Tóm Tắt Nội Dung
Trong chiến dịch vòng sơ loại World Cup khu vực châu Á, Iran không phải là đội bóng được đánh giá cao nhất, nhưng lại kết thúc ở vị trí cao nhất. Tại Nga hè năm nay, một lần nữa họ rơi vào thế khó nhưng liệu Iran có một lần nữa “cái khó ló cái khôn” hay không?
Thành tích tốt nhất tại World Cup: Bị loại ở vòng bảng các năm 1978, 1998, 2006, 2014.
Thành tích tại World Cup 2014: Bị loại ở vòng bảng.
Trong đội hình của Iran hiện tại, ngôi sao sáng nhất nằm trên băng ghế chỉ đạo. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha Carlos Queiroz từng nhiều năm làm trợ lí cho Alex Ferguson ở Manchester United. Sau khi rời đội bóng quê hương năm 2010, ông quyết định nghỉ ngơi 1 năm trước khi lên nắm quyền tại Iran. Kể từ đó tới nay, ông đã 2 lần liên tiếp giúp đội bóng của mình lọt vào vòng chung kết World Cup. Chắc hẳn mọi người vẫn không thể quên được đội bóng vùng vịnh đã từng làm khó các chân sút trứ danh tới từ Argentina 4 năm về trước, và chỉ chịu thua trước sự xuất sắc của Messi. Đó cũng chính là tôn chỉ huấn luyện của Queiroz – xây dựng một đội bóng chắc chắn về phòng thử trước khi tìm đường vào lưới đối phương.
Do nằm trong danh sách những đội hạt giống, Iran được miễn thi đấu vòng sơ loại đầu tiên. Họ bắt đầu hành trình tìm kiếm một vé dự World Cup bằng việc nằm chung bảng với Oman, Turmenistan, Guam và Ấn Độ ở vòng sơ loại thứ hai. Không tốn quá nhiều sức lực, Iran đã nhẹ nhàng giành ngôi nhất bảng với 6 chiến thắng và 2 trận hòa. Ngôi nhất bảng cũng giúp các học trò của Carlos Queiroz thẳng tiến vào vòng sơ loại thứ ba, nơi có tất cả 12 đội chia làm 2 bảng. Chỉ 2 đội có thành tích tốt nhất mỗi bảng mới có quyền giành một vé trực tiếp. Và đương nhiên trong bảng đấu của mình, họ được đánh giá thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc – đội bóng của Heung Min Son. Họ được cho là sẽ chỉ cạnh tranh một vé còn lại với Qatar – đội chủ nhà của World Cup 2022 và Uzbekistan.
Những khó khăn đã đến với Iran ngay ở lượt đấu thứ hai. Họ bị Trung Quốc – đội bóng được đánh giá thấp hơn rất nhiều – cầm chân với trận hòa không bàn thắng. Thế nhưng chỉ một tháng sau, các học trò của Carlos Queiroz đã làm nên cơn địa chấn khi đánh bại Hàn Quốc với tỉ số 1-0 nhờ bàn thắng duy nhất của Azmoun ở phút 25. Thắng lợi này là bước ngoặt lớn của cả bảng đấu, khi Iran chính thức leo lên ngôi đầu bảng và ngạo nghễ thách thức những đối thủ còn lại của họ. Trong 4 trận đấu kế tiếp, họ thắng 3 và hòa 1 qua đó đã gần như chính thức giành vé tới Nga. Ở trận tái đấu với đội bóng xứ sở kim chi ở lượt áp chót, Iran cũng không để thua khi có một kết quả hòa 0-0. Trận đấu cuối cùng, Iran để Syria giành 1 điểm nhưng điều đó cũng đã không còn quá quan trọng khi đội bóng vùng vịnh đã chính thức có mặt tại Nga hè 2018.
Trước vòng sơ loại thứ ba, khó ai có thể tin Iran lại vượt mặt Hàn Quốc để giành ngôi nhất bảng. Thế nhưng, họ đã làm được với sự kỉ luật cao bắt đầu từ khâu phòng ngự. Chỉ thủng lưới 2 bàn sau 10 lượt trận là minh chứng rõ nét nhất cho sự kỉ luật đó.
Sau khi đã vượt khó ở vòng sơ loại, tại vòng chung kết World Cup Iran sẽ lại một lần nữa phải nỗ lực hết mình để tái lập kì tích. Họ nằm chung bảng B với hai ông lớn đến từ bán đảo Iberia: Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chưa kể, đối thủ còn lại là Morocco cũng không phải là đội bóng dễ bắt nạt. Rõ ràng tài năng của Carlos Queiroz trên băng ghế chỉ đạo là không đủ khi những quân bài trong tay ông hầu như không có nhiều sức nặng.