CÁC ÔNG HOÀNG CỦA BARCELONA
‘Trong các cuộc họp chiến dịch, chúng tôi luôn nhận thức được và hiểu rõ rằng chúng tôi phải mô tả được sự tươi mới và thay đổi. Tôi nghĩ chúng tôi chiến thắng là vì vậy. . . đó lại là chuyện khác.’
Marc Ingla
TRÁI NGƯỢC LẠI VỚI ngày thứ sáu trước đó, chủ nhật ngày 8 tháng 3 năm 1998 là một ngày rất dễ chịu đối với Louis van Gaal. 48 giờ trước đó, chàng cầu thủ người Hà Lan trượt chân ngã trên sàn phòng thay đồ ở sân Camp Nou sau khi tập luyện và bị trật mắt cá chân nghiêm trọng đến mức anh phải đi đôi ủng bảo vệ kiểu Frankenstein trước một trận Clásico tối chủ nhật đó. Tuy nhiên, khi anh cà nhắc bước vào ghế cạnh sân trước mặt 115.000 người hâm mộ để xem Barça của mình đánh bại Real Madrid với tỉ số 3-0, chàng cầu thủ Hà Lan đã biết rằng người muốn hất cẳng chủ tịch Barça Josep Lluís Núñez và thay thế Van Gaal bằng kẻ thù không đội trời chung của anh là Johan Cruyff đã bị đánh bại.
Ngay trước lần đánh bại Madrid ấy, các thành viên của Barça đã được triệu tập đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà nếu thua thì Núñez sẽ không giữ được chức vụ của mình. Trong số 91.815 người được phép bầu thì 40.412 người đã chọn không tín nhiệm, với 24.863 phiếu chống lại moción de censura (bỏ phiếu bất tín nhiệm) – có 1191 phiếu hỏng hoặc phiếu trắng. Điều này có nghĩa là chủ tịch đang nắm quyền biết rằng mình vẫn khá an toàn khi 45 phút sau khi kết quả được công bố, ông ngồi vào ghế của mình ở Palco Presidencial để xem trận Clásico. Núñez hẳn đã cảm thấy rất kinh khủng. Van Gaal thì rõ ràng đã thấy như vậy, thể hiện trong cuộc họp báo sau trận đấu của anh.
‘Hôm nay là một trong những ngày tuyệt vời nhất trong đời tôi, thứ nhất là bởi chiến thắng trước Madrid và thứ hai là vì chủ tịch đã chiến thắng ở hòm phiếu – dù tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm tốt hơn cả ông ấy,’ Van Gaal trả lời vừa hài hước vừa huênh hoang.
‘Sáng mai tôi nghĩ tôi sẽ đeo một chiếc cà vạt xanh da trời in hình những chú voi màu trắng vì voi luôn mang lại may mắn cho tôi, điều đó đã được chứng minh trong tối nay.’
Anh đang nói đến nhóm đối lập Elefant Blau (Voi Xanh da trời) đã thất bại trong nỗ lực hất cẳng Núñez.
Điều mà không ai trong số họ biết là 14.358 phiếu mà Elefant Blau giành được cùng vị tướng 35 tuổi đầy uy tín của họ là Joan Laporta chính là tiếng nói của tương lai. Anh sẽ trở thành vị chủ tịch thành công nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử FC Barcelona. Ban lãnh đạo của anh thừa kế con người yếu kém của bóng đá Tây Ban Nha và biến họ thành đội bóng vượt trội của thế giới. Trong thời gian anh được ủy thác (2003-2010), Barça đoạt 12 cúp, bao gồm hai cúp C1 và bốn danh hiệu Tây Ban Nha. Bối cảnh? Barça giành được 16 danh hiệu Tây Ban Nha trong vòng 75 năm trước khi Laporta lên kế nhiệm.
Trong khi Real Madrid chi phối Cúp Châu Âu, đoạt cúp chín lần so với chiến thắng duy nhất của Barcelona (Wembley 1992), triều đại của Laporta đã giành thêm hai chiến thắng Cúp C1 và để lại cho chủ tịch tiếp theo một đội hình và HLV có khả năng đoạt thêm chiếc cúp thứ ba chỉ một năm sau khi Laporta ra đi (cũng là ở Wembley).
Anh không làm được một mình. Những người như Ferran Soriano và Marc Ingla là động cơ dẫn đến thành công bắt nguồn từ Camp Nou. Tuy nhiên, tất cả đều là ý tưởng của Laporta và khởi đầu từ Johan Cruyff.
Khi Núñez giao cho người đồng sự cùng làm phó chủ tịch là Joan Gaspart sa thải Cruyff vào tháng 5 năm 1996, Laporta là một trong hàng nghìn người hâm mộ Barça không chỉ không đồng ý với quyết định này mà còn không hài lòng với lối sa thải của ông này. Cùng với các lời chỉ trích khác về thời đại của Núñez, nhất là thói độc tài của ông và món nợ của CLB, cách xử lý tàn bạo này đối với vị HLV duy nhất từng mang lại cho Barça chiếc Cúp Châu Âu là đủ để châm ngòi cho một làn sóng phản đối mà cuối cùng chính Laporta là người lãnh đạo.
Năm 2006, Laporta giải thích cho tôi những lý do chính vì sao anh trở thành người hâm mộ lâu năm của Cruyff. ‘Mùa hè năm 1973 thật đầy hứng thú vì tất cả thành viên đều ngóng chờ từng động thái của Barça để ký hợp đồng với Johan,’ anh giải thích. ‘Khi đó tôi 11 tuổi và theo dõi từng khoảnh khắc. Khi ấy, đó là hợp đồng thế kỷ. Trận ra mắt của anh ấy là trước Granada và Johan đã ghi hai bàn. Sau đó, chúng tôi thắng 30 trận liên tiếp, bao gồm trận thắng Madrid 5-0, và chúng tôi đã đoạt cúp từ năm trận trước khi kết thúc giải đấu. Thật tuyệt vời.
‘Nó giống như một cuộc cách mạng ở thành phố và nền văn hóa của chúng tôi vậy – như thể thành viên thứ năm của The Beatles vừa đến Barcelona. Anh mang đến một bầu không khí hiện đại, thổi bay tất cả những tàn dư và đặt chúng tôi vào vị trí tiên phong của thể thao thế giới.
‘Là một cầu thủ, anh ấy tạo ra tình yêu. Anh ấy được bắt chước theo ở mọi thứ – cách anh ấy đi ra sân, hướng dẫn mọi người xung quanh khi đặt chân lên trái bóng, cách anh ấy chải đầu! Tất cả trẻ con đều muốn được là anh ấy, hoặc giống anh ấy – cả tôi cũng vậy.
‘Hồi ấy là chính phủ chuyên chế, vì vậy Barcelona nhận được sự cảm thông của những con người tiến bộ, những người theo chế độ dân chủ. Anh ấy có được sự ủng hộ ở đây cũng như ở những phần lớn khác trên khắp cả nước. Cruyff ủng hộ Barça nhưng cũng rất yêu mến Tây Ban Nha.
‘Mỗi lần Barça lên đường khi ấy cũng giống như bây giờ: hàng trăm người hâm mộ hò hét ầm ĩ. Điều quan trọng là Johan mang đến một ý tưởng hiện đại. Anh tháo gỡ quan điểm tiến bộ, dân chủ đã nới rộng khoảng cách giữa Barça và những người theo Francois.’
Laporta là một fan hâm mộ trung thành của Barça và là một luật sư trẻ tuổi, tham vọng và lưu loát, anh biết cách tổ chức và xúc tiến một phe đối lập khi vào năm 1996, Núñez sa thải HLV Cruyff.
Nhìn lại thì thấy chính những nơi anh lớn lên đã dẫn đến một số những khoảnh khắc lập dị vào cuối thời kỳ làm chủ tịch của mình.
Theo học tại một trường tu sĩ, Laporta vốn định trở thành một nhà truyền giáo. Rất thú vị. Anh bị đuổi học vì chống đối một thầy giáo vật lý đã đình chỉ cả lớp trong kỳ đầu tiên của năm học. Vì vậy, Laporta ăn trộm đáp án của một bài kiểm tra rồi đưa cho cả lớp. Khi những sinh viên không viết nổi tên mình đột nhiên đạt điểm cao, thầy giáo này cảm thấy có gì đó không bình thường, bèn nhốt tất cả bọn họ vào một lớp học và yêu cầu kẻ đầu trò nhận tội. Thư gửi về nhà, không trường lớp gì nữa.
