Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 15

Barcelona thu nhỏ

Đó là khoảng khắc đáng nhớ đối với Michael Thomas, khi bình luận viên Brian Moore của đài ITV diễn tả lại pha nước rút của chàng tiền vệ tại Anfield năm 1989, trong phút thi đấu sống còn cuối cùng. Sau nhiều năm, với pha dắt bóng thẳng đến khung thành cùng chướng ngại duy nhất là thủ môn, Nicklas Bendtner – người tự phong mình là ‘một trong những tiền đạo hàng đầu thế giới’ – đã tái hiện lại kỹ thuật kinh điển trên,khiến toàn bộ hàng hậu vệ đối phương phải thất thần. Giá mà như vậy. Với pha chạm bóng đầu tiên đầy đầy phi lý như thể anh đã quên bẵng đi những bài học do chính Arsène Wenger nhắc nhở, Bendtner đã khẳng định rằng cơ hội duy nhất nhằm bảo toàn lợi thế tại Camp Nou đã tiêu tan. Một bàn thắng vào lúc đó sẽ đưa tỉ số về lại thế cân bằng (4-4), với cơ hội đi tiếp thuộc về Arsenal theo luật bàn thắng trên sân khách.

Chiến công vang dội của Arsenal trong trận lượt đi cũng là một đòn đau đối với những nhà vô địch đến từ Tây Ban Nha. Tuy nắm quyền kiểm soát bóng ít hơn, nhưng Arsenal nhìn chung đã khai thác được những cơ hội hiếm hoi và tiến lên theo cách của riêng họ. Nói một cách công bằng, trừ việc không có phẩm chất của Barcelona, mọi thứ khác là một sự nhại lại hoàn hảo. Các vị khách đã không tạo ra thêm một cơ hội ăn bàn rõ rệt nào trong trận lượt về (ngoại trừ một bàn thắng do Sergio Busquests đánh đầu thẳng vào lưới nhà), báo trước một kết cục không mong đợi trong cuộc đua đến danh hiệu Champions League. Họ dành cả trận đấu để đuổi theo cái bóng của chính mình, với những pha chuyền bóng đơn điệu và quyền kiểm soát bóng ít ỏi. Barcelona đơn giản là đã vượt trội hơn đối thủ của mình, với 69% thời gian có bóng trong chân. Internazionale của José Mourinho cũng đã trình diễn một đấu pháp tương tự như Arsenal ngay tại mặt sân này một năm trước, nhưng họ phòng ngự tốt hơn nhiều, và chỉ để lọt lưới một bàn.

Có thể yếu tố then chốt chính là mức độ năng động của Barcelona trong cả hai lượt đấu, khi họ thể hiện được khát khao chiến thắng, một phẩm chất mà cổ động viên Arsenal mong ước được chứng kiến ở đội bóng con cưng của họ. Đó là màn trình diễn của tổng hòa những kỹ xảo và thái độ thi đấu hội tụ trong đội hình siêu sao đã chinh phục tất cả các danh hiệu, hưởng mức lương cao nhưng vẫn khát khao chiến thắng, chứ không thi đấu như phụ thuộc vào chúng. Như huấn luyện viên học viện Guillermo Amor đã lý giải những gì họ học hỏi được từ những kỳ vọng ở họ những năm về trước: “Chúng tôi đánh giá rất cao cá tính từng cầu thủ. Những giá trị chúng tôi truyền đạt cho họ đều là thành quả của nỗ lực và sự khiêm nhường. Chúng tôi tin điều đó rất quan trọng, và anh sẽ được chứng kiến chúng ngoài sân cỏ. Các cầu thủ đều một lòng vì đồng đội của họ. Chẳng hạn, một cầu thủ sẽ không ngại làm tất cả mọi việc vì một đồng đội khác; bởi họ tin chắc rằng người đó nhất định sẽ đáp lại. Nếu một cầu thủ lên tấn công, người còn lại sẽ phụ trách phòng thủ.” Đó là cách những cầu thủ Barça trưởng thành, vì đa số họ đều nổi lên từ học viện này. Một số người như Sergio Busquests còn chơi đùa khắp câu lạc bộ trước khi biết đứng vững (cha anh, Carlos Busquests là thủ môn của đội trong những năm 90). Những người khác như Andrés Iniesta thì được chiêu mộ từ các đội bóng Tây Ban Nha khác, hoặc được phát hiện trong các giải đấu thiếu niên. Như một định mệnh, tất cả những người Catalan, như Carles Puyol, Xavi Hernández, Gerard Piqué và Víctor Valdés đều định sẵn sẽ đầu quân cho Camp Nou (một ngôi nhà dành cho những tài năng, một môi trường phát triển rộng lớn hơn tại Tây Ban Nha so với nước Anh, và sức cạnh tranh cũng bớt khắc nghiệt hơn – với chỉ hai đội bóng hàng đầu so với nhóm ‘tứ cường’ tại Giải Ngoại hạng). Trong tổ hợp các tài năng trẻ địa phương đó, đã nổi lên một ngôi sao sáng người Nam Mỹ, Lionel Messi – thần đồng đã gia nhập câu lạc bộ và chuyển đến Barcelona sinh sống từ năm 12 tuổi. Đồng thời, kết quả tiến bộ của dàn cầu thủ trẻ này đều dựa trên những nguyên lý giống nhau, dựa theo những mô thức chung nhất và, tất nhiên, cũng chia sẻ những giá trị chung nhất.

Bất kỳ ai cũng đồng tình với Arsène Wenger rằng tình huống van Persie bị truất quyền thi đấu vào phút thứ 56 (do bị cảnh cáo lần thứ hai khi sút bóng sau tiếng còi của trọng tài) đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu. Họ đều đinh ninh rằng, với 11 người trên sân, họ đã khó lòng tranh cướp bóng, huống hồ lúc này chỉ còn 10 người. Nhớ thất bại nhục nhã 4-1 mùa giải trước, đội bóng thành London dường như đã có ý muốn thoái lui, mặc dù – ngoại trừ sự vắng mặt lâu dài của Thomas Vermaleen – đội hình của họ đã được bổ sung đầy đủ. Tuy nhiên, lời tuyên bố của Cesc Fàbregas rằng anh muốn thi đấu sau cùng cũng chỉ nhằm che đậy một sai phạm nghiêm trọng.

Ngay trước khi trận đấu diễn ra, các dự báo đã không tốt. Khi bước ra từ đường hầm dẫn đến sân đấu, Cesc đã bước sang hàng ngũ của đối thủ và đón nhận những cái ôm nồng nhiệt từ những người đồng hương. Thật kệch cỡm, đặc biệt nếu so sánh với thái độ đối đầu mạnh mẽ từ những thủ lĩnh trong quá khứ – như Vieira hay McLintock. Tất nhiên, không ai liên tưởng hành động của Fàbregas với cách David Platt bị các đồng đội quở trách khi tỏ ra quá thân mật với đối thủ trong trận derby Bắc London. Với một huấn luyện viên chỉ muốn học trò của mình tập trung hoàn toàn vào trận đấu, người xem cũng có thể hiểu được cảm giác của Wenger. Alan Smith đã phát biểu rằng anh “rất thất vọng với quyết định tuyên bố rằng cậu ấy [Fàbregas] đã hoàn toàn hồi phục. Trong khi tất cả các cầu thủ đều quyết tâm vượt qua Barcelona, thì cậu ấy lại để tình cảm cá nhân lấn át. Nhưng cũng chính các cầu thủ sẽ quyết định hành động của cậu ấy có đúng hay không. Cậu ấy nói mình đúng. Nhưng [ngay sau đó] 15 phút, cậu ấy lại nói mình biết kết quả đã an bài.

Rốt cuộc, cậu ấy đã rời sân như một lữ khách trên sân cỏ.” (Fàbregas sau cùng cũng được thay ra sau 75 phút thi đấu.) “Như vậy, cậu ấy muốn thi đấu cho Arsenal hay cho chính bản thân mình?” Smith trầm tư.

Sau khi trải qua hiệp một khá khả quan với một bàn thắng (và nắm chắc lợi thế từ tổng tỉ số), Fàbregas đã thực hiện một cú giật gót thô thiển ngay trong vòng cấm của đội nhà. Bóng đến chân Xavi và Barcelona có bàn thắng đầu tiên. Lionel Messi cũng có thể phô diễn kỹ thuật thường xuyên hơn, nhưng chỉ khi các đồng đội của anh không bị đặt trong tình huống nguy hiểm, do đôi khi họ bất ngờ để mất quyền kiểm soát thế trận.

Sau thất bại, huấn luyện viên phát biểu: “Đội chúng tôi chỉ mới 23 tuổi [thực chất là 24 tuổi rưỡi], còn Barcelona đã 27 tuổi rưỡi”, như thể họ là những chú bé con đối đầu với những người trưởng thành, và không có cơ may nào để chiến thắng. Thế nhưng, cũng chính ông là người quyết định sẽ dành 5 năm xây dựng nền tảng trên những cầu thủ trẻ, trong khi thực tế lại chứng minh rằng thành công của đội bóng vẫn phụ thuộc vào những cựu binh, với tuổi đời suýt soát 30. Hơn nữa, sẽ là ngụy biện nếu nói đội bóng chỉ gồm những tài năng trẻ– Arshavin và Rosicky đã 30, Sagna 28, van Persie và Chamakh 27 còn Vermaleen và Clichy 25 – độ tuổi và kinh nghiệm sẵn có đáng ra phải khiến họ tự tin hơn chứ không phải tỏ ra non nớt, đồng thời phủ nhận mọi lời bào chữa của Wenger: “Điều quan trọng là chúng tôi đã nhận thấy đội bóng này thật sự tuyệt vời, nếu nhìn vào những gì họ đã làm được với độ tuổi của họ. Một ngày nào đó mọi người sẽ hiểu ra, nhưng hiện thời, tôi không dám chắc.”

Thực chất, việc kết thúc mùa giải với vị trí đủ để tham dự Champions League không thể xem là thành công, nhưng người hâm mộ vẫn muốn chứng kiến sự trưởng thành và tinh nhuệ của đội bóng. Khi các cầu thủ như Flamini, Hleb và Adebayor vẫn còn khoảng cách với các đồng đội, thì đội bóng nhất định sẽ còn mắc kẹt trong trạng thái ‘chết giả’. Các cầu thủ ra đi một phần vì họ không đủ kiên nhẫn để chứng kiến thành quả sau cùng của Dự án Wenger, hoặc bởi với khả năng của họ, họ có thể tìm kiếm những thỏa thuận tài chính cao hơn và cơ hội giành danh hiệu lớn hơn từ các câu lạc bộ hàng đầu khác. Wenger thậm chí còn cho phép biến thương vụ một năm của Thierry Henry thành một hợp đồng kéo dài bốn năm (và để bị mua lại với một khoản phí bồi thường khó hiểu trị giá 5 triệu bảng) như ông đã tuyên bố với ‘thần hộ mệnh’ của mình – người không muốn đẳng cấp của anh bị hao mòn do phải chờ đợi lớp đàn em trưởng thành và chinh phục danh hiệu.

Chính sách của Wenger, thứ đã nói thay cho tuyên bố của ông tại Catalan, (dường như) đã mở ra một lối tắt đi đến vinh quang. Trong khi đó, Barcelona đang xây dựng những chuẩn mực mới. Đội hình của họ có sự góp mặt của các tài năng trẻ, như Pedro Rodríguez, Sergio Busquests và thần đồng Lionel Messi, cùng các sản phẩm khác từ lò đào tạo La Masia – như Fontas, Bartra, Thiago – nhưng chính những cựu binh của quân đoàn Catalan – gồm Xavi Hernandez, Carles Puyol, Dani Alves, David Villa, Seydou Keita hay Éric Abidal – mới khẳng định đẳng cấp vượt trội của họ.

Thành thực mà nói, Arsenal chính xác là “Barcelona Thu Nhỏ”. Hai trận hòa chứng tỏ họ vẫn chưa đủ đẳng cấp để so găng với đối thủ, như Wenger vẫn hứa hẹn vào một ngày nào đó.

Wenger đã phủ nhận rằng đội hình 4-3-3 mới điều chỉnh của ông là hình thức sao chép đấu pháp của Barcelona, và khẳng định ông chỉ dựa trên ý tưởng của Rinus Michels khi chiến lược gia này dẫn dắt Ajax và tuyển Hà Lan trong thập niên 1970, và hàm ý rằng Barcelona đã bắt chước họ. Một mẫu số chung khác chính là Johan Cruyff, đội trưởng của Michels và là huấn luyện viên Barcelona từ năm 1988 đến 1996, người đã kế thừa sơ đồ của tuyển Hà Lan và đặt dấu ấn đầu tiên cho đấu pháp thần thánh dưới thời Pep Guardiola. Phong cách này được gọi tên là ‘tiki-taka’, nhằm diễn tả các đường chuyền và bước di chuyển nhỏ, khống chế bóng xuyên qua khu trung tuyến và hai cánh, đồng thời nắm giữ quyền kiểm soát bóng như ưu thế tuyệt đối trong toàn bộ chiến thuật. Mặt khác, thứ bóng đá của Arsenal có thể gọi là ‘tippy-tappy’, hay ‘tip-tap’. Khi được hỏi vì sao anh không sút ngay khi vượt qua đối thủ, Abou Diaby đã trả lời: “Sếp bảo chúng tôi phải chuyền tip-tap,” một đấu pháp sẽ rất thú vị, nếu nó không làm lãng phí biết bao cơ hội dứt điểm của đội nhà. Tuy cách đưa bóng của Arsenal dường như khá hấp dẫn, nhưng sự tỉ mỉ thái quá của họ lại thành ra đơn điệu. Đối thủ của họ có thể đứng nhìn Arsenal chuyền bóng với vẻ khinh miệt, và kết quả sau cùng vẫn không gắn liền với một chiến thắng dành cho Pháo Thủ – một phần thưởng Pep Guardiola chắn chắn sẽ không chia sẻ cho ai.

“Tôi muốn giành thắng lợi bằng cách xây dựng một đội bóng với phong cách riêng, bí quyết riêng và thứ văn hóa riêng, với các cầu thủ trẻ để đáp lại tình cảm của người hâm mộ,” Wenger giải thích. “Mục đích của chúng tôi không phải là chứng minh chúng tôi có mạnh nhất hay không, mà là cố gắng để ngày càng tiến bộ hơn. Anh sẽ không muốn thử sao chép đấu pháp của người khác. Tôi đã luôn cố gắng bổ sung các hảo thủ cho đội bóng dựa trên kỹ thuật và khả năng di chuyển. Chúng tôi biết chúng tôi linh hoạt, và chúng tôi cũng biết chúng tôi thật sự xuất sắc.” Phải đối mặt với hình mẫu đẳng cấp của chính bản thân họ, Arsenal trông thật nhỏ bé, và – tuy có khiến họ khuây khỏa đôi chút – ngay cả Manchester cũng hứng chịu chung cảm giác đó trong trận chung kết tại Wembley vài tháng sau. Đó là những trải nghiệm bị chế ngự, và chúng sẽ khiến tình huống đã xấu sẽ trở nên càng tồi tệ hơn.

Bốn ngày sau khi nếm chịu bài học cay đắng tại Tây Ban Nha, Arsenal phải hành quân đến Old Trafford trong khuôn khổ FA Cup , và đối đầu với đại kình địch Manchester United tại vòng bán kết. Với đội hình chính cần giữ sức cho trận Champions League lượt về vào giữa tuần, Alex Ferguson đã cho ra mắt một đội hình yếu ớt. Trong bối cảnh những vị khách phô bày một lực lượng mạnh mẽ hơn gấp bội, với chiến thuật hợp lý, huấn luyện viên United đã giành thắng lợi chung cuộc, do đã vô hiệu hóa tính sáng tạo của Arsenal trong thế trận phòng thủ dày đặc của họ. Khác hẳn trận đấu với Barcelona, lần này, đội khách có thừa quyền kiểm soát bóng. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với những hàng người tầng tầng lớp lớp, họ đã không tìm thấy cơ hội nào. Alan Smith chia sẻ rằng “Arsène chưa bao giờ đủ khôn ngoan trong chiến thuật, và thật bất ngờ khi ông có thể tiến xa như vậy, và truyền được niềm tin đến các học trò. Có những lúc anh nhận thấy họ cần phải điều chỉnh sao cho tương thích với từng đối thủ cụ thể, nhưng ông ấy đã không làm thế. Ông ấy sẽ không bao giờ thực hiện việc thay người dựa trên các tính toán chiến thuật.”

Trước trận cầu tâm điểm, Wenger đã nhận ra một điều rằng, “Cả hai đội đều đã trải qua những trận đấu thất vọng gần đây, và đội nào không thể chứng tỏ họ xuất sắc hơn sẽ văng khỏi nhóm dẫn đầu. Manchester đã thua hai trận gần nhất [tại Giải Ngoại hạng] và chúng tôi cũng thua hai trận [Giải Ngoại hạng và Champions League]. Như vậy, chúng tôi đều hiểu rằng đây là cuộc quyết chiến sống còn.” Và như thể lặp lại những kết quả trong quá khứ, United đã kết thúc trận đấu với thắng lợi 2-0. Ít nhất thì ba bước lùi – trong khuôn khổ Cúp Liên đoàn, Cúp FA và Champions League – cũng mở đường cho cả đội tập trung vào mục tiêu duy nhất còn lại – Giải Ngoại hạng Anh sẽ tiếp tục diễn ra nửa tháng sau đó. Tiếc thay, mùa bóng khá thành công của Arsenal lại đang có dấu hiệu suy chuyển do ảnh hưởng từ trận chung kết Carling Cup. Họ chỉ thắng 3 trong 14 trận sau thất bại tại Wembley, và một trong các trận thắng đó là trước đối thủ nhỏ bé từ Giải Hạng Nhất – Leyton Orient trong khuôn khổ Cúp FA. Một phong độ tồi tệ, như thể họ đang vật vờ ở một trong ba vị trí cuối bảng. Đội bóng vẫn chưa thể hồi phục sau cú sốc tâm lý từ trận chung kết mà họ đoán chắc sẽ chiến thắng, và sự tự tin chỉ kịp thời tái hiện sau những kết quả khả quan thu hoạch được trong mùa Giáng Sinh. Kém cỏi hơn Pep Guardiola và non nớt hơn Alex Ferguson, liệu Wenger có đứng dậy được từ trong đống đổ nát với sự bình thản, và nhận ra những đồng bảng ông đang để mốc trong ngân sách sẽ giúp ông cải thiện được đội hình qua thị trường chuyển nhượng?

‘Giáo sư’ không thể củng cố cho mục tiêu của mình bằng cách ngoan cố đeo bám hình mẫu đầy khiếm khuyết của ông về một thứ bóng đá toàn diện. Đội hình tuyển Hà Lan thập niên 1970 đã sở hữu các cầu thủ có khả năng kiểm soát bóng dễ dàng từ bất kỳ vị trí nào trên sân cỏ; tuy nhiên, huấn luyện viên Rinus Michels vẫn muốn họ giữ nguyên vị trí sở trường của mình. Nhưng Arsène thì không.

Andrey Arshavin, một tiền đạo hỗ trợ, đã buộc phải chôn vùi gần như toàn bộ sự nghiệp tại Arsenal trên băng ghế dự bị. Tình cảnh tương tự cũng xảy đến với Nicklas Bendtner, người luôn cố gắng chuyển những đường chuyền lý tưởng dành cho chính anh, với tư cách một trung phong, thành những pha dứt điểm đúng mục tiêu. Trong những ngày đầu mới gia nhập, Theo Walcott đã chứng tỏ anh là người kế thừa tiềm năng cho vị trí của Thierry Henry, nhưng lại không được trao cơ hội chứng tỏ điều đó. Ngày trước, họ sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn – điển hình như Henry và Petit; nhưng giờ đây, dường như đã có quá nhiều lựa chọn trong đội hình. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi huấn luyện viên vẫn ngang bướng giữ nguyên sơ đồ 4-3-3, và giao trọng trách cho hàng hậu vệ phải hóa giải mọi đường bóng xâm nhập khu cấm địa. Thế nhưng, sự bất lực của Gaël Clichy khi tìm cách kết nối với đồng đội chính là dấu hiệu rạn nứt đầu tiên đối với cả hệ thống.

Mùa giải đã kết thúc một cách cay đắng đối với Arsenal, khi họ đang từ vị thế giằng co ngôi vị với Manchester United, thì bị giáng xuống hàng bại tướng trước Machester City, trong cuộc đua tranh hạng ba, và phải đón nhận một kết quả không mong muốn: tham dự vòng đấu loại Champions League.

Và tin dữ cuối cùng của mùa bóng đã đến cùng một khoản thất thoát về ngân sách. Quy định trao thưởng của Giải Ngoại hạng đã thống nhất khoảng cách lên đến 1,5 triệu bảng giữa đội á quân và đội hạng tư. Tệ hơn, thất bại này còn ảnh hưởng đến thu nhập từ Champions League. Một nửa doanh thu của giải đấu này đến từ phí bản quyền truyền hình, được phân phối cho các đội bóng lọt vào vòng bảng. Một nửa khoản phí này lại phụ thuộc vào khả năng đi tiếp của đội bóng trong giải đấu, nửa kia sẽ được xét dựa trên thứ hạng của họ từ mùa giải quốc nội trước. Do đó, khoản lợi nhuận cao nhất đương nhiên sẽ thuộc về nhà đương kim vô địch Giải Ngoại hạng; còn Arsenal, với vị trí thứ tư cuối mùa bóng 2010-2011, chỉ được chia 10%, và chênh lệch với đại kình địch của họ đến 7 triệu bảng. (Tất nhiên, vẫn chưa có gì đảm bảo họ sẽ vào đến vòng bảng; nhưng nếu có thể, phần thiệt thòi trong doanh thu của họ vẫn có thể bù đắp bằng tiền bán vé trong các vòng đấu tại sân nhà).

Đó dù sao vẫn là một thành công nhỏ trong cuộc chơi, và nhiều khả năng họ sẽ tránh được quyết định bất đắc dĩ phải tăng tiền vé trong mùa giải 2011-2012.

Cựu tiền vệ Arsenal, Emmanuel Petit chia sẻ: “Wenger đã thay đổi hoàn toàn 180° kể từ năm 2005, đánh dấu với sự ra đi của Vieira, Pires cùng các đồng đội của họ; khi đó, ông sẵn sàng đầu tư vào các tài năng trẻ, dễ uốn nắn nhằm phục vụ cho các dự án tương lai. Cuộc chơi của Arsenal là một thương trường ngay ngoài sân cỏ; chỉ có điều không có cầu thủ nào thật sự hội đủ tinh thần quyết thắng”. Cựu đồng đội của anh, Patrick Vieira chỉ bình luận ngắn gọn: “Arsenal không có tinh thần quyết tử như Manchester United.”

United cũng có những màn trình diễn kém thuyết phục, nhưng bù lại, họ luôn biết cách tỏa sáng vào giờ chót. Steve McClaren, cựu trợ lý của Alex  Ferguson, và cũng là huấn luyện viên người Anh cuối cùng từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia tại quê nhà, đã nhận xét: “Manchester United không bao giờ thua, họ chỉ đôi khi hết thời gian thôi.” McClaren cũng khẳng định rằng, Ferguson “không có gì cần thay đổi. Ông ấy có thể dự tính trước những gì sẽ diễn ra trong 10 vòng đấu cuối [của mùa giải] mà vẫn đảm bảo cầu thủ cùng ban huấn luyện [hội] đủ nhiệt huyết và tham vọng.” Wenger cũng từng đưa ra lời giải thích vì sao Arsenal không thể sánh ngang United. Sau 3 trận hòa liên tiếp với chỉ 2 bàn thắng, ông đã phát biểu về thất bại trong trận chung kết cúp Liên đoàn: “Khi những điều đó xảy ra với chúng tôi, anh sẽ cảm thấy chán nản và cảm xúc đó sẽ bộc phát trong từng trận đấu; đó là lý do khiến số bàn thắng của chúng tôi cứ thưa dần qua từng trận. Chúng tôi cần thời gian để hồi phục. Chúng tôi sẽ không đầu hàng, nhưng thành công sẽ không còn đến nhanh chóng và dễ dàng như trước.”

Sự bất lực trong việc hồi phục sau bất trắc đã trở thành thói quen. Được Arsène Wenger mời đến hỗ trợ đội bóng, chuyên gia tâm lý Jacques Crevoisier đã vạch ra một bài kiểm tra gồm 117 câu hỏi nhằm đánh giá khía cạnh tinh thần của mỗi cầu thủ. Một trong những câu trả lời của các cầu thủ khi được hỏi về những phỏng đoán xuất hiện trong tâm trí họ khi khó khăn ập đến chính là: “Đôi khi, dù thời điểm bắt đầu trận đấu đã trôi qua, và dù tôi đã chuẩn bị kỹ, tôi vẫn không cảm nhận được mình đang thi đấu.” Câu hỏi đặt ra là sẽ có bao nhiêu người đồng tình với sự yếu đuối đó khi căn cứ vào màn trình diễn của họ cuối mùa giải.

Emmanuel Petit dĩ nhiên đã nhận ra rằng hiện đang có những bất ổn nghiêm trọng diễn ra trong cơ cấu độ tuổi của câu lạc bộ, và cho rằng ông thầy cũ của anh tại Monaco và Arsenal đã “xây dựng những thành tựu then chốt dựa trên kinh nghiệm của dàn cầu thủ ông đang sở hữu trong tay.” Anh nhớ lại thời còn thi đấu ở Highbury: “Steve Bould, Adams, Keown, Winterburn, Dixon, Seaman – toàn các tuyển thủ người Anh. Số cầu thủ người Anh của chúng tôi chiếm khoảng 60 đến 65%, nhưng đều ở độ tuổi từ 27 đến 32 tuổi. Ông ấy [Wenger] đã đầu tư tất cả vào đội trẻ để bồi dưỡng cho mục tiêu đặt ra với toàn đội. Tôi nghĩ đó cũng chính là vấn đề lớn nhất đối với đội hình này, vì để đạt được mục tiêu, anh cần có tinh thần ganh đua thật quyết liệt.? Nghĩa là dù trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, anh đều phải đứng dậy để không bị bóp vụn. Khi trận đấu đến những phút cuối, họ đã hoảng loạn đôi chút. Tôi cho rằng, ngay trước khi bị Barcelona loại khỏi cuộc đua, trận chung kết Carling Cup với Birmingham đã gây rạn nứt thật sự, khi danh hiệu bị đối phương phỗng tay trên.”

Sự đổ vỡ về tinh thần còn kéo theo sự sa sút rõ rệt về thể lực. Hơn một nửa các bàn thua Arsenal phải gánh chịu trong Giải Ngoại hạng đều xuất phát từ các tình huống cố định. Alan Smith đã rất hoang mang, và anh cũng không phải người duy nhất. “Khi trò chuyện với các đồng đội cũ,” anh chia sẻ, “về những gì tôi không thể hiểu được ở Arsenal, chúng tôi vẫn hay nhắc đến một đội bóng với đội hình mạnh mẽ, phẩm chất cao thượng, với một huấn luyện viên có khả năng bồi dưỡng và nâng cao thể lực cho họ. Nhưng chính ông ấy lại từ bỏ việc đó và tôi không thể hiểu tại sao. Đối thủ đã từng rất ấn tượng trước thể hình và vóc dáng của các cầu thủ Arsenal khi đứng cạnh họ trong đường hầm. Nhưng nay, họ đang được chứng kiến điều trái ngược.” Một cố vấn cũ của câu lạc bộ, người từng quan sát Wenger trong một thời gian đã hồi tưởng: “Ông ấy có con mắt thẩm mỹ riêng, chính vì thế, ông ấy vẫn luôn hoài nghi mẫu trung vệ với thể hình lực lưỡng như Vidic hay Hangeland.” Bộ đôi Koscielny – Squillaci của ông có thể đã từng gây ấn tượng tại Pháp, nhưng dường như không thể chống chọi mẫu tiền đạo bền bỉ và chủ động càn lướt ở Giải Ngoại hạng, với các đại diện tiêu biểu như Didier Drogba và Andy Carroll. Cơ hội để khắc phục nhược điểm này, với  chỉ 7 trận sạch lưới sau 28 vòng đấu (mọi thứ còn tệ hơn khi họ phải chịu mất Thomas Vermaleen 8 tháng do chấn thương) vào kỳ chuyển nhượng tháng Một đã trôi qua, khi Arsenal vẫn còn cơ hội vượt mặt Manchester United trên bảng xếp hạng. Vấn đề thủ môn bất ngờ đã được khắc phục, với sự thăng tiến chậm trễ của Szczęsny, do đã chứng tỏ được thực lực trong khung gỗ so với quãng  thời gian kém cỏi trước đây.

Và cách tuyến tiền vệ thực hiện vai trò của họ cũng khiến tình trạng bấp bênh thêm phần nặng nề. Alam Smith nhận định: “Vấn đề của Arsenal và vị thuyền trưởng của họ chính là ông không muốn họ giậm chân tại chỗ. Ông muốn họ phải tiến lên. Song đã thoát khỏi xiềng xích và ghi bàn. Nếu anh có ai đó chỉ ngồi một chỗ và chẳng buồn tham gia [tấn công], nghĩa là anh đang có thêm một nhân tố trong phòng ngự. Nhưng với Arsenal, cách chơi hiện nay của họ lại tạo cảm giác họ muốn bao quát tất cả; và khi mất bóng, họ sẽ càng trở nên mỏng manh hơn nữa.”

Arsenal đã kết thúc Giải Ngoại hạng với 43 bàn thua sau 38 vòng đấu – quá nhiều so với ý định cạnh tranh ngôi đầu bảng. Tuy nhiên, những ai từng quan sát Wenger từ khi ông bắt đầu sự nghiệp huấn luyện sẽ không thấy bất ngờ: “Một Monaco khác. Wenger đã ăn mừng thành công tại đó với dàn cầu thủ dày dạn kinh nghiệm – rồi để họ ra đi, đồng thời mang về những cậu trai tự phụ hòng thay thế họ. Campora, chủ tịch Monaco sẽ chẳng thấy ấn tượng chút nào. Đó là cách ông ấy đã kết thúc ở Nhật Bản.”

Khi mùa giải kết thúc trong không khí buồn thảm, Wenger đã ủ rũ thật sự, đồng thời thể hiện một hình dáng mệt mỏi ngoài đường biên, khi đội bóng của ông bỏ lỡ cơ hội vàng được trao đến tận tay, do cú sẩy chân của Manchester United, khi không thể đánh bại Sunderland và Blackburn trên sân nhà, cùng West Brom trên sân khách trong 3 trận đấu ngoại hạng liên tiếp từ tháng Ba đến tháng Tư. Wenger vẫn thốt ra những lời vô vị về các cầu thủ của ông, rằng ý chí của họ mạnh mẽ thế nào, phẩm chất họ cao thượng ra sao, và cố gắng phân tán những lời chỉ trích đang bủa vây: “Đây chính là thời khắc quyết định. Chúng ta phải tin tưởng các cầu thủ và không thể nghe theo ý kiến của những kẻ làm bóng đá nửa mùa.” “Anh có biết những cống hiến và sức mạnh tinh thần đằng sau một đội bóng như chúng tôi sẽ mạnh mẽ thế nào không?,” ông chất vấn. “Chúng tôi không được dựng lên như thế này, chúng tôi phải trải qua cả một quá trình, một quá trình tập luyện khắt khe – anh không thể chỉ bước vào siêu thị và chọn lấy một cầu thủ đáng giá X triệu bảng được. Xây dựng một đội bóng và tập luyện cùng các cầu thủ mỗi ngày là công việc rất khó khăn.”

Khi sân vận động Emirates được hoạch định thi công, mục tiêu của họ là rút ngắn khoảng cách với Manchester United. Kể từ đó, Chelsea và Manchester City đã lần lượt gia nhập cuộc chơi của những gã nhà giàu và tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, vẫn chính Manchester United là thế lực khẳng định quyền thống trị suốt nhiều năm gần đây. Trong khi đó, Arsenal chỉ có một khuôn mẫu tự-cung-tự-cấp của riêng họ và một chiến lược gia cách mạng dám mạnh miệng tuyên bố: “Chừng nào Arsenal vẫn chưa thoát khỏi vị trí thứ hai, ông vẫn sẵn sàng ký thêm 20 năm hợp đồng nữa và tiếp tục chiến đấu.” Lời chấp nhận thách thức mà Wenger ngầm đưa ra thay vì tuyên bố chinh phục danh hiệu cũng chính là quan điểm của chàng thủ quân hiện tại, Cesc Fàbregas, khi trả lời phỏng vấn một tạp chí Tây Ban Nha, Don Balon: “Nếu anh đến Tây Ban Nha và nói với Guardiola, Mourinho và Unai Emery rằng họ sẽ không thể giành thêm danh hiệu nào trong ba năm tới, rõ ràng, họ sẽ chấm dứt ngay nhiệm kỳ [tại câu lạc bộ của họ]. Nhưng ở đây thì không. Chúng tôi có một huấn luyện viên khôn ngoan và một đội bóng đánh giá cao những giá trị khác – đó là lý do chúng tôi vẫn góp mặt ở Champions League, vẫn chiến đấu đến phút cuối cùng, vẫn sở hữu dàn cầu thủ trẻ và một nền tài chính ổn định. Đối với ban lãnh đạo, đó là điều quan trọng.

Nhưng tôi tự hỏi liệu anh có bao giờ buộc phải quyết định: có chiến thắng hay không?” Anh nói tiếp: “Quả thực, Arsenal đang sở hữu danh tiếng của một câu lạc bộ với thứ bóng đá đẹp, nhưng vẫn trắng tay. Năm tôi đến đây, chúng tôi đã giành cúp FA và vào đến trận chung kết Champions League. Chúng tôi không thể thắng, nhưng Barcelona chỉ có thể đánh bại chúng tôi với lợi thế hơn người vào cuối trận đấu. Nhưng kể từ năm 2007, tôi đã bắt đầu tự nhủ: ‘Chúng ta không thắng, nhưng chúng ta đã chơi rất tốt.’ Sau đó, anh dần nhận ra mọi thứ vốn không tốt như anh nghĩ. Nhưng anh vẫn tận hưởng điều đó, vẫn phấn đấu trong suốt mùa giải, như mùa bóng này, khi chúng tôi vẫn có bốn mặt trận cần chinh phục. Và anh sẽ nói: ‘Giờ đây tôi đã có tất cả.’ Thế nhưng, anh đã đi đến bước cuối và buộc phải ra quyết định: ra đi để giành chiến thắng hay ở lại phát triển cầu thủ.”

Wenger đã phản ứng với những lời bình luận trên rằng phát biểu của Fàbregas đã vướng phải ‘lỗi dịch thuật’ và ‘hoàn toàn bị xuyên tạc’. Don Balon lập tức đáp trả bằng một đoạn thu âm bài phỏng vấn, khiến vị huấn luyện viên không còn ý kiến gì, ngoài việc từ chối mọi phát biểu liên quan. Điều thật sự diễn ra là tờ tạp chí trên đã sắp xếp cuộc phỏng vấn về câu lạc bộ, nhưng rồi đã tự ý đăng tải chúng mà không được các bên liên quan thông qua – trong trường hợp này thường là ban truyền thông của Arsenal, những người sẽ loại bỏ mọi lời chỉ trích thực tế hoặc nghi vấn nhắm vào huấn luyện viên hoặc câu lạc bộ. Việc tiếp tục giành suất tham dự Champions League là phần thưởng xứng đáng mà hầu hết các câu lạc bộ khác đều thèm khát; nhưng một khi nó đã trở thành ‘khẩu phần thường niên của đội bóng’, sự thỏa mãn sẽ giảm dần theo từng mùa giải. Tuy không khỏi phiền lòng khi nghe được những phát biểu trên, người hâm mộ vẫn có thể khẳng định đó là nỗi băn khoăn do chính người đội trưởng của họ chia sẻ.

Các danh thủ xuất sắc nhất đã không thể kiên nhẫn chờ đợi đội bóng mang về thành quả. Với một năm còn lại trong hợp đồng, mùa hè năm 2011, Samir Nasri và Gaël Clichy đã tuyên bố rằng họ muốn ra đi, và buộc đội bóng phải  rao bán họ trước khi cả hai trở thành cầu thủ tự do vào mùa hè năm 2012. Thực tế, Clichy đã gia nhập Manchester City vào tháng Bảy năm 2011 với giá 7 triệu bảng.

Chấn thương đùi khiến Fàbregas bỏ lỡ bốn vòng đấu cuối của Giải Ngoại hạng đã được xem như động thái của câu lạc bộ nhằm bảo toàn tài sản của họ, và thương vụ của anh chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi mức giá Arsenal đưa ra được đáp ứng; thông tin đã được tiết lộ khi cố vấn thương mại của Fàbregas, trong phát biểu nhằm bảo vệ David Dein, đã lên tiếng: “Không đại diện nào có thể giữ chân Cesc tại Arsenal lâu hơn nữa.” Nếu lần lượt mất đi ba ngôi sao trẻ của họ, liệu ai sẽ còn muốn ở lại Bắc London khi thời hoàng kim đã trôi qua, và Dự án Wenger sau cùng cũng đón nhận đòn kết liễu.

Với 3 năm còn lại trong hợp đồng, đây quả là thời điểm khó khăn cho huấn luyện viên lẫn ban lãnh đạo. Được đăng tải vào tháng Mười một năm 2010, mẩu tin dự báo trên onlinegooner.com đã chỉ rõ những gì thật sự diễn ra trong thời gian gần đây: “Văn hóa tự thỏa mãn của Arsenal trong hoạt động bóng đá đang nhân rộng. Điều này đồng nghĩa sẽ không có gì thay đổi trong thời gian tới. Đội bóng sẽ vẫn kiếm đủ điểm để lọt vào nhóm 4 và tham dự Champions League mùa sau. Họ sẽ bị đánh bại ở vòng 1/16 hoặc tứ kết, bởi một đội bóng giành được lợi thế sau hai lượt hòa. Đó là thứ cảm giác như đã từng quen. Chẳng có gì ghê gớm trong những tuyên bố này. Ai cùng biết điều đó, kể cả những kẻ phụ trách chiêu mộ và sa thải các huấn luyện viên. Liệu ông có nên tiếp tục ở lại đào tạo tài năng, hay tự trao cho mình cơ hội thay đổi để tìm kiếm vinh quang? Hay ông sẽ để vật chất quyết định điều đó thay ông?

 

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá