Connect with us

Huyền Thoại Bóng Đá

BARCELONA – Đường đến vinh quang – Chương 5: Thuyết tiến hóa

THUYẾT TIẾN HÓA

‘Khi Cruyff và tôi đến tiếp quản Barça, chúng tôi quyết định tạo nên một thứ bóng đá đầy cảm hứng – thứ bóng đá của Rinus Michels. Và chúng tôi đã không lầm – nó đã mang đến thành công.’

Carles Rexach –

Sẽ chẳng có cách nào để 175,000 thành viên của CLB Barcelona, những socios, có thể trả hết được món nợ ân tình mà họ chịu Johan Cruyff, kể cả khi họ xếp hàng chầu chực suốt ngày suốt đêm để chờ được bóp chân, nấu bữa tối và chuẩn bị giường ngủ cho ông; hoặc để mang túi gậy golf của ông quanh sân golf 18 lỗ Montanyà, hay thậm chí là trích ra 50% thu nhập hằng năm của họ. Bởi nếu không có ông, sẽ không có Pep Guardiola, không Messi, không Xavi và Iniesta cũng không nốt. Thay vào đó sẽ là những anh chàng chậm chạp và còi xương bên cạnh trái bóng. Huyền thoại người Amsterdam đã tạo ra một môi trường mà trong đó những tài năng xuất chúng này được phát hiện và trở thành nòng cốt cho những thành công của FC Barcelona.

Ngay cả trong kỷ nguyên vĩ đại nhất vào lúc này của Barcelona cũng có dấu ấn của ông, trong cách mà họ tập luyện và thi đấu, trong việc chiêu mộ cầu thủ và thành viên ban điều hành, cũng như việc đề cao tính cống hiến chỉ sau mục đích cuối cùng là chiến thắng. Bởi vậy, thật đáng ngạc nhiên khi có những fan Barça mới nổi dành những lời lẽ cay nghiệt cho người đàn ông có tên khai sinh là Hendrik Johannes Cruijff.

Cruyff đã rất đau buồn khi với một số người Catalán, đã lớn tiếng đòi hỏi Barcelona phải bắt kịp Real Madrid và thống trị châu Âu. Nhưng đến giờ này Barça vẫn phải chấp nhận đứng sau, điều đó đã thổi bùng lên tâm trạng của những kẻ thua cuộc và khiến họ tiếp tục kêu ca có lẽ người từng nói rằng ‘Nếu tôi muốn các bạn hiểu, thì tôi đã giải thích rõ ràng hơn’ không thể than phiền hay quan tâm nhiều đến việc có không ít người đã hiểu lầm và xúc phạm danh dự của ông. Những con người này, hoặc là những người chẳng biết gì về bóng đá, hoặc là những kẻ ghen ăn tức ở muốn phá hoại sự nghiệp của ông.

Một ví dụ về việc Cruyff thể hiện sự bất đồng gay gắt là trong mối quan hệ giữa ông – thiên tài người Hà Lan cả trong sự nghiệp thi đấu lẫn huẩn luyện – và chủ tịch đương nhiệm của Barça – Sandro Rosell. Hai người này giống như chó với mèo vậy. Ngay khi Rosell vừa nhậm chức, Cruyff đã có ý kiến về hợp đồng quảng cáo trên áo đấu của Barça với Qatar Foundation: ‘Ông ta và ban lãnh đạo đang phá hoại sự tôn trọng mà Barcelona đang có được trên toàn thế giới. Tạo dựng mới là khó, chứ phá hủy thì quá dễ’

Căng thẳng được đẩy lên tới đỉnh điểm ngay sau khi Rosell lên nắm quyền, bộ sậu của Rosell tuyên bố rằng CLB không cần thiết phải có vị trí chủ tịch danh dự. Đây là vị trí mà Joan Laporta đã trao cho Cruyff – vị trí ngang bằng với Alfredo Di Stefano tại Real Madrid – một thời gian ngắn trước khi phải rời ghế chủ tịch vào tháng Ba năm 2010. Laporta làm việc này khi đoán trước được việc Rosell, người chiến hữu ngày nào, nay là đối thủ lớn nhất, sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch tiếp theo.

Chỉ 2 tuần sau khi giành chiến thắng vang dội, Rosell và các đồng sự đã tiến hành ngay việc tước danh hiệu chủ tịch danh dự của Cruyff, tạo điều kiện cho cuộc bầu cử mới cho vị trí này. Ngay sáng ngày hôm sau, khi Rosell đang trả lời trong một cuộc họp báo, Cruyff đã bước vào căn phòng tại Camp Nou và trả lại huy hiệu danh dự – thứ đã thuộc về ông kể từ tháng Tư. ‘Ba cái thứ này phải mất cả đời mới giành được, nhưng trả lại thì quá là nhanh’ – người Hà Lan nói. Nếu cái ghế của tôi quan trọng đến mức trở thành đề tài nóng trong cuộc họp đầu tiên của ban lãnh đạo mới, thì rõ ràng tôi đang là một cái gai trong mắt ai đó. Vậy nên tốt nhất là tôi tự ra đi’

Rosell bình luận: Ai cũng sẽ làm như tôi thôi. Nếu bạn đã nhận ra rằng mình đang ở một vị trí không tồn tại thì rõ ràng bạn nên giao nộp lại chiếc huy hiệu. Chẳng ai muốn mình làm một chức vụ hữu danh vô thực. Tôi nghĩ rằng ông ấy (Cruyff) đã thảo luận rất kỹ với các luật sư.’

Từ đó 2 người này luôn chĩa mũi giáo về phía nhau – vài tháng sau Cruyff đã khơi ra những vấn đề về những khoản tiền chưa được thanh toán cho Quỹ hỗ trợ trẻ em khuyết tật của ông. Đây được coi là một mảng tối trong bức tranh lịch sử đương đại của Barcelona.

Tôi tin rằng đóng góp của Cruyff cho ‘những chú lùn’ FC Barcelona lớn lao hơn bất cứ cá nhân nào.

Ông đã hai lần tạo nên tiếng vang lớn tại Camp Nou vào các năm 1973 với tư cách cầu thủ và sau đó là năm 1988 với tư cách một HLV. Sự nghiệp quần đùi áo số của ông tại đây không ‘hoành tráng’ bằng quãng thời gian làm HLV. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy azar – tiếng TBN nghĩa là ĐỊNH MỆNH hoặc VẬN MAY – có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một sự nghiệp vĩ đại.

Vào ngày 17 tháng Hai năm 1974, Cruyff đã dẫn dắt Barça tới chiến thắng lịch sử với tỉ số 5-0 trước Real Madrid ngay tại sân Santiago Bernabéu. Trong năm cuối cùng của cuộc đời Franco, tên độc tài đã cai trị TBN bằng nắm đấm thép kể từ 1939, trận đấu này với rất nhiều người dân xứ Catalán chính là chiếc đinh cuối cùng đóng lên quan tài của hắn cũng như kiếp sống lầm than của họ. Real Madrid có một mối quan hệ mật thiết với Franco trong suốt triều đại của ông ta, và trong thời gian này, El Clásico (Siêu Kinh Điển) không chỉ đơn thuần là một trận đấu.

Vậy Cruyff quan trọng đến mức nào trong chiến tích đó? Trận lượt đi của mùa giải năm ấy tại Camp Nou – 2 tuần trước khi Cruyff có trận đấu ra mắt Barça – kết thúc với tỉ số 0-0; trận chung kết Copa del Rey (Cúp nhà Vua) cuối mùa, Cruyff không góp mặt, kết thúc với chiến thắng hủy diệt 4-0 cho Real. Ngoại trừ lần đối đầu duy nhất của ông với Real ở mùa giải đó, trong 2 trận còn lại người Madrid đều đánh giá đúng sức mạnh của đối thủ đến từ Catalán. Những cậu bé như Laporta hay Rosell đều bị tác động mạnh mẽ bởi trận thắng 5-0 đó và cho đến nay nó vẫn là một vết nứt lớn trong quan hệ của 2 CLB. Đó là cuộc đối đầu duy nhất trong mùa giải mà Cruyff góp mặt, dựa trên góc nhìn cá nhân của ông về mọi sự việc. Trước đó, Ajax từng đồng ý bán Cruyff cho Real và đã thỏa thuận xong về giá cả, nhưng cầu thủ này lại thẳng thừng nói ‘không’. ‘Tôi không thích những việc người ta làm sau lưng tôi… và để cho công bằng, tôi luôn thích một cuộc cạnh tranh nho nhỏ – ông giải thích về những gì đã xảy ra.

Sau đó, trên chặng đường giành danh hiệu đầu tiên cùng Barça là trận Siêu Kinh Điển đầu tiên của Cruyff. Con trai đầu lòng của anh – Jordi, được các bác sĩ chẩn đoán rằng sẽ chào đời vào ngày diễn ra trận đấu đó – ngày 17 tháng Hai. Cruyff cho biết: ‘Tôi sẽ không bao giờ quên trận đấu này. Đó là ngày mà Dani (vợ Cruyff) được dự báo là sẽ chuyển dạ. Nhưng cô ấy và tôi đã đi đến quyết định cho đứa bé ra sớm một tuần bằng cách đẻ mổ, như thế tôi có thể tập trung vào trận đấu.’

‘Thật sự tôi chưa bao giờ cảm nhận hết được tâm trạng của người Barcelona trước một trận đấu với Madrid, cho đến ngày hôm đó. Chiến thắng với tỉ số đậm như vậy giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về Barcelona và khiến tôi có cảm giác muốn gắn bó suốt đời với CLB này.’

Nếu không có ca đẻ mổ đó? Gần như chắc chắn là cũng không có trận thắng 5-0 ngày ấy.

Nếu không có trận thắng ấy, liệu rằng Cruyff có gắn bó khăng khít đến thế với CLB? Và liệu rằng Laporta hay Rosell có tiếp tục con đường hiện tại của họ hay không?

Mặc dù đã giành được nhiều danh hiệu cho đôi bóng khi còn là cầu thủ cũng như khi huấn luyện, nhưng đáng lẽ phải được kính trọng thì Cruyff lại nhận được nhiều những lời kêu ca, hay trong một số trường hợp cá biệt, là những cái nhìn khinh miệt ở Catalonia.

Những đóng góp lớn nhất của Cruyff tại Camp Nou không chỉ là về mặt tinh thần, mà còn là xương sống cho cả đội bóng. Từ cầu cầu thủ, các HLV, cho đến chủ tịch, dù ai đến ai đi, nhưng với cách mà Barcelona tuyển chọn và huấn luyện cầu thủ (ở mọi lứa tuổi) từ đó tới nay, họ vẫn rất thành công và là đối thủ đáng gờm với bất cứ CLB nào. Như một hệ quả tất yếu, cà thế giới vẫn đang được chiêm ngưỡng những mầm giống gieo từ năm 1988 đâm hoa kết trái.

Không có Cruyff, không có Dream Team. Không có Cruyff, sẽ không có hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ hiệu quả và năng suất để cho ra những cầu thủ phù hợp với sơ đồ tấn công 4-3-3. Không có Cruyff, sẽ không có Joan Laporta (chủ tịch thành công nhất của CLB này, như tôi đã đề cập). Không có Cruyff, sẽ không có Frank Rijkaard và sự hồi sinh của một CLB đang ở trên bờ vực thẳm. Không có Cruyff, tất nhiên là cũng không có Guardiola.

Huyền thoại cầu thủ và HLV của thế giới luôn cho rằng mình sẽ không dẫn dắt đội một Barça nếu không có sự tin tưởng tuyệt đối của CLB vào ông và phó tướng của ông là Carles Rexach.

Từ HLV, hệ thống đào tạo và các cấp quản lý của FC Barcelona đều có sự góp mặt của những người từng là học trò của Cruyff. Pep Guardiola, Andoni Zubizaretta, Guillermo Amor, Eusebio Sacristán, Juan Carlos Unzué, Óscar García, Tito Vilanova và Rexach là những ví dụ điển hình. Ngoài ra còn một gương mặt nữa là Sergi Barjuán, người đã rời CLB vào tháng 7 năm 2011.

Vậy còn những chỉ trích không ngớt hướng về ‘người Amsterdam’ thì sao? Cruyff vẫn luôn thường xuyên phải đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng ông quá coi trọng tiền bạc. Lý luận của họ nghe thật nực cười và giả tạo khi dẫn chứng rằng một số cầu thủ với chút ít tài năng đã được trả hơn 100 nghìn bảng một tuần. Tất cả những người chỉ trích vị thuyền trưởng người Hà Lan, nếu ở vào vị trí của ông ấy, có lẽ sẽ còn trục lợi nhiều hơn.

Có một giai thoại từ sự nghiệp của Cruyff để kết luận về con người ông. Ông ấy hiểu rõ giá trị của mình, chứ không thích thổi phồng bản thân như nhiều cầu thủ hiện đại. Và ông luôn có những biện pháp rất sáng tạo để hưởng lợi từ những giá trị ấy.

Trong những năm đầu thập niên 80, sau những tiếng vang Cruyff tạo dựng được tại giải nhà nghề Mỹ và CLB Levante ở La Liga, Cruyff quay trở lại Ajax trên cương vị giám đốc thể thao, nhưng sau đó xỏ giầy trở lại. Ông đã dẫn dắt họ tới những danh hiệu, đặc biệt là cú đúp trong 2 năm 1982-1983. Tuy nhiên, chủ tịch của Ajax là Ton Harmsen đã cho rằng Cruyff, khi ấy đã 36 tuổi, đã qua thời kỳ đỉnh cao và từ chối việc đưa ra một bản hợp đồng mới.

Cruyff quyết định ngay lập tức. Ông chạy sang Feyenoord, kẻ thù không đội trời chung của Ajax. Tuy nhiên Feyenoord không đủ tài chính để trả lương cho Cruyff, vì vậy ông đã nghĩ ra một đề án khôn ngoan mà trong đó Feyenoord, đội bóng có khoảng 10 nghìn cổ động viên thường trực, sẽ phải trả tiền cho Cruyff nếu như sự hiện diện của ông kéo thêm được khán giả đến sân. Cruyff đề xuất rằng, nếu có thêm 1 nghìn cổ động viên đầu tiên đến sân, tiền vé sẽ thuộc về CLB. Còn sau đó, với mỗi 1 nghìn cổ động viên tiếp theo đến De Kuip, ông và Feyenoord sẽ chia đôi tiền vé. Nếu có 20 nghìn cổ động viên đến sân, 4.500 người trong số họ sẽ trả tiền vé cho Cruyff.

Ông kể lại: ‘Chúng tôi thường lấp đầy sân vận động với 40 nghìn chỗ ngồi, đó là một thành công về kinh tế cho cả CLB và tôi. Cuối mùa chúng tôi còn giành cả cúp quốc gia lẫn chức vô địch quốc gia, đó là một mùa giải tuyệt vời đối với tôi’.

Ngay từ khi còn là một cầu thủ, Cruyff luôn chìm trong những yêu cầu phỏng vấn. Ông đã thiết lập một hệ thống giúp ông từ chối đa số yêu cầu, hầu hết đến từ các tổ chức chỉ quan tâm tới việc lợi dụng tên tuổi của ông để thu lợi cho họ – bằng việc yêu cầu phí phỏng vấn thật cao. Những cá nhân hoặc tổ chức mà ông biết đến và có cảm tình sẽ được đối xử rất khác. Họ chỉ cần gửi yêu cầu, đợi đến lượt và sau đó sẽ có một khoảng thời gian thoải mái (thậm chí là những bài phỏng vấn dài) khi nói chuyện với người đàn ông vĩ đại này. Hoàn toàn miễn phí. Ở mức mở rộng hơn, bạn cũng có thể được đối xử như vậy nếu bạn là phóng viên chuyên về bóng đá có tiếng tăm và đáng tin cậy, hoặc nếu thông tin về Quỹ hỗ trợ đỡ trẻ khuyết tật thông qua thể thao do ông sáng lập được đăng tải.

Trong suốt triều đại của Laporta, Cruyff đã được đề bạt một vị trí mà nó được gọi là asesor (ông cố vấn) cho bóng đá Tây Ban Nha. Cruyff đã từ chối và giải thích trong cột báo La Vanguardia rằng: ‘Laporta đề nghị tôi làm ở vị trí đó, nhưng tôi cho rằng đó là một vị trí không mấy hấp dẫn. Bạn làm, bạn cống hiến, rồi cuối cùng những gì bạn nhận được chỉ là những lời chỉ trích, trong khi bạn đâu có quyền đưa ra quyết định gì. Khi tôi nói chuyện với Frank (Rijkaard) hay Txiki (Begiristain, giám đốc thể thao) tôi thường đưa ra quan điểm của mình và cho họ biết tôi sẽ làm gì khi ở vị trí của họ. Thường thì họ có những cuộc nói chuyện về những tình huống giả định, nhưng nếu có điều gì đó mà chúng tôi không đạt được sự thống nhất,, họ sẽ lại làm theo quyết định ban đầu của riêng mình. Đó là vấn đề’ ‘Là bạn của tôi nên Laporta có thể hỏi tôi lời khuyên về bất cứ việc gì anh ấy cần, chỉ cần nó không phủ nhận vai trò của tôi là người đứng đằng sau tất cả những quyết định về chuyên môn tại đây.’

Tuy nhiên, trong suốt thời gian Laporta nắm quyền điều hành, cố vấn của ông ít nhất phải chứng minh được rằng những tư vấn của mình có giá trị và có thể đưa ra được các quyết định. Thậm chí trong thực tế còn nhiều hơn thế nữa.

Nguyên nhân chủ yếu cho những chỉ trích nhằm vào ông ấy chỉ bởi lẽ ông là Johan Cruyff. Ông là người Hà Lan, không phải người xứ Catalonia. Đối với một số kẻ cực đoan, điều này đi ngược lại với tư tưởng về sự vượt trội của người Catalonia so với phần còn lại của thế giới.

Hơn thế nữa, một số người cho rằng ông ta có quá nhiều quyền lực, hay ít nhất là tầm ảnh hưởng quá lớn, mà không có chút trách nhiệm nào. Cruyff không còn giữ một vị trí chính thức nào trong CLB từ khi bị sa thải vào tháng Năm năm 1996, nhưng tầm nhìn và những lời khuyên của ông đã dẫn dắt CLB đển với các danh hiệu lớn nhỏ trong những năm qua.

Điều thứ ba là, thói quen suốt đời của ông là nói chính xác những gì ông cảm nhận được khi đánh bại các đối thủ. Tầm nhìn của ông không chỉ xa và rộng, nó còn thường xuyên đối lập tuyệt đối với ý kiến của những người khác và nếu ai đó mà ông ta không thích, người đó có thể phải nhận từ ông những lời chỉ trích không thương tiếc trên truyền hình hay trên mặt báo.

Quyết định quay trở lại làm HLV đã giúp ông tiếp tục con đường mà ông đã từng đi khi còn là cầu thủ. Trong sự nghiệp xỏ giày đá bóng ông chỉ giành được 1 chức vô địch Liga duy nhất vào năm 1974, cộng với chức vô địch Champions League năm 1992 là sự giải tỏa cơn khát trên đấu trường châu Âu cho Barça.

Dẫu vậy, quãng thời gian đỉnh cao trong sự nghiệp cầu thủ của Cruyff có lẽ phải là tại World Cup 1974. Hà Lan nhận được sự ủng hộ của các CĐV trung lập, vì thứ bóng đá tổng lực đẹp mắt của mình. Tiếc rằng họ đã thất bại trong trận đấu cuối cùng. Nhiều năm sau đó, vào mùa xuân 2004, tôi đã hỏi Cruyff về trải nghiệm đáng sợ đó. Dù cảm thấy rất đau đớn (và đôi khi là hối hận) khi để mất chức vô địch vào tay đối thủ truyền kiếp là người Đức, ông không giấu giếm những cảm giác ấy. Dù sao thì câu trả lời của ông ấy cũng rất thú vị: ‘Tôi không quan tâm, dù trên thực tế mọi việc có thể đã tốt hơn. Chúng tôi đã chơi một lối bóng đẹp mắt cho tới trận chung kết, chúng tôi khiến thế giới phải trầm trồ trước người Hà Lan và lối chơi bóng của Hà Lan và, bởi vì chúng tôi thua, càng có nhiều người ủng hộ và khích lệ lối chơi bóng đậm chất Hà Lan của chúng tôi. Có lẽ chúng tôi được nhiều hơn là mất khi để thua như vậy.’

Những lời của Cruyff nghe có vẻ như tự bào chữa, hay thậm chí là huyễn hoặc, nhưng có một điều có thể hiểu được: Cruyff luôn luôn bám vào một quy tắc cơ bản rằng có một con đường đúng và sai để tiếp cận môn bóng đá. Với ông ấy, môn thể thao này cần thiết phải được chơi với sự thông minh, phong cách, kỹ thuật và tầm nhìn chiến lược. Kim chỉ nam của Cruyff luôn là: Nếu tiếp cận trận đấu tốt và phát huy được kỹ năng bậc thầy về kiểm soát bóng, chiến thắng và các danh hiệu sẽ tự nhiên đến thôi.

Công việc của ông ở Nou Camp giữa các năm 1988 và 1996 có thể tách thành ba phần cơ bản: giành lấy các danh hiệu, định hình việc phát triển lớp trẻ, nhưng trên hết là truyền một niềm tin vào CLB, mà giờ đây nó đã hiện hữu không chỉ trong huyết quản của các cầu thủ Barcelona mà còn là một phần của nền văn hóa túc cầu rộng lớn ở Tây Ban Nha.

Những danh hiệu? Chúng đều có trong lịch sử. Chức VĐQG thường phải chờ ngày cuối cùng của mùa giải và chỉ giành được khi quật ngã Gã khổng lồ Real Madrid. Bốn cúp thuộc hệ thống UEFA, mà quan trọng nhất trong số đó đến từ việc đánh bại lối chơi đơn giản mà hiệu quả của đội bóng Sampdoria với đầu tàu là Gianluca Vialli và Roberto Mancini để lên ngôi tại Champions League năm 1992.

Đóng góp quan trọng nhất của Cruyff là đưa ra được triết lý bóng đá cho CLB. Những khái niệm nền tảng cho thành công của Barcelona hoàn toàn lạ lẫm khi ông giới thiệu chúng.

Năm 1988, khi rời Ajax, Cruyff đã chuyển đến một CLB mà chỉ dành chức VĐQG hai lần trong 28 năm.

Trong khi đó, với Emilio Butragueňo và Hugo Sanchez trong đội hình, La Quinta del Buitre Real Madrid đã thống trị La Liga liên tiếp 5 mùa giải. La Quinta del Buitre (Bầy Kền kền, được đặt theo biệt danh của Butragueňo – Kền kền) là tên gọi của Real trong quãng thời gian đầy vinh quang với nòng cốt là lứa cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của họ. Những Butragueňo, Manuel Sanchís, Martín Vázquez, Míchel và Miguel Pardeza là trái tim (và là nguồn cảm hứng) trong lối chơi của Real Madrid. Đó là những cầu thủ ‘của nhà trồng được’, ‘gà nhà’ được CĐV rất tôn trọng và ngưỡng mộ. Điều này giống một CLB hiện đại nào mà chúng ta biết không?

Nhiều tuần trước khi để Cruyff nắm quyền chèo lái con thuyền của mình, Barça đã kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6 nhưng chỉ hơn vị trí thứ 10 có 2 điểm, mặc dù họ từng lọt vào tới chung kết cúp C1 dưới thời Terry Venables chỉ 2 năm trước đó.

Đi qua nửa mùa giải đầu tiên, vị HLV mới tiết lộ những gì ông ta thừa hưởng. ‘Thành tích của năm cũ tạo ra những thù hằn và ganh ghét giữa mọi người trong CLB. Ngày tôi mới bắt đầu làm HLV, có một số cầu thủ muốn đổ lỗi cho nhau về những gì đã xảy ra. Tôi đã phải bảo họ rằng HLV mới là ‘trùm’ trong phòng thay đồ, chứ không phải các cầu thủ. Tuy điều đó nghe có vẻ hơi kỳ lạ đối với họ, nhưng đó là mệnh lệnh của tôi.

‘Cả hai phía, ban huấn luyện và các cầu thủ, vẫn còn thiếu tính kỷ luật, tệ đến mức ban huấn luyện đã nhiều lần phải ngồi lại với nhau ngay trong phòng thay đồ. Vì thế, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng Cruyff dường như luôn muốn chống lại tất cả, củng cố quyền lực cho riêng mình và tạo ra sự nghiêm ngặt trong những quy định của mình. Tuy nhiên, không giống như việc làu bàu hay cằn nhằn như những tháng đầu của mình tại đây, Cruyff đã vạch ra những nền tảng cơ bản cho cả tương lai ngắn hạn và dài hạn. Để giải thích điều này, bạn cần phải biết đến Carles Rexach.

Giống như Gerard Piqué, Rexach được sinh ra tại vùng đất trù phú Pedralbes – nơi có một khu hội nghị mang tầm quốc tế, những trường tư thục, một CLB tennis hoàng gia. Và hơn hết là dinh thự của Công chúa Tây Ban Nha.

Dù không thật sự nhanh nhẹn, nhưng với kỹ thuật điêu luyện, Rexach đã ghi gần 200 bàn thắng trong hơn 600 trận khi còn là cầu thủ chạy cánh phải trong màu áo Barça. Danh hiệu duy nhất giành được là chức vô địch La Liga cùng với Cruyff vào mùa giải 1973-1974. Cả hai tài năng này đều nằm dưới trướng của nhà cầm quân xuất sắc và đầy sáng tạo Rinus Michels, HLV trưởng của Barcelona từ 1971 đến 1975. Cả hai đều là những ‘tín đồ’ của bóng đá tổng lực.

Vì thế, Rexach đã trở thành cánh tay phải đắc lực cho Cruyff năm 1988. Nhưng cuối cùng, giống như Brian Clough và Peter Taylor hay John Lennon và Paul McCartney, họ chia tay trong cay đắng. Tuy nhiên, sự cống hiến của bộ đôi này cho CLB của xứ Catalan vẫn luôn là một dấu ấn sâu đậm.

Chính Rexach là người đã đấu tranh để thuyết phục ban huấn luyện rằng vóc dáng nhỏ bé của Leo Messi chẳng ảnh hưởng gì tới tài năng thiên bẩm của cậu ấy. Ông cũng luôn đảm bảo hệ thống đào tạo trẻ vẫn luôn đi theo những giá trị của Cruyff ngay cả khi HLV người Hà Lan này bị sa thải lâu rồi.

Khi cùng nhau quay lại sân Nou Camp lần đầu tiên vào năm 1988, họ đã làm bừng sáng bầu không khí ảm đạm nơi đây. Rexach giải thích: ‘Khi Cruyff và tôi đến tiếp quản Barça, chúng tôi quyết định tạo nên một thứ bóng đá đầy cảm hứng – thứ bóng đá của Rinus Michels. Và chúng tôi đã không lầm – nó đã mang đến thành công.’

‘Chúng tôi cũng biết được một văn hoá ở Nou Camp nơi mà các cổ động viên huýt sáo và chế nhạo hậu vệ nếu anh này trả bóng về cho thủ môn, hay một cầu thủ chạy cánh nếu anh này nhận được bóng ở sát đường biên ngang nhưng lại không tạt vào dù bên trong vòng cấm có đồng đội hay không.

‘Nhiệm vụ ban đầu của chúng tôi là tìm và ký hợp đồng với các cầu thủ có phong cách và kỹ năng tốt rồi đào tạo họ theo những gì chúng tôi được thừa hưởng. Điều này cũng nhằm cho các CĐV thấy triết lý bóng đá của chúng tôi, và chúng tôi sẽ không bẻ cong nó dù vì bất cứ lý do gì.’

Ngày nay, Camp Nou là một địa điểm khá là khó tính. Các cầu thủ Barça sẽ luôn nói với bạn rằng họ muốn đám đông có tinh thần bóng đá kiểu người Anh hay Ai len : đến sân, hò hét cổ vũ từ đầu đến cuối trận và gây áp lực lên đối phương. Tuy nhiên, những người có thâm niên ở Camp Nou cũng chấp nhận rằng ngoài việc giành chiến thắng, họ còn phải tạo nên những màn trình diễn đẹp mắt.

Quay trở lại năm 1988, ngoài đám đông tại Nou Camp huýt sáo la ó nếu bóng không được triển khai nhanh, cũng có nhiều người có thẩm quyền trong CLB ‘không nghĩ họ có thể chơi bóng theo cách của chúng tôi’, theo Rexach.

Khi hệ thống đào tạo trẻ còn chưa vào guồng, Cruyff và Rexach đi đến việc săn lùng cầu thủ bên ngoài.

Mùa giải đó, họ có thêm một số nhân tố quan trọng. Đó là Txiki Begiristain, Eusebio, Julio Salinas và José Mari Bakero. Các cầu thủ này đều thuần thục lối chơi ít chạm của Ajax, và đều có khả năng gây sức ép và tạo khoảng trống tốt. Những khả năng ấy của họ đã giúp Barça đoạt 2 danh hiệu tại đấu trường châu Âu và hai chức vô địch La Liga ngay trong bốn năm đầu tiên Cruyff dẫn dắt CLB. Ngoài ra cũng cần phải kể đến những cái tên như Hristo Stoichkov, Ronald Koeman và Micheal Laudrup.

Ban đầu, các cầu thủ chỉ cần biết những yêu cầu chuyên môn cho vị trí của mình và cách để phối hợp với các đồng đội xung quanh. Sau đó, với những cầu thủ có kỹ năng phù hợp với nhiều vị trí khác nhau Laudrup, Brgiristain, Stoichkov, Amor, và Guardiola, Cruyff bắt đầu đòi hỏi họ phải hoán đổi vị trí trong trận đấu. Như Stoichkov vốn là một tiền đạo cắm sẽ chơi dạt sang cánh và Laudrup sẽ chơi như một tiền đạo ảo. Các hậu vệ cánh đơn thuần sẽ trở thành những cầu thủ chạy cánh. Vị trí tiền vệ trụ, Pivote, chốt chặn cuối cùng trước hàng tứ vệ sẽ lùi sâu hơn để hỗ trợ phòng ngự. Những sự thay đổi này giúp cho lối chơi của Barcelona trở nên linh hoạt và khó lường, từ đó đem tới những thành công cho CLB.

Tuy vậy, Cruyff và Rexach đều không cho rằng mình đã phát minh ra điều gì. Cả hai đều nói rằng họ chỉ thừa hưởng và phát huy thứ bóng đá họ đã được học từ HLV huyền thoại Rinus Michels.

Cruyff luôn tạo ra một không gian nơi mà những sáng kiến, ý tưởng, những giả định về chuyên môn và những ý kiến nhiều chiều luôn được khích lệ, miễn là nó không vượt khỏi nguyên tắc cơ bản trong lối chơi của họ: ít chạm, kỹ thuật, sự kiểm soát bóng, và gây sức ép toàn diện.

Hầu hết các cầu thủ từng góp mặt trong đội hình Dream Team ngày ấy đều thừa nhận rằng đội hình hiện tại của Barça dưới thời Guardiola còn tốt hơn nhiều về kỹ thuật cá nhân, phòng thủ chắc chắn hơn, có tâm lý vững vàng hơn và khả năng chiếm lĩnh sân bóng vượt trội hơn. Và đặc biệt là Messi, tài năng xuất chúng mà có lẽ khó có cầu thủ nào của Cruyff có thể sánh bằng. Tuy nhiên, Cruyff và Rexach đã huấn luyện các cầu thủ ngôi sao với một hệ thống quy tắc chơi bóng, đặc biệt là theo từng vị trí một cách nghiêm khắc, sáng tạo và điều đó sẽ giúp họ giữ phong độ được lâu hơn. Trong đó, một số người có hiểu biết khá chắc chắn về từng vị trí, cách chơi một chạm, tạo ra khoảng trống, tham gia tấn công và bao vây áp sát đối phương. Điển hình là Koeman, người nắm rất rõ về bóng đá kiểu Hà Lan. Một ví dụ khác là Guardiola, người từng có 3 năm rèn luyện trong các đội trẻ của Cruyff trước khi lên đội một. Nhưng đội hình khi đó không có nhiều cầu thủ xuất thân từ lò La Masia, nơi mà các cầu của Guardiola được đào tạo từ khi 11 tuổi.

Triều đại của Cruyff-Rexach ban đầu giống như một nhóm người chống lại cả thế giới – đối diện với một lực lượng CĐV không mấy thân thiện, một giới truyền thông lươn lẹo, ở một CLB có những vị chủ tịch nóng nảy và với những cầu thủ mà đôi khi họ cho rằng mình giỏi hơn cả HLV.

Lò đào tạo La Masia cũ chỉ hoạt động được 7 năm trước khi Cruyff tới. Đó là một căn nhà cổ kính, nơi mà những cậu bé tài năng như Guardiola tìm đến để phát triển sự nghiệp. Căn nhà này đã tọa lạc bên cạnh sân Camp Nou suốt hàng thế kỷ, nhưng thường không được sử dụng đúng mục đích. Giờ đây nó chỉ còn là một nơi bị bỏ hoang, khi mà mọi người đã chuyển tới Ciudad Deportiva Joan Gamper. Khu vực đường biên – nơi chứng kiến sự trưởng thành của rất nhiều thế hệ cầu thủ kể từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước – đã được trưng dụng để làm bãi đỗ xe.

Barcelona đã nâng cấp La Masia trở thành điểm đến của những cầu thủ trẻ được tìm kiếm bên ngoài Catalonia và những người không thể đến tập luyện tại Camp Nou mỗi ngày. Người ta lên kế hoạch đưa nó trở thành số 1 trước cả khi Cruyff trở về Barça năm 1988, nhưng khi ông tái xuất ở Camp Nou, kế hoạch này vẫn đang nằm trên giấy. CLB vẫn phải bỏ tiền mua những cầu thủ đã thành danh, và với Josep Lluis Núñez nắm quyền lãnh đạo, họ có một vị chủ tịch người xứ Basque chứ không phải người Catalonia.

Khi Cruyff đến với Camp Nou, ông đã ngay lập tức tỏ ra không đồng tình với cách thức Barcelona vận hành bộ máy đào tạo trẻ. Ông chỉ ra sự bất hợp lý của việc phân chia đội trẻ theo các lứa tuổi khác nhau và được huấn luyện theo chương trình của các HLV khác nhau. Không hề có một Barcelona thống nhất, có tới 13 đội trẻ bên dưới đội một của Barça. Điều này đồng nghĩa với 13 phong cách chơi bóng khác nhau và qua mỗi năm những cầu thủ trẻ này sẽ phải tập lại từ đầu.

Cruyff thỏa thuận với các đồng sự rằng: 1. Mỗi đội trẻ cần được huấn luyện bởi cùng một bài bản và cùng một sơ đồ chiến thuật 3-4-3. 2. Những cậu bé giỏi nhất cần phải được đôn lên một, thậm chí là 2 cấp và 3. Các ‘perlas de la cantera’ (những viên ngọc quý của lò đào tạo) cần được đẩy lên đội 1 thật nhanh. Họ cần phải chú trọng vào cách chơi vị trí, tập ban bật theo kiểu một hoặc cùng lắm là hai chạm, thu hồi và kiểm soát bóng, thu hẹp khoảng trống – đây đều là những điều đã được áp dụng dưới thời Guardiola và Rijkaard. Chiến thuật này luôn phải đồng hành với lối chơi tấn công, sáng tạo và tốc độ trên cơ sở tạo ra sức ép cùng với những đường chuyền chính xác, đây chính là tài sản quý giá nhất mà Cruyff để lại. Tuy vậy, triều đại của Cruyff lại không có một kết cục có hậu.

Lần đầu tiên tôi đến làm một công việc lên quan tới bóng đá tại thành phố Barcelona là vào năm 1996, khi ĐT trẻ Scotland chơi trận bán kết giải U21 châu Âu. Đây là nơi hội tụ của rất nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới. Pháp có Patrick Vieira, Claude Makélélé, Robert Pirès, Sylvain Wiltord. ĐT Ý có sự góp mặt của Gigi Buffon, Fabio Cannavaro, Francesco Totti, Alessandro Nesta và Alessio Tacchinardi; còn ĐT TBN có Gaizka Mendieta, Raúl, Iván de la Peña, Jordi Lardín, Aitor Karanka, Fernando Morientes và Oscar García. Bằng đó cầu thủ là đủ để gây xôn xao dư luận người hâm mộ. Nhưng khi đó còn một câu chuyện nữa cũng gây sự chú ý. 10 ngày truwóc trận đấu đầu tiên của ĐT Scotland tại sân Montjuic, Cruyff đã bị sa thải.

Trước Guardiola, triều đại của 1 HLV Barça chỉ kéo dài trên dưới 2 năm. Trong khi đó, Cruyff đã cầm trịch suốt 8 năm. Có nhiều lý do dẫn đến việc ông bị hạ bệ: quan hệ ‘cơm chẳng lành canh chẳng ngọt’ với chủ tịch lúc bấy giờ, Núñez. Kiến trúc sư của sự nghiệp đào tạo trẻ ở Camp Nou đã phải hứng chịu búa rìu từ các CĐV và giới truyền thông Catalonia khi họ nghĩ rằng có một khoảng cách lớn về chất lượng giữa những bản hợp đồng thất bại và những sản phẩm của lò La Masia. Khi đội bóng gặp khó khăn, không giành được danh hiệu nào trong 2 năm, những người bản xứ muốn các cầu thủ tiềm năng được đưa lên đội 1 ngay lập tức. Cruyff đã phải dùng những cầu thủ trẻ như Albert Celades, anh em nhà Roger và Óscar García cùng với Iván de la Peña, nhưng bằng đó là không đủ. Vì thế, vào ngày thứ Bảy, 18/05, phó chủ tịch Joan Gaspart, người đã được Barcelona cử ra sân bay El Prat đón Cruyff – cầu thủ ‘triệu đô’ đầu tiên của thế giới, nay lại nhận nhiệm vụ vào phòng thay đồ thông báo cho Cruyff về việc ông bị sa thải vào buổi sáng khi mà các cầu thủ của ông đang chuẩn bị cho buổi tập.

‘Chúng tôi không làm gì sai, và đó không phải là một quyết định tồi’ Gaspart trả lời báo chí. Tuy nhiên đến năm 2011, ông này đã nghĩ lại.

Nhìn lại những gì đã xảy ra, Gaspart– người đã từ vị trí của một phó chủ tịch có tầm ảnh hưởng lớn trở thành một vị chủ tịch có triều đại đen tối và ngắn ngủi nhất CLB, đã thừa nhận rằng: ‘Tôi phải công nhận rằng cái cách chúng tôi sa thải Cruyff thật là thiếu chuyên nghiệp. ‘Ông ấy vẫn là một socio xuất chúng và sẽ luôn được chào đón tại đây’

Về phần mình, 2 năm sau Cruyff đã bênh vực Gaspart khi một số thành viên ban lãnh đạo có những hành động pháp lý chống lại ông vì một vài thương vụ về đất đai gần sân tập. Tuy nhiên, được bênh vực bởi Cruyff khi bạn là kẻ thù của ông ấy có lẽ sẽ không được thoải mái lắm.

‘Sau 22 năm làm những việc tồi tệ, tôi không nghĩ rằng ông ấy đáng bị trừng phạt nếu không làm gì trái pháp luật. Nếu vụ mua bán không được như ý muốn thì cũng chẳng có lý do gì để mà chỉ trích ông ta’ – trích những lời ‘vàng ngọc’ của người Hà Lan dành cho Gaspart.

Mùa giải định mệnh 1995-1996 là một mùa giải kỳ lạ. Barça cán đích ở vị trí thứ 3, Real ngậm ngùi đứng thứ 6. Cruyff và Núñez đã có một thời gian dài suốt ngày lời qua tiếng lại. 3 mùa giải sau đó những gì CLB gặt hái được là rất đáng kể, 7 danh hiệu dưới triều đại của Bobby Robson và Louis van Gaal. Tuy nhiên, trong mùa giải cuối cùng của mình ở Barcelona, Cruyff đã đưa CLB này tới bán kết cúp UEFA và chung kết cúp Nhà Vua, nhưng sau đó bị đánh bại bởi Atletico Madrid. Và số phận của ông đã được định đoạt.

Cruyff cho rằng, sự thật là ban lãnh đạo CLB đã sa thải ông sớm hơn nhiều, từ tháng 1/1996, và điều này đã khiến cho vụ chuyển nhượng Zinédine Zidane từ Bordeaux bị đổ vỡ. ‘Chúng tôi cố gắng ký hợp đồng với cậu ấy vào tháng 1, với giá chuyển nhượng khoảng 3,5 triệu đô la.’ Ông nhớ lại ‘Tôi tự hào vì tiếng nói của tôi thường có sức thuyết phục cao đối với một cầu thủ. Nhưng đến tháng Ba tôi phải gọi cho Zidane và Aaron Winter và nói với họ rằng chúng tôi không thể tiếp tục. Tôi không biết liệu Barça có sa thải mình, hay là tôi sẽ phải tự ra đi. Tôi là người có trách nhiệm trong tất cả những bản hợp đồng của cầu thủ nhưng lúc đó, tôi không thể đi cùng họ được lâu hơn.’

Hai năm sau, 2 pha đánh đầu của Zizou đã làm nên lịch sử tại World Cup và năm 2002 cũng chính anh là người đã loại Barça khỏi Champions League khi ghi bàn thắng trong trận bán kết ngay tại Camp Nou. Đây là bước đầu cho sự sụp đổ của triều đại Gaspart, và sau đó trong trận chung kết trên sân Hampden anh cũng đã ghi một bàn thắng tuyệt vời. Và khi ấy anh khoác áo Real Madrid.

Người lên tiếng ủng hộ Cruyff khi đó chính là Pep Guardiola. Đội trưởng của Barça khi đó đã nói: ‘Xung đột giữa HLV và ban lãnh đạo là điều không ai mong muốn và cũng chẳng mang lại lợi ích gì, khi mà trong nội bộ đội bóng có một số người ủng hộ Cruyff và một số người chống đối’ Guardiola trả lời báo chí Catalán, ngay sau khi cuộc chia tay đầy bi kịch diễn ra.

Chúng tôi đã hết sức cộng tác với HLV của mình từ khi ông ấy tới đây. Khi CLB có HLV mới, chúng tôi cũng sẽ làm thế với ông ta, bởi chiến thắng là lý do khiến chúng tôi quy tụ nơi đây. Nhưng bản thân tôi vẫn mắc nợ Cruyff vì ông đã cho tôi cơ hội được thi đấu tại đây và đã dạy cho tôi rất nhiều điều quý báu’.

Mùa xuân năm 2011, Guardiola đã trả lời phỏng vấn CLB cũ của mình là Brescia trong DVD kỷ niệm 100 năm thành lập CLB này. Ông lý giải rằng sau một thời gian tại một CLB cháy hết mình như Barça, mọi người sẽ cảm thấy mệt mỏi vì sự có mặt của nhau và rất cần sự thay đổi để giữ phong độ và sự tập trung. Bạn có thể nghe được về những gì Guardiola đã học được sau một quãng thời gian điên rồ trong lịch sử của Barcelona.

Ngay sau ngày Cruyff bị sa thải, Barça đã đánh bại Celta Vigo với tỉ số 3-2. Jordi Cruyff đã căng ngang để Óscar García ghi bàn thắng gỡ hòa, và vị chủ tịch của Barça đã phải hứng chịu rất nhiều tiếng la ó và cả những chiếc khăn tay trắng vẫy vẫy trên khán đài – hành động biểu thị sự phản đối của người TBN. Lẫn trong làn hoa giấy bay lả tả là biểu ngữ của một CĐV: ‘Hãy tha thứ cho họ, Johan, vì họ không biết việc mình đang làm’

Cũng như cha mình, Jordi đã bị cô lập trong đội hình, đó là cách mà Rexach làm để có thể ở lại CLB và điều hành một hai trận đấu còn lại. Cruyff rất giận về điều này, và tình bạn của họ chấm dứt.

Cruyff ra đi và không bao giờ trở lại đảm nhận một vị trí chính thức nào, nhưng ảnh hưởng của ông lại tăng gấp đôi vì cái cách mà ông bị sa thải cũng như cảm giác trống vắng khi ông ra đi. Những cống hiến của ông từ những năm 70, 80 rồi 90 vẫn còn ảnh hưởng lớn đến đội hình Barça về sau này, thế hệ của những Xavi, Iniesta và Messi. Phong cách chơi bóng của họ đã được tạo dựng nên tại Camp Nou bởi Cruyff. Cách huấn luyện và đào tạo của ông cũng đã góp phần lớn để tạo nên một Guardiola vĩ đại được mọi người tôn trọng và tin tưởng trên cương vị HLV.

Năm 2009, Cruyff từng phát biểu: ‘Khi còn trẻ, Guardiola không có thể lực tốt để chơi bóng ở phong độ cao nhất. Nếu không có trí thông minh bù lại có lẽ anh ta chẳng thể trụ lại được đội U18 của chúng tôi.’

‘Trong sự nghiệp của anh ta, đó là một lợi thế lớn. Chúng tôi từng thảo luận hàng giờ về tầm nhìn, óc tổ chức của anh ta, và thật may là chúng đã mang đến cho CLB rất nhiều danh hiệu. Chúng tôi cũng thường bàn về việc làm thế nào để hạn chế tối đa những điểm yếu của Pep và anh ta đã làm được điều này một cách đáng kinh ngạc. Sau khi chia tay Barça anh ấy đã bay khắp nơi, học hỏi nhiều thứ và trở về cùng những kinh nghiệm, tầm hiểu biết rộng và niềm đam mê công việc. Một ngày nào đó anh ta sẽ già lụ khụ và đi không vững, nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, anh ấy là tấm gương sáng ở Barcelona’

Cruyff đã tái tạo cấu trúc và thành phần của hệ thống đào tạo trẻ tại FC Barcelona. Ông cũng có tiếng nói lớn với vị luật sư trẻ người Catalonia có tên là Joan Laporta. Kết quả là một số học viên của lò đào tạo này đã trở thành những nhà vô địch Champions League dưới sự dẫn dắt của Rijkaard và Guardiola.

Vào cái ngày mà Cruyff buộc phải ra đi, chàng trai 16 tuổi Xavi Hernández còn là thành viên của đội trẻ Barça và đã có 5 năm tập luyện tại đây. Andres Iniesta vẫn đang được theo dõi, Victor Valdés cũng từng có 4 năm tại Camp Nou, và anh chàng 17 tuổi tên là Carles Puyol cũng vừa được thử việc và ký hợp đồng với tư cách một cầu thủ đá bên cánh. Hệ thống của Cruyff không chỉ đào tạo các cầu thủ một cách hiệu quả, mà đồng thời nó còn thay đổi các tiêu chuẩn săn lùng cầu thủ của Barça. Kết quả là hiện giờ Barça đã chọn được những cầu thủ trẻ tốt nhất, hay ít nhất là những người phù hợp nhất cho lối chơi của họ.

Lần trở lại tiếp theo của Cruyff đến khá tình cờ. Đó là từ sự bất bình sâu sắc của Laporta trước việc thần tượng của ông bị đối xử thật bất công, khiến ông quyết định tiến hành chiến dịch tranh cử chức chủ tịch. Cuối cùng ông đã thành công và khởi động cho một kỷ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử CLB.

Khi Laporta giành chiến thắng đầy kịch tính vào năm 2003, FC Barcelona là một tượng đài tang thương. Danh hiệu gần nhất của họ là năm 1999, nợ nần chồng chất, thu nhập chẳng đáng là bao và một vị trí dự Champions League cũng ngày càng trở nên xa vời – Barça vẫy vùng trong khủng hoảng. Trách nhiệm kéo con tàu Barça qua sóng gió được đặt lên vai của chủ tịch Laporta, giám đốc thể thao Sandro Rosell, Marc Ingla, giám đốc thị trường và Ferran Soriano, giám đốc tài chính – những mảnh ghép rất trẻ và nhiệt huyết của ban lãnh đạo mới. Đứng đằng sau họ là Cruyff với một chức vụ mới – Ông cố vấn.

Sau khi giành chiến thắng, Laporta và các đồng sự bắt tay vào tìm HLV cho đội bóng. Họ thấy rằng mức lương của Guus Hiddink là quá cao, còn khoản tiền mua lại hợp đồng của Ronald Koeman với Ajax cũng không hề rẻ. Họ trở nên lúng túng và Cruyff đã giới thiệu cho họ Frank Rijkaard. Laporta đã hoàn toàn tin tưởng Cruyff, dù đây là một quyết định có phần khiên cưỡng.

Sự nghiệp của Rijkaard với ĐT Hà Lan cũng khá ổn, nhưng mùa bóng duy nhất của ông ở cấp CLB lại là một bi kịch. Sparta Rotterdam đã rớt hạng dưới sự dẫn dắt của một trong bộ ba người Hà Lan bay, và ông bị sa thải. Tuy nhiên, Cruyff không chỉ biết rõ Rijkaard, mà với nhãn quan của mình ông đã nhìn ra được khả năng của người học trò cũ sẽ đưa Barcelona tiến lên.

Trong một phát biểu vào năm 2011, Cruyff nói rằng những HLV ‘thiếu kinh nghiệm’ như Rijkaard hay Guardiola vẫn có những tiêu chuẩn riêng để xem xét. ‘HLV của một đội bóng đẳng cấp quốc tế cần phải nhận thức được rất nhiều vấn đề, trong đó có việc CLB ấy có tầm vóc lớn đến thế nào, và chứng minh cho công chúng cũng như giới truyền thông thấy điều đó. Anh ta cũng cần phải nắm rõ về các CĐV, và nhất là điều hành phòng thay đồ cho thật ổn định. Sự thật là trong công việc của anh ta, bóng đá chỉ chiếm khoảng 40%. Tất cả các quyết định đều có liên quan tới các cầu thủ và nó đòi hỏi kiến thức cũng như trình độ của HLV. Vậy những kinh nghiệm này từ đâu mà có? Kinh nghiệm trong phòng thay đồ, khả năng làm việc dưới áp lực lớn, đối mặt với một trận đấu lớn. Nếu bạn đã trải qua những điều này từ khi là cầu thủ, thì chắc chắn bạn đã có cả một núi kinh nghiệm rồi.’

Những cuộc tranh luận về việc Barça dưới thời Pep có thể sẽ kém hơn về lực lượng, về thành quả hoặc thậm chí là còn chẳng tồn tại nếu như không có Barcelona của Rijkaard từng là đề tài khá nóng bỏng. Các cầu thủ như Valdés, Iniesta và Messi không chỉ được đưa lên đội một mà còn có được những thành công đầu tiên dưới triều đại Rijkaard. Sân Camp Nou đã phát cuồng với thứ bóng đá 4-3-3 liên tục ép sân bằng những đường chuyền có tốc độ cao. Barcelona đã tìm lại được hương vị chiến thắng. Và cái tên Rijkaard trở nên một kỳ tích.

Ông ấy khác với Cruyff ở chỗ, khi đó không thể tìm ra điểm bắt đầu thích hợp. Nhưng bỏ lại sau lưng một khoảng thời gian không ổn lắm giữa 2 người này, mọi thứ đã chuyển biến khi những người cầm trịch, Laporta, Rosell và Begiristain đã nhận được lời khuyên từ Cruyff trong việc ký hợp đồng với chiến lược gia 40 tuổi.

Quay trở lại năm 1991, Cruyff đã mô tả tác động của ông tới Rijkaard– khi ấy còn là cầu thủ. ‘Frank là một trong những cầu thủ có sự tiến bộ đáng kinh ngạc nhất. Có thể nói là giữa chúng tôi có một sự đối đầu khá gay gắt, nhưng lối chơi của anh ấy ở AC Milan thật tuyệt. Có những lúc chúng tôi đã phải dùng Wim Jansen để giữ Rijkaard luôn tỉnh táo, để chắc chắn rằng anh ấy vẫn chăm chỉ làm việc. Một số người cần phải thất bại một lần để tỉnh ra, rồi những khả năng họ có sẽ đưa họ lên đỉnh cao.’

Thuyết phục Laporta về trường hợp của Rijkaard không phải là tác động quan trọng duy nhất của Cruyff trong những năm tháng đầu tiên. Tháng 12 năm 2003, Barça thúc thủ 1-5 trong chuyến làm khách trên sân La Rosaleda của Málaga. Tất cả trở nên hỗn loạn, Báo chí, đài phát thanh, truyền hình, CĐV và cả cầu thủ nữa, đều muốn Rijkaard bị sa thải. Các báo có những dòng tít như ‘thảm họa’ hay là ‘cái ung nhọt trong bóng đá’. Các CĐV Málaga đã hô vang ‘a Segunda, a Segunda’(xuống hạng) trong suốt hiệp hai. 4 ngày sau là trận siêu kinh điển tại Camp Nou. Với Ronaldo, Figo và Beckham trong đội hình, Real đã giành chiến thắng 2-1. Đây là chiến thắng đầu tiên của Los Blancos tại Camp Nou ở La Liga trong vòng 20 năm. Một tuần địa ngục dành cho các culé.

Cruyff bảo với Laporta rằng Real Madrid có vẻ rất mỏng manh, không giống như khoảng cách 13 điểm giữa họ và Barcelona. Và ông nói: ‘Một HLV, dù giỏi thế nào đi nữa cũng sẽ phải giơ đầu chịu báng trước tinh thần của đội nhà. Ở Málaga và hiệp một trận Siêu kinh điển cũng vậy. Nếu đội bóng thi đấu với tinh thần như ở hiệp 2, thì mọi đội bóng đều rất khó chơi lại Barça.

Tôi muốn nhấn mạnh hành động cuối cùng này. Cruyff đã nhìn ra và truyền đạt một điều gì đó tích cực (và đã được kiểm chứng là đúng 100%) trong trận đại bại 1-5. Không ồn ào, không khoa trương, nhưng lại rất sâu sắc.

Dù vậy, đến tháng một, Barça vẫn lóp ngóp ở vị trí thứ 13. Patrick Kluivert là cầu thủ ghi được nhiều bàn nhất với 5 lần sút tung lưới đối phương. Họ đã đánh rơi 17 trong số 27 điểm tối đa trên sân nhà và trước mắt là trận làm khách trên sân của Racing Santander. Đội hình Barça khi đó gồm có Rüştü, Reiziger, Puyol, Márquez, Gio van Bronck-horst, Xavi, Cocu, Iniesta, Luis Enrique, Ronaldinho và Sergio García đã tiếp tục nhận thất bại 0-3. 4 người trong số này đã từng là nhà vô địch World Cup, một người khác thì đã từng góp mặt tại chung kết World Cup, nhưng họ vẫn bị đánh bại một cách thuyết phục.

Cruyff đã bày tỏ với công chúng ‘Tôi rất lạc quan về nửa sau của mùa giải. Tất cả mọi người đang ở trên cùng một trang sử.’ Như mọi khi, tiếng nói của ông rất đơn độc. Con đường ngắn nhất để một tân chủ tịch lấy lại niềm tin từ phía người hâm mộ cũng như báo chí, là trảm vị tướng bại trận. Nhưng Cruyff đã can ngăn, rằng Rijkaard chính là bước ngoặt của đội bóng, và Laporta tin vào điều đó. 2 con người này đã chống lại cả thế giới, đặc biệt là sự phản đối từ phó chủ tịch Sandro Rosell, khi mà huyền thoại người Hà Lan đã can thiệp để hủy bỏ cuộc thương thảo với Felipe Scolari. Nhưng cuối cùng thì Barcelona đã làm nên một chuỗi trận bất bại thần kỳ để cán đích ở vị trí thứ hai, chỉ về sau đội vô địch năm đó là Valencia tí chút. Trong khi đó, Real Madrid đã sa thải HLV của họ lúc đó, Carlos Queiroz do thành tích chỉ về thứ tư.

Đó là một điểm cộng dành cho Rijkaard, trong đó có công lớn của Cruyff. Trong những năm tháng về sau của Rijkaard, CLB đã gặt hái rất nhiều thành công. Những lời khuyên đúng đắn của Cruyff về trường hợp Rijkaard đã trở nên một bài học sâu sắc về sự kiên nhẫn sẽ dẫn tới thành quả tốt đẹp. Và nó cũng chỉ ra sự khác biệt giữa cầu thủ Cruyff và Cruyff của công tác lãnh đạo.

Trong triều đại của Laporta, bản hợp đồng hay nhất thuộc về Ronaldinho – người đã mang lại danh tiếng cho Barcelona bằng tài năng xuất chúng của mình. Tuy nhiên, ngay trước khi rời đi khỏi CLB, anh đã nhận được những lời chia sẻ từ Cruyff trên tờ La Vanguardia. Thường thì Cruyff sẽ chỉ trích cầu thủ người Brazil vì phong cách chơi bóng có phần cá nhân, thiếu ăn ý với đồng đội. Nhưng khi được phỏng vấn về khoảng thời gian chơi bóng vô cùng rực rỡ của mình tại Camp Nou, ông đã kể một câu chuyện về sự chuyển biến từ suy nghĩ và hành động của một thiên tài bóng đá đến một cầu thủ có trách nhiệm, có khả năng gánh vác đội bóng.

Trong vai trò là một cầu thủ quan trọng của đội bóng vào những năm từ 1973 đến 1978, ông nhận thấy rằng ‘thi đấu tại Camp Nou khi mà trận đấu trước đó có kết quả hay một màn trình diễn nghèo nàn là một điều khá căng thẳng. Khi đó tôi thường cố gắng làm điều gì đó đặc biệt, một vài kỹ thuật hoặc một pha lừa bóng điệu nghệ trong 15 phút đầu để thu hút sự ủng hộ của khán giả. Khi mà họ đã vỗ tay tán thưởng, áp lực lên đội bóng như tan biến và chúng tôi có thể tiến lên giành chiến thắng.

Bạn có thể thấy chàng Ro vẩu cũng nghĩ và làm những điều tương tự, và thông thường thì Cruyff sẽ lên báo chỉ trích anh về điều này.

Sau 2 năm không danh hiệu dưới thời Rijkaard, đã đến lúc cần có sự thay đổi. Rijkaard ra đi nhưng Cruyff vẫn bảo vệ ông, có lẽ vì có những điều tương tự đã xảy ra vào năm 1996.

Câu nói cuối cùng của Cruyff là: ‘Rijkaard đã thể hiện được chính mình trong suốt 5 năm qua’. Tuy nhiên, một vài cầu thủ của ông lại không nghĩ thế. Điều bạn cần làm là xem những gì mà một cầu thủ làm được trong 3 năm đỉnh cao và những việc xảy đến sau đó. ‘Mọi HLV đều cần các cầu thủ của mình đoàn kết thành một khối. Tuy bản thân Rijkaard không có gì thay đổi nhưng một vài học trò của ông lại không được như vậy. Kết quả là họ đã mất đi lòng tôn trọng của mọi người.’

Cruyff đã có nhiều hơn một cơ hội được về làm việc tại Camp Nou. Laporta đã từng muốn ông vào vị trí HLV hoặc trợ lý kỹ thuật cho Guardiola trong mùa bóng đầu tiên. Tuy nhiên, ông từ chối và cho rằng Guardiola ‘đã sẵn sàng’. Liệu đó có phải là món quà cuối cùng mà ông gửi đến Barça hay không?

Khi Barça giành chức vô địch Champions League mùa 2011, Cruyff trông vẫn trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi của mình. Ông và Guardiola vẫn thường đi chơi golf trong những ngày hè. Những học trò của ông vẫn thường tìm đến ông để xin lời chỉ bảo, nhưng không phải ai cũng có thể làm theo ông, luôn tin vào những gì mình coi trọng, trở nên độc lập và coi thường mọi điều tiếng xung quanh.

Mối quan hệ của ông với Sandro Rosell là không thể hàn gắn. Bạn sẽ phải tự hỏi rằng làm thế nào mà Hendrik Johannes Cruijff vẫn truyền sự ảnh hưởng của mình vào đội bóng mà ông yêu mến ngoài những phê bình mang tính xây dựng trên mặt báo. Vào mùa hè 2011, không lâu sau khi những ý tưởng ngày nào của ông đem lại chiến thắng ngoạn mục tại sân Wembley – nơi ông đã giành 2 chiếc cúp Châu Âu với tư cách là cầu thủ và sau đó 21 năm với cương vị HLV – ông trở về và kiếm một chân trong ban lãnh đạo của Ajax nhằm chỉ đạo các công việc của đội bóng.

Nguồn năng lượng và tầm nhìn của ông giờ đang chảy trong CLB Amsterdam, nơi đã từng nuôi dưỡng ông. Có lẽ các bài huấn luyện, phát triển tài năng trẻ, săn đón và huấn luyện kiểu mới của ông cần thời gian để có kết quả. Nếu ông làm được điều đó, chắc chắn sẽ có người khác viết sách về ông nhằm kể những chiến công lớn lao đã giúp Ajax về lại thời hoàng kim của mình.

Thế còn những gì sẽ chỉ lối cho một Barça-không- Johan-Cruyff ? Lịch sử sẽ chỉ ra: CLB sẽ nhớ đến ông, tranh cãi và cầu mong ông quay lại. Nếu chuyện này xảy ra thì lần này, có thể ông sẽ không đến với họ nữa.

DẤU ẤN:

REAL MADRID 2-6 BARCELONA

NGÀY 02/05/2009 – LA LIGA

Trong đêm đó, cách chơi của Barça cũng như kết quả trận đấu quả thật tuyệt vời. Nhìn lại trận đấu có rất nhiều yếu tố quan trọng tạo nên chiến thắng oanh liệt này. Thứ nhất, đó là một màn trình diễn ‘bá đạo’, khi mà các cầu thủ đã ghi tới 6 bàn thắng vào lưới kẻ thù không đội trời chung và họ đã trả sòng phẳng món nợ của năm trước, khi Barcelona phải xếp hàng để chào đón Real Madrid – nhà tân vô địch vào lúc đó. Trận đấu này Barça thua 1-4, và Xavi phải nhận thẻ đỏ. Một năm sau, với quyết tâm hạ nhục Madrid ngay trên sân khách, những phẩm chất kỹ thuật, chiến thuật, tốc độ và khả năng dứt điểm của các cầu thủ đã được thể hiện tối đa. Dù vậy, trận thắng 5-0 tại El Clasico 2010 tại Camp Nou vẫn được cho là ấn tượng và hoàn hảo hơn. Pha lội ngược dòng 3-1 tại Madrid dù đã bị dẫn trước từ sớm cũng là một trận đấu không kém phần hấp dẫn.

Thứ hai, bị dẫn trước trên sân của Madrid lại là một điềm báo cho chiến thắng của đội nhà

Thứ ba, cần phải biết rằng ngoài 6 bàn thắng mà Barça ghi được tại Bernabéu, có 4 tình huống đối mặt thủ môn của Messi, Henry và Eto’o, nhưng đều bị Casillas chặn đứng, đó là chưa kể những pha lao vào đá bồi. Nếu Thánh Iker không chơi xuất sắc trong những tình huống đó, tỉ số có thể đã là 2-10 chứ không phải 2-6.

Và đó cũng không phải là lần đầu tiên Messi chơi với vai trò của một ‘số 9 ảo’ – vị trí mà bây giờ đã trở thành thương hiệu của riêng anh – vị trí mà anh ghi bàn nhiều hơn bất cứ chỗ nào khác trên sân bóng. Ở vị trí này, Michael Laudrup đã thi đấu rất thành công, nhưng tiền đạo nhỏ con người Argentina còn hoàn hảo hơn, đến nỗi mà tờ El Mundo Deportivo (Thế giới thể thao) phải nhận xét rằng anh giống như ‘cả Maradona Cruyff, Ronaldo và George Best cộng lại’. Nói như vậy thì có vẻ hơi quá, nhưng mà…. Chẳng có cách nào khác để nói về anh cả…

Một trong những yếu tố chính dẫn đến chiến thắng này là niềm tin mạnh mẽ mà Guardiola đã truyền cho các học trò (họ đã rất nhiều lần lội ngược dòng và ghi bàn vào phút cuối trong cả mùa giải năm đó), khiến cho cú đánh đầu tuyệt đẹp mở tỉ số của Higuaín lại biến thành tiền đề cho một cuộc lật đổ của Barcelona.

Nhân tố tiếp theo là Xavi, với 4 đường chuyền thành bàn, rất nhiều pha thu hồi bóng và tỉ lệ thành công 89.5% trong số 107 đường chuyền, đây thực sự là một đêm khó quên trong sự nghiệp của anh. Bàn thắng mà anh cướp bóng từ chân Diarra rồi chọc khe giúp cho Messi ghi bàn thắng đầu tiên của mình ở Bernabéu là bàn thắng có tính chất quyết định kết quả cho cả mùa giải.

Guardiola đã nhìn ra sự chậm chạp của bộ đôi trung vệ Metzelder và Cannavaro, vì thế Eto’o và Henry được xếp đá dạt cánh, Messi hoạt động ở khu vực giữa hàng tiền vệ và hàng phòng ngự của Real với sự hỗ trợ của Xavi và Iniesta ở phía sau. Bộ đôi này sẽ gây áp lực lên Diarra, buộc bộ đôi trung vệ của Real phải dâng cao để hỗ trợ và để lộ những khoảng trống phía sau, tạo điều kiện cho Messi có những pha bắt tốc độ để băng xuống nhận bóng trong vị trí thuận lợi.Về phần Henry, trong trận đấu hay nhất của anh trong màu áo Barça, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ biến Sergio Ramos thành một anh hề để ghi bàn vào lưới Real. Và Barça đã tạo ra khoảng cách 7 điểm với kẻ bám đuổi trong khi mùa giải chỉ còn 4 vòng đấu, đồng thời chạm cột mốc 100 bàn tại La Liga. ‘Chúng tôi chỉ cần đạt phong độ cao nhất ở trận đấu này là đủ để nắm mùa bóng này trong tay’ – Puyol phát biểu trong phòng họp báo sau đó.

‘Phải đứng chào mừng họ như những nhà vô địch, rồi chịu thất bại tại đây hồi năm ngoái là một trong những ngày đen tối nhất trong sự nghiệp của tôi. Còn bây giờ, tại đây, lúc này, là một trong những khoảng khắc tuyệt vời nhất.’ Xavi cho biết thêm. ‘Chúng tôi đã thi đấu đúng sức, có một thế trận vượt trội và có thể dễ dàng ghi các bàn thắng.’

Đội hình thi đấu:

Real Madrid (4-2-3-1) Casillas; Ramos (Van der Vaart 71), Cannavaro, Metzelder, Heinze; Gago, Diarra; Robben (Javi García 79), Raúl, Marcelo (Huntelaar 59); Higuaín.

Barcelona (4-3-3) Valdés; Alves,Puyol, Piqué, Abidal; Touré (Busquets 85), Xavi,Iniesta (Bojan 85); Messi, Eto’o,

Henry (Keita 62).

Bàn thắng: Higuaín (13’); Henry (17’), Puyol (19’), Messi (35’); Ramos (56’); Henry (58’), Messi (75’), Piqué (82’)

Thẻ vàng: Abidal, Ramos, Puyol, Marcelo, Van der Vaart, Javi García

Trọng tài: Undiano Mallenco

Số lượng CĐV: 80,000 người đã tới Santiago Bernabéu để theo dõi trận đấu.

Dòng thông tin - RSS Hightlight Bóng Đá

Xem Nhiều

DMCA.com Protection Status

More in Huyền Thoại Bóng Đá