Nghĩa vụ quân sự bắt buộc cũng không tạo nên con người biết nghe lời trong vị chủ tịch tương lai của Barça. Quản lý quân sự yếu kém khiến anh bị gửi đến Tenerife thay vì một vị trí cách Barcelona một giờ đồng hồ như đã được thỏa thuận. Ở đó, anh nổi loạn vì quân đội phục vụ thịt lạc đà hết hạn trong các bữa ăn và bị giam một mình trong hai tuần.
Một sự việc khác, trốn về nhà khi nghĩ rằng lối quản lý lộn xộn của quân đội sẽ khiến họ không nhận ra sự vắng mặt của anh, đã khiến anh phải ngồi trong nhà giam quân đội thêm hai tuần. Sau đó, khi vẫn còn một tháng rưỡi nghĩa vụ quân sự, trong pháo đài ở Pedralbes (nhìn xuống sân Camp Nou) nơi anh bị chuyển đến, anh quyết định cùng bạn gái đi nghỉ ở Ai Cập mà không được phép. Đến khi anh quay lại, chuẩn bị tinh thần vào trại giam một lần nữa rồi thì mới được biết rằng vào mỗi lần điểm danh, bạn bè đều đã di chuyển vị trí và hô ‘Có!’ mỗi lần cái tên Laporta được xướng lên.
Khi người hùng của anh là Cruyff đã bị truất ngôi một cách tàn bạo thì anh đã là một chàng trai biết nổi loạn.
Đi cùng với anh trong những giai đoạn đầu ấy là Albert Vicens, Jordi Moix, Albert Perrín và bạn học cũ Alfons Godall, tất cả đều sẽ gia nhập ban lãnh đạo khi anh lên làm chủ tịch Barça.
Laporta lần đầu trợ giúp Ángel Fernández ứng cử chức chủ tịch vào năm 1998, nhưng chiến dịch của họ đã bị Núñez càn quét. Hai năm sau, khi chủ tịch đương nhiệm quyết định từ chức, Laporta hỗ trợ cuộc tranh cử của ông trùm quan hệ công chúng và marketing Lluís Bassat trong cuộc bầu cử tổng thống khốc liệt năm 2000.
Luis Figo đang trong quá trình chuyển sang Real Madrid nhưng Joan Gaspart, phó chủ tịch lâu năm của Núñez và cũng chính là người đã trực tiếp sa thải Cruyff, đã dễ dàng đánh bại Bassat, 25.181 so với 19.791 phiếu.
Tuy nhiên, các đề tài đã nảy ra trong chiến dịch vận động ấy. Bassat lớn tiếng chống lại ‘những thành phần bạo lực và buôn bán ma túy’ của những người hâm mộ huyên náo nhất của CLB – Boixos Nois. Là chủ tịch, Laporta sẽ nỗ lực triệt tiêu các phần tử tồi tệ nhất khỏi Camp Nou và trong nhiều năm sau đó sẽ là đối tượng của của một chiến dịch hăm dọa bao gồm cả những mối đe dọa đối với mạng sống của anh.
Bassat cũng đã chỉ định Txiki Begiristain làm người chỉ đạo, có được sự ủng hộ ngầm của Cruyff và thường xuyên nói rằng các nguyên tắc, lối chơi và lai lịch của Pep Guardiola có ý nghĩa đối với ông đến thế nào. Cả ba người này sẽ là nền tảng quan trọng của một Barça mới.
Đáng lo ngại cho Laporta là một cuộc điều tra chính thức trên một tờ báo địa phương cho thấy phần lớn những người được hỏi tin rằng việc Bassat hợp nhất các thành viên của Elefant Blau đang gây trở ngại cho sự nghiệp của ông – vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông đánh giá nhóm chống đối của Laporta với thái độ hoài nghi.
Tuy nhiên, triều đại của Gaspart đã đổ nát và một trận thua 4-2 thảm hại tại sân nhà trước Valencia của Rafa Benitez vào tháng 1 năm 2003 không chỉ dẫn đến một cuộc chống đối quy mô mà còn là khởi đầu của kết thúc cho vị chủ tịch, mở ra con đường dẫn đến các cuộc bầu cử mới.
Sau khi bị đẩy ra ngoài rìa trong chiến dịch của Bassat và xét thấy tình trạng tồi tệ của CLB cả trong và ngoài sân đấu, Laporta quyết định sẽ dẫn đầu chiến dịch tranh cử của riêng mình khi có cơ hội lần sau.
Anh liên lạc với Sandro Rosell, một người xuất thân từ dòng dõi Barça; họ thuyết phục Marc Ingla tham gia và rồi anh dụ dỗ được đối tác của mình là Ferran Soriano đóng góp tài trí đáng kể của mình vào dự án.
Soriano khi đó là một doanh nhân giàu có, mới 36 tuổi nhưng đầy kinh nghiệm marketing và viễn thông quốc tế. Anh sẽ trở thành phó chủ tịch bắt đầu từ mùa hè đó. Là một người hâm mộ Barça hết lòng nhưng Soriano lại không biết gì về chính trị bóng đá và là bộ óc hoàn hảo để được một nhóm có thừa đam mê nhưng thiếu trí tuệ thu nạp.
Anh bảo tôi: ‘Tôi gặp nhóm người này, Laporta và các đồng sự, họ thiết tha muốn chạy đua cho chức chủ tịch nhưng lại không biết cách tổ chức một chiến dịch tranh cử hiệu quả.’
Soriano ngay lập tức bắt đầu rũ bỏ các quy tắc bóng đá và áp dụng những lẽ thường mà anh học được trong kinh doanh. ‘Một điểm quan trọng là khi tiếp cận một thứ mà anh không hiểu thì anh nên tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia đúng không? Vì vậy tôi gọi cho một chuyên gia ở Washington, DC, một phụ nữ Catala chuyên tư vấn chiến dịch ở đó. Tôi hỏi bà ấy: ‘Làm thế nào để tổ chức một chiến dịch hiệu quả?’
‘Bà ấy giảng giải cho tôi qua điện thoại trong một giờ đồng hồ và tôi ghi lại tất cả rồi áp dụng các quy tắc ấy vào các vấn đề địa phương. Khi tôi trình bày với nhóm, họ ủy nhiệm cho tôi công việc này.’
Dù không chuyên nghiệp nhưng nhóm của Laporta là một tập hợp những người cùng tin tưởng vào những mục tiêu lý tưởng, còn trẻ, hăng hái và chán ngấy cái cách CLB của mình đang lê bước qua lại từ xấu hổ đến đáng chế nhạo vì thiếu trình độ.
Trong bộ phim tài liệu xuất sắc của Storyville, ‘Barcelona: Câu chuyện Nội bộ’, Rosell thừa nhận: ‘Người ta bắt đầu thấy xấu hổ vì là fan của Barçalona.’
Khi một phó chủ tịch tài năng đang nảy nở khác là Rosell bắt đầu thu thập các mối liên hệ và thư từ để cải thiện cách nhìn nhận của công chúng đối với một nhóm vẫn còn lép vế trong cuộc chạy đua ứng cử, Laporta xuất hiện là một ‘Chàng trai Vàng’ thiên bẩm. Khi được lập trình hẳn hoi, lối ăn nói mạch lạc, sức hấp dẫn và sự tự tin của Laporta bắt đầu nâng cao cơ hội thành công của anh.
‘Joan là ứng cử viên hoàn hảo vì hai lý do: Thứ nhất, cậu ấy là một người có uy tín thiên bẩm, nhất là ở thời điểm đó. Cậu ấy rất dũng cảm và thể hiện tốt bản thân,’ Soriano bổ sung. ‘Nhưng điều thứ hai, rất quan trọng, là cậu ấy luôn tin tưởng những gì chúng tôi nói, tiếp thu và lặp lại mà không thay đổi dù chỉ một milimét.
‘Cuối cùng mọi thứ trở nên khác hẳn khi chúng tôi đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 2008, vì cậu ấy không cho phép mọi người xung quanh bảo mình phải làm gì. Cậu ấy thay đổi thông điệp và trở nên dễ xúc động.
‘Hồi năm 2003, chúng tôi bắt đầu buổi sáng và bảo cậu ấy: ‘Thông điệp hôm nay là, vòng luân chuyển hiệu quả, cộng với cầu thủ mới.’
‘Chúng tôi dặn cậu ấy: ‘Cậu phải lặp đi lặp lại các thông điệp này. Cậu sẽ rất mệt và chóng mặt vì phải nói đi nói lại một thứ, nhưng đừng lo – hôm nay chỉ có hai thứ đó thôi.’ Thế là cậu ấy sẽ nói đi nói lại hai hay ba thứ ấy không chê vào đâu được. Rất thuyết phục và không chệch một li.’
Dù không cảm thấy được Laporta ủng hộ trong thời gian anh giữ chức nhưng Ingla cũng đồng quan điểm về vị chủ tịch sắp lên nắm quyền: ‘Jan (Laporta) khi đó và bây giờ vẫn luôn rất duy tâm, hăng hái và thu hút. Vị chủ tịch hợp lý cho thời điểm hợp lý.
‘Chẳng có mấy hồ nghi về người sẽ đứng đầu. Có lẽ ngay từ đầu Sandro đã nói là anh muốn làm, nhưng rõ ràng người đó phải là Jan.
‘Đó không phải chỉ là chủ nghĩa cơ hội. Anh ấy có những nguyên tắc tốt và đề xuất các nguyên tắc ấy một cách cuốn hút. Mọi người đều đi theo anh ấy. Hơn nữa, khi chống lại điều gì thì anh ấy cũng làm với đầy nhiệt huyết. Rất sắc sảo.’
Như thường thấy với những con người xuất sắc, có thành công thì cũng có thất bại. Ingla miêu tả Laporta rất đúng. Khi anh đúng thì niềm tin vào bản thân của anh được truyền sang những người hoài nghi và mang lại những điều tốt đẹp. Khi anh sai thì niềm tin vào bản thân ấy lại khiến anh đến chỗ lờ đi những lời khuyên đúng đắn và dẫn đến tai họa.
Chiến dịch đang diễn tiến tốt đẹp thì Rosell tung ra một nước đi đắt giá trong quan hệ công chúng, giúp Laporta gần chạm được đến quyền lực.
Ngày 10 tháng 6 năm 2003. Các phóng viên theo dõi cuộc bầu cử đến văn phòng chiến dịch Passeig de Gràcia của Laporta, sẵn sàng cho thứ mà chúng tôi nghe nói sẽ là một tuyên bố quan trọng.
Trong hàng tháng trời, tôi đã được tin là thỏa thuận giữa Real Madrid, MU và David Beckham đã hoàn tất. Giá chuyển nhượng giữa các CLB đã được thỏa thuận trong một cuộc gặp giữa José Ángel Sánchez của Real Madrid với David Gill và Peter Kenyon của United trên đảo Minorca. Người của Beckham được tự do thương lượng với Madrid và đã đạt kết quả mong đợi nhưng vì thỏa thuận chưa được công bố nên trên lý thuyết thì cầu thủ này vẫn còn ở trên thị trường.
‘Tôi có thể tuyên bố rằng chúng tôi đã đồng ý với MU về một mức giá để mua David Beckham,’ Laporta nói với chúng tôi hôm đó. Sau lưng anh là một màn hình, trên đó là một thông báo chính thức của MU khẳng định điều này. Theo quan điểm của United, họ đơn giản chỉ muốn được trả một khoản tiền cho Beckham – không cần biết là từ ai – và rất vui vẻ khẳng định rằng Laporta và đội của anh, đang chuẩn bị ứng cử, đã đồng ý với mức giá của họ.
Vị chủ tịch chưa chính thức không chịu trả lời các câu hỏi về giá chuyển nhượng mà nhường sân khấu cho phó chủ tịch Sandro Rosell để người đã đạt thỏa thuận này được nhận lời khen.
Những câu hỏi hoài nghi được đặt ra tới tấp.
‘Các ông sẽ làm thế nào để thuyết phục anh ta không chuyển sang Madrid?’
‘Anh ta có phải là kiểu cầu thủ hợp với dự án kỹ thuật của các ông không?
‘Lần ký hợp đồng này có phải chỉ nhằm mục đích marketing?’
Rosell chiến đấu với tất cả những câu hỏi này bằng những câu trả lời bình tĩnh, khéo léo.
Đây chỉ là chuyện bên lề. Beckham sẽ chơi cho Madrid, nhưng vì có một tuyên bố chính thức của MU khẳng định về hợp đồng phí chuyển nhượng, báo giới Catala được một phen chóng mặt.
Ngay từ ban đầu, đây chỉ là một mánh khóe tinh ranh. Beckham đã được thỏa thuận là sẽ đầu quân cho Madrid, Barcelona đang vật lộn trong giải quốc gia và không có gì đảm bảo cho Cúp C1 – vậy mà nó vẫn phát huy tác dụng hoàn hảo.
Laporta đã cho người bỏ phiếu những gì mà họ muốn tin – rằng nhóm doanh nhân trẻ tuổi và mạnh mẽ này sẽ giúp Barcelona thắng đậm một lần nữa trên đấu trường châu Âu.
Marc Ingla đã có mặt ngày hôm đó và sẽ trở thành phó chủ tịch marketing sau khi thắng phiếu lớn. Soriano và Ingla đã sáng lập một công ty viễn thông có văn phong từ Boston đến Dusseldorf, Luân Đôn và Paris tới São Paulo.
Ingla nói với tôi: ‘Khi tuyên bố về hợp đồng với Beckham, chúng tôi đã vượt qua các đối thủ của mình trong cuộc bầu cử. Động lượng đã được tạo ra, nhưng hợp đồng với Beckham đã đẩy mạnh đa số phiếu cho chúng tôi vì nó mang lại cho chúng tôi sự tín nhiệm: ‘Bọn họ đã đến Manchester và ký được hợp đồng với một cầu thủ siêu sao.’
‘Sandro Rosell tham gia rất nhiều vào những thỏa thuận ấy và tôi tin rằng mối quan hệ rất tốt đẹp giữa cậu ấy với Florentino Pérez đã góp phần xúc tiến tình hình. Đó chỉ là thỏa thuận ‘một nửa’. Sandro làm việc đằng sau cánh gà với tất cả các bên.’
Sandro Rosell và Florentino Pérez đã có – và đến một mức độ nào đó vẫn có – một mối quan hệ lâu dài tôn trọng lẫn nhau, thậm chí là tình bạn.
Beckham đến Madrid là một thỏa thuận đã hoàn tất. Real Madrid đang nắm thế chủ động, vậy mà đối thủ truyền kiếp của họ lại tuyên bố về hợp đồng phí chuyển nhượng Beckham nếu Laporta chiến thắng trong cuộc đua giành chức chủ tịch. Tuy nhiên, không có lời bác bỏ giận dữ nào từ phía Bernabéu đối với thỏa thuận của Laporta về Beckham. Mọi thứ đều yên bình, một tinh thần anh em tồn tại cho khoảnh khắc ngắn ngủi giữa công bố và bầu cử.
Nếu mối quan hệ thân thiện giữa Pérez và Rosell là đủ để thuyết phục anh không tấn công lời tuyên bố kia, để cho phép họ nhanh tay che mắt người bỏ phiếu thì đó là một sai lầm. Hiệu ứng kích động của tuyên bố này đã đưa Laporta đến chiến thắng và đưa Barça trở lại con đường tài danh của họ.
‘Trong các cuộc họp chiến dịch, chúng tôi luôn nhận thức được và hiểu rõ rằng chúng tôi phải mô tả được sự tươi mới và thay đổi,’ Ingla hồi tưởng. ‘Tôi nghĩ chúng tôi chiến thắng là vì vậy – hoặc đó là cách chúng ta nhìn nhận nó. Tuổi tác của các thành viên ban lãnh đạo, hồ sơ của chúng tôi – đó lại là chuyện khác.’
Laporta và đồng sự đã đánh bại đồng minh cũ của anh là Bassat với chênh lệch gần 9000 phiếu; đó là sự ủy thác cho thay đổi cấp tiến mà Ingla mong muốn.
Bản tuyên ngôn của Laporta bao gồm ý kiến rằng ban lãnh đạo của anh sẽ sẵn sàng loại bỏ một trong những tư tưởng cơ bản của Més Que Un Club và chấp nhận tài trợ áo đấu. Barça rất tự hào là một trong số rất ít những đội bóng trên thế giới giữ được chiếc áo ‘nguyên vẹn’. Bước đi trước bầu cử này của Laporta, được phê duyệt bởi một hội đồng đặc biệt vào đầu năm thứ nhất giữ chức của anh, là một bước tiến lớn ra khỏi truyền thống.
Tất nhiên Beckham đầu quân cho Madrid. Pini Zahavi, người giúp đỡ Rosell và Laporta ở hậu trường, đã góp phần mang lại cho Barcelona thủ môn quốc tế người Thổ Nhĩ Kỳ Rüştü Reçber (đã thất bại ngay lập tức), trong khi Luis García, Rafa Márquez, Gio van Bronckhorst, Ricardo Quaresma và Ronaldinho cũng ký hợp đồng.
Một điều thú vị, nếu không muốn nói là kỳ lạ, là dù đã góp phần làm thành công tin đồn Beckham của Laporta nhưng United lại từ chối ký hợp đồng với Ronaldinho từ Paris Saint-Germain. Chủ tịch CLB Pháp Francis Graille bực mình với Peter Kenyon, khi đó đang đứng đầu United, vì thay đổi giá chuyển nhượng khi nói miệng với trên fax, đến nỗi đã bán cầu thủ này cho Barcelona. Real Madrid cũng muốn có được Ronaldinho nhưng là một năm sau, và điều này thì anh không đồng ý. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Rosell và Ronaldinho, nảy sinh từ quá khứ với Nike nơi Rosell là một giám đốc và đội tuyển quốc gia Brazil, các khách hàng chính của công ty này, đã làm nốt phần việc còn lại. Một cầu thủ kiệt xuất và một tính cách vui vẻ được bổ sung vào dự án gây dựng lại đội bóng – đó là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong lịch sử cận đại của FC Barcelona.
Sau đó là một khoảnh khắc quan trọng khác: Frank Rijkaard ký hợp đồng làm HLV. ‘Cậu ấy còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, vì vậy có lẽ chúng tôi đã xây dựng thêm một lớp rủi ro vào dự án mới,’ Ingla nhớ lại. ‘Chúng tôi tin rằng nếu có một HLV quá thâm niên thì ông ta có thể sẽ không giúp chúng tôi đạt được bước ngoặt quan trọng bằng sức lực và động lực mà chúng tôi cần. Tuổi tác và quan điểm của Frank có lẽ là phù hợp với lợi ích của chúng tôi hơn. Đó là một sự hợp tác. Sau cuộc bầu cử, chúng tôi được ủy thác rằng CLB cần được xây dựng lại và chúng tôi sẽ không làm việc đó với một người sử dụng sách hướng dẫn.
‘Chúng tôi phải có trách nhiệm với các thành viên của mình và những gì họ đòi hỏi ở chúng tôi: Một HLV trẻ với niềm tin vào bóng đá thuần túy, lối chơi tấn công, phong cách và có trí thông minh về bóng đá –Rijkaard phù hợp với yêu cầu đó.’
Đội hình dự bị và chính thức được tập hợp.
Cùng lúc đó, nhóm của Laporta đang nghiên cứu mức độ lộn xộn mà họ vừa vơ vào mình. Ban lãnh đạo mới thừa hưởng khoản nợ 150 triệu bảng và phát hiện ra rằng chế độ trước đó trong năm cuối cùng đã tiêu tốn 196 triệu bảng nhưng chỉ kiếm được 120 triệu bảng. Soriano rất sửng sốt.
‘Điều đáng kinh ngạc nhất là lối quản lý của họ giống như thời 1970 vậy,’ anh nói.
‘Khái niệm đơn giản của chúng tôi là nếu muốn quản lý CLB, mà nó lại liên quan đến rất nhiều người, thì chúng tôi phải có một người trong ban marketing hiểu biết về marketing. Không phải chỉ là một người trong nghề hàng năm trời, đến từ một ‘gia đình bóng đá’ và được giao công việc đó. Phải tìm một người từ Proctor and Gamble có hiểu biết về marketing. Người này có thể học hỏi về bóng đá sau. Tương tự với những người bên mảng tài chính, vân vân và vân vân.’
Tuy nhiên, có nhiều điều cần đạt được hơn là những gì họ đoán định ban đầu, và trên sân đấu, kết quả đi từ trung bình đến tồi tệ. Một cuộc khủng hoảng đang đến gần.
Khi đó, Soriano nhận được sự giúp đỡ từ một nguồn không ngờ đến. ‘Tôi vẫn nhớ Luis Enrique có công lớn đến thế nào đối với các thay đổi,’ anh nói với tôi. ‘Anh ấy là thủ lĩnh và nhìn chúng tôi với dấu hỏi lớn.
‘Sau một thời gian, anh bắt đầu bớt căng thẳng vì thấy Ronaldinho, Rafa Márquez và các cầu thủ như vậy đến CLB. Quan điểm của anh là ‘Chúng ta đã ở đây bao nhiêu năm như vậy và CLB thì luôn mua những cầu thủ sau bao năm vẫn kém chất ượng.’ Đó chính xác là những gì anh nói với chúng tôi.
‘Sự thực ra các cầu thủ cao giá nhưng không có thực lực là rất nhiều. Geovanni Deiberson và Fabio Rochemback là hai ví dụ điển hình. Luis Enrique chờ đợi, nhìn những cầu thủ mà chúng tôi ký hợp đồng rồi quay lại bảo: ‘Được rồi, thế này khá hơn hẳn. Các cầu thủ này đều ở trình độ cao nhất.’
‘Một yếu tố khác cũng quan trọng. Đầu mùa giải đầu tiên, Frank cho Luis ra đá ở tất cả các trận. Chúng tôi hỏi: ‘Tại sao anh lại làm vậy?’
Luis Enrique sắp nghỉ hưu và đúng ra thì anh không phải là người thích hợp.
‘Frank nói: ‘Tôi phải trao cơ hội đầu tiên cho những người lớn tuổi, các chủ nhân của phòng thay đồ, như vậy họ mới được đối xử công bằng. Sau đó, nếu tôi phải thay họ ra lấy chỗ cho người mới thì họ đã được trao cơ hội đó.’
‘Cuối cùng Luis cũng ít đá dần, nhưng bởi cách anh được đối xử mà anh đã có công lớn trong việc tạo nên sự đoàn kết. Có cảm giác rằng anh sẽ góp phần truyền đạt lại cho nhóm cầu thủ mới và chỉ đến khi ấy anh mới ra đi. Quyết định này của Frank Rijkaard là cực kỳ quan trọng.’
Dần dần, ban lãnh đạo bắt đầu thuyết phục được mọi người và các tổ chức trên toàn thế giới rằng dù quay lại hơi chậm chạp trên sân cỏ nhưng họ đã trở lại.
Thu nhập khá thấp, danh tiếng của CLB bị vùi lấp, marketing đã lạc hậu hoặc không hề tồn tại, món nợ thì khổng lồ. Với vai trò phó chủ tịch phụ trách marketing, Ingla là nhà chiến lược chủ đạo.
‘(Barcelona) đang cố tổ chức một trận giao hữu với mức giá từ 120.000 đến 200.000 bảng, là mức phí xuất hiện cho một đội bóng tầm trung trong giải quốc gia hiện nay. Sau ba năm, chúng tôi tổ chức được trận đấu đó với hai triệu bảng, gấp 10 lần khoản phí khi chúng tôi tiếp quản.
‘Đây là một sở hữu truyền thông hấp dẫn mà nhiều người mong muốn có được một phần, ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trước đây luôn thiếu tầm nhìn về giá trị thực sự của CLB.’
Laporta, Soriano, Rosell và Ingla, bốn chàng lính ngự lâm của thời đại ban đầu, không ngại ngần nhìn ra xung quanh và bắt chước những gì đã được thực hiện thành công. Họ nhận thấy rằng vào năm 1996, Barcelona và MU kiếm được gần như bằng nhau từ marketing, nhưng đến năm 2003 Barça chỉ kiếm được 120 triệu bảng so với United là 260 triệu bảng.
‘Madrid là khuôn mẫu cho chúng tôi vì họ có một số cầu thủ hình tượng,’ Ingla nói. ‘Tất cả mọi người đều thấy được cách mà CLB của họ hoàn thành được kế hoạch này. Chúng tôi nghĩ rằng Barça được quản lý quá hạn hẹp. Chúng tôi cũng học hỏi Manchester cách quản lý quá trình thay đổi và mục tiêu để hướng tới.
‘Tuy nhiên, trên hết thì chúng tôi cần phải quay lại với lối chơi tấn công truyền thống của mình.’
Tuy nhiên, rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong ban lãnh đạo trẻ tuổi của Laporta. Chủ tịch đương nhiệm của Barcelona là Rosell cảm thấy không thoải mái chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn lên giữ chức vào năm 2003. Đầu thời đại mới, các máy quay của Storyville bắt gặp anh khi không cảnh giác. ‘Khi một đội bóng được thống nhất và đi đúng hướng thì sẽ thành công, nhưng đội bóng phải là nền tảng,’ anh nói. Rosell không chỉ nói về Barça của Frank Rijkaard mà về cả nhóm thắng cử.
Chẳng bao lâu sau, anh gọi các thành viên khác trong ban lãnh đạo là ‘những đứa trẻ mang vòng hoa.’ Đó là lời khiển trách đối với cái mà Rosell thấy là sự khờ khạo của đặc tính Camelot ban đầu, trong đó mọi người đều muốn được đối xử công bằng còn Laporta là một chủ tịch bù nhìn. Laporta đã gây ảnh hưởng mạnh khi sử dụng khí chất học thức và những bộ óc thông minh quanh mình. Có lẽ đó là những năm tháng vàng trong đế chế của anh. Chúng không kéo dài được lau.
‘Trong năm đầu tiên, Joan ủy thác rất nhiều,’ Ingla nhớ lại. ‘Cho Ferran, cho tôi và về phía bóng đá là cho Sandro và Txiki. Nhưng năm tiếp theo, anh ấy bắt đầu tự mình làm nhiều việc hơn với tư cách một người quản lý. Anh ấy là chủ tịch 24/7 của CLB trong một vai trò hoàn toàn là quản trị và tôi không nghĩ rằng chủ tịch cần phải đưa ra những quyết định về quản trị/kỹ thuật như vậy. Chủ tịch cần giữ một vai trò nghiêng nhiều hơn về các mối quan hệ – tham gia vào các quyết định nhưng cũng để ra một phần công việc cho các chuyên gia. Nhìn lại thì Jan cần nắm ít vai trò quản trị hơn và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi phải để các chuyên gia điều hành CLB.’
Tôi hỏi Soriano liệu anh có biết rằng khi đưa ra cho Laporta các lời khuyên, chiến thuật chính trị rồi trao cho anh quyền lực là họ đang thả ra một loại thú vật khác hay không? ‘Trong mấy tháng đầu thì không. Mọi thứ đều thuận lợi và đây là một phương pháp thành công, nhưng trong quá trình đã có những rắc rối. Sau ba hay bốn tháng, người đang là chủ tịch hiện tại (Rosell) bỗng nhiên quay ra chống lại một số thành viên ban quản trị và gây ra rất nhiều rắc rối.
‘Về các vấn đề năm 2008 (khi Laporta phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm), tôi nghĩ ở cương vị chủ tịch, bạn sẽ tồn tại nếu bạn đủ trưởng thành và không tin tưởng hoàn toàn vào nhân vật mà bạn đang đóng vai. Nếu bạn trở thành ‘nhân vật’ ấy hoàn toàn thì sẽ thành vấn đề. Trong hai năm ấy, từ 2006 đến 2008, ngày nào anh ấy cũng bị phe đối lập tấn công trên mặt báo. Rất khó để đương đầu với điều này, nhất là khi bạn dễ xúc động hay hiếu chiến.
‘Vào một thời điểm nào đó, anh ấy có suy nghĩ rằng ‘Tôi là người phải chịu tất cả áp lực vì vậy tôi phải đưa ra mọi quyết định. Tất cả mọi thứ đều đổ lên đầu tôi.’ Anh ấy sai lầm ở chỗ đó vì anh ấy không còn lắng nghe những người thông minh và trung thực xung quanh mình nữa. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao anh ấy có tính sở hữu đến vậy, nhưng quyết định sai lầm của anh ấy là ‘Tôi phải chịu áp lực vì vậy tôi phải có thêm quyền lực.’ Phân bổ áp lực và tận dụng tốt nhất toàn đội mới là câu trả lời đúng.’
‘Tôi luôn là một chủ tịch quản trị,’ Laporta nói vào năm 2008. ‘FC Barcelona đi rất nhanh và điều quan trọng là phải có khát khao đổi mới. Cần có một bàn tay vững chắc trên bánh lái để đưa CLB đến nơi chúng tôi muốn mà không tách xa khỏi mục tiêu của mình. Những thứ có ý nghĩa vài tháng trước thì giờ đây không còn như vậy nữa.’
Nhưng không phải là tiếng nói của nhà chiến lược dài hạn.
Trong cuốn phim của Storyville, từ những ngày đầu Laporta nhậm chức, anh đã bắt đầu đánh mất con người sẽ kế vị anh làm chủ tịch và biến người đó từ một đồng minh có thế lực thành một kẻ thù không đội trời chung.
Rosell là người tin tưởng mạnh mẽ nhất rằng Frank Rijkaard phải bị sa thải trong mùa đông của mùa giải 2003-04. Đội chơi như đeo chì dưới gót, và hai thất bại 5-1 ở Málaga và 3-0 ở Racing dường như ám chỉ một thời kỳ khủng hoảng không thể thay đổi được.
Rosell là một người thông minh, tài giỏi, dám nghĩ dám làm, xuất thân là một giám đốc ở Nike và một cầu thủ có tài khiến anh là một quản lý đội bóng lý tưởng, nhưng anh nhanh chóng cảm thấy bị cản trở bởi ban quản lý – nhất là Laporta, sau khi Rijkaard được giữ lại và ý định thuê Phil Scolari của Rosell bị lờ đi. Căng thẳng leo thang, như những gì Ingla hồi tưởng.
‘Chúng tôi tin ở Frank. Chúng tôi cũng rất miễn cưỡng phải tin tưởng những đề xuất của Sandro. Sandro đáng lẽ đã sa thải anh ấy. Cảm tưởng như quan điểm của Sandro là chống Cruyff, chống Txiki (Begiristain), ủng hộ Scolari, ủng hộ các cầu thủ của mình. Trên khái niệm, Sandro đưa ra các cầu thủ, mà đó lại không phải là công việc của một phó chủ tịch. Đó là việc của quản lý bóng đá và HLV.
‘Ngay từ đầu, Sandro đã có thái độ gần như hoang tưởng về Cruyff. Anh ấy nhớ rằng cha mình từng là quản lý chung của CLB và Cruyff khi đó là một cầu thủ cùng các hợp đồng. Vì vậy, anh ấy bị ám ảnh về Cruyff.’
Soriano thậm chí còn thẳng thừng hơn. ‘Sandro Rosell ở trong ban lãnh đạo đã được hai năm nhưng luôn chống lại tất cả mọi người. Anh ta không nói nhiều và thậm chí còn không thèm giải thích với chúng tôi vì sao anh ta ra đi.
‘Vào thời điểm Rijkaard đang vật lộn, chúng tôi có tổ chức các buổi thảo luận trong ban lãnh đạo, giữa những người hiện nay vẫn đang quản lý CLB. Sau sáu tháng dùng Frank, họ muốn thuê Felipe Scolari. Theo họ, kiểu bóng đá này (lối chơi của Barça) đã lỗi thời. Khi đó, chúng tôi đá với Chelsea và thua, vì vậy họ nói: ‘Thấy chưa. Chúng ta nên thuê một quản lý giống như Scolari và tìm kiếm các cầu thủ to lớn, khỏe mạnh hơn.’
‘Chúng tôi trả lời: ‘Không, đó không phải là chúng tôi. Chúng tôi chơi theo lối biểu diễn và không thể tách rời nó được.’’
Rosell đã rất thông minh mà kìm nén cho đến khi đội đoạt cúp trong lúc anh vẫn đang làm trong ban lãnh đạo – ở La Liga 2005 – rồi ra đi.
Trong lúc đó, mặc cho sự căng thẳng giữa Rosell và Begiristain luôn trung thành với Cruyff, vào mùa hè năm 2004, CLB thực hiện một trong những đợt chuyển nhượng ấn tượng nhất trong lịch sử bóng đá. Họ bán hoặc thải hồi 16 cầu thủ, trong đó bao gồm Phillip Cocu, Patrick Kluivert, Luis Garcia, Marc Overmars và Rüştü; thu nạp Samuel Eto’o, Deco, Edmilson, Ludovic Giuly, Juliano Belletti, Sylvinho và Henrik Larsson. Dù có cảm thấy bị vượt qua bởi những người theo Cruyff là Rijkaard và Begiristain, Rosell đã tham gia trực tiếp vào vụ việc này, đặt nền tảng cho hai danh hiệu và một chiến thắng Cúp C1.
Laporta vẫn quả quyết rằng Rosell chống đối hoàn toàn việc thu nạp Eto’o và, theo Laporta là, ‘tẩy chay’ mọi quyết định. Lý lẽ mà Laporta đưa ra là Rosell đang cân nhắc thiệt hại tiềm tàng có thể xảy đến với mối quan hệ hòa hợp giữa anh và Barça với Florentino Pérez vì Real Madrid vẫn là một chủ sở hữu của tiền tạo người Cameroon. Bước đi với Eto’o là một thành công vang dội cho Barcelona, nhưng cũng là một yếu tố thêm vào sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Rosell và Laporta.
Khi Rosell ra đi vào tháng 6 năm 2005, chính lá thư mở gửi các thành viên đã tấn công ban lãnh đạo và vẽ nên hình ảnh một con người ngã lòng.
Gửi các thành viên Barcelona,
Tôi phải nói với các bạn rằng hôm nay tôi đã thông báo với chủ tịch về quyết định từ chức phó chủ tịch ban lãnh đạo FC Barcelona của mình.
Tôi giữ kín quyết định này cho đến bây giờ là vì hai lý do. Thứ nhất, tôi không muốn bất kỳ hành động nào của mình gây bất ổn đối với thành tích của cầu thủ trong đội. Giờ đây chúng ta đã đoạt cúp quốc gia nên không còn gì phải lo ngại nữa. Thứ hai, cho đến ngày 1 tháng 6, CLB vẫn chưa gia hạn hợp đồng với những người có vai trò nền tảng đối với thành công của chúng ta. Vì lợi ích của CLB, tôi muốn tương lai của họ được đảm bảo cho mùa giải sau trước khi tôi ra đi. Chờ đợi lâu như vậy cũng có cái giá của nó.
Tôi biết không thể rời bỏ một trách nhiệm như của tôi mà không gây nên một sự xáo động.
Tôi luôn đặt lợi ích của CLB lên trước lợi ích của mình, và nếu lần này tôi không làm được như vậy thì xin được lượng thứ. Tôi sẽ ra đi và tôi không muốn làm tổn hại đến bất kỳ ai.
Tôi là một thành viên trung thành của CLB, một người biết chịu trách nhiệm vì các hành động của mình, nhưng hỡi các bạn và các fan hâm mộ, có những vấn đề không thể đơn giản mà giải quyết được. Suốt hàng tháng trời, tôi đã ở trong tình thế rất không thoải mái và khiến tôi rất buồn. Dự án mà nhóm những con người trẻ tuổi, kiêu hãnh và tham vọng ấy giải thích trong chiến dịch tranh cử vừa rồi đã dần dần bị thu hẹp vì cách quản lý trong hai năm vừa qua ở Barcelona. Hoặc là tôi đã không hiểu rõ ý định mà Joan Laporta theo đuổi khi tranh cử, hoặc là mọi thứ đã thay đổi thành một lối quản lý thiếu độc lập, minh bạch và dân chủ trong hướng đi. Vì các lý do này mà tôi phải bước xuống và vì các lý do kia mà tôi cũng phải tránh cung cấp thêm chi tiết về những bất đồng của chúng ta trước công chúng.
Trên thực tế, những bất đồng này không phải là giữa tôi và ông ấy, mà là giữa cách quản lý của Joan Laporta và tuyên bố tranh cử của ông ta. Chúng tôi bị buộc tội là một ban lãnh đạo luôn hướng đến truyền thông. Đáng lẽ không cần phải như vậy. Sự chú ý đáng lẽ phải luôn được dành cho các cầu thủ bảo vệ màu áo Barça với tất cả nỗ lực của mình. Một quản lý của Barça phải vững chãi và giữ thanh danh,cũng như tự hào và trung thành với CLB.
Và tất nhiên, anh ta cũng phải trung thành với các quyết định và hành động của ban lãnh đạo – miễn là chúng dân chủ. Anh ta phải làm việc có thận trọng, trung thực, hiệu quả, khiêm tốn và minh bạch. Tôi thề là tôi đã cố gắng hành động như vậy nhưng hoàn cảnh đã đẩy chúng tôi đến chỗ thiếu suy xét và nhanh chóng để lộ ra điều đó.
Tôi cũng muốn nói rằng bất đồng trong quan điểm giữa tôi và chủ tịch không nên được sử dụng làm phương tiện để chỉ trích thế hệ này.
Sự chăm chỉ và niềm tin vào quan điểm ‘Trước hết là Barça’ đã giúp chúng tôi trở thành người chiến thắng. Nếu tinh thần đó vẫn còn là hướng đi chủ đạo của chúng tôi thì tôi đã không từ chức.
Tôi biết mình là kẻ thua cuộc, nhưng nếu tôi ra đi thì chủ tịch sẽ thoải mái hơn. Tôi cũng không muốn ép ông ấy sa thải tôi. Tôi hiểu cách ông ấy làm việc và tôi biết rằng ra đi như thế này sẽ có ích cho ông ấy. Nhưng tôi không thua ông ấy. Tôi đang thua chính bản thân mình vì đã sai lầm khi đầu tư quá nhiều thời gian, quá nhiều mối liên hệ và hy sinh quá nhiều vào một dự án mà ông ấy đã bỏ rơi. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng tôi không hề phiền lòng vì tất cả lợi ích từ công việc và nỗ lực ấy không phải là cho chủ tịch, cho HLV hay cho cá nhân tôi – mà là cho CLB.
Điều đó bù đắp cho tất cả, kể cả những gì mọi người sẽ nói về tôi từ giờ trở đi vì tôi là một người hâm mộ Barça từ trong máu thịt. Trong gia đình tôi, từ ông bà tới bố mẹ, anh chị em, con cái, cháu chắt, tất cả chúng tôi đều hâm mộ Barça. Vì vậy tôi sẽ ra đi mà không thù hằn ai cả, trừ mối bất đồng giữa tôi với ngài chủ tịch.
Tôi sẽ kết thúc bằng một lời nhắn cho ngài chủ tịch. ‘Jan, đừng bỏ quên các thành viên CLB hơn bây giờ nữa. Họ đều là những ông chủ của CLB, họ đã bầu cho anh và anh phải có trách nhiệm với họ. Barça phải luôn là một CLB dân chủ.’
Tôi hy vọng rằng chiếc cúp quốc gia mà chúng ta vừa giành được này sẽ là khởi đầu cho một loạt thành công. Để đạt được điều đó, chúng ta vốn đã có một đội hình mạnh được xây dựng trong vòng hai năm quá. Tôi chỉ hy vọng rằng những người có trách nhiệm sẽ không phá hỏng những gì họ được thừa hưởng. Tôi sẽ kết thúc bằng tiếng hô hợp nhất tất cả người hâm mộ Barça chúng ta.
¡Visca Barça!
Trong buổi họp báo công bố quyết định ra đi của mình, Rusell nhấn mạnh vào một trong những vấn đề chia rẽ anh và Laporta. Khi được hỏi về ảnh hưởng của Johan Cruyff đối với CLB, Rosell trả lời: ‘Vì lợi ích của tất cả mọi người, Johan đã bước xuống, để lại công việc cho Jan (Laporta) mà không có chút áp lực nào – thoải mái. Nếu không có ảnh hưởng của Cruyff, có lẽ ông ấy sẽ cân nhắc lại và quay trở về với dự án ban đầu. Vì ông ấy, hãy để Jan làm việc.’
Một thời gian dài sau khi ra đi, anh vẫn giữ lời khuyên của mình, nhưng khi Laporta đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 2008, Rosell tuyên bố sẽ tranh cử chức chủ tịch khi có cơ hội tiếp theo.
Khi ấy anh nói: ‘Cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt không chỉ là về thể thao mà là về cơ chế. Có một thiếu sót lớn trong cách cai quản và không chỉ tôi nói vậy mà cả 9.500 người ký lá phiếu bất tín nhiệm cũng nói vậy.’
Laporta vượt qua sát nút cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dù tám giám đốc, bao gồm Ingla và Soriano, đều đã từ chức trước sự chống đối mạnh mẽ như vậy. Đó là một vấn đề gây tranh cãi về chức chủ tịch tập hợp họ thường xuyên cũng như số lần đội bóng đoạt cúp.
NGƯỜI ANH EM ĐỒNG HAO ỦNG HỘ FRANCOIS
Không một giám đốc nào của Barcelona nhận được lương thưởng gì từ CLB trừ các khoản chi, và hơn nữa, mỗi người bọn họ đều phải đặt ra một khoản bảo lãnh tài chính (1,5 triệu bảng khi Laporta nhậm chức) trước khi cuộc bầu cử được chính thức hóa. Lễ nhậm chức của Laporta phải hoãn lại để anh và một số thành viên ban lãnh đạo thu gom tiền, và anh nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các anh em rể của mình.
Alejandro Echevarría là anh rể của anh và được kết nạp vào ban lãnh đạo. Là một người có sức ảnh hưởng, anh coi việc của mình là phải làm bạn với các cầu thủ, làm cho cuộc sống của họ ở FC Barcelona được dễ chịu hơn. Vì vậy, anh rất được yêu mến và hữu ích. Nhưng một nhà báo kiên quyết đã phát hiện ra rằng Echevarría là một người ủng hộ Francois. Ban đầu cả anh ta và Laporta đều phủ nhận điều này, nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Sự kết hợp của một người ủng hộ Francois tại một Barcelona ‘siêu Catala’ mới, cộng với việc Laporta che dấu điều đó, đã dẫn đến việc Echevarría phải từ chức vào tháng 10 năm 2005.
BỊ BẮT GẶP KHI KHÔNG MẶC QUẦN
Vào thứ bảy ngày 9 tháng 7 năm 2005, khoảng 3 giờ 15 phút, Joan Laporta đi qua cổng an ninh ở cửa C của sân bay Barcelona. Thiết bị an ninh kêu liên tục khi vị chủ tịch Barcelona bước qua, dù anh đã bỏ hết điện thoại, thắt lưng, chìa khóa và tiền bạc. Các hành khách đi cùng chuyến bay ngạc nhiên đứng nhìn khi Laporta mất bình tĩnh và to tiếng: ‘Được thôi, nếu các anh muốn thấy tôi trần truồng thì tôi sẽ cho các anh thấy.’ Anh cởi quần dài ra và ném lên băng chuyền máy quét, và khi đó thì lực lượng an ninh bắt đầu can thiệp. Laporta bị dẫn đi, trách cứ và may mắn là không bị giam giữ.
CỬA CỐNG CỦA LAPORTA
Cuối năm 2008, Laporta thuê một người tên là Joan Oliver làm tổng giám đốc của CLB. Một năm sau, anh thông qua mức lương mới cho Oliver: 600.000 bảng cộng thêm khoản thưởng thêm có thể lên tới 300.000 bảng tùy thuộc vào mục tiêu đạt được. Khi bị giới truyền thông ngờ vực hỏi về mức lương này, vị chủ tịch trả lời: ‘Tôi nghĩ cậu ấy còn xứng đáng được nhiều hơn thế.’
Oliver, có vẻ như không cho chủ tịch biết, đã thuê một hãng thám tử tư theo dõi bốn phó chủ tịch của Laporta – Joan Boix, Joan Franquesa, Rafael Yuste và Jaume Ferrer. Với nhiệm kỳ của Laporta kết thúc vào mùa hè, chiến dịch tập hợp phe đối lập với người dẫn đầu công khai là Rosell đã bắt đầu; tập hợp người trung thành và công ước bí mật. Liệu Laporta có đang thu thập thông tin để tự tay lựa chọn người kế nhiệm?
Khi thông tin bị lộ ra, Laporta khẳng định: ‘Thông tin quản lý rủi ro này là hợp pháp và nhằm mục đích bảo vệ bọn họ cũng như CLB. Chuyện đang bị phóng đại. Tổng giám đốc (Oliver) và trưởng ban an ninh quyết định mà không thông báo cho tôi vì việc này thuộc quyền hạn của họ. Khi có kết quả, Oliver thông báo cho tôi và tôi quyết định là cần phải nói với các phó chủ tịch. Họ hiểu và chấp nhận vấn đề.’
KIỂM TOÁN
Khi Laporta và ban lãnh đạo trình các khoản chi khi nhiệm kỳ cuối cùng của họ kết thúc vào mùa hè năm 2010, kiểm toán của họ khẳng định rằng họ thu được lợi nhuận là 11 triệu bảng trong năm cuối cùng. Sau vài tháng, kiểm toán từ KPMG do ban lãnh đạo sắp nhậm chức công bố rằng có một khoản lỗ 79 triệu bảng trong năm cuối cùng. Khác biệt lớn trong các con số đó một phần là do các khoản chi kì quặc: máy bay riêng, chi phí lên đến bảy con số cho các tấm vé xem U2 biểu diễn, các chuyến đi đến trận chung kết Cúp C1 ở Rome và một vòng thi đấu bóng rổ tứ kết.
TÀI TRỢ ÁO ĐẤU
Vấn đề giữa hai nhiệm kỳ chủ tịch: Một nguyên tắc được tuân thủ nghiêm ngặt trước khi Laporta lên nắm quyền đã bị loại bỏ thẳng tay. Chọn đúng nhà tài trợ rồi thay đổi khi Rosell bắt đầu nhiệm kỳ lại là chuyện khác.
Sau một cuộc trưng bày của các nhà tài trợ, bao gồm cả Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, ban lãnh đạo của Laporta đưa ra một tuyên bố bất ngờ. Không chỉ nhà tài trợ đầu tiên xuất hiện trên áo Barça là UNICEF, mà Barça còn định sẽ trả ít nhất 1,5 triệu bảng mỗi năm trong vòng năm năm cho đặc ân này, tiền sẽ được dành cho công cuộc chống lại AIDS ở Swaziland.
Soriano là tác giả chính của ý tưởng này. ‘Més Que Un Club (Hơn cả một CLB) có ảnh hưởng chính trị lớn ở Catalonia chứ không ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới,’ anh nói với tôi. ‘Chúng tôi phải đối mặt với một thách thức và vẫn có những người nói ‘Đây không phải là hơn cả một CLB. Đây là một CLB bóng đá. Hãy đi bán áo ở Trung Quốc.’
‘Điều đẹp đẽ của ý tưởng này là chúng tôi đã kết hợp được bản thân mình với việc bán áo ở Trung Quốc.
Chúng tôi muốn tìm ra một thứ gì đó có thể giúp chúng tôi truyền tải thông điệp Més Que Un Club của chúng tôi để tất cả mọi người trên thế giới đều có thể hiểu được.
‘Chúng tôi cũng muốn có một hợp đồng phổ biến và toàn cầu. Và nó phải rõ ràng. UNICEF là hoàn hảo cho mục đích này. Đó là lý do vì sao đặt Quỹ Qatar lên áo (như Barcelona đã làm dưới thời Rosell) đã gây nhiều tranh cãi đến vậy. Nó không đạt được cùng một hiệu ứng như UNICEF.’
Người đã thực hiện cuộc gọi để đổi từ UNICEF sang Quỹ Qatar, và giờ đây đang lãnh đạo Barcelona, là Rosell. Hành trình của anh từ một cậu bé nhặt bóng đi lên thành chủ tịch gợi lại câu chuyện của HLV của anh, Pep Guardiola.
Ngay sau khi trở lại từ Camp Nou, lại vừa đạt được chiến thắng lớn nhất lịch sử CLB trong cuộc bầu cử, vào năm 2010, thật không dễ để so sánh nỗ lực của anh với Laporta, người mà anh đã giúp đỡ hết sức để được bầu năm 2003.
Tuy nhiên, sự gay gắt giữa hai đồng minh cũ khiến ưu tiên tuyệt đối mà ban lãnh đạo mới dành cho việc xem xét chức chủ tịch danh dự dành cho Johan Cruyff của ban lãnh đạo sắp mãn nhiệm ngay trước cuộc bầu cử năm 2010 có vẻ đầy hận thù.
Có tác động lớn hơn rất nhiều là quyết định từ ban lãnh đạo của Rosell về việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên của CLB. Cho các HLV chính của tất cả các đội trẻ làm nhân viên toàn thời gian là một bước nhảy vọt và cung cấp sự hỗ trợ quản lý cho tham vọng của Pep Guardiola là hình thành một đội hình dự bị cho đội hình chính.
Có lẽ quyết định to lớn nhất của Rosell là lấy cái mà anh và ban lãnh đạo của mình khẳng định là khoản đầu tư không thể thiếu từ Quỹ Qatar, thay thế cho khoản quỹ nhân đạo của cái tên UNICEF trên mặt trước của chiếc áo Barça bằng một hợp đồng thương mại.
Mùa hè năm 2011, FC Barcelona tuyên bố rằng nợ toàn cầu đã giảm từ 532 triệu bảng xuống còn 431 triệu bảng và nợ ròng từ 431 triệu bảng xuống 364 triệu bảng. Lấy tất cả với thiện chí và khoản thu nhập đảm bảo là 165 triệu bảng (cộng với khoản thêm tiềm năng là 5,5 triệu bảng) trong suốt năm năm từ hợp đồng với Quỹ Qatar có vẻ là một phép tính dễ dàng. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Rosell miêu tả CLB mà mình tiếp quản là ‘một chiếc tàu đại dương được tiếp lực từ một đội quân tinh tuyệt vời nhưng thân tàu lại đầy lỗ thủng.’ Họ cần được cứu chữa.
Những người thực hiện hợp đồng với UNICEF kêu ca vì nó bị loại bỏ, nhưng Ingla và Sorian, hai nhân vật then chốt trong vụ hợp tác mang tính bước ngoặt ấy, không hề than phiền về nhà tài trợ thương mại.
‘Tôi nghĩ bỏ cái tên UNICEF khỏi ngực áo là một ý tưởng tồi,’ Ingla nói. ‘Điều đó không biến chúng tôi thành một CLB tầm thường, nhưng nó cũng khiến thế giới không còn nhìn nhận chúng tôi là một CLB đặc biệt nữa.’
Nhiệm vụ thách thức nhất đối với Sandro Rosell trong vai trò chủ tịch Barcelona là làm thế nào để giữ lại được cả hai ngôi sao chủ chốt của thời đại này: Lionel Messi và Pep Guardiola. Chấn thương của Messi và sự mệt mỏi vì làm việc quá sức ở Guardiola là hai yếu tố không thể dự đoán được. Họ có thể được chuẩn bị, ngăn chặn, nhưng họ vẫn là những thành tố hỗn loạn.
Tuy nhiên, những năm gần đây đã cho thấy rõ ràng rằng các chiến lược được sử dụng để giữ cho Messi được vui vẻ và khỏe mạnh đã phát huy tác dụng. Các thay đổi trong chế độ dinh dưỡng và tập luyện đã mang lại kết quả khả quan. Lòng tin lẫn nhau đã nảy nở giữa Barcelona, Messi và cha của anh, càng củng cố mối quan hệ này. Tất cả đều bắt nguồn từ nhận định chiến lược rằng Messi sắp sửa trở thành một hiện tượng.
Neymar đến đầu quân cho Barcelona rõ ràng đã nằm trong kế hoạch của họ. Chủ tịch của Santos, CLB hiện tại của thần đồng Brazil này, tiết lộ rằng Rosell đã đề nghị và được cho phép nói chuyện với chàng cầu thủ và cha của anh vào mùa hè năm 2010 – dấu hiệu cho thấy đây là một vị chủ tịch theo chủ nghĩa can thiệp.
Điều này có thể có ảnh hưởng đối với Guardiola, vốn đã quản lý Barça trong khoảng thời gian lâu hơn dự kiến và, theo như anh thừa nhận, dự định sẽ tiếp tục đến khi anh không còn hứng thú với CLB nữa. Nhiệm vụ của Rosell ở đây là tạo ra một bầu không khí tin tưởng và cởi mở giữa ban lãnh đạo và HLV để đẩy lùi thời điểm đó càng xa càng tốt.
Rosell không bị ràng buộc với triết lý của Cruyff và sẽ đánh đổi thời đại quan trọng của Rijkaard lấy thời đại của Felipe Scolari và các cầu thủ to lớn, mạnh mẽ hơn ở Camp Nou.
Thay đổi sang lối chơi hiện tại của anh đến từ thành công nó tạo ra chứ không phải từ sự sùng bái Cruyff vốn có ảnh hưởng lớn đến Rijkaard, Guardiola và Laporta.
Rosell đang dự định cho một tương lai không nhất thiết phải bao gồm Carles Puyol, Xavi và Pep Guardiola; một tương lai mà ở đó Barça có thể sẽ mạnh hơn về kinh tế. Nếu anh có thể khai thác được các thế hệ cầu thủ hiện tại và tiếp theo, nếu anh có thể tối đa hóa hiệu quả của các HLV và các bộ óc bóng đá mà anh đã trao quyền, nếu anh có thể duy trì mức độ xuất sắc này thì giống như Laporta, anh sẽ để lại một di sản đáng để tự hào.
TRẬN ĐỐI ĐẦU: BARCELONA 2
REAL MADRID 0 LA LIGA, 14 THÁNG 12 NĂM 2008
Juande Ramos thắng trận đầu tiên trong tư cách HLV đội khách ở Camp Nou với tỷ số 2-0 trước Rayo Vallecano vào năm 2000. Thất bại này là một nỗi đau cho đội tuyển bao gồm Carles Puyol và Pep Guardioa, nhưng còn đau hơn cho Louis van Gaal, người sẽ sớm bị loại khỏi vị trí HLV của mình. Mặc cho bảy trận thua tiếp theo trước một loạt các đội khác ở Camp Nou, Ramos cũng đã gây tổn hại nặng nề cho Barça với Málaga (5-0 ở Rosaleda năm 2003) và với Sevilla (thắng đậm 3-0 ở cúp vô địch châu Âu với Sevilla tháng 8 năm 2006).
Vì vậy ngay cả với Ruud van Nistelrooy, Arjen Robben, Lassana Diarra and Pepe vắng mặt trong đội hình Real Madrid của mình, sự kết hợp giữa việc mới chỉ bảy tháng từ ngày Madrid hạ gục Barça 4-1 ở Bernabéu và hiểu biết rõ ràng của Ramos về cách đánh bại La Blaugrana, chứng tỏ trận đấu này là đầy rủi ro cho Barça.
Guardiola đã phát biểu rất tốt ở các buổi họp báo suốt cả tuần. ‘Đây có thể là trận Clásico cuối cùng của tôi,’ anh nói trong cuộc họp đầu tiên với Madrid trong vai trò HLV. ‘Họ đang nắm ngôi, đang vô địch và dù tôi có nghe mọi người đề nghị đội chúng tôi đánh bại họ như thế nào thì anh cũng không thể hạ gục một đội tuyển hàng đầu như họ được. Tôi tôn trọng họ và sẽ coi họ là mối đe dọa – thậm chí còn hơn thế nữa nếu họ đang thiếu một số cầu thủ. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là truy đuổi họ, hạ gục họ và chiến thắng.’
Vào một đêm khi mà các nhân tố khiến trận cầu nảy lửa giống như từ trong bộ phim Apocalypse Now, Ramos hoặc các cầu thủ của ông có vẻ như đã quyết định sẽ dùng chiến thuật là cố đá Leo Messi ra khỏi trận đấu. Từ phút thứ hai đến phút thứ 41, năm cầu thủ khác nhau đã phạm sáu lỗi xấu với chàng cầu thủ Áchentina, mỗi người đều cố gây chấn thương cho mắt cá, cẳng chân và đầu gối của anh. Đáng buồn là trọng tài Medina Cantalejo làm quá ít để thi hành luật và Madrid giành được trận đấu.
Víctor Valdés cứu bóng hiểm từ Royston Drenthe và Rafael Van der Vaart trong khi Miguel Palenca, một tiền vệ cánh của đội trẻ được lắp vào thay thế cho cầu thủ bị chấn thương, sút trúng cột dọc. Barça chi phối khi cả sân Camp Nou la hét đòi trả thù, một bàn thắng, một thẻ đỏ. . . căng thẳng được giảm bớt.
Sau đó, Iker Casillas cứu được một cú phạt đền từ đồng đội cũ của mình là Samuel Eto’o, và Madrid nghĩ họ đã trúng số: bị áp đảo nhưng không thua cuộc và chuyến tàu của Guardiola đã trật bánh.
Trận đấu chỉ còn 20 phút. Rồi tám phút. Cú phạt góc của Xavi được Puyol nhảy cao đón đầu rồi Eto’o nhân cơ hội ghi bàn. Anh như phát điên, chạy thục mạng, vẫy áo trên không trung, ướt sũng dưới cơn mưa lạnh tháng 11.
Sau đó, cộng sự của Thierry Henry lại phạm lỗi với Messi trong thời gian đá bù giờ, và để đáp lại, anh thực hiện một cú chuyền xoáy qua Casillas có thể làm vừa lòng Shane Warne.
‘Tôi bị đá hơi mạnh hơn và nhiều hơn bình thường trong trận này,’ anh nhẹ nhàng nhận xét sau trận thắng, ‘nhưng hãy đừng làm lớn chuyện làm gì.’
Guardiola hài lòng với quyết tâm gan góc mà anh chứng kiến gần như với hai bàn thắng và ba điểm. ‘Chiến thắng như vậy, được trải qua cảm xúc như vậy còn thích hơn là thắng 5-0,’ anh nói. ‘Chúng tôi đã chiến đấu đến cùng, chúng tôi đã tin tưởng và giành chiến thắng.’
Thật tuyệt vời.
Barcelona (4-3-3) Valdés; Alves,Puyol, Márquez, Abidal; Xavi (Keit 90), Touré, Gudjohnsen (Busquets63); Messi, Eto’o (Hleb 88) Henry.
Real Madrid (4-4-2) Casillas;Salgado, Metzelder, Cannavaro,Ramos; Sneijder (Palanca 36),Gago, Guti (Javi García 72),Drenthe; Higuaín (Van der Vaart 76) Raúl.
Bàn thắng Eto’o 82, Messi 91
Phạm thẻ: Metzelder, Ramos, Márquez, Drenthe, Salgado, Eto’o, Casillas, Messi
Trọng tài Luis Medina Cantalejo
Có mặt 96,059, Camp Nou