Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

ARSENAL – Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại – Chương 8

Này ông bạn, có thể dành cho tôi 260 triệu bảng được không?

Làm cách nào một tổ chức với tổng doanh thu 91 triệu bảng, thua lỗ hơn 22 triệu bảng trước thuế, lại có thể huy động thêm 357 triệu bảng? Câu trả lời: với ba người đàn ông – Danny Fiszman, Ken Friar và Keith Edelman – họ đã làm việc không kể giờ giấc, thâu đêm suốt sáng nhằm thuyết phục một nhóm các ngân hàng thân thiết chia sẻ gánh lo cùng họ. Danny Fiszman (như sau này ông tiết lộ với một nhóm cổ động viên) luôn thức dậy vào mỗi buổi sáng với tấm trải giường thấm đẫm mồ hôi. Và nếu trong năm 2008 chủ tịch Peter Hill-Wood lên tiếng thừa nhận: “Nếu có thể quay ngược lại thời gian, chúng tôi sẽ không đặt ra nhiều tham vọng đến như vậy,” (hàm ý rằng ông nhận thấy đội bóng nên tỏ ra bớt ngông cuồng về các trận đấu và phong độ của chính họ), thì liệu tất cả sẽ còn trăn trở đến đâu khi cùng nhau trải qua khoảng thời gian đen tối do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền mặt 5 năm về trước?

Thời điểm đó, Leeds United đã gây tai tiếng tại Giải Ngoại hạng Anh do họ luôn tỏ ra dương dương tự đắc về kế hoạch theo đuổi giấc mơ trở thành một siêu thế lực của bóng đá châu Âu. Hương vị cuồng nhiệt của vinh quang khi vào đến vòng bán kết Champions League năm 2001 mãnh liệt đến nỗi đã khiến họ không tiếc tay vung tiền cho các khoản lương cầu thủ cùng các thương vụ chuyển nhượng – chính sách này rốt cuộc đã hất văng họ khỏi Giải Ngoại hạng và rơi vào vòng kiểm soát của Liên đoàn. Nếu không đảm bảo cơ hội liên tục tham dự Champions League, Arsenal có lẽ đã sa vào lối mòn tương tự, đã sớm chìm sâu trong nợ nần giữa lúc nỗ lực xây dựng ngôi nhà mới. “Rất nhiều ngân hàng đã tỏ ra ngần ngại vì tận mắt chứng kiến thảm trạng tài chính của Leeds,” Edelman xác nhận. “Nói chung, khối ngân hàng chẳng mấy mặn mà trước cơ hội chúng tôi mang lại từ việc xây cất sân vận động mới”.

Mặc dù vậy, sau cùng đội bóng cũng đủ khả năng huy động thành công nguồn vốn của riêng họ. Năm 2000, một đề nghị phân chia cổ phiếu đã mang lại cho tập đoàn truyền thông Granada (nay đã sát nhập vào ITV) một khoản lợi tức từ 9,99% cổ phần câu lạc bộ, ngang bằng với quyền lợi dành cho các đối tác trực thuộc Arsenal Broadband, một quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập nhằm khai thác các quyền lợi truyền thông. Đổi lại, đội bóng sẽ nhận được 77 triệu bảng chia làm hai đợt: 47 triệu khi thỏa thuận được phê duyệt, và 30 triệu bảng khi kế hoạch thi công sân vận động mới được thông qua. “Về mặt cơ cấu, chúng tôi đã biến đổi từ một câu lạc bộ sang một doanh nghiệp,” Edelman nhận định – một lời cáo buộc không chủ tâm đối với triều đại quá khứ của David Dein khi ông này biến mọi thứ thành một mớ bòng bong. “Khi tôi gia nhập vào năm 2000, chúng tôi gần như không còn một xu dính túi.

Arsenal đã bổ sung thêm 150 triệu bảng vào vốn điều lệ [dành cho ngân sách xây dựng sân vận động mới], nên chúng tôi phải thực hiện một số giao dịch thật chấn động. Thỏa thuận với Granada chính là đối sách nền tảng [giúp thúc đẩy tiến trình huy động vốn qua các hợp đồng lâu dài].” Chính xác, nhưng liệu câu lạc bộ có đang chuyển giao quá nhiều quyền quyết định vào tay một tổ chức khác – những kẻ giờ đây đã sở hữu một phần lớn trong bản quyền phát sóng và giao thương của họ?

Năm 2004, một hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá 55 triệu bảng đã được ký kết với Nike. Đặc biệt, toàn bộ khoản tiền này đều được ứng trước. Hai năm sau, Nike đã thanh toán đủ 5 lần góp theo hợp đồng tài trợ 13 năm với Manchester United.

Hơn nữa, quyền lợi từ hợp đồng tài trợ áo đấu hiện tại giữa câu lạc bộ với hãng sản xuất điện thoại di động O2 hầu như chẳng bõ bèn gì so với tổng lợi nhuận Manchester United và Chelsea nhận được từ các nhà tài trợ của họ. Trong giai đoạn chuyển giao, Arsenal đã chứng tỏ họ không những có thể mở rộng ngân sách, mà còn đủ khả năng cạnh tranh với Manchester United trên sân cỏ. Tuy nhiên, nhu cầu huy động tiền mặt không những buộc họ tự hạ giá thương hiệu, mà đồng thời còn khiến họ làm xói mòn giá trị lâu dài của tổ chức và trao cho đối thủ những lợi thế cạnh tranh không thể tốt hơn. Điểm nhấn của thực trạng này chính là hợp đồng tài trợ áo đấu mùa bóng 2012-2013 giữa Liverpool với nhà sản xuất Warrior Sports có trụ sở tại Boston, một phân nhánh của New Balance – đối tác liên doanh với các ông chủ của Liverpool, tập đoàn Fenway Sports. Với khoảng 25 triệu bảng mỗi năm, đây được xem là khoản tài trợ hậu hĩnh nhất nước Anh tại thời điểm đó (nếu chưa tính đến hợp đồng mới dành cho Manchester United vài tháng sau đó). Trong lúc Arsenal đang cạnh tranh với Liverpool vị trí thứ tư trong nhóm các đội bóng bán được nhiều áo đấu nhất – chỉ xếp dưới Real Madrid, Manchester United và Barcelona – thì khoản thua lỗ của câu lạc bộ vẫn rất nặng nề và nguy hại.

Về sau, Keith Edelman thi thoảng lại hồi tưởng: “Chúng tôi đã cố gắng thay đổi bản sắc từ 4 đến 5 năm về trước, để giúp mọi người nghĩ xa hơn và theo thiên hướng kinh doanh nhiều hơn. Chúng tôi muốn họ phải suy nghĩ vì mục đích thương mại, và tập trung vào khách hàng”. Một lời phát biểu ủy mị đáng khâm phục; nhưng không như các đội bóng khác, Arsenal thậm chí còn không hội đủ những nguyên lý cơ bản trong chủ nghĩa thị trường. Trở lại những năm 90, khi Edward Freedman cập bến Manchester United và xây dựng tại đây một đơn vị phụ trách thương mại, ông đã tiến hành bước thứ hai – bước thứ nhất là tăng gấp đôi số tiền trên hóa đơn và số hàng bán tại cửa hàng câu lạc bộ – nhằm chấm dứt thỏa thuận cấp phép kinh doanh tại bất kỳ đâu có thể, và giành lại quyền kiểm soát. Trong khi đó, hơn 20 năm trôi qua, Arsenal vẫn đang tìm cách thoát khỏi vòng kìm kẹp trong tình thế thua lỗ hàng nghìn, thậm chí hàng tỉ từ các khoản hoa hồng chia cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài nhằm đề nghị họ quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của Pháo Thủ. Và bao nhiêu lợi tức dành cho tương lai đã phải hi sinh nhằm cho phép Kroenke mua lại 50% cổ phần từ Arsenal Broadband? Như xát thêm muối vào vết thương, cách đó chỉ vài dặm đường, một đối thủ sừng sỏ khác của họ đang dần tạo nên mối đe dọa lớn đối với thế lưỡng lập Bắc/Nam London.

Nắm trong tay một Chelsea kiệt quệ về tài chính, tháng Bảy năm 2003, chủ tịch câu lạc bộ Ken Bates đã bán toàn bộ cổ phiếu, các khoản thế chấp và ngân sách trống rỗng của ông cho tỉ phú người Nga Roman Abramovich. Với các khoản chi khổng lồ, Stamford Bridge đã hóa thân thành ngôi làng riêng của Chelsea, với khách sạn và các căn hộ chung cư như một phần của quá trình cải tạo sân vận động. Nhận thức được dòng chảy doanh thu mới đang đổ về, Chelsea đã không tiếc tiền đổ vào thị trường chuyển nhượng và lương bổng cầu thủ, và lần đầu tiên đã đem về vinh quang cho câu lạc bộ kể từ khi Osgood và các đồng đội trở thành tân vương của King’s Road thập niên 1970, nhưng rồi đã nhanh chóng ngập trong nợ nần.

Arsenal có hai lượt đấu then chốt với Chelsea vào năm 2004. Tháng Hai, họ đã đánh bại The Blues 2-1 ngay tại Stamford Bridge. Và khi đối thủ trực tiếp kết thúc mùa giải ở vị trí á quân ngay phía sau, đó quả thực là một chiến thắng sống còn. Tuy nhiên, vào tháng Tư tại Highbury, vận may của Abramovich đã đảo lộn thành công trật tự bảng đấu thuộc khuôn khổ Champions League. Đã từng có rất nhiều gã lắm tiền nhiều của thích chơi bóng đá, nhưng không ai có gan chi đậm và nhanh như Roman Abramovich để nhận về hiệu quả tức thời. Họ chính là đợt thủy triều xanh với nguồn tài chính dồi dào mà ban lãnh đạo Arsenal không thể lường trước, do đã dành toàn tâm toàn sức hòng bắt kịp Manchester United. Một cá nhân đơn lẻ sẽ cạnh tranh với một doanh nghiệp kiểu mẫu như thế nào, hay chính xác hơn: ai sẽ có can đảm chấp nhận khoản lỗ trung bình hàng chục triệu bảng cuối mỗi mùa bóng? Sau thời kỳ hoàng kim với Đội hình Bất bại trong tay, Arsenal đã nhanh chóng nhận ra mục tiêu xa hơn trước mắt. Từ một Manchester United không ngại vung tiền khắp nơi mà vẫn thu lại lợi nhuận, giờ đây Quỷ Đỏ chỉ là nơi gánh nợ cho các ông chủ người Mỹ sau khi nhà Glazer đứng ra tiếp quản, nhưng rốt cuộc cũng đủ sức ngăn cản gã nhà giàu mới nổi từ Tây London chinh phục danh hiệu ngoại hạng lần thứ ba liên tiếp.

Mặt khác, tại Highbury, tất cả lại phụ thuộc quá nhiều vào một người đàn ông nhằm tạo nên thành quả. Dù sao đi nữa, ông cũng chỉ là kẻ làm công và không có gì đảm bảo ông sẽ trung thành với đội bóng cho đến cuối sự nghiệp. Hợp đồng Arsène Wenger tái ký năm 2001 sẽ mãn hạn vào cuối mùa bóng 2004-2005. Mùa thu 2004, khi thời gian gia hạn đã cận kề, ông đã trở thành một trong những huấn luyện viên được săn đón nhiều nhất từ mọi giải đấu trên thế giới, và có thể ra giá với bất kỳ bến đỗ mới nào nếu ông quyết định ra đi vào mùa hè tiếp theo. “Chúng tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi muốn ông tiếp tục đảm nhiệm cương vị cho đến khi sân vận động mới được khánh thành,” Peter Hill-Wood chia sẻ. “Tất nhiên, chúng tôi muốn ông ấy tại vị lâu hơn. Chúng tôi không cần che giấu sự thật rằng tất cả đều nhìn nhận vai trò của ông trong công tác phát triển cầu thủ cũng quan trọng tương đương tiến trình thi công sân vận động mới.” Không bất ngờ khi Arsène đã quyết định đặt bút ký vào bản hợp đồng năm 2001, không lâu sau khi kế hoạch xây dựng sân đấu mới được triển khai. Và nó đã được ký kết trong bối cảnh người thủ bút hiểu rõ những tháng ngày chi tiêu vô tội vạ đã qua đi, chí ít là trong ngắn hạn, và mọi thứ chỉ tươi sáng hơn nếu ông biết bù đắp những khoản mua bằng những khoản bán – chính sách lược đã mang lại cho ông cương vị này suốt những năm qua.

May mắn là Wenger, vốn đã nhận thức đầy đủ về những cam go đang khuấy đảo sân Highbury và những bất cập trong quá trình thực thi những kế hoạch của ông, vẫn có khả năng thăng tiến cao hơn như bao người khác. “Trái tim tôi muốn ở lại Highbury,” ông thừa nhận, “nhưng trí óc lại muốn tìm kiếm một bến đỗ mới.” Ban lãnh đạo có thể lạc quan về lòng trung thành của ông, nhưng sẽ ra sao nếu kết quả thi đấu dẫn đến sự tuột dốc nghiêm trọng về tài chính và thậm chí khiến chiếc ghế của ông cũng lung lay theo?

Hay tệ hơn, nếu ông gặp vấn đề về sức khỏe thì thế nào? Lòng tin quả thực vô cùng lớn, nhưng vị chiến lược gia phải tạo ra thành quả ngay tức khắc. Ai dám nói rằng niềm phấn khích sẽ phủ khắp câu lạc bộ nếu phép màu của Wenger cùng với chuỗi thành tích bất bại không thể thuyết phục những kẻ hoài nghi, khi Arsenal chẳng qua chỉ là một ngoại lệ nhỏ trong ngành công nghiệp bóng đá đầy nhiễu nhương, và vẫn cần những khoản viện trợ từ ngân hàng?

Tháng Hai năm 2004, đội bóng đang dẫn đầu cuộc đua tại Giải Ngoại Hạng Anh đã tự hào tuyên bố họ đã vay được 260 triệu bảng từ một hiệp hội ngân hàng (được đăng ký tại Scotland, Ireland, Bồ Đào Nha, Đức và Bỉ, nguồn vốn đa quốc gia từ hiệp hội này đã chứng minh cho thương hiệu quốc tế của câu lạc bộ).

McAlpine đã quay lại công việc với mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2006. “Điều quan trọng trong hợp đồng này,” giám đốc điều hành Keith Edelman giải thích, “chính là những rủi ro khi thi công sân vận động đã có các ngân hàng gánh vác, chứ không phải chính Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal. Sân vận động được đăng ký sở hữu dưới tên công ty Ashburton Properties Ltd, và ngân hàng sẽ tiếp nhận rủi ro từ đó; nên nếu sân đấu không thể hoàn công, công ty chủ quản sẽ bị truy cứu trách nhiệm chứ không phải Arsenal. Tuy nhiên, tôi không nghĩ những ai đã đặt bút ký vào hợp đồng này lại tính đến khả năng đó.” “Công ty chủ quản sân vận động sẽ gánh vác rủi ro,” Peter Hill-Wood đồng tình, “nên nếu có vấn đề xấu xảy ra ngân hàng sẽ nắm quyền sở hữu mảnh đất [thay vì câu lạc bộ].

Nhưng mọi chuyện sẽ không diễn ra theo hướng đó”.

Hợp đồng vay được thống nhất sẽ chi trả toàn bộ cho đến năm 2018, với lãi suất hàng triệu bảng vào thời điểm đó. Hill-

Wood vẫn tỏ ra lạc quan dù đang đối mặt với những cam kết tài chính. “Anh không phải lo về việc mắc nợ khi xây sân vận động mới nếu tin rằng mô thức tài chính anh đang theo đuổi sẽ cho anh cơ hội chi trả toàn bộ vào một thời điểm nhất định,” ông quả quyết. “Chúng tôi sẽ thành công và ngân hàng sẽ chấp nhận mô thức tài chính đó, và chúng tôi sẽ đủ sức thanh toán mọi khoản vay trong thời gian dài.”

Ban lãnh đạo đã thấm dần các vấn đề và từng bước trở thành những chuyên gia về bất động sản, vấn đề mà Peter Hill- Wood có thể vô tình diễn giải là “kinh doanh sẽ thu lời nhiều hơn làm bóng đá,” với thanh âm phát ra chưa tròn câu. “Có rất nhiều vấn đề dân sinh mà chúng tôi có thể giải quyết, tất nhiên, điển hình như sân vận động hiện tại sẽ được chuyển thành các khu nhà ở.” Sẽ có khoảng 655 căn hộ (trong đó sân đấu chính sẽ trở thành khu vườn chung cho cả khuôn viên), với giá khởi điểm khoảng 250.000 bảng cho mỗi phòng đơn. Sau khi ước tính lợi nhuận tiềm năng, ban giám đốc đã quyết định họ có thể tự mình thực hiện kế hoạch cải tổ, thay vì phải bán đi mảnh đất với một số kiến nghị hoạch định, như họ đã làm với các khu đất thuộc hai phía mặt bằng đang trong quá trình tái thiết.

Như vậy, “các công việc chủ yếu” của công ty trách nhiệm hữu hạn Arsenal Holdings sẽ được mô tả là “sự kết hợp giữa bóng đá chuyên nghiệp và đầu tư bất động sản”. Việc ban lãnh đạo đội bóng nhanh chóng trở thành các chuyên gia bất động sản đã dấy lên những lời chất vấn rằng ‘tại sao họ không thể học hỏi nhanh như vậy để tối đa hóa doanh thu cho sự nghiệp cốt lõi của họ’, chẳng hạn như quyền đặt tên sân vận động mới.

Trong lúc tiến độ thi công đang vào guồng, thì năm 2004 đã đánh dấu sự thèm muốn không thể cưỡng lại của ban giám đốc trước lời đề nghị ‘dát vàng’ của hãng hàng không Emirates Airline: tổng cộng 100 triệu bảng – theo tuyên bố ban đầu (sau này giảm xuống còn 90 triệu bảng) – cho quyền đặt tên tại sân vận động mới trong 15 năm và cam kết tài trợ áo đấu trong 8 năm kể từ 2006.

Trong ngày hợp đồng được ký kết, theo lời Peter Hill-Wood: “Tôi rất bất ngờ khi được tin ông ta [David Dein] đang lang thang ngoài khách sạn trong lúc chúng tôi tổ chức một buổi họp kín, dù chẳng có gì bí mật như chúng tôi nghĩ. Tôi không biết ông ta có ở gần đấy [cuộc đàm phán đặt tên sân đấu mới] hay không. Nhưng tôi tin chắc ông ta cũng có liên quan trong chuyện này.” Tất nhiên là thế. Con trai của vị phó chủ tịch, với tư cách người đại diện cho Thierry Henry đã có một cuộc gặp ngắn tại Dubai thay mặt thân chủ của anh. Do chia sẻ cùng quan điểm với người cha về tầm quan trọng của quyền đặt tên (và trong mọi khả năng tìm kiếm những hợp đồng giá trị), anh đã tự tiến cử mình với hy vọng thúc đẩy việc thương thảo với Emirates. Lời đề nghị đã bị từ chối một cách không rõ ràng. Tuy nhiên, hãng hàng không đã nghe về triển vọng hợp tác và tỏ ra rất sốt sắng đối với thương vụ này. Đối diện với lời mời chào hấp dẫn nhất trên bàn đàm phán, Arsenal buộc phải nhượng bộ trước những lời ngon ngọt của Emirates.

Tuy nhiên, sân vận động mới hóa ra đã từng có tên trước khi Emirates nhảy vào cuộc. Bản thân đội bóng muốn gọi ngôi nhà mới của họ là Ashburton Grove, tên của một con đường đã bị xóa khỏi bản đồ do những thay đổi về cảnh quan xung quanh, vốn xuất phát từ yêu cầu mua lại cưỡng bách của hội đồng quận trên danh nghĩa đội bóng. Chỉ đến khi họ nhận ra rằng việc sử dụng cái tên Ashburton Grove sẽ dẫn đến mối đe dọa thật sự đối với giá trị ngầm của quyền đặt tên họ đã bán đi, đội bóng mới bất ngờ nhẫn nhịn trước mọi lời tuyên bố của dư luận nhắm về phía họ. Thế nhưng, “con mèo đã  nhảy ra khỏi miệng túi”, và rất nhiều cổ động viên bóng đá thuần túy đã cảm nhận rằng: sau những năm tháng đẹp đẽ tại Highbury, dòng chữ ‘ngôi nhà bóng đá’ được viết lên cổng North Road gần đường Gillespie sẽ tố cáo rằng: Arsenal đã bán đứng linh hồn của họ. Chưa hết, họ còn dự kiến sẽ gọi tên ngôi nhà mới theo tên của hãng máy bay và tiếp tục sử dụng cái tên Ashburton Grove, hay thậm chí rút bớt còn Ashburton hoặc Grove khi nhắc đến sân đấu. Tạp chí người hâm mộ The Gooner – tờ tạp chí ăn khách nhất của câu lạc bộ, vốn được các cổ động viên tự do và nhiệt huyết sáng lập, đã đưa ra một sách lược chẳng liên quan gì đến sân động mới và đặt tên là “Chữ E”. “Hiển nhiên, cổ động viên sẽ có cái tên chính xác và phù hợp nhất cho sân vận động,” Brian Dawes, một người hâm mộ đăng ký vé trọn mùa cho biết – anh đã viết lại chữ ký của mình trong hộp thư e-mail với dòng chữ: “Một cuộc đời, một trận đấu, một đội bóng, ba cú ăn hai, một mùa giải bất bại và hơn 1.000 bàn thắng tại Highbury.” “Đã có người nói rằng đội bóng sẽ phải nhờ cậy chúng tôi tìm một cái tên mới khi sân vận động cần đặt lại tên vào năm 2021. Chúng tôi sẽ trở thành bàn đạp để danh tiếng đội bóng vang xa ngoài châu lục, chứ không chỉ mang tầm cỡ quốc gia. Và lời thanh minh của Edelman rằng “chữ ‘Arsenal’ không nên được viết trên băng ghế ngồi vì sẽ gây bất công với các nhà tài trợ” thật sự khiến tôi phát ốm.” Người hâm mộ đã trải qua cuộc tranh đấu lâu dài, nhưng rồi họ đã thất bại. Đến khi tất cả các hãng truyền thông ăn khách nhất chứng thực tên gọi mới của nhà tài trợ, thì mọi người đều hiểu rằng thỏa thuận đã hoàn tất.

Theo quan điểm của David Dein, việc các cổ động viên Arsenal bất đắc dĩ phải chấp nhận chuyện đã rồi là cách phản ứng không đúng nơi đúng chỗ. Với kinh nghiệm quảng bá cho các môn thể thao theo phong cách Mỹ, ông buộc phải cay đắng thừa nhận rằng quyền đặt tên vốn đã là một quy chuẩn. Thế nhưng thứ thịnh hành ở nước Mỹ lại là quan điểm ‘tư duy theo giải đấu’. Tại đó, các giải đấu là nơi khai sinh các đội bóng, chứ không như  tại châu Âu – chính các đội bóng mới làm nên giải đấu. Tại Mỹ, những cái tên hàng đầu, những thương hiệu lớn, chính là NFL, NBA, MLB hay NHL. Còn các đội bóng chỉ đóng vai phụ. Thực tế, họ chưa phải là những đội bóng thật sự, mà chỉ là những cơ sở nhượng quyền với cơ sở vật chất đủ để du đấu từ nước này sang nước khác, thậm chí cả nghìn dặm đường nếu ‘ông chủ’ của họ vẫn đủ khả năng rót kinh phí. Các giải đấu thậm chí còn tự nhượng quyền cho những tổ chức vặt vãnh và bán cho kẻ trả giá cao nhất.

Thế nhưng, vai trò và giá trị mà Giải Ngoại hạng Anh tin tưởng, cũng như cả nền bóng đá Anh tin tưởng, đều xuất phát từ ‘tư duy theo câu lạc bộ’. Arsenal, Manchester United hay Liverpool sẽ mãi là những cái tên đình đám hơn chính cuộc chơi họ đang tham dự, và họ buộc phải nỗ lực không ngừng nhằm bảo toàn những giá trị cốt lõi, dưới cái tên chung là ‘bóng đá’. Trên tinh thần đó, nếu rao bán quyền đặt tên, chẳng khác nào họ đã rao bán chiếc vương miện nạm đầy châu báu cho một thế lực xa lạ chẳng mặn mà gì với bóng đá. Thật vô nghĩa! Phần lớn cổ động viên thà chấp nhận không nhận được khoản tài trợ nào; hiển nhiên, họ đã tự xem mình là những vệ binh trung thành nhằm gìn giữ di sản và truyền thống của đội bóng, chứ không như ban lãnh đạo vốn đã lún quá sâu vào nghiệp kinh doanh.

Sân vận động là hình ảnh đại diện cho yếu tố cơ bản về cả vật chất lẫn tinh thần để cùng nhau làm nên – theo lối nói marketing – thương hiệu Arsenal.

Thương hiệu mới làm nên sự nghiệp. Đó là quy luật trong bóng đá: từ Arsenal, Aston Villa cho đến Accrington Stanley, từ thương hiệu quốc tế, thương hiệu quốc gia cho đến thương hiệu địa phương. Và ở mọi cấp độ, lòng trung thành của người hâm mộ sẽ luôn ở trạng thái thuần khiết nhất và mạnh mẽ nhất, vì một cổ động viên bóng đá vốn khác xa một khách hàng doanh nghiệp. Tất nhiên, khách hàng luôn dành sự ưu ái rõ rệt đối với các sản phẩm và dịch vụ nhất định, nhưng chúng ta không thể ngăn những người mua sắm ở Sainsbury chuyển sang mua hàng tại Tesco chỉ vì nơi đó có khuyến mãi đặc biệt trong tuần. Tương tự, một lời đề nghị gắn-với-tiền sẽ dễ dàng thuyết phục một khách hàng trung thành của một nhãn hàng cụ thể chấp nhận thay đổi lựa chọn, dù chỉ là dùng thử.

Giá càng thấp, con người càng dễ thay lòng. Nhưng với bóng đá thì không! Một khách hàng có thể thử nghiệm nhiều lựa chọn, nhưng một cổ động viên thì không. Họ sẽ sống chết với câu lạc bộ họ yêu quý đến hết đời. Vì một cổ động viên thật sự không thể thức dậy mỗi ngày mà thôi nghĩ về niềm cảm hứng của họ trên sân cỏ – về quá khứ, hiện tại và tương lai của đội bóng. Nhiều lúc cổ động viên có thể căm ghét ban lãnh đạo và cách đối xử tàn tệ của các ông chủ đối với cầu  thủ; mặc dù vậy, trong thâm tâm, họ luôn có một sợi thừng thắt chặt vĩnh viễn bản thân với đội bóng. Và câu lạc bộ chính là nơi kết nối sợi thừng đó với mặt sân.

Như một tài sản quý giá, giá trị tối thượng của sân vận động đã vượt quá vai trò đem lại thu nhập cho đội bóng mỗi khi có trận đấu diễn ra. Liệu Marks & Spencer có cho phép British Airways quảng cáo trên biển hiệu cửa hàng và che lấp giá trị thương hiệu của họ? Đâu là thứ giá trị xa lạ của chính hãng tài trợ mà họ luôn mang theo bên mình? Suốt nhiều năm qua, danh tiếng của Arsenal đã khước từ biết bao lời ve vãn từ các doanh nghiệp rượu hay tổ chức cá cược nhằm đưa tên của họ lên màu áo đỏ trắng. Nhưng gần đây, Emirates đã làm được điều đó với Chelsea (cho đến năm 2005). Chỉ sau một năm, “Fly Emirates” đã rời bỏ sắc xanh và chuyển sang sắc đỏ. Ít nhất, họ cũng chứng tỏ mình là hãng hàng không đẳng cấp thế giới.

Không những thế, họ còn mang đến cơ hội kết nối với các chương trình giải trí phục vụ trên các chuyến bay và sự thịnh vượng kéo theo vô vàn cơ hội kinh doanh tiềm năng khác dành cho đối tác tại trụ sở Dubai của họ.

Ít nhất đây chỉ là lý thuyết. Sau một thời gian cộng tác, Arsenal đã bắt đầu thất vọng khi nhận ra đối tác của họ không còn mặn mà khai thác thêm các cơ hội kinh doanh với lợi ích song phương nữa– trái ngược hoàn toàn với hãng tài trợ áo đấu O2 trước đây. Không những thế, bất chấp nắm trong tay thương hiệu ăn khách của một trong các đội bóng được tài trợ nhiều nhất Giải Ngoại hạng Anh, ban lãnh đạo Arsenal vẫn không tìm kiếm cơ hội đàm phán lại hợp đồng. Có thể Emirates chỉ tỏ ra nhượng bộ nếu hợp đồng được gia hạn, nhưng đó vẫn chưa phải những gì đội bóng mong muốn.

Tiếc thay, trong lúc tiền mặt vẫn còn kẹt cứng tại Bắc London, Manchester United lại một lần nữa chứng tỏ khả năng tối ưu hóa mọi liên minh của họ. Từ Audi cho đến thành phố Seoul, họ đã quy tụ được khoảng 12 nhà cung cấp chính thức trên khắp thế giới. Trong khi Arsenal có không đến một nửa số đó. Aon, công ty bảo hiểm Hoa Kỳ – cũng là nhà tài trợ chính của United – đã vung tay rất hào phóng (khoảng 80 triệu bảng trong bốn năm) để đổi lấy không chỉ các đặc quyền hay logo của họ lên áo đấu, mà còn mở rộng cửa cho các dịch vụ tài chính của họ tiếp cận các đối tượng mục tiêu tiềm năng nhất.

Có một lần, Arsène Wenger đã tuyên bố rằng ông sẽ biến Arsenal thành một đội bóng hùng mạnh hơn cả Manchester United. Điều gây tranh cãi ở đây là thậm chí nếu họ có vô địch Giải Ngoại hạng thường xuyên hơn đội bóng của Alex Ferguson, thì với quyền năng vô hạn của dòng chữ “Manchester United”, Arsenal cũng khó lòng vượt mặt Quỷ Đỏ. Trong khi Arsenal xuất hiện như những kẻ ở mướn tại chính ngôi nhà mới của họ – logo và khẩu hiệu lớn của Emirates trong phông chữ Ả Rập hoàn toàn đối chọi với bản sắc của Arsenal (được xoa dịu bớt trên 8 bức tranh tường khổng lồ công bố năm 2009, như một phần của chiến dịch được ban lãnh đạo đặt tên là “Arsenal hóa”) – thì United vẫn tự hào vì sân Old Trafford luôn là ‘Nhà hát Của Những Giấc mơ’, vẫn liên tục truyền tải thông điệp thuần nhất và đầy sức mạnh từ truyền thống thi đấu của họ, và sẽ tiếp tục duy trì điều đó trong tương lai; đến mức họ có thể thoải mái từ chối tất cả những lời đề nghị bạc triệu từ những kẻ ngoài mặt luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác ‘trong sáng’, nhưng thâm tâm chỉ muốn đổi quách cái tên Old Trafford.

Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng: trong kinh doanh, anh vẫn có thể tận dụng các khoản lợi tức cộng thêm khi rao bán quyền đặt tên sân vận động, mà vẫn thỏa mãn tâm lý người hâm mộ: đó là cam kết cải thiện chất lượng đội hình và cơ hội giành chiến thắng trên sân cỏ. Arsène Wenger sẽ làm gì với 42 triệu bảng đắp thêm vào tấm chiến giáp của ông? Nếu có! Thế nhưng, khoản tiền mang về cho Emirates cái tên họ mong muốn lại được sử dụng nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần, hay ít nhất là một phần lãi của chúng. Tuy nhiên, nếu không có tham vọng, Arsenal đã chẳng mạo hiểm xây dựng nên một sân vận động nguy nga đến thế. Họ vẫn có sức chứa 60.000 chỗ ngồi trên sân nhà mà không lo phát sinh chi phí, bị giới hạn ngân sách chuyển nhượng hay hạn chế tiềm năng phát triển trong tương lai do thỏa thuận đổi tên đã làm giảm sức hút thương hiệu của họ trên thương trường.

Mặt khác, thỏa hiệp lẽ ra đã có thể bao gồm chữ “Highbury” trong tên sân vận động mới. Nhưng rốt cuộc, họ còn không giữ được cái tên Highbury cho ngôi nhà cũ (được đặt lại là Sân vận động Arsenal, đường Avenell, khu N5) – cơ hội nhấn mạnh thêm những mối dây ràng buộc với một lịch sử vẻ vang. Bằng cách đó, bất kỳ nhà tài trợ nào tham gia vào cuộc chơi đều phải chấp nhận vai trò của một đối tác thứ cấp, và chỉ được phép gắn tên vào tiền tố chứ không phải toàn bộ danh xưng, chẳng hạn như: ‘Sân vận động Emirates Highbury’ – tên gọi này có thể bán được ít tiền hơn, nhưng thương hiệu cùng với sức sống nguyên vẹn bên trong sẽ vẫn được duy trì. Sân cricket Oval trước đây từng có tên là Foster’s Oval, ANP Oval hay Brit Oval, và giờ đây được đổi thành Kia Oval (nhà tài trợ của họ là một hãng xe hơi); nhưng dù sao, nó vẫn mãi là Oval, và nó tượng trưng cho sự gắn kết giữa các cầu thủ Surrey và cổ động viên của họ. Có một câu thành ngữ trong bóng đá: ‘Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” – hàm ý rằng các nhà tài trợ có thể đến rồi đi – Emirates chỉ gắn bó trong 15 năm – nhưng cái tên Highbury sẽ vẫn sống mãi trong tim mỗi Pháo Thủ.

Nắm trong tay một món tài sản như Highbury – dù chỉ là thương hiệu chứ không còn là sân bóng – và sẵn sàng từ bỏ nó! Điều đó chứng tỏ câu lạc bộ đang khát tiền đến mức nào, và chỉ mong thanh toán hết các khoản nợ. Dù đó là Ken Friar – người khởi nghiệp như một chú  bé bưu tá và trở thành giám đốc điều hành một đội bóng 40 năm sau đó, đồng thời tiến một bước dài trong lịch sử câu lạc bộ cũng như con đường sự nghiệp của ông – hay bất kỳ ai khác, cũng không khỏi luyến tiếc giá trị mà đội bóng đã đánh mất. Do vậy, thật mỉa mai khi chính Friar, ngay sau khi Emirates chính thức được khánh thành, đã trìu mến nói rằng: “Highbury sẽ mãi mãi được vinh danh là ngôi nhà bóng đá.” Friar giải thích rằng danh hiệu này vốn đã được đội bóng trao tặng cho Highbury, cùng với nghi thức và cử chỉ tôn kính của các Pháo Thủ. “Chúng tôi luôn tin tưởng rằng chúng tôi mãi là một gia đình lớn, và sẽ luôn tiếp đón đối thủ như những vị khách danh dự và mở rộng cửa chào đón họ đến với ngôi nhà của chúng tôi. Chúng tôi thậm chí còn sẵn sàng vẽ hoa bằng chính màu áo của đối thủ nếu chúng tôi không thể mua được chúng, và sẵn sàng mời họ vào phòng họp cấp cao của đội bóng.”  Những hành động kể trên đã giúp đội bóng ghi điểm trong mắt các đối thủ của họ. “Arsenal rất tử tế” là quan điểm chung của ban giám đốc thuộc các đội bóng còn lại trong Giải Ngoại hạng Anh, một hình ảnh đối lập sắc bén so với các đối thủ cùng thành phố. Chelsea trước thời Abramovich từng bị một đội bóng phía Bắc tẩy chay và gọi là ‘những gã khoác áo lông không quần chẽn’, trong khi Tottenham cũng đã bị một đội bóng phía Nam cảnh cáo rằng: ‘hẳn các anh chưa từng bị một đám du côn choai choai bao vây ở miền Bắc nhỉ.’ Tiếc thay, Arsenal của thời hiện đại cũng đã đánh mất phần nào truyền thống và phẩm chất của họ.

Emirates đã chi trả tổng cộng 42 triệu bảng cho quyền đặt tên trong 15 năm, tương đương 2,8 triệu bảng một năm. Phần còn lại là 48 triệu bảng kinh phí tài trợ áo đấu. Nhằm thanh toán đầy đủ khoản vay 260 triệu bảng, ban lãnh đạo đã cam kết với ngân hàng sẽ trả góp đều đặn mỗi năm 2,5 triệu bảng qua thu nhập từ các quyền lợi trên. Như vậy, thực tế  họ chỉ để dành được 300.000 bảng nhằm nuôi dưỡng tham vọng. Bán rẻ linh hồn đã là điều tồi tệ; đằng này, anh còn bán đứt cho một tập đoàn chẳng đếm xỉa gì đến bóng đá, lịch sử hay truyền thống câu lạc bộ. Và từ thực trạng tài chính khắt khe, thiếu thốn tiền bạc, ban lãnh đạo mới đối diện với sự thật rằng họ đang thiếu đi những chuyên gia marketing thật sự.

Không những thế, 48 triệu bảng tiền tài trợ áo đấu trong 8 năm hóa ra chẳng là gì cho với lợi ích Manchester United nhận được từ Tập đoàn Bảo hiểm Hoa Kỳ AIG vào năm 2006: 56 triệu bảng trong 4 năm, bỏ lại Arsenal chạy dọc theo đường tàu với khoảng cách 8 triệu bảng mỗi mùa. Và khoảng cách đó giữa hai ông lớn còn được nới rộng theo từng năm. So với Manchester United và Liverpool, những đội bóng gần đây đã lần lượt giành được hợp đồng với Aon và Standard Chartered với lợi nhuận mỗi năm được cho vào khoảng 20 triệu bảng, thì giá trị hợp đồng dài hạn với Emirates chỉ hơn 10 triệu bảng mỗi năm. Và không cần chờ đến năm 2014 Arsenal mới cần đến một cuộc cách tân. Sau thất bại trước Hamburg, đội bóng nước Đức đang thi đấu tại Bundesliga, một câu lạc bộ với tầm vóc thua kém Pháo Thủ rất nhiều – với lợi nhuận mỗi năm chỉ bằng một nửa Arsenal – Emirates đã đàm phán lại với Hamburg về hợp đồng tài trợ áo đấu, và kết quả là đội bóng Đức đã nhận được khoản thu nhập thường niên bằng với Pháo Thủ thành London. Tất nhiên, nhiều người sẽ bác bỏ luận điểm trên vì cho rằng Liverpool và Manchester United có nhiều nguồn hỗ trợ hơn, nhưng hãy nói đến Ajax Amsterdam, đội bóng nhận được nhiều tiền tài trợ áo đấu hơn Arsenal vào mùa giải 2008-2009 mà không phải đảm bảo với nhà tài trợ AEGON của họ – một công ty bảo hiểm nhân thọ và tai nạn – rằng sẽ tiến sâu vào Champions League hay thu hút được nhiều ống kính truyền hình vây quanh đội bóng Hà Lan. Đó là chưa kể đến Chelsea, Tottenham và Manchester City, những đội bóng liên tục thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ từ những tập đoàn danh tiếng có tên trên áo đấu của họ. Giá trị của Arsenal còn tiếp tục rơi rớt thảm hại trong Báo cáo Đánh giá Tài chính của Deloitte mùa bóng 2009-2010; theo đó, giá trị tài sản của Arsenal xếp thứ 5, nhưng khả năng phát triển doanh thu chỉ xếp thứ 13.

Giám đốc điều hành Keith Edelman giải thích về hai hợp đồng ký kết với Emirates và Nike đơn giản rằng: “Tiền mặt là nguồn thu nhập tối quan trọng đối với chúng tôi nên không thể đưa vào mô thức tài chính, và chúng sẽ giúp chúng  tôi thanh toán khoản nợ hiện tại.” Ông thừa nhận, “Chúng tôi đang gánh một số nợ lớn, nhưng doanh thu từ sân vận động mới sẽ không chỉ giúp trả dứt nợ, mà còn sinh lãi. Một đội bóng vừa phải gánh nợ, vừa phải tạo ra lợi nhuận là tình trạng không tốt. Nhưng chúng tôi đã chấp nhận mang nợ để gây dựng tài sản cố định.

Nếu anh hoàn thành việc đó dù phải mang nợ thì mọi chuyện vẫn ổn, nhưng nếu anh vừa gánh nợ vừa muốn mua về các cầu thủ và trả lương cho họ, thì không ổn chút nào” (tất nhiên trừ khi anh là Roman Abramovich hay Sheikh Mansour của Manchester City).

Nhưng sân vận động đã không giải quyết nổi chuyện nợ nần. Câu lạc bộ đã phải vay thêm 125 triệu bảng nhằm bù đắp cho những phát sinh về tài sản, đặc biệt là Quảng trường Highbury – không như sân vận động Emirates, bất động sản này đã đóng băng từ năm 2009. Chủ tịch Peter Hill-Wood thừa nhận: “Chúng tôi đã đánh cược rằng Arsène sẽ tiếp tục lập nên kỳ tích như ông ấy đã làm trong suốt bảy năm qua. Đội bóng sẽ nỗ lực hết mình và giành suất tham dự Champions League. Chúng tôi tin tưởng điều đó”.

Arsenal là một kế hoạch kinh doanh đáng giá hàng trăm triệu bảng, nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào một lão tướng ở độ tuổi 60; và theo hợp đồng, ông chỉ còn gắn bó với câu lạc bộ thêm 15 tháng nữa. Và kỳ tích họ đòi hỏi là việc năm nào  đội bóng cũng sẽ góp mặt trong giải vô địch ‘ruy-băng xanh’ của UEFA, với ngân sách chuyển nhượng ít ỏi bậc nhất Giải Ngoại hạng Anh. Ngược lại, Alex Ferguson không hề gặp những chướng ngại như thế. Nhưng trên một phương diện khác, hai huấn luyện viên kỳ phùng địch thủ lại chia sẻ cùng một gánh lo.

Nhằm đảm bảo quyền sở hữu đối với United, nhà Glazer đã mua lại câu lạc bộ sinh lời bậc nhất thế giới và thẳng tay ném nó vào đống nợ nần. Đến nỗi hoạt động của đội bóng giờ đây chỉ còn phụ thuộc vào thành công của họ trên sân cỏ. Arsenal chấp nhận ngập trong nợ vì tương lai đội bóng, còn với United, họ phải đón nhận hậu quả từ việc thay đổi chủ sở hữu. Lợi thế lâu dài của Arsenal đã được thể hiện, do sân vận động mới của họ đủ sức thách thức Manchester United trên phương diện tổng tài sản. Tuy nhiên, sự tăng trưởng lớn mạnh được dự đoán trước trong thu nhập của Arsenal qua mỗi vòng đấu chỉ cốt hạn chế mức  lãi suất họ đang phải gánh chịu; trong khi mỗi lần đám người Mỹ nhúng tay vào, các cổ động viên Quỷ Đỏ lại không ngại tung ra hàng đống đô-la để xem tiếp trò tiêu khiển. Ban giám đốc chỉ còn trông cậy vào huấn luyện viên và đảm bảo ông sẽ hiểu rõ nguồn cơn, chứ không còn mong đợi các danh hiệu; đã qua rồi những ngày bình luận viên thốt lên “1-0 cho Arsenal”; đây cũng là điềm báo hiệu sự thay đổi đáng ngạc nhiên cho hình ảnh của Wenger.

Cách giải thích của Edelman về ‘mô thức tài chính’ hay ‘dòng chảy doanh thu’ hoàn toàn không phù hợp với ngôn ngữ của cổ động viên; thế nhưng, vị giám đốc điều hành mới không hề được cất nhắc nhờ  khả năng gắn kết với người hâm mộ, dù cá nhân ông luôn phản đối các quan điểm trái chiều. Ông không bao giờ tiếp xúc với cổ động viên một cách tự nhiên như David Dein vẫn làm, đơn giản bởi ông không thể thấu hiểu những thăng trầm họ đã trải qua như những người đã dõi theo đội bóng trong suốt nhiều năm. Việc giới thiệu logo mới của câu lạc bộ vào năm 2002 (thiết kế chủ yếu dựa trên hình mẫu trước đó, do lo ngại các vấn đề phát sinh về vi phạm bản quyền từng xảy ra với các phiên bản cũ) đã chứng thực tất cả những điều đó với người hâm mộ. Phong cách thiết kế đã không toát lên được nhận thức sâu sắc đối với lịch sử và truyền thống của đội bóng, cũng như chỉ truyền tải được logo và biểu tượng rời rạc. Khi logo này được công bố lần đầu tiên, khắp bốn phía khán đài sân Highbury, nơi  hàng nghìn người tụ tập đã rộ lên những tiếng la ó phản đối. Chưa hết, việc sân vận động mới phải để lại tên cho một hãng hàng không xa lạ đã trở thành ví dụ điển hình nhất cho thất bại của ban lãnh đạo hòng chiếm lấy cảm tình người hâm mộ.

Nỗi băn khoăn của các cổ động viên sẽ còn thể hiện rõ ràng hơn nếu họ biết rằng Arsène Wenger chỉ nhận được một khoản ngân sách ít ỏi nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của đội bóng, và cơn khát danh hiệu sẽ trở thành điều tất yếu. Huấn luyện viên đã có ngân sách, nhưng nguồn vốn chủ yếu dành cho các thương vụ chuyển nhượng sẽ phải phụ thuộc vào tài xoay sở của chính ông trong việc giải phóng các cầu thủ với giá tốt. Trong bối cảnh đó, thu nhập có được từ việc bán đi các tài năng trẻ triển vọng từ học viện – những mầm non không thể tìm được chỗ đứng trong đội hình chính – sẽ đóng vai trò quan trọng tương đương các khoản phí kếch sù từ những thương vụ như Patrick Vieira hay Thierry Henry, một khi huấn luyện viên đã lựa chọn họ làm vật hi sinh.

Tài năng của Wenger trên thị trường chuyển nhượng còn trở nên thiết yếu hơn những thành quả ngọt ngào ông đã mang lại trước đây. Cùng với những viên ngọc thô được khai quật – David Dein ví von họ như “ngọc trong đá” khi nói về những phát hiện xuất sắc nhất của ‘giáo sư’ – đó là cách duy nhất giúp Wenger có thể bắt kịp các đồng nghiệp. Cách đánh giá của ông đối với các tài năng mới – và những người ông có thể bỏ qua mà không phải bận tâm – đã thể hiện một vai trò đầy nghịch lý, đồng thời dấy lên một câu hỏi rằng mọi thứ sẽ ra sao nếu tuyển trạch viên tài năng nhất quyết định ra đi trước khi sân vận động mới được hoàn công. Hiển nhiên, ban lãnh đạo sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu và mặc định rằng chiến lược gia người Pháp sẽ tiếp tục tại vị trong tương lai gần. “Chúng tôi hoàn toàn không có Kế hoạch dự phòng,” Peter Hill-Wood thừa nhận, “nên chúng tôi cũng chẳng bận tâm về chuyện Wenger sẽ ra đi. Điều duy nhất từng khiến tôi trăn trở chính là phải tìm kiếm ai đó thế chỗ ông ấy nếu chúng tôi không thể giữ Wenger lại. Và tôi đã nhanh chóng loại bỏ tư tưởng đó khỏi tâm trí vì tôi không thể nghĩ ra lựa chọn thay thế nào.”

Một trong những lý do khiến Wenger từ bỏ kinh nghiệm thi đấu và đánh cược vào tương lai của lứa cầu thủ trẻ đến nay đã được công nhận như nghệ thuật vận dụng các khả năng, trong bối cảnh đội bóng đang tiến gần đến kỷ nguyên mới tại sân vận động mới. Sách lược chỉ gia hạn hợp đồng một năm đối với các danh thủ quá 30 tuổi là cách đối phó với mức lương cao cùng giá trị bán ra đang sụt giảm của họ, như một cách thừa nhận rằng phong độ của các lão tướng sớm muộn cũng suy yếu. Như thế vẫn tốt hơn là đặt tất cả trứng của anh vào cùng một giỏ. Bất chấp mọi áp lực, Wenger vẫn tỏ ra lạc quan khi dự án Ashburton Grove được triển khai. “Tôi đã nói với anh rằng chỉ có nửa tá cầu thủ có cơ hội [chứng tỏ khả năng trong đội hình chính thức]. Đó phải là những tài năng thật sự có triển vọng.

Điều đó thôi thúc tôi chỉ vì một lý do duy nhất: khiến tôi cảm thấy tôi đã đến đây và mang đến cho đội bóng này không chỉ có chiến thắng. Tôi thích [suy nghĩ rằng tôi đã thành công] trong một kỷ nguyên mà chúng tôi đã nâng câu lạc bộ lên một tầm vóc mới. Với sân tập, với sân vận động mới, với đội hình trẻ sẽ nhanh chóng trở thành tuyển thủ quốc tế, chúng tôi nhất định sẽ đánh bại tất cả với một đội hình hàng đầu. Điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu có thể an tâm rằng sẽ chẳng có điều gì nghiệm trọng xảy ra với đội bóng này, tôi mới có thể ăn ngon ngủ yên. Và nếu câu lạc bộ thật sự lâm vào rắc rối tài chính, tôi có thể cam đoan với anh rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến các cầu thủ của chúng ta.”

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá