Tóm Tắt Nội Dung
Kể từ Euro 2004, cái tên Ibrahimovic nghiễm nhiên trở thành tiền đạo chủ chốt của Thụy Điển tại mỗi giải đấu lớn. Và thật sự thì tiền đạo sinh năm 1981 luôn tỏ ra bản thân có tố chất của một thủ lĩnh. Anh luôn lên tiếng đúng lúc đội bóng cần mình nhất. Thế nhưng thật đáng tiếc là trong những năm tháng rực rỡ nhất của mình, Ibra luôn phải chứng kiến những thất bại cay đắng của đội bóng quê hương.
Thành tích tốt nhất tại World Cup: Á quân năm 1958 trên sân nhà.
Thành tích tại World Cup 2014: Không tham dự (Không vượt qua vòng sơ loại).
Sau kì Euro 2016 không thành công cùng đội tuyển Thụy Điển khép lại, Zlatan Ibrahimovic đã tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế với tư cách là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất lịch sử đội bóng quê hương. Những tưởng mất mát ấy sẽ khiến đội bóng Bắc Âu đi xuống, nhưng không, sự kết thúc của Ibra lại chính là cánh cửa mở ra một tương lai tươi sáng cho Thụy Điển. Ít nhất là cho tới thời điểm này, chúng ta đã bắt đầu cảm thấy được sự khởi sắc trong lối chơi của đội bóng được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Janne Andersson. Không còn những đường bóng dài hay những quả tạt nhằm tới vị trí của tiền đạo có biệt danh “gã du mục”. Trên hàng công, Marcus Berg chơi cực kì khởi sắc với 8 bàn thắng trong 10 trận ở vòng sơ loại. Nhưng Berg không phải là cái tên đáng chú ý duy nhất của Thụy Điển. Đá cặp với anh trên hàng công là một Emil Forsberg được cả châu Âu thèm khát. Thậm chí ở tuyến dưới, Thụy Điển cũng sở hữu một cái tên chất lượng là trung vệ Lindelof đang khoác áo Manchester United.
Hiện tại chưa thể khẳng định chắc chắn rằng Thụy Điển có hay không có Ibra lợi hại hơn. Nhưng có một điều chắc chắn, đó chính là đội bóng xứ Scandinavi đã không thể vượt qua vòng sơ loại World Cup 2010 và 2014. Nhất là năm 2014, khi Thụy Điển cũng đã rất gần một vé đi Brazil nhưng lại gục ngã tại trận play-off trước Bồ Đào Nha của Ronaldo. Còn năm nay, ít nhất họ không phải xem World Cup qua TV.
Thật là đáng nể khi biết rằng kết quả bốc thăm vòng sơ loại không mấy ủng hộ Thụy Điển. Họ phải nằm chung bảng với những cái tên sừng sỏ như Pháp và Hà Lan. Đặc biệt là sau trận thua Pháp 2-1 ở loạt trận thứ 4, những người hâm mộ lạc quan nhất cũng khó có thể tin rằng đội bóng con cưng của họ có thể gượng dậy.
Thế nhưng Thụy Điển lại không hề gục ngã. Họ đánh bại Pháp 7 tháng sau đó và tiếp tục nuôi hi vọng bám đuổi đội bóng áo lam. Thời cơ cuối cùng cũng đã đến khi Hà Lan – đối thủ cạnh tranh một vé vớt với Thụy Điển – thua tan nát 4 bàn không gỡ trước Les Bleus. Cũng phải nói, Thụy Điển đã chơi rất tốt trước 3 đội bóng còn lại của bảng đấu là Bulgaria, Belarus và Luxembourg. Trong khi đó, một Hà Lan già cỗi và không có thế hệ thay thế xứng đáng đã liên tục để mất điểm một cách đáng tiếc. Lượt trận cuối cùng, Hà Lan buộc phải thắng chính Thụy Điển với cách biệt 7 bàn để đi tiếp. Robben và các đồng đội cũng đã nỗ lực hết mình nhưng cũng chỉ có chiến thắng 2-0. Thụy Điển giành vé vớt xứng đáng.
Lá thăm may rủi của lượt play-off lại một lần nữa làm khó đội bóng Bắc Âu khi bắt họ chạm trán với một Italia đầy già dơ. Thế nhưng, Thụy Điển đã chơi cực kì hay để giữ sạch mành lưới sau 180 phút lượt đi và về. Cộng với bàn thắng duy nhất ở trận lượt đi tại Stockholm, Thụy Điển giành vé tới Nga cực mà không cần sự góp mặt của Ibrahimovic.
Thế nhưng, số phận vẫn chưa chịu buông tha Thụy Điển khi bắt họ chung bảng F tại World Cup cùng Đức, Hàn Quốc và Mexico. Đây được coi là bảng đấu cực khó khi Đức quá mạnh còn 2 đối thủ còn lại cũng không dễ bắt nạt. Thế nhưng, một đội bóng đã có đủ bản lĩnh vượt qua được cả Hà Lan và Italia thì cũng hoàn toàn có thể tạo ra một bất ngờ trước bất kì đội bóng nào.