Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 16

Tứ gốc…

Phiên họp cấp cao đầu năm 2011 của Arsenal đáng lẽ đã diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác, so với thời điểm đội bóng vừa chuyển đến Emirates gần 5 năm về trước. Keith Edelman, David Dein, Phu nhân Bracewell-Smith và Richard Carr từ lâu đã không còn là thành viên trong ban giám đốc. Danny Fiszman vẫn còn đương nhiệm, nhưng ông đã mắc chứng ung thư vòm họng, đánh dấu khoảng thời gian phục vụ trong ban giám đốc cũng dần đi đến hồi kết.

Dàn lãnh đạo ngoài 70 – gồm Peter Hill-Wood, Chips Keswick và Ken Friar – vẫn tiếp tục tại vị, đồng thời đón chào thêm hai thành viên mới trong ban lãnh đạo: gồm Ivan Gazidis, người thay thế Edelman và cổ đông lớn nhất Stan Kroenke. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Danny Fiszman đã qua đời; sự ra đi của ông đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nội bộ ban lãnh đạo.

Không thể nói họ đã điều hành không tốt. Với cơ cấu đội bóng được củng cố và doanh thu phát triển, lợi nhuận thường niên cũng tăng vọt. Mức thặng dư 6 triệu bảng mùa bóng 2006-2007 đã trở thành 56 triệu bảng vào mùa bóng 2009-2010, đó là chưa kể đến khả năng của huấn luyện viên khi bán được ngày càng nhiều với mức giá cao vượt trội so với chi phí mua về. Chiến lược trọng tâm – nhằm đối phó với những gã nhà giàu với ngân sách khổng lồ như Chelsea và Manchester City, cùng con nợ khét tiếng với doanh thu dạt dào Manchester United– vẫn là tự-cung-tự-cấp, tự-lực-tự- cường.

Mỉa mai thay, đội bóng cũng được một đại gia hậu thuẫn, với khả năng vung tiền hào phóng không kém các ông chủ ở Stamford Bridge hay Eastlands. Con cá mập to lớn nhất, dù không được xưng danh trong phòng họp cấp cao tại Highbury House, vẫn chính là Alisher Usmanov, với tổng tài sản 12,4 tỉ bảng, được ước tính lớn gấp 10 lần Stan Kroenke (dù đa phần chúng đều bắt nguồn từ Phu nhân Kroenke). Tuy nhiên, số tài sản này cũng không thể đảm bảo cho ông một chiếc ghế trong ban lãnh đạo câu lạc bộ. Sau khi thâu tóm cổ phần của David Dein và tiếp tục huy động cổ phiếu đến con số 25%, tỉ phú gốc Mátx- cơ-va này đã có thẩm quyền ngăn chặn bất kỳ đối sách thay đổi quan trọng nào cần một Phiên họp Chung Khác thường thông qua. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa ông với David Dein, tuy vẫn được xem là chính thức trong quá khứ, đã trở thành một trở ngại không thể khắc phục hòng nắm quyền đại diện trong ban giám đốc. Các thành viên khác trong hội đồng đều thừa nhận họ làm việc rất tốt khi không có ông, tuy ít nhất họ cũng đã ghép hai chỗ ngồi thượng hạng của ông trên khán đài thành một khu vực ‘siêu cao cấp’.

Về bất động sản, đặc biệt là việc phát triển khu dân cư tại Quảng trường Highbury nơi sân vận động cũ tọa lạc, đã trở thành một nguồn lợi cốt yếu. Vào mùa cao điểm, lợi nhuận thu về có thể lên đến 100 triệu bảng, tuy sau đó cuộc suy thoái kinh tế đã dấy lên mối lo ngại rằng câu lạc bộ nhất định sẽ mất tiền với mặt bằng họ bán với 60 triệu bảng, nếu họ khước từ ý tưởng thay đổi mục đích thi công như một doanh nghiệp bất động sản. Cuối cùng, mức thu nhập khả quan (hơn 25 triệu bảng) còn gắn liền với 620 đến 655 căn hộ được bán ra cuối tháng Mười Một năm 2010 (khi kết quả kinh doanh bán niên mùa bóng 2010-2011 được công bố). Phân khúc bất động sản giờ đây đã hoàn toàn sạch nợ; toàn bộ doanh số trong tương lai sẽ tạo ra một mức thặng dư, và đóng góp vào tổng ngân sách hơn 100 triệu Bảng. Bức tranh gần như hoàn mỹ chỉ còn một điểm tối duy nhất, đó là đoạn đường Queensland phía Nam sân vận động vẫn cần được cải thiện, với kế hoạch thi công dự kiến khoảng 375 căn hộ mới, và một tòa nhà cộng đồng có thể mang lại thu nhập 23 triệu bảng, đồng thời cho phép chủ tịch đưa ra dự đoán: “Chỉ vài năm sau, lượng tiền mặt thu về sẽ tăng với tốc độ chóng mặt.” Mặt khác, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao vẫn không xóa được trong tâm trí họ khoản vay bất động sản khổng lồ cùng thỏa thuận tài trợ ít ỏi với Nike và Emirates.

Về mặt tài chính, đội bóng vẫn bình an vô sự dù con sóng có đảo chiều, còn hoạt động kinh doanh vẫn đơm hoa kết trái và tăng trưởng đều đặn. Trong bối cảnh UEFA đang dự thảo công bố các điều luật công bằng tài chính nhằm xây dựng một sân chơi bình đẳng hơn cho các câu lạc bộ, Tổng Thư ký Gianni Infantino đã có lời khen ngợi Arsenal như một bằng chứng sống về một đội bóng kinh doanh hiệu quả. “10 năm trước, thu nhập của Arsenal vẫn về sau Chelsea, Liverpool và Newscatsle,” ông cho biết. “Nhưng hiện nay, ho đã vượt mặt tất cả các đội bóng đó, và thậm chí còn lãi gấp đôi so với Newcastle. Đó là tấm gương điển hình về một cơ chế quản lý hiệu quả cùng một quyết định đầu tư thận trọng.” Sau hai mùa bóng 2011- 2012 và 2012-2013, chỉ có khoản lỗ 45 triệu euro (39 triệu bảng) được ghi nhận, với tiêu chí giảm về ‘0’ trong tương lai. Các quy định thực chất không áp đặt mức phạt trực tiếp lên các khoản nợ, đặc biệt nếu chúng liên quan đến hoạt động đầu tư các tài sản cố định – như việc thi công sân vận động mới. Chủ tịch UEFA, Michel Platini đã nhấn mạnh: “Tất cả  các quy định công bằng tài chính của chúng ta đều dựa trên tổn thất… điều duy nhất tôi có thể nhắc nhở là các đội bóng không nên chi tiêu nhiều hơn những gì họ đang có.” Và ông cũng cảnh báo rằng mọi hành động cố tình không tuân thủ đều sẽ bị trừng phạt. “Họ [các câu lạc bộ] biết luật. Họ đã tham gia soạn thảo các khái niệm này từ 2 năm trước. Họ mất thêm 2 năm chờ đợi chúng được kích hoạt và từ giờ, nếu họ lỗ quá nhiều, họ sẽ bị phạt”, với mức phạt tối đa là bị truất quyền tham dự Champions League và Europa League. Trong các ông lớn của châu Âu, Arsenal đã chứng tỏ họ là một trong các câu lạc bộ có khả năng cải thiện tình hình tài chính qua từng năm nhờ chính sách chuyển nhượng hợp lý.

Họ cũng thừa sức đối mặt với những khó khăn trong thời gian tới một cách bình thản, trừ khi, họ lai muốn quay về lối chi tiêu hoang phí một lần nữa.

Tuy nhiên, tổng lợi nhuận lại giảm khi các con số thống kê trong mùa giải 2010- 2011 được công bố, phản ánh doanh số giảm từ hoạt động kinh doanh căn hộ, do trường hợp cá biệt khi không một cầu thủ hàng đầu nào ra đi vào đầu mùa giải, cùng chi phí lương bổng tăng dồn dập.

Tổng thu nhập từ các trận đấu trong mùa giải 2009-2010 là 94 triệu bảng (so với 44 triệu bảng trong mùa giải cuối cùng tại Highbury), đồng thời đảm bảo câu lạc bộ không bị phụ thuộc vào thu nhập phát sóng từ truyền hình như hầu hết các đội bóng khác trong Giải Ngoại hạng. Tuy nhiên, con số đó chỉ chiếm 38% trong mức doanh thu 223 triệu bảng chỉ trong niên độ 2009-2010, trái ngược hoàn toàn với con số 70% từ các đội bóng nhỏ. (Mức chênh lệch trong doanh thu truyền hình giữa các đội bóng đầu bảng và cuối bảng vào khoảng 60 triệu và 40 triệu (bảng), khiến Giải Ngoại hạng trở thành giải đấu gay cấn nhất, hơn cả Seria A, và đặc biệt là La Liga – nơi Real Madrid  và Barcelona gần như thâu tóm mọi quyền lợi từ bản quyền truyền hình).

