Stan – kẻ được chọn?
“Chúng tôi không muốn ông ta ở đây,” chủ tịch Peter Hill-Wood nhớ lại lời phát biểu viển vông nhằm đáp trả lại việc Stan Kroenke mua lại phần lớn cổ phiếu của Arsenal năm 2007, và chứng tỏ vị thế của ban quản trị cấp cao có thể thay đổi bất ngờ và chóng vánh thế nào trong bóng đá. Bốn năm sau, nhà tài phiệt người Mỹ đã giành quyền kiểm soát Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal, với lời chúc tụng từ người chỉ trích ông sâu sắc nhất trước đây. “Ban lãnh đạo và cá nhân tôi xem đây là trách nhiệm then chốt nhằm gìn giữ nét văn hóa và tinh thần của câu lạc bộ,” Hill-Wood phát biểu trong tuyên bố thông qua quyền tiếp quản của Kroenke. “ Ngài Kroenke, tuy là thành viên mới nhất trong ngôi nhà Arsenal, đã chứng tỏ ông là người hội đủ các giá trị và sự kính trọng đối với lịch sử và truyền thống hào hùng của đội bóng này, một đội bóng vô cùng đặc biệt mà chúng ta yêu mến. Chúng tôi tin tưởng ông sẽ trở thành người nắm giữ tương lai câu lạc bộ.”
Các động thái tạo đà cho sự lên ngôi của Kroenke, chính là ông đã xúc tiến mua lại cổ phần của Danny Fiszman và Phu nhân Bracewell-Smith vào tháng Tư năm 2011, đồng thời tăng gấp đôi tỉ lệ 29,9% đang nắm giữ. Vài ngày sau đó, Fiszman cuối cùng đã buông xuôi trong cuộc chiến chống lại chứng ung thư vòm họng, và qua đời tại một bệnh viện Thụy Sĩ.
Chúc thư muộn màng của ông đã xác nhận thời gian cho bài tuyên bố chuyển giao quyền sở hữu, một quyết định vốn sẽ phải dời lại đến cuối mùa giải trong những trường hợp thông thường. Hai ngày sau cái chết của Fiszman, một buổi lễ khánh thành đã diễn ra nhằm chúc mừng việc đổi tên hai chiếc cầu nối sân vận động với khu Drayton Park, với mục đích tưởng nhớ vị giám đốc quá cố, và Ken Friar dẫn đầu đoàn đại biểu như dự tính.
Động thái của Kroenke đã kích thích thương vụ đối với số cổ phiếu còn lại của câu lạc bộ, vốn thuộc quyền sở hữu của các thành viên ban lãnh đạo, Alisher Usmanov cùng vô số các cổ đông nhỏ lẻ khác, với rất nhiều người trong số họ là đại diện cho Hội Tín nhiệm Cổ động viên Arsenal (AST). Tất cả thành viên ban giám đốc đều bán ra cùng một thời điểm, nhằm xác nhận lời đề nghị đến các cổ đông còn lại, đồng thời để lại một vấn đề duy nhất cần giải quyết . Liệu Usmanov có chấp nhận bán hết 27% cổ phần của ông ta, và để Kroenke nắm quyền kiểm soát tuyệt đối? Bất kể Kroenke đã thể hiện điều gì đối với những dự tính của Alisher Usmanov, ông cũng tuyên bố sẽ không đơn phương sở hữu câu lạc bộ, và các cổ đông khác vẫn có thể tiếp tục giữ phần của mình, thậm chí nếu – đến khi nào cổ tức vẫn chưa được chi trả – chúng cho phép họ được tham dự Đại hội Cổ đông Thường niên (AGM) diễn ra tháng Mười hàng năm. Với tư cách một trong những người đứng sau kế hoạch cổ phần của cổ động viên AST (nhằm cho phép người hâm mộ Arsenal mua lại một phần cổ phiếu câu lạc bộ) chỉ vài tháng trước, đây là một kết quả tồi đối với ông chủ người Mỹ trong nhiệm vụ tháo bỏ bức màn che phủ công cuộc cải cách tại câu lạc bộ, vốn được các chính trị gia lẫn giới quan chức UEFA ca ngợi.
Usmanov không chỉ quyết định chống lại việc bán tháo cổ phiếu, mà còn phản công với một lời đề nghị trị giá 13.000 bảng cho mỗi cổ phiếu của Phu nhân Bracewell-Smith. Tuy vậy, dù không rõ thỏa thuận giao dịch giữa bà với Kroenke ra sao, nhưng bà đã tôn trọng thỏa thuận. Vận may bất ngờ đối với bà cùng tài sản của Fizsman đã đảm bảo cho ban giám đốc, dù không phải trực tiếp bỏ tiền vào tổng giá trị câu lạc bộ – hơn 700 triệu Bảng và đã thay đổi quyền sở hữu cổ phần – thu được lợi nhuận khổng lồ từ cổ phần họ chiếm hữu. Nếu họ không được xem là người bảo tồn, thì nhất định cũng không thể xem là nhà hảo tâm. Usmanov vẫn tiếp tục thu mua cổ phiếu trong khi cơ hội từ Kroenke vẫn còn rộng mở. Ông đã viết cho mỗi cổ đông một lời đề nghị 14.000 bảng cho mỗi cổ phiếu, hơn xa mức giá 11.750 bảng từ Kroenke. Và đến tháng Sáu năm 2011, đã có rất nhiều người chấp nhận đề nghị này của ông, và giúp tỉ lệ cổ phần của Usmanov leo lên con số 29%.
Tài sản khổng lồ của Usmanov đã khẳng định rõ ràng rằng ông không cần tiền của Kroenke. Với sự kháng cự ban đầu từ ban giám đốc đối với những động thái mưu đồ quyền lực của ông, thật mỉa mai khi giờ đây Usmanov – trên một phương diện nào đó – lại được xem là một ‘hiệp sĩ áo trắng’. “Tôi yêu Arsenal và không có ý định bán số cổ phiếu tôi đang chiếm hữu,” ông tuyên bố. “Thực chất, việc tôi từ chối bán cổ phiếu đều vì lợi ích của Arsenal. Nếu tôi bán, đội bóng lập tức sẽ rơi vào tình trạng sở hữu độc quyền.” Quan điểm của ông đã hạn chế khả năng tồn tại của Arsenal trước sức mạnh của Manchester United và Liverpool, những đội bóng có các ông chủ sẵn sàng đem thế chấp câu lạc bộ của họ, và để lại những món nợ tồn đọng sau mỗi thương vụ mua bán. Kroenke không thể cạnh tranh với các đồng hương của ông, trừ khi ông chi phối hoàn toàn Arsenal với ít nhất 75% cổ phần, một mục tiêu ông sẽ không bao giờ hoàn thành được khi Usmanov còn thành công với những lời đường mật của mình. Hơn thế nữa, Usmanov còn hy vọng sau cùng mọi thứ sẽ được phơi bày. “Dù đang sở hữu gần một phần ba đội bóng, tôi buộc phải thú nhận rằng mình đã từng bị tẩy chay trong quá khứ. Tôi có quyền,” ông công kích, “được tham gia vào quá trình ra quyết định đối với tương lai câu lạc bộ.” Quả thực, không bình thường chút nào khi một cổ đông quan trọng lại không có tiếng nói trong ban lãnh đạo. Ban giám đốc thậm chí đã từ chối mong muốn đóng góp của ông cho đội bóng – một quan điểm ngang bướng, khiến Arsenal mất đi cơ hội mở rộng ngân sách chuyển nhượng của mình.
AST cũng hy vọng Kroenke xác nhận rằng ông sẽ không dùng tiền của câu lạc bộ nhằm huy động vốn cho các thương vụ của ông. Họ đã khá an tâm về điều này, nhưng rồi mối lo vẫn còn đó khi chi phí chuyển giao quyền sở hữu có thể phải bù đắp cho hoạt động chi trả cổ tức lẫn thanh toán chi phí quản lý. Ít nhất, Kroenke phải huy động được 240 triệu bảng cùng 28 triệu bảng khác, mới có thể thuyết phục Usmanov (với 29% cổ phần) quyết định góp thêm một phần tư tài sản (được Tạp chí Forbes ước tính vào khoảng 1,1 tỉ bảng), thứ Kroenke không thể tìm thấy phía sau chiếc sô-pha của mình. Song, dòng tiền của Kroenke vẫn cần được Danny Fiszman và Phu nhân Bracewell-Smith quyết định thông qua trước khi xúc tiến một khoản vay với kỳ hạn 5 năm, nhằm đơn giản hóa gánh nặng về thuế.
Vài tháng sau khi mua lại cổ phần ITV với sự động viên của David Dein, Hội Tín nhiệm Cổ động viên Arsenal (AST) đã tạo nên mối liên kết giúp ban lãnh đạo Arsenal và Kroenke đến gần nhau hơn.
Bất chấp sự hưởng ứng của AST cùng các tổ chức khác đối với sự trở lại của Dein – Arsène Wenger nhất định sẽ làm tất cả để giúp đỡ ông bạn cũ, chừng nào Peter Hill-Wood và Ken Friar còn tiếp tục nhiệm kỳ của họ trong ban lãnh đạo, thì vị cựu phó giám đốc vẫn khó lòng quay về mái nhà xưa. Quan trọng hơn, một đề nghị bằng văn bản gửi đến các cổ đông đã hé lộ phương thức hoạt động Kroenke muốn xúc tiến tại đội bóng: “Họ [Stan Kroenke và Kroenke Sports Enterprises] sẽ tiếp tục ủng hộ và bám sát mô hình doanh nghiệp tự-cung-tự-cấp được Ban lãnh đạo Arsenal duy trì từ trước đến nay.” Như vậy, cục diện vẫn không thay đổi. Bỏ qua khối tài sản kếch sù của ông, có vẻ như nếu Kroenke vẫn tiếp tục chờ đợi những ràng buộc công bằng tài chính của UEFA có hiệu lực đối với chiến lược phát triển của Arsenal – tự sống sót – ông sẽ sở hữu một lợi thế cạnh tranh to lớn. Kroenke đã đầu tư rất nhiều vào các thương hiệu nhượng quyền NFL, NBA và NHL, nhưng với ngân sách dồi dào dành riêng cho công tác chuyển nhượng của Arsène Wenger, chúng ta vẫn có thể mơ về một núi tiền mặt đầy phô trương được rót xuống Bắc London.
Nhưng Alisher Usmanov thì không. Giải pháp của ông là tiếp tục nối gót Roman Abramovich và Sheikh Mansour. “Tôi luôn sẵn sàng đầu tư nhiều hơn,” ông nói. Và trong tương lai, ông có thể sẽ làm thế khi đứng ở vị thế cao hơn. Nếu công ty Red and White Holdings của ông có thể huy động cổ phiếu vượt mức 30%, thì thể theo quy định của Giải Ngoại hạng, Usmanov sẽ có quyền xem riêng các báo cáo quản lý như bao thành viên khác trong ban giám đốc. Ông sẽ biết chính xác ngân sách hoạt động được phân chia thế nào cho lương bổng, chuyển nhượng và phí đại diện, và có thể đảm bảo mong muốn của ông nhằm “chắc chắn mọi chuyện đều ổn thỏa”.
Tương tự Kroenke, hình thức đầu tư của Usmanov vốn không được trù định sẵn. Ông rất vui khi được nắm quyền kiểm soát vì ông xem Arsenal là một cái tên xuất sắc để bổ sung vào danh mục cổ phiếu thể thao của ông – một đội bóng trong khi vẫn thu về bộn tiền từ vé xem thi đấu (dù thật sự không đạt được danh hiệu gì) vẫn có thể tiếp tục đưa ra các đề nghị chào bán. Ai cùng tin rằng một khi đã thâu tóm được cổ phần của Danny Fiszman và Phu nhân Bracewell-Smith, Kroenke sẽ không bán cổ phần của ông trong 12 tháng tới. Thế nhưng, làm ăn vẫn là làm ăn, và ưu thế lớn nhất của Kroenke đang đặt tại nơi khác. Nếu Usmanov chấp nhận đưa ra đề nghị 14 triệu bảng, ông chủ người Mỹ sẽ rút lui với một khoản thu nhập an toàn. Đó là mức giá một người mua tiềm năng có thể đáp ứng, và vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi rằng câu lạc bộ vẫn đang bị đánh giá thấp.
Từ con số khổng lồ hơn 300 triệu bảng năm 2008, tổng nợ của Arsenal đã giảm còn 135,6 triệu bảng trong vòng hai năm. Nếu loại trừ tất cả, thì lãi suất cùng khoản trả góp 20 triệu bảng hàng năm của họ sẽ tan biến trong chớp mắt. Bên cạnh kết quả phi thường là hoàn toàn sạch nợ, quan trọng hơn, khoản vốn huy động sẽ trở thành chất xúc tác to lớn.
Thành quả trên – với số tiền Usmanov đủ sức đảm đương – không chỉ bảo toàn được câu lạc bộ mà còn chiếm được tình cảm của các cổ động viên, đặc biệt khi nó còn đóng góp cho ngân sách đội bóng và chính sách đặt giá. Nhưng mọi thứ vẫn chưa hoàn toàn suôn sẻ. Ngược với dự kiến, giá vé đề xuất cho mùa giải 2011-2012 đã tăng thêm.
Tuy nhiên, thay đổi là không thể tránh khỏi. Trái với những quyết định can đảm trong quá khứ, thời gian đã làm hao mòn ý chí của Ngài Hill-Wood, Friar, Keswick và Harris. Ban giám đốc [về hưu] sau cùng cũng bị thay thế do các quyết định từ Ivan Gazidis và nhóm phụ tá của ông. Tháng Hai năm 2011, ban lãnh đạo đã chấp nhận tăng giá vé Câu lạc bộ Thành viên thêm 6,5%. Khuyến nghị của phòng thương mại nhằm mở rộng mức tăng giá đó trên toàn bộ các khán đài sân vận động cũng đã được thông qua. Nhận được thông tin trước đó với cảm giác bất an, cộng với màn trình diễn kém cỏi của đội bóng đang dấy lên sự phẫn nộ từ phía công chúng, người hâm mộ đã không thể kiềm chế cơn giận của mình. Và trong trận cầu gần nhất trên sân nhà trước Aston Villa, hàng nghìn người đã đồng thanh: “6%, đúng là một trò hề.”
Không bất ngờ khi khán đài dành cho Câu lạc bộ Thành viên ngày càng ế ẩm trước mùa bóng 2011-2012, quá đủ đối với các dòng tin chính thức rằng ‘có một danh sách dài đang chờ sẵn’, hay ‘các hàng ghế khu khán đài giữa đã bán hết từ tháng Năm’. Chiến dịch tăng giá đã thất bại, thậm chí nếu các hàng ghế có được rao bán theo từng trận; và liệu có bao nhiêu người sẽ bỏ ra xấp tiền tổng cộng ba-con-số để xem các trận đấu với Wigan và Wolves? Câu lạc bộ vẫn chưa có thành viên nào chịu đặt vé, đồng nghĩa đây sẽ là cơ hội lớn để các vòng đấu trong tương lai được bán vé tự do. Tuy nhiên, các chỗ ngồi còn lại vẫn có giá rất cao, dù là vị trí khán đài nơi cầu môn – khu vực được UEFA và FIFA xếp vào hàng những chỗ ngồi có tầm nhìn tệ nhất trong các trận chung kết thuộc các giải đấu của họ.
Do các trận đầu ‘tâm điểm’ của Arsenal ngày càng giảm sút về số người xem – phần lớn bởi họ có quá ít lần chạm trán đỉnh cao tại Champions League và bất lực trong việc thâu tóm các danh hiệu quốc nội – áp lực đã đè nặng thêm lên những người phụ trách tổ chức trận đấu. Hiểu rằng tiền đề của một doanh nghiệp thành công là một đội bóng thành công, nhiều dấu hiệu đã chứng tỏ Gazidis và đồng sự đã tạo được tác động. Các đội hình mạnh hơn đang dần được bố trí bất cứ khi nào có thể, dù ở cúp FA hay Giải Ngoại hạng. Lời bào chữa chắc nịch rằng họ chỉ cần chiến thắng một nửa số trận đấu trên mọi mặt trận dường như đã không còn được dung thứ. Ngay cả các trận du đấu trước mùa giải cũng thể hiện tầm quan trọng của chúng trong việc khắc phục những khó khăn, chậm trễ trong hiệu quả thương mại.
Khi thương vụ mua lại của Kroenke được ban tổ chức Giải Ngoại hạng chính thức thông qua (có lẽ ông đã lách qua thành công yêu cầu ‘lựa chọn người phù hợp’ đối với những ông chủ mới), Kroenke Sports Enterprises đã lặp lại định hướng của ông chủ người Mỹ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh Câu lạc bộ đến khắp thế giới và tiếp tục duy trì mô hình doanh nghiệp kinh tế tự- lực-cánh sinh của đội bóng,” họ tuyên bố. “Đội bóng có đủ nguồn quỹ đầu tư và sẽ sử dụng thật sáng suốt. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn là chiếc cúp bạc nước Anh và danh hiệu vô địch châu Âu.”
Những lời phát biểu trên có thể đã dát vàng lên thương hiệu của họ. Thế nhưng, bong bóng ảo tưởng Wenger đang tạo ra cho chính bản thân và ban huấn luyện của ông lại đang có nguy cơ bị đâm vỡ, nếu kết quả trên sân cỏ không thể tạo điều kiện cho ban lãnh đạo vừa bổ nhiệm của Arsenal chứng thực tuyên bố của mình.