Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 13

Những kẻ hạch sách vĩ đại

Ngày Thierry Henry rời câu lạc bộ [mùa hè năm 2007] đã đánh dấu một giai đoạn mới – ít nhất là trên sân cỏ – như một điềm báo trước. Tuy Jens Lehmann, Gilberto Silva và Kolo Toure vẫn trụ lại trong Đội hình Bất bại, nhưng chỉ có cầu thủ người Bờ Biển Ngà mới được đánh giá là đầu tàu vào thời điểm đó. Những lời chia tay khác còn đến từ Freddie Ljungberg và José Antonio Reyes (sau hợp đồng cho mượn mùa bóng trước); nhưng các gương mặt mới – như hậu vệ Bacary Sagna từ Auxerre, tiền đạo Eduardo từ Croatia Zagreb và tiền vệ Lassana Diarra từ Chelsea – đã kịp thời thế chỗ họ trong đội hình. Sau câu chuyện vui rằng chiếc băng đội trưởng sẽ được xoay vòng cho ba cầu thủ trụ cột (Gilberto, Toure và William Gallas), Gallas đã chính thức được lựa chọn thay thế Henry. Gần ba năm sau khi kỷ lục bất bại của họ tại Giải Ngoại hạng được xác lập, đội hình xuất sắc nhất của Arsenal mà giới hâm mộ từng biết tới sau cùng đã chính thức phân tán.

Sẽ là nói quá nếu cho rằng dư âm của toàn bộ mùa giải 2007-2008 đã được xác định từ vòng đấu đầu tiên – họ tin vào những lời bợ đỡ giả dối, và đôi lúc họ phải trả giá – nhưng đó là nhận định của một số cổ động viên. Hành quân đến Fulham, nhận ra khó khăn thật sự khi tìm cách xuyên thủng hàng thủ đối phương, hai bàn thắng cực muộn của Pháo Thủ đã lật ngược thế cờ, và biến một thất bại đáng hổ thẹn thành chiến thắng; một khởi đầu thuận lợi cho những tuần thi đấu sắp đến, dù một hoặc hai biến cố nhỏ đã xảy ra, nhưng việc Lehmann mắc lỗi thường xuyên đã tạo điều kiện cho Manuel Almunia thay thế vị trí số một của thủ môn người Đức.

Đội bóng hiện đang sở hữu một hàng tiền vệ với công suất ghi bàn lớn nhất từ trước đến nay; cách họ cầm bóng cũng tinh tế hơn, và ít thiên về lối xử lý cầu kỳ. Việc bố trí chính thức một tiền đạo cơ động như Adebayor đã mang lại nhiều lựa chọn hơn cho đội hình chính, và với chiều cao của ‘kẻ thay thế’ Nicklas Bendtner, đội bóng ngày càng tỏ ra hiệu quả hơn trong các tính toán chiến thuật, đặc biệt khi quả bóng được câu vào vòng cấm. Đó là yếu tố quan trọng trong đấu pháp mà họ đã đánh mất trong những năm gần đây, và được chứng thực từ số lượng các pha làm bàn bằng đầu ít ỏi, vốn thuộc về những tay săn bàn kỳ cựu đã ra đi. Từ đó, đã có nhiều trường hợp nhiệm vụ tập trung kiểm soát bóng của toàn đội cũng đồng nghĩa với việc hạn chế những pha không chiến. Và chất lượng yếu kém từ các pha sút phạt trực tiếp hay phạt góc đã thể hiện hiệu suất khiêm tốn so với các đối thủ của họ.

Các yếu tố khác cũng ghi nhận nhiều tiến bộ. Đội bóng đã bớt được tâm lý buông xuôi khi bị khí thế huyên náo của các cổ động viên đối phương như Bolton áp đảo, một vấn đề khiến họ phải khắc phục một cách khó khăn trong các mùa bóng gần đây. Thứ nhất, tốc độ chuyền bóng và di chuyển đã được cải thiện, khiến ngày càng nhiều cầu thủ đối phương không thể tiếp cận họ đủ gần để ngăn chặn những pha phối hợp nhuần nhuyễn bằng các đường vào bóng thô thiển. Thứ hai, khả năng co giãn của hai cánh cũng có những biến chuyển rõ rệt với sự hiện diện của Mathieu Flamini cùng với Cesc Fàbregas. Với lối áp sát rắn rỏi và cánh tay vung rộng, anh đã khiến các cổ động viên kỳ cựu liên tưởng đến Peter Storey, một công thần lực lưỡng của Arsenal trong đội hình ăn hai mùa giải 1970- 1971. Với tinh thần quả cảm vượt cả Gilberto, khi tình thế trở nên khó khăn, Flamini sẽ đáp lại. Trong hợp đồng cuối cùng của anh, Wenger đã hoàn toàn mở đường cho cầu thủ người Pháp được tự do ra đi sau khi lường trước được cơ hội xuất hiện ít ỏi của anh trong đội hình chính; thế nhưng, chàng tiền vệ đã quyết định ở lại và tranh đấu cho suất đá chính của mình, khiến cả hai phía đều hài lòng về thái độ thi đấu của anh. Fàbregas không chỉ là một cậu bé nhút nhát. Mới 20 tuổi, anh đã bắt đầu thể hiện chất thép của mình trong các trận cầu, cộng với bản năng sáng tạo và kỹ năng chuyền bóng. Thêm vào đó, những cú dứt điểm của anh còn vô cùng sắc bén; nhờ vậy, nỗ lực của anh đã được đền đáp thường xuyên, hơn hẳn thành tích 4 bàn thắng nghèo nàn của mùa giải trước.

Với Fàbregas và Flamini bước vào cuộc chiến tranh giành vị trí ở tuyến giữa, đội bóng còn sở hữu vô số những thân hình lực lưỡng dàn đều từ hàng thủ đến hàng công, đó cũng là nguyên nhân khiến việc lựa chọn William Gallas đeo băng thủ quân trở nên hợp lý. Anh có thể tiếc nuối những màn đấu khẩu với Lehmann, nhưng ít nhất với một Almunia trách nhiệm hơn trong khung gỗ, anh có thể tập trung hơn vào những pha giao tranh với đối phương. Trên hàng công, Robin van Persie không thiếu khả năng thoát khỏi vòng vây của hậu vệ, với cá tính hay gắt gỏng vốn là thương hiệu của người tiền nhiệm anh hằng ngưỡng mộ, Dennis Bergkamp, một tố chất không hiếm đối với các tiền đạo người Hà Lan.

Ban đầu, viễn cảnh mới đầy cảm hứng của Arsène Wenger dường như đã được chứng thực từ kết quả thi đấu, với 8 chiến thắng và một trận hòa sau 9 vòng đấu đầu tiên trong khuôn khổ Giải Ngoại hạng Anh. Wenger nói với bạn ông: “Tôi tin chúng tôi có thể vượt qua thử thách; vấn đề duy nhất là liệu các cầu thủ trẻ có thể trụ vững đến hết mùa giải hay không.” Với nguồn lực có hạn, ông đã tạo nên một đội ngũ gồm những họa sĩ và điêu khắc gia tài năng – gồm các cầu thủ với tố chất vượt xa những gì họ được kỳ vọng sẽ đóng góp. Bạn sẽ giải thích ra sao đối với công cuộc xây dựng nên một đội hình hàng đầu với những cá nhân còn nhiều thiếu sót hiển nhiên (với Almunia, Senderos và Eboué là những ví dụ điển hình)? Wenger đã cơ cấu đội hình của ông như một tập thể cân bằng; nên việc thiếu vắng một nhân tố chủ chốt cũng sẽ không ảnh hưởng đến đấu pháp của toàn đội – như Gallas và Rosicky đã không thể góp mặt trong các vòng đấu đầu tiên.

Thị trường chuyển nhượng tháng Một đã đánh dấu một thương vụ đáng kinh ngạc khi Diarra chuyển đến Portsmouth. Bất chấp được lựa chọn vào đội hình tuyển Pháp, tiền vệ này chỉ xuất hiện vài lần trong đội hình ra sân và buộc phải đóng thế vai cho Flamini. Wenger sau đó đã giải thích: “Anh phải cân bằng được giữa các tình huống có quá nhiều sự đấu đá hoặc một vị trí có quá nhiều cầu thủ. Đội bóng không thể tỏ ra yếu kém bất kỳ lúc nào.” Quan điểm của ông đã chứng thực một sự thật rằng cơ hội cải thiện đội hình đã qua đi khi kỳ chuyển nhượng giữa mùa kết thúc, bất kể việc có thêm 20 triệu bảng chi tiêu, cộng với khoản thu 5 triệu bảng từ thương vụ Diarra.

Hai thất bại (với các tỉ số 5-1 và 4-0) với một đội hình yếu ớt lần lượt dưới tay Tottenham và Manchester United trong khuôn khổ Carling Cup và FA Cup đã vạch trần lời tuyên bố của Wenger rằng: chúng tôi không ‘yếu kém’. Nếu ông chỉ nói đến số lượng, thì chất lượng chuyên sâu của dàn cầu thủ nhất định sẽ bị đặt câu hỏi. Tất nhiên, ông có thể bào chữa rằng ông ưu tiên về những phương diện khác, rằng các danh hiệu quốc nội chỉ là thứ thành tích phiền phức, nhưng phong độ của các cầu thủ đã chứng minh bản thân họ cũng chẳng quan tâm đến chiến thắng. Tác động tâm lý to lớn từ các thất bại khủng khiếp trên quả thực không thể xem thường, và có nhiều ý kiến đã cho rằng phải chăng chính những trận thua này đã khiến tinh thần cả đội suy sụp trong phần còn lại của mùa giải, và khiến họ ‘bật bãi’ khỏi Champions League  ngay sau đó.

Khoảnh khắc then chốt khi các sự kiện bắt đầu được làm sáng tỏ chính là trận cầu tại St Andrews cuối tháng Hai. Chân Eduardo đã gẫy gập sau pha triệt hạ tàn bạo bên phía Birmingham City, và hậu vệ Martin Taylor đã bị truất quyền thi đấu ngay lập tức khi đồng hồ mới chỉ dừng ở phút thứ ba. Arsenal sau đó đã bảo toàn ưu thế dẫn điểm trước 10 cầu thủ đối phương cho đến phút 54, và đã thất bại trong nhiệm vụ đó. Vết sẹo tâm lý từ trận hòa nhọc nhằn đã ám ảnh cả đội suốt những mùa giải sau đó (đặc biệt là Gaël Clichy, người đã bỏ lỡ một quả phạt đền vào phút cuối trận, và từ đó vẫn luôn tự dằn vặt bản thân). Thất bại trong việc rời sân với 3 điểm trong tay đã tạo nên một lời nguyền cho Đội hình–Hậu–Bất bại của Wenger. Nhát búa thứ 2 đã giáng xuống chỉ vài tuần sau đó, khi Arsenal bị đánh bật khỏi Champions League từ vòng tứ kết, sau một chiến thắng ấn tượng trước Milan ở vòng 1/16. Đến làm khách tại Anfield trong trận lượt về, Arsenal cần ít nhất một kết quả hòa với tỉ số cao hoặc một trận thắng  trên sân khách để bước vào vòng đấu dành cho bốn đội mạnh nhất. Trong một đêm thi đấu nhiều cảm xúc, họ đã gần như đảm bảo được chiến thắng (theo luật bàn thắng trên sân khách) khi giữ vững được tỉ số 2-2 cho đến 7 phút cuối trận. Những gì xảy ra sau đó đã vạch trần sự non nớt của Pháo Thủ một cách tàn nhẫn. Kolo Toure – trận này anh phụ trách cánh trái nhằm thay thế Sagna đang dưỡng thương – đã bị thổi phạt đền sau pha tranh chấp với đối thủ dù anh không cần thiết phải vào bóng. Với cú sút thành công, Liverpool thẳng tiến vào vòng sau.

Thi đấu khởi sắc để vươn lên dẫn trước rồi sau đó – với thành quả ngay trước mắt – thất bại vì chấn thương, sự kém cỏi của hàng thủ, sự thiếu kinh nghiệm lẫn may mắn, họ đã tự trừng phạt mình bằng một trận thua ngay trên đà chiến thắng, và thể hiện phong độ hoàn toàn trái ngược với vòng đấu đầu tiên.

Sau trận hòa với Birmingham, Arsenal vẫn bảo toàn được ngôi đầu bảng với 6 điểm dẫn trước và 11 vòng đấu trước mắt. Thế nhưng, lời cảnh báo của Wenger đối với sự ngoan cường của toàn đội trước khi mùa giải khởi tranh tiếc thay đã trở thành hiện thực. Arsenal chỉ giành được 3 trong số 12 điểm sau bốn vòng đấu tiếp theo tại Giải Ngoại hạng, và cuối cùng phải ngậm ngùi trở về với vị trí thứ ba chung cuộc. Công bằng mà nói, chính những chấn thương đã tước đi của họ các nhân tố chủ chốt trong cuộc đua đường dài, điển hình như Flamini và Sagna (chưa kể sự vắng mặt thường xuyên của Rosicky kể từ tháng Một) và khiến họ hụt hơi. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng những cựu binh như Tony Adams hay Patrick Vieira lại chấp nhận đánh mất lợi thế theo cách trên. Nguyên nhân chính bởi khả năng phục hồi yếu kém, sự bất lực trong việc bảo toàn thắng lợi khi thế trận đảo chiều, các quyết định chỉ phụ thuộc vào dàn cầu thủ trẻ, trong khi hầu hết mọi điều kiện tiên quyết do Wenger yêu cầu về nhịp độ và thể lực đều hoàn toàn bị lãng quên. Liệu khi dày dạn hơn, những cái đầu xanh này có thể tự kiểm soát chính bản thân họ?

Bản thân Adams cũng xem việc thiếu kinh nghiệm là nhược điểm cơ bản. “Điều anh không có chính là sự bền bỉ từ toàn bộ dàn cựu binh. Chúng tôi đã lần lượt giải nghệ còn họ [đội hình trẻ] thì lại dần tuột dốc. Điểm khác biệt giữa Arsenal và Manchester United trong suốt 10 năm qua chính là họ bền bỉ hơn chúng tôi. Scholes, Giggs, Gary Neville, tất cả đều là những hình mẫu tiêu biểu. Thời gian đã thay đổi mọi thứ. Ngày trước, luôn có những đàn anh trong đội chỉ dạy các tân binh. Còn nay, tôi chẳng thấy ai cả.” Giá như huấn luyện viên người Pháp không giải tán Đội hình Bất bại một cách đường đột như vậy.

Mùa hè năm 2008 vẫn chứng kiến đội bóng thu về thêm thu nhập từ các thương vụ chuyển đi thay vì chi tiền mua vào – đúng thời điểm các danh thủ nòng cốt lần lượt ra đi và xuất hiện quá nhiều sai phạm hiển nhiên cần điều chỉnh – hàng thủ yếu ớt, tuyến giữa nhu nhược, sự thiếu vắng những đầu tàu như Tony Adams hay Patrick Vieira, một thủ thành đẳng cấp thế giới và chất lượng chuyên sâu trong cả đội hình.

Mathieu Flamini đã tự giải thoát mình khỏi tình trạng không-hợp-đồng bằng việc gia nhập Milan. “Tôi thật sự hy vọng cậu ấy sẽ ở lại,” Wenger thừa nhận, nhưng lòng tin của ông đã đặt không đúng người. Tuyển thủ người Pháp hiển nhiên sẽ tìm kiếm mức lương cao hơn, nhưng nếu yêu cầu của anh được đáp ứng, đó sẽ là tiền lệ dẫn đến những hệ lụy đầy rủi ro về tài chính. Chủ tịch Peter Hill-Wood đã diễn tả tình huống này là “sự phiền nhiễu không đáng kể. Nếu nhìn lại, anh sẽ thấy cậu ta đã có một năm thành công – trong mùa giải cuối cùng tại Arsenal.

Hơn thế nữa, cậu ấy cũng không xuất chúng đến mức đó. Nên khi cậu ấy muốn ra đi (sau một mùa giải tuyệt vời), chúng tôi đã chấp nhận lời đề nghị, nhưng cũng không khỏi cảm thấy tiếc nuối.” Tuy Flamini đã thật sự được thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất, nhưng với mùa bóng đầu tiên ra mắt Milan trên băng ghế dự bị, sự nghiệp của anh đã lụi tàn (như hầu hết các cầu thủ từng rời bỏ Arsenal của Arsène Wenger).

Đầu tháng Chín năm 2007, Wenger đã tuyên bố: “Ưu tiên của tôi là tận dụng mọi cầu thủ tôi có trong tay. Nếu đội bóng chỉ là nơi để họ đến rồi đi, nó sẽ không còn là một đội bóng nữa.” Cuối mùa bóng năm đó, quan điểm của ông vẫn không suy chuyển, bất chấp thất bại, bất chấp chỉ một khoảng cách nhỏ đến vinh quang cuối cùng. Tuy nhiên, ông không thể tiếp tục phụ thuộc vào Flamini hay Alexander Hleb. Bất chấp xuất thân khác biệt, cặp đôi này vẫn rất thân thiết, và cùng lập nên một nhóm đồng đội gắn bó khăng khít với Cesc Fàbregas và Rosicky. Bộ tứ gắn kết này chính là nhân tố quan trọng trong hành trình chinh phục ngôi vị ngoại hạng, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Có thể đó là điềm xấu khi lần cuối cùng Rosicky xuất hiện trên sân là vào cuối tháng Một, và từ đó kết quả khi đấu ngày càng tồi tệ hơn. Thực tế, cả ba cầu thủ còn lại trong nhóm đều cùng tỏ ra đuối sức, và mọi chuyện ngày càng rõ ràng khi Alex Hleb tuyên bố đã nhắm đến một bến đỗ khác. Sau cùng, Wenger đã chấp nhận sự thật hiển nhiên, và thông qua lời đề nghị trị giá 11,8 triệu bảng từ Barcelona; sau đó, ông đã tái đầu tư khoản tiền trên vào một tài năng người Pháp khác – Samir Nasri của Marseille. Giống như Flamini, Hleb đã rơi từ hào quang Arsenal xuống băng ghế dự bị của Gã Khổng lồ Xứ Catalan.

Chính sách lưu giữ đội hình của ‘giáo sư’ đã được kiểm chứng một cách khắt khe. Ông tin rằng tất cả cầu thủ – kể cả những ai ông đưa về – sẽ trở nên trung thành nếu họ đón nhận văn hóa của câu lạc bộ. “Trên hết, tôi tin vào những phẩm chất của tập thể được chắt lọc này,” ông giải thích, “và tôi tin anh chỉ có thể duy trì và phát triển một tập thể nếu sở hữu thứ văn hóa chung, một thứ văn hóa có thể lưu giữ từ lứa cầu thủ này đến lứa cầu thủ khác.” Toàn những lời có cánh.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính của đội bóng lại vẽ nên một bức tranh ảm đạm hơn rất nhiều – nó chứng tỏ huấn luyện viên đã mua chuộc lòng trung thành của các cầu thủ qua chính mức lương ‘khủng’ của họ. Hoặc cũng có thể lăng kính màu hồng trên mắt Wenger đã khiến tầm nhìn của ông trở nên hạn hẹp khi nhìn về phía các học trò. Ông hy vọng sẽ kiểm soát được một thế hệ vàng và khiến họ gắn kết với nhau, cùng chinh chiến trận mạc và tạo nên một thế hệ như những Giggs, Scholes, Beckham, anh em Neville và Butt như Manchester United đã sản sinh ra. Thế nhưng, quá khứ đã qua, thời hoàng kim đã qua khi những tên tuổi hàng đầu thế giới – như Vieira, Henry, Pires và Bergkamp – vẫn ngỏ ý ở lại thêm vài mùa giải nữa, cho đến khi chính Wenger tiễn họ ra cửa. Tony Adams nhận thức rõ thời thế đã thay đổi theo chiều hướng xấu: “Arsenal ngày nay dường như chỉ thiếu một chút để chinh phục ngôi vương như trong mắt của nhiều người,” anh nói. “Nhưng khi anh mang về một cầu thủ từ ngoại quốc, cậu ta sẽ không có được cảm giác như ở câu lạc bộ cũ. Tại Real Madrid hay Bayern Munich, họ luôn xem đây là chướng ngại đầu tiên.”

Nếu những thiếu niên 16 tuổi sẵn sàng rời bỏ quê hương – thậm chí ngay cả ở những nơi có sẵn lò đào tạo như Barcelona – và tiến thân ở nước ngoài, làm cách nào Wenger có thể chắc chắn họ sẽ trung thành với ông, với câu lạc bộ hay với điều gì khác? Một quản trị viên bóng đá, người vô cùng ngưỡng mộ và tiếp nhận ảnh hưởng rất lớn từ Wenger, đã buồn bã chia sẻ, “Arsène Wenger tin rằng tình yêu của họ đối với bóng đá sẽ gắn kết họ với nhau khi họ trưởng thành, nhưng ông lại quên rằng có rất ít người có thể yêu bóng đá từ sâu thẳm tâm can như chính ông. Chỉ một số người dành trọn con tim cho bóng đá mới đề cao nó hơn cả văn hóa, ngôn ngữ, tiền tài và tất cả sự khác biệt trong mỗi cầu thủ trẻ.” Niềm đam mê và cam kết tuyệt đối của Wenger đối với túc cầu giáo là vô cùng hiếm có, thậm chí còn hoàn toàn trái ngược với các cầu thủ chuyên nghiệp ngày nay – những người còn chẳng thèm xem thi đấu vào thời gian rảnh của họ.

Nếu sự ra đi của Alexander Hleb vẫn chưa thức tỉnh ông thầy của anh về hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống, thì mùa hè năm 2008, Emmanuel Adebayor đã khắc sâu điều này trong tâm trí ông.

Những lời đề nghị hấp dẫn từ Milan và Barcelona đã thay đổi suy nghĩ của tuyển thủ người Togo, và nhắm đến việc trục lợi từ thành tích của anh trong mùa bóng 2007-2008 (24 bàn thắng trong Giải Ngoại hạng là một chiến công vang dội, dù tính phóng đãng của anh không khỏi khiến nhiều người phải lắc đầu); sau đó, anh đã đòi hỏi đội bóng phải trả lương anh ngang với những tiền đạo hàng đầu thế giới. Đáp lại, Arsenal tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng để anh ra đi, nhưng sẽ với một cái giá rất cao để làm nản lòng những đội bóng muốn có anh. Vì vậy, đến phút cuối, thương vụ này đã bùng nổ một cách ấn tượng. (Trích từ cuộc tranh cãi của anh với một người hâm mộ bất bình– “Anh nhận 80.000 bảng mỗi tuần mà thậm chí không thèm cố gắng.” Adebayor: “Thật ra, đó là 100.000” – tính phóng đãng của một tuyển thủ rốt cuộc cũng được phơi bày). Việc đội bóng nhượng bộ trước mức lương cao ngất ít nhất cũng đảm bảo Adebayor không được phép từ bỏ hợp đồng như Flamini đã làm, hơn nữa còn khiến Pháo Thủ tin chắc anh sẽ đòi hỏi một mức lương ngang ngửa sao cho tương xứng với ‘khả năng’ của anh khi rời đội. Qua việc khẳng định lòng trung thành có thể dễ dàng mua lại bằng tiền, anh đã khiến người hâm mộ xa lánh và, hiển nhiên, ngày ra đi của anh sẽ phải hoãn lại.

Trong vòng 6 tháng, sự ra đi của Diarra, Flamini và Gilberto – Gilberto được phép tự do ra đi thay vì níu kéo mùa giải cuối cùng, và đã gia nhập câu lạc bộ Hy Lạp Olympiakos – đã hạn chế mọi lựa chọn của đội bóng cho tuyến giữa. Đầu mùa giải 2008-2009, người hâm mộ Arsenal đã xôn xao phỏng đoán về quyết định bổ sung một danh thủ nhằm hỗ trợ Cesc Fàbregas, và đã có rất nhiều bình luận nhắc đến cái tên Xabi Alonso. Thế nhưng, ngoài Nasri, hai sự bổ sung duy nhất cho tuyến giữa lại chính là cầu thủ không tên tuổi Amaury Bischoff đến từ Werder Bremen (Bischoff khi đó chỉ mới 21 tuổi) – câu lạc bộ nơi anh chỉ đóng góp đúng một trận ra sân trong suốt 3 mùa bóng – và Aaron Ở tuổi 17, tuyển thủ trẻ Xứ Wales đã khẳng định anh chính là lựa chọn cho tương lai, và thậm chí mức chuyển nhượng 5 triệu bảng cũng đủ nói lên tài năng của anh.

Tiêu chí tương tự cũng được đặt ra với hàng phòng ngự. Jens Lehmann đã trở lại Bundesliga dưới màu áo VfB Stuttgart, còn Philippe Sendersos thì chuyển đến Milan theo hợp đồng cho mượn dài hạn. Cả hai cầu thủ trên đã từng là cầu thủ đội một trong suốt 4 năm, đồng nghĩa Wenger dường như đang mở đường cho những tài năng mới xuất sắc hơn. Vì thế, khi ông mua lại hậu vệ dự bị 31 tuổi đang dưỡng thương của Manchester United, Mikael Silvestre với cái giá gần như cho không, không ít kẻ đã phải kinh ngạc. Tuyển thủ người Pháp chỉ đủ sức góp mặt trong đội hình chính của United trong hai mùa bóng đầu, và hiện tại đã ‘quá hạn sử dụng’. Mặt khác, Silvestre dường như đã được nhắm trước cho vị trí hậu vệ trái (thay vì vị trí trung vệ sở trường của anh). Một quyết định vô cùng khó hiểu của Wenger, và ít nhất thì Willam Gallas cũng có một đồng hương trong hàng thủ để trò chuyện. Cuối tháng Tám, tạp chí người hâm mộ The Gooner đã nhắc đến sự kiện này trong bài xã luận với lời phỏng đoán đầy rủi ro: “Nếu ông ấy [Wenger] cho rằng đội hình hiện tại đã đạt đủ chất lượng để chiến thắng bất kỳ trận đấu quan trọng nào, với các lựa chọn như ta đã thấy trong hàng phòng ngự, thì tôi e tuổi tác đã gõ cửa nhà ông ấy mất rồi.”

Trong những ngày đầu của mùa giải, Wenger đã đón tiếp một kẻ dám bạo gan tuyên bố với ông: “Ông đang cần hai trung vệ đẳng cấp thế giới cao ít nhất 1m9, một thủ môn trong tuyển quốc tế, và một tiền vệ biết tranh chấp bóng để tối ưu hóa hai cánh.”

“Tôi không thể có các trung vệ tôi đang theo đuổi”, Wenger đáp.

“Còn thủ môn thì sao?”

“Nếu Almunia là người Anh, cậu ấy đã là tuyển thủ quốc tế.”

“Điều đó phản ánh chất lượng kém cỏi của các thủ thành người Anh trong thời điểm hiện tại, và tất nhiên cậu ta không thể sánh với Schmeichel. Còn hàng công thì sao?

“Anh nói đúng.”

Thế nhưng, huấn luyện viên người Pháp vẫn lựa chọn bỏ qua công thức đã đem lại thành công cho ông trong những năm đầu đến Arsenal: các tuyển thủ người Anh chuyên nghiệp, rắn rỏi, trưởng thành ông kế thừa và các hợp đồng gia hạn ông trao tặng khi nhận ra giá trị của họ, cùng các tiền vệ cao lớn, gai góc ông mang về– Vieira và Petit. Từ cách xử lý bóng, họ đã chứng minh tất cả quan niệm đúng đắn trước đây về phòng thủ đều sai lầm, và cam đoan khả năng co giãn phải đến từ tuyến giữa.

Không ngạc nhiên khi ‘giáo sư’ đã từng ưu tiên bổ sung một vị trí trung vệ nhằm hỗ trợ Gallas, Toure và Johan Djourou, nhưng đơn giản là ông không thể có được người ông muốn. Trong hội nghị AGM năm 2008, ông đã được chất vấn về lý do không mua về một trung vệ nào, dù đã tuyên bố đó là ưu tiên hàng đầu khi kỳ chuyển nhượng mùa hè mở ra. “Bóng đá không giống như cách anh mua sắm ở siêu thị,” ông trả lời. “Anh không thể bước đến và nói, ‘Tôi muốn một trung vệ cao ít nhất 1m9 với chân trái ngon lành, và tôi muốn được giao đến tận nhà.’” Tiền có thể có sẵn – khoảng 18 triệu bảng – nhưng chỉ ngân sách là chưa đủ để ông suy xét về người ông đã định sẵn trong đầu. Điều đó càng tiến gần hơn đến sự thật rằng ông đơn giản không thể chi trả cho ham muốn của mình. Các cầu thủ ông muốn đang xếp hàng bên ngoài, nhưng huấn luyện viên lại nói, “Chúng tôi đã có giải pháp từ bên trong” – đồng nghĩa rằng ông thà mua về một cầu thủ không nằm trong nhóm đầu; cùng vì lý do đó, tiền vệ Alex Song đã được bổ sung khi các lựa chọn hiển nhiên khác cho khâu phòng ngự đã không còn. Wenger buộc phải thừa nhận: “Chúng tôi phải điều chỉnh lại cách đối phó với những đường bóng trực tiếp. Khi toàn đội vào guồng, các đường bóng trực tiếp sẽ chống lại chúng tôi. Chúng tôi phải cải thiện chúng. Việc mua về Silvestre sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào đến nay vẫn còn là một bí ẩn, và cứ mỗi khi hoạt động chuyển nhượng trở thành vấn đề được quan tâm, cái tên David Dein lại được nhắc đến.

Kết quả thi đấu mùa bóng 2008-2009 đã phản ánh thực trạng của một đội hình non kinh nghiệm, với sự thiếu ổn định về bản chất. Đủ sức đánh bại Manchester United và Chelsea trong tuần này, nhưng lại đầu hàng Fulham, Stoke và Hull trong tuần kế. Điều gì đã thay đổi ghê gớm đến vậy trong suốt một năm? Rốt cuộc, cơn khát danh hiệu của Arsenal vẫn tiếp tục giằng xé cho đến những tuần cuối cùng của mùa giải, và cứ thế giữ nguyên khi các vòng đấu mùa thu bắt đầu khởi tranh, với 5 thất bại trong 14 trận cầu đầu tiên.

Dù đã có trong tay các hảo thủ giữa độ tuổi 20 và thậm chí lão luyện hơn, vấn đề thiếu kinh nghiệm vẫn là yếu tố then chốt. Các tài năng trẻ hơn và ít va chạm thực chiến hơn buộc phải thay thế lớp đàn anh già dặn và xuất sắc hơn. Không cần thiết phải đặt câu hỏi và Wenger thừa hiểu điều đó. “Thiếu kinh nghiệm, anh sẽ phải trả giá bằng điểm số”, ông thừa nhận với một người bạn. Nhiều lúc, đội bóng đã thật sự kiệt sức, và niềm tin cũng mất dần trong mắt các cầu thủ. Đó không phải vấn đề có thể xử lý trong ngày một ngày hai.

Tình trạng bất ổn đã lan rộng trong toàn bộ đội hình. Đã có những trận đấu khiến khán giả thật khó tin đây là đội hình của Arsène Wenger; vì thế, thật vô lý khi họ vẫn có thể đảm bảo được thứ hạng.

Wenger có thể đã xem những nhà vô địch mới của vòng chung kết Euro – đội tuyển Tây Ban Nha – là hình mẫu cho tương lai. Nhưng nếu đúng thế, thì ông đang thiếu trong tay những nhân tố như Senna, Xavi hay Iniesta để thi đấu bên cạnh Fàbregas (người thậm chí không thể giành nổi một suất trong đội hình ra sân của nhà đương kim vô địch). Đối với mỗi đội bóng thành công, họ phải sở hữu những nhân tố then chốt có thể đáp trả những pha va chạm cứng rắn từ đối phương. Đội hình Bất bại tất nhiên đã có một Vieira hiếu thắng, nhưng toàn bộ những tố chất đó đang mất dần trong cả đội bóng. Wenger có thể yêu mến Dennis Bergkamp vì khả năng xuất chúng của anh, nhưng vẫn phải nhận thức được rằng nhạc trưởng người Hà Lan là một kẻ xấu tính, hay ủ rũ nhưng vẫn rất cao thượng. Bergkamp hiểu rằng anh phải mang đến những pha xử lý chính xác trên sân đấu. Những tình huống bất công sẽ không bao giờ được bỏ qua, cũng như những chiếc thẻ đỏ có thể trút xuống như mưa. Có lẽ để biện minh cho quyền được thể hiện khả năng của các cầu thủ, huấn luyện viên đã trở nên mù quáng trước những hành động thái quá của học trò trên sân cỏ. Nhưng đến mùa giải 2008-2009, lực lượng của ông đã ngày càng thu nhỏ hơn và ít gây ấn tượng về chất lượng thể hình, và các lựa chọn ưu tiên của Wenger đã không còn là những vị trí khiến các chuyên gia, khán giả trung lập và người hâm mộ đánh giá là ‘dưới sức’ nữa – cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thứ họ còn thiếu vẫn là lớp kế thừa những Tony Adams và Patrick Vieira, và quan trọng là câu lạc bộ vẫn trắng tay sau sự ra đi gần đây của các trụ cột.

Những thủ quân huyền thoại đó là hình mẫu cả về sức mạnh và niềm đam mê – các tố chất then chốt để thành công ở Giải Ngoại hạng – cùng với độ ổn định và kỹ thuật, vốn là nền tảng trong triết lý của Wenger. Nếu sự thiếu vắng cá tính rắn rỏi, tố chất cơ bắp có thể bù đắp bằng lối thi đấu tấn công nhiệt huyết, thì có lẽ khuyết điểm trong khâu phòng ngự cũng có thể được che đậy; thế nhưng, ngoại trừ Fàbregas và Nasri, một tuyến giữa thiếu sáng tạo sẽ tạo điều kiện cho đối phương phán đoán và dễ bắt bài trong các pha triển khai tấn công. Một điểm yếu nữa là thi đấu thiếu nỗ lực và độ sắc sảo đang dần mất đi. Thông thường, cách phối hợp một chạm sẽ khiến họ lúng túng trước hàng phòng thủ dày đặc của đối phương, khi đội hình tìm cách xuyên thủng khu trung tuyến với rất ít khoảng trống, khiến các đợt tấn công dễ dàng bị chặn đứng (tình thế còn trầm trọng hơn khi các lựa chọn cho đấu pháp của Wenger – như Walcott hay Nasri –đều có khuynh hướng thi đấu bọc vào trong). Thật dễ hiểu khi đội bóng chỉ đạt phong độ cao nhất khi thi đấu với những đối thủ hàng đầu với lối tấn công trải rộng, cho phép Arsenal chiếm lĩnh nhiều khoảng trống và có thêm thời gian kiểm soát bóng hoặc thay đổi lối chơi. Thế nhưng, xuyên suốt 38 vòng đấu, tất nhiên còn rất nhiều những trận đối đầu với các đối thủ dưới cơ, trong khi Arsenal lại thiếu đi các lão tướng dày dạn kinh nghiệm có thể khắc chế mọi đấu pháp của đối phương, mọi lời xúc xiểm của đám đông hoặc sự thiên vị rành rành của trọng tài, để đem về chiến thắng cho đội nhà. Như Tony Adams đã quả quyết: “Anh phải đánh bại vô số đối thủ. Anh có thể cầm hòa Manchester United hay Liverpool, nhưng họ không liên quan. Nếu anh đánh bại 10 đội bóng ở nửa sau bảng xếp hạng cả trên sân nhà lẫn sân khách, anh sẽ vô địch Giải Ngoại hạng. Vì thế, nếu họ đến và chơi phòng ngự, hãy tấn công phủ đầu họ. Hãy cố gắng ghi bàn trong 20 phút đầu. Tôi đảm bảo anh sẽ vượt qua họ.”

Bất lực trong việc kiến tạo cơ hội cộng với 4 trận hòa liên tiếp với cùng tỉ số 0- 0 trong Giải Ngoại hạng đã sớm đưa Arsenal đến bước ngoặt của mùa giải.

Đó là lần đầu tiên đội bóng phải trải qua một chuỗi kết quả thi đấu đáng tiếc như vậy kể từ giai đoạn thoái trào của triều đại George Graham, đến mức một số cổ động viên còn đặt ra câu hỏi: liệu đội hình hiện tại có xuất sắc hơn những người tiền nhiệm của họ trong mùa giải nhọc nhằn 1994-1995 hay không? Tình thế đã trở nên nghiêm trọng hơn khi họ mất Cesc Fàbregas do dính chấn thương đầu gối vào tháng Mười Hai, và anh phải trải qua ba tháng xem thi đấu ngoài đường pít.

Như David Dein đã bình luận một cách thất vọng: “Đám đông đang quay lưng với Wenger.” Ngày càng nhiều cổ động viên cảm thấy huấn luyện viên sẽ không thể lèo lái đội bóng tiến về phía trước. Và thậm chí một dòng tít vô cảm trên mặt báo cũng đặt ra vấn đề: “Liệu Có Nên Thay Thế Arsène Wenger?” – câu hỏi từ tờ The Daily Telegraph.

Kiểm soát bóng vẫn là ưu tiên của huấn luyện viên, nhưng đã không còn là nhiệm vụ hàng đầu do có quá nhiều sai sót trong khâu phòng ngự, khiến họ chỉ kiếm được vài điểm. Không như các đối thủ trực tiếp, Arsenal không thể biến chiến thắng thành thói quen nếu họ cứ liên tục thi đấu dưới sức. Khi Aston Villa vượt mặt họ  và bắt đầu bứt phá khi mùa giải 2008 hạ màn, đã có những lời nghi hoặc rằng có khi nào – lần đầu tiên trong một thập niên– họ sẽ văng khỏi nhóm 4 đội dẫn đầu và bỏ lỡ suất tham dự Champions Legaue trong mùa giải tiếp theo.

Arsenal đang rất cần một phát súng thức tỉnh, chứ không chỉ huy động khán giả đặt thêm vé ở khán đài Câu lạc bộ Thành viên do đã sạch vé từ tháng Ba. Cơ hội đã đến cùng với một siêu sao kỳ cựu được ký kết vào cuối kỳ chuyển nhượng tháng Một; dù Arsenal đã cố trả một cái giá phải chăng, nhưng sau cùng họ vẫn chốt hớ và suýt để mất con mồi. Hợp đồng cuối cùng Andrey Arshavin từng ký kết là với Zenit St Petersburg, và cái tên của anh đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ sau màn trình diễn ấn tượng trong màu áo tuyển Nga hồi Euro 2008.

Câu lạc bộ đã cho phép thương vụ được tự do tiến hành, trong khi giới truyền thông vẫn cho rằng họ vẫn có thể chốt thêm nhiều hợp đồng nữa. Nhiều ý kiến đã dấy lên rằng Arsène Wenger đã trở nên ám ảnh với mục tiêu tài chính, và đánh mất đi sự linh động có thể khiến ông bỏ lỡ những thương vụ đắt giá.

Arshavin ngay lập tức đã tạo được hiệu ứng. Sức hút của anh có thể sánh ngang Dennis Bergkamp. Đã có một thời gian dài anh dường như hòan toàn vắng bóng trên sân cỏ, nhưng cứ mỗi khoảnh khắc anh gây được ấn tượng trong trận đấu, ngay lập tức sẽ có hậu quả xấu xảy đến với toàn đội. Sự hiện diện của anh khiến đồng đội phấn chấn, và đã tạo sự chuyển biến đầy năng lượng, khiến cho những phóng viên đích thực phải liên tục nhắc đến những thông tin xung quanh anh. Tài năng được chứng minh của anh đã vô tình hạn chế những lời đánh giá sáng suốt vốn là tiêu chí rất quan trọng đối với các cầu thủ trẻ. Tony Adams đã nhấn mạnh một khía cạnh bị bỏ qua: “Khi mới gia nhập đội, tôi đã được luyện tập với rất nhiều đàn anh dày dạn kinh nghiệm xung quanh. Họ liên tục nói với tôi: ‘Đừng làm thế, hãy làm thế này, hãy phá bóng ra.’ Tôi không nhận ra những điều đó trong đội hình Arsenal hiện tại. Tôi không thấy có ai đó lên tiếng. ‘Ồ, Cesc! Đừng làm thế, cậu sẽ chổng ngược mông lên đấy.’ Tôi không thấy những cầu thủ kinh nghiệm ở đây, hoặc có thể họ phải đến từ nơi nào khác.” Có lẽ chính Arshavin đã đóng đinh điều này trong tâm trí huấn luyện viên.

Tuy nhiên, bất chấp tài năng và kinh nghiệm của Arshavin, nhiều quan sát viên vẫn cho rằng khoản chuyển nhượng của anh lẽ ra phải dành cho những người khác. Vì vài lý do, Wenger đã từ bỏ những tiêu chí về thể chất vốn đã làm nên thành công trong quá khứ. Còn đâu sự ổn định và thể lực tối quan trọng đối với  các hậu vệ và tiền vệ như ngày trước?

Trong phần bình luận trên tờ The Daily Telegraph sau trận hòa 0-0 thứ hai trong chuỗi 4 trận liên tiếp (từ tháng Một đến tháng Hai) – lần này với Tottenham, Alan Hansen đã cho rằng chính Wilson Palacios (cầu thủ Tottenham mua về từ Wigan) mới là người Arsenal thật sự  cần, thay vì Arshavin. “Cậu ấy [Palacios] là mẫu cầu thủ ‘không theo bóng’, còn Arshavin thì không” – một lời cạnh khóe mỉa mai nhất trong bóng đá, nhưng có lẽ Hansen đang nhắc đến mẫu cầu thủ thi đấu cần mẫn, tranh cướp bóng nỗ lực và hiếu chiến suốt 90 phút.

Người hâm mộ Arsenal thừa nhận Arshavin có thể không thi đấu thường xuyên, nhưng họ vẫn sẵn sàng tha thứ cho hiệu suất kém cỏi của anh nếu anh thể hiện được bản lĩnh và giành chiến thắng. Điều khiến mọi người hoang mang chính là, với mục tiêu đưa Arsenal lọt vào nhóm 4 trong khuôn khổ cúp FA lẫn Champions League, Wenger đã xây dựng một sơ đồ chắp vá trong cả hai trận bán kết lần lượt với Chelsea và Manchester United, khi đổi từ chiến thuật 4-4-2 sang 4-2-3-1. Với Arshavin vẫn còn bỡ ngỡ tại câu lạc bộ mới và lập tức được tham dự Champions League, Wenger đã khiến tất cả kinh ngạc khi bố trí anh thi đấu trận bán kết FA với Chelsea. Chàng tân binh từng khiến toàn đội tìm lại được sinh khí đã bị đày ải trên băng ghế dự bị, và dẫn đến những kết quả có thể đoán trước; Chelsea thắng 2-1. Arshavin cũng góp mặt trong sân với bàn gỡ hòa 1-1, nhưng chỉ trong 15 phút. Tất cả những gì huấn luyện viên người Pháp có thể làm là biến trận bán kết Cúp FA thành một buổi tập dượt cho trận thư hùng trên vũ đài châu Âu 10 ngày tới, và chứng tỏ ông đánh giá thấp trận cầu này đến mức nào. Ngược lại, người hâm mộ buộc phải chứng kiến hy vọng lớn nhất về một danh hiệu của họ bị lãng phí.

Cuối mùa bóng, Wenger vẫn cố gắng biện hộ cho đối sách của mình: “Tôi hiểu rằng với toàn đội, trận bán kết [cúp FA] là một bước tiến quan trọng [nhằm] vượt qua mọi chướng ngại tại Champions League, và tôi biết Arshavin vẫn chưa sẵn sàng [cho điều đó], theo tính toán của tôi.” Ông lý giải: “Toàn đội sẽ tự tin hơn khi đánh bại Chelsea, và [tôi biết tôi có thể] đưa Arshavin vào sân nếu cần thiết. Cả đội sẽ tập trung vào mục tiêu Champions League và biết họ có thể thắng lớn. Nhưng rồi mọi thứ đã không diễn ra như vậy, và lý do duy nhất [chính là cậu ấy chưa sẵn sàng] không phải là cậu ấy chơi không đủ hay.

Arshavin đã đáp trả bằng 4 bàn thắng vào lưới Liverpool, trong khuôn khổ Giải Ngoại hạng Anh 3 ngày sau đó. Tuy nhiên, đội chủ sân Anfield đã cân bằng mọi nỗ lực của anh, với một bàn gỡ hòa đẳng cấp và dứt khoát trong những phút đá bù giờ, đồng thời tái lập tỉ số 4-4 như khi Spurs đến làm khách tại Emirates – thời điểm vẫn chưa xảy ra bước ngoặt của mùa giải. Một năm đã qua đi sau thất bại của họ tại Champions League trên cùng một vũ đài; và cách họ phòng ngự đã chứng tỏ họ vẫn chưa rút ra được bài học, và vẫn tiếp tục buông xuôi vào phút cuối do áp lực từ bàn gỡ muộn màng.

Danh hiệu tại Champions League vẫn là một khoảng trống lớn trong hồ sơ huấn luyện đẳng cấp của Wenger, và chỉ có Ngài Alex Ferguson từ Manchester United mới đủ sức chắn ngang cơ hội được góp mặt trong trận chung kết một lần nữa của ‘giáo sư’. Chưa hết, lợi thế từ lượt đi vẫn đang ủng hộ Arsenal. Trận thua 1-0 tại Old Trafford không phải là chướng ngại quá lớn để san lấp, và đám đông cuồng nhiệt trên khán đài vẫn tin vào khả năng lội ngược dòng của Arsenal. Đáng tiếc, mọi hy vọng đã tan thành bong bóng, khi các học trò của Wenger nhanh chóng để đối thủ gác trước 2-0 chỉ trong 11 phút đầu tiên, khiến không ít cổ động viên phải tức tưởi ra về vì không đủ can đảm chứng kiến hết 79 phút thi đấu còn lại. United thắng chung cuộc 3-1 đêm hôm đó, và mọi nỗ lực của Arsenal chỉ đủ đem lại một bàn thắng danh dự.

Arsène Wenger đã đặt mục tiêu rất cao ở sức mạnh tinh thần, trí lực, sự kiên cường, cá tính và khát khao ở đội hình trẻ, và thường xuyên dùng những ngôn từ bóng bẩy để nói về chúng. Nhưng các tố chất nhỏ bé đó đã không cách gì chứng minh được hiệu quả qua những trận thua nối tiếp nhau và khiến mùa bóng của họ bị xâu xé tan tác. Nếu trong năm 2008, trận hòa 2-2 trước Birmingham đã dẫn đến sự suy sụp từ Giải Ngoại hạng đến Champions League; thì một năm sau, nỗi thất vọng tại bán kết cúp FA cũng đã chấm dứt mọi tham vọng của họ tại Champions League. Điều may mắn là sau cùng họ vẫn bảo toàn được vị trí thứ 4, nhờ phong độ sa sút thảm hại của Aston Villa trong các vòng đấu cuối cùng.

Cuối mùa bóng, Arsenal đã ghi được số bàn thắng ngang ngửa đương kim vô địch Manchester United (68 bàn), nhưng lại để thủng lưới nhiều hơn đến 13 bàn (37 bàn). Chỉ một năm sau khi kết thúc mùa giải với 4 điểm ít hơn đội vô địch, họ đã tự nới rộng khoảng cách đó lên 18 điểm. Sự thật đã thể hiện đúng bản chất của vấn đề. “Đội bóng thiếu đi sự cân bằng,” Tony Adams nhận xét. “Trên phương diện phòng thủ, họ phải cứng rắn hơn.

Nếu Wenger muốn tấn công với toàn bộ hàng hậu vệ phi thường của mình, ông phải đảm bảo được sự ổn định ở khu trung tuyến, chứ không phải một hàng tiền vệ liên tục dội bom. Nếu anh sở hữu quá nhiều cầu thủ có thiên hướng tấn công, anh sẽ không bao giờ lái được họ sang đấu pháp phòng ngự.” Frank McLintock bình luận súc tích: “Khi thi đấu cá nhân, họ chơi rất tốt, nhưng lại không thể hiện được điều đó trong thi đấu tập thể”.

Adams nói tiếp: “Anh thử thách các cầu thủ [đối phương] và khi đã thấy họ chơi tốt đến thế nào, anh phải tạo áp lực lên họ. Một phần trong thứ sức mạnh tinh thần đó chưa được thể hiện ở đội hình hiện tại [của Wenger], và khi tôi nói đến sự cân bằng, nó không chỉ bao gồm phòng thủ hay tấn công, mà còn gồm cả chiều cao và thể hình. Người nào hay bọc trong, người nào thích nước rút, người nào cần phải phòng thủ – ông ấy phải biết chính xác những điều đó.” Nhưng Wenger không bao giờ thanh minh trước công chúng về những thất bại của ông, và bản tính trầm lặng đó cũng chẳng khiến ông được quý mến, dù ông luôn có chủ ý tốt và luôn khuyến khích các học trò của mình phải tin vào bản thân.

Trong buổi thảo luận hỏi đáp với các cổ đông vào cuối mùa giải, Wenger hiểu rằng họ đã “thất vọng tột bậc” trước cách đội nhà thi đấu trong cuộc chạm trán với Manchester United, nhưng ông đã lý giải rằng: “Nhìn chung, với chính sách chúng ta đã áp dụng với đội hình trẻ, thì việc kết thúc mùa giải như cách chúng ta đã làm (ở vị trí thứ tư) không có gì đáng hổ thẹn.” Ông nói thêm: “Hiện tại, tinh thần cả đội đang rất sa sút, nhưng tôi cảm giác rằng các cổ động viên Arsenal nên bớt lưu tâm về điều đó, và đừng để những lời xuyên tạc làm ảnh hưởng.” Tuy nhiên, giới truyền thông đã đóng trọn vai của họ với những thông tin lan truyền trên các trang web và các chương trình đối thoại trực tiếp qua điện thoại; tuy nhiên, hầu hết những lời chỉ trích sắc bén không hề ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của Wenger. Huấn luyện viên đã tự tạo nên tình huống giúp bản thân ông và các học trò được bao bọc trong một môi trường tích cực. Tại một Arsenal hiện đại, người hâm mộ khó lòng có cơ hội được gặp gỡ các cầu thủ, ngoại trừ  những tình huống được kiểm soát gắt gao với sự hiện diện của nhóm vệ sĩ. Nhưng như thế vẫn chưa phải tất cả. Các câu hỏi thường không được đưa ra trực tiếp, và điều khiến người hâm mộ phật lòng chính là bong bóng bảo vệ đã bị phá vỡ. Arsène Wenger buộc phải ngồi chết cứng và lắng nghe những gì dư luận nghĩ về các học trò của ông. Và, dù bị cáo buộc là vô trách nhiệm và hèn nhát, ông vẫn lập tức để yên cho họ tự chống trả.

“Các cầu thủ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm trên sân cỏ,” Wenger phản pháo. “Điều đó còn phụ thuộc anh định nghĩa trách nhiệm như thế nào.

Chúng tôi đang thi đấu tại giải đấu tuyệt vời nhất hành tinh và, tôi sẽ nói rõ với anh: anh không thể bất bại liền 21 trận nếu không đứng dậy và chiến đấu. Người hâm mộ hiểu rõ điều gì là quan trọng nhất khi anh có trong tay một đội hình trẻ cần được hỗ trợ. Thật dễ khi ngồi yên một chỗ và phán rằng họ thiếu ý chí chiến đấu. Những gì họ đã làm trong mùa giải này khi lâm vào tình thế khó khăn chứng tỏ họ đã biết đứng lên và nhận trách nhiệm. Nhiệm vụ của tôi là đón nhận mọi lời phê phán.” Rất thực tế, nhưng điều ông không hiểu thấu chính là những khoản lương vô lý ông trả cho các cầu thủ trẻ chính là nguồn cơn của rắc rối. Chưa hết, ông còn vung roi sau lưng họ và chính bản thân ông khi đặt ra những mục tiêu quá cao – mà trước đây ông đã chinh phục một cách dễ dàng. Tuy nhiên, sau một hoặc hai năm, kết quả thu về đã ngày càng sút giảm. Trong nhiều tình huống cụ thể, sai lầm của các cầu thủ có thể đã không được người hâm mộ dung thứ nếu họ thi đấu dưới sức, đặc biệt đối với các cựu binh giàu kinh nghiệm; và thậm chí còn tệ hơn nếu các đồng đội tài năng của họ cũng không dốc hết tâm huyết do đã nhận được quá nhiều sự nuông chiều từ huấn luyện viên.

Nói về tính chuyên nghiệp – một tố chất được mọi cầu thủ vui vẻ mô tả về bản thân họ (nếu họ tự xem mình ngang hàng với các bác sĩ, luật sư hay kế toán viên), và kèm theo những nghĩa vụ thực tế – như thể họ đã sẵn sàng chứng tỏ phong độ cao nhất về cả thể lực, trí lực và mẫn lực đối với công chúng. Đây là yêu cầu tối thiểu. Cho dù là tình yêu đích thực đối với câu lạc bộ, tinh thần đồng đội gắn kết hay trách nhiệm đối với đồng đội, đó đều là những điểm cộng. Dựa trên chính chuẩn mực của họ, Arsenal hoàn toàn không chuyên nghiệp.

Như Wenger đã đề cập, điều ông nhấn mạnh trước công chúng đó là không ai lên tiếng chỉ trích các cầu thủ mà vẫn có thể tự gọi mình là cổ động viên. Do không bị ban giám đốc và cấp quản lý gây khó dễ, ông ngày càng tỏ ra thờ ơ trước một sự thật rằng: là một ‘nhân viên’ then chốt trong công ty, ông vẫn phải thi hành mệnh lệnh do các cổ đông đề ra. Sự lãnh đạm của ông đã thể hiện trong câu chuyện ông kể về cuộc chạm trán với một cổ động viên tại Stamford Bridge. “Chúng tôi đã thắng Chelsea sau trận đấu khủng khiếp với Manchester City,” ông thuật lại. “Tôi bước đến phòng vệ sinh sau trận đấu, thì một gã lên tiếng: ‘Làm tốt lắm, Wenger; hôm nay chúng ta đã thắng, nhưng năm nay chúng ta sẽ không vô địch nổi đâu,’ khi đó chỉ mới là tháng Mười Một. Tôi đáp: ‘Xin lỗi, nhưng với tôi anh không phải cổ động viên Arsenal.’ ‘Tất nhiên tôi là cổ động viên Arsenal.’ Tôi lại nói: ‘Chúng tôi là một đội bóng với cầu thủ kinh nghiệm nhất ở hàng tiền vệ chỉ mới 21 tuổi, và chúng tôi đã đánh bại Chelsea – một đội bóng lớn với những khoản đầu tư khổng lồ – và tất cả những gì anh có thể nói là chúng tôi sẽ không vô địch; anh đừng mong thuyết phục tôi rằng anh là cổ động viên Arsenal khi còn nghi ngờ các học trò của tôi như vậy.’ Đó là trách nhiệm tất yếu, vì nhiều người vẫn nói rằng: ‘Tôi là cổ động viên, nhưng chỉ khi nào các anh thi đấu tốt, toàn thắng cả 38 trận và giành lấy danh hiệu, thì tôi mới là cổ động viên.’ Tôi rất tiếc, nhưng chuyện là như thế.” Bất kể tay cổ động viên trong câu chuyện có thật đã trêu ngươi Wenger hay không, nhưng hắn đã nói đúng.

Những gì huấn luyện viên khẳng định rằng ông tin tưởng ở dàn cầu thủ trẻ đã đem lại cảm xúc cay đắng trong buổi họp báo. Tuy các câu hỏi được đưa ra một cách lịch sự, Wenger vẫn cảm thấy bị xúc phạm thay vì nắm bắt cơ hội để giải thích và khẳng định lại đối sách của ông. Về vấn đề ưu tiên giữa sức trẻ và kinh nghiệm, ông nói: “Anh không thể đứng ngoài biên và nói: ‘Sao ông không dùng Walcott’ hay ‘Sao ông không dùng các cầu thủ kinh nghiệm hơn’. Anh không thể gầm lên rằng: ‘Fàbregas, ra ngoài,’ hay ‘Tại sao lại để một lão tướng 30 tuổi thế chỗ cậu ta?’ Tôi biết, tôi đã làm công việc này suốt 30 năm. Tôi cũng biết một cựu binh 30 tuổi sẽ thi đấu tốt hơn một tân binh 20 tuổi; nhưng nếu quyết định như vậy, anh phải chấp nhận để mất chàng trai trẻ đó. Chúng tôi mất Walcott. Chúng tôi mất Fàbregas. Khi đến đây, họ muốn được thi đấu. Nếu anh cho rằng họ vẫn còn quá trẻ, tôi chấp nhận. Tất cả mọi người đều có chính kiến đến khi họ bị đặt vào tình thế phải chứng tỏ chính kiến đó. Nhưng điều tôi không thể chấp nhận khi thoát khỏi tình thế này và đồng tình với ban lãnh đạo, đó là nghe anh nói: ‘Ông đã sai lầm khi tin tưởng những cầu thủ này. Các người rồi sẽ chẳng đi đến đâu.’ Tôi vẫn nói rằng đó là cách anh tin tưởng, nhưng tôi thì không. Thế nhưng, mọi người chỉ biết chỉ trích các cầu thủ và nếu họ ra đi sau hai hoặc ba năm, các anh sẽ khơi lại: ‘Sao ông lại để Diaby ra đi? Sao lại để Song hay Walcott ra đi? Họ đều là những cầu thủ tuyệt vời cơ mà.’ Đừng oán trách, vì họ đã cố chứng tỏ với anh họ tuyệt vời như thế nào rồi.”

Sau này, Wenger thuật lại: “Có những lời chỉ trích khiến tôi rất tôn trọng, nhưng tôi sẽ không chấp nhận nếu chúng mang hàm ý xúc phạm. Tôi tôn trọng ý kiến của mọi người, nhưng điều khó chịu ở đây [buổi hỏi đáp] chính là một số cầu thủ không hề được tôn trọng, và tôi không chấp nhận điều đó. Dù thua cả 38 trận đấu tôi vẫn không chấp nhận điều đó. Kể từ khi tôi đến Arsenal, đội bóng luôn tiến lên, chứ không thụt lùi. Tôi rất thất vọng vì tin chắc rằng các cổ đông sẽ không có lời phàn nàn nào. Tháng Mười năm 1996, giá cổ phiếu chỉ có 400 bảng, còn hiện giờ là 10.000 bảng. Nếu cổ động viên phàn nàn, tôi có thể hiểu được, nhưng đây lại là các cổ đông. Tôi không thể tin nổi điều đó.” Thế nhưng, tất cả các cổ đông có mặt trong phiên họp đều là những cổ động viên cuồng nhiệt (như một người đã khẳng định, ‘chính Henry đã truyền cảm hứng cho tôi, chứ không phải giá cổ phiếu’) và lên tiếng vì những mối quan tâm xa hơn đối với cộng đồng, chứ không vì một cuộc họp với các nhân sự cốt cán – như cách Wenger lướt qua các trang web độc lập hay thoáng thấy một dòng tít trên tờ The Gooner. Thế nhưng, hành động cáo buộc thường xuyên của ông đối với người hâm mộ chỉ đem lại những lời chế giễu nhức nhối trong trận đấu sắp tới, nếu họ không có một kết quả khả quan.

Vì vậy, thật dễ hiểu khi nhiều người vẫn hoài nghi về những bước cải thiện trong mùa bóng 2009-2010, cụ thể do đội bóng chỉ chi tiêu tổng cộng 10 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè (mua về đúng một hậu vệ từ Ajax, Thomas Vermaleen), trong khi nhận về đến 41 triệu bảng từ Manchester City cho Emmanuel Adebayor và Kolo Toure. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi chính sự yếm thế đó đã mang về cho họ ngôi đầu bảng vào giữa tháng Một. Một kết quả khả quan. Có lẽ đội bóng nên thừa thắng xông lên và đoạt lấy danh hiệu, cũng là ngôi vô địch đầu tiên họ giành được kể từ chiếc cúp FA năm 2005. Tuy nhiên, một lần nữa, những lựa chọn sai lầm đã lặp lại. Đội bóng đã đuối sức ở FA Cup và mất đi đà chiến thắng ở Giải Ngoại hạng – thất bại 3-1 trước Stoke tại vòng bốn đã kéo theo 3 trận thua liên tiếp – bao gồm những thất bại đau đớn trước những kẻ tranh chấp danh hiệu là Manchester United và Chelsea, và khiến họ phải trả giá bằng các điểm số quan trọng. Chỉ trong 15 ngày, niềm hy vọng đã biến thành nỗi chua xót tột cùng. Chỉ là ngẫu nhiên thôi ư? Hay cái dớp sau một khởi đầu suôn sẻ lại tại diễn, kéo theo sự sụp đổ của đội bóng trên khắp các mặt trận.

Cảm xúc khi đó hoàn toàn trái ngược với thời điểm mùa giải bắt đầu khởi tranh.

Sau khi quyết định sử dụng chính thức sơ đồ 4-2-3-1, Arsenal đã thẳng tiến như một đoàn tàu cao tốc. Màn trình diễn vô cùng ấn tượng và hiệu quả trước Celtic đã đảm bảo cho họ một suất trong vòng bảng Champions League (đi kèm khoản lợi nhuận khổng lồ). Đặc biệt, đội bóng còn áp dụng thứ đấu pháp kỷ luật và khuôn khổ, với mục đích kiểm soát hoàn toàn thế trận với thể hình và sức mạnh cường tráng, và cụ thể hóa đối sách đó bằng chiến thắng hủy diệt Everton ngay tại Goodison Park, với tỉ số chung cuộc 6-1.

Câu lạc bộ còn được một số cổ động viên cuồng nhiệt đặt tên thánh, ‘Arsenalona’, khi họ tin tưởng danh hiệu Champions League và cú ăn hai ở giải quốc nội chính là mục tiêu Arsenal nhắm đến với một đội hình được trẻ hóa (tuy đấu pháp của Pep Guardiola vẫn mang thiên hướng tấn công nhiều hơn, vẫn tập trung tạo áp lực cũng như công phá đối thủ của họ nhiều hơn). Cơ hội để Arsenal chứng thực giả thuyết của mình đã đến cùng trận tứ kết Champions League mùa xuân tiếp theo.

Sau thất bại trong việc đeo bám hai đối thủ của họ là Manchester United và Liverpool, có lẽ thử thách đến từ các đội bóng cùng châu lục sẽ thích hợp hơn với những thay đổi của Arsenal. Nhưng họ phải đối đầu với Barcelona, và ngay cả những cổ động viên vô tâm nhất cũng hiểu rằng, Gã Khổng lồ Xứ Catalan vượt trội hơn hẳn trong từng vị trí ra sân. Tuy vậy, ít nhất một trận hòa cũng hứa hẹn đem lại nhiều cảm xúc thú vị cho khán giả.

Trong lượt đi tại Emirates, Barcelona đã khiến đội chủ nhà phải thấm thía nhiều bài học ngay từ 45 phút đầu tiên – và thật ngạc nhiên là không có bàn thắng nào được ghi. Phong độ đỉnh cao của Arsenal trong nửa đầu mùa giải đã dần suy giảm và trở thành ký ức nhạt nhòa, thể hiện rõ trong sự yếu kém từ khâu ra quyết định, nắm bắt nhịp độ trận đấu hay kỹ năng khống chế bóng. Hiển nhiên, sang hiệp hai, Barcelona đã vươn lên dẫn trước, tuy việc tung Theo Walcott vào sân trong 20 phút cuối trận đã giúp Arsenal giành lại một kết quả hòa (2-2) sau 90 phút thi đấu.

Bản chất khoảng cách giữa những kẻ hạch sách vĩ đại của Wenger và thế trận thực tế đã được chứng thực trong trận lượt về, tuy các bài báo sau lượt đi đều cho rằng thế trận đã hoàn toàn nghiêng hẳn về Barcelona dựa trên những con số thống kê sau trận đấu. Với các lựa chọn hàng đầu như Gallas, Fàbregas, Song, van Persie và Arshavin đều vắng mặt do chấn thương, Wenger chỉ có thể than rằng đây không phải một cuộc đối đầu cân sức, dù đội chủ nhà cũng chịu tổn thất – Puyol, Piqué và Iniesta đều phải ngồi ngoài. Tuy chính những vị khách là đội có bàn mở tỉ số trước, nhưng Lionel Messi – cầu thủ hoàn toàn chơi dưới sức trong trận lượt đi – đã ghi tất cả các bàn thắng để mang về chiến thắng giòn giã 4- 1 cho Barcelona – một kết quả xứng đáng cho nhà đương kim vô địch đến từ Tây Ban Nha.

Một lần nữa, việc bị loại khỏi vòng đấu knock-out đã kéo theo một chuỗi kết quả tệ hại trong khuôn khổ Giải Ngoại hạng Anh – chỉ giành được một trong 12 điểm tối đa – sau thất bại toàn diện tại Camp Nou. Phong độ thiểu não đã lặp lại như một thói quen, và dẫn đến những tác hại tâm lý không thể khắc phục được. Khao khát có được một danh hiệu, bất kể là danh hiệu gì, đã trở thành ưu tiên hàng đầu, dù huấn luyện viên chỉ nhắm đến hai trong số 4 ngôi vị, nhưng rồi đều thất  bại. Quả thực, lẽ ra ông nên tiếp thu lời khuyên của chàng cựu thủ quân ông từng dẫn dắt. “Giành một được danh hiệu, mọi thứ sẽ đổi khác,” Tony Adams khẳng định. “Anh tự tin, anh sẽ chiến thắng. Đó chính là sức mạnh tinh thần.”

Theo thời gian, hai danh hiệu quan trọng nhất ngày càng trở nên khó chinh phục.

Họ phải giành được 78 điểm mới có thể đăng quang vào năm 1998. Nhưng trong 4 mùa giải đầu tiên diễn ra tại Emirates, con số đó chỉ đủ để đảm bảo vị trí thứ 3. Mức xà ngang đã được nâng lên và sự áp đảo về số lượng các đội bóng Anh trong những vòng đấu cuối của Champions League, đã chứng tỏ sức cạnh tranh của Giải Ngoại hạng Anh vốn đã bao trùm không chỉ nền bóng đá quốc nội, mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên đấu trường quốc tế.

Trong suốt 4 mùa giải đó, Wenger đã nỗ lực đấu tranh cho danh hiệu ngoại hạng và Champions League, nhưng vẫn trắng tay. Theo những quy luật khắc nghiệt trong bóng đá, ông đã thất bại. Nhưng với Wenger, chỉ có chiến thắng là chưa đủ. Do vậy, xét theo tiêu chí của ông – về phong cách thi đấu của đội bóng cùng sự cuồng nhiệt họ mang đến cho triệu triệu khán giả trên khắp thế giới – có thể nói ông đã thành công. Tuy nhiên, nếu quan điểm của ông đúng theo từng chữ, thì ông hẳn đang viện cớ cho các học trò của mình, sau thất bại thảm hại của họ do không giành được danh hiệu nào: ‘Đừng bận tâm đến kết quả; trong mắt huấn luyện viên, các anh là những người chiến thắng’. Nhưng việc phải chứng kiến họ thi đấu với cảm giác sốt ruột ngoài đường biên khi những giây phút cuối cùng dần trôi qua, mà đội bóng của ông vẫn không thể làm nên chuyện đã khiến triết lý trên sụp đổ; đồng thời chứng tỏ Wenger muốn thắng đến mức nào.

Nếu thành công của một đội bóng được đo đếm bằng những danh hiệu họ giành được, thì đội quân của ông vẫn còn một hành trình dài trước mắt để mang về vinh quang cho sân vận động mới. Không một lần nhìn lại quá khứ đã qua, ông chỉ tự hỏi, “Tiếp theo là gì?” và tự trả lời: “Vẫn như trước thôi, nhưng lần này nhất định phải có danh hiệu.”

Wenger có thể sắp xếp cho cả đội Arsenal một bữa thịnh soạn tại khách sạn Ritz sau khi kỳ chuyển nhượng kết thúc, nhưng ngay sáng hôm sau vẫn sẽ dẫn họ đến một quán ăn rẻ tiền. Và không đội bóng nào trong nhóm đầu từng đặt câu hỏi rằng liệu họ có quyền đến những nơi ấy hay không. Các câu lạc bộ như Liverpool, Tottenham, Everton và Aston Villa chỉ biết lo vắt óc và khui hầu bao hòng tranh đua với Arsenal, kể từ ngày ‘Arsène à, ai thế?’ cập bến London từ Nhật Bản năm 1996, thời điểm họ đã có thừa tham vọng hòng hạ bệ Manchester United. Trước cuộc thay máu vĩ đại trị giá hàng triệu bảng mà tỉ phú Abramovich đã tiến hành ở Chelsea, chính Arsenal là câu lạc bộ duy nhất đủ sức bám đuổi United. Năm 2009, tập đoàn Abu Dhabi United cũng mua lại thành công Manchester City, và trở thành một mối đe dọa tài chính khổng lồ khác đối với Arsenal, về cả danh vọng lẫn cơ hội tham dự Champions League.

 

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá