MẢNH ĐẤT SẢN SINH NHÂN TÀI
‘Có một thứ không bao giờ dừng lại ở CLB này, đó chính là cantera’
Pep Guardiola
Barcelona là một đội bóng đã giành rất nhiều các danh hiệu bằng một phong cách lôi cuốn, chơi một trong những thứ bóng đá hay nhất chúng ta từng được biết đến, với những ngôi sao mà tài năng của họ sẽ sống mãi trong ký ức của người hâm mộ. Tuy nhiên, có một chi tiết nhỏ không thể bỏ qua, đó là họ đã làm được điều đó với một đội hình gồm toàn những cầu thủ được sinh ra ở xứ Catalan hoặc được đào tạo tại Barcelona.
Victor Valdes, Carles Puyol, Gerard Pique, Sergio Busquets và Xavi Hernandez tất cả đều là người Catalan và đã ở trong hệ thống đào tạo trẻ của Barcelona – được gọi là ‘fútbol base’ (lò đào tạo bóng đá căn bản), hay ‘cantera’ (mỏ quặng, nơi kim cương được khai thác) – từ khi còn trẻ. Pedro, Lionel Messi, Andres Iniesta và Thiago Alcantara đã được phát hiện và đem về cantera từ khi còn nhỏ. HLV Pep Guardiola và trợ lý của ông, Tito Vilanova, cũng là những người Catalan đã trải qua cùng hệ thống đó với tư cách là những cầu thủ. Thực tế thì toàn bộ đội ngũ nhân viên của Guardiola cũng là những cựu thành viên của sân Nou Camp.
Albert Benaiges đã huấn luyện Pique, Messi và Cesc Fabregas trước khi gia nhập học viện bóng đá trẻ Al Wasl ở Dubai vào hè năm 2011. Benaiges chỉ ra cho chúng tôi: ‘Trong một trong những tấm ảnh ở New Masia bạn sẽ được chứng kiến các cầu thủ trẻ, Pep Guardiola, giờ là HLV, bên cạnh Tito Vilanova, trợ lý HLV, Aureli Altimira, HLV thể lực, và Jordi Roura, tuyển trạch viên kiêm người phân tích video. Tất cả đều đã từng là những cầu thủ trẻ ở La Masia và giờ họ đều đang làm việc cho đội hình chính. Còn gì tuyệt vời hơn cho La Masia khi gần như toàn bộ bộ phận kỹ thuật đã từng thi đấu bên nhau? Thật khó có thể tưởng tượng bất cứ điều gì có đi chệch quỹ đạo trong bối cảnh như thế này’.
Bảy người trong đội hình đội tuyển Tây Ban Nha đã đoạt chức vô địch Euro 2008 là thành viên của lò đào tạo trẻ FC Barcelona. Bốn trong số đó đã đá chính trận chung kết. Bảy người trong đội hình xuất phát của Barcelona trong trận chung kết Champions League năm 2009 với MU cũng đã trưởng thành từ lò Nou Camp; con số đó vẫn giữ nguyên vào hai năm sau đó tại Wembley.
Và đây là con số thống kê nổi bật: mười một người trong đội hình xuất phát của Tây Ban Nha trong trận chung kết World Cup 2010 thì đã có tới sáu cầu thủ đã học chơi bóng tại FC Barcelona.
Khi mà thế giới bóng đá thật khô khan và cứng nhắc, một cầu thủ có thể kiếm lương hàng tuần lên tới 6 con số, khiến cho khoảng cách giữa họ và các cổ động viên lớn hơn bao giờ hết, khái niệm ‘các chàng trai quê nhà’ đoạt được các danh hiệu trong bóng đá đỉnh cao quả là hết sức tuyệt vời. Nếu chúng ta cần một cách đơn giản để giải thích hiện tượng này, thì câu trả lời là khái niệm ‘La Masia’. Nó giờ đây đại diện cho mọi thứ người ta nghĩ là tốt đẹp, thuần khiết, và đúng đắn về FC Barcelona – một Camelot của thế giới bóng đá, nơi mà những con rồng bị hạ gục và có những chiếc bàn tròn, để các cầu thủ có thể tập luyện và rèn dũa ở đó.
Tiếp theo đây tôi sẽ giải thích La Masia là gì; hệ thống đào tạo bóng đá căn bản ở Barcelona vận hành như thế nào; và thứ ngôn ngữ bóng đá mà các cầu thủ trẻ này được dạy sẽ được chuyển hóa thành những chiến thuật mà Guardiola áp dụng vào trận đấu như thế nào.
Masia (danh từ): một ngôi nhà nông trại xứ Iberia kiểu cổ điển, thường được làm bằng đá.
Học viện bóng đá trẻ của Barça được đặt cho biệt danh ‘La Masia’ bởi một lẽ ngôi nhà cũ kỹ bằng đá được xây bên cạnh sân Nou Camp chính là nơi mà những đứa trẻ có năng khiếu cần một chỗ ở để luyện tập tại Barcelona đã sinh sống từ năm 1979. Bản thân ngôi nhà đã hơn 300 năm tuổi và được gộp vào khu sân bãi của FC Barcelona khi CLB chuyển đến địa điểm hiện tại vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Một trong những người đầu tiên tốt nghiệp từ La Masia, Guillermo Amor, hiện nay là giám đốc phát triển cầu thủ trẻ ở Barça.
Barcelona có 12 đội hình phân theo nhóm tuổi dưới đội hình chính, từ 7-8 tuổi cho tới đội hình B – một sự kết hợp có chọn lựa giữa các cầu thủ tuổi dưới 25 không được lựa chọn vào đội hình chính, với những cầu thủ trẻ tuổi 16-17 đang trên đà vào đội một.
Bất cứ ai là một phần của hệ thống đồ sộ này cũng là một canterano: một phần của cantera hay là La Masia. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những thuật ngữ để mô tả – fútbol base hay fútbol formativo là hệ thống thực sự nuôi dưỡng Barça và tất cả mọi thứ khác đơn giản chỉ là một thành phần trong chiến lược chung đó.
La Masia đã kết thúc sứ mệnh làm chỗ ở chính cho các cầu thủ trẻ của Barça vào tháng Sáu năm 2011.
Chính xác điều gì sẽ đến với ngôi nhà cũ này đến nay vẫn chưa được quyết định, nhưng tầm quan trọng mà CLB này đặt vào sự phát triển thế hệ trẻ vẫn có thể thấy được trong ‘hậu duệ’ của nó.
Giữa con đường từ sân Nou Camp tới sân bay là sân tập Ciudad Deportiva Joan Gamper của Barça, nơi đội một bắt đầu tập luyện một thời gian ngắn sau khi Guardiola trở thành HLV. Được xây dựng với chi phí chỉ chưa đầy 70 triệu Euro, nhưng nó đã phải mất tới sáu năm mới hoàn thành bởi vì, còn bất ngờ hơn, CLB đã hết tiền trong quá trình thi công. Các đội trẻ cũng tập luyện ở đó và vào tháng Mười năm 2011, công trình thay thế La Masia, the Centro de Formación Oriol Tort, đã được mở cửa trong một buổi lễ long trọng có sự góp mặt của rất nhiều những nhân vật đã tốt nghiệp từ fútbol base.
Hầu hết bọn họ đều mang nợ Johan Cruyff. Khi người Hà Lan này quay về Barcelona với tư cách là HLV vào năm 1988, ông đã thay đổi hoàn toàn hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ, khớp tất cả các đội tuyển ở các lứa tuổi vào sơ đồ 3-4-3 mà đội chính của ông sẽ chơi và ưu tiên các canterano bao gồm Toni Pinilla, Albert Ferrer, Guardiola và Óscar García.
Carles Rexach là trợ lý của Cruyff và đã ở sân Nou Camp trong suốt những khoảng thời gian hoàn toàn khác nhau. ‘CLB này luôn yêu mến những cầu thủ tài năng và Barcelona mà tôi vẫn còn nhớ từ thời ấu thơ đã chơi thực sự tuyệt vời’, ông kể. ‘Rồi sau đó mọi chuyện rẽ sang chiều hướng không tốt’.
‘Thứ bóng đá của chúng tôi đã trở nên đen tối và đáng buồn – quá mức cơ bắp. Đã không có sự sáng tạo. Tất cả chỉ biết chạy và chạy. Như thể bóng đá chỉ có việc chạy vậy. Tôi trở nên hoàn toàn phát ốm với việc nghe các cầu thủ phải đổ mồ hôi như thế nào. ‘Anh phải sẵn sàng sống chết vì đội bóng’, họ đã bảo chúng tôi như vậy. Và tôi nghĩ, ‘Tôi mới 20 tuổi, tôi muốn chơi bóng và tận hưởng chính mình. Tôi còn quá trẻ, không thể chết được ’. ‘Hãy đá sao cho chiếc áo đó bẩn đi!’ Khốn kiếp thật! Bóng đá đẹp được chơi bằng chân. Nếu anh không đổ mồ hôi nhiều thì đó là vì anh đã chơi nhiều hơn’.
Không quá ngạc nhiên khi sự trở lại của Johan Cruyff, người đồng đội cũ của ông ở Barcelona, là một sự cứu rỗi đối với Rexach.
Cruyff và Rexach đã phải mất nhiều thời gian để làm một công việc giống như là truyền giáo vậy. Ban đầu, cách chơi ưu tiên kiểm soát bóng mà họ giới thiệu đã vấp phải sự chế giễu từ chính nội bộ sân Nou Camp, nhưng rồi họ đã thuyết phục được công chúng, và những danh hiệu họ gặt hái được sau đó chính là những lý lẽ đanh thép. Họ còn chú trọng đến việc yêu cầu các cầu thủ trẻ trong CLB phải được huấn luyện theo cùng cách đó. Những kế hoạch của họ đã không chỉ được thực hiện, mà họ còn tạo dựng được một bản sắc bóng đá cho FC Barcelona: thành công, lôi cuốn, bóng đá hoà nhập với tư tưởng Més Que Un Club (hơn cả một CLB) – và tất cả được thực hiện bởi những người Catalan.
Alexanco, trung vệ của Cruyff và là người đã nâng chiếc cúp vô địch Châu Âu tại Wembley năm 1992, đã là người đầu tiên của ‘đội hình trong mơ’ tốt nghiệp chương trình đào tạo trẻ của Barça. ‘Cruyff đã tạo nên một mô hình tuyệt vời bắt đầu khi ông đến làm HLV cho bóng đá Tây Ban Nha và vẫn còn kéo dài cho đến tận bây giờ’, ông nói. ‘Ông ấy đã xây dựng nên những bài tập luyện, thời gian biểu và phong cách làm việc khoa học, hoạt động săn lùng tài năng hiệu quả, và cả một triết lý bóng đá. Từ đó về sau, người ta vẫn không ngừng nỗ lực tìm cách cải tiến mô hình đó mà vẫn giữ được cái đích căn bản của nó. Tất cả những gì chúng ta có ngày nay đều bắt nguồn từ sự thúc đẩy của Cruyff’.
Khi Cruyff bị sa thải năm 1996, rất nhiều những tư tưởng của ông đã bị vứt bỏ. Barcelona đã chuyển từ một mô hình mà các canterano được kỳ vọng sẽ đảm bảo sự nối tiếp ‘gien di truyền Barça’ trong đội một, tới một mô hình mà hàng đống tiền được bỏ ra cho các ‘lính đánh thuê’ ngoại quốc. Fútbol base ít được tin tưởng hơn và cũng được sử dụng kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên suốt những năm mà Bobby Robson, Louis van Gaal, Lorenzo Serra Ferrer, Carles Rexach và Raddy Antic còn tại vị, fútbol base vẫn tiếp tục hoạt động một cách nhịp nhàng phía sau hậu trường.
Alex Garcia – người đã dẫn dắt sự nghiệp của rất nhiều những ngôi sao trong đội một ngày hôm nay trước khi chuyển sang làm ở một vị trí tương tự tại Dinamo Tbilisi vào mùa hè năm 2011 – đã tiết lộ làm thế nào mà hệ thống đã sống sót qua được sự xáo trộn giữa kỷ nguyên Cruyff và Frank Rijkaard. ‘Nếu không có lòng kiên nhẫn, sự bình tĩnh và chăm chỉ, thì mọi thứ có lẽ đã đổ bể, nhưng thật may mắn là giờ đây triết lý bóng đá của thời Cruyff đã được tiếp nối, ít ra là ở fútbol base’, ông nói.
‘Một cách khá độc lập với sự đến và đi của các HLV sau thời Cruyff hay phong cách mà họ áp dụng cho đội bóng, hệ thống đào tạo trẻ đã được tách riêng ra và giữ được những nguyên tắc và tư tưởng thống nhất. Đó là lý do tại sao khi hiện nay Pep Guardiola đã tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng, chiếm đến hơn một nửa đội hình chính của ông là những canterano đã được đào tạo ở quê nhà’.
Txiki Begiristain tin tưởng rằng một trong những phần thưởng lớn nhất trong những năm tháng Guardiola nắm quyền là đã tạo ra được một hình mẫu không thể bị mai một, kể cả sau này HLV trưởng của Barça có thay đổi đi chăng nữa.
Còn đây là cách mà đội bóng tuyển quân. Công cuộc tuyển mộ có thể bắt đầu từ những đứa trẻ bảy tuổi, hoặc khi nào có thể đánh giá được khả năng của cầu thủ ấy. Từ giai đoạn đó cho tới việc theo đuổi một siêu sao giá trị nhiều triệu Euro có thể được chia làm ba loại.
CLB luôn theo đuổi những cầu thủ có thể sẵn sàng chơi cho đội hình chính, chẳng hạn như David Villa hay Dani Alves.
Thứ hai, họ sẽ tuyển mộ những cầu thủ thuộc loại Juvenil (16-19 tuổi) và có triển vọng từ ngắn hạn đến trung hạn cho đội hình chính. Một ví dụ điển hình là Carles Puyol (17 tuổi vào năm 1995 dưới bộ máy của Cruyff) hay Pedro Rodriguez (được tuyển mộ từ thời Frank Rijkaard nhưng chỉ được trọng dụng bởi Guardiola khi một số HLV của fútbol base chuẩn bị đem cho mượn cầu thủ chạy cánh này). Loại cầu thủ này có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau – một CLB trẻ, một CLB nghiệp dư địa phương, một đội bóng trường học, hoặc từ những vị trí thấp trong một CLB chuyên nghiệp khác, trong hoặc ngoài Tây Ban Nha.
Cuối cùng, loại được nhiều người coi là quan trọng nhất: những đứa trẻ bảy hay tám tuổi trở lên, những viên ngọc thô mà hệ thống đào tạo khao khát tài năng của Barça có thể nuôi dưỡng, giáo dục và mài dũa, như họ đã từng làm với Xavi, Iniesta và Messi.
Có một điều cần phải nhấn mạnh ở đội bóng xứ Catalan, đó là lòng quyết tâm đánh bại các CLB khác để giành lấy những cầu thủ tài năng nhất Tây Ban Nha và luôn ưu tiên cho việc tìm ra những cầu thủ trẻ tốt nhất trên khắp thế giới.
Sự hoà nhập của Leo Messi và những thành công sau đó của anh hiển nhiên là chất xúc tác cho chiến lược này, nhưng cũng chính điều đó đã làm nảy ra một sáng kiến hợp tác giữa FC Barcelona và quỹ bóng đá của Samuel Eto’o ở Cameroon khi tiền đạo này còn chơi cho CLB. Barça giúp đỡ bằng cách đầu tư vào chương trình, huấn luyện giúp các tài năng và quảng bá thương hiệu Eto’o, với thoả thuận là họ sẽ được thu hoạch thành quả. Do đó, Jean Marie Dongou, Frank Bagnack, Vivaldi Leonid Bakoyock và Wilfried Jaures Kaptoum tất cả đã gia nhập Barcelona trong ba năm qua.
Trước đó, vì có những yêu cầu khác biệt, ba nhóm tuyển mộ này được thực hiện đồng thời nhưng tách biệt với nhau. Tuy nhiên, từ năm 2010, công việc của những người tìm kiếm tài năng cho Barça đã được hợp nhất – thông tin được chia sẻ giữa các cấp bậc, các tiêu chí lựa chọn được thống nhất và bất cứ bài học nào học được, chẳng hạn như khi tìm và tuyển mộ một cầu thủ như Ibrahim Afellay, đều được hệ thống hoá và chuyển xuống cho những người chọn lựa các cầu thủ trẻ tuổi nhất.
Vậy những tuyển trạch viên trong fútbol base tìm kiếm cái gì?
Có vô số các đầu mối để tìm ra các tài năng triển vọng – một số xưa như quả đất. Ví dụ, họ sẽ cố gắng tìm những đứa trẻ chỉ cần yêu thích việc cặp kè lấy quả bóng suốt cả ngày và những đứa nghiện chơi bóng hay tập luyện với nó.
Pep Guardiola đã thường xuyên chơi bóng ở quảng trường của thị trấn Santpedor khi ông trưởng thành, sử dụng cửa ga-ra của các cửa hàng trong quảng trường khi không có đông người. Hàng xóm nhiều khi phải đuổi cậu bé và bạn bè cậu đi. Là HLV của Barça, ông nói: ‘Một phần khả năng kỹ thuật của một cầu thủ là bẩm sinh, nhưng hiển nhiên nếu bạn không dành năm, sáu hay bảy tiếng mỗi ngày để chơi bóng từ khi là một đứa trẻ nhỏ thì cũng chẳng ăn thua gì. Vấn đề với những chàng trai trẻ ngày nay và đặc biệt là những người sống ở những thành phố lớn là chúng chỉ chơi bóng trong giờ tập luyện. Thời gian đó chỉ vào khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ là cùng’.
Carles Puyol rất nổi tiếng ở Pobla de Segur. Kể cả khi anh không chơi một trận đấu 11 người quy củ, từ khi 14 tuổi, Puyol cũng luôn đem theo một quả bóng bên người, rèn luyện kỹ năng không ngừng nghỉ và rê bóng vòng quanh nhà.
Xavi Hernandez cũng đã dành vô số thời gian để phát triển cái mà anh thú nhận là ‘nỗi ám ảnh’ giữ bóng trong chân.
Laureano Ruiz là một tên tuổi huyền thoại ở Barcelona. Ông là một người có tầm nhìn trong lĩnh vực đào tạo cầu thủ trẻ trước cả Cruyff và đã để lại một giai thoại về giá trị của tình yêu bóng đá.
Ruiz đã tới một buổi sát hạch dành cho các cầu thủ nhí xứ Catalan khi đám đông các đứa trẻ đã thưa dần. Đó có vẻ là một ngày làm việc không hiệu quả cho lắm, nhưng ông bỗng thấy một đứa trẻ đứng ở phía đằng sau, cứ đá quả bóng vào tường phòng thay đồ. Ruiz hỏi cậu bé cậu còn đang làm gì ở đó. ‘Cháu đợi bố cháu ạ’, cậu bé trả lời.
Cảm tính của người giám đốc của cantera Barça đã mách bảo điều gì đó. Ông hỏi những người HLV và tuyển trạch viên đã tổ chức buổi sát hạch rằng cậu bé là ai và cậu như thế nào. Họ bảo rằng cậu chỉ là một đứa bé đã không hoàn thành tốt phần thi và đã bị bỏ qua.
Ruiz bảo với họ rằng linh tính của ông lại mách bảo khác. Bất cứ đứa trẻ nào hết lòng với bóng đá như vậy đều không đáng bị loại bỏ mà không kiểm tra kỹ thêm. Họ đã kiên trì, và khi cậu bé đó, Albert ‘Txapi’ Ferrer, bước lên bục nhận giải của sân Wembley vào năm 1992 với tư cách là thành viên trong đội hình chính của Barça vô địch cúp Châu Âu, thì đó là minh chứng cho sự kiên nhẫn suốt một thời gian dài của Ruiz là không hề uổng phí.
Tất cả những gì Barcelona tìm kiếm ở một cầu thủ trẻ phản ánh những kỹ năng cần thiết để được chơi trong đội hình chính của Guardiola. Cậu ta xử lý một chạm như thế nào? Cậu ta có biết giữ bóng không? Cậu ta có thể đọc tình huống như thế nào và cậu ta ra quyết định dưới sức ép như thế nào? Một cầu thủ chạy cánh có thể chơi bằng cả hai chân hay không? Cậu ta có chịu khó áp sát khi đội mất bóng hay không? Một trung vệ có khả năng kỹ thuật để phát động tấn công hay không?
Nhiệm vụ cơ bản nhất nhưng cũng là quan trọng nhất của fútbol base là chọn đúng những cầu thủ trẻ vào hệ thống’, Alexanco nói. ‘Bạn không được phép làm sai. Đó phải là những cầu thủ thích hợp với hệ thống của chúng ta. Quan trọng là từ khi chúng còn nhỏ bạn phải uốn nắn để chúng hoà nhập với lối chơi của Barça. Đó chính là chìa khoá – tóm lấy đúng đứa trẻ, càng sớm càng tốt, để chúng có nhiều năm học những thứ cần phải trở thành bản năng thứ hai, trước khi chúng bước chân vào đội một.
Barça thường điều tuyển trạch viên đến do thám ở rất nhiều những giải đấu, trận đấu khắp châu Âu. Tuy nhiên, họ thường chọn những cầu thủ mà các tuyển trạch viên của các đội bóng khác đã bỏ qua. Mặc cho một sự thật rằng Barcelona, và Tây Ban Nha, đã cho thấy tài năng và trí thông minh quan trọng hơn chiều cao và cơ bắp, các tuyển trạch viên của họ vẫn thấy rằng mẫu cầu thủ trẻ mang trong mình ‘gien Barça’ sẽ bị các đội bóng khác từ chối bởi anh ta nhỏ con, yếu ớt hoặc không nổi bật ở những kỹ năng truyền thống như cướp bóng, đánh đầu hay ghi bàn.
Albert Benaiges, HLV đội trẻ giàu kinh nghiệm, thừa nhận rằng mô hình fútbol base không phải lúc nào cũng được ưa chuộng ở sân Nou Camp như hiện nay. ‘Tất cả đều phụ thuộc vào người chịu trách nhiệm cao nhất’, ông nói. ‘Trong nhiều năm, tất cả đều xoay quanh việc lựa chọn những cầu thủ kỹ thuật – mô hình của chúng tôi dựa trên phẩm chất của cầu thủ chứ không phải việc anh ta cao hay không, mắt xanh, bảnh bao hay không, nhưng thực sự là đã có những giai đoạn trong lịch sử, chúng tôi đã quá chú trọng đến yếu tố thể lực – thể hình’.
‘Trước đây chúng tôi không chơi thứ bóng đá như bây giờ. Đó là một mô hình tốt, nhưng bạn phải chú ý những chi tiết nhỏ quan trọng. Nó hơi giống việc nấu ăn – nếu bạn không biết phải dùng bao nhiêu muối và gia vị, bạn sẽ không bao giờ làm được một món ăn ngon’.
Ở đẳng cấp cao, thời gian gần đây có hai ví dụ minh hoạ cho lý do vì sao việc tìm kiếm ‘gien Barça’ lại nên được áp dụng triệt để cho tất cả các bản hợp đồng từ nhỏ đến lớn. Đó chính là hậu quả của việc không tuân theo các quy tắc.
Không một tiêu chuẩn nào có thể xếp Zlatan Ibrahimovic vào hạng cầu thủ kém chất lượng. Anh ta có kỹ thuật, có thành tích ghi bàn xuất sắc, một tinh thần chiến đấu, và một thể hình lý tưởng cho bóng đá hiện đại. Thành tích của anh ở Nou camp là 21 bàn thắng, 9 đường kiến tạo và 4 chiếc cúp trong một mùa bóng, nhưng hiểu biết và sự hoà nhập của anh ta vào hệ thống của Pep Guardiola là không đạt yêu cầu.
Tài năng, những bàn thắng, và thể hình lý tưởng của anh ta đáng lẽ đã mở toang cánh cửa vào fútbol base, nhưng anh ta đã không thể hoặc không muốn thích nghi và đã bị đem bán. Theo tôi, thương vụ lẽ ra đã không đến nỗi tiêu tốn tiền bạc khủng khiếp đến như vậy.
Tương tự, Barcelona đã phát hiện được Dmytro Chygrynskiy, một cầu thủ cực kỳ khó đối đầu – trung vệ người Ukraina vừa to con, khoẻ mạnh, vừa có kỹ thuật và là một thủ lĩnh tốt của Shakhtar Donetsk và đội tuyển quốc gia. Bản hợp đồng với anh có vẻ là một món hời so với tuổi đời, tốc độ, và khả năng chống bóng bổng của anh. Tuy nhiên, anh đã không thể chịu đựng được áp lực khi thi đấu cho hàng phòng ngự của Barça.
Các cầu thủ và nhân viên Barça nói rất nhiều đến automatismos – thói quen đã trở thành bản năng thứ hai của họ. Chygrynskiy đơn giản là đã không thể học được điều này; bản năng của cậu ta là đẩy quả bóng sang cho người khác, và trở nên lúng túng nếu cậu ta phải dẫn bóng lên phía trước.
Pep Guardiola đã vô cùng quyết liệt trong việc giữ anh ở lại, bởi cầu thủ người Ukraina này có một thái độ tốt và là một người học trò cầu tiến. HLV tin tưởng rằng hậu vệ này có thể được uốn nắn và hoàn thiện, nhưng vị chủ tịch mới Sandro Rosell lại khuyên nên bán cầu thủ này về CLB cũ của cậu ta để cân bằng ngân sách.
Hai cầu thủ to cao này, được hy vọng là sẽ thêm chút cơ bắp cho đội hình, đều đã chứng tỏ được tất cả các kỹ năng mà họ có được, chỉ ngoại trừ khả năng thích nghi với lối chơi của Barça.
‘Xavi đã cảnh báo với tôi rằng các culés (CĐV của Barça) thường kỳ vọng nhiều và mất kiên nhẫn cũng rất nhanh’, Chygrynskiy tiết lộ. ‘Đó là khi những tiếng huýt sáo bắt đầu. Kể cả khi anh ta đã từng nhận được những điều ngược lại chỉ vài năm trước’.
‘Ở Shakhtar (đội bóng mà anh đã quay trở lại sau khi rời Barcelona), mỗi khi tôi có bóng, tôi cảm giác như mình là một vị vua. Ở Barça,mỗi khi tôi có bóng, tôi phải tìm Xavi hay Iniesta. Ở Shakhtar chúng tôi tìm đến những đường chuyền dài và sâu. Ở Nou Camp điều đó lại hoàn toàn khác. Đó là lỗi của tôi. Tôi chưa bao giờ thôi cảm thấy phải chịu áp lực. Với những người đến từ các giải đấu khác như Mascherano, Abidal và Ibrahimovic, thật là rất rất khó để có thể thích nghi được với Barça’.
Với cả hai loại, những cầu thủ đã trưởng thành cùng nhau ở cantera và những cầu thủ được mua về ở đỉnh cao sự nghiệp, Barcelona đều cố gắng đánh giá tính cách và hoàn cảnh của mỗi cầu thủ bên cạnh khả năng của họ. Phát triển toàn diện đã trở thành một trong những mục tiêu của fútbol base.
‘Khi chúng tôi nhìn vào một đứa trẻ, Barça không chỉ nhìn thấy bóng đá, mà còn nhìn thấy một chàng trai trẻ cùng với gia đình và một cộng đồng đằng sau cậu ta’, Benaiges giải thích. ‘Chúng tôi tin tưởng rằng việc những chàng trai của chúng tôi được phát triển cả về tính cách lẫn về chuyên môn là thực sự quan trọng bởi vì nếu chúng không được như vậy, chúng sẽ phải đi tìm một con đường nghề nghiệp khác. Chúng tôi cố gắng truyền đạt những giá trị như sự hy sinh bản thân và tinh thần đồng đội. Chúng tôi đã tích cực làm việc với chúng và vì vậy hiện giờ chúng tôi có bảy hay tám cầu thủ trẻ trong đội hình B của Barça cũng đang học đại học. Chúng cần được làm việc trong sự phát triển toàn diện về mọi mặt, cũng như khả năng bóng đá của chúng.
Carles Folguera hiện đang là người phụ trách La Masia, ông nhận nhiệm vụ từ năm 2002. Ông tin rằng việc quan tâm tới mọi mặt đời sống của cầu thủ trẻ ngoài bóng đá như vậy là điều mấu chốt đề giảm ‘tỷ lệ lỗi’ và có được nhiều hơn những cầu thủ triển vọng ngoài mong đợi tốt nghiệp vào đội một.
Khi Barcelona tăng cường tuyển mộ ở châu Phi và châu Á, điều này càng trở nên quan trọng hơn nữa.
Những đứa trẻ từ quỹ bóng đá của Eto’o hầu hết đều đến fútbol base một mình khi không có cha mẹ hay người bảo hộ đi cùng. Khi một cầu thủ trẻ phải thay đổi ngôn ngữ, đất nước và nền văn hoá, thì cậu ta không chỉ phải chịu đựng những áp lực khủng khiếp của sự non nớt và sự cô đơn, mà khả năng đá bóng của cậu ta còn phải cực kỳ nổi bật. Chơi cùng một vị trí, nếu những đứa trẻ đến từ vùng Catalonia đạt được điểm B- thì những đứa trẻ đến từ Nhật Bản hay Nigeria phải được điểm A+.
Ví dụ cụ thể: Cesc Fabregas Rodolfo Borrell là người đã tìm ra chàng trai trẻ Cesc Fabregas và môi giới một phi vụ phức tạp – kể cả so với thời đó.
‘Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cậu ấy chơi bóng là ở Mataro và tôi đã nói chuyện với Oriol Tort về cậu ấy, và kết quả là cậu ấy đã gia nhập đội Alevin A’, Borrell hồi tưởng lại. ‘Đó là mùa giải 1997-1998 và những HLV thời đó đi khắp vùng Catalonia quan sát các đối thủ. Trong chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi tới Mataro vào thời điểm trước mùa giải, tôi chưa thấy một ai đặc biệt nhưng sau đó, khi mùa giải bắt đầu, tôi trở lại và thấy một cầu thủ trẻ xuất chúng mà tôi không hề để ý trước đây’.
‘Vào giờ giải lao, điều phối viên của Mataro đã bảo với tôi rằng HLV đã được chỉ đạo đưa chàng trai ra sân ngay khi HLV dự khán xuất hiện. Họ biết rằng tất cả chúng tôi đều muốn ký hợp đồng với cậu ta’.
‘Vào thời đó, một khi một cầu thủ đã chơi năm trận đấu trong mùa giải cho một đội thì cầu thủ đó sẽ không thể chuyển sang CLB khác được nữa. Khi tôi hỏi thêm thông tin về cậu ta, điều đặc biệt đáng mừng là Cesc hoàn toàn vượt trội so với những người khác mặc dù họ đều lớn hơn cậu ta ít nhất một tuổi và đều to cao hơn cậu – đó là một dấu hiệu tốt nhất có thể.
‘Cesc là một cầu thủ quan trọng với Mataro, nhưng họ đồng ý rằng cậu ấy có thể tập luyện với chúng tôi vào thứ Tư hàng tuần cho tới khi cậu ấy đủ tuổi gia nhập Alevin A. Một năm sau, cậu ta đã gia nhập với chúng tôi cùng với Piqué, Víctor Vázquez, và cuối cùng là Messi’.
Nếu một đứa trẻ gia nhập hệ thống fútbol base của Barcelona vào lúc tầm 10 tuổi và ra mắt đội một lần đầu vào tuổi 20, cậu ta đã phải tích lũy được trên 2300 buổi tập. Phần lớn trong số 3070 giờ đó là được dành cho những bài tập kiểm soát bóng.
Ở nhiều CLB, việc tập luyện của cầu thủ trẻ thường bắt đầu với việc tập về thể chất, phát triển sức mạnh và thể lực, sau đó là chiến thuật và rồi mới đến kỹ thuật. Ở Barcelona thì điều đó lại ngược lại. Hầu như mọi bài tập đều tập trung vào bắt đầu bằng kỹ thuật, ngay tiếp theo đó là chiến thuật. Chỉ đến tuổi 15 hay 16, thể chất, thể lực và sức mạnh mới bắt đầu được chú trọng.
Trong những năm đầu tiên, những kỹ năng cốt lõi – một chạm, giữ bóng, chọn vị trí (di chuyển có và không có bóng, tân công và áp sát phòng ngự), vân vân… – rất được chú trọng. Các trận đấu bảy người được tổ chức, thường áp dụng đội hình chiến thuật 3-2-1, với hai hậu vệ cánh, hai cầu thủ đằng sau tiền đạo di chuyển tương tự như Iniesta và Xavi, còn cầu thủ chơi ở giữa trong số 3 hậu vệ sẽ đóng vai trò chốt chặn như Sergio Busquets hay trung vệ như Gerard Pique.
Nó được gọi là fútbol base bởi vì ở đó dạy những điều cơ bản về bóng đá. Nếu bạn là trung vệ nhả bóng cho tiền vệ phải, bạn sẽ làm gì? Bạn nên di chuyển đến đâu? Trách nhiệm của bạn là gì?
Nếu bạn là tiền đạo và đã lùi về sâu để nhận bóng từ một ‘Xavi’ ở hàng tiền vệ, bạn sẽ làm tường nhả bóng lại? Hay bạn sẽ xoay người và và dẫn bóng?
Nếu đội nhà bị mất bóng ở phía sân đối diện với vị trí của bạn, bạn nên phản ứng như thế nào?
Cách lập trình chi tiết các cầu thủ trẻ như thế được thống nhất ở tất cả các nhóm tuổi. Nó giống như là khiêu vũ vậy, các bước nhảy đã có sẵn, nhưng điều khác biệt của những người giỏi nhất là khả năng thể hiện bản thân trong giới hạn những bước nhảy và quy luật đó. Chỉ cần tập luyện chệch hướng hay sai lầm, bạn sẽ giẫm chân lên đồng đội, những người giám sát sẽ đánh giá và bạn sẽ không được nhảy nữa.
Các canterano của Barça sẽ tập đi tập lại những bước nhảy này đến khi nó ăn sâu thành một bản năng , và bắt đầu khiến họ khác biệt so với những cầu thủ thông thường cùng tuổi ở các CLB khác.
Fran Sanchez, một HLV khác của fútbol base, giải thích làm thế nào quá trình này gắn kết những người được tuyển chọn lại với nhau. ‘Ban đầu chúng tôi dạy bọn trẻ những khái niệm cơ bản tổng quát và sau đó mới dạy chi tiết hơn. Chúng tôi muốn nâng độ khó lên từ từ. Chúng tôi làm việc với cả nhóm, để những cậu bé từ nơi khác có thể đến bắt kịp với bè bạn’.
Thí dụ cụ thể: Trò chơi kiểm soát bóng.
Một phần bản sắc của Barça là sự kiểm soát bóng mà họ luôn cố gắng làm chủ bằng cách luyện đá một chạm, chuyền nhanh hơn, chuẩn xác hơn, và di chuyển thông minh, liên tục không được trở nên khô khan. Việc đánh bại một đội bóng bất lực chẳng có ý nghĩa gì cả, điều quan trọng là phải hướng đến sự áp đảo về số lượng, đưa một cầu thủ chủ chốt vào đúng vị trí rồi tung ra một đường chuyền chết người và tận dụng sự hỗn loạn được gây ra trong hàng phòng ngự của đối phương.
Xavi giải thích: ‘Chúng tôi luôn tìm cách để áp đảo đối thủ về số lượng, hai chọi một, vì vậy nếu Puyol đang cầm bóng một mình, tôi sẽ nói ‘Dâng bóng lên, dâng bóng lên! Anh ấy sẽ dẫn bóng lên tới khi cầu thủ đang kèm tôi buộc phải rời tôi ra và áp sát anh ấy, vậy giờ chúng ta đã có hai người chọi một và tôi sẽ gọi ‘Puyi! Puyi! Puyi!’’
‘Bạn thấy đấy, nếu tôi cứ đứng đằng sau cầu thủ đang kèm tôi, tôi sẽ vô dụng. Tôi phải di chuyển liên tục thì mới có thể tấn công. Một khi tôi có bóng, tôi sẽ bảo Dani Alves vào vị trí và tôi sẽ di chuyển về phía anh ấy. Cứ như vậy chúng tôi tiếp tục chuyền, chuyền và chuyền. Đó là cách chúng tôi tấn công.
Một thứ rất quan trọng trong chương trình đào tạo của Barcelona là một bài tập kiểm soát bóng đơn giản gọi là rondo. Chắc chắn bạn đã thấy nó rồi. Thậm chí bạn còn có thể đã từng thực hiện bài tập đó.
Có một vòng tròn các cầu thủ, thường là bảy hay tám, với hai hậu vệ ở giữa. Quả bóng được chuyền qua chuyền lại giữa những người đứng thành vòng tròn mà không được chạm vào hai người ở giữa, những người có nhiệm vụ chặn bóng lại, cắt các đường chuyền. Huyền thoại của Barça, người đầu tiên sáng tạo ra bài tập này hoặc ít ra là áp dụng nó vào trong tập luyện là Laureano Ruiz, cũng chính là người đã phát hiện ra Txapi Ferrer và đã sáng lập ra La Masia.
Mục đích đầu tiên, hiển nhiên nhất của bài tập là tăng cường khả năng nhận và phân phối bóng một chạm hay ‘nửa chạm’ dưới áp lực của các cầu thủ đứng trên vòng tròn.
Mục đích thứ hai là dạy các hậu vệ cách áp sát thông minh. Hai hậu vệ sẽ cần phải cộng tác với nhau mới có thể thành công được.
Mục đích thứ ba là, khi mỗi cầu thủ đến lượt đứng vào trong vòng tròn, họ cũng được rèn luyện thể lực, một điều cần thiết cho lối chơi của Barça.
Mục đích thứ tư là tinh thần đồng đội. Những cầu thủ đứng trên vòng tròn phải hợp tác với nhau để giữ trái bóng tránh xa khỏi các hậu vệ.
Nếu bạn đã từng xem bài tập rondo ở Barça thì bạn sẽ thấy nó cũng quyết liệt không kém các trận đấu năm người ở MU, Arsenal, Milan, hay Bayern Munich. Có lẽ bạn đã từng thấy họ thực hiện bài tập đó trước trận đấu và nghĩ ‘tôi cũng có thể làm được như thế’, nhưng phiên bản khởi động đó thực ra chậm hơn và ít quyết liệt hơn 10 lần so với bài tập trong huấn luyện.
Các cầu thủ trên vòng tròn muốn phá vỡ kỷ lục – số đường chuyền liên tục, thời gian kiểm soát bóng; có vô số các biến thể về số chạm được phép, số hậu vệ, cấm chuyền cho những người liền kề bên cạnh, vân vân.
Khi bạn nhìn thấy, bạn sẽ hiểu một giai thoại mà Xavi thường kể về những ngày luyện tập của anh ấy thời trẻ. Carles Rexach là người phụ trách buổi tập, đã hét lên với họ: ‘Không được đá một chạm! Hãy đã nửa chạm!’
Lối đá nửa chạm đó là ở trong ‘gien Barça’. Hãy nhìn vào trận Barcelona– Arsenal, trận đấu vòng knockout diễn ra tháng Ba năm 2011 và bàn thắng của Xavi.
Tỉ số đang là 1-1 khi Iniesta vượt qua Tomas Rosicky, Abou Diaby và Johan Djourou. Đường chuyền của anh nhắm đến đường di chuyển của Xavi nhưng nó được tác động bởi một cú chạm bóng cực nhẹ của David Villa, giúp bóng vượt qua sự cản phá của Laurent Koscielny, và Xavi ghi bàn. Cú chạm bóng đó của Villa chính là ‘nửa chạm’ mà Rexach đã hét lên 10 năm trước. Nó không phải độc quyền của Barça, nhưng họ dùng nó thường xuyên hơn tất cả những đội bóng khác bởi vì đó là một phần căn bản của những gì họ dạy cho cầu thủ, như Xavi đã giải thích. ‘Họ dạy chúng tôi biết những ai ở xung quanh trước khi bóng tới và chuẩn bị dùng một cú chạm nhẹ hay một cú đệm bóng hoặc một cú vô-lê trong một phần mười giây để giữ cho chuyển động của quả bóng liên tục’.
Tất cả những kỹ năng điều khiển bóng xuất sắc mà Iniesta, Xavi, Messi và Pedro có được, những khoảnh khắc khi Barça mở đợt tấn công với những đường chuyền nhanh như chớp, bóng di chuyển với vận tốc của môn khúc côn cầu trên băng, đều bắt nguồn từ bài tập rondo. Trong suốt sự nghiệp, họ sẽ phải thực hiện hàng chục nghìn bài tập như thế.
Với một HLV, điều đó giống như một bác sĩ đặt nhiệt kế vào miệng một đứa trẻ. Chú ý tới kết quả và ông ta sẽ biết liệu mọi thứ có ổn hay không. Nếu những anh chàng này không thực hiện tốt bài tập rondo nghĩa là đã có điều gì đó đã không ổn – về tinh thần, thể chất, sự tự tin, hoặc sự tập trung.
Arnau Riera là đội trưởng của Messi trong thời gian ngắn anh ở đội Barça B. Arnau là một tài năng được phát hiện vào một độ tuổi tương đối cao.
‘Khi tôi bắt đầu tập bài tập rondo lần đầu tiên, tôi đã không thể theo kịp’, anh kể. ‘Tôi thấy các cầu thủ như Thiago Motta làm tốt hơn tôi một cách rất dễ dàng và tôi đã gọi điện về cho bố nói rằng ‘Con nghĩ là con không thể không thể làm được, những người đó vượt trước con quá xa’.
‘Một điều đáng chú ý về việc luyện tập ở fútbol base là họ luôn muốn các cầu thủ của họ suy nghĩ nhanh hơn đối thủ. Bài tập rondo giúp ích cho kỹ năng chạm bóng, chuyền bóng, luyện thể lực và rất tốt về mặt kỹ thuật, nhưng thứ giúp ích bạn nhiều nhất là liệu bạn có sắc sảo trong việc nhận biết điều gì sắp xảy ra và phải làm gì tiếp theo hay không. Đó là đặc điểm tiêu biểu của những giá trị ở Barça’.
Ngày nay chúng ta được thấy vô số CLB áp dụng những bài tập tương tự, nhưng khi tôi xem những bài rondo này, đặc biệt là ở giải Ngoại hạng Anh, chúng chẳng thể so sánh được với các cú chạm bóng, tốc độ, kỹ thuật hay sự quyết liệt thường thấy ở Barça.
Một quan chức FA nói: ‘Ở Anh, những bài tập đó được coi như dịp để cười đùa’.
Có những khái niệm sống còn khác trong việc luyện tập của Barça. Một trong số đó là hãy chú ý cách sử dụng cái đầu. Theo như Xavi giải thích, cần phải có một tầm nhìn tốt để đưa ra những quyết định nhanh chóng với trái bóng.
‘Ở Barcelona có rất nhiều tư tưởng mà chúng tôi đã thảo luận trong các buổi tập’, anh nói. ‘‘Hãy ngẩng đầu lên’ là một trong số đó. Trái bóng ở dưới chân bạn, nhưng bạn cần phải ngẩng đầu lên. Nếu không, bạn sẽ không thể quan sát trận đấu. Một câu nói khác là ‘quan sát trước khi nhận bóng’. Điều đó là một điều thực sự quan trọng cho việc lựa chọn tư thế để đón bóng và sau đó là biết phải làm gì để chuyển bóng cho người tiếp theo’.
Trong suốt thời còn trẻ, Xavi đã khắc sâu vào trong đầu: ‘Nhìn Pep xem, ông ấy luôn ngẩng cao đầu’. ‘Nhìn Pep xem, ông ấy luôn biết nên chuyền khi nào và chuyền đi đâu’’.
Những điều này sẽ được khắc sâu vào đầu mọi đứa trẻ ở fútbol base của Barça. Có thể dễ tưởng tượng rằng tên của Guardiola sẽ được thay thế bởi tên của Xavi hay Iniesta, nhưng cả hai người này lại đều nghĩ rằng Sergio Busquets là một thí dụ hoàn hảo hơn để dạy triết lý này. Cách chơi bóng của anh ít hoa mỹ hơn, nhưng Busquets hoà quyện được phong cách làm việc, khả năng kiểm soát bóng và tốc độ suy nghĩ mà Guardiola đã từng thực hiện.
‘Sergio chưa nhận được những lời khen ngợi đúng mức’, Xavi nói. ‘Anh ấy là một cầu thủ tuyệt vời. Anh ấy không rê dắt bóng, anh ấy hiếm khi ghi bàn, anh ấy không biểu diễn kỹ thuật, nhưng anh ấy đúng là một cầu thủ mẫu mực!’
‘Busi là tiêu biểu của những gì được coi là một cầu thủ Barça. Anh ấy là một cầu thủ cần mẫn và thực sự đẳng cấp. Khi đối thủ kèm chúng tôi, một kèm một, anh ấy vẫn sẽ dùng những đường chuyền một chạm để đưa bóng đến tận chân bạn và bạn sẽ tự nghĩ ‘Làm thế nào anh ấy có thể thấy mình nhỉ? Thật là khó tin!’’
‘Người thứ ba chạy chỗ’ không phải là một chiến thuật độc quyền của Barcelona, nhưng kỹ thuật vượt trội và tốc độ chuyền bóng của họ đồng nghĩa với việc ít có đội bóng nào có thể thực hiện nó tốt hơn.
Nó giống như trò chơi ‘tìm lấy quý bà’ trong ba quân bài, trong đó có một quân Q. Bạn nghĩ là bạn biết chuyện gì xảy ra, bạn nghĩ là bạn đã theo dõi ‘quý bà’, tất nhiên là vậy, nhưng thực sự là bạn đã không thể theo dõi và bạn sẽ thua tiền khi người chủ trò lật quân bài bạn chọn lên.
Xavi đưa bóng đến chân David Villa, người đã lùi về hướng mặt tới người chuyền bóng và quay lưng lại với khung thành.
Villa không hề định giữ bóng hay xoay người. Anh chỉ làm tường để phối hợp. Villa chuyền bóng một chạm tới Iniesta, người đang hướng mặt về Villa, giống như Xavi vừa thực hiện xong.
Ngay khi Xavi nhả bóng cho Villa, anh ấy bắt đầu di chuyển. Đường di chuyển đó đưa anh tách khỏi cầu thủ theo kèm và vượt qua người đang kèm chặt Villa. Giờ Xavi đã ở vị trí mà Iniesta có thể chuyền bóng tới, cũng với một chạm.
Hỏi bất cứ cầu thủ nào đã từng tập luyện ở Nou Camp về lối di chuyển này và họ sẽ nói với bạn rằng nó gần như là không thể ngăn cản khi được thực hiện tốt ở tốc độ cao.
Cách giáo dục của fútbol base vượt ra ngoài cả phạm vi kỹ thuật. Các bài học còn về tâm lý và bao gồm cả giá trị của sự thất bại, kèm theo sự tranh luận về cân bằng giữa chiến thắng và học hỏi trong những năm đầu của sự nghiệp.
Barcelona đã xây dựng nên một cỗ máy chiến thắng và có vẻ kỳ quặc khi khái niệm thất bại lại quan trọng với nó đến thế. Một phần, điều quan trọng là học cách nhận lấy thất bại với lòng tự trọng – một khái niệm mà Pep Guardiola luôn cố gắng bảo tồn, thường xuyên nhắc đến và được dạy ở tất cả các cấp bậc của fútbol base.
Albert Puig, thư ký kỹ thuật của chương trình đào tạo trẻ ở sân Nou Camp, giải thích ông đã đưa nguyên tắc này vào các thời điểm căng thẳng của trận đấu như thế nào. ‘Tôi luôn luôn nói với các cầu thủ của tôi rằng sẽ là tốt nếu xả nỗi tức giận và sự thất vọng sau khi thua trận, nhưng cơn xả đó chỉ nên kéo dài từ khi trận đấu kết thúc cho đến lúc họ bước vào phòng tắm’, ông nói. ‘Lúc nước bắt đầu chạm vào đầu họ cũng là lúc họ nên nhắc nhở bản thân rằng bóng đá chỉ là một trò chơi và sẽ luôn có người thắng kẻ thua’.
Carles Rexach giải thích sự nguy hiểm đi cùng với sức mạnh vượt trội trên sân cỏ. ‘Đôi khi thất bại là một điều quan trọng ở fútbol base’, ông nói. ‘Có những thời gian mà bạn chiến thắng liên tục bởi vì bạn toàn gặp những đội yếu hơn. Rồi đến khi bạn gặp một đối thủ cân sức cân tài, phong độ của bạn có thể sẽ tuột dốc vì bạn đã không quen với việc đá với những người ở cùng trình độ. Chiến thắng mọi trận đấu là không tốt vì nó khiến các cầu thủ rơi vào trạng thái tự thoả mãn’.
‘Nếu vào giờ nghỉ giữa giờ bạn đang dẫn 3-0, bạn đã biết chắc rằng bạn sẽ thắng và bạn có thể nghĩ chẳng việc gì phải hướng tới tỉ số 7-0 hay 8-0. Khi đó, HLV phải tăng thêm thử thách cho các cầu thủ của ông. Ông phải bắt họ chơi bóng một chạm, hay di chuyển nhanh hơn, vân vân. Ông cần phải tạo ra các thay đổi như vậy để chiến thắng trở nên xứng đáng’.
Cơ sở của quan điểm của Rexach chính là cuộc tranh luận giữa chiến thắng và thất bại ở giai đoạn đầu của cantera.
Liệu tâm lý chiến thắng là bẩm sinh hay có thể học được? Làm thế nào mà những đấu thủ sừng sỏ, những người đã nghiện chiến thắng ở đẳng cấp cao nhất, như Victor Valdes,Carles Puyol, Andres Iniesta và Xavi, đã trở thành một phần của hai thời kỳ, giữa năm 1999 và 2004 và sau đó từ tháng Năm năm 2006 đến tháng Năm năm 2008, khi cơn khát danh hiệu có thể thấy rõ trong không khí phòng thay đồ?
Kể cả Pep Guardiola cũng đề cập đến khái niệm căn bản ‘chiến thắng’ nghĩa là gì. Trong cuốn sách của Puig ‘La Fuerza de Un Sueno’, ông tranh luận rằng: ‘Chiến thắng không hề xung khắc với một sự huấn luyện tốt trong thời gian đầu. Trái lại, một sự huấn luyện tốt trong thời gian đầu đồng nghĩa với việc các cầu thủ trẻ được phát triển thành những cầu thủ biết chiến thắng, nhưng thắng theo đúng cách. Họ tôn trọng đối thủ, luôn luôn cư xử như những người đại diện của CLB, chấp nhận rằng có ai đó chịu trách nhiệm, có kỷ luật chiến thuật và chăm chỉ khi tập luyện. Đó là cách để thắng’.
Alex Garcia, người đã dạy Messi, Pique, Fabregas, Bojan, Busquets và Thiago, giải thích một phần khải niệm này và khuyến khích các cầu thủ học nó bằng cách không bao giờ dừng lại với những gì họ đã đạt được. ‘Cả nhóm Messi, Cesc, Victor và Pique đều rất cầu tiến’, ông ta kể với tôi. ‘Họ được sinh ra là những người chiến thắng, những người theo đuổi tất cả các danh hiệu. Họ không bao giờ có tư tưởng an phận. Đó là điều khác biệt về các cầu thủ Barça, họ không bao giờ thoả mãn với gì chỉ vừa đủ tốt. Họ có thể dẫn trước 5-0 mà vẫn muốn ghi thêm bàn thắng thứ sáu’.
Xavi thêm vào: ‘Trước khi bạn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, bạn cần phải học và phát triển, nhưng không được mất đi tinh thần cầu tiến. Ở Barça chúng tôi đều hiểu điều đó. Phát triển là một ưu tiên. Các chàng trai trẻ học các khái niệm về bóng đá và phải hiểu mục đích của chúng ta trong khi vẫn phải duy trì tinh thần cầu tiến, khát khao chiến thắng của họ. Trút bỏ nỗi tức giận khi bạn thua là điều tốt. Ở fútbol base, ưu tiên hàng đầu là tập luyện và phát triển, nhưng mục tiêu luôn là chiến thắng’.
Trong khi viết quyển sách này, xem giải đấu NextGen, giải đấu theo kiểu như Champions League nơi mà các CLB thi đấu ở cấp độ U-19, tôi đã phát hiện thấy những tư tưởng gần như tương đồng ở Tottenham Hotspur. Khi tôi nói chuyện với Tim Sherwood, hiện là điều phối viên kỹ thuật của Spurs, từng giành danh hiệu vô địch giải quốc nội Anh khi còn chơi cho Blackburn Rovers, tôi nhận ra cách tiếp cận của ông với chiến thắng và học hỏi là rất quen thuộc. ‘Trong sự phát triển, điều quan trọng là đào tạo ra được cầu thủ, chứ không phải thắng các trận đấu’, ông ta nói.
‘Vẫn có rất nhiều tư tưởng đào tạo lạc hậu quanh đây. Một số vẫn có tư tưởng quá đặt nặng tới kết quả ở cấp độ tuyển trẻ, nhưng không nên như vậy. Những triết lý bóng đá căn bản về cách chơi bóng cần phải được bảo tồn. Nếu một anh chàng nhỏ con bị trấn lột bởi một gã to con cùng tuổi, thì chúng ta muốn cậu ấy vẫn tiếp tục làm những việc đúng đắn, không phải thay đổi vì cậu ấy tạm thời đang chịu bất lợi về mặt thể hình’.
Fan Sanchez là HLV đội trẻ phục vụ lâu năm nhất ở Barcelona, mặc dù mới 35 tuổi. ‘Sự cạnh tranh luôn luôn là điều cốt lõi’, ông nói. ‘Bất cứ khi nào bạn chơi một trận đấu đều là để chiến thắng và đó phải là tinh thần của tất cả các chàng trai của chúng ta, từ người trẻ nhất đến người già nhất. Ngày nay, xã hội nói chung là cực kỳ cạnh tranh và bóng đá cũng phản ánh điều đó, nhưng hiển nhiên việc chúng ta chơi đúng cách cũng là rất quan trọng. Không nên tìm cách chiến thắng bằng mọi giá. Chúng ta cần phải chơi bóng theo cách riêng của chúng ta, tôn trọng đối thủ và trọng tài, và cố gắng chơi hay hơn họ. Chơi bóng đá theo phong cách của chính mình là một điều cốt yếu, kể cả nếu nó làm chúng ta thua trận’.
‘Khi các chàng trai lớn lên, thỉnh thoảng họ có những suy nghĩ như ‘Nếu chúng ta chiến thắng thì chắc hẳn là chúng ta phải giỏi hơn những người khác’, nhưng đó không phải triết lý của chúng tôi. Hoàn toàn có thể thắng một trận đấu mà không chơi đúng cách, và ngược lại – chúng ta có thể chơi đúng cách và thua trận. Điều mà chúng tôi quan tâm là đối thủ càn phải gây khó khăn hết mức có thể, và các chàng trai của chúng ta có cơ hội để phát triển. Thắng tất cả các trận đấu 10-0 là không tốt chút nào cả’.
Tuy nhiên, cha của Thiago và Rafinha là Mazinho, người đã thi đấu cho Valencia và Celta Vigo và giành chức vô địch thế giới ở Mỹ năm 94 cùng đội tuyển Brazil, đã kết luận cuộc tranh luận bằng việc cung cấp một vài tình huống và một sự cân bằng hoàn hảo giữa chiến thắng và học hỏi. Ông cùng quan điểm với Garcia. Khi hai người con trai tài năng của Mazinho học ở thành phố Vigo thuộc vùng Galicia, có một HLV bóng đá năm người đã nói với cả nhóm, ‘Điều quan trọng nhất là có mặt’. Rốt cuộc nhà vô địch thế giới người Brazil đã gạt ông ta sang một bên và khẽ nói rằng, ‘Ông đã sai rồi. Điều quan trọng nhất với tất cả bọn chúng là cạnh tranh’.
Trên khắp thế giới, luôn có hàng tá người xếp hàng đợi được học tập các phương pháp huấn luyện của Barça: các nhà quản lý, HLV, giám đốc kỹ thuật, vân vân. Tuỳ vào việc họ là ai và họ yêu cầu cái gì, họ sẽ được cho phép tiếp cận ở những cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, mặc dù các nhân viên Barça đều thân thiện và cởi mở về công việc của họ, họ vẫn nghi ngờ về hiệu quả của những chuyến viếng thăm ‘chớp nhoáng’ nhằm sao chép ý tưởng xuất hiện một số năm gần đây. Trừ khi một người được chứng kiến toàn bộ quá trình phát triển, chứ nếu chỉ đến vài ngày học một vài bài học của riêng một nhóm tuổi nào đó thì chỉ có thể biết được một phần, có khi còn hiểu sai về quy trình đào tạo của Barça. Hơn nữa, trừ khi CLB đó sẵn sàng cho một cuộc đại tu về chương trình tuyển mộ, phát triển và huấn luyện cũng như triết lý bóng đá, nếu không thì việc nhặt về ‘vài mẩu’ trong cương lĩnh của Barça chỉ làm lãng phí thời gian.
Pere Gratacos, HLV cuối cùng của Messi trước khi cậu vào đội một, nói lên suy nghĩ chung một cách có lẽ là thẳng thắn nhất, ‘Trường học thì phải dạy học và nếu Barça có thể giúp các HLV phát triển cầu thủ trẻ, đó là điều tích cực, nhưng đó không phải là một thứ mà bạn có thể đạt được chỉ trong một vài ngày làm việc và học tập. Đó là thành quả của rất nhiều năm trăn trở. Bạn không thể chỉ tới đây quan sát trong vài ngày và rồi về mô phỏng lại được cả hệ thống ở một nơi khác’.
Có một cách phát triển thú vị khác. Một số nhân vật quan trọng trong sự thành công của cantera của Barça vài năm gần đây đã ra đi tìm kiếm danh vọng, tiền tài và sự phát triển cá nhân ở nơi khác. Rodolfo Borrell đang ở Liverpool, Alex Garcia đang phụ trách ở Dinamo Tbilisi, và Albert Benaiges đang ở một lò bóng đá mới ở Dubai, làm điều phối viên cho CLB Al Wasl nơi mà Diego Maradona đang làm HLV vào thời điểm tôi viết cuốn sách này (nhưng có thể khi quý vị đọc được thì đã không còn nữa).
Liệu mô hình của Barça có thể được học hỏi bằng cách thuê những HLV nổi bật từ hệ thống đó và cho họ quản lý quá trình phát triển trẻ ở một CLB?
‘Không, đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng’, Borrell nói. ‘Mỗi quốc gia đều có một nền văn hoá bóng đá khác nhau và bạn không nên thử thay đổi những giá trị bóng đá cốt lõi của họ. Tất cả những gì bạn có thể làm là tính toán làm sao để bổ sung hoàn thiện những gì họ đã làm bằng một số ý tưởng mới. Tôi chỉ có thể cố gắng chuyển tải một số những điều mà tôi tin là đã làm nên Barça ngày nay và đảm bảo rằng tất cả các đội bóng, ở mọi độ tuổi, đều hướng tới cùng một phương hướng bóng đá căn bản chung’.
Alex Garcia thì lạc quan hơn về việc đem những nguyên tắc của La Masia tới Georgia, công việc của ông lại chịu sức ép của áp lực giữa chiến thắng và học hỏi. ‘Chúng tôi đang cố gắng giúp các cầu thủ ở đây phát triển những giá trị và phương pháp làm việc của Barça, nhưng đó là một thách thức vì giải đấu thực sự không cho bạn chút không gian để thở và thời gian để dạy dỗ đúng cách’, ông nói. ‘Việc này sẽ mất nhiều thời gian và chúng tôi nhất định phải làm việc chăm chỉ và đạt được một cái gì đó’.
‘Chúng tôi đang tái cấu trúc lại CLB từ trên xuống dưới theo mô hình của Barça, nhưng toàn bộ dự án sẽ mất nhiều thời gian để đáp ứng được kỳ vòng. Đội bóng sử dụng đội hình chiến thuật 4-3-3, nhưng điểm mấu chốt là phương pháp huấn luyện cũng giống với Barça’.
Từ Dubai, Benaiges nói: ‘Chúng tôi đang làm việc đó. Luôn rất khó khăn khi đem một phong cách chơi mới tới một nơi như thế này và các cầu thủ không có cùng những phẩm chất tốt như ở Barça. Những gì bạn có thể nhập khẩu về là nội quy và kỷ luật mà chúng tôi luôn áp dụng ở học viện trẻ Barça. Có những đội bóng khác cũng sử dụng mô hình này, như Ajax hay Santos, và họ cũng đã gặt hái được những thành công lớn trong vài năm qua’.
‘Một vấn đề mấu chốt cho các đội bóng là việc tự hỏi chính mình họ nên tuyển mộ loại cầu thủ như thế nào. Loại cầu thủ trẻ mà bạn đưa vào hệ thống cũng quan trọng như những gì mà bạn dạy chúng. Barça có Xavi, Iniesta và Messi, ba cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Bạn có những cầu thủ ở độ tuổi 32 như Xavi và những cầu thủ trẻ ở độ tuổi 19 như Cuenca chơi cùng với nhau. Có một sự hoà hợp thực sự giữa các thế hệ trong đội hình hiện tại và một lớp cầu thủ trẻ nối gót họ. Tất cả bọn họ đều được học một phong cách chơi bóng giống nhau và về bản chất đó chính là bí mật thành công của chúng tôi. Nhân bản nó lại ở một nơi khác sẽ mất nhiều thời gian và cần những điều kiện phù hợp để thành công’.
Lời cuối cùng về chủ đề này là của một trong những nhân vật anh hùng trong cuốn sách này, Carles Rexach. ‘Các đội bóng khác cố gắng sao chép chúng tôi, tất nhiên là vậy, nhưng chúng tôi đã đi trước họ 30 năm rồi’.
Một bước phát triển quan trọng đã giúp chuyên nghiệp hoá toàn bộ hệ thống fútbol base đó là việc rời đến một toà nhà Masia lớn hơn, hiện đại hơn nhiều. Tôi được thông báo về việc này khi có ngày càng nhiều máy quay của kênh CCTV xuất hiện ở khu sân tập mới. Không có vấn đề đặc biệt gì về bảo mật, ngoại trừ việc họ cố gắng quay phim các buổi tập của tất cả các nhóm tuổi quá nhiều. Ý định của họ là để đánh giá lại công việc, áp dụng các bài tập học được và quản lý các tiêu chuẩn huấn luyện.
Trước khi Sandro Rosell đáp ứng một trong những mong ước thiết tha nhất của Pep Guardiola thì hầu như tất cả các HLV ở tất cả các nhóm tuổi ở fútbol base đều làm bán thời gian. Họ có những công việc khác, họ kiếm được lương kha khá và họ chỉ dành thời gian tới CLB trong những hôm có buổi tập hoặc trận đấu. Giờ đây những HLV đó đều đã làm việc toàn thời gian cho CLB.
Trong vài mùa giải gần đây, ban huấn luyện đã có thời gian để xem lại những đoạn băng này, chia sẻ ghi chú về các cầu thủ khả năng được luân chuyển giữa Alevin A và Juvenil B hay giữa Juvenil A và Barça B. Lên kế hoạch, chia sẻ thông tin, đánh giá – tất cả những điều này đang được dành nhiều thời gian, sự chú ý và độ ưu tiên cao hơn bao giờ hết.
‘Chúng tôi đang được nhìn thấy thành quả của rất nhiều năm làm việc’, Alex Garcia nói. ‘Bóng đá và các phương pháp huấn luyện đã thay đổi theo thời gian’.
‘Trong quá khứ, các HLV chỉ làm việc hai tiếng một ngày, nhưng giờ đây họ làm việc toàn thời gian và tạo ra những sự thay đổi cho cantera’.
‘Chúng tôi làm việc với nhau liên tục để phân tích những việc chúng tôi đang làm và cải tiến nó, và có một sự liên lạc rất tốt giữa những cầu thủ trong đội hình chính và chính chúng tôi’, Fran Sanchez thêm vào.
‘Chừng nào thông tin còn được chảy theo cả hai hướng, chúng tôi còn tiếp tục cải tiến. Chúng tôi sẽ không chờ đợi 10 năm để rồi mới phát hiện ra rằng chúng tôi không có một trung phong tốt nào cả. Nếu chúng tôi biết ngay lúc này rằng chúng tôi cần một cầu thủ với những kỹ năng nhất định nào đó thì chúng tôi có thể bắt đầu làm việc để đào tạo ra những cầu thủ có những phẩm chất phù hợp ngay’.
Những khiếm khuyết trong hệ thống tạo nên nguy cơ những cầu thủ như Lionel Messi phải rời Barcelona từ thời còn ở cantera đã được cố gắng khắc phục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những sai lầm – cả trong quá trình tuyển mộ và cả trong các quyết định bán cầu thủ trẻ – vẫn tồn tại.
Jordi Alba, người đã rời fútbol base của Nou Camp từ giai đoạn Juvenil, giờ đây là một ngôi sao ở Valencia, một cầu thủ đẳng cấp quốc tế của Tây Ban Nha và Barça coi anh là ứng cử viên để gọi về hồi hương. Chuyện đó giờ đã xảy ra ít đi, nhưng vẫn còn là một rủi ro dễ mắc phải.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn đó là các sự bao vây của các CLB bóng đá Anh quanh Nou Camp và các CLB khác ở Tây Ban Nha nhằm chiếm cầu thủ trẻ. Khi Cesc Fabregas và Gerard Pique rời Barça, đó một phần là do sự thiếu quản lý và thiếu cơ hội thi đấu. Như Rodolfo Borrell đã nói: ‘Vào thời điểm đó, để có thể được đôn từ cantera lên đội một là một điều cực kỳ khó khăn, khó hơn nhiều so với bây giờ’.
Những yếu tố khác dẫn đến việc chảy máu tài năng vẫn còn tồn tại rất nhiều. Luật lao động Tây Ban Nha quy định các cầu thủ không được ký hợp đồng ràng buộc thi đấu chuyên nghiệp cho tới trước sinh nhật lần thứ 16. Mỗi năm, tất cả các viên ngọc trong hệ thống của Barça (cũng như đối với tất cả các CLB bóng đá Tây Ban Nha khác) được tự do chuyển đến bất cứ đâu và bất cứ khi nào tuỳ ý. Gần đây, Barça đã để mất Hector Bellerin và Jon Toral vào tay Arsenal. Họ mới chỉ là hai ví dụ – đã, đang và sẽ còn nhiều hơn thế nữa.
Mỗi người như vậy sẽ đem về cho Barcelona một khoản tiền nhỏ sáu chữ số dựa theo luật của FIFA về phí bồi thường đào tạo cho các cầu thủ chuyển đi trước khi phí chuyển nhượng đầy đủ có hiệu lực.
Những cầu thủ như Sergi Samper, một viên ngọc quý trong đội hình Juvenil, người hứa hẹn sẽ chơi bóng theo phong cách của Iniesta hay Xavi, đã nhận được những lời đề nghị đáng chú ý; Messi và cha của anh cũng đã được tiếp cận sát sao từ khi còn nhỏ.
Trừ khi luật lao động Tây Ban Nha thay đổi, tình trạng này sẽ còn kéo dài mãi và đó là một vòng tròn luẩn quẩn cho Barça. Họ chọn lựa và huấn luyện những cầu thủ càng chất lượng, thì càng khó để đưa cậu ta lên đến đội một.
Trường hợp của Oriol Romeu có thể hé ra một giải pháp cho vấn đề này. Được bán cho Chelsea với giá khoảng 5 triệu bảng, có một điều khoản mua lại với giá tăng thêm 5 triệu bảng mỗi mùa trong ba mùa giải đầu tiên nếu Barcelona muốn lấy lại anh ta. Cantera khai thác các viên ngọc thô để bản và cũng để giữ.
‘Ở Anh, ký hợp đồng với các cầu thủ từ các đội bóng khác là khó hơn nhiều, nên tốt hơn hết là đầu từ vào Tây Ban Nha, bằng cách đó sẽ tránh được phí chuyển nhượng’, Albert Benaiges nói với tôi. ‘Gia đình các cầu thủ ở cantera của Barça không biết là đến 15 tuổi con cái họ có làm nên được chuyện gì hay không, trong khi đó các đội bóng khác tới đề nghị với gia đình họ một đống tiền. Kết quả là, nó tạo nên một làn sóng các cầu thủ trẻ chuyển tới nước Anh. Một số bọn họ toả sáng ở đó, một số khác thì không được như vậy’.
Fran Sanchez tổng hợp lại tình hình thế này: ‘Độ tuổi trung bình ở đội một Barça là tương đối trẻ và đơn giản là không có nhiều khoảng trống cho tất cả các cầu thủ giỏi chen chân vào. CLB nên chú ý ưu tiên, và đáng buồn là đôi khi cũng phải để các cầu thủ giỏi ra đi nếu họ không phù hợp trong đội một vì bất cứ lý do gì. Chúng tôi liên tục nhận được liên hệ từ các CLB khác,đặc biệt là các CLB Anh, những người quan tâm đến các cầu thủ ở đội hình B của chúng tôi.
Guillermo Amor là giám đốc thể thao của hệ thống fútbol base. Vào cuối mùa giải đầu tiên, mùa hè năm 2011, ông nói: ‘Nước Anh là một nước mạnh về kinh tế và họ luôn săn tìm thời cơ để ký các hợp đồng từ đất nước này khi các cầu thủ của chúng tôi mới ở tuổi Cadete (dưới 16). Chúng tôi cũng thông báo cho CLB Anh khi chúng tôi cố gắng ký hợp đồng với các tài năng trẻ tuổi. Chúng tôi sẽ không bao giờ tham gia một cuộc giành giật hay cuộc chiến tài chính với một CLB giải Ngoại hạng Anh vì một đứa trẻ. Chúng tôi chỉ tiếp tục đi theo những nguyên tắc mà chúng tôi đã đặt ra, và trao cho các cầu thủ trẻ, không cần biết cậu ta tài năng đến mức nào, những khoản tiền phù hợp tuỳ thuộc vào độ tuổi của cậu ta’.
Càng nói chuyện với những người của Barça về việc lựa chọn các ngôi sao, tôi càng liên tưởng đến trường hợp đã đưa Pep Guardiola vào đội một. Luis Milla, cầu thủ giữ vị trí chốt chặn trong hàng tiền vệ Barcelona, muốn được trả nhiều tiền hơn và Real Madrid lại muốn anh ta. Rất nhiều thành viên trong ban huấn luyện Barça muốn trả cho Milla số tiền anh cần để giữ anh ta lại. Nhưng Johan Cruyff, HLV trường, thì lại không. ‘Chúng ta sẽ tìm một Luis Milla khác’, ông nói. Và ông ta đã làm đúng như vậy. Barcelona đã thả những cầu thủ trẻ triển vọng cho những kẻ săn mồi và nói, ‘Thật là tiếc. Chúc may mắn. Chúng tôi sẽ đào tạo một người khác tốt hơn’.
Bằng cách đó họ đã kiếm hàng chục triệu bằng cách bán Ruben Rochina cho Blackburn, Romeu cho Chelsea, Jeffren cho Sporting, Bojan cho Roma, Nolito cho Benfica và Victor Sanchez cho Neuchatel một cách nhẹ nhàng.
Một Masia mới
Ngày 20 tháng Mười năm 2011 đánh dấu một cột mốc trong quá trình phát triển của lò đào tạo trẻ Barça. Khu Masia Oriol Tort được ra mắt trong một buổi lễ long trọng, tưng bừng, bù đắp niềm vui và phấn khởi cho sự tiếc nuối khi La Masia cũ kết thúc sứ mệnh bốn tháng về trước.
Khu Masia mới được xây trên nền Ciudad Deportiva Joan Gamper: một bãi tập lớn, hiện đại, ấn tượng mà Pep Guardiola đã chuyển đội một tới vào tháng Một năm 2009. Trong suốt một thập kỷ của tôi ở Barcelona, CLB đã bắt đầu xây dựng, hết vốn, bỏ mặc và cuối cùng cũng hoàn thành một công trình giúp bảo tồn những thành tựu đã đạt được trong lịch sử.
Giờ đây khu Masia mới, một khu nhà ở trị giá 10 triệu Euro, đã được đưa vào sử dụng. Trước khi đóng cửa, La Masia, nằm cạnh sân Nou Camp, chỉ chứa được 12 học viên, với 48 người nữa trong các ký túc xá đi kèm với sân vận động. Giờ đây tất cả 83 cầu thủ trẻ mà Barcelona cung cấp chỗ ở đều cùng chung sống với nhau trong khu công trình phục vụ luyện tập này.
Mỗi căn phòng là nhà ở cho một, hai hay bốn cậu bé và trong khắp ‘ngôi nhà’ đó, cơ sở vật chất dành cho học tập được chú trọng, miễn là tất cả những đứa trẻ ở đó đều tập luyện toàn thời gian.
Vào tối hôm nhận phòng, khi trưởng nhóm cựu học viên và cán bộ tham dự, Andres Iniesta, một người rất có ảnh hưởng ở khu Masia cũ, nhắc lại kỷ niệm của chính anh và nhìn tới tương lai của những cư dân đầu tiên của khu nhà mới.
‘Sự thay đổi của La Masia gợi lại rất nhiều kỷ niệm’, anh nói. ‘Sự phát triển từ toà nhà cũ kỹ từ thời tôi còn ở đó cho đến hiện đại như ngày nay là một bước tiến dài. Điều tôi muốn nói với các chàng trai may mắn được hưởng sự thay đổi này là, ‘Hãy trân trọng việc đến trường mỗi ngày, luyện tập, tất cả những điều đó, vì thời gian trôi qua rất nhanh’ – có thể nói như vậy. Việc phải ở xa gia đình khó khăn đến nỗi có thể khiến các bạn phí mất rất nhiều thời gian. Tôi khuyên các bạn hãy tận dụng từng phút trải nghiệm. Khi cha mẹ tôi gửi tôi tới khu Masia cũ những năm đó, quả thực không có một nơi nào trên trái đất có thể tốt hơn để họ có thể gửi tôi tới.
Để khép lại chương này, không ai có thể phù hợp hơn Pep Guardiola. Vào cuối mùa giải đầu tiên đoạt cú ăn ba trong cương vị HLV trưởng, ông đã được hỏi còn bao nhiêu danh hiệu nữa sẽ đến với đội bóng của ông, với sự khởi đầu phi thường này. Để sắc sảo né tránh câu hỏi mà ông không muốn trả lời, vị thuyền trưởng tốt nghiệp từ La Masia này đã nói: ‘Có một thứ không bao giờ dừng lại ở CLB này, đó chính là cantera’.
Pedro – Đứa con trở về
Có thể đó là vấn đề về văn hoá, nhưng trong suốt 10 năm ở Barcelona, tôi không thể nhớ được có điều gì từ các phương tiện truyền thông làm tôi khó chịu như việc mô tả về Xavi, Andres Iniesta và Deco bằng cụm từ ‘Los Tres Juguetes’ không. Đó là một cụm từ được đặt ra bởi các tờ báo bóng đá ở Catalan. Nó nghĩa là ‘Ba món đồ chơi bé nhỏ’. Đối với tôi, một người Scotland nóng tính, đó như là một sự xúc phạm với ba cầu thủ vĩ đại đó.
Khi Pedro tới, họ lại làm điều đó một lần nữa. Pedri – nghĩa là ‘Pedro bé nhỏ’; hầu hết các cầu thủ đều sẽ phải cố nén giận khi bị gán cho một cái biệt danh như thế. Tuy nhiên, chàng trai đến từ đảo Canary đã đi tới quyết tâm được công nhận bằng chính tài năng của mình.
Giống như trường hợp của Sergio Busquets, những ‘người định giá’ ở fútbol base của Barcelona đã nhất trí rằng Pedro nên được cho mượn, hoặc thậm chí đem bán, ngay trước khi Pep Guardiola giải cứu anh. Pedro khi đó là một trong số ít những cầu thủ đã trải qua mọi thăng trầm cùng HLV.
Chặng đường của anh là thứ vũ khí hiển nhiên nhất, nhưng quyết định của Guardiola đã được minh chứng bởi cái cách mà Pedro đã phát triển, từ gần như không là gì cả, thành một sát thủ máu lạnh có khả năng biến những cơ hội nhỏ nhất thành bàn thắng.
Tôi vẫn nhớ cái cách anh ấy đã đảm nhận vai trò thay thế Fernando Torres trong giai đoạn quyết định của World Cup 2010 dễ dàng như thế nào. Tinh thần và thái độ vui vẻ đã giúp chuyến phiêu lưu cùng đội tuyển Tây Ban Nha nhẹ nhàng như thể ghé qua cửa hàng mua một tờ báo với một gói bim bim vậy. ‘Bán kết, chung kết World Cup ư? Không thành vấn đề, thưa ngài’.
Trong phòng thay đồ của đội tuyển Tây Ban Nha sau khi đội đã diễu hành cùng chiếc cúp, tôi nán lại phía sau, cố gắng không gây sự chú ý trong khi người quay phim của UEFA, Adam Goldfinch, đang ghi hình lại bữa tiệc. Pedro lại gần, đặt một tay lên vai tôi và nói, ‘Cảm ơn vì tất cả’. Không gì ngoài sự thật rằng anh ấy là con người tốt bụng nhất mà bạn có thể gặp.
Cùng nhớ lại trận chung kết Champions League một năm sau Soccer City. Tạm quên đi về kết quả cuối cùng của trận đấu, và quên đi bữa tiệc bóng đã mà Barça đã cống hiến khi họ đã dẫn bàn. Hãy nhớ lại vài điểm dường như đã bị lãng quên: khoảng thời gian đầu của trận đấu đó gần như hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của MU và có vẻ như đội bóng của Guardiola đã gặp phải một phép thử khó nhằn.
Pha bóng mang lại bàn thắng mở tỉ số cho Barça mà Pedro đã ‘nhìn một đằng sút một nẻo’ và làm bẽ mặt Edwin van der Sar, thủ môn của United, đã giải phóng được áp lực tâm lý cho Barça cũng giống như điều mà Samuel Eto’o đã làm với bàn mở tỉ số của anh ở Rome hai năm trước đó. Chính Pedro là người đã xoay chuyển thế cờ.
Cùng với Seydou Keita, Pedro chắc hẳn là cầu thủ khiêm tốn nhất trong đội hình, nhưng sự thăng tiến đáng kinh ngạc từ một ‘hàng thải tiềm năng’ của Barça cho tới nhà vô địch thế giới trong hai năm rưỡi đã trở thành biểu tượng cho cả thời đại Guardiola.