Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 18

Arsène biết

Ngày 12 tháng Hai năm 2011, sau chiến thắng 2-0 trước Wolverhampton Wanderers trên sân nhà và khẳng định vị trí thứ hai của Arsenal trên bảng xếp hạng, cùng cơ hội vô địch vẫn rộng mở trong cuộc đua song mã với Manchester United, Ivan Gazidis đã tỏ ra rất phấn khích, và không thể ngăn được niềm sung sướng trong phòng họp ban giám đốc.

Ba tháng tiếp theo, sau thất bại 2-1 trước Aston Villa trên sân nhà trong vòng đấu áp chót, kết quả giúp Arsenal mặc định đạt suất tham dự Champions League trong nỗi hổ thẹn, do đã đánh rơi đến 16 điểm trong 9 vòng đấu gần nhất – dường như Arsenal chỉ muốn an phận ở vị trí thứ 4 trong cuộc đua ‘song mã’ – vị CEO đã biểu bộ một vẻ mặt hoàn toàn khác.

Ông còn phải nghe người khác than thở về hàng tá những kết quả bất công từ phán quyết tai hại của các trọng tài: “Họ phải bị trục xuất trong mùa sau.”

“Không đâu,” ông nạt lại. “Chúng ta không phản đối [các phán quyết] như Manchester United vẫn làm.”

“Đó là bởi chúng ta không có thủ lĩnh trong đội.”

“Anh nói hoàn toàn đúng,” Gazidis nói. “Và chúng ta phải giải quyết việc này.”

“Anh phải thử thách huấn luyện viên nhiều hơn nữa.”

Ý kiến tương tự cũng đến từ George Graham vài tuần trước đó. “Có thể anh đúng”, ông trả lời.

Những đôi mắt mở to hướng về phía đội bóng của Arsène Wenger kể từ khi họ chuyển đến Emirates, không phải để chứng kiến họ thất bại trong nhiệm vụ đập tan rào cản cuối cùng, mà để quan sát đấu pháp của họ trên bước chạy thẳng tắp đến các danh hiệu, dù sở hữu rất nhiều cầu thủ chưa đạt đẳng cấp quốc tế cùng các tài năng trẻ thiếu kinh nghiệm trong đội hình. Việc xây dựng và duy trì nền tảng quá sớm đã dẫn đến sự ra đi của các cựu binh như Bergkamp, Vieira và Henry – những danh thủ nổi tiếng có ảnh hưởng to lớn trong đội hình cũ của ông.

Nhưng tái lập thế cân bằng là nhiệm vụ khó khăn, bởi khi chấn thương và vận rủi ập đến, sự thiếu sót các phẩm chất mang tính bản năng sẽ lộ rõ.

Để nhấn mạnh thêm vấn đề, có bao nhiêu thành viên trong đội hình Arsenal năm 2004 đang phấn đấu để được xếp vào Đội hình Bất bại? Chỉ có Sagna, Fàbregas, van Persie và có thể là Nasri. Vị trí Sagna nhận lại từ Lauren cũng chính là mắt xích yếu nhất của toàn đội hình, bất chấp đẳng cấp quốc tế của anh.

Quan trọng hơn, làm thế nào trong mùa bóng 2010-2011 huấn luyện viên lại có thể tin tưởng mình đang có trong tay một đội hình tất thắng tiềm năng, khi ông chỉ dựa vào bộ khung Almunia, Squillaci và Denílson?

Ưu tiên đổi mới và tin tưởng rằng chiến thắng sẽ thuộc về họ như kết quả tất yếu vốn không hề xấu; thế nhưng, bản thân việc chinh phục danh hiệu là một kết quả đáng trân trọng, đặc biệt đối với một đội bóng phải đóng vai phụ trên sân đấu trong quá nhiều năm. Với từng đồng bảng, Arsène đã mang về cho các ông chủ của ông nhiều giá trị hơn hẳn bất kỳ huấn luyện viên nào trong lịch sử bóng đá Anh; nhưng tiếc thay, họ vẫn không lấy được danh hiệu. Xét trên khả năng chinh phục các ngôi vị hàng đầu, ông đành phải ngậm ngùi xếp sau Ferguson, Mourinho, Hiddink, Benitez và Ancelotti.

Thực chất, Arsène Wenger vẫn có thể  căn cứ vào số bàn thắng nhiều vô kể cùng sự thật rằng họ luôn tham gia đầy đủ các mặt trận, nhưng đã có bao nhiêu cơ hội bị lãng phí chỉ vì những quyết định trau chuốt không cần thiết? Và tổng số bàn thắng được ghi bởi tuyến tiền vệ của Arsenal mùa giải 2007-2008 chỉ hơn một nửa con số 42 bàn do Cristiano Ronaldo của Manchester United tự xác lập cho bản thân. Sau ba mùa bóng, Alexander Hleb cũng không thể san lấp thành tích ghi bàn của Robert Pires trong một mùa. Tuy nhiên, bấy nhiêu bàn thắng lẽ ra cũng vừa đủ, nếu chúng không bị đối phương đoạt lại một cách dễ dàng.

Việc thiếu vắng sức mạnh áp đảo từ hàng thủ cùng khả năng khắc phục các sai sót cơ bản đã để lộ ra các nhược điểm then chốt. Nhưng kể từ khi nào một thủ môn thiếu kinh nghiệm và chưa trưởng thành lại đứng chung hàng ngũ với một trung vệ chưa-đạt-đến-đẳng-cấp-thế-giới, và tự cho rằng sự kết hợp đó sẽ đem lại vinh quang?

Tiếc thay, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy huấn luyện viên đã sẵn sàng đối diện với các nhược điểm này cũng như các vấn đề bất cập khác. Các cầu thủ trẻ cần được trao cơ hội ra sân thi đấu và thể hiện khả năng họ đã trau dồi được dưới sự giám sát của ông, nhưng chúng thật sự rất hiếm. Những hợp đồng cho mượn rất có lợi cho từng cá nhân cũng như cả đội bóng. Wenger chỉ phải chắc chắn rằng nếu ông không thể dành chỗ cho các cầu thủ của mình tại Arsenal, thì ông nhất định phải gửi họ đến một đội bóng khác đảm bảo cho họ một suất đá chính. Và theo thời gian, những sự thay thế đúng đắn – dù xảy ra tại bất cứ đâu trong khuôn khổ Giải Ngoại hạng – cũng cần phải trả giá. Nếu không có quãng thời gian thi đấu tại Bolton, Jack Wilshere đã không thể hồi phục một cách vững vàng như vậy khi chấn thương hành hạ. Như chính Wilshere đã từng nhấn mạnh, dù trải qua bao nhiêu lần xuất hiện trên băng ghế dự bị hay ra sân trong các trận đấu tranh giải, anh vẫn không nhận thấy có sự thay thế nào dành cho những cựu binh già dặn; vì khi chiến thắng được đặt lên hàng đầu, mọi thứ đều trở nên quan trọng.

Sai sót thể hiện rất rõ, nhưng ai sẽ nói Wenger biết điều gì sẽ diễn ra? Tất nhiên không phải Boro Primorac, đó không phải việc của ông. Cũng không phải Pat Rice, với vai trò như một trợ lý thay vì huấn luyện viên. Không như Manchester United, Chelsea, Liverpool hay Manchester City, nơi các ông chủ cũ sẽ rất vui lòng đóng vai trò cố vấn, Arsenal không dự phòng được cho mình những phẩm chất quan trọng nhất. Tại các đội bóng trên, bất kể địa vị của mình, huấn luyện viên luôn sẵn sàng thừa nhận họ đã sai trong một số trường hợp. “Tôi không hề hoàn hảo,” lời thừa nhận trên của Wenger chỉ khẳng định rõ hơn bản chất ngoan cố của ông.

Yêu cầu về những nguyên tắc tài chính chặt chẽ nhằm xúc tiến quá trình chuyển dời sân vận động cùng yêu cầu phải thận trọng hơn khi các khoản nợ đang được thanh toán hết, đã dẫn đến mức độ ngang bướng đáng báo động trong các quyết định của huấn luyện viên Arsenal. Thập kỷ vinh quang đầu tiên của ông bao hàm một triết lý – được ban giám đốc và giới truyền thông hưởng ứng, đặc biệt là David Dein – liên quan đến khả năng ra quyết định không-thể-sai lầm. Sự chán ghét của ông đối với thứ thành công được mua bởi tiền bạc (“doping tài chính”) đã khiến ông tiếp nhận tính cẩn trọng như một phẩm chất cá nhân, và thể hiện một cách toàn diện trong công cuộc xây dựng một đội hình trẻ thành công, với lối đá thuần túy và không bị các tên tuổi lớn hay các thương vụ chuyển nhượng đình đám gây ảnh hưởng. Viễn cảnh cuối đường hầm trong tham vọng của ông cũng cho phép ông tránh khỏi việc bám vào các quyết định cụ thể, như bỏ qua cơ hội mang về các danh thủ then chốt cho các vị trí then chốt – như thủ thành Mark Schwarzer, Shay Given hay tiền vệ Xabi Alonso. Sẽ có nhiều ý kiến chất vấn ông về sách lược này. Nếu không còn vấn đề gì, ông nhất định sẽ nhủ thầm rằng mình đã làm được nhiều thứ và để bị cuốn vào nhiệm vụ bồi dưỡng các tài năng quốc tế. Liệu sẽ còn những mặc cả gì nữa?

Tuy nhiên, do chưa gặp nhiều thử thách đáng kể trong và ngoài sân cỏ, không có dấu hiệu nào cho thấy Wenger sẽ từ bỏ hướng đi của mình. Như vậy, đến khi nào vẫn không ai nói với ông rằng trong một số trường hợp, những lựa chọn đội hình và chiến thuật của ông có thể chưa chắc chắn, sẽ không thành viên nào trong ban giám đốc buộc ông đối mặt với các vấn đề nền tảng có thể định hình tương lai cho câu lạc bộ, nhiệm vụ quan trọng nhất trong công việc ông kế thừa. Những di sản của Wenger từ nền móng – như sân tập và sân vận động – là cơ sở hạ tầng có thể tạo ra môi trường làm việc dành cho bất kỳ ai theo chân ông. Kế hoạch đề ra cho tình huống bất ngờ này vốn đã được trù bị từ rất lâu, nhưng vẫn chưa nằm trong chương trình nghị bàn của các cuộc họp cấp cao.

Trước đây, khi bàn về khả năng ra đi của ông, nhiều người đã lo sợ rằng sự ra đi của ông sẽ kéo theo những phản ứng tương tự từ phía các cầu thủ. Giờ đây, nỗi lo sợ còn lớn hơn việc mất đi những học trò ưu tú theo bóng dáng người thầy vĩ đại. Giờ đây, hơn lúc nào hết ban giám đốc buộc phải cam kết rằng những công việc chính của ông sẽ được đưa vào kế hoạch 3 năm dành cho người kế nhiệm ông.

Khi được chất vấn về vấn đề trên, Wenger đã được hỏi thẳng về quan điểm của ông. Cụ thể: “Do ông đang ở rất gần đích cuối trong cuộc hành trình của mình tại Anh, ông chắc hẳn đã trải qua một thời gian dài…”

“Phải rồi, anh muốn tôi ra đi!” Wenger nói xen vào.

“Không, tôi không muốn ông ra đi. Tôi nghĩ ông phải là kho báu quốc gia!” Phóng viên ra sức chữa cháy. “Thế nhưng tôi đã có thành kiến.”

“Nghe này, tôi đã nói với anh rồi. Tôi có cảm hứng khi làm việc ở đây và tôi có thể thúc đẩy đội bóng đạt đến vị trí mà tôi cảm giác rằng: “Tốt thôi, mình đã đạt được thứ gì đó.” Tôi muốn tỏ ra tự hào về những gì mình đã làm và phát triển đội bóng càng tiến bộ càng tốt. Để khi người kế nhiệm tôi xuất hiện, họ sẽ thừa hưởng chúng từ một kẻ xuất sắc hơn.”

Bất kỳ ai tiếp quản chức vụ này cũng phải cố gắng hết sức nhằm thuyết phục Wenger tiếp tục tham gia ban huấn luyện. Người kế nhiệm ông chắc chắn sẽ có lợi nếu mời Wenger giữ chức giám đốc bóng đá, với nhiệm vụ chính là quyết định đấu pháp cho đội hình chính và xây dựng hệ thống đào tạo các tài năng trẻ. Tuy nhiên,tìm kiếm tài năng chưa phải là tất cả đối với Wenger. Liệu ông có chấp nhận bàn giao tất cả cho người khác, đồng thời từ bỏ vĩnh viễn mọi công tác huấn luyện và quản lý? Và nếu sự hiện diện của ông không phải mối đe dọa đối với người kế nhiệm, thì liệu có sức ảnh hưởng nào từ Wenger như Matt Busby tại Manchester United khi ông này bàn giao lại chiếc ghế huấn luyện viên trưởng, hay lại như Bill Shankly, người không được chào đón trở lại Anfiled nhằm hỗ trợ cho Bob Paisley.

Với Wenger, để thích nghi với điều kiện mới, câu lạc bộ buộc phải thay đổi triệt để về cơ cấu. Tuy nhiên, cho đến khi triều đại của Kroenke thống nhất được chiến lược dài hạn, sẽ không có động lực nào để ông tiến hành những bước cải tổ hà khắc cần thiết. Tất nhiên, trong trường hợp lý tưởng nhất, Arsenal sẽ bền vững hơn nếu trở thành câu lạc bộ được các thành viên sở hữu, và tạo cơ hội cho những cá nhân nhiệt huyết và dày dạn chuyên môn từ Hội Tín nhiệm Cổ động viên Arsenal (AST) trở thành đại diện trong ban lãnh đạo, dựa theo mô hình của Barcelona (nơi 150.000 thành viên – trong một hiệp hội – bầu lên chủ tịch ban lãnh đạo). Hệ quả từ việc thay đổi quyền sở hữu đã khiến Arsenal phụ thuộc vào xu hướng tài chính của riêng Stan Kroenke và quyền lực của thị trường tự do. Bám sát hay chuyển đổi, dù Alisher Usmanov có quyết định thế nào với cổ phần của ông, thì đó vẫn chưa phải một sự phân rã. Liverpool, Chelsea và Blackburn là các đội bóng điển hình cho sự thiếu ổn định có thể xảy ra khi câu lạc bộ bán và mua bất cứ thứ gì như một doanh nghiệp chính hiệu. Còn Aston Villa, Fulham và Bilton, họ quả thực may mắn vì được các ông chủ cam kết và hỗ trợ về tài chính.

Tương tự, ban lãnh đạo Arsenal nên được ca ngợi vì những sứ mệnh quan trọng họ đã làm nhằm đảm bảo sự ổn định của đội hình. Chưa bao giờ xuất hiện tin đồn nào chứng tỏ công việc của huấn luyện viên đang bị đe dọa, thậm chí nếu tình trạng thiếu hiệu quả có tăng cao cộng với sự xuống dốc của toàn đội hồi mùa bóng 2010-2011. Arsène Wenger là một trong hai huấn luyện viên đương thời tại Giải Ngoại hạng Anh từng phục vụ hơn một thập niên tại duy nhất một câu lạc bộ. Nhờ trọng dụng và tuyệt đối tin tưởng những chiến lược gia tài năng như thế, Arsenal và Manchester United mới kinh qua được những thăng trầm, nhưng cũng nhận thức được rằng họ sẽ không thể chinh phục được những thành tựu xứng đáng nếu mất đi niềm tin ở người thuyền trưởng đứng sau bánh lái. Đây chính là bài học Everton rút ra được với David Moyes. Nhưng Chelsea thì không. Avram Grant, với thất bại suýt soát trong chiến dịch chinh phục chức vô địch ngoại hạng cùng hai danh hiệu quan trọng khác trong năm 2008, đã phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình. Sau đó,huấn luyện viên từng dẫn dắt tuyển Brazil vô địch World Cup, Luiz Felipe Scolari đã trở thành nhà cầm quân danh tiếng thứ ba cập bến Stamford Bridge trong vòng 12 tháng. Và sau chưa đến nửa mùa giải, ông đã phải nhường chỗ cho chiến lược gia tạm thời Gus Hiddink, rồi sau đó là Carlo Ancelotti – người tuy đã lập được cú đúp trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Chelsea và chức á quân Giải Ngoại hạng mùa thứ hai, nhưng rốt cuộc vẫn bị Roman Abramovich sa thải, với khoản bồi thường hợp đồng huấn luyện được cho là lên đến 40 triệu bảng.

“Arsène sở hữu một triết lý trong đấu pháp của ông,” tuyển trạch viên Arsenal, Tony Banfield nhận xét, tuy hơi thiên vị do từng là chứng nhân qua các thành tựu của Wenger. “Ông ấy sống với giấc mơ của mình, và đem lại thứ bóng đá phóng khoáng, tươi trẻ, sung mãn, sắc bén và đầy sức mạnh; một thứ bóng đá đẹp khiến người xem mãn nhãn.” Trong kỷ nguyên này, tuy Arsenal đang khá chật vật trong nhiệm vụ thu thập các danh hiệu, nhưng với những màn trình diễn họ mang lại, sẽ thật phi lý nếu chúng ta không công nhận những đóng góp của họ đối với lịch sử bóng đá thế giới. Khi mọi người nói về Hungary của thập niên 50, Hà Lan của thập niên 70 hay Brazil thập niên 80, liệu họ có nói về các kỳ World Cup từng chứng kiến thất bại của những đội bóng này? Và liệu những đội bóng thật sự nâng cúp có nói về đối thủ của mình với cùng niềm yêu mến và tôn kính dành cho những bại tướng thực thụ? Có lẽ điều đó chỉ xảy ra tại các quốc gia của họ. Tuy nhiên, Wenger dẫu sao cũng đã từng giành được danh hiệu, và ông sẽ tiếp tục thực hiện điều đó.

Mùa giải thứ hai tại Emirates chính là bằng chứng cho thấy đội bóng đã vượt qua giai đoạn chi tiêu kham khổ và bắt đầu hướng mục tiêu đến các đối thủ hùng mạnh một lần nữa. Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng khác, Arsenal lẽ ra đã dễ dàng chinh phục hai chức vô địch sau trận chung kết Champions League giữa Chelsea và Man Utd năm 2008 tại Matx-cơ-va. Tuy nhiên, những lời huênh hoang sau cùng chỉ là giả dối, do nỗi đau đang ngày càng lớn dần trong đội quân ‘thứ ba’ của ông – đội hình non trẻ nhất – khi họ buộc phải chứng kiến cơ hội vô địch tan thành mây khói hết lần này đến lần khác.

Tuy tổng chi phí phát sinh từ các đội bóng tham gia Giải Ngoại hạng Anh vẫn tiếp tục tăng vọt – tổng chi phí lương thưởng hàng năm của 20 câu lạc bộ đã vượt ngưỡng 1,5 tỉ bảng – nhưng Arsenal, cùng toàn bộ các đội khác (ngoại trừ Chelsea và Manchester City) vẫn phụ thuộc vào các thế lực hùng mạnh đến từ Tây Ban Nha – những kẻ có khả năng bán riêng bản quyền truyền hình và đem lại cho họ lợi thế về tài chính. (Do trong mùa bóng 2009-2010, tổng doanh thu phát sóng của Barcelona là 146 triệu bảng, so với 85 triệu bảng của Arsenal.) Vì thế, khi Fàbregas rơi vào tầm ngắm của Barcelona, thì tiếng gọi của những đồng euro sau cùng cũng chiến thắng những lời van nài từ Arsène Wenger.

Tuy nhiên, những tên tuổi mới sẽ tiếp tục được chiêu mộ và sẽ sớm thành danh.

Làm thế nào con mắt của huấn luyện viên lại có thể khiến ông thất vọng? Hệ thống tuyển trạch viên đã sẵn sàng và có rất nhiều cầu thủ trẻ mong muốn được gia nhập Arsenal, với niềm tin rằng họ sẽ trải qua một giai đoạn thử việc thành công, và biết rằng nếu tạo được ấn tượng, họ sẽ được gọi vào đội hình  chính. Như để nhấn mạnh quan điểm trên,tháng Sáu năm 2008, cầu thủ 17 tuổi Aaron Ramsey đã ký bản hợp đồng trị giá 5 triệu bảng từ Cardiff City. Chàng trai trẻ đã lựa chọn Bắc London thay vì Old Trafford. Thế nhưng, khi đối mặt với những đòi hỏi cao hơn, đặc biệt đối với những tài năng trẻ đã tiến xa trong sự nghiệp và hơn hẳn Ramsey, Arsenal lại thua thiệt. Tháng Sáu năm 2011, Phil Jones, mục tiêu 19 tuổi của Wenger tại Giải Ngoại hạng, đã chuyển từ  Blackburn Rovers đến Manchester United với bản hợp đồng 16,6 triệu bảng.

Mặc dù đã thừa nhận rằng: “Tôi không nghĩ mình sẽ trở lại làm huấn luyện viên tại Pháp,” ông và Annie sau cùng vẫn muốn trở về quê hương. Ông vẫn muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp, nhưng  không phải với tư cách huấn luyện viên đội tuyển quốc gia. “Trong cuộc đời, tôi đã dành quá nhiều thời gian cho công việc thường ngày, và tôi lo mình sẽ lạc hướng. Nếu anh có một lứa cầu thủ chất lượng tại quê hương mình, anh sẽ thành công. Nếu không, anh sẽ chẳng làm nên chuyện gì. Với một câu lạc bộ, anh có thể phát hiện một tài năng tại Tây Ban Nha hay tại Nam Phi mà chưa ai để mắt đến, và có thể sắp xếp họ vào một đội hình tốt. Nhưng với đội tuyển quốc gia thì không.” Nhưng nếu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter dự định thực thi chính sách của ông, thì khả năng này vẫn có thể là bất khả thi đối với Arsenal. Đề xuất ‘sáu cộng năm’ của Blatter, vốn được xem là phương án thay thế cho quy định cũ – bắt buộc 9 trong số 18 cái tên ghi trên danh sách đội hình phải là cầu thủ nội, nhằm giới hạn số lượng các ngoại binh được nhập về hòng cải thiện chất lượng các câu lạc bộ trong nước. Và thậm chí nếu quy định này chưa có hiệu lực, thì Arsène Wenger – với lòng căm ghét cao độ – vẫn buộc phải tuân thủ nội quy của Giải Ngoại hạng, với yêu cầu 8 trên tối đa 25 cầu thủ phải là người Anh. Bất chấp việc ngoan ngoãn thi hành những yêu cầu đó, Wenger vẫn cảm thấy “các quy định trên là thảm họa đối với quốc gia này… Anh không thể nhắm tịt hai mắt và nói: ‘Hãy tống tất cả những cầu thủ tài năng ra khỏi cửa và tự đào tạo nên lứa cầu thủ khác với chất lượng tương tự.”

Do đó, nếu quy định trở nên khắt khe hơn, liệu ông có thể điềm tĩnh thay đổi các ưu tiên của mình, và chấp nhận đào tạo những chàng trai kém tài hơn, nhưng may mắn được sở hữu giấy khai sinh và quốc tịch Anh? Hay chấp nhận sự thật rằng các cầu thủ Anh sẽ trở thành món hàng hiếm và sẵn sàng rút hầu bao?

Kể từ khi mở ra cuộc cách mạng tại Arsenal, phương pháp huấn luyện của ông đã trở thành chuẩn mực mới về công tác chuẩn bị, tập luyện và thi đấu được toàn thể các đội bóng thuộc Giải Ngoại hạng noi gương học hỏi. Vẫn trung thành với quan điểm mang về các tài năng châu lục với mức giá bằng với các cầu thủ trẻ nội địa, Wenger đã mở ra một con đường riêng, trong bối cảnh các đội bóng nước Anh đang ngày càng nổi tiếng và mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế – song lại gây tác động ngược lại đối với tuyển quốc gia. Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đã không thể tìm ra một huấn luyện viên người Anh chính gốc hội đủ năng lực hòng dẫn đắt đội tuyển Anh chinh phục các đấu trường quan trọng. Wenger có thể trả lời rằng ông không bao giờ nhìn vào hộ chiếu của các cầu thủ khi được hỏi về số lượng các cầu thủ người Anh hạn chế trong đội, nhưng tại bất cứ nơi đâu ông được chứng kiến các tài năng bằng xương bằng thịt thi đấu, đó sẽ là cơ hội để ông cân nhắc quyết định của mình. Thực tế, quy định này cũng trợ giúp ông không ít, khi giá thành của các cầu thủ Anh khiến các bản hợp đồng ngoại binh của ông ngày càng dễ thương lượng.

Tuy nhiên, nếu quan điểm của Johan Cruyff – rằng một đội bóng hàng đầu phải sở hữu các nhân tố nòng cốt là người địa phương – tỏ ra chính xác, thì Wenger nhất định phải thay đổi phương pháp của mình. Trở thành tuyển thủ quốc tế ở tuổi 19, Jack Wilshere đã biến mình thành một mốc son trong tương lai; nhưng nếu học viện câu lạc bộ không chỉ là nơi đào tạo nên các nội binh với đầy đủ phẩm chất, thì như cách Manchester United và Liverpool đã chứng thực với việc cho ra mắt Chris Smalling, Andy Carroll, Jordan Henderson và Phil Jones, các tài năng trẻ này sẽ trở thành nguồn lợi nhuận tiềm năng với giá khởi điểm không dưới 10 triệu bảng khi họ góp mặt trên thị trường chuyển nhượng. Hơn nữa, theo lời Steve McLaren – một trong những nhân tố đứng sau thành công vang dội của Manchester United, thì các nội binh trẻ người Anh sẽ thi đấu với khát khao chiến thắng mãnh liệt hơn các ngoại binh ‘đánh thuê’: “Tôi tin rằng,” ông chia sẻ, “chính ý chí chiến đấu không phai nhạt suốt 90 phút vốn đã là tiền đề cho phong độ của các cầu thủ dưới trướng Alex Ferguson.” Họ dường như rất ít khi chịu dằn vặt bởi sự tiếc nuối do khao khát không được thỏa mãn.

Liệu có ai đủ thẩm quyền đặt câu hỏi cho Arsène Wenger về tuyên bố của ông trong suốt những năm vừa qua? “Cuộc đời ông gắn bó với Arsenal,” ông chia sẻ khi gia hạn hợp đồng vào năm 2007. “Tôi đã được tin tưởng tuyệt đối, được tự do tuyệt đối trong nhiệm vụ hoạch định và thực thi mọi kế hoạch của mình nhằm đưa đội bóng đến vinh quang.

Đồng nghĩa tôi phải chịu trách nhiệm với người hâm mộ về các danh hiệu, và chịu trách nhiệm với các cầu thủ về khả năng của họ trong công cuộc chinh phục các danh hiệu đó.”

Ông sẽ thực hiện theo cách của mình. Khi mọi việc hoàn thành, ông sẽ lui về phía sau đội bóng do chính ông tái thiết triệt để và thay đổi toàn diện về văn hóa lẫn đấu pháp – chiến công vốn chỉ dành vinh danh một số ít chiến lược gia kỳ cựu trong lịch sử trăm năm của bóng đá Anh. Trong đó, Herbert Chapman, Ngài Matt Busby, Bill Nicholson, Bill Shankly, Bob Paisley, Don Revie và Brian Clough là những cái tên đình đám nhất. Nhưng gần như không ai trong số họ, ngoại trừ Chapman hay Shankly, có thể cạnh tranh với những tất cả những thành tựu Wenger chinh phục được. Bên cạnh những thay đổi về vị trí cũng như chất lượng tại sân vận động và trung tâm huấn luyện mới của Arsenal, ông còn hồi sinh danh tiếng của cả câu lạc bộ. Hàng phòng ngự vẫn luôn được nhắc đến nhờ sức mạnh vô địch của họ qua các danh hiệu thu thập được dưới thời các huấn luyện viên Herbert Chapman và George Graham. Hiện tại, Arsenal đã sánh ngang tầm Real Madrid, Barcelona và Manchester United – những thế lực hùng mạnh nhất của bóng đá thế giới.

Là người góp công chính trong bước ngoặt trọng đại này, Arsène đã giúp câu lạc bộ thăng tiến vượt bậc cả về tiếng tăm trong giới túc cầu lẫn khả năng kiểm soát tài chính, nhất là trong thời điểm các nguồn lực kinh tế trở thành tài nguyên tối quan trọng để gắn kết toàn đội. Sau cùng, ông sẽ để lại cho người tiền nhiệm một di sản thịnh vượng nhất và giá trị nhất thế giới. Với mục tiêu biến Arsenal thành một trong số ít các siêu câu lạc bộ ưu tú hàng đầu thế giới, ban lãnh đạo đã chấp nhận đặt cược vào Wenger, với khả năng tiếp tục đem lại những giá trị riêng nhất trong bóng đá – phẩm chất khiến ông trở thành một trong những chiến lược gia được săn đón nhiều nhất hành tinh. Bên cạnh những sai sót nhất thời, ông đã không khiến họ thất vọng.

“Tôi không phải Chúa,” ông nói đùa với một người bạn. “Ngài ấy có nhiều việc phải làm hơn tôi!” Có thể, nhưng Wenger đã không được công nhận là người đem lại phép màu nếu không có những lý do thuyết phục.

Trong tương lai, mối quan hệ giữa vị huấn luyện viên và CEO Ivan Gazidis – người đang ấp ủ nhiều ý tưởng và phương pháp mới – sẽ đóng vai trò then chốt. Các tài năng trẻ đã bắt đầu nuôi hy vọng khi Wenger tiết lộ: “Tôi xem Ivan là người có thể giúp tôi chinh phục mục tiêu, và chúng tôi cũng chia sẻ cùng một tầm nhìn về phương hướng phát triển đội bóng trong tương lai. Ít nhất anh có thể nói rằng: ‘Nếu chúng ta không thắng, đó là lỗi của tôi.’ Còn tôi, tôi muốn nói rằng: ‘Nếu chúng ta không thắng, đó là lỗi của ông ấy!’” Khi Gazidis gia nhập Arsenal, mọi người đều tin rằng kinh nghiệm mua bán hàng trăm tuyển thủ thuộc Giải Bóng đá Nhà nghề Mỹ (nơi các cầu thủ ngôi sao ngoài việc được ký kết hợp đồng dựa trên thứ hạng, họ còn được trực tiếp tham gia các thương vụ chuyển đến và chuyển đi giữa các câu lạc bộ) sẽ giúp huấn luyện viên vững tâm hơn khi ông xác định mục tiêu, đồng thời đề xuất ‘mua về’ nhiều hơn và ‘bán ra’ ít hơn.

Tuy nhiên, mọi chuyện lại không suôn sẻ như thế. Gazidis dường như không phải người có tiếng nói tối cao. Một trong các phụ tá của ông, luật sư Dick Law (nghe tên biết người), đã phụ trách mọi hoạt động chuyển nhượng-hợp đồng, và tiến hành xem xét các tài năng trẻ được Wenger lựa chọn vào lúc rảnh rỗi. Do không có David Dein bên cạnh huấn luyện viên nhằm xử lý các ‘rắc rối bên lề’, không ngạc nhiên khi Arsenal không còn gắn kết sâu sát với các nhóm đại diện được tuyển chọn như Pini Zahavi hay Jorge Mendes – những người đủ sức thay mặt các siêu sao hàng đầu thế giới trên bàn đàm phán.

Wenger có thể hơi cẩn trọng thái quá khi nhắc đến đội hình của mình, nhưng nhiều người vẫn hy vọng khả năng đánh giá của vị CEO sẽ xuyên thủng tấm khiên bảo vệ của ông đối với các học trò. Gazidis đã nói: “Mục tiêu ưu tiên của tôi là định hình một cách sắc bén, thật sắc bén chiến lược sắp tới của chúng tôi trong việc cải thiện phong độ đội bóng.” Một tuyên bố đầy cảm xúc; thế nhưng, hai năm đã trôi qua, và dù đã trải qua một hoặc hai thời khắc tươi sáng, đội bóng vẫn có vẻ như đang thụt lùi thay vì thăng tiến.

Tuy Wenger vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là bậc thầy về chiến lược, thì những gì ông từng khảo sát và tìm hiểu vẫn rất đáng xem. Gazidis, tuy vẫn tận lực hỗ trợ huấn luyện viên, nhưng cũng nhanh chóng phát hiện ra Wenger chưa chịu đủ sức ép từ ban huấn luyện và ban lãnh đạo. David Dein vẫn rất hào hứng khi nói đi nói lại rằng huấn luyện viên đã tìm được bến đỗ cuộc đời ngay tại chính câu lạc bộ Arsenal; nhưng dù muộn màng, ban nhân sự cuối cùng cũng được lập nên vì lý do “chúng tôi có đến 400 nhân viên, chúng tôi buộc phải làm thế”, Gazidis phát biểu, và thừa nhận: “Tôi rất bất giờ khi gia nhập đội mà không nhận thấy bộ phận này. Đó là chức năng cơ bản của mọi tổ chức, dù hoạt động trên quy mô nào.” Mặc dù vậy, với sự sáng suốt trong khâu bố trí nhân sự hiện tại, Arsène Wenger vẫn có thể làm bất kỳ điều gì ông muốn với khoản ngân sách trên 100 triệu bảng, đồng thời đảm bảo doanh thu từ Champions League mỗi mùa bóng sẽ không bị ngắt mạch. Nhưng Gazidis còn đặt ra mục tiêu ngạo nghễ hơn khi tuyên bố rằng: “Đội bóng này có thể vươn xa hơn vị trí thứ tư. Nhưng chúng tôi không tin như thế là đã đủ; vì họ còn muốn chiến thắng.”

Tháng Sáu năm 2011, khi vị CEO nhấn mạnh điều này với các khán giả đang chán nản – vốn là thành viên của AST – trong buổi hỏi đáp thường niên, một người đã nêu ý kiến với Gazidis: “Chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực của ôngcũng như của chúng tôi trong suốt các tuần qua; nhưng ông là Tổng giám đốc, và vị trí của ông cho thấy ông phải làm điều gì đó về việc này.” Tuy nhiên, nếu vị CEO đi đến kết luận rằng quan điểm này là đúng đắn, thì có lẽ định hướng phát triển của họ đã có bước đột phá.

Vốn là người trong cuộc và nắm rõ các chính sách nội bộ, “Ông ấy [Gazidis] có thể cơ cấu lại tổ chức hay cơ sở hạ tầng; nhưng với nhiệm vụ trọng đại như sử dụng các cầu thủ để kiểm soát vấn đề thương mại và trực tiếp điều phối đội hình, đó phải là nhiệm vụ của huấn luyện viên.”

Trên thực tế, Wenger đã ngoài 60 còn Gazidis lại kém ông hơn 10 tuổi; như vậy, tương lai của đội bóng rất có thể sẽ phụ thuộc vào khả năng của Tổng Giám đốc hơn là huấn luyện viên. Ít nhất, ông cũng tỏ ra xông xáo hơn hẳn tất cả các thành viên ban lãnh đạo khác mà Wenger đã từng làm việc cùng, kể từ ngày David Dein ra đi. Nhiệm vụ khẩn thiết nhất chính là phải lấp đầy các vị trí hiển nhiên trong ban huấn luyện, với một điều khoản duy nhất – như Gazidis từng chia sẻ: “Nếu Arsène không tin, làm thế nào anh có thể đưa một ai đó vào và đảm bảo mọi thứ vận hành suôn sẻ?” Và vị chiến lược gia dường như rất kiên định với những đối sách ông đã bố trí. Ông đã trông cậy rất nhiều ở Boro Primorac, người từng huấn luyện tại Giải Hạng Nhất Pháp trước khi theo chân Wenger đến Anh và gia nhập Arsenal. Ken Friar đã tiết lộ về cách bộ đôi này làm việc cùng nhau: “Boro đóng vai trò [như chuyên gia phân tích] trong tất cả các trận đấu có đội hình chính tham gia, đồng thời ông cũng tiết lộ những kết quả thu thập được trong giờ nghỉ và cuối trận đấu. Và trong ngày tiếp theo, dù là Chủ Nhật, họ cũng xem lại cuốn băng và ngồi đó hàng giờ liền trao đổi về những đánh giá trong trận đấu. Nhờ vậy, mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ. Họ bù đắp cho nhau. Tôi chưa từng phát hiện giữa họ có bất đồng nào. Tôi tin chắc đó là mối quan hệ hợp tác bền chặt.” Nhưng liệu ông có thể nói được điều tương tự về Pat Rice? Liệu ông có đạt được tiêu chí như người đóng vai trò quan trọng thứ hai sau khi Gazidis tham gia vào hoạt động huấn luyện và thi đấu?

Có thể như Frank McLintock đã phát biểu: “Wenger nên giữ lại Don Howe.” Vị cựu huấn luyện viên đội tuyển Anh, một trong những hậu vệ tổ chức được sùng bái nhất trong giới túc cầu, đã tiếp nhận công tác tại học viện đào tạo cùng Liam Brady trong suốt nhiều năm, thay vì trở thành thành viên quan trọng thứ hai sau Wenger trong ban huấn luyện. Ông không hẳn là không đạt được thành tựu, nhưng giống như Wenger, Brady cũng khá thận trọng trong việc chi phối quyền lực tại học viện, nên tầm ảnh hưởng của Howe cũng bị giới hạn. Hơn nữa, sở trường của ông là làm việc cùng các cầu thủ giàu kinh nghiệm trận mạc. Với vai trò một lãnh tụ kỳ cựu, ông không phải e ngại Wenger; tuy nhiên, như Bob Wilson cũng chỉ an phận với tư cách huấn luyện viên thủ môn, Howe chỉ có thể đưa ra lời khuyên như một cố vấn chuyên môn.

Có lẽ sau cùng Wenger cũng nhận ra sai sót trong sách lược phòng ngự của ông. “Hầu hết chúng [các bàn thua] đều được ghi trong các tình huống cố định theo cách anh không hề muốn bản thân trở thành nạn nhân. Chúng thật ra rất dễ điều chỉnh. Chúng tôi cần phải cải thiện đội hình [về mặt thể lực]. Chúng tôi cần phải lão luyện hơn nhằm khắc chế các tình huống chúng tôi đã gặp phải trong mùa này [2010/11].” Nếu hai ngài Keown và Bould không quá xa cách đội hình chính, chắc hẳn họ đã góp sức khắc phục vấn đề này từ nhiều năm trước. “Steve Bould luôn chứng tỏ được khả năng trong các khâu phòng ngự,” đồng đội cũ của ông, Alan Smith nhận xét: “Arsène lắng nghe ý kiến của Bould, vì ông ấy không phải mẫu người chỉ biết gật đầu, và luôn nói rõ với Arsène những gì ông nghĩ. Nhưng ông lại không thích nghi được với môi trường tại đội một. Thật lạ lùng. Anh còn nhớ lần cuối đội bóng giành được những gì Wenger kỳ vọng mà không phải điều chỉnh về chiến thuật và hàng hậu vệ chứ? Chúng ta sẽ quay lại với triết lý của ông ấy về việc lựa chọn những cầu thủ xuất sắc và trao cho họ trách nhiệm. Nhưng nếu họ không làm được như anh kỳ vọng,anh sẽ gặp rắc rối.”

Rất may, thủ thành số một, Wojciech Szczęsny đã chứng tỏ anh hội tụ đủ những phẩm chất từng thấy ở Jens Lehmann chỉ sau vài tuần gia nhập đội hình chính. Anh tiết lộ, “Sau mỗi trận đấu ông ấy đều phân tích với tôi rất cụ thể. Ông ấy cũng gọi riêng tôi khi tập luyện, hoặc khi đang khởi động, và cho tôi rất nhiều lời khuyên về những chi tiết nhỏ khi thi đấu. Điều đó chẳng có gì ghê gớm, vì tôi cũng chẳng phạm nhiều sai sót nghiêm trọng, nhưng ông ấy đã ghi lại từng vấn đề nhỏ và dùng hết kinh nghiệm để giúp đỡ tôi, Điều đó rất hữu ích và khiến tôi vô cùng cảm kích. Thật tuyệt vời, tôi mong có thể làm việc với ông ấy nhiều hơn nữa và học hỏi từ ông nhiều hơn nữa. Ông ấy chắc chắn sẽ hội đủ phẩm chất của một huấn luyện viên hàng đầu – vì ông có khả năng truyền đạt thông tin một cách đơn giản nhất, nhờ đó, anh có thể hiểu rõ từng lời khuyên của ông.”

Trang web chính thức của câu lạc bộ đã tiết lộ rằng huấn luyện viên thủ môn Gerry Payton “đã trải qua 8 mùa giải cùng ban huấn luyện Arsenal” và “cựu thủ thành người Cộng hòa Ai-len sẽ tiếp tục phục vụ vì tương lai của lứa cầu thủ tài năng tiếp theo tại Arsenal”. Đó cũng là điều Szczęsny nhận thức được ở một tên tuổi lớn sau vài tuần gia nhập – bất chấp sự tự tin mạnh mẽ từ bản thân ông – người duy nhất tại câu lạc bộ nỗ lực trau dồi cho anh về các nghiệp vụ của thủ môn, thay vì đóng vai một thủ thành lão làng từ hơn một thập niên trước, chỉ biết than vãn về những vận rủi anh có thể gặp phải để chưa sẵn sàng tại London Colney. Có thể nhận thấy rằng huấn luyện viên đã không lo lắng thái quá, vì mọi thành viên trong đội hình của ông đều thấm nhuần từng bài học đến từng câu từng chữ; họ sẽ nỗ lực vì toàn quyền kiểm soát bóng, và mọi mối đe dọa từ đối thủ cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy, vị huấn luyện viên thủ môn vẫn tiếp tục tại vị, nhờ đã nhận thức được bản chất số bàn thua khủng khiếp trong nhiệm kỳ của Wenger, khi đội bóng vẫn chưa có huấn luyện viên phòng ngự nào. Tương tự, dù đã thuê về vô số chuyên gia trị liệu, đội bóng vẫn thiếu một bác sĩ công tác toàn thời gian – người có thể đưa ra các chẩn đoán và phác đồ điều trị chính xác trong các tình huống chấn thương. Song, Wenger lại muốn trông cậy vào sự hỗ trợ thời vụ của bạn ông, bác sĩ Philippe Boxall – người phải bay sang Pháp đều đặn hàng tuần khi cần thiết.

“Ông ấy không muốn trao quyền,” một người bạn tâm giao của Wenger cho biết. “Nhưng chính bởi thế đội bóng mới ngày càng suy yếu, vì ông ấy không muốn có thêm người hỗ trợ. Ông ấy có thể là bất cứ ai ông muốn. Ai cũng biết điều đó, nhưng ông ấy dám làm bất kỳ điều gì chống lại mong muốn của ông, vì dù sao ông vẫn là nhân tố quan trọng nhất câu lạc bộ. Còn họ [ban lãnh đạo] hầu như đã phải quỳ gối hòng van nài ông ký vào bản hợp đồng trị giá 6 triệu Bảng, và tiếp tục giao trọn cho ông quyền lực tuyệt đối của một huấn luyện viên… Tôi vẫn không hiểu làm cách nào anh có thể áp đặt một người đảm nhận chiếc ghế huấn luyện trái với nguyện vọng của họ, hoặc tước đi mọi thứ của một chiến lược gia mà bỏ qua mọi cảm giác của ông ta.”

So sánh Wenger với Alex Ferguson là quyết định khá khắt khe, chân thực và ý nghĩa. Như cựu huấn luyện viên tuyển Anh, Steve McLaren chia sẻ, Ngài Alex đã phát biểu như sau khi ông vừa gia nhập sân Old Trafford: “Anh đến đây để làm huấn luyện viên, hãy quen với điều đó.” “Ông ấy [Ferguson] tập hợp quanh mình một đội ngũ tài giỏi và để họ tự do làm việc của mình.”

Gazidis cũng từng được phỏng vấn về mối quan hệ tương tác giữa ông với Wenger.

“Tôi nói với Arsène về bất kỳ vấn đề nào tôi muốn và hỏi ông ấy rằng liệu điều tôi đang xem xét có phải là vấn đề khó khăn không. Tôi chưa bao giờ nhận thấy ông ấy tỏ ra phản kháng hay phòng thủ trước những câu hỏi đó. Tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy ông ấy muốn giấu diếm phương pháp điều hành của mình; ngược lại, ông luôn trao đổi với thái độ cởi mở. Tôi nghĩ chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện vô cùng trọn vẹn, thẳng thắn và phóng khoáng”.

“Ông đã từng bất đồng ý kiến với Wenger?”

“Tất nhiên. Nhưng chúng đều xuất phát từ đánh giá cá nhân về những gì diễn ra trên sân cỏ; tôi thậm chí còn tin tưởng đánh giá của Wenger hơn chính bản thân tôi”.

“Nhưng ông có thể đề xuất ý kiến và khiến ông ấy rút lại ý kiến.”

“Chúng tôi có những cuộc thảo luận rất hào hứng về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng ông ấy chưa bao giờ tỏ ra khó chịu về điều đó.”

Từ việc tìm hiểu kỹ về Wenger, Gazidis muốn tin chắc rằng ông đã chọn đúng người đúng việc. Tuy vậy, ông đã phải thừa nhận: “Tôi nghĩ ông ấy đã gánh vác quá nhiều. Ông ấy không điều hành theo cách dễ dàng, như chỉ tay năm ngón hay đổ lỗi cho người khác. Ông ấy gắn kết rất mật thiết với hoạt động tại câu lạc bộ và có ảnh hưởng rất lớn đối với chiến lược của chúng tôi, và ông ấy sẽ không phủ nhận điều đó. Chúng tôi đã mở ra một hành trình và định hướng mới mẻ, không ký kết với các siêu sao, khác hẳn so với mô hình đang được vận dụng Real Madrid, Chelsea hay Manchester United. Chiến lược chúng tôi lựa chọn còn rất nhiều câu hỏi cần lật mở. Đó là những gì chúng tôi đang nỗ lực thực hiện; và tôi nghĩ rằng Wenger, với danh tiếng bất hủ của ông, sẽ không bao giờ từ bỏ lập trường của mình. Ngược lại, ông sẽ nỗ lực hết sức và theo đuổi đến cùng. Tôi tin rằng tại câu lạc bộ này, chúng tôi sẽ xây dựng nên một nền móng bền vững từ phương thức tự-lực-cánh-sinh. Chúng tôi sẽ không phụ thuộc vào các nguồn lực tài chính bên ngoài. Đó là hướng đi vô cùng thách thức đối với chúng tôi. Sẽ rất khó khăn, và chúng tôi sẽ phải đối mặt với  vô số thử thách, cạnh tranh trước mắt.

Nhưng về lâu dài, tôi tin tưởng câu lạc bộ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, và xứng đáng là một trong những đội bóng xuất sắc nhất nước Anh cũng như thế giới. Và chúng tôi cũng không tự thúc ép lao vào mô hình kinh doanh không bền vững”.

Do toàn cảnh nền bóng đá Anh đã thay đổi đáng kể từ sau sự xuất hiện của tỉ  phú Roman Abramovich, và bước sang một giai đoạn mới sau thương vụ mua lại câu lạc bộ Manchester City của Tập đoàn Abu Dhabi United cùng thương vụ mua lại Liverpool của Tập đoàn Fenway Sports, Arsenal đã không còn giữ được lợi thế cạnh tranh như thời sân Emirates mới được lên thành dự án và các khoản vốn còn đang được huy động. Ban lãnh đạo và Wenger vẫn tiếp tục tranh cãi về các lợi ích lâu dài từ chính sách tài khóa tự-lực-cánh-sinh, nhưng với Chelsea, Manchester United và Manchester City liên tục tung hoành trên thị trường chuyển nhượng, gắn liền với các thương vụ đình đám và mức lương khổng lồ dành cho các danh thủ (trong mùa bóng 2009- 2010, Manchester City đã chi tổng cộng 145 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng cùng tổng lương cầu thủ lên đến 133 triệu bảng, vượt xa toàn bộ doanh thu năm đó của câu lạc bộ là 125 triệu bảng), hàng năm, mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn cho Wenger và các học trò trên hành trình bảo vệ vị thế tại nhóm dẫn đầu. “Arsenal không phải một đội bóng tồi, nhưng họ thi đấu chưa đủ hay để mang về dù chỉ một danh hiệu,” một cổ động viên thâm niên rầu rĩ nói. “Không lẽ họ đã thỏa mãn với vị trí thứ tư và coi việc cân đối chi tiêu là mục tiêu hàng đầu rồi sao?”

Việc Wenger trở thành một trong những huấn luyện viên được thèm muốn nhất trong giới túc cầu còn thể hiện sự tôn kính rộng rãi đối với ‘giáo sư’ từ các đồng sự của ông. Nhờ thành quả từ triết lý bóng đá của Wenger, người hâm mộ môn thể thao vua trên khắp thế giới giờ đây đã có thể theo dõi từng trận cầu qua màn ảnh nhỏ, với khao khát được chiêm ngưỡng đấu pháp mang đậm chất Wenger trong từng pha trình diễn của Pháo Thủ. Riêng ‘giáo sư’, do đã hiểu thấu tất cả những tình cảm ấy, đã xác nhận: “Tôi muốn giành danh hiệu, nhưng tôi cũng tin các anh sẽ không thể tồn tại như một câu lạc bộ, hoặc khẳng định được tên tuổi trên khắp năm châu mà thiếu đi phong cách thi đấu của riêng mình.”

Cơ sở vật chất có thể đã sẵn sàng, nhưng đến khi nào ngân sách còn chưa được rót vào những tên tuổi đã thành danh thay vì những mầm non mới chớm, thì đội bóng vẫn còn phải đối mặt với nỗi lo bị đối phương bắt kịp và bỏ lại phía sau. Họ vừa phải đuổi theo những đối thủ nặng ký trong tốp đầu, vừa phải ngoái lại phía  sau đề phòng kẻ khác bứt phá. Vì vậy, nếu Wenger cần thêm mắt phía sau lưng, trước hết ông phải chấp nhận nhìn rõ hoàn cảnh trước mắt, và đưa ra các đối sách thích hợp. Cũng có thể ông sẽ tìm được động lực từ Ivan Gazidis, người đã thú nhận rằng: “Tôi không quan sát vị thế hiện tại của Arsenal qua lăng kính màu hồng; ngay từ ban đầu, tôi đã tin tưởng rằng đội bóng này – dù tuổi đời còn trẻ –đang dần trưởng thành. Có lẽ hiện thời chúng tôi không cần quá chú trọng về phẩm chất này; nhưng tôi tin tưởng trong tương lai gần, tên tuổi của chúng tôi sẽ được nhiều người nhắc đến. Vị CEO cũng bổ sung thêm một quan điển quan trọng: “Nếu chúng tôi không gặt hái được thành quả, thì Arsène sớm muộn gì cũng tự vùi mình trong vô số áp lực như bất kỳ ai nắm giữ vị trí này.”

Và thành công cũng đồng nghĩa với danh hiệu: 6 mùa giải trắng tay liên tiếp và không có dấu hiệu gì về một cuộc ‘hôn nhân’ [mối dây ràng buộc] hạnh phúc và bền vững. Thái độ nôn nóng khác thường từ ban lãnh đạo khi Wenger gia hạn hợp đồng năm 2010 đã chỉ ra rằng: trừ khi có sự thay đối toàn diện về tình cảm của Wenger đối với câu lạc bộ, thì ‘hôn lễ’ sẽ mãi không bao giờ được cử hành. Tuy nhiên, nếu một vụ ‘li dị’ xảy ra, thì Arsène, tuy đau xót, nhưng vẫn sẽ chấp nhận sự thật. “Tôi luôn nói rằng mỗi huấn luyện viên đều sở hữu một câu chuyện tình với đội bóng của họ,” ông chia sẻ vào năm 2008, “và anh ta phải cư xử như thể đó là một câu chuyện tình vĩnh cửu, nhưng không ngu ngốc đến mức tin rằng niềm hạnh phúc đó sẽ không bao giờ kết thúc.”

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá