Tình yêu sẽ chia cắt chúng ta
Ca khúc Tình Yêu Sẽ Chia Cắt Chúng ta của Joy Division, một bài hát nói về sự tan vỡ trong mối quan hệ của một cặp tình nhân, đã viết lại những biến cố xảy đến trong cuộc đời của người nhạc sĩ, Ian Curtis. Tương tự, ca từ bài hát cũng nói lên bản chất đang dần thay đổi trong mối quan hệ ràng buộc giữa Arsène Wenger và số đông cổ động viên Arsenal giữa mùa bóng 2010-2011. Dự án Wenger đã được triển khai nhằm xây dựng một đội hình thành công từ lứa cầu thủ trẻ, những tài năng hầu như không có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao thay vì các danh thủ quốc tế đã đem về cho ông các danh hiệu mùa bóng 1997-1998 và từ 2001 đến 2005; song, bất chấp dự án đã khai thác được các nhân tài xuất chúng trong tất cả các vị trí trên sân nhằm thâu tóm Carling Cup lẫn Giải Ngoại hạng, họ vẫn một lần nữa thất bại trong cuộc chinh phục danh hiệu dù chỉ cách vinh quang không xa. Đó là chưa kể việc bị loại khỏi Champions Leagues và FA Cup đã để lại nỗi thất vọng to lớn. Chỉ có cảm giác oán giận tràn ngập và chẳng ai quan tâm rút ra bài học từ những sai lầm họ đã mắc phải trong suốt ba mùa bóng vừa qua; và tất nhiên, câu lạc bộ cũng không có thêm một bước tiến nào.
Như một cuộc hôn nhân nhàm chán, bạn sẽ trải qua những quãng thời gian hạnh phúc, nhưng cảm giác tuyệt vời ấy sẽ dần mất đi. Những ánh mắt đang dồn tới từ mọi phía, và những hình ảnh màu nhiệm về tình yêu mới đang tìm cách mê hoặc họ. (Nếu công chúng tin vào những câu chuyện về cuộc đời thực của Wenger được đăng trên tờ The Sun và The News of the World, thì có lẽ sự ủy mị sẽ là cách phản ánh chân thực nhất tình thế của ông tại nước Anh.) Thế nhưng, những ký ức tuyệt vời, cảm giác thoải mái từ môi trường thân thuộc cùng sự phân vân vì những điều chưa biết đã ngăn cản niềm tin của hầu hết khán giả. Nhưng giờ đây, những cuộc tranh luận đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Xu hướng dần đi xuống trong giai đoạn suy thoái phức tạp đã khiến cảm giác nản chí lan khắp sân vận động. Tệ hơn nữa là những xung đột khi mùa bóng kết thúc – thật khó tin khi cổ động viên Pháo Thủ lại quay sang tranh cãi với nhau, phân thành hai nhóm với quan điểm khác biệt: ‘AKB’ (Arsène Biết Tất) và ‘AMG’ (Arsène Phải Ra Đi).
Tuy vậy, vẫn còn một số điểm nhấn cá biệt làm ấm lòng người xem, và suy nghĩ về một viễn cảnh ‘không Wenger’ sau 15 năm quả là một đề tài hóc búa. Sau cùng, liệu ai biết được điều gì sẽ xảy ra? Cùng thời điểm Arsenal rời sân Highbury, Charlton Athletic cũng bắt đầu hối hận vì đã chấm dứt nhiệm kỳ của huấn luyện viên Alan Curbishley, sau khi tụt xuống hai hạng đấu trong ba mùa liên tiếp do ảnh hưởng từ quyết định sai lầm đó. Giờ đây, cổ động viên Charlton chỉ mong ước thời gian sẽ quay trở lại. “Hãy cẩn thận với mong ước của các người”, nhóm AKB cảnh cáo.
Tuy nhiên, huấn luyện viên người Pháp đã đồng ý ký vào bản hợp đồng mới, và đảm bảo tình trạng hiện tại. Phải đến năm 2014 ban lãnh đạo may ra mới có cơ hội nói lời cám ơn và tạm biệt ông mà không phải bồi hoàn khoản phí nào do phá vỡ hợp đồng. Với mức lương mới được cho là 6 triệu bảng một năm, cơ may duy nhất để Wenger chấp nhận lời khẩn cầu của nhóm AMG chỉ có thể xảy đến khi một câu lạc bộ hàng đầu khác tìm cách lôi kéo ông, với một lời đề nghị khiến ông không thể từ chối vào thời điểm đó.
Nhưng với toàn bộ quyền chi phối ông đã tạo dựng được cho bản thân ở Arsenal, liệu Wenger có chấp nhận bị ‘giáng cấp’ nếu đồng ý một lời đề nghị từ đâu đó? Trong lịch sử, Wenger đã chứng minh ông không bao giờ vội vàng đặt bút vào cuối mảnh giấy, và thường trì hoãn quyết định đến giờ khắc cuối cùng – thường là cuối mùa bóng, và chứng tỏ rằng ông chỉ luôn tuân theo nguyên tắc của chính mình. Năm 2010, vừa vặn thời điểm các lời phỏng đoán bắt đầu rộ lên, một thỏa thuận đồng ý đã được công bố, khiến tất cả những tin đồn vừa manh nha đã bị dập tắt. Ban lãnh đạo đã quyết định mạo hiểm khi giữ lại vị tướng người Pháp – bất chấp 5 năm đói khát danh hiệu – không những thế, họ còn khẳng định sự tôn sùng và lòng tri ân sâu sắc đến ông bằng một bức tượng bán thân đặt cạnh Herbert Chapman, trong ngôi đền của những huyền thoại Arsenal. Sau những đặc ân như vậy, liệu ông có cam kết tương lai tại Bắc London hay không?
Vào cuối kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2010, những lời phàn nàn bất mãn đã trở thành nguy cơ của sự chống đối. Vẫn còn một vài vấn đề quan trọng từ đội hình thi đấu mà cả cổ động viên lẫn cánh nhà báo đều cảm thấy cần xử lý ngay tức khắc,như bổ sung vào đội hình độ trưởng thành cần thiết để cân đối với những vị trí cốt cán đang được trẻ hóa. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi hợp đồng của 4 trung vệ ra sân thường xuyên nhất đang chuẩn bị đáo hạn gần như cùng lúc – Gallas, Sol Campbell (người đã quay lại đội bóng từ tháng Một năm trước), Mikael Silvestre và Philippe Senderos đang gần trở thành cầu thủ tự do. Ngoại trừ Gallas và Senderos, những người đã để lại hào quang sự nghiệp phía sau, thì mọi cầu thủ còn lại đều đã từng nếm vị ngọt vinh quang trong màu áo Arsenal, Manchester United hay Chelsea, và không thể nói chắc họ đã trải qua thời hoàng kim hay chưa. Thêm vào đó, Eduardo (chuyển đến Shakhtar Donestsk với giá 6 triệu bảng) và Fran Merida (chuyển nhượng tự do đến Atlético Madrid) cũng là những mất mát quan trọng.
Với chỉ duy nhất hai hậu vệ còn lại trong đội hình, Wenger cần gấp những lựa chọn củng cố. Một hình mẫu kinh nghiệm điển hình đã cập bến đội bóng trong cốt cách của tuyển thủ kỳ cựu người Pháp, Sebastien Squillaci, khi anh đã 30 tuổi.
Trong khi đó, đại diện của lớp trẻ là Laurent Koscielny, người đã có một mùa giải thăng hoa tại Giải Hạng Nhất Pháp trong màu áo Lorient. Dù dày dạn hơn hầu hết phần còn lại của đội hình, thì khả năng thích nghi của họ đối với yêu cầu của Giải Ngoại hạng vẫn là điều cần quan tâm.
Wenger đã lấp chỗ trống Eduardo để lại bằng Marouane Chamakh, tiền đạo cao lớn người Ma-rốc từng giành danh hiệu tại Pháp cùng với Bordeaux năm 2009. Anh đã nằm trong danh sách chiêu mộ từ mùa giải trước. Nhưng khi Emmanuel Adebayor chuyển đến Manchester City với giá 25 triệu bảng, Bordeaux đã trở mặt làm khó, tăng giá bán và khiến những người mua từ nước Anh phật lòng. Họ quyết định chờ thêm một mùa giải nữa để Chamakh đáo hạn hợp đồng và có thể tự do ra đi.
Do thất bại trong việc duy trì một đội hình tất thắng và ảnh hưởng từ các rủi ro chấn thương liên tiếp, Arsenal đã bị bỏ xa trong cuộc đua tại Giải Ngoại hạng mùa xuân năm ngoái. Các lựa chọn thay thế vẫn chưa đạt đủ chất lượng, nhưng các gương mặt cũ sẽ vẫn ở lại, dựa trên bức ảnh kỷ yếu được chụp hàng năm.
Một số cầu thủ vốn đã không được xếp vào vai trò đầu tàu – như Eboué, Denílson, Bendtner hay Rosicky – đều là những hợp đồng phải chăng, nhưng đã thất bại trong việc khẳng định khả năng của họ trên sân cỏ. Hiển nhiên, huấn luyện viên đã có thể làm tốt hơn nếu mạnh dạn dẹp bớt những khúc gỗ mục để đổi lấy tiền chuyển nhượng. Tuy nhiên, ông đã quyết định giữ họ lại. Dù sao đi nữa, cũng thật khó để họ ra đi với cơ hội ít ỏi được đề nghị một khoản lương hợp lý như ở Arsenal, khi họ chấp nhận một bến đỗ mới; từ đó, lại dấy lên một câu hỏi: liệu ngân sách dành cho cầu thủ đã được hoạch định hiệu quả đến mức nào?
Trong lúc thời hạn chuyển nhượng đã gần kề (ngày 31 tháng Tám), vị trí thủ môn vẫn thiếu đi một tuyển thủ quốc tế: Manuel Almunia và Łukasz Fabiański đều đang chờ đợi, cùng với Wojciech Szczęsny – tuy sở hữu tài năng hiếm có, nhưng độ tuổi chưa đến 20 vẫn không thể bảo đảm cho thủ thành trẻ người Ba Lan một suất trong đội hình chính. Lời đề nghị đến Pepe Reina của Liverpool cũng bị cự tuyệt, nên mọi sự chú ý giờ đây đang chuyển sang lão tướng Mark Schwarzer từ Fulham, với ý định đề bạt anh làm huấn luyện viên thủ môn sau một hoặc hai mùa bóng phục vụ ở đội hình một, đồng thời mở đường cho Szczęsny thay thế anh. Trong lúc nỗ lực chốt lại một thương vụ khó, Arsenal đã buộc phải rút lui vào phút cuối sau khi được tin David Stockdale, người được bố trí thay thế Schwarzer đã dính chấn thương. Hiển nhiên, đội bóng Tây London sẽ không bao giờ để tuyển thủ người Úc của họ ra đi trong tình cảnh này. Như vậy, Almunia vẫn là lựa chọn số một; và nỗ lực công cốc của Wenger nhằm tìm kiếm người thay thế anh đã khiến anh lấy lại tự tin.
Wenger đã tuyên bố vào năm ngoái rằng ông sẽ đảm bảo cho bản thân cơ hội thành công to lớn nhất bằng cách tận dụng tất cả những nguồn lực ông có. Với những hợp đồng mới đã tạo được dấu ấn, ông đã cho qua thất bại trong nỗ lực củng cố đội hình cùng hàng triệu bảng vẫn đang ngủ yên trong ngân sách (70% lợi nhuận ròng từ hoạt động chuyển nhượng cầu thủ phải được đưa ngược vào ngân sách chuyển nhượng – nguồn tài chính vốn đã khá ổn định bất chấp các thương vụ Vermaleen, Koscielny hay Squillaci, nhờ hai hợp đồng mang tên Adebayor và Toure đã đem về 41 triệu bảng). Những lời tuyên bố của huấn luyện viên giờ đây chẳng khác gì những phát ngôn sáo rỗng, đặc biệt khi hậu vệ chủ chốt Thomas Vermaleen dính chấn thương chỉ sau 3 trận đầu của mùa giải, do tham gia thi đấu giao hữu cùng đội tuyển Bỉ – một tai nạn không đáng có nhiều khả năng sẽ loại anh ra khỏi đội hình chính cho đến tháng Năm.
Một vị trí khác cần khá nhiều sự lựa chọn chính là vị trí tiền vệ phòng ngự. Alex Song đã ghi chắc tên cho mình trong đội hình chính, nhưng vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng các lựa chọn nhằm thay thế và hỗ trợ anh, như Denílson và Abou Diaby, vẫn chưa đủ tiêu chuẩn – Diaby chỉ chứng tỏ khả năng ngày một ngày hai, trong khi Denílson, tuy chắc chắn hơn, nhưng vẫn chưa hội đủ các tố chất cần thiết – và nếu một ngày nào đó Song ra đi, hàng thủ sẽ trống rỗng. Nhằm đối phó với khó khăn trên, việc thăng cấp Wilshere một cách bất ngờ vào đội hình chính dường như đã giải quyết được vấn đề. Nhưng nếu cả anh lẫn Song đều không thể vào sân, khu trung tuyến sẽ mất đi lá chắn kiên cố vốn có. Trong ánh hào quang của thời hoàng kim đã qua, Patrick Vieira có thể phối hợp với bất kỳ ai từ Petit, Palour, Edu và sau này là Gilberto Silva. Cá tính, sức mạnh, kỹ xảo và sức mạnh ý chí đều có thừa trong từng bước chạy của anh. Nếu phải so sánh, thì bộ máy phát động của Arsenal hiện nay thật non nớt và kém cỏi. Tất nhiên, sau 4 năm chuyển đến sân vận động mới, câu lạc bộ không thể cứ trông cậy vào một cậu thiếu niên, dù thừa tài năng để dẫn dắt họ đi lên. Nếu hàng thủ cần thêm hỗ trợ, thì chiều cao 1m77 của cậu trai chỉ mới góp mặt trong 14 trận cầu tại Giải Ngoại hạng chắc chắn không phải đáp án tốt nhất. Wilshere đã tham gia bao nhiêu trận đấu then chốt? Nếu nhìn sang Alex Song, anh sẽ chỉ thấy một chàng đồng đội đang cố tự mình học hỏi. Gary Giessing, một thành viên trong nhóm tuyển trạch của Wenger đã chia sẻ rằng: “Khi chúng tôi quan sát một cầu thủ, chúng tôi sẽ muốn đánh dấu vào 4 tiêu chí: sự khôn ngoan, khả năng kỹ thuật, tài năng thiên phú và tố chất thể lực – gồm tốc độ, sức mạnh và chiều cao.” Các vị trí tiền vệ chính thức vẫn còn bỏ trống ở Arsenal suốt mùa bóng 2010-2011 đã chứng tỏ rằng: có người đã không làm tốt nhiệm vụ.
Arsenal sở hữu doanh thu của một đội bóng lớn cùng thu nhập từ giá vé của một trong những sân vận động hoành tráng nhất thế giới, nhưng dường như chúng chỉ làm bật lên tầm nhìn ngắn hạn vốn chỉ dành cho những đội bóng nhỏ khi đến mùa chuyển nhượng. Manchester United, Manchester City, Chelsea và Liverpool đều sẵn sàng bỏ ra không dưới 30 triệu bảng cho một cầu thủ. Họ xác định mục tiêu, họ thương lượng gắt gao và họ ra quyết định. Nếu mức giá quá cao – dù hiếm khi như thế – họ sẽ nhanh chóng chuyển sang bảo vệ các lựa chọn khác mà không bận tâm đếm từng đồng đô-la hay euro. Riêng Arsenal, họ vẫn chưa phá bỏ mức trần 20 triệu bảng. Kể từ danh hiệu cuối cùng của Pháo Thủ, United đã giành 4 danh hiệu ngoại hạng, góp mặt trong 3 trận chung kết Champions League và chiến thắng 2 giải đấu quốc nội. Trong khi đó, siêu sao duy nhất ký kết với Wenger chỉ có Andrey Arshavin, với mức giá ban đầu 12 triệu bảng. Không những thế, việc trì hoãn ký kết các hợp đồng cũng khiến họ thất bại trong việc bảo vệ chữ ký của các cầu thủ.
Đã có bao nhiêu danh thủ câu lạc bộ cố gắng đem về nhưng bất đắc dĩ phải từ bỏ do các chi phí phát sinh? Nếu Arsenal chấp nhận chi thêm vài triệu so với mức đề nghị ban đầu, Xabi Alonso có lẽ đã thuộc về họ từ mùa hè năm 2008 (Liverpool vẫn chờ đợi hòng bù đắp mức giá 18 triệu bảng Aston Villa đòi hỏi họ cho thương vụ Gareth Barry). Cầu thủ người Tây Ban Nha đã trở thành nhân tố chính của đội bóng, với chỉ hai trận thua duy nhất trong mùa bóng tiếp theo ở Giải Ngoại hạng, và để vuột mất danh hiệu trong gang tấc. Alonso sau đó đã gia nhập Real Madrid, bỏ lại Liverpool bị đánh bật khỏi nhóm 4 đội dẫn đầu trong mùa giải đầu tiên vắng bóng anh. Dennis Bergkamp đã chỉ ra một vấn đề quan trọng trong việc củng cố đội hình dựa trên chất lượng cầu thủ: “Nếu nhìn lại, bạn sẽ thấy mỗi khi chúng tôi giành được một danh hiệu nào đó, thì mùa hè năm trước Wenger đều mua về một số cầu thủ,” anh hồi tưởng. “Từ Petit, Grimandi, Overmars năm 1998, cho đến Campbell, van Bronckhorst năm 2001. Một sự thay đổi, một nhóm cầu thủ tên tuổi sẽ giúp cải thiện đội hình – họ có chiến tích, họ có kinh nghiệm. Ba cầu thủ mới gia nhập sẽ khiến 17 người còn lại nhìn vào, và rồi họ sẽ thay đổi. Có điều gì đó đã xảy đến trong những mùa bóng tôi đề cập và khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn. Đôi lúc anh phải bổ sung cầu thủ để khiến điều đó xảy ra.” Ảnh hưởng do Messrs Chamakh, Koscielny và Squillaci mang lại không phải những gợn sóng lăn tăn, nhưng cũng không thể sánh với cơn sóng thần đã thay đổi toàn diện đội bóng vào năm 1995, khi Bergkamp cập bến cùng với David Platt.
Bên cạnh quyết định chưa từng có tiền lệ nhằm gia hạn hợp đồng huấn luyện của chiến lược gia người Pháp vào phút chót, vẫn còn một thay đổi quan trọng khác trong lịch trình: đó là quyết định hoãn lại buổi điều trần thường niên giữa ông với hội đồng cổ đông. Vốn thường được tổ chức vào mùa xuân, nhưng do tình trạng xuống tinh thần khi mùa bóng 2009-2010 kết thúc, buổi họp kéo dài một giờ đồng hồ đã được dời sang tháng Chín – một cách để đội bóng tạo áp lực với huấn luyện viên. Như thế đã quá đủ với lời tuyên bố của Wenger: ‘Hãy phán xét tôi vào tháng Năm’. Thật khó để nói rằng thời điểm đó ông đang quá tải, do đội bóng không còn hoạt động quan trọng nào ngoài việc các cầu thủ phải thực hiện nghĩa vụ trong một số trận đấu còn tồn đọng. Và khi sự kiện quan trọng diễn ra, các cổ đông sẽ đưa ra những câu hỏi phức tạp và buộc phải tuân theo một thứ tự nghiêm khắc, nhằm đảm bảo tiến trình họp và tăng khả năng truyền đạt những chất vấn của họ đến huấn luyện viên.
Cuộc họp không chính thức này là kết quả của buổi hỏi đáp đầy tai tiếng hồi tháng Năm năm 2009, khi Wenger hiểu sai không khí cuộc họp và lên tiếng chỉ trích khán giả vì dám cả gan chỉ trích các học trò của ông.Rút kinh nghiệm từ lần đó, buổi tối hôm ấy đã diễn ra một cách trọn vẹn mà không xảy ra biến cố gì. ‘Giáo sư’ có vẻ thư thái hơn mọi khi, với đội hình của ông đang đứng thứ 2 với 10 điểm giành được trong bốn trận gần nhất; ông có thể biện minh rằng kết quả thi đấu đã chứng thực cho chính sách của ông. Nhưng kết luận như thế liệu có quá hấp tấp? – khi trong 3 trận đấu tiếp theo tại Giải Ngoại hạng, Arsenal chỉ giành được một trong số 9 điểm tối đa. Kết quả đáng tiếc trên còn bao gồm một ngày thi đấu thiếu may mắn của Manuel Almunia trong trận cầu Pháo Thủ bị West Brom đánh bại ngay trên sân nhà; sau trận đấu đó, thủ thành này đã bị tước đi vị trí chính thức và chỉ xuất hiện trở lại trong vòng đấu thuộc FA Cup cuối tháng Một. Phong độ của anh đã gợi nhớ lại trận cầu tương tự với Manchester United, vốn đã giúp anh thăng tiến tại câu lạc bộ, trong bối cảnh vị trí thủ môn vẫn được dành sự ưu tiên cao nhất – như mọi khi. Điều này không chỉ xảy ra ở Arsenal. Bạn sẽ lý giải thế nào nếu biết rằng Almunia – thủ thành bắt chính trong ba mùa giải liên tiếp – đã từng vắng bóng suốt ba mùa trong đội hình Celta Vigo trước khi chuyển đến London? Đội bóng Tây Ban Nha đã không đánh giá đúng khả năng của anh, nên cũng không thể giữ chân anh, và buộc phải viết tên anh vào hợp đồng cho mượn đến các đối thủ khác tại La Liga.
Trong khi vị trí của Almunia đã có thủ môn ‘phó’ Łukasz Fabiański đặt trước, thì ít nhất người đồng hương Ba Lan của anh, Wojciech Szczęsny dường như đã tìm được cách chứng tỏ khả năng của mình; khi chỉ sau một năm, anh đã khẳng định vị trí số một trước cầu môn, do Fabiański không may dính chấn thương đến hết mùa giải. Và sau đó, khi Wenger tuyên bố ông đã có trong tay “ba ‘thủ môn’ đẳng cấp thế giới”, thì ông quả thực đáng bị chê trách vì đã nói ra điều ngớ ngẩn. Tuy Szczęny một ngày nào đó sẽ chứng tỏ được khả năng của mình, nhưng như Alan Smith đã bình luận: “Tôi không thể tin ông ấy lại cho rằng Almunia và Fabiański thi đấu đủ tốt đến mức ông ấy có thể công khai ủng hộ họ.” Thất bại do cố gắng bảo toàn thêm một thủ môn, theo ý Smith, “là hoàn toàn sai lầm”. Là người luôn nhìn thấy được mặt tốt từ nghịch cảnh, cựu đồng đội của anh, Paul Merson cũng phải đồng tình: “Một thủ môn xuất sắc sẽ giữ lại cho anh 10 điểm trong mỗi mùa bóng. Trong khi các thủ thành của Arsenal lại tiêu tốn ít nhất tám điểm mỗi mùa. Như vậy, liệu có đội bóng nào sẵn sàng phung phí đến 18 điểm mà vẫn mơ đến chiếc cúp vô địch?” “Anh sẽ trở lại mẫu cầu thủ mà khán giả muốn ông ấy mua về,” Alan Smith cho biết. “Trung vệ và thủ môn – hai vị trí sống còn – hiện đang là điểm yếu chí mạng của họ, và [Wenger] đã không thể giải quyết triệt để khó khăn này. Ông ấy hoàn toàn hiểu rõ phải hành động như thế nào trong tình huống này, nhưng ông ấy vẫn chưa thật sự ra tay. Đó là mang về những cầu thủ phù hợp.”
Ảo tưởng tan vỡ càng trở nên sâu sắc hơn khi khoảng cách giữa họ và các đội xếp trên ngày càng được nới rộng qua vô số trận đấu trên sân nhà. Sức hút mới lạ từ sân vận động mới đã phai nhạt dần, và với 45.000 chỗ ngồi được đặt trọn mùa, một phần lớn khán giả đã chứng tỏ họ không còn muốn trực tiếp theo dõi trận đấu với mức giá cắt cổ như thế nữa. ‘60.000 chỗ ngồi được lấp đầy’ hay ‘khán giả phải đứng chen chúc’ là những dòng tin vẫn thường xuyên được cập nhật trên mặt báo, dù trên thực tế có hàng nghìn chỗ ngồi trên khán đài bị bỏ trống, và lượng khán giả chính thức được công bố hóa ra chỉ dựa trên số lượng vé bán ra, chứ không phải số khán giả thực tế đến xem thi đấu. Điều này hoàn toàn ứng với các trận đấu thuộc vòng bảng Champions League (bao gồm cả vé đặt trọn mùa), do các đối thủ sừng sỏ ít khi xuất hiện. Điều duy nhất cần bàn luận đó là liệu Arsenal sẽ kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ nhất hay thứ nhì, và rất nhiều người đã từ chối đến sân trong thời tiết lạnh lẽo để chứng kiến một kết quả đã định trước, với một trận đấu được phát sóng ‘trực tiếp và độc quyền’ trên ITV và Sky. Tuy nhiên, thật không công bằng khi phê phán người hâm mộ Arsenal trong trường hợp này, nếu so sánh với số lượng đến sân ít ỏi tại các sân vận động khác; điển hình, sân Roma-Basel chỉ thu hút được 22.365 người đến sân, với phần lớn khán giả tập hợp ở các băng ghế hạng thấp phía sau cầu môn.
Trên sân cỏ, đội bóng đôi khi lại gây ấn tượng rằng họ đang lo sợ trước mục tiêu đề ra – đòi hỏi họ phải giành thắng lợi trong những tình thế hết sức ngặt nghèo. “Mỗi khi họ gặp rắc rối, họ luôn để mất một bàn thắng,” Vieira nói (cả hai trận đấu với Tottenham đều là minh chứng hùng hồn cho lối chơi cẩu thả dẫn đến mất điểm). “Một đội bóng lớn, khi phải chịu áp lực, họ sẽ đoàn kết lại và hóa giải rắc rối.” Các cầu thủ không được khuyến khích trao đổi một cách hung hăng, và có lẽ do Wenger, sau khi kết thúc quãng thời gian dẫn dắt một danh thủ với cá tính mạnh như Vieira, giờ đây, ông có thể muốn quay lại với phong thái ung dung trước đây khi còn làm việc tại Nhật Bản (dù bản thân ông cũng phải kháng cự trước cảm xúc thất vọng và cáu kỉnh chỉ chực bộc phát khi bất lực chỉ đạo ngoài đường biên).
Paul Merson, cùng với các đồng đội cũ của ông là Alan Smith, Michael Thomas và Steve Bould, đã gặp gỡ các cựu danh thủ khác trong một buổi chụp ảnh giữa mùa hè năm 2008. Ông đã mô tả buổi họp mặt bạn cũ như “không khác gì ngày xưa. Phòng thay đồ vẫn là đỉnh của đỉnh. Chúng tôi đã cười đùa, trêu chọc nhau ở đó.” Tuy nhiên, theo thời gian, đã có quá nhiều thứ thay đổi. “Những cậu trai chúng tôi gặp trong buổi chụp ảnh đều rất rụt rè. Tôi không nghĩ van Persie nói được đến hai câu với mỗi người chúng tôi. Các cầu thủ hầu như chẳng nói chuyện với nhau.” Trong cuộc trò chuyện với một người bạn, Andrey Arshavin đã rất ngạc nhiên khi biết rằng đối với một cựu binh, họ có rất ít cơ hội được trao đổi mặt-đối-mặt với huấn luyện viên, chứ không như anh vẫn lầm tưởng. Trong một bữa tối từ thiện của Arsenal vào cuối mùa giải, khi các cầu thủ đang góp chung tiền trả với các khách mời vừa lúc món tráng miệng được dọn ra, Armand Traore đã nói với một cổ động viên ngồi kế anh rằng: điều khiến anh chán nản nhất khi chơi cho một đội bóng, đó là sau trận đấu không ai bước đến chỗ anh và cho biết những điều anh làm là đúng hay sai. Các cầu thủ chỉ muốn biết những gì họ cần phải làm. Đó là những góp ý nhỏ từ Pat Rice, Arsène Wenger hay bất kỳ ai trong ban huấn luyện. Việc giao tiếp rất hạn chế; thời gian nghỉ giữa hiệp thường im lặng đến đáng sợ. Tình trạng hạn chế giao tiếp này còn diễn ra ngay trên sân đấu, do huấn luyện viên yêu cầu các học trò không được gọi tên nhau, vì sẽ khiến cầu thủ đối phương dễ dàng bắt bài vị trí của họ. Đoán chừng, có lẽ trong các buổi tập họ chỉ hiểu ý nhau nhờ thần giao cách cảm.
Bacary Sagna, khi phát biểu về nỗi thất vọng của toàn đội sau một mùa giải trắng tay đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi phải nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nếu ai đó có điều gì muốn nói, họ phải nói ra.” Hiện đang làm việc tại London Colney để chuẩn bị lấy chứng chỉ huấn luyện của UEFA vào mùa xuân năm 2011, Jens Lehmann đã ký hợp đồng đến hết mùa giải – như Sol Campbell mùa trước – và đồng ý làm lá chắn cho các thủ môn trước vấn nạn chấn thương. Jack Wilshere đã lập tức bị ấn tượng mạnh trước sự xuất hiện của Lehmann. “Anh ấy chỉ được gọi đến trong vòng 10 phút trước khi trận đấu bắt đầu (với Blackpool vào tháng Tư) nhưng thật tuyệt khi vẫn thấy anh ấy quanh đây. Anh ấy đã từng ở đây, đã làm mọi việc và là một phần trong Đội hình Bất bại, do đó anh ấy hiểu rõ điều gì là cần thiết để chinh phục một danh hiệu. Anh ấy đóng vai trò như trợ lý huấn luyện viên trên sân. Anh ấy nói với chúng tôi trận đấu diễn ra như thế nào và trò chuyện cùng cả đội khi đến giờ giải lao. Anh ấy xứng đáng là một tấm gương để học tập.” Đó là những lời phát ra từ một cậu bé. Thế nhưng, Lehmann không phải đang tạo nên một tiền lệ.
Ashley Cole không phải một hậu vệ bẩm sinh; sự tiến bộ nhanh chóng của anh trong các kỹ năng thuộc vị trí này còn nhiều hơn những gì anh học được từ những lời chỉ dẫn của Tony Adams hay Sol Campbell ngày mới gia nhập đội.
Hàng phòng ngự của Arsenal trong kỷ nguyên hiện đại đã thiếu hẳn khả năng thay đổi vị trí và kỹ năng ra quyết định từ những người tiền nhiệm, và tạo cảm giác rằng họ vẫn chưa đủ quan tâm và tập trung về yêu cầu phòng ngự của chính họ trong các buổi tập luyện. Vì vậy, các bàn thua cứ liên tiếp được ghi, do những đường chuyền của đối phương không được khắc chế và khả năng kèm người hoàn toàn kém cỏi. Wenger đã khẳng định rằng nếu muốn giành danh hiệu, đội bóng không được để thủng lưới quá 28 bàn. Tính từ danh hiệu cuối cùng của ông, Arsenal đã lần lượt nhận 36, 31, 35,31, 37, 41 rồi 43 bàn thua trong mùa giải 2010-2011, và hoàn toàn đi sai hướng.
Với quan điểm của riêng ông về tầm quan trọng của chỉ số bàn thắng-bại, sẽ là hợp lý nếu đặt ra câu hỏi về việc thiếu chú trọng cải thiện khâu phòng ngự. Mùa giải 2010-2011 là thời điểm bộ đôi Clichy và Sagna đang dần trưởng thành trong đội hình chính thức, nhưng họ dường như vẫn chưa khắc phục được các sai sót cơ bản dẫn đến những bàn thua.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là sự thiếu vắng thái độ điềm tĩnh cần thiết, và thay thế bằng nỗi hoảng loạn trong các tình huống tranh chấp bóng tại khu phạt bóng của Arsenal, đặc biệt trong các trận cầu quan trọng khi thời gian thi đấu gần kết thúc. Họ rất dễ cho không đối phương một quả phạt trực tiếp hay một quả phạt đền. Ví dụ điển hình nhất cho những trường hợp tự chuốc họa vào thân chính là quả phạt đền họ tặng cho Liverpool vào giờ đấu cộng thêm, giúp đối thương giành lấy một trận hòa từ móng vuốt chiến thắng của chính họ, đồng thời chấm dứt mọi tham vọng vô địch. “1-0 cho Arsenal” đã không còn là lời tuyên bố ngập tràn tự tin rằng ‘thắng lợi đã nằm trong tay’, mà đã trở thành dấu hiệu cho sự rạn nứt trong khâu phòng ngự. Việc ban huấn luyện phải ‘cầm tay chỉ việc’ đã trở thành chuyện thường ngày, với sự hỗ trợ của các chuyên gia huấn luyện ngay trên sân tập. Tuy nhiên, ít có bằng chứng nào cho thấy những đối sách trên đều nằm trong kế hoạch của huấn luyện viên.
Tuy thói quen đánh rơi thất bại vào phút cuối của Arsenal không phải là hiện tượng mới của Pháo Thủ dưới thời Wenger – chúng đôi khi vẫn xảy ra trong thời kỳ họ thu về liên tiếp các danh hiệu (và thực tế cũng từng xảy đến trong công tác huấn luyện của ông trước khi chuyển đến Arsenal) – thì yếu tố đặc thù trong nguồn nhân lực hiện tại vẫn là vấn đề được nhiều người truy cứu. Trong đó, không chỉ có Patrick Vieira: “Đôi khi anh biết mình đang trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, dù đang thi đấu trong các đội hình hàng đầu,” anh nói. “Anh thừa nhận đối thủ mạnh hơn, anh phòng thủ, anh trở nên mạnh mẽ hơn, rắn chắc hơn, và anh chấp nhận chịu đựng.” Nhưng sẽ ra sao nếu anh không thể?
Đồng đội một thời của Vieira, Dennis Bergkamp đã chia sẻ về hệ lụy đến từ những thất bại liên tiếp: “5 năm, không danh hiệu? Điều đó sẽ khiến tất cả cầu thủ lo lắng. Arsène đã giành được rất nhiều thứ, nhưng nếu anh không được nếm hương vị thành công, anh sẽ đánh mất ý chí.” Khi thời điểm then chốt của mùa giải đến gần, Arsenal lại mặc nhiên đánh mất sự ganh đua. Như cổ động viên Mark Burman đã nói về những thu hoạch gần đây của đội nhà: “Chúng tôi chưa bao giờ phải ăn mừng ít thành quả như vậy kể từ khi khoác áo Arsenal (tuy các cổ động viên kỳ cựu sẽ không thể quên thời suy tàn của câu lạc bộ giữa thập niên 1950 và 1980).”
Arsène Wenger đã phát biểu với đầy vẻ khinh miệt về ‘sức mạnh tinh thần’ của các học trò của ông, và ông tiếp tục vẫn làm thế suốt mùa xuân năm 2011, dù mâu thuẫn rành rành với những gì đang diễn ra. Cổ đông và cũng là khán giả đặt vé trọn mùa Philip Andrews đã phải xin phép bày tỏ sự bất đồng; “Ý tưởng về sức mạnh tinh thần hoàn toàn là một trò hề. Fàbregas đã viết trên ghi chú huấn luyện của cậu ấy trước trận đấu với Blackburn rằng thật tốt nếu có một người như Jens – người có tiếng nói trong phòng thay đồ. Trong khi đó, giống như Gallas, Wenger phải hứng chịu nhiều lời than phiền trong phòng thay đồ do những phát biểu của ông làm phật lòng mọi người. Tất cả đều nhằm mục đích duy trì sự hòa thuận trong đội, để không ai phải la lối, hay đòi hỏi gì ở người khác. Sau cùng, họ chỉ thi đấu trong thế giới quan nhỏ bé của riêng họ, và chẳng có nhiều tương tác giữa các đồng đội với nhau.
Anh chỉ được chứng kiến họ ra sân khi mọi thứ vẫn ổn. Nhưng sau đó, họ lại quay về trạng thái trầm uất vốn có.
Không ai than thở rằng anh phải làm tốt hơn. Hòa thuận, Wenger muốn họ phải hòa thuận.” Jacques Crevoisier cũng chỉ ra bản chất trong thứ triết lý bóng đá của Wenger: “Vấn đề đối với Arsenal là họ không biết phải làm gì khi thi đấu tồi đi, khác hẳn Manchester United. Dường như họ không thường xuyên đạt được sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự, và nếu không đạt được phong độ tốt nhất, họ không thể chiến thắng. Chúng tôi đã chứng kiến đều này lặp lại trong trận cầu với Newcastle – họ đã để đối phương gỡ hòa 4-4 sau khi dẫn trước đến 4-0.” Thất bại trên sân St James Park ngày đó đã đúc kết hoàn hảo cho hình ảnh của toàn đội. Dẫn trước 4-0 từ cuối hiệp một, họ đã sụp đổ một cách ‘ngoạn mục’ trong hiệp hai, khi Abou Diaby bất cẩn để bị đuổi khỏi sân và khiến đồng đội đánh rơi hai điểm trong nỗi hổ thẹn. Đó là nghịch lý đầy cay đắng đối với một đội bóng luôn đề cao tỉ lệ kiểm soát bóng, nhưng không thể giữ bóng nhằm giảm bớt nhịp độ, và ngăn cản đối phương lấy lại động lực thi đấu. Hơn nữa, họ hoàn toàn không có khả năng phòng ngự một cách điêu luyện.
Thất bại vẫn tiếp tục dù các bài học đã được rút ra. Nhưng để tưởng thưởng cho đội hình trẻ với các hợp đồng lâu dài và mức lương cao ngất (dù tỉ lệ nghịch với những đóng góp của họ), Arsène Wenger đã lập ra một nhóm triệu phú trẻ được nuông chiều – blogger Myles Plamer gọi họ là ‘nhà trẻ Colney’ – bao gồm những cầu thủ hiểu rõ rằng nếu họ quyết gắn bó đến cuối bản hợp đồng hiện tại, họ sẽ không phải nai lưng làm việc một ngày nào nữa cho đến cuối đời. Thực tế, một trong những lý do khiến Pat Rice phân vân xem có nên giải nghệ hay không chính là ông đã dần cảm thấy sự xa cách đối với các cầu thủ. Văn hóa tự thỏa mãn chưa bao giờ ảnh hưởng đến lối chơi của ông trước đây, thậm chí hiện tại trên tư cách một thành viên ban huấn luyện.
Tuy nhiên, Arsène Wenger lại quyết định rằng việc giữ lại các cá nhân kinh nghiệm và mạnh mẽ sẽ ‘giết chết’ sự phát triển của dàn cầu thủ trẻ. Trên thực tế, tệ nhất thì họ chỉ phải ra sân ít hơn, nhưng huấn luyện viên đã loại bỏ tư tưởng này như một cái cớ hợp lý cho sách lược của riêng ông – nhằm xây dựng một đội hình trẻ từ gốc và chứng tỏ rằng anh không phải bỏ tiền để mua thành công. Thế nhưng, các đồng sự của ông lại tỏ ra bất bình. Crevoisier cho rằng, Arsenal “cần một trung vệ hàng đầu, với những phẩm chất như Rio Ferdinand, người luôn chứng tỏ được sức mạnh trong các tình huống mặt đối mặt, và phần nào phản ánh hình ảnh của Tony Adams.” Những danh thủ này đều là những thủ lĩnh và người chiến thắng, đều đã trải qua thời kỳ chinh chiến gian khổ, và học hỏi từ trong thử thách. Thời trẻ, họ đã từng sát cánh với những đồng đội nhiều kinh nghiệm, và ngay cả họ cũng chẳng phải tỏ ra ngượng ngùng hay khôn khéo nếu phải chỉ ra những sai phạm của đồng đội. Tuy nhiên, ngay cả khi một cầu thủ giành được lòng tin của huấn luyện viên đủ để sở hữu tiếng nói như Adams hay Ferdinand, thì liệu những phẩm chất ấy còn được chấp nhận dưới thời Wenger hôm nay?
Wenger đã chấm dứt thời kỳ cống hiến của Martin Keown vào nửa cuối mùa giải 2006 nhằm xúc tiến ý tưởng rằng một chuyên gia huấn luyện phòng ngự sẽ giải quyết được tình trạng đội bóng thường bất ngờ bị thủng lưới. “Cậu ấy chỉ hoàn thành đúng trách nhiệm huấn luyện của mình,” huấn luyện viên chỉ trích một cách thô bạo. Tuy nhiên, khi đó, Kolo Toure đã tiết lộ: “Martin Keown có mặt trên sân tập hàng ngày và chúng tôi vẫn luôn bàn luận về công tác phòng ngự. Tôi biết anh ấy sẽ nói ‘anh đã làm tốt nhưng vẫn chưa đạt đúng phong độ’. Anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi cũng từng trò chuyện với Tony Adams trong năm đầu tiên đến câu lạc bộ và học hỏi được nhiều điều từ anh ấy.
Cách anh ấy điều phối cả đội và tổ chức phòng ngự vẫn còn khiến tôi nhớ mãi.
Anh ấy vẫn đến tham gia cùng đội trẻ và giúp đỡ chúng tôi.” Phẩm chất không bao giờ mất đi trong Martin Keown và Tony Adams chính là ý chí chiến thắng. Chắc chắn họ cùng các đồng đội cũ như Steve Bould, người cũng từng phục vụ trong ban huấn luyện một thời gian, đã tạo ảnh hưởng tốt đến những Eboué, Senderos, Toure và Flamini – những cầu thủ đã cống hiến rất nhiều trong những thắng lợi trước Real Madrid, Juventus và Villareal để vào đến chung kết Champions League.
Ban huấn luyện vẫn cố gắng tác động đến ý thức các cầu thủ, bất chấp những quan điểm thứ yếu của huấn luyện viên. Các mùa giải trắng tay không thể cứ kéo dài mãi, dựa trên những gì ban huấn luyện đã nhắc nhở các cầu thủ, rằng họ sẽ tập trung nhiều hơn vào các giải đấu quốc nội; và sau cùng, đội hình của Arsenal được lựa chọn cho Carling Cup và FA Cup mùa giải 2010-2011 sẽ là đội hình mạnh nhất trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, các cầu thủ lại gặp rắc rối khi chứng tỏ đẳng cấp của mình với các đối thủ yếu hơn. Trong khuôn khổ FA Cup , họ phải tiến hành thêm hai trận đấu lại với Leeds và Leyton Orient, và chỉ nhẹ gánh khó khăn nhờ đánh bại Huddlesfield ngay trên sân nhà. Dường như chính họ cũng không hiểu được rằng, chính vì các danh hiệu quốc nội trên chỉ là thứ yếu so với hai mặt trận quan trọng khác, nên họ cũng khó lòng đẩy cao quyết tâm khi vào trận. Tại Carling Cup, bất chấp trận thua tại Ipswich Town hồi bán kết lượt đi, Arsenal vẫn khẳng định được cơ hội đoạt danh hiệu của mình khi bước vào trận đấu cuối cùng với Birmingham tại Wembley, chính đối thủ đã chặn bước họ năm 2008.
Đội bóng đã trình diễn một bộ mặt khác so với lần xuất hiện cuối cùng trong trận chung kết giải đấu này năm 2007. Lần đó, chính Wenger là người đã cự tuyệt cơ hội giành danh hiệu một cách nghiêm túc, khi lựa chọn pha lẫn đội hình trẻ với các tuyển thủ dự bị dù phải đối mặt với đội hình chính hùng hậu của đương kim vô địch Giải Ngoại hạng năm đó, Chelsea.
Bốn năm đã trôi qua và Arsenal giờ đây đã vững chắc hơn, ngoại trừ sự vắng mặt của Cesc Fàbregas và Theo Walcott. Tuy nhiên, với lối chơi thiếu sức sống, họ đã không thể vượt qua các cầu thủ kiên cường của đối phương. Tỉ số 1-1 được duy trì đến giờ đấu thêm, và hiệp phụ sẽ tạo cơ hội cho Wenger khai thác những khoảng trống không sớm thì muộn cũng lộ ra. Thế nhưng, mong muốn đó đã hoàn toàn tan vỡ, sau tình huống hiểu lầm tai hại giữa Laurent Koscielny và thủ thành Wojciech Szczęsny, tạo điều kiện cho Obafemi Martins thoải mái đưa bóng vào khung thành trống. Koscielny khi đó vẫn đóng góp được một số pha xử lý tinh tế, nhưng anh vẫn không thoát khỏi những sai sót nghiêm trọng lặp lại hết lần này đến lần khác. Nhưng chẳng phải trung vệ phải luôn chứng tỏ được vai trò lãnh đạo, hay ít nhất cũng thể hiện được tinh thần quả cảm mạnh mẽ trước đồng đội hay sao? Alan Smith vẫn khẳng định rằng “rất nhiều cầu thủ Arsenal là những chàng trai tốt, những cậu bé tốt và có nền tảng vững vàng. Nhưng không nhiều người trong số họ có thể hiểu được sự âm hiểm trong bóng đá. Những hậu vệ như [Nemanja] Vidić sẽ sẵn sàng ‘đá cả người lẫn bóng’ hòng bảo toàn khu cấm địa với bất cứ giá nào. Còn Koscielny, anh vẫn cứ để bóng trôi đi sau tiếng thét của Szczęsny vào phút cuối cùng… Nếu là Adams hay Bould, họ nhất định đã hóa giải được tình huống đó. Đôi khi chỉ vì một chút lịch thiệp. ‘Cậu hét lên thì tôi sẽ tránh ra.’”
Nỗi thất thần sau thất bại trên mặt trận vốn bị huấn luyện viên đánh giá thấp hóa ra còn tiếp tục bị khoét sâu vào cuối mùa bóng. Cơ hội để tháo bỏ gánh nặng ‘danh hiệu cuối cùng từ năm 2005’ đã tan thành mây khói, đặc biệt trước một đối thủ vốn chỉ là kẻ lót đường cho các đội bóng trong 4 thứ hạng đầu (Birmingham đã xuống hạng vào cuối mùa giải). Và không chỉ thất bại mới gây sốc, mà còn ở chính cách họ thất bại. Đã quá muộn để lật ngược tình thế, nhất là với một sai lầm phòng ngự cơ bản theo kiểu ‘ngay sau anh kìa, Claude’. Alan Smith khẳng định “họ đã khởi đầu không chính xác. Họ đã không đánh giá đúng cuộc chơi. Mọi người đều tin chắc họ sẽ chiến thắng, nhưng họ đã không thể thỏa mãn kỳ vọng đó. Họ đã chơi dưới sức, một điều tối kỵ trong trận cầu cuối cùng tại Wembley.” Sự tập trung và khát khao chiến thắng của Birmingham so với họ hoàn toàn vượt trội, điển hình như trong cách vận dụng hàng tiền vệ với phẩm chất thua kém, nhưng đã khắc chế được hầu hết những pha lên bóng của Arsenal trong trận cầu hôm đó.
Mùa giải vẫn còn một quãng đường dài. Nhưng những lời bàn tán từ những người ủng hộ Wenger nhiệt thành nhất về một vị trí trong ‘nhóm tứ cường’ đã không còn mạnh mẽ như trước. Quay ngược lại lịch sử, thất bại trong một danh hiệu thường sẽ là điềm báo cho sự sụp đổ trong đội hình chính. Vẫn còn cơ hội trên ba mặt trận khác, đây chính là cơ hội cho một Arsenal đang trưởng thành chứng tỏ khả năng vượt qua nỗi thất vọng từ trong nghịch cảnh. Chỉ hơn nửa tháng trước, họ đã đánh bại thế lực mạnh nhất thế giới khi đó – Barcelona – trong trận lượt đi vòng knock-out Champions League.
Hành quân đến Camp Nou với một lợi thế cần bảo toàn, với FA Cup và Giải Ngoại hạng Anh vẫn còn trong tầm mắt, Arsenal đang có thừa cơ hội xóa bỏ lời nguyền.