tầng trên và khán dài dành cho ban điều hành – và liệt kê trên đó những mùa bóng Pháo Thủ đoạt danh hiệu. “Một trong những việc tôi thật sự rất muốn làm,” Gazidis nói, “đó là thoát khỏi tầm nhìn kiến trúc hạn hẹp của chúng tôi đối với sân vận động. Tôi tin chính bản thân sân vận động đã có bản sắc Arsenal của riêng nó. Nó có thể mang nhiều ý nghĩa hơn một ngôi nhà. Tôi không dám mơ nó sẽ được như Highbury, anh không thể dựng lại biểu tượng lịch sử đó; nhưng tôi tin nó sẽ trở thành nơi chốn riêng của Pháo Thủ, ngôi nhà riêng của Pháo Thủ.” Khi được hỏi rằng liệu quyền đặt tên có khiến tiến trình này thêm khó khăn hay không, ông đã đáp lại một cách khôn khéo: “Tôi rất hạnh phúc khi có Emirates là nhà tài trợ.”
Cho đến nay, tất cả vẫn còn nhớ những lời đay nghiến của Antony Spencer, chuyên gia nhà đất đã tìm thấy địa điểm mới cho ngôi nhà của Arsenal. Ông cũng là người đã tạo áp lực lên ban lãnh đạo về kế hoạch “Arsenal hóa”. Thất vọng về việc sân vận động đã đánh mất bản sắc về tay nhà tài trợ, Spencer sau cùng cũng tỏ ra nhượng bộ và đảm bảo sẽ tạo mối liên kết với ngôi nhà lịch sử xưa cũ, dù đó chỉ là cái tên dành cho tòa nhà văn phòng của công ty, Highbury House. Mặt khác, Danny Fiszman cũng muốn mở ra một triều đại hoàn hảo, và tập trung vào hiện tại lẫn tương lai. Spencer hồi tưởng, “Ông ấy cương quyết rằng chiếc đồng hồ cũ phía trên khán đài chính tại Highbury sẽ không được lắp ở bất kỳ đâu trong sân vận động mới. (Cuối cùng, do nể mặt người hâm mộ, nó đã được lắp ráp phía sau một trong những tấm bảng điện tử, và đến năm 2010 thì được chuyển trở lại vị trí nổi bật nhất sân vận động). Nhưng vẫn cần một số yếu tố nho nhỏ khác – như một hoặc hai bức ảnh – để đội bóng ghi khắc rằng họ đã từng gắn bó với sân Highbury. Thậm chí nếu phải đặt tên cho một mảnh sân đấu theo danh pháp của môn khoa học nào đó. Cổ động viên sẽ không còn được vào sân theo bốn hướng đông, tây, nam và bắc nữa, mà thay vào đó là các cung phần tư khác. Thậm chí nếu sử dụng mã màu để đánh dấu các tuyến đường vào sân Emirates, đa số khán giả vẫn ngó lơ chúng và tiến vào theo hướng đường Gillespie, như họ vẫn thường làm khi đến Highbury xem thi đấu.
Peter Hill-Wood đã giải thích lý do cần phải bổ sung một nét cá tính khác trong bộ máy lãnh đạo. “Keith [Edelman] đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, nhưng để dẫn dắt chúng tôi tiến vào kỷ nguyên mới thì ông ấy không phải người phù hợp,” ông phản ánh. “Đó là quyết định của cả tập thể. Không chỉ cá nhân tôi, mà tất cả chúng tôi sau cùng đều đồng ý với phương án đó, tuy nhiên tôi vẫn toàn tâm hỗ trợ Keith như bất kỳ ai. Nhưng chúng tôi cảm thấy chúng tôi phải thay đổi. Ông ấy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và giờ là lúc ông phải ra đi.” Câu lạc bộ đã đề nghị với Edelman một khoản trả trước bảy-con-số cho ‘công việc tư vấn’ ông được bố trí một năm trước khi ra đi, mặc dù vị cựu giám đốc điều hành gần như mất hút trong câu lạc bộ kể từ ngày ông gói ghém lại vật dụng cá nhân, và làm dấy lên tin đồn về những âm mưu chỉ có trong tưởng tượng.
Trong suy nghĩ nhiều người, đội bóng đã tốn quá nhiều thời gian và công sức cho chuyện đất đai, tài sản hơn là bóng đá.
Tệ hơn nữa, mọi chuyện ngày càng sáng tỏ rằng khoản dư khổng lồ – khoản lợi nhuận 100 triệu bảng được nhắc đến ban đầu – lại bị nhầm tưởng một cách hão huyền là sức mạnh của tiềm lực tài chính. “Keith suy nghĩ rất nhanh,” Antony Spencer nhớ lại, “nhưng đôi khi quá nhanh để đảm bảo hiệu quả. Ông ấy làm mọi việc theo cách của riêng mình.” Điểm sáng trên chỉ là một phần trong tiến trình phát triển vốn đã trở nên bế tắc do Edelman luôn muốn phá vỡ truyền thống và thử nghiệm những phương hướng mới. Ông cương quyết rằng mọi việc phải thuận theo ý ông, đến nỗi Danny Fiszman phải ra tay can thiệp và lèo lái hoạt động trở về đúng với sách lược ‘đã thử nghiệm’ và ‘đáng tin cậy’ trước kia.
Danny Fiszman đã dành hết tâm huyết của mình nhằm biến giấc mơ Emirates trở thành sự thật, và ông chính là người thứ hai sau Arsène Wenger chịu trách nhiệm tái sinh Arsenal từ một câu lạc bộ bóng đá thi đấu kém hiệu quả mà ông từng tiếp nhận khi mới gia nhập Pháo Thủ. Peter Hii-Wood đồng tình: “Tôi không thể diễn tả Danny đã bỏ ra nhiều thời gian và tâm sức đến mức nào. Bảy năm đã trôi qua và chúng tôi đã không thể làm nên chuyện nếu không có ông ấy, và ông ấy cũng không phải mẫu người chỉ biết đến cái tôi.” Ngay đến Ken Friar cũng hết lời khen ngợi: “Danny là một trong những điều tuyệt vời nhất từng xảy đến trong câu lạc bộ và là một cổ động viên đích thực của Arsenal. Ông ấy rất thông minh, hòa đồng với mọi người và là một nhà đàm phán cừ khôi. Và ông ấy cũng đã mang lại lợi ích rất, rất to lớn đối với chúng tôi. Ông ấy không phải mẫu người thích phô trương dù ở bất kỳ đâu và cũng không thích chạy theo danh vọng.”
Bản tính khiêm tốn của Fiszman đã được thể hiện trong cuộc trò chuyện của ông với một người bạn khi họ cùng bước vào khán đài dành cho ban giám đốc.
“Một tầm nhìn tuyệt vời”, người bạn nói khi ngắm nhìn toàn cảnh sân vận động và hai đội bóng đang chờ hồi còi khai cuộc.
“Không tệ, đúng không?” Một lời đáp mộc mạc.
“Ông nên ngồi xuống và thưởng thức trận đấu.”
“Tôi định thế”, Fiszman trả lời đầy ẩn ý.
“Chừng nào ông còn tại nhiệm, Arsenal nhất định sẽ khởi sắc.”
“Thật tốt khi nghe ông nói thế”, Fiszman trả lời.
Nhưng mặc dù ông đã dự định lưu lại lâu hơn (vận mệnh sau đó đã đảo ngược mọi thứ), ông đã quyết định đây là thời điểm trút bớt gánh nặng và chia bớt cổ phần của mình. Tuy không ai biết sự thiếu chắc chắn về số cổ phiếu to lớn đang lưu hành bên ngoài có ảnh hưởng thế nào đến quyết định chuyển giao của Fiszman – một phần ba tổng cổ phần của ông đã được bán cho Stan Kroenke – vào năm 2009, nhưng kết quả chắc chắn chính là trong tương lai, vị doanh nhân người Mỹ sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo toàn khoản đầu tư trị giá nhiều triệu bảng của mình. Sau khi trả đủ 43,5 triệu bảng – mỗi cổ phiếu trị giá 8.500 bảng – Kroenke đã lập tức trở thành cổ đông lớn nhất với 20% cổ phần. Dù trên thực tế, Kroenke vẫn còn nợ Fiszman 42,5 triệu bảng (Kroenke đủ sức chi trả cho Fiszman ngay lập tức, nhưng có lẽ ông muốn đảm bảo lợi ích tài chính cho người bán, và tránh được các khoản thuế vào cuối năm tài chính).
Nhiều người hiếu kỳ rằng việc chuyển giao quyền lực này đã phản ánh vụ dàn xếp giữa Fiszman và David Dein từ những năm 1990, chỉ khác là vị trí của hai người giờ đã thay đổi. Qua nhiều năm, Fiszman đã chuyển hóa lợi ích từ Dein thông qua số cổ phần ban đầu họ cùng sở hữu, và huy động dần cổ phiếu cho chính ông. Nếu toàn bộ số cổ phiếu chuyển giao năm 2009 đều nằm trong tay Kroenke, thì chỉ có thể lý giải rằng Fiszman đã đặt trọn lòng tin ở người đồng sự, và khẳng định rằng “sự hiện diện đúng lúc của ông ấy đã mang lại lợi ích cao nhất cho tất cả thành viên trong câu lạc bộ.” Gazidis cũng bình luận về sự kiện này: “Người đàn ông này [Kroenke] là người đã chia sẻ cùng triết lý với [những thành viên khác trong] ban lãnh đạo hiện tại”, tuy lời nói của ông vẫn mang hàm ý rằng khả năng thay đổi vẫn còn đó, “và sẽ mang nhiều ảnh hưởng khi chúng tôi hướng đến tương lai.”
Trước đây, dù chỉ sở hữu một phần tư giá trị đội bóng, vinh quang thuộc về dự án xây dựng sân vận động mới vẫn được trao cho Fiszman như thể ông chính là người cầm lái, và tạo cơ hội cho ông triển khai dự án một cách đường hoàng. Sau khi Geoffrey Klass trở thành cầu nối để mang về Antony Spencer và Fiszman dần nhận ra tiềm năng của khu đất mới, Klass đã phải đón nhận một lời tri ân sống sượng: “Cảm ơn ông, Geoffrey, nhưng ông không còn liên quan đến dự án nữa”, và nguyên nhân có lẽ xuất phát chính từ mối giao tình giữa Klass với David Dein. Chính sự phản đối từ Dein đối với khu đất tại Ashburton Grove đã khiến ông lưu lại một điểm đen trên sổ tay của Fiszman, cũng như tham vọng của Phu nhân Bracewell-Smith đối vối quyền lực cao hơn trong ban lãnh đạo (đó là ngày bà hiểu rằng mình đã bị tẩy chay và được dung thứ hơn là ủng hộ). Đây chính là dấu hiệu tốt cho sự ổn định của câu lạc bộ, khi cả hai vị giám đốc với số cổ phần khổng lồ đều ăn ý với nhau trong mọi định hướng nhằm phát triển đội bóng.
Quan trọng hơn, trước khi thỏa thuận với Fiszman, Kroenke đã kịp thâu tóm các cổ phiếu nhỏ lẻ trên thị trường mở. Khi đó, dư luận không thể dám chắc liệu ông có tham vọng khuếch trương quyền lực của mình và hy vọng một ngày nào đó có thể đoạt lại quyền kiểm soát đối với chính bản thân hay không, hoặc ông chỉ cảm thấy đội bóng sẽ có một khoản đầu tư tốt nếu ông có thể bù đắp cho những lợi ích bị hao hụt một khi khả năng thay đổi chủ sở hữu xảy đến trong tương lai.
Luận điểm trên đã rõ ràng hơn vào tháng Tư, một tháng sau thương vụ mang tên Fiszman, khi đội bóng tuyên bố Kroenke đã mua lại cổ phiếu của nhà Carr trong khoảng từ 8.500 đến 10.500 bảng một cổ phiếu – với mức giá cao hơn phản ánh sức mạnh kế thừa của gia tộc này. Vụ mua bán có sự tham gia của Richard Carr, Phu nhân Sarah Phipps-Bagge và Clive Carr, và nâng tổng số cổ phần của vị giám đốc người Mĩ lên con số 28,3%.
Tính cả thương vụ giữa Kroenke với Fiszman, không còn một xu cổ phiếu nào được giao dịch trong thời điểm đó nữa. Kroenke và Fiszman giờ đây đã chia nhau nắm giữ 44% giá trị câu lạc bộ, nên thậm chí nếu công ty Red and White của Alisher Usmanov muốn hợp tác với một cổ đông thất sủng khác, Phu nhân Bracewell-Smith, thì họ cũng chỉ huy động được con số kém hơn – 41%. Nhà Carr đã chứng tỏ lòng trung thành của họ đối với bộ máy quản trị hiện tại, và để mặc Phu nhân Bracewell-Smith lẫn Usmanov – dù họ vẫn nuôi dưỡng tham vọng thâu tóm quyền lực – bất lực dù đang nắm trong tay giá trị khổng lồ từ câu lạc bộ.
Kroenke và Fiszman đã khôn khéo kiểm soát được tình thế, đồng thời vẫn đảm bảo quyền điều hành của ban lãnh đạo mà không phải lo ngại một thế lực nào khác có thể ép buộc họ nghị bàn về việc chuyển giao quyền lực với hơn 30% cổ phần trong tay. Cuộc thảo luận về việc tiếp quản quyền sở hữu diễn ra trên Thị trường Chứng khoán đòi hỏi đội bóng phải điều tra xem bộ đôi này có gây phương hại đến những cổ đông khác hay không, và sẽ diễn ra trên quy mô toàn bộ doanh nghiệp; dẫn đến hệ quả Usmanov và Phu nhân Bracewell-Smith có thể định giá cổ phiếu của họ ở mức 10.500 Bảng (mức giá kịch trần đối với mỗi cổ phiếu trong 12 tháng gần nhất, và buộc bất kỳ người mua nào có ý định tiếp quản phải tuân theo luật chơi của Thị trường Chứng khoán). Nhờ mua lại cổ phần của Carr, Kroenke đã trở thành nhân vật thiết yếu nhất tại câu lạc bộ, và làm dấy lên suy đoán từ các chuyên gia bên ngoài rằng đây là hậu quả tất yếu phát sinh ngay từ ngày ông gia nhập ban lãnh đạo. Tuy không ai dám đưa ra cáo buộc về một âm mưu quỷ quyệt kiểu Machiavelli, nhưng những mảnh ghép còn lại của bức tranh đã được đặt đúng chỗ và phản ánh toàn cảnh cục diện (với sự trùng hợp may mắn khi Ivan Gazidis trở thành CEO mới), đồng thời đẩy hai cổ đông vô cùng trọng yếu – Alisher Usmanov và Phu nhân Bracewell-Smith – ra khỏi cuộc chơi.
Do ban đầu đã được chào đón vào ban điều hành cấp cao và tiếp cận với quyền lực cao nhất của đội bóng, nên nếu chuyển sang ủng hộ Kroenke nắm quyền kiểm soát tuyệt đối đối với cổ phần công ty, Phu nhân Bracewell-Smith có lẽ đã bị hất cẳng từ lâu, đặc biệt khi bà vẫn còn giao tình với gia tộc Carr. Việc Richard Carr ra đi ngay thời điểm bà bị trục xuất đã khiến Phu nhân tin rằng ông ấy chẳng hài lòng chút nào đối với vụ việc đó, và chỉ còn trung thành với chính bà. Do đó, khi biết rằng nhà Carr bán tháo cổ phiếu, bà đã cảm thấy như bị phản bội: “Thật không ngờ họ lại làm thế,” bà chia sẻ, “Và sau cùng họ vẫn giữ được chỗ ngồi trên khán đài ban giám đốc, riêng tôi thì chẳng còn gì.” Nhà Carr hiểu luật chơi và đã chơi rất thành thạo, từ chuyện tiền nong đến bảo toàn những đặc ân trong ngày thi đấu. Nếu Phu nhân Bracewell- Smith chấp nhận tuyên chiến, bà sẽ thất bại thảm hại; nên bà đã chọn cách bảo toàn danh dự của mình.
Điều cốt yếu là tuy bà không còn giữ vai trò một giám đốc, nhưng vẫn tại vị đến hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, bà vẫn có lý do chính đáng cho thái độ gay gắt của mình. Khi ấy, bà vẫn tin tưởng rằng cả nhà Carr và ban giám đốc sẽ không chấp nhận bán cổ phần cho Kroenke lẫn Usmanov. Hai năm sau khi từ chối kết nạp vị doanh nhân người Mỹ, tình thế đã hoàn toàn thay đổi và không còn ai tỏ ra trung thành nữa. Cổ phiếu của bà đã từng là tài sản then chốt cho những ai muốn nắm quyền, nhưng giờ đây nó chỉ còn giá trị tiền mặt. Bà cảm thấy mình đã bị gia đình chồng rời bỏ, khi họ bán tháo tất cả và biến Kroenke trở thành người quyền lực nhất tại Arsenal.
Vị thế của Danny Fiszman, ngược lại, vẫn được duy trì vững vàng, 16% cổ phần trong tay vẫn đảm bảo ông là người quan trọng theo cách ông muốn. Ông đã thay thế Phu nhân Bracewell-Smith và vươn lên nắm quyền lực then chốt, trong khi tiếp tục phối hợp cùng Kroenke xây dựng tương lai cho câu lạc bộ. Việc duy nhất Kroenke có thể tự làm mà không cần Fiszman hậu thuẫn, chính là tự mình giành lấy quyền sở hữu đội bóng. Có gì không tốt khi hai người đàn ông này kết hợp cùng nhau? Điều mỉa mai chính là Fiszman đã đeo cương thành công cho cho kẻ đã gia nhập ban lãnh đạo qua sự tiến cử của David Dein. Chỉ mới 2 năm, mà đã có quá nhiều thay đổi.
Kroenke có lẽ đã được động viên rất nhiều từ quá trình phát triển bền vững của đội bóng trong từng hành động của ông, đặc biệt là doanh thu từ mỗi trận đấu; dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng từng đồng thu nhập vẫn được đảm bảo trước khi cơn suy thoái kinh tế thật sự ập tới. Lợi nhuận từ hoạt động bóng đá (trước khi thanh toán các khoản nợ) cũng tăng lên nhờ khả năng của Arsène Wenger trong hoạt động chuyển nhượng cầu thủ. Thương vụ bán Alex Hleb sang Barcelona và Justin Hoyte sang Middlesbrough, cũng như giá trị cộng thêm từ những cầu thủ rời đội và được chuyển nhượng một lần nữa, như David Bentley đã rời Blackburn sang Tottenham, đã mang lại cho Arsenal khoản thu hàng triệu bảng.
Chi phí bóng đá của Arsenal – chủ yếu là lương bổng cầu thủ – quá đắt đỏ, và sẽ thật ngạc nhiên nếu nhìn vào độ tuổi của các cầu thủ trong đội hình chính thức, dù tỷ lệ lương-trên-giá chuyển nhượng đã được đảm bảo an toàn ở mức 50%, đến khi nào họ vẫn còn tiếp tục thi đấu tại Champions League trước khi giá bán và phong độ bắt đầu giảm sút (thất bại trong việc kiểm soát chi phí này có thể dẫn đến thiệt hại gần 40 triệu bảng từ việc đánh mất cơ hội lên sóng trong những ngày thi đấu). Thay vì thế, họ có thể cho mượn một phần tư đội hình để đảm bảo khả năng tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn, và tiến tới thu gọn ngân sách về lâu dài.
UEFA cảm thấy không hợp lý khi một đội bóng có trong đội hình gần 50 cầu thủ, trong khi chỉ có 25 người được chọn để thi đấu thường xuyên tại Champions League. Do quy mô lớn của đội hình cùng với mức lương tăng nhanh hơn lợi nhuận nhuận của câu lạc bộ (tổng mức lương cầu thủ tại Giải Ngoại hạng đã vượt một tỉ bảng trong mùa bóng 2007- 2008), đồng nghĩa chi phí đã tăng vọt thêm 40% kể từ danh hiệu cuối cùng của Arsenal – thời điểm Pháo Thủ vẫn còn sở hữu dàn anh tài trong đội hình, như Henry, Vieira, Pires, Campbell, Bergkamp và Ljungberg.
Trong khi cố gắng không thể hiện ra thực trạng được David Dein gọi là “hố đen tại quảng trường Highbury” – Dein từng quả quyết rằng đội bóng ‘đã mắc kẹt trong mớ bòng bong họ đã liệu trước’ (ám chỉ các vấn đề trong bóng đá), Arsenal vẫn tìm cách thu về lợi ích từ những công tác đang tiến triển. Việc thi công khu căn hộ tại Quảng trường Highbury vẫn được tiến hành mau chóng, và đã hoàn tất 90% công đoạn vào mùa thu năm 2008, đồng thời thu hút được người mua đến hỏi giá khoảng 10% số căn hộ. Thế nhưng, thị trường thế chấp nhà đất đã sụp đổ. Rất nhiều bất động sản đã không thể tìm được người thuê hòng bù đắp chi phí; và đã có một số nhà thầu quyết định rút lui hoặc từ bỏ vốn đầu tư thay vì cố gắng hoàn tất công trình – chứng tỏ tình hình thị trường nhà đất đã thay đổi một cách chóng mặt. Cuối tháng Mười Một năm 2008, phần lớn các hạng mục của khu căn hộ đã tìm được người mua, nhưng chỉ gần một phần ba trong số đó được trả dứt điểm. Trong khi đó, Arsenal đang phải đối mặt khoản vay 140 triệu bảng dùng cho hoạt động thi công cần phải thanh toán dứt điểm vào tháng Tư năm 2010. Ít nhất thì mọi chi phí phát sinh trong tương lai đều đã được bù đắp, nên mỗi căn hộ bán được đều sẽ dành hết cho việc trả nợ. Tiếc thay, lợi nhuận lại thu về không đủ nhanh để giải quyết tình hình.
Peter Hill-Wood không cách gì nhìn trước kết quả thuận lợi từ bối cảnh trên, ông thừa nhận: “Một năm trước tôi từng nói nếu chúng tôi thu được lợi nhuận từ bất động sản, đó sẽ là phép màu. Rất nhiều người tôi tham khảo ý kiến đã nhận thấy một số dự án tài chính của họ không mang lại hiệu quả như họ mong muốn, và chúng tôi là một trong số đó.” Ông nói tiếp, “Việc sở hữu bất động sản sẽ vui hơn nhiều nếu chúng tạo ra lợi nhuận.
Chúng thật phiền hà. Chúng sẽ là mặt hàng kinh doanh tuyệt vời và đắt như tôm tươi một ngày nào đó; nhưng chúng tôi đang ở năm 2009. Tình hình rất khó khăn và chúng tôi chỉ bán được một số ít căn hộ. Mọi chuyện sẽ khá hơn nếu chúng tôi kiếm được ít lợi nhuận từ chúng, nhưng chúng tôi không thể. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng tôi điều hành câu lạc bộ và tạo cho chúng tôi rất nhiều áp lực.” Thế nhưng, việc tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ cho công ty dường như là viễn cảnh xa vời. Thực tế, mục tiêu kinh doanh do ban giám đốc đề ra năm 2008 với tổng doanh thu vào khoảng 350 triệu bảng (trong đó lợi nhuận chiếm khoảng 100 triệu bảng) là hoàn toàn không khả thi. “Ngẫm lại, nếu chúng tôi bán đi tất cả những thứ quái quỷ đó từ 3 hoặc 4 năm trước và tiến hành trả góp cho khoản vay X triệu bảng này, đó sẽ là quyết định khôn ngoan. Và khi chúng tôi quyết định làm ngược lại, chúng tôi đã phân tâm khi mọi mảng hoạt động đều đi xuống, ngoại trừ chính tình trạng suy thoái chung này – một thử thách không chỉ đặt ra với chúng tôi mà còn khiến tất cả đều bất ngờ”.
Và rồi, nền kinh tế bắt đầu suy sụp. David Dein vẫn một mực tin rằng Quảng trường Highbury sẽ đem lại nhiều bất lợi hơn chính Wenger đã thừa nhận; và tin rằng tiền mặt sẽ vẫn tiếp tục bị bòn rút từ ngân sách để ném vào hoạt động bất động sản. “Arsène có trong tay 18 triệu bảng để mua sắm hồi mùa hè năm 2008. Đến tháng Một, con số đó đã giảm còn 12 triệu bảng chỉ vì chuyện đất cát”, ông ái ngại cho bạn của mình. “Chúng tôi cần củng cố chất lượng cho dàn cầu thủ, nhưng tiền đã trôi về đâu? Ngân sách trống rỗng, còn Arsenal thì đang bị bòn rút đến tận xương tủy.”