Tuy nhiên, khi thu nhập từ trận đấu và phát sóng đều tỏ ra khả quan, câu lạc bộ vẫn còn mắc kẹt trong các khoản lợi tức về thương mại. Di sản từ các hợp đồng với Emirates và Nike nhằm huy động vốn xây dựng sân vận động nay càng trở nên chua chát hơn, khi cứ mỗi mùa bóng trôi qua, mức chênh lệch từ các hợp đồng mới của đội bóng ngày càng bị kéo giãn. Chỉ khi hợp đồng của Nike và hợp đồng tài trợ áo đấu của Emirates kết thúc vào tháng Sáu năm 2014 (năm 2021 mới đáo hạn quyền đặt tên sân vận động), thì câu lạc bộ mới có thể đàm phán một mức giá hợp lý hơn dựa trên những điều kiện từ thị trường hiện tại. Bất chấp Arsenal có là đội bóng lớn nhất trực thuộc thủ đô bóng đá lớn nhất châu Âu (với 5 đại diện tại Giải Ngoại hạng và 9 đội bóng thuộc các giải đấu khác), thì đối thủ kế cận của họ, Tottenham, với tổng doanh thu kém Arsenal đến 100 triệu Bảng, vẫn giành được hợp đồng tài trợ áo đấu tốt hơn với Autonomy (tuy đến mùa bóng 2011- 2012, họ đã đổi tên sang Aurasma – một công ty phần mềm chuyên về các chương trình thực tế) tại Giải Ngoại hạng, và với Investic tại giải quốc nội và đấu trường châu Âu (12,5 triệu bảng mỗi năm so với 5,5 triệu bảng của Arsenal). Giám đốc thương mại mới, Tom Fox cũng thừa nhận: “Dù biết đã chậm trễ; nhưng chúng tôi vẫn đang xử lý vấn đề đó. Chúng tôi đã thuyết phục Arsène rằng Arsenal sẽ đến du đấu tại Nhật Bản [trước mùa giải 2011-2012].” Tuy nhiên, thảm họa sóng thần tại Nhật Bản đã chuyển mục tiêu của họ đến Malaysia và Trung Quốc, song ý tưởng nhằm thuyết phục huấn luyện viên cố gắng vì một lợi ích tài chính thiết thực đã trao lại quá nhiều quyền lực vào tay một ‘nhân viên’ nòng cốt, bất kể vai trò của ông đối với tổ chức. Một khi bản quyền áo đấu và bản quyền truyền hình của họ trong khuôn khổ Giải Ngoại hạng (tất cả các đội bóng tại Giải Ngoại hạng đều có cơ hội xuất khẩu các chương trình phát sóng muộn thuộc các trận đấu sân nhà hoặc sân khách) được bán trên hơn 100 quốc gia, thì chúng sẽ khiến cho quyết định mở rộng và thu hút số lượng khán giả đến xem du đấu tại phương Đông (khoảng vài nghìn người) trở nên dễ dàng hơn. Và với uy tín của ông, cộng với việc hiểu rõ các giá trị kèm theo, Arsène Wenger đã sẵn sàng đồng ý hủy bỏ chuyến du đấu thường niên tại Áo.

Bất kỳ ai cho rằng sự nhượng bộ của huấn luyện viên vốn là điềm báo cho thái độ thay lòng đổi dạ khi được sở hữu thêm 100 triệu bảng trong ngân sách chi tiêu, đều đã chưng hửng trước tuyên bố của ông vào mùa thu năm 2011: “Nhiệm vụ của một huấn luyện viên không phải là chi tiêu càng nhiều càng tốt.” Phải mất một thời gian dài ông mới lý giải được đối sách của mình, và được Ivan Gazidis chứng thực: “Chúng tôi tin vào chính sách chuyển nhượng của mùa bóng vừa rồi. Đó là một vấn đề khá nhạy cảm. Các cầu thủ tái ký hợp đồng đã duy trì được một hệ thống hiệu quả hơn.” Cùng với các đội bóng khác tại Giải Ngoại hạng Anh, chi phí lương bổng tại Arsenal đã gia tăng chóng mặt (từ 66 triệu Bảng năm 2006 lên 111 triệu bảng năm 2010). Tuy không thể sánh ngang những chiếc hầu bao không đáy từ Chelsea, Manchester City hay Manchester United, họ cũng chi trả gấp đôi Tottenham Hotspur, đội bóng xếp ngay sau họ tại Giải Ngoại hạng. Tuy nhiên, một trường hợp xảy ra vào mùa hè năm 2011 đã chỉ ra kẽ hở trong chính sách của họ. Các cầu thủ chủ chốt như Samir Nasri chẳng màng đến việc tái ký hợp đồng, trong khi các cầu thủ khác như Denílson lại được tưởng thưởng các hợp đồng dài hạn mới với mức lương hậu hĩnh, và khiến họ khó lòng quyết định chuyển đi.

Tuy nhiên, với tổng tiền mặt vào khoảng 110 triệu bảng (tháng 11 năm 2010), thậm chí đủ để dành sẵn một khoản dự trù cần thiết nhằm thanh toán lãi suất cho khoản vay thi công sân vận động, chi phí hoạt động hàng ngày, chi phí lương bổng và cùng mức chi phí ấn tượng từ các thương vụ chuyển nhượng (thông thường chỉ chiếm một phần ba số tiền họ phải bỏ ra), ngân sách chuyển nhượng sẽ được cải thiện hàng năm cùng với thu nhập từ bất động sản, có thể cho phép Arsène Wenger chi tiêu đến 150 triệu bảng mỗi năm – cho lương bổng và chuyển nhượng. Các số liệu phân tích đã chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa lương bổng và thành công. Càng chơi hay, hiển nhiên các cầu thủ càng kiếm được nhiều hơn; đồng thời, đội bóng cũng có nhiều tài năng ưu tú hơn và chiến thắng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, Wenger đã lý giải điều này với hàm ý: ‘nếu tôi trả lương cao cho các cầu thủ trẻ, tôi sẽ thành công’. Thế nhưng, khoản lương khủng Arsenal bơm vào túi các cầu thủ trẻ tiềm năng cùng các tên tuổi hết thời như Rosicky, Denílson và Diaby – những người từ lâu chỉ đem lại nỗi thất vọng – lại vốn là khoản ngân sách được các đội bóng sở hữu danh hiệu dành riêng cho các tuyển thủ quốc tế dày dạn kinh nghiệm. Đây chính xác là những gì Wenger đã làm trong những năm đầu tiếp quản Arsenal. Về sau, ông đã trở thành bậc thầy đầu tư trên thị trường chuyển nhượng. Ông đã mua về Patrick Vieira, Emmanuel Petit, Marc Overmars và Thierry Henry – những danh thủ cống hiến cho ông toàn bộ những năm tháng đỉnh cao của họ, và bán họ đi với mức lợi nhuận hàng triệu bảng sau khi đã rút hết tinh hoa của họ – họ không bao giờ đạt được phong độ đỉnh cao sau khi rời bỏ ông. (Tuy cả Henry và Vieira đều giành được danh hiệu tại Ý và Tây Ban Nha – với Henry, đó là chiếc cúp Champions League – nhưng họ không bao giờ chiếm được vị trí trụ cột tại câu lạc bộ mới như thời còn ở Highbury.

Thực chất, ngoài một số ngoại lệ đặc biệt – cụ thể là Fàbregas, van Persie và Nasri – các cầu thủ hiện tại của Wenger vẫn chưa đạt đủ chất lượng để đi đến quyết định chuyển nhượng, cộng với đòi hỏi phải điền tên rất nhiều cầu thủ vào danh sách cho mượn. Hội Tín nhiệm Cổ động viên Arsenal (AST) đã khẳng định điều này với các thành viên kỳ cựu trong ban giám đốc, rằng vấn đề trên như “nhắc nhở câu lạc bộ phải đánh giá lại toàn bộ cơ cấu đội hình, nhằm đảm bảo họ sẽ đầu tư những khoản lương thưởng hậu hĩnh càng hiệu quả càng tốt. Chúng ta cũng nên khuyến khích việc giải trình về chi phí hoạt động như một khoản dự trữ lâu dài, về đội hình trẻ và về những giá trị thu được từ họ.” Họ đã dùng cách nhẹ nhàng nhất để chỉ ra rằng, thậm chí nếu các cầu thủ đang khẳng định giá trị tiền mặt qua các kết quả tài chính, thì cổ động viên vẫn đang phải trả giá vé cao ngất để chứng kiến họ cảm thấy bất bình vì bị đối xử bất công, hơn là chứng minh rằng họ đang ‘đầu tư’ vào một thử nghiệm thất bại.

Trong khi đó, việc phát triển nhân tài là yêu cầu tối quan trọng; như tại Barcelona, các cầu thủ trẻ thường được xếp hẳn vào một đội hình dày dạn kinh nghiệm. Dự án Wenger vẫn có thể thành công nếu huấn luyện viên quyết tâm theo gót thành tựu của Barcelona. Vì một đội hình nhỏ hơn sẽ giảm thiểu những chi phí ban đầu dành cho các danh thủ mới cập bến. Và đó cũng có thể là quyết định mua lại một hạt giống vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành khi họ đã già dặn hơn, như ông đã thành công trước đây. Tài năng trẻ người Mexico, Javier Hernandez đã ký kết bản hợp đồng 7 triệu bảng với Manchester khi 21 tuổi. Còn Carlos Vela cũng chuyển về Arsenal năm 16 tuổi với mức giá tối đa 550.000 bảng, đồng thời đã có lần góp mặt thứ 50 trong đội hình chính thức. Chi phí và thành quả tương ứng (20 bàn thắng từ Hernandez trong mùa bóng 2010-2011) đã phản ánh hiệu quả từ cách chi tiêu của hai chiến lược gia đối với ngân sách cầu thủ.

Câu hỏi từ quá khứ rằng, ‘liệu Arsenal có đủ sức chi trả?’ đã quay ngoắt 360°. Ngày nay, câu hỏi trị giá 64.000 bảng vẫn là: “Liệu Arsenal có đủ sức chi trả?” Tuy nhiên, Wenger bất đắc dĩ vẫn phải đối mặt với sự thật: “Điều tốt trong thế giới của chúng ta là mọi người đều phá sản, nhưng kẻ nào không chịu rút hầu bao chỉ là kẻ ngốc,” hàm ý rằng ông được dự đoán sẽ trở thành một kẻ tiêu xài hoang phí. “Bất kể mọi người nói gì, anh đều phải biết cách chi tiêu. Chúng tôi phải thực tế. Chúng tôi không thể mua một cầu thủ với giá 50 triệu bảng. Đó là sự thật.” Nhưng cả những người chỉ trích lẫn người hâm mộ đều không kỳ vọng huấn luyện viên dốc hết ngân sách cho một siêu sao, và ngay cả những tên tuổi lớn cũng không đắt giá đến thế. Rafael van der Vaart chỉ mất của Tottenham 8 triệu bảng, Real Madrid mất 16,6 triệu bảng cho Mesut Ozil, còn Barcelona chỉ trả 2 triệu bảng cho tuyển thủ quốc tế người Hà Lan Ibrahim Afellay.

Wenger cho rằng, thật “hoàn toàn ngu ngốc” khi khán giả hy vọng vào những đổi mới toàn diện trong đội hình của ông khi mùa hè đến. “Anh không thể kết luận rằng đội bóng này cần được thay máu triệt để”, ông khẳng định một cách bướng bỉnh. “Chúng tôi đã ở đây, nhưng vì chúng tôi vẫn chưa có danh hiệu, họ sẽ tiêu diệt chúng tôi hoàn toàn,” ông phát biểu sau thất bại trước Bolton – trận cầu chấm dứt mọi nỗ lực của Arsenal trong cuộc đua vô địch. Có lẽ thất bại này đã làm dịu bớt những lời phủ nhận cứng nhắc của ông. Về sau, ông thừa nhận: “Thật thất vọng, đó lẽ ra là một chiến thắng dễ dàng cho chúng tôi.” Ông nói thêm, “Chúng tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong mùa bóng này, bởi [tuy] hội đủ tiềm lực, chúng tôi vẫn thiếu thứ gì đó.

Thứ đó gọi là sự trưởng thành, kinh nghiệm, và sự bình tĩnh trong các tình huống then chốt.” Điều đó chứng tỏ rằng, sau cùng, ông đã thừa nhận rằng đội bóng cần được củng cố bởi các nhân tố ưu tú.

Danny Fiszman (cùng với sự trợ giúp vô giá từ Ngài Friar và Spencer) đã chuyển câu lạc bộ từ đường Avenell đến Ashburton Grove, với mục tiêu chứng kiến Arsenal bắt kịp và thách thức Manchester United. Ông đã đưa ra tất cả các quyết định quan trọng nhất trong thời kỳ này dù chỉ sở hữu vỏn vẹn một phần tư cổ phần câu lạc bộ. Sự ra đi đầy tiếc thương của ông vào tháng Tư năm 2011, trước khi được chứng kiến tất cả tham vọng của ông trở thành hiện thực, mỉa mai thay, đã trao chiếc gậy chỉ huy của ông vào David Dein – người đàn ông vẫn lén lút quay lại câu lạc bộ từ mùa giải đầu tiên tại Emirates. Bốn năm sau đó, quyền kiểm soát câu lạc bộ đã nằm gọn trong tay Enos Stanley Kroenke.

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá